NGỤ CƯ
NXB Hội Nhà văn, 2017
Chương 13
Hoàng Thu ngồi trong phòng, nóng ruột đợi bạn
trai đến đón ra sân bay Sác Đờ-gôn để cùng anh bay chuyến tối đi San Fran-xít-xcô.
Đây là một chuyến đi dài cô hằng mong đợi,
cũng là bước đi quyết định trong chuyện tình cảm của cô. Căn phòng cô đang ở là một căn phòng
áp mái của ngôi nhà 4 tầng trong phố Phăng-tanh La-tua ngay cạnh sông Xen của
thủ đô Pa-ri hoa lệ. Những người có điều kiện thuê được một gian áp mái như
Hoàng Thu thật không nhiều bởi vì ở nhà áp mái là một cái mốt thơ mộng của sinh
viên nghèo và của những ai đang lập nghiệp giữa chốn đô thị phồn hoa này. Có tiếng bước chân giẫm lên cầu thang gỗ kêu cọt
kẹt. Đó là chiếc cầu thang cũ kỹ đã bạc thếch lượn vòng vèo dẫn lên tầng. Không
phải là đôi tai thính mà là con tim đang yêu của Hoàng Thu đã nhận ra ngay tiếng
bước chân của Duy Tuấn, người yêu cô, những bước chân nhanh nhẹn đặt lên nền gỗ,
nhẹ nhàng nhưng đầy tự tin. Hoàng Thu vội mở cửa, đã thấy anh đứng đấy, tay cầm
một bông hồng vàng tươi rói.
- Một tí nữa mình đi, anh còn mua hồng
làm gì. Mình đi rồi ai sẽ thay nước cho hoa !
Tuy nói vậy nhưng Hoàng Thu vẫn đưa cả
hai tay đón lấy bông hồng, khẽ chạm đôi môi mọng đỏ vào những cánh hoa vàng
thơm man mác. Nhìn cử chỉ vui sướng của người yêu, Duy Tuấn nói, giọng ấm và
vang :
- Nếu thích thì em có thể cầm theo lên
máy bay.
- Em thích lắm, mình cầm theo nhé.
Đặt bông hồng vàng lên chiếc va li kéo
màu boóc-đô nhỏ nhẵn, Hoàng Thu quay ra níu vai người yêu xuống để hôn lên môi
anh một cái chụt. Duy Tuấn nói :
- Mỗi một cái hôn của em ngọt như một
miếng sô-cô-la Thụy sĩ.
Quả thật họ đã yêu nhau quá ngọt ngào.
Cách đây ba năm, sau khi tốt nghiệp môn thiên văn ở Ca-li-phoóc-ni-a, Duy Tuấn
cùng các bạn người Mỹ đi Pa-ri nghỉ hè. Ngồi ở một tiệm cà phê gần vườn hoa Lúc-xăm-bua,
Duy Tuấn bất thình lình giáp mặt một cô gái châu Á nhỏ nhắn, xinh tươi và anh cứ
tròn xoe mắt nhìn cô. Chiếc khăn Ý màu xanh chít đầu vẫn để rơi trên trán một mớ
tóc đen duyên dáng, cơ thể con gái tuyệt đẹp gọn gàng trong chiếc tạp dề màu đỏ
nhạt, cô gái nhanh nhẹn mang cà phê đến các bàn, tay đặt cà phê xuống thì miệng
cười rạng rỡ. Cô gái không biết rằng Duy
Tuấn đã ngồi im lặng ngắm cô rất lâu, say mê như kẻ bị hút hồn. Mỗi khi cô gái
bước ngang qua chỗ Duy Tuấn, không khí quanh cô lại rung lên nhè nhẹ và tỏa ra một mùi thơm đặc biệt
quyến rũ, làm cho tim anh đập rộn lên, đến
mức các bạn giục đi thì anh đã bỏ họ để ngồi lại, lúng túng tìm cách làm quen.
Khi biết cô gái là người Việt Nam, Duy Tuấn reo lên mừng rỡ :
- Tôi cũng là người Việt Nam. Chúng ta
đồng hương rồi.
Đến lúc ấy cô gái mới để ý tới anh
chàng người Việt mặc áo thun trắng, cao có đến 1 mét 8, to khỏe vạm vỡ nhưng
nét mặt hiền khô. Nhân lúc vắng khách họ ngồi nói chuyện, hỏi tên nhau, khoe
chuyện học hành và sở thích, cho nhau số điện thoại, càng nói Duy Tuấn càng bị
thu hút bởi cô gái. Kể từ sau hôm ấy, buổi tối nào Duy Tuấn cũng gọi điện cho
Hoàng Thu, lúc thì nói anh đang đi Nít-xơ, lúc thì kể đang trong hầm rượu ở Boóc-đô.
Đến cuối tháng 7, trước ngày trở về Mỹ, Duy Tuấn gọi điện nói :
- Em thật may mắn có cả một mùa hè nước
Pháp quá tuyệt vời.
Hoàng Thu cười khanh khách trong máy :
- Em chạy bàn suốt cả mấy tháng hè để
kiếm thêm tiền, lấy đâu ra mùa hè tuyệt vời.
- Ồ, anh xin lỗi. Nếu anh ở lại một tuần
mời em đi nghỉ ở đâu đó em thích thì có nhận lời không ?
- Anh tốt quá nhưng em chưa thể nhận lời
được.
- Vậy cho anh mời Thu đi ăn tối nhé.
Duy Tuấn tỏ ra thật sự hạnh phúc khi
Hoàng Thu đồng ý. Họ đã ngồi với nhau đến khuya bên bờ sông Xen, hưởng những
làn gió mát rợi từ sông thổi lên, ngắm những con tàu du lịch chở đầy khách vui
vẻ qua lại trong tiếng nhạc rộn rã và ánh sáng màu sắc chói lòa. Khi đứng lên,
Duy Tuấn nắm chặt tay người bạn gái mới quen, nói chân thành :
- Về Mỹ anh sẽ xin sang Pháp làm việc
để được gần em. Mấy hôm vừa rồi anh đã tìm hiểu, anh có thể xin vào Viện Trái đất
và Vũ trụ ở Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia của Pháp.
Hoàng Thu những tưởng đó chỉ là một
câu tán suông trong lúc bốc đồng, cô không ngờ rằng khi trở về Mỹ, hầu như ngày
nào anh cũng gọi điện cho cô. Vào một hôm mùa đông tuyết rơi, anh báo cho cô đi
đón anh ở sân bay. Anh hiện ra trong đám đông, tóc đen bồng bềnh, cổ quấn chiếc
khăn len nâu, mắt đeo kính cận đang dõi tìm. Hoàng Thu chạy ùa lại ôm choàng lấy
anh, đón nhận tình yêu đến như trong mơ. Trong vòng tay Duy Tuấn, Hoàng Thu ngước
lên khẽ hỏi bằng một câu tiếng Anh :
- How are you feeling ?
- I feel completely in love
Duy
Tuấn trả lời nhẹ nhàng như thổi vào tai Hoàng Thu khiến hai má cô đỏ bừng
ngượng ngịu.
Đợi đến mùa hè năm 2003, khi Hoàng Thu
tốt nghiệp được một năm và cũng xin được việc làm ở Pháp, họ đã suy nghĩ nghiêm
túc đến hôn nhân. Duy Tuấn muốn tranh thủ kỳ nghỉ để đưa người yêu về Mỹ giới
thiệu với bố, rồi sau đó cùng về Việt Nam ra mắt gia đình nhà vợ tương lai. Hoàng
Thu cùng người yêu ra sân bay, tin vào quyết định yêu đương của mình nhưng cũng
không khỏi lo lắng. Đã có lần Duy Tuấn nói với cô bố anh nguyên là một sĩ quan
quân đội Việt Nam Cộng hòa. Khi nghe anh rất hồn nhiên nói về quá khứ của ông
thì Hoàng Thu có ngay một nỗi thắc thỏm
lo âu. Bởi vậy, bước lên máy bay, cô do dự hỏi
:
- Anh à, liệu bố có chấp nhận cho anh
cưới con gái một người cộng sản không ?
Đối với Duy Tuấn, chuyện những người bố
có là cộng sản hay không cộng sản thật chẳng có ý nghĩa gì. Từ bé đến lớn chỉ
biết có sách vở, lúc nào cũng sống trong tình thương yêu bao bọc của bố, lại
chưa bao giờ trở về Việt Nam, với anh cái gì cũng đều dễ dàng và thuận lợi. Bởi
vậy Duy Tuấn không cảm nhận được nỗi lo lắng của người yêu, cứ vô tư trả lời :
- Lo gì, mọi cái sẽ tốt mà. Anh đã nói
chuyện với bố về em từ lâu. Ông mừng lắm, đang mong đợi chúng mình.
Máy bay Air France cất cánh đúng giờ, chẳng mấy chốc đã đưa hành khách
bay vào không trung bao la. Trời bắt đầu tối, trong tiếng nhạc êm đềm của phi
hành đoàn phát ra, Hoàng Thu tựa vào vai Duy Tuấn, mắt nhìn qua cửa sổ, thích
thú ngắm những vì sao lung linh trong
đêm, thật là một khung cảnh lãng mạn. Những ý nghĩ êm ái về một lễ cưới ru cô
nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ. Nghe tiếng thở đều đều của Hoàng Thu, Duy Tuấn gọi
tiếp viên lấy một chiếc chăn mỏng đắp lên người cô, còn anh lấy cuốn sách “Phố
phường Hà Nội xưa” của Hoàng Đạo Thúy ra đọc, ở trang đầu có ghi lời tặng : “Hãy
đọc và hình dung ra quê hương mình, người yêu nhé”.
Sau hơn 10 tiếng bay, đôi uyên ương đến Ca-li. Ông Lê Liêm, bố Duy Tuấn lái xe ra
tận sân bay đón hai người. Ông đứng yên một chỗ, hai tay chắp sau lưng chờ các
con đi tới, miệng hé cười, không lạnh lùng, cũng không hồ hởi. Đó là một người
đàn ông khỏe mạnh, săn chắc so với tuổi, đầu cắt cua, áo ti-sớt trắng, quần
ka-ki xám, chân đi giày Nai xám. Từ xa, Duy Tuấn đã giơ tay vẫy ông và reo to
“Ba, con đây” còn Hoàng Thu không giấu nổi vẻ ngượng ngùng, khẽ cúi đầu chào :
- Cháu cháo bác ạ. Bác đợi đã lâu chưa
?
Bố Duy Tuấn nói giọng miền Nam đặc sệt
:
- Bác mới tới, hổng có lâu đâu con. Để
bác kéo va li cho con.
Ông nhanh chóng dẫn mọi người ra bãi đỗ,
dừng lại trước một chiếc xe sơn vàng, dáng khỏe khoắn. Hoàng Thu kêu lên :
- Ôi, chiếc xe của bác to quá.
- Bác xài xe Mỹ không à, đâu có nhỏ
như xe Nhật. Đây là chiếc Plai-mao cũ, bác mua từ lúc thằng Tuấn mới vô đại học.
Xe cũ rẻ ốm nhưng xài còn tốt chán, phải cái xăng dữ. Bác cưng nó lắm, nó là
“chiến binh gió” đi khắp nước Mỹ của bác đó.
Mở chiếc cánh cửa nặng chịch, Hoàng
Thu vẫn chưa hết ngạc nhiên khi thấy bên trong xe có thể gọi là rộng thênh
thang, ngồi thật thoải mái. Đúng là chiếc xe còn rất tốt, khi lên tới cao tốc số
101 để về Fô-xtơ Xi-ty, ông bố của Duy Tuấn phóng tới xấp xỉ 120 cây số giờ mà
rất êm, một tay ông cầm vô-lăng, một tay gác lên thành cửa trông thật ra dáng
thể thao. Hoàng Thu ngồi ghế dưới nên có thể thỉnh thoảng liếc nhìn ông, thầm
nghĩ một người rất đàn ông như thế kia làm sao có thể gà trống nuôi con nơi đất
khách quê người từ bao nhiêu năm ròng rã, làm sao có thể đem hết tình yêu
thương dồn cho Duy Tuấn, nuôi dạy chăm bẵm anh từ tấm bé cho đến khi học hành đỗ
đạt.
Ông Lê Liêm để mấy ngày đầu cho hai đứa
“con nít” nghỉ ngơi, ông gọi Duy Tuấn và Hoàng Thu là hai đứa con nít một cách
đầy trìu mến như thế. Vì lệch giờ, Hoàng Thu thường ngủ ngon lành một giấc trọn
vẹn cả buổi sáng, đến khi tỉnh dậy mặt trời đã chói lòa rực rỡ khắp khu vườn nhỏ của ông Lê
Liêm. Duy Tuấn ngồi ở chiếc ghế sắt sơn trắng trong vườn, vẫn cắm cúi đọc cuốn
sách về Hà Nội.
- Em dậy rồi à, có mơ thấy gì không ?
- Có, em có một giấc mơ.
- Là giấc mơ gì ?
- Em mơ thấy cùng anh về quê Thủy
Nguyên, Hải Phòng.
- Chuyện đó là thật, đâu còn là mơ nữa.
Không thấy ông bố Duy Tuấn trong nhà,
Hoàng Thu hỏi :
- Ba đâu rồi ?
- Ba đi siêu thị mua đồ.
Hoàng Thu véo tai người yêu :
- Chết này, thế mà không gọi con dâu dậy
đi cùng ba.
- Ba bảo ăn trưa xong sẽ đưa mình đi Tiểu Sài Gòn chơi.
Vừa lúc đó có tiếng máy nổ ròn rã của
chiếc Plai-mao, Duy Tuấn biết ngay là xe của bố đã về. Ông Lê Liêm mở cóp xe, lấy
ra hai giỏ đầy đồ ăn và hoa quả tươi. Hoàng Thu chạy lại đỡ, nũng nịu trách :
- Làm sao bác không gọi cháu đi cùng
bác !
- Con còn buồn ngủ nên bác để con ngủ
thêm. Cơm trưa xong bác đưa con đi chơi.
- Anh Tuấn nói với con như vậy rồi. Giờ
bác để con sắp bữa trưa nhé.
- Con biết làm món gì ?
Hoàng Thu cười bẽn lẽn :
- Thật tình thì con chỉ biết nấu nồi
cơm điện và rán trứng, luộc rau thôi ạ. Ở Pa-ri con thường ăn ở nhà ăn sinh
viên, đến khi đi làm thường mua đồ ăn sẵn.
- Thế cho tiện. Ở đây bác cũng làm rứa
thôi.
Ông Lê Liêm nói đỡ đi cho Hoàng Thu khỏi
băn khoăn, ông không muốn để cô con dâu tương lai vừa đến đã phải vào bếp. Ông
đã mua sẵn con gà rán, giờ chỉ cần trộn thêm đĩa xa-lát là coi như xong bữa
trưa. Điều thú vị đối với ông, cũng là điều ông đã chờ đợi từ khi Duy Tuấn bảo
anh sẽ đưa người yêu về trong hè này, là ông sẽ có dịp trông nom chăm sóc
chúng, nấu cho chúng những món mà chúng thích, cả nhà quây quần quanh một bữa
ăn ấm cúng, điều ước đơn giản nhưng khó có dịp làm được. Kể từ khi Duy Tuấn bỏ
sang Pháp với Hoàng Thu, hàng ngày ông ăn uống rất thất thường, có khi chỉ lát
bánh mỳ ngồi trước vô tuyến, vừa ăn vừa xem mà chẳng biết mình ăn gì, vô tuyến
nói gì. Vào những buổi chiều xuống, cả cái khu dân cư thưa thớt và cách biệt của
ông bỗng trở nên vắng lặng kinh khủng, không có mấy tiếng ô tô ra vào, kể cả tiếng
mấy con sóc đuổi nhau trên cây thông ngoài mép đường cũng im bặt. Ngồi một mình
trong ánh sáng chập chờn buổi chiều tối, một lon bia mát lạnh trong tay, mắt
đăm đắm nhìn mấy cái ô cửa sổ nhà hàng
xóm lên đèn, ông Lê Liêm cảm nhận thấm thía nỗi cô đơn, một nỗi cô đơn đến tận
cùng.
Bữa cơm trưa được dọn ra ngoài vườn,
dưới bóng mát một cây to lá xanh rờn như lá cây long não. Nhìn bãi cỏ xanh được
cắt tỉa phẳng lì như thảm nhung, Hoàng Thu hỏi :
- Ai cắt cỏ cho bác mà đẹp thế ?
- Bác chớ ai. Bác có cái máy xén nhỏ nhưng rất khỏe.
Ông Lê Liêm kéo Hoàng Thu tới nhà kho,
chỉ cho cô thấy chiếc máy cắt cỏ hiệu Sô-ny màu đỏ. Ông vui vẻ nói :
- Vậy thôi chớ trông nom bảo dưỡng cái
nhà này sức bác vẫn còn làm được. Ở đây cái gì cũng xài tiền không à, chữa cái
vòi nước trăm đô, chữa cái ổ điện năm chục,
mình không ráng làm lấy thì tốn kém lắm.
Cơm trưa xong mọi người không nghỉ mà
đi ngay đến Tiểu Sài Gòn. Đã quá 3 giờ chiều nhưng trời vẫn nắng đẹp. Ông Lê
Liêm bảo với Hoàng Thu :
- Con cứ yên tâm thăm thú cho đã, ở
đây tối muộn lắm. Mình sẽ vô tiệm ăn cơm chiều, khỏi phải lo nấu nướng bếp núc
gì.
Khi ở Pa-ri, Hoàng Thu đã xem nhiều đoạn
băng về Tiểu Sải Gòn, bây giờ được đến tận nơi cô thấy vô cùng thích thú, không ngừng ngạc nhiên
trước một khung cảnh vừa quen thuộc vừa mới lạ. Đã có một lần đi qua Sài Gòn, đấy
là lần quá cảnh sân bay Tân Sơn Nhất để đi Pháp. Hôm ấy máy bay muộn khá nhiều
giờ nên cô được đưa lên xe buýt đi dạo phố. Người ta cho thăm chợ Bến Thành là
chính, những nơi khác như đường Nguyễn Huệ, bến Nhà Rồng…thì tất cả ngồi trên ô
tô đi lướt qua. Cảm nhận của Hoàng Thu lúc ấy chỉ là một Sài Gòn xô bồ, lộn xộn
nhưng thật nhộn nhịp và vui vẻ. Vậy nên bây giờ đi giữa Tiểu Sài Gòn ở nước Mỹ,
dù có sức tưởng tượng phong phú, cô cũng chỉ có thể liên hệ thấy đôi chỗ na ná
giống chợ Bến Thành mà thôi. Thấy vẻ chăm chú và hào hứng của Hoàng Thu, ông Lê
Liêm nói :
- Con để ý coi, người và cảnh ở đây làm cho ta nhớ đến Sài Gòn, nhớ đến quê hương
lắm con ạ.
Hoàng Thu ngạc nhiên thấy có rất nhiều
khách ra vào các cửa hàng may áo dài. Cô đứng lại ngắm nhìn những xấp vải đủ
màu sắc sặc sỡ. Duy Tuấn ý tứ đến cạnh cô đề nghị :
- Anh may tặng em một chiếc áo dài
nhé.
- Ý hay đấy, nhưng để về Hà Nội may có
hơn không ?
- May áo dài ở đây mới có nhiều ý
nghĩa. Em chọn vải đi.
Hoàng Thu níu Duy Tuấn lại hỏi nhỏ vào
tai anh :
- Anh hỏi trước xem may một chiếc có đắt
không đã.
Cô bán hàng là một người miền Nam lớn
tuổi, đon đả :
- Phải đó, chú may tặng cô ấy đi. Tùy
từng loại vải, may một chiếc chỉ trên dưới một trăm đô thôi.
Hoàng Thu chen vào hỏi :
- Bao nhiêu hôm thì được lấy hả chị ?
- Nếu vội phải đi ngay thì mai lấy được
mà em.
Hoàng Thu chọn màu vàng hoàng yến, bảo
rằng để kỷ niệm màu nắng Ca-li. Hoàng Tuấn ướm thử miếng vải mềm mại lên người
Hoàng Thu, thích thú thấy mầu vải làm nổi bật nước da trắng hồng của người yêu.
Ông Lê Liêm theo dõi câu chuyện, trong lòng thầm nghĩ lũ con nít của ông thật
lãng mạn. Đến 7 giờ tối, Hoàng Thu thấy đói bụng mà trời vẫn còn sáng rõ. Ông
Lê Liêm dẫn mọi người đến trung tâm Phước Lộc Thọ, vào khu hàng ăn. Giờ này thật
đông khách, lác đác có vài người da màu còn toàn người Việt, cười nói chào hỏi
oang oang, ồn ào rôm rả, chẳng khác gì trong một cái siêu thị ở Việt Nam. Bụng
đói, Hoàng Thu chạy tung tăng như một đứa trẻ trong khu chợ ẩm thực rộng lớn và
phong phú, thích thú lướt qua các hàng nem cuốn, bánh rán, phở, bún, cháo đủ kiểu
đủ loại, không biết nên chọn món gì, cuối cùng phải nhờ đến ông Lê Liêm.
- Bác, bác giúp con đi, con chẳng biết
chọn đồ gì.
- Vậy thì để bác.
Ông Lê Liêm dẫn hai người tới một cửa
hàng ngoài trời có vẻ như đã rất quen thuộc. Một tốp người có tuổi đang nhậu
vui vẻ thấy ông ngang qua liền nháy mắt, vẫy gọi :
- Ê, Ba Liêm, vô cụng cái đi.
Ông Lê Liêm xà vào, cầm vại bia mọi
người đưa cho cụng lạch cạch, làm một hơi rồi quay ra với các con. Họ chọn một
cái bàn còn vắng khách. Các bàn chung quanh đều kín, mọi người cười nói rất thoải
mái, đúng là chẳng khác gì ở Sài Gòn. Ông Lê Liêm không cần mở sổ thực đơn, nói
:
- Bây giờ bác gọi chả giò ta nhâm nhi, sau đó mỗi người một tô
phở hoặc một dĩa cơm tấm, con chọn đi.
Duy Tuấn nhìn Hoàng Thu, vội nói :
- Cẩn thận nghe cưng, một tô phở Ca-li
bự khủng khiếp luôn, bự hơn tô phở quận 13 ở Pa-ri đấy nhé.
- Vậy thì con chọn cơm tấm, con chưa
ăn món này bao giờ.
Gió về tối thổi mát rượi, không khí
thoáng đãng thật dễ chịu. Hai người yêu nhau ríu rít nói chuyện, để mặc ông Lê
Liêm một mình trầm tư. Ông đang muốn nhân lúc vui vẻ tìm hiểu đôi điều về gia
đình người con dâu tương lai. Ngay khi Duy Tuấn nói anh yêu một cô gái người Bắc,
ông đã băn khoăn. Phải là gia đình thế nào thì con gái họ mới có thể qua Pa-ri
du học. Ông Lê Liêm nghĩ chuyện vợ chồng đúng là duyên số. Ông từng muốn Duy Tuấn
về Sài Gòn cưới một cô gái Nam Bộ, ông sẽ đích thân đứng ra tổ chức lễ thành
hôn cho con theo đúng phong tục Việt rồi đưa con dâu qua Mỹ. Nay thì điều mơ ước
ấy không thành, không có con dâu nào qua
Mỹ mà ngược lại con trai bỏ Mỹ mà đi, con dâu không phải người Nam Bộ mà lại là
một cô gái Bắc kỳ xa lắc. Nhân lúc hai đứa “con nít” ngừng nói chuyện, ông Lê
Liêm dè dặt hỏi Hoàng Thu :
- Bên Việt Nam ba má con ở Hà Nội ?
- Không ạ, khi về hưu thì bố cháu về
quê sống với mẹ cháu. Quê cháu ở Hải Phòng.
- Trước khi về hưu ba cháu làm gì ?
- Dạ, bố cháu là bộ đội.
- Chắc sĩ quan ?
- Vâng, bố cháu là đại tá trước khi về
hưu.
- À !
Duy Tuấn mải thưởng thức món chả giò
nóng ròn với cốc bia mát lạnh nên không theo dõi câu chuyện của hai người, cũng
không để ý thấy một khoảng lặng sau tiếng à thốt lên ngắn gọn của ông Lê Liêm. Nhưng Hoàng Thu, cô nhận thấy ngay khoảng lặng
này. Giống như Duy Tuấn, Hoàng Thu cho rằng việc có hai ông bố đã từng ở hai
chiến tuyến khác nhau là chuyện của quá lâu rồi, giờ đây đối với lớp trẻ các cô
chẳng còn bao nhiêu ý nghĩa. Tuy vậy, vì đã biết thân thế và tính tình của bố cô, lại là cô gái lớn lên, học hành
trong nước nên Hoàng Thu lo sợ điều đó vẫn có thể là một bất trắc đối với tình
yêu của mình. Liệu khi biết bố Hoàng Thu
là đại tá quân đội cộng sản thì ông Lê Liêm có còn chấp nhận về Việt Nam làm lễ
cưới cho hai đứa không. Cô đánh bạo hỏi :
- Bác chưa về nước lần nào ?
- Bác chưa muốn về. Sống ở đây cũng giống
như Sài Gòn rồi.
Sau một khoảng khắc ngắn ngủi trầm
ngâm, ông nói tiếp :
- Các con bây giờ là những công dân quốc
tế, cả thế giới này là của các con. Duy Tuấn lớn lên ở đất Mỹ nhưng đến khi trưởng
thành lại sang Pháp làm việc. Vì tình yêu của nó ở đấy. Con ở tận Hải Phòng bên
Việt Nam, bác chưa hình dung được mảnh đất ấy thế nào, thế rồi lại sang tận
Pháp học, gặp Duy Tuấn. Bác nghĩ rồi đây các con sẽ sinh con đẻ cái ở đấy, nơi ấy
sẽ thành quê hương của các con. Còn bác,
thì bác đã yên phận ở đây rồi.
Hoàng Thu không hiểu ông Lê Liêm đang
muốn nói gì mà điều cô muốn biết nhất thì ông lại không nhắc tới. Cô lấy hết
can đảm hỏi thẳng :
- Con nghe anh Tuấn nói bác sẽ về Việt
Nam làm lễ ăn hỏi rồi tổ chức đám cưới cho tụi con ?
Ông Lê Liêm không nén được một tiếng
thở dài. Ông đang bị xao động bởi những mặc cảm quá khứ khi biết bố người yêu của
con trai ông là một đại tá trong quân đội Bắc Việt. Để che lấp, ông vội gắp cho
Hoàng Thu một miếng nem và nói với cô :
- Con ăn đi kẻo nguội.
Bữa ăn lặng lẽ kéo dài. Có vẻ như ông
Lê Liêm và Hoàng Thu đều đang theo đuổi những suy nghĩ riêng của mình, chỉ có
Duy Tuấn là không nhận ra những điều đó, vô tư xúc từng thìa cơm tấm ăn ngon
lành.
Vào trước ngày Duy Tuấn và Hoàng Thu
phải trở lại Pa-ri, ông Lê Liêm đi mua sườn cừu về tẩm ướp để làm món thịt cừu
nướng ngoài trời. Sườn cừu phải ướp rượu vang và gia vị nhiều tiếng đồng hồ nên
trong lúc chờ đợi, hai bố con ông tranh thủ xới lại đất trong vườn và cắt tỉa bụi
hoa li-la. Hoàng Thu không muốn một mình rỗi rãi nên nhận lau dọn các phòng cho
ông Lê Liêm, một công việc không ít phần nặng nhọc. Khi lau dọn phòng khách, Hoàng
Thu giật mình thấy treo trên tường là bức ảnh ông Lê Liêm thời trai trẻ đứng hiên ngang trong bộ quân phục của quân đội
Việt nam Cộng hòa. Còn nữa, đập vào mắt cô, ngay trên bàn làm việc của ông Lê
Liêm là một lá cờ vàng ba sọc đỏ. Từ hôm ở nhà ông Lê Liêm chỉ có một lần Hoàng
Thu chạy ngang qua phòng khách nên cô không để ý thấy những thứ này. Cô dừng
tay lau bàn, nghe tim mình đập liên hồi. Nhớ lại, đây là lần thứ hai Hoàng Thu
thấy lá cờ này, lá cờ của phía bên kia, lá cờ không phải của bố cô. Tức là
không phải của cô. Lá cờ của bố con cô là lá cờ đỏ sao vàng, là lá cờ cô cùng với
các bạn vẫn đứng nghiêm chào vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần khi còn học phổ
thông. Lá cờ vàng ba sọc lần đầu tiên cô thấy nó là ở Pa-ri, vào một trưa ngày
30 tháng 4 khi cô có việc đi qua quảng trường Trô-ca-đê-rô, khi ấy cô gặp một
đám biểu tình của người Việt. Họ có khoảng vài chục đứng túm lại với nhau, tay
vẫy cờ, miệng hô khẩu hiệu nghe không rõ, chung quanh có cảnh sát cơ động Pháp
mặc đồ đen trông chừng. Từ phía xa, Hoàng Thu tò mò dừng lại quan sát. Quảng
trường ngày đầu hè đông đúc nhưng chỉ vài người đứng nhìn, chắc cũng vì tò mò như Hoàng Thu. Khi mấy
em gái người Pháp cầm những bó hoa
muy-ghê nhỏ nhắn màu trắng, một loại hoa nở vào cuối xuân đầu hạ chuyên dành tặng
nhau để cầu chúc hạnh phúc, chạy đến hỏi Hoàng Thu có mua không thì cô quên ngay những lá cờ kia. Cô đã mua
một bó hoa trắng tinh khiết đem về tặng cho Duy Tuấn, bắt đầu một mùa hè yêu
đương thật nồng nàn.
Lần này thấy lá cờ ba sọc ngay trong
nhà ông Lê Liêm, Hoàng Thu có đôi chút hốt hoảng. Nó chỉ là một lá cờ nhỏ để
trên mặt bàn, nhỏ hơn một tờ giấy khổ A4, Hoàng Thu có thể nhấc lên đặt xuống.
Nhỏ nhưng nó làm cho Hoàng Thu chấn động,
bởi vì chỉ tưng đấy cũng quá đủ để có thể phá vỡ hạnh phúc của cô. Cô chắc chắn bố cô, đại
tá Bùi Khoai, sẽ bùng nổ nếu biết vị thông gia của ông đã từng ở phe đối địch
và hiện giờ con gái ông đang đứng bên cạnh lá cờ vàng ba sọc đỏ trong nhà ông
ta.
Hoàng Thu đang thật sự hoang mang thì
bỗng cửa phòng bật mở. Ông Lê Liêm chạy vào tìm chiếc mũ che nắng. Ông đoán
ngay ra nguyên nhân khi thoáng nhìn nét mặt thảng thốt bối rối của Hoàng Thu, tự trách mình trước đó
đã không cất lá cờ. Ông lặng lẽ nhấc lá cờ đặt khuất vào trong chiếc tủ sách
trước sự ngạc nhiên của Hoàng Thu. Cô há hốc mồm nhìn ông Lê Liêm, trên tay vẫn
giữ nguyên chiếc khăn lau bông màu xám. Ông Lê Liêm thấy mình cần phải trấn an
cho cô con dâu tương lai tuy vừa gặp mà
ông đã rất yêu quý. Ông niềm nở nói, cốt làm cho Hoàng Thu được tự nhiên trở lại
:
- Bác sơ ý quá, con để bác cất bỏ đi.
Bác đặt nó ở đây lâu lắm rồi, từ khi mới qua Mỹ chớ không có ý gì, không cầm nó
đi biểu tình chống cộng bao giờ. Chẳng qua chỉ là chút kỷ niệm cũ thôi. Bác biết
vì nó mà con băn khoăn, lo lắng cho việc hôn lễ của con.
- Vậy sao bác không cứ để trên mặt bàn
như khi nãy.
- Nếu tinh ý thì bác đã phải cất từ
trước để rước con. Vì hạnh phúc hai con, giờ bác có thể rũ bỏ tất cả.
Từ hôm Hoàng Thu ở nhà mình, ông Lê
Liêm để ý thấy cô con dâu tương lại chỉ có một quan tâm duy nhất là không biết
các ông bố sẽ có thái độ thế nào trước việc hai đứa con đi đến hôn nhân. Muốn tranh
thủ lúc này củng cố tinh thần cho Hoàng Thu, ông Lê Liêm kiên quyết nói :
- Về phần bác thì con cứ yên tâm. Bác
chỉ băn khoăn, sợ bố con có chấp nhận hay không thôi.
Câu nói này của ông Lê Liêm như một liều
thuốc an thần, giúp cho Hoàng Thu đỡ lo được
một bề. Còn bên bố cô, bây giờ sẽ là mối lo lắng lớn nhất.
Đúng là ông Lê Liêm đã nghĩ nhiều về
đám cưới của con trai, muốn được tổ chức theo những gì là lễ nghi, phong tục mà
ông còn nhớ được. Thời của ông, cái thời mới đấy mà như đã xa lắm, trai gái yêu
nhau đi tới hôn nhân phải qua thật nhiều
thủ tục. Cái lễ to nhất ông Lê Liêm còn nhớ đến tận bây giờ là lễ đính hôn. Hôm ấy ông đã mặc chiếc áo dài gấm hoa xanh, đội
khăn xếp đi theo đoàn nhà trai do trưởng tộc dẫn đầu, phụ cho ông trưởng tộc
rót 3 chén rượu thờ, đánh diêm thắp sáng hai cây đèn cầy. Làm xong những việc ấy,
ông trang trọng bái lạy gia tiên nhà gái rồi chuyển hai cây đèn cầy cho ông sui
đặt lên bàn thờ. Trong trí nhớ lúc mờ lúc tỏ, ông vẫn còn thấy mùi hương trầm
thơm ngát, chiếc phong bì tiền lễ làm bằng giấy đỏ đặt ngay bên mõm con heo cưới
nặng một tạ nằm trên chiếc mâm đồng. Biết bao nhiêu những thủ tục rườm rà nhưng
thật sâu đậm tình quê.
Những việc ấy bây giờ phải làm như thế
nào đây ! Bay về tới tận Bắc Việt, gặp một ông đại tá quân đội Việt cộng bàn
chuyện cưới gả nghe chừng khó quá. Nhưng đó không phải là điều khó nhất. Tận
sâu kín trong lòng, kỷ niệm về miền Bắc vẫn còn là những kỷ niệm một năm rưỡi trong
trại cải tạo ở Hoàng Liên Sơn, những ngọn núi đá xám ngoét và những cơn gió bấc
lạnh thấu xương. Khi ấy các trại viên đã phải đi nhặt những gốc cây khô đem về
đốt lên giữa lán để chống lại cái rét như cắt thịt. Mùa đông không đủ thức ăn, các trại viên mỗi người mỗi
bữa được một cái bánh bột mỳ cứng ngắc
hoặc một bát ngô bung. Thiếu thốn đã làm ông mắc bệnh kiết lỵ kéo dài đến khổ sở
mà không có thuốc chữa. Cái miền Bắc ấy, trong ông, vẫn là một miền Bắc mà ông
đã chạy trốn. Chỉ mấy tháng sau thời gian cải tạo, ông đã tìm đường vượt biển,
lúc ấy Duy Tuấn còn là một cái thai trong bụng mẹ. Chiếc thuyền nhỏ chở gần 30 người lênh đênh trốn chạy, ra tới
vùng biển quốc tế thì gặp bão, may được một chiếc tàu của Sinh-ga-po cứu vớt.
Chuyến đi đã vắt cạn kiệt sức chịu đựng của mẹ Duy Tuấn, bà chỉ có thể vật vã tồn
tại để chăm bẵm đứa con trai đến năm nó hai tuổi thì từ giã cuộc đời.
Ông Lê Liêm đã chôn chặt những câu
chuyện ấy trong lòng, chưa từng một lần kể cho con trai nghe.
Chương 14
Hoàng Thu hoàn toàn không sai
khi nghĩ rằng người phản đối quyết liệt hôn nhân của cô với Duy Tuấn lại chính
là bố cô, đại tá Bùi Khoai. Vì thế, Duy Tuấn không dám về Việt Nam ra mắt bố mẹ
người yêu. Hoàng Thu đã khôn ngoan nói với anh hãy để cô về một mình thăm dò
trước và sự thể đã làm cô quá thất vọng. Cô vẫn tưởng tượng ra niềm hạnh phúc
được dẫn người yêu đi giới thiệu với họ hàng thân quen thì nay hạnh phúc ấy đã
bị chính bố cô đập vỡ. Thất vọng và chán
chường, Hoàng Thu trở lại Pa-ri gặp Duy Tuấn. Nhìn bộ dạng ủ rũ của người yêu
và những giọt nước mắt không ngừng tuôn ra từ đôi mắt đỏ ngầu, Duy Tuấn đoán cô
đã khóc suốt trong những ngày qua. Anh ôm chặt lấy cô, an ủi :
- Đừng khóc nữa, nhìn em khóc anh
không chịu nổi. Nếu các ông bố quyết không làm đám cưới cho chúng mình thì mình
tự làm lấy, miễn là chúng mình hạnh phúc.
Nghe Duy Tuấn nói thế Hoàng Thu lại
càng khóc. Cô đã mong ước niềm hạnh phúc của mình cũng là niềm hạnh phúc của
cha mẹ. Đã đành hai người đang ở nước Pháp, hoàn toàn có quyền và có thể tự quyết
lấy hạnh phúc của mình như Duy Tuấn nói, nhưng chẳng lẽ không có cách nào để giữ
cho cả bên tình bên hiếu đều được vẹn
toàn. Giữa lúc khó khăn bế tắc nhất thì Hoàng Thu bỗng nhớ tới ông chú ở Ba
Lan. Ông có thể là người duy nhất cứu vãn được tình thế lúc này. Cô vội nói với
Duy Tuấn và thế là hai người lập tức bay sang Vác-xa-va gặp ông chú Bùi Khoái. Nghe
xong câu chuyện, Bùi Khoái cười lên khơ khớ khiến Hoàng Thu hết sức ngạc nhiên.
Cô thầm oán ông chú đã không thông cảm, chia sẻ. Câu chuyện có gì vui đâu mà
phá lên cười. Cho tới khi Bùi Khoái thôi cười, thong thả nói thì Hoàng Thu mới vỡ
lẽ.
- Tưởng gì, chuyện ấy đơn giản ! Cha mẹ
nào mà không mong con cháu mình hạnh phúc. Chúng mày cứ để chú lo.
Rồi anh ta nhìn cháu gái Hoàng Thu, thân
mật nói :
- Bố mày đúng là bảo hoàng hơn cả vua,
không biết Tổng thống Mỹ đã đến thăm Việt Nam từ năm 2000 rồi hay sao mà còn định
biến chúng mày thành Rô-mê-ô và Giu-li-ét thời a còng !
Nói là làm, Bùi Khoái thu xếp công việc
về Việt Nam. Từ ít năm nay Bùi Khoái cùng Thanh đi về thường xuyên, có lần đi từ
Bắc vào Nam cốt để thay đổi không khí, giúp vợ anh khỏe mạnh trở lại. Lần nào
xuống máy bay anh cũng vội vàng bắt tắc-xi đi thẳng từ sân bay Nội Bài về nhà. Lần
này chiếc xe Mai Linh sơn màu xanh lá cây chở Bùi Khoái đỗ trước cổng. Vừa bước
ra khỏi xe, anh va ngay vào cái nắng hè tháng 7 chói chang, chỉ đứng trả 1 triệu
rưỡi tiền xe mà mồ hôi đã tràn ra cổ áo. Bùi Khoái thích thú nghĩ giá tắc-xi ở
Việt Nam quả thật là rẻ. Lần nào về anh ta cũng dừng lại tần ngần đứng nhìn mấy
cây cau ngả bóng lên mái nhà tuổi thơ của mình, cái cổng tre quen thuộc tới mức
như không hề thay đổi. Duy chỉ có con đường mà chiếc tắc-xi vừa bon bon lăn
bánh xưa toàn sỏi cát nay đã được trải bê tông sạch sẽ, những dấu chân nghịch
ngợm ngày bé nay đã bị vùi kín dưới lớp xi măng dày. Không phải lần đầu về quê
nhưng lần nào đứng trước cổng nhà mình, Bùi Khoái đều thấy lòng xao động, nôn
nao một nỗi nhớ thương, cảm nhận rõ một tình yêu khôn tả đối với nơi chốn này.
Ở trong nhà ông Bùi Khoai quần đùi áo
may ô ngồi trước quạt, nheo mắt nhìn ra nắng. Thấy có người dáng quen quen lúi
húi kéo va-li vào ngõ, ông gọi to cho vợ :
- Mẹ cái Thu ơi, trông ai như chú
Khoái về hay sao đấy.
Bà vợ ông Bùi Khoai đang giặt quần áo ngoài
bờ giếng, nghe chồng gọi liền đứng lên, lấy tay che mắt nhìn cho đỡ chói nắng.
Khi Bùi Khoái bước vào đến sân bà cuống quít reo lên :
- Chú Khoái về thật này ông ơi.
Ông Bùi Khoai để nguyên quần đùi áo may ô tập
tễnh bước ra đứng chặn ở cửa hỏi trống không, giọng đầy nghi ngờ :
- Về đấy à ? Về sao không báo ?
Hỏi thế thôi chứ ông Bùi Khoai thừa sức
đoán được lý do người em mình bất thình lình bỏ việc từ Ba Lan về làng. Ông đã suy đoán từ
trước thế nào con gái ông chẳng đi cầu cứu người chú nó. Bùi Khoái vui vẻ, ranh
mãnh nói :
- Em chào 2 bác. Em đi có việc, rẽ qua
về thăm hai bác. Bác gái đang làm gì ngoài nắng thế ?
- Tôi giặt quần áo cho anh chú. Ông
anh chú cứ mặc suốt một bộ, giục mãi mới chịu thay ra. Chú vào nhà cho mát.
Bùi Khoái nhấc va-li khỏi bậu cửa, bước
vào nhà. Không còn dấu tích gì của căn nhà thời hai anh em học phổ thông. Ông Bùi Khoai đã xây lại được mấy năm nhưng vẫn
là nhà cấp 4, tường con kiến quét vôi màu vàng chanh, mái ngói lợp trên xà tre,
nền lát gạch hoa lau sạch bóng. Đồ đạc trong nhà cũng rất đơn giản, sang nhất
có lẽ là chiếc tủ chè 3 ngăn đóng theo kiểu mới kê giữa nhà, trên nóc tủ đặt
bát hương và ảnh thờ bố mẹ, ngăn tủ giữa ở dưới để chiếc ti-vi hiệu LG 29 inh.
Chiếc quạt trần mầu xanh được treo chắc chắn vào xà nóc đang quay vù vù, phát
ra tiếng o o giữa chiều hè, gió mát thốc vào Bùi Khoái thật dễ chịu.
- Có lẽ hai bác cả ngày chỉ lau nhà và
giặt quần áo hay sao mà em thấy cái gì cũng sạch sẽ tinh tươm như thế này-Bùi
Khoái nhận xét. Ông Bùi Khoai không mặc quần áo dài vào mà còn giục Bùi Khoái :
- Chú cởi quần áo dài ra cho nó mát,
nhà có ai đâu.
Ông Bùi Khoai lấy chiếc khăn bông lau
sạch vệt nước trên mặt bàn xa-lông gỗ bạch đàn, đã có lần ông khoe với Bùi
Khoái đây là bộ xa-lông gỗ đóng tại làng nghề Mao Điền tận Hải Dương do mấy anh
lính cũ để nguyên giá cho ông. Lau bàn sạch bong rồi ông Bùi Khoai đổ nước nóng
ở chiếc phích màu đỏ ra tráng ấm chén, vừa làm vừa hỏi :
- Chú ăn gì chưa, bảo chị nấu cho bát
canh bánh đa nhé ?
Bùi Khoái xua đi :
- Canh bánh đa tuyệt quá, lâu em có được
ăn đâu. Nhưng thôi, để chiều đúng bữa, trên đường về em đã ăn cơm trưa rồi.
- Thế thì ngồi uống nước. Chú về lần
này có việc gì ?
- Có chút công việc làm ăn của em. Em
cũng tranh thủ về thưa với hai bác một chuyện.
Nghe người em nói có câu chuyện để
thưa thì lập tức ông Bùi Khoai ngồi ngay đưỡn căng thẳng, mặt nặng ra. Tuy
không còn nhanh nhạy như những ngày ở chiến trường nhưng ông vẫn có thể đoán được
câu chuyện Bùi Khoái muốn nói. Ông lập tức phản ứng :
- Nếu là chuyện của con Thu thì chú đừng
có nói, tôi không nghe đâu, mất công chú đi từ Ba Lan về. Tôi cũng không còn gì
để nói về việc này. Đã nói với nó hết rồi.
Bùi Khoái đã biết ngày trẻ ông anh
mình là một người cứng nhắc, cứng tới mức cực đoan, đã tin vào một điều gì thì
khó lòng thay đổi. Có vẻ như những năm tháng dày dạn trong quân ngũ cũng không
làm tính cách này dịu bớt, bởi vậy Bùi Khoái cho rằng phải thong thả nghĩ mẹo
may ra mới thuyết phục được. Quả đúng như vậy, từ lúc Hoàng Thu về thưa chuyện
cưới hỏi, ông Bùi Khoai đều trút giận lên đầu vợ nhưng không dám làm to chuyện.
Sợ lộ ra ngoài. Giận mà không làm bung ra được thì lòng càng nặng nề, chính bà
vợ là người phải chịu đựng những u uất tức tối kể từ hôm Hoàng Thu trở lại
Pháp. Bùi Khoái nghĩ cứ từ từ để vận động bà chị dâu trở thành đồng minh của
mình. Trong lúc đó, ông Bùi Khoai mồm nói không còn gì để bàn nhưng vớ được Bùi
Khoái là ông vớ được chỗ để xả ra. Ông nói oang oang như quát tháo, làm như
trong nhà đang có chuyện cãi vã.
- Tôi đã nói rồi, không có chuyện cưới
hỏi gì với đám ấy cả. Nó muốn thì tự nó đi mà rước lấy. Tôi từ, không có đứa
con nào khốn nạn tới mức ấy cả.
- Ấy chết, bác giận quá mất khôn, sao
bác lại nói thế !
Ông Bùi Khoai chỉ tay vào mặt Bùi
Khoái :
- Còn chú nữa. Chú lắm tiền nhiều của,
chú cho con cho cháu chú sang Tây ăn học, lên vương lên tướng đâu không thấy mà
đến nỗi bây giờ đứa nào cũng ở lại bên ấy, hết đòi lấy Tây lại đòi lấy Việt Kiều.
Tại chú cả đấy. Đi Pháp đi Mỹ coi như tôi đã mất toi đứa con, giờ không biết nó
còn muốn tôi mất thêm cái gì nữa đây. Cả chú nữa, ông không nhắm mắt được là vì
không có lấy một đứa cháu trai, bảo chú đẻ thì chú theo Tây theo Tàu, lúc nào
cũng nói bình đẳng, con giai con gái như nhau, rồi chú ăn nói với bố với mẹ như
thế nào !
Ông Bùi Khoai ngồi chống tay lên gối,
mặt đỏ phừng phừng vã mồ hôi, bao nhiêu gân mặt nổi rõ trên trán thành những đường
cong loằng ngoằng. Bùi Khoái biết
cơn giận đang lên cao nên cứ để cho ông Bùi Khoai trút ra, kiểu như xả nước lũ,
còn mình im lặng ngồi nghe. Tâm trạng của ông Bùi Khoai là điều có thể dễ dàng
hiểu được. Một đảng viên cộng sản, một vị đại tá về hưu ăn lương tướng như ông,
người đã từng lăn lộn chiến đấu và xuýt bỏ mạng ở chiến trường Căm-pu-chia, làm
sao bỗng chốc có thể chấp nhận cho con gái rượu duy nhất của mình kết hôn với
con trai một viên sĩ quan trong quân đội miền Nam trước đây. Bây giờ ngồi trước
Bùi Khoái, ông Bùi Khoai gay gắt một cách cay đắng :
- Chú nghĩ mà xem, chuyện này rồi lan
ra thì tôi còn mặt mũi nào nhìn bà con lối xóm. Tôi biết ăn nói thế nào với các
đồng chí trong chi bộ thôn Hữu này đây.Trời đất ơi là trời đất, không biết động
mồ động mả thế nào mà cuối đời, đến lúc muốn được nghỉ ngơi yên ổn, cầu được có
tí cháu bế ẵm thì mọi cái lại đổ đốn hết cả ra thế này.
Bùi Khoái vẫn ngồi im. Sự im lặng của
Bùi Khoái chẳng khác nào như chọc tức ông Bùi Khoai.
- Chú xem, thiếu gì con trai ở đất nước
này. Toàn những đứa khôi ngô tuấn tú thì không màng, lại bắt tôi đi làm thông
gia với một trung tá ngụy thì làm sao tôi chịu nổi. Thật là con với cái, tức
quá đi mất. Tức chết được.
Bà Bùi Khoai ngồi ở bậu cửa theo dõi
câu chuyện, thỉnh thoảng lại lấy vạt áo lau nước mắt. Bà khóc vì vừa thương chồng,
vừa thương con mà không biết làm thế nào để gỡ cái thế bí này. Nay thấy Bùi
Khoái bỗng dưng xuất hiện thì trong lòng bà mừng lắm. Bà chỉ lo những điều ông
Bùi Khoai té tát cho hả giận liệu có làm Bùi Khoái tự ái không. Giữa lúc ấy có
tiếng người nói oang oang từ cổng nói vào :
- Tôi thấy tắc-xi đỗ ngoài này là tôi
biết ông Khoái về. Làng này làm gì có ai có tiền mà thuê xe về tận nhà. May
quá, đang có việc cần nhờ ông Khoái.
Nghe tiếng nói oang oang như thế ông
Bùi Khoai biết ngay người vừa đến là ông Tỉnh, chủ tịch hội cựu chiến binh thôn
Hữu. Ông vội đứng lên xua tay nói nhỏ với Bùi Khoái :
- Ta nói chuyện khác đi, chú đừng nhắc
gì về việc con Thu trước mặt người làng. Đây là chuyện trong nhà, chỉ mình biết
với nhau thôi.
Hóa ra ông Bùi Khoai vẫn giữ kín chuyện
này. Dặn vội Bùi Khoái thế rồi ông quay
ra, nụ cười ánh mắt niềm nở ngay trở lại, khác hẳn vẻ căng thẳng như lúc vừa
nói chuyện với Bùi Khoái.
- Kìa, bác Tỉnh vào chơi xơi nước. Chú
Khoái nhà tôi vừa về, tôi vừa pha được ấm chè ngon đây.
Bùi Khoái cũng đứng dậy chạy ra đón
ông Tỉnh. Ông này nhiều tuổi hơn ông anh Bùi Khoai, trong họ đứng ở bậc anh
nhưng là họ xa, đã hàng chục năm nay Bùi Khoái không gặp, kể như ngoài đường
thì không nhận ra. Chưa phải là còng lưng nhưng vai ông Tỉnh đã tụt hẳn xuống,
người đi nghiêng về một bên. Bùi Khoái đưa tay đỡ ông, vồn vã :
- Chào ông sang chơi. Tôi cũng vừa về
tới nhà. Nghe giọng ông thật khỏe khoắn, mừng ông còn phong độ lắm.
Ông Tỉnh ngồi vào chiếc ghế xa-lông gỗ
bạch đàn, lấy hơi thở một chập rồi mới nói :
- Yếu rồi, chẳng được mấy nữa. Thế ông
về lần này có được lâu không ?
- Vài ba ngày thôi ông ạ. Tranh thủ về
trao đổi với hai bác Bùi Khoai mấy việc nhà nên cũng không có thời gian đi thăm
hỏi các ông bà trong thôn, mong được thông cảm.
Nghe Bùi Khoái nói bàn việc nhà, ông
Bùi Khoai gườm gườm liếc nhìn ông em. Bùi Khoái hiểu được ánh mắt nhìn ấy, bấm
bụng cười thầm, quay sang hỏi ông Tỉnh :
- Các anh chị bên nhà làm ăn thành đạt
cả chứ ?
- Đấy, ông không hỏi thì tôi cũng nói.
Sang thăm ông là để nhờ chạy cho thằng út nhà tôi đi nước ngoài một chuyến. Ở
nhà bí bách lắm, công ăn việc làm không có, làm nông nghiệp thì không chịu, chỉ
sợ đua đòi rồi nghiện ngập vào thì khốn nạn ông ạ.
Ông Bùi Khoai đã yên tâm về chiều hướng
câu chuyện nên mới nói thêm vào :
- Ông Tỉnh cũng đã mấy lần nói với tôi
về việc này nhưng tôi bảo phải nói với chú Khoái.
Ông Tỉnh tiếp lời :
- Phải đấy, để nói với ông Khoái chạy
cho thằng út đi làm ở một nước xã hội chủ nghĩa nào đấy.
Bùi Khoái phát hoảng nhưng vẫn bật cười
:
- Các bác ơi, bây giờ muốn đi làm việc
ở nước xã hội chủ nghĩa thì chỉ có đi Trung Quốc, Cu Ba thôi. À, còn Lào nữa.
Các bác có chấp nhận không !
Ông Tỉnh ngẩng cao đầu, cố dướn cặp mắt
kèm nhèm nhìn Bùi Khoái, hỏi :
- Thế như Tiệp Khắc, Ba Lan của ông
thì sao ?
- Mấy nước này vào tư bản cả rồi ông ạ.
Ông Tỉnh nghe nói vậy tỏ ra thất vọng,
tụt cổ xuống ngồi thở. Bùi Khoái thấy thế vội nói :
- Thì đi làm ở mấy nước tư bản cũng được
chứ sao. Chẳng phải bây giờ người ta toàn đi Úc, đi Nhật làm việc, con cái các
ông to toàn đi học ở Anh, ở Mỹ là gì !
Ông Bùi Khoai lại lườm mắt, ra ý cho
Bùi Khoái phải ăn nói cẩn thận. Ông Tỉnh lại vươn cổ lên hỏi, có vẻ như đây là
cố gắng cuối :
- Đi tư bản thì có mất nhiều tiền
không ?
Cụ thể từng trường hợp thì Bùi Khoái
không nắm rõ nhưng anh ta có thể biết được những con số ước tính. Tuy nhiên Bùi
Khoái không trả lời cho ông Tỉnh, anh nghĩ mình đang ngồi trước 2 ông anh, một người
quá cũ kỹ, một người không mới hơn là bao nhưng lại quá ý tứ giữ gìn. Bùi Khoái
nói cho qua chuyện :
- Việc này quả thật tôi cũng không biết
gì.
Ông Tỉnh uống một chén nước nóng rồi đứng
lên ra về để hai anh em ông Bùi Khoai tiếp tục câu chuyện. Ra đến sân, ông còn dặn
ngoái lại :
- Tối sang tôi chơi ông Khoái nhé.
Chúng nó cứ thấp thỏm mong ông để hỏi chuyện. Đứa nào cũng chỉ chực bỏ đi.
Sự xuất hiện của ông Tỉnh đã làm ông
Bùi Khoai hạ hỏa. Thấy vậy Bùi Khoái mới dè dặt nói :
- Em về để bàn với hai bác một việc
khác. Nay nghe bác giai nói về việc của cháu Thu thì em cũng hiểu được tâm trạng
của hai bác. Em nghĩ bác Khoai nói cho bõ giận chứ thực lòng vẫn thương con Thu
lắm. Không thương thì giận làm gì, giận thì giận mà thương thì thương, phải
không bác gái ? Cha mẹ nào mà chả thương con, chả muốn con được hạnh phúc.
Ông Bùi Khoai nửa tin nửa ngờ :
- Thế không phải chú về để nói cho con
Hoàng Thu à ?
Bùi Khoái cười lên khơ khớ, khoái chí
vì ông anh lọc lõi có vẻ đang mắc mẹo của mình.
- Không. Em về bàn với anh chị việc
xây lại mộ cho ông bà. Tuy nhiên nghe anh trút ra những tâm sự như thế thì em
cũng muốn bày tỏ chút ý kiến, không biết có được hai bác đồng ý không ?
- Chú cứ nói.
Bùi Khoái cố từ tốn :
- Kể ra mà cháu nó lấy chồng trong nước
thì sự ấy chẳng có gì để nói cả. Bây giờ nó đòi lấy chồng ở nước ngoài, lại có
chút díc dắc về thành phần, chẳng lẽ bỏ nó đi à ? Bắt con gái phải chia tay người
yêu, nhìn hạnh phúc chúng nó phải tan vỡ thì hai bác có chịu đựng nổi không ?
Làm cha mẹ không thể để chúng nó phải chịu khổ suốt đời chỉ vì những suy nghĩ,
những ràng buộc cũ rích do chính mình tạo ra.
- Chú nói cái gì, thế nào là ràng buộc
cũ rích- Ông Bùi Khoai đỏ mặt, dướn mắt nhìn Bùi Khoái. Như là sợ câu hỏi của
mình chưa đủ gay gắt, ông còn vung tay dang rộng ra. Tuy nhiên động tác ấy chẳng
có chút ảnh hưởng nào tới ông em trai nên ông lại co chân lên ghế, ngửa mặt
nhìn chiếc quạt trần đang quay tít, đưa tay vê mấy sợi râu bạc ngắn ngủn. Thấy
ông anh im lặng, Bùi Khoái yên tâm nói tiếp.
- Em cứ nghĩ mãi, như bác, bác đi chiến
đấu ngần ấy năm trời, rồi bị thương. Rồi lại như em lặn lội cũng tưng đấy năm
tháng. Là để vì cái gì ? Chẳng lẽ không phải vì hạnh phúc của con cái, của lớp
trẻ thế hệ sau ? Đang tay cầm cái kéo mà cắt phăng mối nhân duyên của chúng nó
thì chỉ chuốc về oán hận. Chẳng lẽ cứ mãi là oán hận ? Vậy, nghĩ cho cùng thì mình
cũng nên chấp nhận. Vả lại thời đại bây giờ đã là thời đại vi tính, so với thời
anh em mình khác lắm rồi. Cấm chúng nó, chúng nó tự cưới nhau bên Pháp, bên Mỹ
thì mình mất con.
Ông Bùi Khoai thở dài, chùng xuống
.
- Coi như tôi mất đứa con rồi. Thà
chúng nó cưới nhau ở bên ấy, khuất mắt đi, tôi đỡ phải đeo mo vào mặt. Lại còn
vẽ chuyện, đòi về nước ăn hỏi.
Bùi Khoái bỗng reo to, làm như là vừa
lóe lên một giải pháp :
- Hay là thế này, ta không tổ chức đám
cưới ở Mỹ, tất nhiên là không tổ chức ở Mỹ rồi. Nhưng mà cũng không đưa về Việt
Nam để tránh lời ra tiếng vào. Hai bác để
em tổ chức cho chúng nó ở Ba Lan. Nếu
hai bác đồng ý thì để em thu xếp vụ này.
Bà Bùi Khoai như vớ được phao cứu
sinh, ngước nhìn hai anh em, mắt long lanh chất chứa những khao khát tốt đẹp. Bắt
gặp ánh mắt của vợ, ông Bùi Khoai không nói gì, lặng im đứng lên ra ngoài hè xì
mũi rồi đi thẳng xuống toa-lét. Nhân lúc vắng mặt chồng, bà Bùi Khoai vội hỏi :
- Chú đã gặp người yêu con Thu chưa,
chú thấy nó thế nào ?
- Đàng hoàng lắm. Khôi ngô, tuấn tú mà
lại rất hiền nhé.
Bà Bùi Khoai thở dài, chép miệng :
- Vậy mà ông anh chú còn muốn cái gì,
vật lên vật xuống làm con Thu về được vài hôm mà rõ khổ chú ạ.
Bùi Khoái chớp ngay lấy cơ hội :
- Chắc chắn ông ấy còn phải có chút sĩ
diện chứ. Nhưng mà chị yên tâm, chị cứ ủng hộ em, rồi mọi cái sẽ tốt đẹp thôi
mà.
Vừa lúc ông Bùi Khoai đi lên, mặt vẫn
đỏ gay như người lên tăng-xông nhưng giọng đã dịu xuống :
- Việc đó chú để yên tôi tính.
Sáng hôm sau hai anh em ra nghĩa trang
làng thắp hương cho bố mẹ. Họ bàn việc cuối năm hanh khô xây lại mộ, không đả động
gì đến chuyện cưới gả của Hoàng Thu.Tuy thế khi thắp hương khấn vái, Bùi Khoái
không quên lầm rầm nhưng vẫn để người đứng cạnh nghe thấy, rằng xin báo cáo ông
bà, cháu Hoàng Thu sẽ xây dựng gia đình vào cuối năm, xin ông bà phù hộ cho đám
cưới các cháu được suôn sẻ.
Đất không chịu trời thì trời phải chịu
đất, cuối cùng ông Bùi Khoai cũng phải đồng ý để Hoàng Thu lấy Duy Tuấn. Bùi
Khoái đã miễn cưỡng trở thành một nhà ngoại giao con thoi, về Hải Phòng gặp ông
anh đại tá Bùi Khoai, sang Ca-li gặp ông thông gia tương lai Lê Liêm. Bùi Khoái
biết giữa ông Bùi Khoai và ông Lê Liêm còn rất khác nhau về suy nghĩ và cách
nhìn nhận hiện tình đất nước, song họ có một điểm chung, rất lớn và căn bản, đó
là tình yêu đối với các con mình cũng như mong muốn được thấy các con hạnh
phúc. Bởi vậy, với lối giao tiếp hoạt ngôn và giọng cười phớ lớ xởi lởi vốn có
của mình, Bùi Khoái đã đem cái chung ấy ra mà đẩy hai ông xích gần lại với
nhau, đi tới một quyết định, hơi kỳ lạ nhưng ai cũng hài lòng : lễ ăn hỏi và lễ
cưới sẽ được tổ chức ở Ba Lan do Bùi Khoái đứng ra thu xếp.
Đầu thu năm 2006, khi lá những hàng
cây trên đường phố Vác-xa-va bắt đầu ruộm vàng như trong tranh Lê-vi-tan và rụng
đầy xuống vỉa hè, Bùi Khoái bắt tay vào chuẩn bị đám cưới. Anh tìm đến Nguyễn
Bách, lúc này đã trở thành đối tác làm ăn với Bùi Khoái, để trao đổi công việc
và nhờ hỗ trợ cho ngày vui của cháu mình. Nguyễn Bách làm việc ở văn phòng công
ty, trong một ngôi nhà lớn giữa trung tâm Vác-xa-va. Để vào phòng làm việc của
Nguyễn Bách thì phải qua phòng khách lúc nào cũng có hai vệ sĩ to lớn người Ba
Lan mặc com-lê đen, tay chắp sau lưng, ưỡn ngực ra phía trước đứng gác, Nguyễn
Bách đi đâu vệ sĩ cũng kè kè bên cạnh, miếng ăn giấc ngủ đều phải kiểm soát chặt
chẽ, mất hết tự do. Mỗi lần vào đây Bùi Khoái đều cảm thấy bị gò bó và thường
hay nhớ tới những ngày đầu còn gặp Nguyễn Bách ở chợ, lúc bấy giờ anh ta có vẻ
thoải mái hơn. So với ngày đầu những năm 90 chuyên buôn máy tính và đô-la sang
Nga, Nguyễn Bách lúc này đã là một ông chủ lớn. Trông vẻ ngoài, anh ta không có
gì thay đổi, vẫn bộ com-lê xanh ma-rin, vẫn chiếc mũ phớt trên đầu nhưng khi bỏ
mũ ra người ta đã dễ dàng thấy nhiều sợi tóc bạc. Nguyễn Bách vẫn gọi Bùi Khoái
là thày.
- Em bận quá. Nhưng vui. Thày biết
không, em cũng có mấy người bạn vừa đến từ bên Pháp. Họ cứ khen cái trung tâm
thương mại của thày trò mình chẳng khác bao nhiêu so với những trung tâm như
La-phay-ét hay Pranh-tăng ở Pa-ri. Họ rất thích cái cửa hàng ăn nhanh, bảo ngồi
ngắm mấy cô phục vụ người Ba Lan mặc đồng phục váy đỏ, áo trắng cũng đủ no, cô
nào cũng tươi rói trẻ đẹp.
Nguyễn Bách nói “cái trung tâm thương
mại của thày trò mình” là vì Bùi Khoái có góp vốn vào công ty chuyên kinh doanh
về thực phẩm và đồ ăn Á châu này. Hai thày trò đã ngồi suy tính với nhau rồi đặt
cho nó cái tên rất kêu và có ý nghĩa là Công ty trách nhiệm hữu hạn Mycuntry Food Holding. Cái lanh lợi tinh
ý thường ngày thì Bùi Khoái có, còn một tầm nhìn chiến lược cho một thời gian
dài, một không gian rộng thì anh ta chịu thua người sinh viên của mình. Cách
đây một năm, khi gợi ý Bùi Khoái đầu tư vào đây, Nguyễn Bách đã đưa ra những lập
luận hết sức thuyết phục :
- Thày trò mình bây giờ đã có tiền rồi,
không thể cứ bó mãi vào kinh tế chợ. Mọi cái giờ đã khác, mình phải tự hiện đại
mình để đón thời cơ. Thương trường Ba Lan nói riêng và Đông Âu nói chung đang
chuyển động, vươn lên đạt các tiêu chuẩn
của Cộng đồng chung châu Âu. Vì thế em cho rằng những cái chợ thế này rồi
đây cũng sẽ thay đổi, kéo theo cách làm ăn hiện nay của bà con mình cũng phải
thay đổi theo. Đó là thách thức đối với thày trò mình, nhưng đồng thời cũng là
cơ hội để ta hòa nhập và phát triển. Không
bắt kịp và vươn lên thì chắc chắn ta sẽ bị loại bỏ.
Bùi Khoái thật sự cảm phục những suy
nghĩ và cách lý giải ấy của Nguyễn Bách, thật sự tự hào về người sinh viên xuất
sắc này của mình, bởi vậy có bất cứ chuyện vui buồn gì Bùi Khoái đều tìm đến
Nguyễn Bách như hôm nay. Sau khi kể qua câu chuyện tình giữa Rô-mê-ô và
Giu-ly-ét thời nay, Bùi Khoái nói :
- Thuyết phục được ông anh tôi chấp nhận
đám cưới này quả thật là một kỳ tích. Tôi rất hiểu tấm lòng của ông ấy. Ông ấy
đã phải lựa chọn giữa việc từ bỏ quá khứ của mình để đổi lấy hạnh phúc hiện tại
của thế hệ con cháu. Ông ấy đã chọn hạnh phúc của các con, quả thật là một sự lựa
chọn dũng cảm. Bởi thế, để bù đắp lại, tôi muốn nhờ Nguyễn Bách giúp tôi tổ chức
một đám cưới thật ý nghĩa vào đầu tháng 8 này. Tôi nghe nói dịp ấy có cô ca sĩ Ly
Ly nào đó cùng đoàn nghệ thuật Việt kiều ở Đức sang biểu diễn, tôi muốn kết hợp
mời họ tới góp vui.
- Đúng là một đám cưới đặc biệt-Nguyễn
Bách nói-Vậy nên mời được đoàn cô Ly Ly là rất tốt. Đoàn này là do Hội mình mời,
là một trong những hoạt động chào mừng Quốc khánh mồng 2 tháng 9 đấy mà. Năm
nay em định mời đoàn trong nước nhưng không kịp, có người giới thiệu đội văn
nghệ của cô Ly Ly, cô này đi biểu diễn ở mấy nước chung quanh đây suốt.
- Tốt quá, mời được họ góp vui với đám
cưới, tôi cũng có ý làm cho các vị nhà gái trong nước sang, nhất mấy vị thông
gia bên Mỹ đến thấy được anh em mình ở đây làm ăn thế nào, Hội mình ở đây hoạt
động sôi nổi ra sao.
Nguyễn Bách mỉm cười, hóa ra ông thày
mình cũng hình thức gớm !
- Hữu xạ tự nhiên hương mà thày, đâu cần
trưng bày gì lắm. Vậy thày định tổ chức cho các cháu ở đâu, chắc lại thuê trung
tâm tổ chức sự kiện trên phố ?
- Không, tôi quên chưa nói với Nguyễn
Bách là tôi đã mượn nhà trung tâm văn hóa của Hội, gần gũi ấm cúng hơn. Tôi
đang định rẽ qua đấy để chốt lại ngày giờ với mấy anh phụ trách.
- Hôm nay bà con mình cũng tụ họp ở đấy
nghe đoàn cán bộ trong nước sang nói chuyện tình hình. Đông lắm. Nhân thể qua đấy
thày vào dự một chốc. Em cũng được mời nhưng bận quá không đến được, em còn có
cái hẹn ngay bây giờ.
Bùi Khoái vui vẻ nhận lời ngay. Đang định
quay ra thì Nguyễn Bách chợt hỏi :
- Thày có còn nhớ cái anh Khuông ngày
trước bán hộ chiếu cho thày và chị Ngọc không nhỉ ? Bây giờ anh ấy thành đạt lắm,
quan hệ sâu rộng, chỗ dựa vững vàng, đầu tư về nước, xây dựng mấy khu chung cư
hiện đại to nhất nhì. Hôm nay anh ấy đến mời em cùng tham gia một dự án ở Đà Nẵng,
thày có hào hứng không ?
Bùi Khoái không còn nhớ hình dáng anh
này nhưng không quên câu chuyện kẻ cắp những chiếc gương xe máy Bích Ngọc kể trên
chuyến tàu hỏa từ Vác-xa-va về Goóc-dốp. Bởi vậy anh vội xua tay.
- Không, không ! Vốn liếng ít, đầu tư
vào bất động sản trồi sụt khó lường, tôi không chơi được.
Nguyễn Bách mỉm cười, thầm hiểu ông
thày mình còn cố chấp quá khứ. Bây giờ người ta quan hệ sâu rộng, có còn ai cố
chấp quá khứ nữa đâu. Để ý quá khứ khó làm ăn được.
Sau khi ở văn phòng công ty của Nguyễn
Bách ra, Bùi Khoái đi thẳng đến Trung tâm văn hóa. Cuộc nói chuyện đã bắt đầu
được nửa tiếng, hội trường đông kín người. Bùi Khoái nhẹ nhàng len vào đứng ở
phía cuối. Giọng diễn giả vang lên hào sảng phát ra từ hai chiếc loa thùng đặt
hai bên sân khấu. Bùi Khoái nghe giọng quen quen nên nghển cổ nheo mắt nhìn. Rõ
ràng đấy là một người quen, một khuôn mặt Bùi Khoái đã biết. Cố gắng lần trong
trí nhớ, bất thình lình Bùi Khoái ớn lạnh nhận ra đó là khuôn mặt và giọng nói
của Trịnh Hùng. Chỉ trong chốc lát, Bùi Khoái như thấy lại cái xưởng sản xuất lốp
xe đạp, mùi cao su ép khét lẹt, khuôn mặt Trịnh Hùng thò qua cửa sổ soi mói
nhìn những chiếc lốp xe đỏ chót và câu chuyện ông Trần Đại kể về sự biến chuyển
lên chủ nghĩa tư bản. Thoáng cái đã hơn hai chục năm, theo đuổi công cuộc làm
ăn bận rộn nên Bùi Khoái đã quên biến Trịnh Hùng. Chẳng lẽ là nó, làm thế nào
mà nó có thể phù phép chuyển thành một ông lớn đang đứng rao giảng những đoàn kết
với thương yêu. Trong đầu vang lên một tiếng chửi “mẹ kiếp”, Bùi Khoái quay ra
lẩm bẩm kết luận “Chắc chắn mình nhầm”. Đứng lặng dưới gốc cây tùng ở lối vào,
Bùi Khoái lấy máy điện thoại ra định gọi hỏi Nguyễn Bách xem diễn giả là ai. Đã
bấm được mấy số anh ta bất thình lình dừng lại, bỏ máy vào túi quần, mồm liên tục
lẩm bẩm “Mình nhầm, nhất định mình đã nhầm”. Hết vò đầu rồi lại giơ tay lên trời
như một dấu hiệu bất lực, Bùi Khoái lững thững bỏ đi. Giọng nói trong loa vẫn
oang oang vọng ra như muốn bám đuổi theo.
Câu chuyện đó luẩn quẩn trong đầu mất
hai hôm, hành hạ trí nhớ của Bùi Khoái, bắt anh phải nghĩ ngợi nhiều. Tuy vậy anh
ta giữ cho riêng mình mối nghi hoặc ấy, không nói cho ai vì nó nhậy cảm quá. Và
chắc cũng chẳng ai tin. Đến khi Thanh giục anh rà soát lại những công việc về
đám cưới thì anh mới chợt tỉnh lại và
quên phéng câu chuyện vớ vẩn kia. Vợ chồng Bùi Khoái bây giờ không ở ngoài kho
bãi nữa, anh đã mua một biệt thự ở phố Tác-gô-va, từ đây đi dọc theo sông Vít-xtu-la không bao xa là đến chợ. Khi mọi công việc chuẩn bị
đã chu tất thì cũng đến ngày Bùi Khoái phải ra sân bay đón mọi người từ các nơi
đến làm đám cưới.
Trời đầu thu mát rượi nhưng không lạnh, Bùi Khoái cởi bỏ chiếc
áo len cổ lọ để mặc áo sơ mi màu xanh lạt và thắt chiếc ca-vát đỏ, khoác thêm
chiếc áo vét xám. Rất ít khi anh mặc trịnh trọng như thế này nhưng hôm nay Bùi
Khoái nghĩ phải lịch sự một chút, đàng hoàng một chút để đón những vị khách mà
anh mong đợi và hết lòng quý trọng.
Đợt khách đầu tiên là vợ chồng ông Bùi Khoai sẽ đến sân bay
hôm nay cùng với hơn một chục anh chị em cô bác họ nhà gái. Đón được vợ chồng
ông anh sang chơi thật là một câu chuyện khó khăn. Không phải chuyện hộ chiếu
hay phép tắc, cũng không phải chuyện tiền nong, những năm sau này Bùi Khoái có
thể lo cho anh chị ăn ở hàng năm trời, thậm chí ở hẳn lại cũng không thành vấn
đề. Cái chính là vì ông bà này dằng dưa không muốn đi, kêu ngại, ngại đủ thứ. Ngại
làm thủ tục. Ngại xin thị thực. Ngại đi máy bay. Ngại tiếng tăm chẳng biết. Ngại
mình là thương binh đi lại chậm chạp… Bùi Khoái nghĩ nếu bảo ông ấy lại đi đánh
Pôn Pốt ở Căm-pu-chia chắc chắn ông ấy không kêu ngại như thế. Lần này mà không
có chuyện cưới hỏi của con gái ông bà ấy thì chắc Bùi Khoái cũng chưa thể đón
được anh chị của mình.
Bùi Khoái nắn lại nút ca-vát, soi gương vuốt đầu tề chỉnh rồi
đi xuống. Người lái xe và người bảo vệ đã đứng chờ anh ở cổng. Bùi Khoái hỏi :
- Máy bay đến đúng giờ không, các cậu hỏi chưa ?
- Thưa anh chúng em đã hỏi rồi, máy bay đến đúng giờ.
- Xe to để chở mọi người đâu ?
- Họ ra thẳng sân bay rồi ạ. Mời anh đi kẻo muộn.
Quả nhiên khi Bùi Khoái ra đến nơi thì đoàn khách trong nước
đã được đưa vào phòng đợi. Bùi Khoái đến chào hỏi ông bà Bùi Khoai và mọi người,
giao cho nhân viên ở lại nhận hành lý rồi mời ai nấy về khách sạn. Anh đã thuê
cho tất cả đoàn ở khách sạn Vác-xa-va Xăng-trum là một khách sạn ba sao bên bờ
sông Vít-xtu-la. Khi đưa ông bà Bùi Khoai lên phòng, Bùi Khoái thông báo với
ông anh :
- Hôm qua các cháu mới nhắn tin cho em là ông bố cháu Duy
Tuấn chỉ đi có một mình. Ông ấy bảo để sang đây gặp anh xem thế nào rồi mới quyết
định có gọi mời thêm mấy người bạn thân ở Mỹ sang hay không.
Ông Bùi Khoai mới nghe có thế đã thấy máu nóng bốc lên, mặt
đỏ bừng bừng, nói to như quát :
- Thế nào là thế nào, tôi còn phải làm sao nữa ! Chú nói với
ông ấy muốn đi bao nhiêu là tùy họ, tôi không cần !
- Ta cũng phải thông cảm với họ vẫn còn mang nặng nhiều mặc
cảm anh ạ.
- Chú bảo không thông cảm thì làm sao tôi kéo cả đoàn sang
tận đây mà họ đi có một mình nghĩa là làm sao, liệu có phải là họ muốn bôi nhọ
mình không ? Nếu vậy thì mai tôi chỉ ngồi nhà đợi chứ không ra sân bay đón người
ta làm gì.
- Theo em, dù họ đi mấy người thì mai hai bác vẫn ra sân
bay đón họ và các cháu. Đây là việc vui của gia đình, dứt khoát phải làm cho
chu tất.
Bữa cơm chiều được tổ chức thịnh soạn trong căng tin của
công ty Bùi Khoái S.C với những món ăn thuần Việt như nem cua bể, giò mỡ, cá
kho tộ, đầu cá hồi nấu dấm…, duy có rượu thì toàn uống Na-pô-lê-ông, ai cũng
cơm no rượu say bí tỉ. Ông Bùi Khoai mặt đỏ phừng phừng chỉ tay nói :
- Đáng lẽ chú Bùi Khoái phải cho chúng tôi thưởng thức món
ăn Ba Lan chứ món Việt thì ngày nào chúng tôi chẳng ăn.
Bùi Khoái vội đứng lên thưa :
- Em đã có kế hoạch rồi. Hôm nay vì bác và mọi người mới đến
còn mệt nên em mời món Việt cho nhẹ, đến mai sẽ mời mọi người thưởng thức đặc sản
Ba Lan. Đầu bếp của em ở đây là người Ba Lan nên khoản này thạo lắm.
- Riêng cái khoản rượu Tây thì tôi uống mãi mà không thấy
vào như cái món quốc hồn quốc túy của ta. Cái đó ở đây chắc không có ?
- Bác yên tâm, chẳng có gì là không có bác ạ. Em sẽ phục vụ
các bác món rượu thuốc ngâm ba năm, êm lừ mà say lử luôn đấy ạ.
Khi mọi người đã về phòng nghỉ, khoảng hơn 9 giờ tối ông
Bùi Khoai đã định đi nằm thì nghe tiếng gõ cửa. Đó là Bùi Khoái mang đến cho
ông một ít đồ nhắm, một ít hoa quả và nước uống.
- Ăn uống còn được bao nhiêu nữa mà chú cứ vẽ.
- Có gì đâu, đem lên cho hai bác ít đồ ăn vặt ấy mà. Với lại
nếu bác không mệt lắm thì em tranh thủ báo cáo lại với bác công việc chuẩn bị để
bác cho ý kiến.
- Có gì mà mệt, bộ đội chúng tôi quen chịu đựng gian khổ rồi.
Chú ngồi đây đi, anh em mình nói chuyện. Thật ít khi có được dịp như thế này.
- Ở đây chúng em quen ngủ khuya nên bác mà mệt thì cứ bảo
nhé.
- Ờ, chú cứ yên tâm. Nào, nói đi ! Công việc của cháu, kể cả
chuyện học hành trước đây cho đến chuyện vui ngày hôm nay, được đến như bây giờ
cũng là nhờ cả ở cô chú. Nhanh thế đấy,
thế là con Thu lấy chồng trước con Thủy rồi. Tình hình con Thủy thế nào ?
- Cháu Thanh Thủy nhà em vẫn đang ở Luân Đôn, có vẻ như muốn
lấy chồng Tây bác ạ. Nói thế thôi chứ cũng chưa biết thế nào, thôi thì việc của
chúng nó chúng nó tự quyết lấy, thời bây giờ con cái đặt đâu bố mẹ phải ngồi đấy
mà bác. Còn việc của cháu Thu thì thế này, ngày mai ta đón ông bố cháu Tuấn và
hai đứa chúng nó về đây, theo thỏa thuận là ngày kia được ngày đẹp sẽ tổ chức
ngay lễ ăn hỏi. Lễ ăn hỏi sẽ được thực hiện đúng như trong nước. Đây là yêu cầu
của ông Liêm, bố cháu Tuấn. Ông ấy muốn thằng Tuấn sẽ phải thắp hai cây đèn cầy
dâng lên gia tiên họ nhà gái.
Ông Bùi Khoai đánh một câu :
- Vẽ chuyện. Đã ở Ba Lan này thì làm gì có bàn thờ, làm gì
có ai xem ngày tốt ngày xấu cho chú.
Bùi Khoái bật cười khơ khớ :
- Em ở đây tuy xa đất nước quê hương nhưng từ ngày có điều
kiện cũng đã lập ban thờ đàng hoàng, bố mẹ mình tha hồ đi về, không biết có phải
xin thị thực khó khăn như người còn sống không. Kể như bố mẹ còn mà thấy anh em
mình được thế này thì các cụ mừng lắm.
- Thế chú đã ấn định ngày cưới chưa ?
- Rồi ạ. Sau lễ ăn hỏi, mọi người tranh thủ nghỉ ngơi và
thăm quan Ba Lan trong một tuần. Lễ cưới sẽ được tổ chức vào chiều thứ bảy 20
tháng 8 tại nhà văn hóa của Hội. Em xem rồi, hôm ấy là ngày 16 tháng 7 âm lịch.
Ông Bùi Khoai tỏ ra hơi trầm ngâm :
- Tôi thì không kiêng khem gì nhưng thường nghe người ta
nói không cưới gả vào tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn, chú có biết không ?
- Em biết, nhưng ngày thứ bảy 20 tháng 8 là do các cháu chọn,
phù hợp với lịch công việc của chúng nó. Với lại ở bên này người ta chỉ xem
ngày giờ để tiện việc mời khách thôi mà.
- Ừ, thật đúng như chú nói, ngày xưa cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy. Bây giờ con
đặt đâu bố mẹ phải nghe theo. Trường hợp của tôi chẳng đúng như vậy hay sao !
Thế còn khách mời ?
- Về phía họ nhà gái từ trong nước sang là hơn một chục người,
họ nhà trai và bạn bè của hai cháu từ Mỹ và Pháp qua nhiều lắm cũng chỉ 15 đến
20 người là cùng. Khách khứa bạn bè của em ở Ba Lan khá đông, phải gần 100, tổng
cộng khoảng gần 200 người. Nếu so với trong nước là ít nhưng ở đây một đám cưới
hơn 100 khách mời như thế không có gì là lạ đâu, hai bác cứ yên tâm. Sau đám cưới,
thằng Tuấn với con Thu chắc có chương trình riêng đi tuần trăng mật, còn mọi
người thì tùy, các bác ở lại ăn tết mồng 2 tháng 9 với bà con thì chúng em hoan
nghênh. Mà anh chị cũng nên thu xếp ở lại với chúng em một thời gian.
Ông Bùi Khoai rít nốt mẩu thuốc trên tay, thong thả nói :
- Bình thường mà tổ chức trong nước thì chú chẳng phải vất
vả thế này, cũng chỉ tại cái ông thông gia kia là ngụy quân ngụy quyền, rồi bà
con đồng chí người ta hỏi thì tôi biết ăn nói thế nào !
- Ấy chết, bác đừng gọi người ta như thế nữa, mai kia quen
mồm buông ra là hỏng cả đại sự của các cháu. Chuyện đã bao nhiêu năm rồi còn
gì.
- Tôi cũng biết như vậy nhưng nghĩ đến là trong lòng cứ tức
anh ách. Công việc của cháu nhờ chú lo cho như thế không còn gì phải bàn thêm nữa,
tốt rồi, cứ thế mà làm thôi.
- Ta nhất trí anh chị nhé. Em còn chưa kịp hỏi thăm hai bác
xem tình hình quê nhà độ này thế nào ?
- Chẳng có gì mới ngoài việc anh chị sắp làm nhà. Tôi dự định
làm cái nhà hai tầng khang trang, mát mẻ, cô chú về còn có phòng riêng, có
toa-lét sạch sẽ.
- Mừng quá. Hai bác để em đỡ cho một phần. Có giữ được mấy
cây cau ở phía trước không ?
- Có chứ, từ thời các cụ để lại, ai dám chặt. Đến mùa hoa
cau nở thơm ngát, không biết chú còn nhớ không?
- Quên làm sao được. Em còn nhớ trong góc nhà có hai cái
chum to tướng đựng đầy khoai khô, lúc đi học em thường thò tay vào lấy, đúc đầy
hai túi quần, vừa đi vừa nhai khô cả miệng.
- Cái chum ấy tôi vẫn giữ ở góc nhà nhưng không có nắp. Cái
nắp chum là chú làm vỡ. Nhưng bây giờ làm gì còn ai ăn khoai khô nữa !
Đúng là ông Lê Liêm chỉ đi một mình cùng với cặp đôi uyên
ương. Họ nhà gái ra đón có ông Bùi Khoai, vợ chồng Bùi Khoái và hai thanh niên
ngang tuổi với Hoàng Thu, gọi ông Bùi Khoai bằng bác. Mấy ông chú bà thím cũng
muốn đi cốt để xem sân bay nó thế nào thì đều bị ông Bùi Khoai chặn lại. Ông đứng
ngay cổng khách sạn, tay chống nạnh, miệng nói oang oang :
- Tôi với chú Khoái đi là đủ lắm rồi, mọi người cứ chờ ở
nhà.
Trong khi đó được ông thông gia đích thân ra sân bay đón,
ông Lê Liêm cảm thấy thật ấm lòng. Ông ân hận rằng nếu mình đừng cấn cá với một
chút nghi hoặc về sự thành tâm của những người nhà gái thì 7 người bạn thân của
ông ở Mỹ cũng đã bay cùng chuyến. Nhưng không sao, tối nay ông sẽ nhắn tin về
cho họ và chỉ ngày mai là họ đã có mặt đông đủ đây rồi, bây giờ người ta sống
trong một thế giới kết nối cơ mà.
Lúc mọi người vồn vã đón chào ông Lê Liêm thì ông Bùi Khoai
đứng nguyên một chỗ, có vẻ như giờ phút gặp gỡ này thật nặng nề. Theo thói quen
của một sĩ quan trinh sát, ông tranh thủ quan sát vị thông gia của mình, cố soi mói tìm trong cử chỉ, ánh mắt, lời nói của
người sĩ quan quân đội chính quyền cũ kia có biểu lộ chút gì là thù hận hay
không. Dưới con mắt của ông Bùi Khoai, dù ông Lê Liêm mặc thường phục nhưng nhìn mái
tóc cắt cua đã hoa râm và kiểu đi đứng mạnh mẽ dứt khoát đúng là ông ta vẫn có
dáng của một sĩ quan quân đội. Đang mải theo đuổi những suy đoán riêng của mình
thì chợt chú em Bùi Khoái đem đến đưa ông một bó hoa rực rỡ.
- Sao anh còn đứng đây, anh mang hoa ra đón chào người ta
đi.
- Tôi có tặng hoa ai bao giờ đâu !
- Thì bây giờ bác tặng, nào, hai ba, đi ra đi.
Người thương binh
già cầm bó hoa, bước những bước tập tễnh đến ông Lê Liêm, chìa bàn tay săn chắc
và thô nhám ra mà không giấu được chút ngượng ngập trong giọng nói :
- Chào ông.Tôi là bố của Hoàng Thu.
Thực ra trong đầu, ông Bùi Khoai đã xắp xếp chuẩn bị cho
phút gặp gỡ này, rằng ông sẽ nói một câu gì đó dài và hay, đại loại như rất vui
mừng được đón chào ông tới, thật sung sướng khi được chứng kiến các con hạnh
phúc…Thế mà đến lúc giáp mặt nhau ông Bùi Khoai chỉ nói được hai câu cộc lốc ấy,
đổi lại, ông không đưa hoa và cũng cứ nắm tay ông thông gia cho đến khi Bùi
Khoái nhắc. Mọi người ồ lên cười, nói vui :
- Ông già bối rối vì cảm động quá đấy mà.
Ông Lê Liêm thực lòng xúc động, những khó khăn lúc đầu tiếp
xúc nhanh chóng được xóa đi ngay khi mọi người về đến khách sạn. Lúc đầu hai
ông chỉ trao đổi những việc về hôn lễ. Có lẽ vì họ đều là hai người lính nên cũng
dễ thông cảm, chuyện trò nhiều cái cứ thẳng băng, đơn giản. Đến khi chẳng còn
chuyện gì để bàn nữa thì sau bữa cơm tối, khi rượu đã đến độ tiên tửu, ông Liêm
quay sang hỏi :
- Tôi nghe thằng Tuấn nói ông từng tham chiến ở Căm-bốt ?
- Vâng, 5 năm tròn cả thảy, từ cuối năm 1982 đến cuối năm
1987. Còn ông thì sao ?
- Tôi có qua bển chút xíu, khi tham gia một phái đoàn quân
sự thăm cảng Si-ha-núc trước năm 1975. Trong thời gian 5 năm ở Căm-bốt thì ông
tham chiến ở đâu ?
- Lúc đầu ở mấy tỉnh biên giới như Pray-veng, Xoài Riêng rồi
lên Bát-tam-băng. Sau khi về Thủ Đức dự khóa huấn luyện sĩ quan cao cấp, tôi lại
trở lại Bát-tam-bang vào 1986, đánh nhau ở Biển Hồ. Ở đó tôi gặp nhiều người Việt
làm ăn sinh sống khổ cực lắm, đâu có được như bà con Việt kiều mình bên này.
- Ghê quá nhỉ. Ông kể cho tôi nghe được không ?
Ông Bùi Khoai rít một hơi thuốc rõ dài, khói thuốc tỏa ra
mơ màng như muốn đưa ông trở lại một thời quá khứ. Tợp thêm hớp rượu, ông thong
thả kể lại quãng thời gian chinh chiến trên đất Căm-pu-chia, những ngày đánh
Pôn Pốt một sống một chết, về cái xóm người Việt nghèo khó ven Biển Hồ, về ông
Hải, người bỏ mạng vì bị rắn cắn. Nghe kể về thân phận những người Việt ở Biển
Hồ, ông Lê Liêm thắc mắc hỏi :
- Khổ thế tại sao họ không về lại Việt Nam ?
- Họ đều nói khi đi thì hăm hở vì nghe người ta bảo “mần cá
đổi vàng” nên ai cũng vội, giấy tờ lưu lạc mất hết cả, thế là trở đi mắc núi trở
lại mắc sông, có quay lại cũng không biết làm gì để sống nên đành ngậm ngùi neo
bè ở lại.
- Vậy chớ hai nhà nước Việt Nam mình với Căm-bốt của ông
Hun Sen có hỗ trợ họ không ?
- Có chứ, làm nhiều đấy, từ việc mở mang trường học, quyên
góp tiền bạc đến hỗ trợ giấy tờ hợp pháp, nhưng đều như muối bỏ bể ấy mà, không
xuể. Tôi chưa được đến Mỹ hay đến Pháp, nhưng đến Ba Lan này rồi thì tôi thấy Việt
kiều ở Căm-pu-chia thật là khổ.
Nói đến đây ông Bùi Khoai buông ra một tiếng thở dài, với
tay lấy chai rượu rót đầy hai chén.
- Ông thông gia uống đi.
Ông Lê Liêm nghe được tiếng thở dài, giơ tay đỡ chén rượu uống
một hơi cạn. Ông biết thế là câu chuyện đã đụng đến một nỗi niềm nào đó của ông
Bùi Khoai. Sau khi uống cạn, ông Bùi Khoai lại chậm rãi nói :
- Họ nghèo khó quá chừng nhưng mà tốt vô kể. Cái ông Hải
tôi kể ông nghe rồi đấy, ông ấy là người bị rắn cắn chết khi đi lấy lá thuốc về
chữa vết thương cho tôi.
- Không có thày thuốc cấp cứu à ?-Ông Lê Liêm hỏi.
- Không có. Bộ đội thì đã rút đi. Đau đớn nữa là lúc ấy
đang mùa nước nổi, không có đất để chôn, người ta phải lấy ni lông bó ông Hải lại
đem treo vào trong rừng.
Đôi mắt ông Bùi Khoai đỏ ngầu, giọng nấc nấc liên tục, ông
Lê Liêm bất ngờ trước tình cảm của con người mà ông nghĩ là sắt đá kia, muốn
tìm một lời an ủi mà không ra.
- Bây giờ tôi có nhiều tiền nhưng không còn có thể gửi cho
ông Hải lấy tiền về quê được nữa. Tôi vẫn thường nói với cháu Hoàng Thu, ở đấy,
người ta cũng là một kiếp kiều !
Ông Lê Liêm dè dặt hỏi :
- Tôi xin được hỏi ông xui một câu. Cái gì để họ đánh đổi
mà phải sống một cuộc đời ly hương như vậy ? Ví dụ như người ta qua Mỹ để kiếm
tìm cuộc sống mới thì dễ hiểu, nhưng từ một nước như Việt Nam mà phải bỏ quê
cha đất tổ để qua Căm-bốt thì người ta tìm kiếm cái gì ?
Ông Bùi Khoai thấy câu hỏi có gì gợn
gợn. Làm sao ông thông gia có thể thông cảm hết được với những người như ông
Hải ở Căm-pu-chia. Ở một hoàn cảnh khác chắc Bùi Khoai đã phải đốp lại dữ dội
lắm, tuy nhiên giờ ông chỉ nhẹ nhàng trả lời nhưng cũng không kém đáo để sau khi đã rót rượu vào hai chén rồi mời ông
Lê Liêm uống cạn.
- Chuyện đó cũng dễ hiểu mà ông. Hai
bên gần nhau, người dân qua lại làm ăn thăm viếng nhau đơn giản. Vả lại họ toàn
là nông dân nghèo, đâu có thể mà đi xa được như ông với chú Khoái nhà tôi !
Chương 15
Bùi Khoái chạy lăng xăng chào mời mọi người, miệng nói
không chán rằng đám cưới của cháu mình tại Trung tâm văn hóa là một đám cưới đặc
biệt. Nếu chỉ xét về diện tích và bề thế thì gọi trụ sở này là nhà văn hóa có vẻ
đúng hơn gọi là trung tâm văn hóa, nhưng bà con ở đây thích thế, gọi là trung
tâm nghe nó đặc biệt hơn. Đây là nơi đã từng tổ chức nhiều đám cưới của cộng đồng,
nhưng một đám cưới có họ nhà trai ở Mỹ, họ nhà gái ở Việt Nam, lại chọn Ba Lan
là nơi để tổ chức thì đó là điều đặc biệt thứ hai. Điều đặc biệt này khiến
không ít khách mời thắc mắc rằng tại sao lại không làm đám cưới ở Hà Nội. Trong
hội trường, chiếc phông màu xanh da trời được căng hết cỡ nhưng trên đó không vẽ
hai trái tim lồng vào nhau, không cắt dán đôi chim bồ câu bay quấn quít bên
nhau mà chỉ có hàng chữ đơn giản : “Lễ thành hôn của Hoàng Thu-Duy Tuấn”, đó là
điều đặc biệt thứ ba. Điều này là làm theo ý của cô dâu chú rể muốn đề cao cái
đẹp giản dị, không thích những tình tiết rườm rà. Đám cưới có sự tham dự và biểu
diễn của một đội văn nghệ đến từ Đức, trong đội có ca sĩ Ly Ly mà mọi người biết
tiếng, đó là điều đặc biệt thứ tư. Có lẽ vì tất cả những điều đặc biệt trên mà
số khách đến dự rất đầy đủ, không vắng một ai, nhiều người mang theo một lũ con
trẻ nên thiếu mấy mâm cỗ khiến nhà bàn phải bổ sung rối rít.
Trước khi ra trung tâm Văn hóa, Bùi Khoái lên phòng mời ông
Bùi Khoai. Vừa mở cửa bước vào, anh ta giật mình thấy một vị sĩ quan quân đội
đang ngồi đợi sẵn, tay cầm chiếc mũ đính sao, vẻ nôn nóng sốt ruột. Lúc này Bùi
Khoái mới biết ông anh mình đã mang theo toàn bộ bộ đồ lễ phục của quân đội.
Hai chiếc lon trên vai ông Bùi Khoai óng ánh 4 ngôi sao đại tá, trên ngực áo lủng
liểng kiêu hãnh 3 chiếc huân chương đỏ chói, mái tóc hoa râm, nét mặt gồ ghề xạm
màu đồng đen thời chinh chiến, trông ông thật sự là một vị sĩ quan oai vệ. Nếu
ông Bùi Khoai diện đúng như thế này để ra đám cưới con gái thì đây cũng lại là
một điều đặc biệt, nhưng điều đặc biệt này đã không xảy ra vì Bùi Khoái vội
vàng ngăn lại.
- Chết thật, sao anh lại mặc quân phục đi đám cưới. Để mai
kia thăm bảo tàng quân đội Vác-xa-va, thăm tượng đài nàng Tiên cá, thăm cung
vua Vi-na-núp thì anh tha hồ mặc quân phục và đeo huân chương, còn ở đám cưới
anh phải nghĩ đến ông thông gia của anh chứ.
- Tôi tưởng mặc như thế để tăng oai phong, người ta phải nể
mình.
-
Không được ! Anh mặc com-lê vào đi-Bùi Khoái nói dứt khoát.
- Tôi làm gì có com-lê.
- Chết thật, cái này là lỗi tại em. Đáng lẽ em phải biếu
bác một bộ thật xịn từ lâu rồi. Nhưng không sao, chuyện đơn giản ấy mà. Em có một
bộ màu đen rất hợp, hơi rộng nên chưa mặc lần nào, bây giờ bác mặc thì thật vừa.
Ông Bùi Khoai miễn cưỡng nghe theo em mình, cởi bỏ bộ quân
phục để đóng bộ com-lê đen, xúng xính đi ra hội trường cùng ông thông gia Lê
Liêm, vừa đi vừa tấm tắc về những điều đặc biệt của đám cưới các con.
Việc chọn món cho bữa tiệc cưới được Bùi Khoái giao cho đầu
bếp nhà hàng Kim Long, một đầu bếp nổi tiếng Bùi Khoái mời từ Hà Nội sang làm
cho mình. Nhà hàng Kim Long của Bùi Khoái tuy mới mở cách đây hơn một năm nhưng
đã rất có tiếng về những món ăn Việt Nam, khách du lịch và khách Ba Lan thường
xuyên lui tới. Bùi Khoái nói với ông Lê Liêm rằng anh đã từng lăn lộn làm cửa
hàng ăn nhưng chỉ là thứ hạng bình dân chứ chưa đạt tới trình độ ẩm thực ở mức
cao như bây giờ. Cùng với ông Lê Liêm, anh dẫn những vị khách từ Mỹ sang đi quanh mấy bàn
tiệc, chỉ vào những bát chân giò ninh măng, bóng thả, những đĩa giò lụa, thịt
gà rắc lá chanh :
- Tôi đã yêu cầu đầu bếp dựa theo chuẩn cỗ cưới ở Hà Nội
xưa để làm món cho bữa tiệc hôm nay, tất nhiên có mô-đi-phai một chút, gồm 4
bát 6 đĩa trong đó có đĩa xôi gấc đỏ tượng trưng cho lòng hoan hỉ chào đón
khách và lời chúc may mắn. Các món ăn đều phải được chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ
nhưng thanh tao, bởi vì cỗ Hà Nội không phải là một bữa tiệc sang trọng nhưng
cũng không phải là một bữa liên hoan ầm ĩ.
Vẻ hài lòng hiện rõ trên nét mặt ông Lê Liêm khi ông dịch
sang tiếng Anh cho các bạn của mình, bởi vì đây chính là điều ông thầm mong ước
khi cưới vợ cho con trai. Bùi Khoái tinh quái hiểu được tấm lòng của vị thông
gia nên cười nói tiếp :
- Thú thật, lúc đầu tôi cũng định làm tiệc như những người
Ba Lan ở đây, nhưng sau thấy ông thông gia Lê Liêm đã cất công mang hai chiếc
đèn cầy từ Mỹ sang để chú rể đặt lên bàn thờ thì tôi cảm động quá, bởi vậy tôi
đã thay đổi hẳn ý định ban đầu.
Nghe Bùi Khoái nói thế ông Lê Liêm lại càng cảm động, ôm chầm
lấy anh ta mà nói “ Cám ơn, cám ơn nhiều lắm”.
Riêng khoản rượu sâm banh, Bùi Khoái đã cho nhập hàng trăm chai
Sác-đông Mui-ê nổi tiếng của Pháp, rượu rót ra đầy những chiếc ly dài, khách uống
theo sức, ai uống được bao nhiêu cứ uống. Đây chính là một chút “mô-đi-phai” mà
Bùi Khoái đã nói ban nãy. Rượu này đúng gu của ông Lê Liêm nhưng ông Bùi Khoai
chỉ uống nửa cốc rồi bỏ, ông đòi mang rượu đế ngâm thuốc ra cho ông. Chú rể nổi
bật bởi bộ com-lê màu đen bó sát lấy cơ thể thanh niên cường tráng, áo sơ mi trắng,
cà vạt tím, tự tin khoác tay cô dâu duyên dáng và hấp dẫn trong bộ áo dài trắng
tinh khiết. Tay cầm cốc sâm banh họ đi đến từng bàn cụng ly và chào mọi người.
Ông Bùi Khoai ngồi cùng bàn với mấy người bạn Mỹ của ông Lê
Liêm. Họ mới từ Ca-li đến dự đám cưới cách đây hai ngày, ai cũng lấy làm hài
lòng về chuyến đi. Trong số những người này có một cựu binh Mỹ tên là Pôn
Hen-clác, người đã từng đánh nhau ở chung quanh Sài Gòn vào mùa hè năm 1968,
lúc ấy mới 23 tuổi. Ông Lê Liêm không chút ngại ngần giới thiệu với các bạn về vị
thông gia, rằng đấy là một đại tá quân đội Bắc Việt đã từng đánh nhau với quân
Khơ-me đỏ ở Căm-bốt. Những người bạn Mỹ phục lắm, xúm vào hỏi chuyện ông Bùi
Khoai, khốn nỗi ông có biết một câu tiếng Anh nào đâu nên muốn nói gì đều phải
nhờ đến thông gia dịch giúp. Pôn Hen-clác để râu bạc trắng mọc lởm chởm quanh miệng, đầu
đội một chiếc mũ len xám, mặc một chiếc áo gió mỏng che kín cả cổ và ngực. Thấy
vậy ông Bùi Khoai hỏi :
- Ông bạn đây có vẻ không được khỏe lắm ?
- Đúng là tôi không được khỏe vì tôi đã bị thương ở Việt
Nam khi đơn vị tôi đi vào một bãi mìn. Bốn chiếc xe bọc thép nổ tung, nhiều người
chết và bị thương, tôi sống sót nhưng một mảnh đạn đã phá vỡ xương bả vai. Bây
giờ cứ giở trời là đau khiếp lên được.
Thấy ai cũng chú ý nghe câu chuyện mình kể, Pôn Hen-clác
thong thả nói tiếp :
- Vết thương ở bả vai tôi lúc nào cũng đau nhức nhối, nó
làm tôi luôn bị ám ảnh nghĩ tới cuộc chiến tranh ở Việt Nam mà rất nhiều người
trong thế hệ chúng tôi đã bị lôi cuốn vào. Tôi đã trở lại nơi này lần đầu tiên
vào năm 1994, đã tham gia dạy học và đi du hành từ Sài Gòn ra Hà Nội. Đã có rất
nhiều Việt kiều trở về Việt Nam, nhất là
từ sau khi bỏ cấm vận. Tôi đã rủ ông bạn Lê Liêm nhưng ông ấy từ chối, chắc vì
ông ấy có những lý do riêng.
Vừa lúc ấy cô dâu chú rể âu yếm dắt tay nhau đến chào mọi
người, Pôn Hen-clác nâng ly sâm banh lên chúc mừng và hỏi :
- Sau lễ cưới, các cháu sẽ đi tuần trăng mật ở đâu ?
Duy Tuấn nhanh nhẹn trả lời :
- Còn đâu hơn Việt Nam. Chúng cháu sẽ về đó cùng bố vợ rồi
đi Vịnh Hạ Long, sau đó đi Sài Gòn.
Pôn quay sang hỏi ông Lê Liêm :
- Ông cũng về Việt Nam luôn chứ, đã lâu ông không về rồi mà
?
Ông Lê Liêm nhún vai :
- Ô, còn để xem.
Được con gái đứng bên dịch lại cho thủng câu chuyện, ông
Bùi Khoai đỏ bừng mặt, giơ cốc rượu lên nói như hét :
- Ông thông gia, ông còn chờ gì nữa ! Tôi xin đứng ra mời
ông về có được không ? Bây giờ các ông là người Âu người Mỹ, các ông có dám về
nhà quê ở với tôi vài ngày, ăn cơm với ngọn khoai lang luộc chấm nước mắm cáy nữa
không ?
Ông Bùi Khoai chỉ tay về phía Pôn Hen-clác nói với ông Lê
Liêm :
- Ông rủ luôn cả ông bạn Mỹ đây nữa về nhà quê với tôi một
tuần, chịu được khổ thì ở cả tháng cũng chẳng sao. Được chưa ?
Không khí vui vẻ và hào hứng quá, mọi người cùng giơ cao cốc
hưởng ứng lời mời. Riêng ông Lê Liêm không ừ cũng không lắc, tuy thấy có làn
gió mới mát rợi đang thổi trong lòng nhưng vẫn vẩn lên một nỗi buồn. Thì ra những
người ở trong nước như ông thông gia đây cũng không nhận ông là người Việt Nam
nữa, với họ bây giờ ông đã là người Âu người Mỹ rồi. Ông Lê Liêm bỗng thở dài
khi nghĩ ông thông gia của ông không khi nào có thể hiểu nổi nỗi niềm chua cay
của những người xa xứ, khi đứng bên cạnh những người da trắng mũi lõ thì mình vẫn
nổi bật lên là một anh mũi tẹt da vàng, có bao giờ họ coi mình là người Mỹ đâu.
Bao giờ dưới mắt họ mình cũng chỉ là người tị nạn, người mới đến, người nhập cư
vào đất Mỹ. Còn trong nước, những người như ông Bùi Khoai lại coi mình là người
Mỹ, người Âu. Vậy cuối cùng thì mình là ai !
Khi tiệc tàn chuyển sang phần văn nghệ, người giới thiệu
chương trình vừa bước ra sân khấu thì ông Bùi Khoai lúc ấy có vẻ đã ngà ngà rượu,
bỗng nhiên ngật ngưỡng đứng lên, giơ cao tay nói rõ to trong chếnh choáng hơi men và niềm
phấn khích vô hạn :
- Tôi có ý kiến, tôi đề nghị cùng hát bài “Như có Bác Hồ
trong ngày vui đại thắng” !
Cả hội trường vỗ tay reo hò cho đến khi tiếng nhạc rộn ràng
trên sân khấu vang lên bắt nhịp mọi người hát vang theo. Bùi Khoái ranh mãnh
nhìn ông Lê Liêm, ông này không hát, tất nhiên là ông không thuộc bài này,
nhưng nét mặt ông thật bình thản, tay gõ nhịp đều đặn lên mặt bàn. Sau màn hát
tập thể do ông Bùi Khoai để xướng, mọi người chờ đón tiết mục của ca sĩ Ly Ly với
bài hát mở màn “Việt Nam quê hương tôi”. Từ cánh gà sân khấu ca sĩ bước ra, tha
thướt trong bộ áo dài nhung xanh đậm thêu kim tuyến lấp lánh dưới ánh điện, điệu
đà vén mái tóc xoăn, mỉm cười tươi tắn cúi chào khán giả đang vỗ tay rầm rầm
vang dội cả hội trường. Lúc ấy Bùi Khoái đang nói chuyện với một người bạn Mỹ về
cuộc sống của người Việt ở Ba Lan bằng thứ tiếng Anh bập bẹ. Anh cố gắng giải
thích rằng không phải ai cũng may mắn kiếm được nhiều tiền như mình. Bất chợt
ngẩng lên sân khấu, Bùi Khoái lặng người nhận ra một dáng dấp quen quen. Anh ta
đứng lên, lặng lẽ lách đến gần và xuýt hét to : Cẩm Tú, sao lại là bạn !
Nhưng Bùi Khoái đã không hét lên như thế. Anh ta lấy một mảnh
giấy viết mấy chữ vào đấy rồi kéo một người quen nói nhỏ vào tai :
- Tôi nhờ ông lên đưa cho ca sĩ Ly Ly mảnh giấy này.
- Sao lại…
- Đi đi, tôi nhờ, đừng có sao lại như thế.
Bùi Khoái nôn nóng theo dõi từng bước anh bạn đi về phía ca
sĩ. Khi anh này đưa mảnh giấy và nói gì đó, có vẻ như cô đã giật mình nhìn xuống
phía dưới, đôi mắt sáng long lanh như hai viên bích ngọc. Có ai đó đang ngồi dưới
kia đã biết mình từ thời trẻ trung hay sao mà lại đề nghị mình hát một bài hát
thật cũ như thế này. Đây là bài hát đã làm mình nổi tiếng thời học lớp 8 phổ
thông. Chắc ai đó phải là người bạn cùng thời. Thật không ngờ…
Sau một thoáng bối rối, Ly Ly nở nụ cười rạng rỡ để cố giấu
đi vẻ xúc động khiến tay cầm míc run run. Cô bước hai bước về phía khán giả, tỏ
ra bình tĩnh nói :
- Thành thật xin lỗi quý vị ngồi đây và xin phép cho Ly Ly
có một cuộc giao lưu đôi chút riêng tư. Vốn là vừa nãy có một vị khán giả đã đề
nghị Ly Ly hát bài “Trước ngày hội bắn”, một bài hát mà Ly Ly đã thể hiện cách
đây lâu lắm, làm cho Ly Ly nhớ lại nhiều kỷ niệm thời học trò và rất cảm động.
Mọi người ồ cả lên, không khỏi tò mò và ngạc nhiên. Phấn chấn
bởi sự ngưỡng mộ của đám người ngồi dưới, cô ca sĩ tỏ ra hài hước :
- Trước khi đáp ứng yêu cầu của vị khán giả bí mật đó, Ly
Ly xin được hỏi trong số các vị ngồi đây có ai người Hải Phòng không ?
Khoảng một chục cánh tay giơ lên cùng với tiếng hô có, điều
này làm cho cô lúng túng. Trong ánh điện sân khấu chói lòa làm lóa mắt, cô chưa
nhận ra ai là người quen của mình.
- Xin cám ơn, xin cám ơn. Không ngờ hôm nay Ly Ly được gặp
nhiều đồng hương như thế. Ly Ly xin chúc tất cả quý vị và riêng chúc các bạn đồng
hương thật nhiều sức khỏe và thành đạt. Bây giờ Ly Ly xin hát bài “Trước ngày hội
bắn” để đáp lại tấm lòng của vị khán giả bí mật kia.
Chờ cho không khí ồn ào náo nhiệt lắng xuống, Ly Ly khẽ cất giọng, da diết cảm
động, chất chứa một nỗi bâng khuâng. “Quê hương ta ơi, suối cao núi ngàn của
ta, ngàn hoa thơm ngát núi đồi, rừng xanh in bóng hai người, và hai cây súng
đang ngồi bên nhau”.
Đứng
ở dưới, Bùi Khoái nghe rõ lời bài hát. Quá khứ tươi trẻ những ngày học phổ thông
vụt tràn về làm cho Bùi Khoái rơi vào một trạng thái nôn nao khó tả khiến anh phải
lặng lẽ bỏ ra ngoài. Những năm tháng vật lộn bươn chải chẳng còn để ra một khoảng
trống nào cho tình cảm lãng mạn, dù chỉ là một chút. Vậy mà giờ đây, ở trong
kia, có cái gì trong bài hát như muốn kêu gọi anh quay trở về một thời, một
vùng quê tuổi trẻ nghèo khó nhưng yên bình. Đây đúng là một khoảnh khắc lạ thường
đầy nét mờ ảo mà quá khứ và hiện tại cứ đan xen lẫn nhau. Bùi Khoái ngơ ngác
nhìn quanh, cứ như là ngôi trường cấp III Thủy Sơn với mái ngói đỏ và những ô cửa
sổ trống hoác, con sông xanh in bóng dãy núi đá vôi Tràng Kênh và những con
chim hải âu bay ngang kêu chèng chẹc đang luẩn quất quanh đây. Anh thẫn thờ tìm
đến một chiếc ghế sắt dưới gốc cây ngô đồng, lá ngô đồng rụng đã khô lạo xạo dưới
chân. Xin một điếu thuốc ngồi hút, rất ít khi người ta thấy Bùi Khoái hút thuốc,
kéo những hơi dài làm cho điếu thuốc cháy đỏ, anh ta cảm thấy điếu thuốc thật
ngon và làm cho mình thật sảng khoái. Ngửa mặt lên phun khói vào không khí khô
lạnh, Bùi Khoái tưởng không bao giờ gặp lại người bạn đầu đời này thì nay người
ấy đây, đang đứng trên sân khấu, hát bài hát ngày xưa, khiến cho những ý nghĩ của
Bùi Khoái lộn xộn, rối tung lên, không thể xắp xếp thứ tự lại được. Hút hết hơi
thuốc cuối cùng, Bùi Khoái vứt mẩu thuốc xuống chân dụi đi, khi ngẩng lên anh
ta thấy có hai người phụ nữ dắt nhau đi ra từ cửa hội trường, ngơ ngác tìm. Đó
là Hoàng Thu lộng lẫy trong bộ đồ cưới và ca sĩ Ly Ly mà Bùi Khoái gọi là Cẩm
Tú. Biết là họ đang tìm mình, Bùi Khoái đứng lên vẫy gọi :
- Thu ơi, chú ở đây.
Hoàng Thu hớn hở nói :
- Cô Ly Ly cứ đi tìm người đã đề nghị cô ấy hát bài hát cũ,
té ra người ấy là chú. Bây giờ cháu xin giao lại cô ấy cho chú đây.
Nói rồi cô dâu nhanh chóng biến thẳng vào bên trong để dự nốt
buổi văn nghệ. Bùi Khoái giành chủ động, chìa tay ra, nói thân mật :
- Xin chào người xưa, có nhận ra tớ không ?
Ly Ly sung sướng reo lên :
- Ôi, Bùi Khoái, là bạn đấy à ! Thảo nào…
- Bây giờ tớ gọi bạn là Ly Ly hay Cẩm Tú đây ?
Ca sĩ Ly Ly xiết chặt tay Bùi Khoái, cất lên giọng nói
trong trẻo :
- Tùy bạn. Nếu coi tớ là người mới gặp thì gọi là Ly Ly,
còn nếu coi tớ là bạn cũ thì gọi Cẩm Tú.
Bùi Khoái không gặng hỏi thêm vì anh biết rõ cũng như anh
hiện giờ có 2 tên, tên cũ là Bùi Khoái, ai cũng biết, nhưng nếu như ở một nơi
nào đó có người giới thiệu tên Nguyễn Tiến Vân thì chắc Cẩm Tú cũng nghĩ đấy là
một người xa lạ. Anh chợt nhớ đến Bích Ngọc, nhớ đến chiếc răng khểnh duyên
dáng khi cô cười. Bích Ngọc cũng có 2 tên, tên trong hộ chiếu là Lệ Quyên. Đều giống
nhau hết, vì bươn chải làm ăn mà có khi người ta buộc phải đánh mất cả tên tuổi
của chính mình.
- Bây giờ tớ đề nghị thế này, ta đi dạo chứ không ở đây nữa,
ở đây ngột ngạt quá.
Cẩm Tú hưởng ứng ngay. Bùi Khoái mở cửa chiếc xe Ja-gua màu
xanh đen sang trọng mời Cẩm Tú ngồi ở ghế cạnh mình. Trước khi vào xe, cô ta
còn kịp nhìn thấy ở đầu mũi xe gắn một con báo mầu bạc sáng loáng đang giơ hai
chân mạnh mẽ chồm về phía trước. Cẩm Tú thích thú quay sang hỏi Bùi Khoái khi động
cơ xe vừa rung lên êm nhẹ :
- Xe của cậu đấy à ? Xe gì mà sang thế, tớ chưa được đi xe
này bao giờ.
- Của tớ đấy, dân mình gọi xe này là xe con báo. Họ cứ bảo
ngay cả ở Vác cũng chưa có mấy chiếc như thế này.
Bùi Khoái lái xe ra bờ sông Vít-xtu-la, tìm chỗ đỗ xe rồi
hai người xuống đi bộ. Gió mát lạnh thổi từ sông lên đưa theo tiếng những con
chim hải âu ăn đêm kêu chẹc chẹc, trong gió có lẫn cả mùi tanh của rong rêu với mùi dầu của những con tàu thải ra. Bùi
Khoái kéo cổ áo lên cho kín gió, bước từng bước thong thả bên người bạn học năm
xưa đã để lại cho anh những dấu ấn đầu đời.
- Cẩm Tú có nghe thấy tiếng những con chim hải âu vỗ cánh đấy
không ?
Cẩm Tú nghiêng mặt ngước lên lắng nghe.
- Ừ, có, nó vừa bay
vừa kêu.
- Bạn có còn nhớ “Bài thơ tình về con chim hải âu” của nhà
thơ Lưu Trùng Dương không ? “Nàng đã hóa thành chim hải âu, bay tìm ai trên
sóng biển bạc đầu”- Bùi Khoái khẽ lẩm
bẩm.
- Tớ nhớ là bạn đã đọc bài thơ này cho cả lớp nghe. Tớ cũng
nhớ ở quê mình, chim hải âu thường bay trắng một khúc sông Bạch Đằng.
Họ lặng lẽ bước đi, cứ để đầu óc mông lung trong những kỷ
niệm. Bùi Khoái hỏi :
- Tớ nghe trong cộng đồng người ta nói là ca sĩ Ly Ly trong
một chuyến biểu diễn bên Đức đã ở lại, có đúng không ?
- Đúng thế. Lúc ấy là sau khi bức tường Béc-lanh sụp đổ vài
năm. Đó là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tớ. Không biết làm sao tớ
đã có thể vượt qua được mọi trở ngại để đến với sự lựa chọn này. Thế còn cậu ?
- Tớ hiểu. Tớ cũng đã vật vã khổ sở khi quyết định ở lại.Tớ
bị dồn ép, không có đường về, không có sự lựa chọn khác. Tớ lâu hơn cậu, đi từ
cuối thế kỷ trước, năm1983 cơ. Bây giờ nhìn lại, chính mình cũng không thể ngờ
là mình đã đi từ thế kỷ này qua thế kỷ khác ở xứ người.
- Thế nên bây giờ cậu thành đạt vững vàng quá rồi, dân cũ
mà. Tớ còn vất vả nhiều ! Hát ở bên ngoài có Tây nào nó nghe đâu, tớ toàn biểu
diễn phục vụ bà con mình. Có lúc tớ nghĩ hay là trở về hát trong nước có khi kiếm
được, nhưng lại sợ, liệu còn được đón nhận hay không.
- Tớ hiểu. Tớ cũng đã qua những ngày tháng khổ nhục rồi.
- Gặp nhau hôm nay thật bất ngờ quá, tớ vui lắm.
- Tớ cũng thế. Tớ thường hay nhớ về quê, về trường học, về
các cậu, mà mỗi lúc nhớ cậu tớ cứ hỏi bây giờ cậu đang ở đâu, đang làm gì, có
nhớ mình không. Thế là thỉnh thoáng nhớ cậu tớ lại đem cái mũ đỏ ra đội.
- Cái mũ đỏ nào nhỉ ?
- Cái mũ đỏ của cậu ấy. Tớ coi nó như một vật kỷ niệm thời
tình yêu học trò.
- Khiếp, cậu chỉ bốc phét, yêu đương gì mà có bao giờ nhòm
ngó, hỏi han đến tớ đâu. Những lúc tớ khó khăn nhất chẳng thấy các cậu đâu cả.
- Tớ nghĩ cậu thì thiếu gì người quan tâm nên chẳng tìm hỏi
làm gì. Đội cái mũ của cậu để nhớ cậu là đủ rồi.
- Ừ, tối hôm ấy mình hát bài “Trước ngày hội bắn”, trên đầu
đội cái mũ nồi đỏ. Đấy là cái mũ của bố tớ, khi ông đi dự một cuộc hội thảo về chủ
nghĩa cộng sản ở Liên Xô thì người ta đã tặng cho ông, ông bố mình lại tặng lại
cho mình. Mình đã đội cái mũ đỏ có nhiều ý nghĩa ấy và thấy hãnh diện lắm, tự
thấy mình đẹp cứ như hoa hậu, có khi còn hơn. Buổi tối hôm ấy cho tớ một cảm
giác tuyệt vời, chẳng bao giờ quên được.
Sau này đi biểu diễn nhiều, được hâm mộ cũng lắm nhưng không làm sao có thể tìm
lại được cảm giác ấy.
Buổi tối hôm ấy mà Cẩm Tú vừa nhắc là một buổi tối mùa hè,
mỗi khi Bùi Khoái ngẩng mặt lên là mắt anh lại chạm vào những vì sao lung linh
trên bầu trời Thủy Nguyên đầy gió. Kết thúc buổi biểu diễn vào khoảng 9 giờ 30
tối, Cẩm Tú đã để cho Bùi Khoái dẫn về nhà, đi qua một quãng đê mà ở dưới ken
dày những cây sú vẹt và tiếng những con cáy con còng búng càng tí tách. Lần đầu
Bùi Khoái đi sát cạnh người con gái, gió dưới sông thổi tung mái tóc Cẩm Tú
ngang mặt Bùi Khoái và anh rõ ràng nhận
thấy có mùi hương nhu thơm ngai ngái. Trăng non đầu tháng đã xuống bên kia dãy
núi đen xanh như một vết mực khổng lồ nhưng vẫn để lại một thứ ánh sáng mông
lung huyền ảo bao phủ lên những bụi tre kẽo kẹt bên lối đi vào làng. Bùi Khoái
ngập ngừng dúi trả chiếc mũ nồi đỏ vào tay Cẩm Tú, run rẩy lần đầu chạm vào tay
một người khác giới, miệng lắp bắp :
- Tớ trả lại cậu chiếc mũ.
Cẩm Tú bỗng đứng dừng lại, xoay người đối diện với Bùi
Khoái làm anh ta giật thót mình. Mặt hai người gần đến mức chỉ một làn gió phẳng
mới có thể lọt qua được. Cẩm Tú cười khanh khách, phơi ra hàm răng đều sáng
bóng dưới ánh trăng mờ. Cô nói nhỏ những câu ngọt ngào, nhỏ mà rõ, nhưng câu
nói như là bị gió sông cuốn ngay đi mất làm cho Bùi Khoái ngẩn ngơ tiếc : “Nếu
thích thì cậu cứ giữ lấy làm kỷ niệm”. Cho tới tận bây giờ anh ta vẫn như còn
nghe thấy giọng nói êm nhẹ và quyến rũ ấy, chẳng trách Cẩm Tú đã trở thành ca
sĩ có tiếng.
- Tớ cũng vẫn nhớ buổi tối ấy-Bùi Khoái nói. Không bao giờ
quên được, và cũng chưa bao giờ có lại cái cảm giác rất lạ khi cậu tung cái mũ
cho tớ, khi mà tớ nghĩ như thế là cậu thích tớ. Cứ mỗi lần nhớ tới những ánh mắt
thán phục pha chút ghen tị của lũ con trai trong lớp là tớ lại nghĩ về cậu. Tớ
có một câu hỏi mà sau buổi tối hôm ấy không còn dịp nào đặt ra. Có phải vì
thích tớ mà cậu tung cho tớ cái mũ đỏ không ?
Cho tới lúc này, khi hai người sóng đôi bên nhau, nghe rõ
nhịp thở gấp gáp đưa nhau cùng trở về một thủa học trò, Cẩm Tú vẫn không nhận
ra những cảm xúc trong lòng Bùi Khoái. Cô ca sĩ trong mơ của Bùi Khoái đã không
một chút nhạy cảm, bởi thế, đáng lẽ nên nói dối, một lời nói dối lúc này có thể
làm ấm lòng cả hai và giữ họ ở lại mãi trong màn sương mù thơ mộng, Cẩm Tú đã
buông ra một câu trả lời thật thà đến phũ phàng :
- Tớ có tung mũ cho
cậu đâu. Có thể là trong niềm hạnh phúc được các cậu hâm mộ lúc bấy giờ nên tớ đã làm một động tác vô thức, quăng một cái
gì ra cho khán giả đang hò hét hoan hô. Đó là cái mũ đỏ và nó đã ngẫu nhiên rơi
đúng vào cậu.
Hóa ra là như thế. Hóa ra làm gì có Cẩm Tú nào tơ tưởng thương nhớ Bùi Khoái đâu. Hóa ra là
Bùi Khoái đã lầm lẫn ngần ấy năm trời. Câu trả lời của Cẩm Tú đã đẩy Bùi Khoái
bật ra khỏi màn hào quang của tình yêu học trò, một thứ hào quang không sáng
chói nhưng lung linh, mơ hồ, đầy chất lãng mạn, đủ để lu mờ đầu nghĩ và che khuất mắt nhìn. Nhất
là đủ làm cho anh ta tin vào, bám giữ nó như bám giữ một điều tốt đẹp. Phút chốc
Bùi Khoái tỉnh ngộ, chiếc mũ đỏ mà anh đã mộng tưởng ôm ấp, nó chỉ là một vật
vô tình, một niềm tin hẫng hụt vừa bị phơi lộ. Không còn rối bời xúc động như
tình cảm của một chú học trò lớp 8 ngày nào nhưng Bùi Khoái vẫn thấy tim mình
run lên nhè nhẹ, cái run rẩy của một cuộc chia tay. Đang bước đi, Bùi Khoái bất
thình lình đứng dừng lại. Một câu hỏi vừa chợt tới, làm sao anh ta có thể nhẹ
nhàng dứt bỏ cái mà anh ta vẫn nghĩ đó mới là tình yêu thực sự, cái mà mỗi khi
nghĩ tới nó thì con tim run rẩy, nôn nao không dứt. Không phải, hoàn toàn không
phải vì mấy nếp nhăn cố giấu đi dưới khóe mắt, mấy sợi tóc bạc vô tình lộ ra
trong mớ tóc nhuộm đen. Cũng không phải vì Bùi Khoái đã có vợ con và cùng thời
gian đã biết những người phụ nữ khác. Vậy là vì cái gì mà nhẹ nhàng như vậy !
Bùi Khoái thở dài nuối tiếc, nếu đừng gặp lại thì có phải trong lòng anh ta vẫn
nâng niu một ảo vọng tình yêu. Bùi Khoái nắm lấy tay Cẩm Tú, lúc chập tối còn nồng
ấm thế mà bây giờ đã lạnh lùng :
- Thế mà tớ đã giữ mãi cái mũ ấy.
Cẩm Tú đứng dừng lại, mở to đôi mắt mọng ướt với đường mi
cong mềm nhìn Bùi Khoái, ngạc nhiên :
- Thật à ! Cậu giữ nó để làm gì ?
Đúng là một câu hỏi vô duyên. Bùi Khoái chợt nghĩ, người vô
tình làm sao có thể hát hay đến như thế, làm sao có thể có giọng hát đầy mộng mị
quyến rũ hết thảy người nghe.
- Tớ giữ để làm gì ư ? Để nhớ về cậu. Nó đã gắn bó với mình
trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, là biểu tượng về tình yêu và niềm tin của
mình mặc dù có lúc nó đã gây cho mình khá nhiều phiền hà. Mình đã nhớ về cậu, Cẩm
Tú ạ, nhiều lúc rất nhớ. Thế nhưng bây giờ đây, mình đã có thể trả chiếc mũ về
cho chủ của nó.
Nói được ra câu đó, Bùi Khoái bỗng thấy lòng nhẹ hẳn đi,
như là tự nhiên vừa trút bỏ được mọi vướng bận. Anh ta vươn vai, ngẩng mặt hướng
về phía đàn chim hải âu, tuy không nhìn
rõ chúng nhưng nghe rất gần tiếng vỗ của những đôi cánh tự do./.
Hà
Nội, tháng 7 năm 2017