Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2019

Nhà văn Văn Chinh : Ngụ cư là một tiểu thuyết thành công.


                                         NHỮNG MẢNH VIỆT GHÉP Ở XỨ NGƯỜI
                                                                   Nhà văn Văn Chinh, báo Văn Nghệ 12/2017.  
      
          Tôi gặp ông Nguyễn Chiến Thắng lần đầu tại một quán bar ở Phan Bội Châu, chúng tôi có người bạn chung là Nguyễn Khắc Phục. Hôm ấy Phục đãi rượu Cointreau, nhắm với món cũng rất đặc biệt và đặc trưng Nguyễn Khắc Phục, là kể câu chuyện người Thái Bình từng bơi thuyền sang mạn Hongkong vào mùa sương giá mò sò huyết trộm. Tại sao phải đi vào mùa sương giá, vì từ đó về đến Thăng Long phải kể hàng tháng; chỉ trong khí lạnh sò huyết mới còn tươi trong miệng thực khách. Lý Thường Kiệt nhân việc dân sự, mới nghĩ ra chiến thuật cho quân giả làm dân mò sò huyết che xung quanh bè luồng Thanh chở voi chiến, khi voi lên bờ thì khiến quân địch tưởng là thiên binh thiên tướng, chưa đánh mà tự vỡ trận.

        Trong hương vị Cointreau, còn một ấn tượng nữa là tên cuốn sách “Chú Tư, con là ai?”của Nguyễn Chiến Thắng. Nó gợi về những thân phận sinh ra trong chiến tranh, li loạn và tha hương cầu thực. Ai từng đọc nó, như bây giờ đọc “Ngụ cư” (ký tên là Thăng Sắc) lại biết thêm, tác giả của chúng đã từng làm Đại sứ tại Angeri, Pháp và Campuchia thì dễ nhận ra diện mạo tinh thần của nhà văn: Nặng lòng với những đồng bào xa xứ. Ở Ngụ cư, tác giả để tâm quan sát những người Việt, do các lý do khác nhau mà bị văng ra khỏi đất mẹ rồi vì sinh kế, tụ lại với nhau thành những cộng đồng nhỏ, làm nên những mảnh Việt và ngược lại, qua đó để thêm một góc nhìn về đất nước con người Việt.

        Ngụ cư có thể đọc liền mạch, trong đêm. Vì rất ly kỳ, lối viết cổ điển, dễ đọc; ông lấy bằng Thạc sĩ Văn chương tại Pháp, nhưng viết là Ăng-đrây và Vác-sa-va mỗi khi nói đến tên người tên đất. Hẳn ông ngụ ý rằng, tôi dùng tiếng Việt, cái nhìn Việt – tĩnh để đọc sự phức hợp, đa diện về các trục chuyển động của thế giới?

Dẫu sao, đó cũng là yếu tính của bản lĩnh chính trị thời hội nhập, nó quan trọng như sự lấy đà trước khi nhảy lên hay nhảy khỏi tầu điện; tôi nghĩ thế!

Phẩm chất làm nên tư thế đại sứ ấy cũng giúp ngòi bút Nguyễn Chiến Thắng đọc vị sự vật được khách quan. Chỉ qua Bùi Khoái, kỹ sư sức bền vật liệu, dạy ở Đại học Bách khoa chỉ vì năng động, muốn vừa nghiên cứu vừa sản xuất hàng hóa lập tức bị một tay cơ hội chính trị là Trịnh Hùng giã cho tơi bời bằng các lý luận xơ cứng thành thân bại danh liệt mà văng sang Tiệp – chỉ với Bùi Khoái, một thời, một mảnh đất nước hiện ra mồn một. Oái oăm và nhất là thú vị là, kẻ cơ hội ấy sau này cũng du học, trở thành có vai vế, có tiếng nói trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhưng quanh Khoái có hai nhân vật cùng để lại ấn tượng hơn, là ông anh ruột Bùi Khoai và Trần Đại, cựu bí thư chi bộ Trường Đại học Bách khoa. Sớm nhận ra phẩm chất và năng lực của Bùi Khoái, đã ủng hộ anh nhưng không thể kết nạp anh, không thể bênh vực lẽ phải thuộc về anh vì “nó khác với lý luận hiện thời”; ông Trần Đại rồi cũng phải đi dạy học ở Angeri, khi về mang bột zan-ta-mi-  xin bị Hải quan bạn lột sạch; trở sang cũng phải mang đồ Thái sang bán bên Ba Lan để cải thiện, “cũng chẳng được bao nhiêu đâu Khoái ạ, chỉ để bù vào tiền vé đi về”. Ông nhận từ Bùi Khoái mấy trăm đô, trong phiên chợ chiều hàng ế - chi tiết thật bùng nổ, ngậm ngùi. Còn ông Đại tá ăn lương tướng của anh, ông Bùi Khoai thì vẫn ở trong ngôi nhà do bố mẹ để lại, không có toilettes tự hoại – mong muốn trước mắt là “xây lại nhà, có toilettes, có phòng riêng cho mỗi khi chú với con Thu về thăm quê.” Diễn biến tâm lý Bùi Khoai trước tình yêu và hôn nhân của cô con gái duy nhất thật tinh tế và phức tạp. Hoàng Thu yêu Duy Tuấn, con trai của cựu Trung tá VNCH Lê Liêm. Ông khùng lên vì con không những yêu con kẻ địch cũ, lại là Việt kiều Mỹ mà còn vì trong đáy sâu mặc cảm về sự giàu nghèo, ông sẽ không được “tụi nó coi trọng.” Cắt nghĩa một tâm thế phức tạp của xã hội mà viết thật nhẹ nhàng, với các lời thoại không thể giản dị hơn; ở chỗ này, phương thức cổ điển đã không khác so với siêu thực về sức biểu đạt của ẩn dụ.

        Ai đó nói, châu Á có bốn chủng người rất giỏi ứng biến với hoàn cảnh lạ, có thể so với Do Thái ở châu Âu là Jopon, Koreo, Hán và Việt. Bùi Khoái là ví dụ minh chứng. Vỡ nợ do cú lập xưởng sản xuất săm lốp bị quy là CNTB, để lại cô vợ bệnh tim và sắp đến tháng đẻ; anh phải vay nợ lãi cao để sang Tiệp làm đội trưởng lao động xuất khẩu. Cũng là do ông Trần Đại, mặc dầu sống nghiêm cẩn với quy định, nhưng từ trong lương tri, ông vẫn nhận ra cái “không phải’ của mình với Khoái, cú đi Tiệp của Khoái là ông đền bù cho anh. Khoái đã hai lần giàu có rồi hai lần tay trắng. Lần đầu ở Tiệp, là khi Khoái gom tiền để về nước. Cái logic tâm lý của người Việt là Khoái sẽ “áo gấm về làng’ để mặn này bõ nhạt xưa. Nhưng số phận không muốn vậy. Lòng tốt đi cùng sự nhẹ dạ, nhẹ dạ đến thành một thứ bệnh, bệnh vô lý của người Việt: “Trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Ấy là anh đã muốn “cải huấn” tính cách kẻ khác bằng cách cho bốn tên đạo tặc, chuyên dí súng đòi nộp tiền vào ở nhờ nhà mình; lại như một thứ dĩ độc trị độc. Hậu quả của sự vô lý là Đẻn và Sơn đã nhân dịp anh vắng mặt lâu ngày để hót sạch 6 - 7 năm lăn lộn trên thương trường tích cóp chứa trong két sắt. Bọn lưu manh này rất quái, chúng đã mượn thuộc tính không hiển thị địa chỉ của điện thoại di động để tạo chứng cớ ngoại phạm, là nói đang ở rất xa “nhà”. Lần thứ hai cũng lại là một “canh bạc vét” để về nước, dốc vốn buôn hàng lậu. Lần này thủ phạm là tay lái xe Ba Lan tên Mi- rêc, bạn làm ăn đã trở nên thân thiết với Khoái. Hắn tạo ra hiện trường giả, nói là hàng lậu bị công an tóm và tịch thu hết. Cả hai cách trấn lột đều là sản phẩm của giới giang hồ, buôn lậu; ở xứ lạ, cách để biện hộ cho hành vi cũng là của những người không cùng ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa và luật pháp.

Khi bị bứng khỏi xứ sở, tục lệ làng xã; sống ở nơi ít bị ràng buộc khỏi hệ thống quản trị cũng như các ước lệ xã hội sở tại, con người dễ bộc lộ bản chất và dã tâm. Chẳng cứ bọn Đẻn, Sơn chuyên sống bằng chấn lột vì biết cảnh sát ít quan tâm đến xã hội ngoại kiều nếu không khai báo, đến cả Ăng-đrây, sĩ quan đặc nhiệm của Nam Tư, khi thể chế trở nên hỗn độn thì vượt biên mà trở thành một trùm băng đảng xã hội đen chuyên bảo kê kiếm tiền. Chi tiết Ăng-đrây giúp Khoái giải cứu vợ Sơn Tùng khỏi lũ bảo kê, bắt cóc người để đòi nợ thuê cho một soái khác thật ly kỳ như một trường đoạn của phim hành động Mỹ. Chưa chết người, nhưng trên thương trường ấy đã đổ máu, vợ Sơn  Tùng được giải cứu, nhưng bị chặt một ngón tay – luật rừng đã đóng dấu vĩnh viễn trên số phận cô, đóng đinh vào tâm can người đọc. Ngay Thực, anh nhân viên phụ trách nhà khách, chỉ là chân “sống nhờ” dân buôn lậu, tại xứ người cũng trở nên trắng trợn vì cái mặt nạ đạo đức khiến trở nên vướng víu, hắn đã vứt toẹt đi. Một kiểu thực dân khác, nhỏ thôi và cũng là điển hình cho căn bệnh mới nhiễm, ấy là lợi dụng thói cửa quyền, bất cứ ai nhờ y, Thực cũng nhờ lại một việc sinh lợi: Mua giúp hàng, lại gửi chính kẻ mua giúp bán hộ; hay gửi hàng (bằng) nước bọt về nhà…Những ai sống bằng thùng hàng của thân nhân lưu vong, bất kể là kiểu Lê Liêm, Bùi Khoái, Sơn Tùng  hay Trần Đại, Trịnh Hùng, Thực…không thể không rơi nước mắt xót thương.

        Nhưng ở Ngụ cư, không chỉ có những mảnh Việt vụn vặt xấu xí ghép lại. Cuốn sách gây hứng khởi người đọc nằm trên chiều ngược lại. Đó là ý chí và trí lự người Việt nằm ở những Bùi Khoái, Nguyễn Bách đã trở thành hạt nhân cho những mảnh Việt châu tuần và được dẫn dắt. Nguyễn Bách vốn là sinh viên trong nhóm lập xưởng sản xuất săm lốp cùng thầy Khoái năm xưa, đã sang Ba Lan trước thầy, thầy trò gặp nhau oái oăm và cảm động. Khi trắng tay ở Tiệp, không chịu về nước như một kẻ bại trận, Khoái đã trốn trong thùng xe chở hàng lạnh sang Ba Lan để từ đó anh cầm thư giới thiệu nhờ vả của người môi giới mà đến gặp soái Nguyễn Bách. Bằng sự giúp đỡ của Bách, bằng ý chí của anh, Khoái đã đi từ chủ nhỏ đến chủ lớn, đi từ điểm lập nghiệp tỉnh nhỏ đến Warszawa. Cố nhiên, nhờ tính cách cởi mở chân thành – một nét tính cách Việt khá đậm đặc nơi mỗi người lưu vong (khác với u trầm, kín đáo của người Hán, người Jopon), Khoái được người bản xứ, gồm cả quan chức và thường dân yêu trọng, hết sức giúp đỡ. Tất cả đã biến trí lự của Khoái từ ý tưởng làm kho cho người Việt thuê chứa hàng chợ đến hiện thực rồi thành công, đưa anh có chân trong hàng ngũ soái.

Trở lên, tôi mới “vẽ” bộ xương của truyện. Da thịt của truyện tươi tắn với những chi tiết hiện thực, những lời thoại của nhân vật đúng là của nó; cùng với các mối quan hệ tình yêu công sở, tình yêu – làm ăn, các mối quan hệ với người bản xứ xấu, bản xứ tốt mà tác giả quen thuộc, thấu hiểu khiến nó sinh động như chính cuộc sống. Đọc Ngụ cư, như được xem một phim tài liệu nghệ thuật về đất nước thu nhỏ mấy chục năm qua. Tôi không nói Ngụ cư hay nhất, nhưng là một tiểu thuyết thành công, nó góp phần tạo cảm giác 2017 là năm mùa văn học bội thu, mập mẩy. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét