Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Trò chuyện với ông Vũ Khoan - Phần III

BẾP NÚC NGHIÊN CỨU ĐỐI NGOẠI

Lều văn Thăng Sắc :Thưa anh, trong các buổi trước hai anh em ta đã trao đổi về hai lĩnh vực thuộc nghiệp vụ ngoại giao là phiên dịch và lễ tân. Tuy là hai lĩnh vực nghiệp vụ hẹp song xem ra cũng có nhiều người quan tâm. Hôm nay mong anh chia sẻ những suy nghĩ của mình về một lĩnh vực ít được đề cập và có phần buôn tẻ là công tác nghiên cứu.
Anh Vũ Khoan: Nếu ví hoạt động ngoại giao như một cái cây thì những chuyện tác nghiệp ngoại giao như tiếp xúc, tuyên bố, trao đổi văn bản, đàm phán, ký kết, lễ tân, lãnh sự, phiên dịch…là những cái cành hoa lá xum xuê mọi người đều thấy, còn cái gốc chính là công tác nghiên cứu. Do nằm chìm dưới đất, ít ai nhìn thấy, chẳng khoe sắc, tỏa hương được, lại phải gồng mình hút nhựa sống trong lòng đất để nuôi cả cái cây nên ít ai đam mê công việc nặng nhọc này. Khốn nỗi toàn bộ hoạt động ngoại giao lại bắt đầu từ đây. Rễ thối thì làm sao cây có thể sống được?

Thế nào là định nghĩa toàn cầu hóa đúng nhất ?

Người sưu tầm  :   tranthibichvan@gmail.com

Câu trả lời : Là cái chết của công nương Diana.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Chú Tư, con là ai - Chương 7

    
                                                     7

Nước lên một ngày một lớn, lụt vô tuốt trong rừng. Xóm chài của tôi quần quật từ sớm tinh mơ tới tối mờ tối mịt, ai cũng ráng hết sức đặng tranh thủ kiếm đủ tiền mua xăng, mua lưới đón mùa nước giật. Nhà ông Mười ghe xuồng tốt lại đông người, có ngày trúng gần trăm ký. Hai chú cháu tôi bươn chải hết sức cũng chỉ được chừng hơn chục ký là cao, đủ đổi gạo, muối, dầu, số dư ra không bao nhiêu. Tôi lo chú Tư không dành đủ trả nợ số tiền mượn mua ghe. Có bữa tôi đi phụ chú, có bữa ở nhà làm cá khô với Gấm. Một hôm tôi và Gấm đang bỏ cá lên giàn phơi thì thấy có xuồng cập vô. Có ba thanh niên vui vẻ hỏi thăm anh Din, hỏi rồi họ nhảy tuốt lên ghe. Gấm tò mò, bỏ tôi phơi cá một mình, te te chạy về. Một lúc sau nó quay lại, tươi cười :
- Mấy ảnh ở dưới lên. Họ quen anh tao.
- Họ có quen mày không chớ ?

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Hoa kỳ nên làm những gì ?

Bài phát biểu của John McCain tại CSIS 6/2011 do anh Nguyễn Hữu thụ, Việt kiều Pháp gửi và do anh Ngọc Thu dịch từ http://www.ustream.tv/recorded/15514848

Xin giới thiệu lại phần có liên quan đến biển Đông : 

Từ Miến Điện, tôi đã đi đến Singapore tham dự Đối thoại Shangri La, nơi mà một trong những chủ đề chính của cuộc thảo luận là chủ đề của hội nghị này: an ninh hàng hải ở biển Đông. Vấn đề này gây xúc động mãnh liệt giữa các nước tuyên bố chủ quyền trên vùng biển và vùng lãnh thổ. Và các chuyên gia thực sự hiểu những vấn đề phức tạp về lịch sử và pháp lý của những tuyên bố chủ quyền này thì khá nhỏ. Tôi đến từ Arizona, nơi mà chúng ta biết việc tranh đấu sử dụng đất và nước phức tạp như thế nào. Tôi cũng là một cựu lính Hải quân đã dành phần lớn cuộc đời của mình đi đây đó và làm việc về các vấn đề an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và tôi ngày càng lo ngại, rằng biển Đông đang trở thành một điểm nóng xung đột.

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương IX

IX- CĂMPUCHIA : LỄ HỘI VÀ NƯỚC

 Những ngày lễ tết ở Campuchia rất nhiều nếu không nói là lu bù. Làm việc ở Campuchia mà nghỉ theo bạn thì có đến gần một tháng ngày nghỉ trong năm. Vui. Chắc chắn là mỗi cái lễ hội của bạn đều có nguồn gốc xuất sứ khác nhau, ý nghĩa văn hóa tôn giáo phong phú đa dạng, song tôi vẫn nhận thấy có cái chung là lễ hội nào cũng có điểm gắn bó với nước.
Campuchia đón năm mới vào tháng Tư. Đây là Tết té nước cầu may, là Tết đón mưa của bạn, là dịp để mọi người làm một điều tốt trong nhà hoặc ngoài đường, trừ ma diệt quỷ, loại bỏ những điều xui xẻo của năm cũ. Lần đầu tôi đến Campuchia vào tháng 1 năm 1979, đúng vào mùa khô. Nắng chang chang, không khí khô không khốc, những con bò trắng gày tóp mông dô vai mệt mỏi lang thang chịu đói khát trên những cánh đồng hoang cây cỏ đã cháy xém khô cằn. Mới biết sau mấy tháng mùa khô, người ta mong chờ cơn mưa đầu mùa tới mức nào, té nước cho nhau cầu may chắc hẳn là theo cái ý nghĩa ấy. Bây giờ ở Campuchia vào dịp tết này người ta múa hát nhiều hơn té nước, phum sóc nào cũng răm vông thâu đêm, có té nước thì cũng té vây vẩy gọi là chứ không như ở Thái Lan. Ở Thái Lan ô tô đi thành từng đoàn ngược xuôi, trên xe chở thùng to thùng nhỏ nước, người này dội cho người kia ướt xũng mới là may. Nghe nói chính phủ đã có lệnh hạn chế té nước để tránh tai nạn. Người dân Campuchia hiền lành, biết tôn trọng luật pháp, hoặc nói nôm na là biết sợ, thành thử những chuyện như giải phóng vỉa hè, xắp xếp lại chợ, xây nhà đúng quy cách đến hạn chế té nước trong ngày Tết năm mới…đều làm rất ngon lành. Nghĩ ở Việt Nam mình những chuyện như thế khó quá, có phát mà không có động, phát mãi vẫn trơ ra, người dân mình, chính quyền mình có nhiều cái tốt nhưng cũng có nhiều cái cần phải soi xét lại.

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Mời nghe 2 bài hát hay

Hai video clip dưới đây là do bạn Mạnh Hà sưu tầm và do ông Vũ Đức Tâm chuyển. Đây là hai bài hát thời kỳ chống bành trướng xâm lược.
Xin giới thiệu lại mọi người cùng nghe.

 http://www.youtube.com/watch?v=gqNGn74Sb-w&feature=related

http://www.youtube.com/watch?v=YZ0NhDH7F2g&feature=share

Một nhà ngoại giao là họa sĩ

 Hoàng Hải, tranh sơn dầu của Đặng Thu Hương
 Đây là bức chân dung anh Hoàng Hải do Họa sĩ có tiếng Đặng Thu Hương vẽ vào năm 2009. Anh Hoàng Hải bảo anh không ngồi được lâu nên Thu Hương đã vẽ chỉ trong có 12 phút. Vậy mà bức chân dung như có thần, rõ ra chân dung một nhà ngoại giao, nhưng nhìn kỹ lại thấy trong nhà ngoại giao có dáng dấp một họa sĩ.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Bắc Kinh chưa thuộc lời dạy của Khổng Tử

Bài phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả Lê Phước, một người nghiên cứu Nho giáo, hiện là nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học Versailles Saint-Quentin-En-Yvelines, vùng Ile de France, Pháp.

Phát hiện thêm nhiều báo quốc tế dùng bản đồ đường lưỡi bò của TQ

Thư của anh Bùi Quang Hiển từ Quebec, Canada :


Chào các anh chị em,
Qua quá trình tìm hiểu mình đã phát hiện ra có thêm nhiều bài báo của các tác giả người Trung Quốc được đăng trên các tạp trí khoa học quốc tế của hai nhà xuất bản khoa học lớn là Elsevier và Springer. Các bạn có thể xem danh sách các bài báo và bản đồ hình lưỡi bò mà mình tìm được trong file dính kèm thư này.

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Về bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 11/6

Tác giả :    Hoàng Trường

Năm nay vừa tròn 20 năm hai nước Việt Nam và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ với nhau sau những năm tháng sóng gió. Một trong những nguyên tắc cơ bản hai bên đã thỏa thuận là “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, xây dựng mối quan hệ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, trở thành những người “láng giềng tốt, anh em tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hơn thế nữa gần đây hai nước còn thỏa thuận xây dựng mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược. Đó là những tài sản quý giá, phải mất bao nhiêu công sức mới tạo dựng được và phía Việt Nam hết sức trân trọng giữ gìn.

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

HƯỚNG ĐI NÀO CHO HÒA BÌNH, ỔN ĐỊNH VÀ HỢP TÁC Ở BIỂN ĐÔNG

Tác giả : Hải Sơn

Cám ơn anh Hải Sơn đã viết riêng bài này cho Blog Lều văn, tuy anh nói bài này chỉ là một góc nhìn riêng nhưng quả thật góc nhìn của anh rất sắc sảo và cũng rất rộng đường cho những ai quan tâm nhìn vào và trao đổi.

1/.  Xem xét sự hợp tác trên cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông không thể không bắt đầu từ Luật Biển của Liên Hợp Quốc 1982 ( UNCLOS 1982 ) và những văn bản luật pháp quốc tế liên quan khác. UNCLOS 82 có hiêu lực từ 1994 và đến 2007 đã có hơn 150 quốc gia tham gia, bao gồm cả những nước tranh chấp ở Biển Đông ( Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philipin ).   Luật Biển 1982 cũng có những qui định theo đó các bên tranh chấp có thể vận dụng để xây dựng cơ sở pháp lý cho hợp tác. Đó là :
·        Điều 74, xác định vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia ở vị trí đối diện hoặc có vùng duyên hải tiếp giáp.  Theo điều 74, trong khi chờ đợi một hiệp định trên cơ sở luật pháp quốc tế , các bên cố gắng tìm kiếm những dàn xếp thiết thực  tạm thời trong giai đoạn chuyển tiếp . Những dàn xếp tạm thời đó không ảnh hưởng đến sự phân định cuối cùng.


·        Điều 123,  đặt ra những nghĩa vụ hợp tác chung đối với những quốc gia có chung biên giới trong vùng “ biển nửa đóng “ . Theo đó các bên sẽ :


v    Phối hợp quản lý, thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên sống

v    Phối hợp thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong việc bảo vệ môi trường biển

v    Phối hợp chính sách nghiên cứu khoa học và cam kết những chương trình nghiên cứu khoa học chung phù hợp

NHÂN NGÀY NHÀ BÁO VIỆT NAM NHỚ VỀ MỘT SỰ KIỆN LỊCH SỬ

Tác giả : Tô Văn Trường


Đêm khuya hôm qua, một người bạn thân sống nhiều năm ở Liên Xô nhắc tôi chúng ta kỷ niệm ngày báo chí Việt Nam  21/6  nhưng đừng quên ngày mai ( 22/6 )  chúng ta kỷ niệm 80 năm ngày phát xít Đức tấn công Liên xô.

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Đại sứ làm thơ

Nhân 44 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2011), đọc bài thơ PHONG LAN VÀ ANH CHIẾN SĨ QUÂN TÌNH NGUYỆN của Cố Đại sứ Việt nam tại Campuchia Ngô Điền

Bài thơ này ông Ngô Điền viết năm 1987 và đã đăng trên báo Sài Gòn giải phóng, chắc là cùng năm.

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương VIII

VIII- BÀI CÂY TRÚC XINH VÀ NGƯỜI TÙ CỦA KHMER ĐỎ

Đã từ lâu, Cựu hoàng Norodom Sihanouk và Hoàng Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk nghỉ dưỡng và chữa bệnh tại Bắc kinh theo lời mời của Trung quốc. Hàng năm, mỗi khi về Campuchia vài ba tháng, Cựu hoàng và Hoàng Thái hậu dành nhiều thời gian đi chùa làm lễ, thăm hỏi úy lạo và đi tặng quà phát chẩn cho người dân, nhất là ở những vùng có bão lụt.

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Khát vọng bình yên

Truyện ngắn

Chồng bà bị giặc Pháp bắt đày Côn Đảo. Con trai và con dâu đều hy sinh, để lại cho bà một đứa cháu trai, cháu đích tôn của bà. Không cần kể ra, ai cũng biết những nỗi cực nhọc để nuôi được đứa cháu khôn lớn. Bà đã nuôi nó bằng chính phần máu thịt của mình nên càng ngày bà càng tóp đi, lưng còng xuống.
Đứa cháu lớn lên,  phổng phao khoẻ mạnh, sớm biết thương bà nên rất chăm học, chăm làm. Tuy vậy nó vẫn ham mê chơi diều và chơi khéo nhất làng. Cứ đến mùa, khi chiều xuống, trai làng tụ tapạ trước nhà bà, rủ cháu bà đi thả diều qua đêm. Còn bà, sau một ngày làm việc mệt nhọc, bà bắc võng ra sân nằm hóng mát, lòng thanh thản. Bà lắng nghe tiếng sáo ngân nga, nhận ra tiếng sáo của cháu bà trong và vi vút nhất. Giấc ngủ đến nhẹ nhàng, bà thiếp đi. Khi tỉnh dậy, bà nghe tiếng giội nước ào ào. Đấy là cháu bà về, đang tắm ngoài giếng. Ngôi sao hôm đã sáng xanh giữa trời.

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Những vĩ nhân bị vợ "đầy ải" (Phần tiếp)

Vua cũng không yên thân với vợ

Napoleon III (cháu gọi Napoleon đệ nhất bằng bác ruột) không được coi là một vĩ nhân nhưng đã ghi dấu ấn trong lịch sử nước Pháp như một hoàng đế cuối cùng và tổng thống đầu tiên. Ông cưới nữ bá tước Mari Eugénie Ignace Augustine de Montiji, người đàn bà đẹp nhất châu Âu thời đó, làm vợ và yêu nàng mê mệt. Có thể nói nhà vua phủ lên bà hoàng hậu mỹ miều của mình toàn bộ tình yêu và mọi xa hoa. Nhưng như thế vẫn chưa đủ để hoàng hậu Eugenie đặt niềm tin vào chồng. Bà điên cuồng vì  nghi ngờ, ghen tuông và chính điều đó làm ông chồng hoàng đế nghẹt thở, làm vua mà chẳng còn chút tự do nào.

Tổng thống Aquino: Philippines không để TQ bắt nạt

Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố, nước ông sẽ không để Trung Quốc chèn ép trong tranh chấp chủ quyền với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
 
Ông khẳng định, Philippines có quyền thăm dò các vùng biển của mình bất chấp việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc, nước lớn tiếng tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, trong tuần trước đã yêu cầu các nước láng giềng ngừng mọi hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển này nếu không được Bắc Kinh cho phép.
Tổng thống Aquino khẳng định, Philippines mở cửa cho đối thoại nhưng không muốn bị chèn ép. "Chúng tôi sẽ không tham gia một cuộc chạy đua vũ trang với họ”, ông nói với báo chí ở Manila. "Chúng ta không làm leo thang căng thẳng ở đây, nhưng chúng ta phải bảo vệ các quyền của mình, và đó là điều rất, rất rõ ràng”. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không bị bắt nạt chỉ vì chúng ta nhỏ hơn họ”.

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Người Mường Hà Nội

Vẫn biết nhiều nơi có cơm lam, nhưng cơm lam bán cho khách du lịch Khoang Sanh, Thác Đa, Tản Đà rì-dọt là các khu du lịch ở Ba Vì, Hà Nội……thì phần lớn bây giờ là do người Mường Hà Nội làm. Họ là những người dân ở thôn Muồng Voi, Xã Vân Hòa, sát chân núi Ba Vì, là những người dân lam lũ ở một vùng quê sơn cước vốn trước đây yên tĩnh. Khi có quyết định mở rộng Thủ đô, chỉ sau có một đêm, tuy họ vẫn là người Mường nhưng đã trở thành người Mường Hà Nội.

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Những vĩ nhân bị vợ "đầy ải"

Sưu tầm từ Ngoc Le <ngocdx81@yahoo.com> 

Đại văn hào Nga Lev Tolstoi bỏ nhà đi giữa trời tuyết giá, rồi chết ở một nhà ga. Nguyện vọng cuối cùng của ông là không phải thấy mặt vợ.
Không ít người là vĩ nhân được cả thế giới xưng tụng, hoặc nắm trong tay quyền lực vô đối, nhưng lại sống khổ sống sở dưới sự đay nghiến của vợ mình.

Chú Tư, con là ai - Chương 6

                                                         6

Mùa mưa đến bất thình lình với những đám mây đen rất thấp, những cơn giông gió và những trận mưa ào ào trên mặt sông. Nước sông lên hàng ngày, xóm ghe cũng nổi theo nước vào tới mé sông. Cho tới một hôm nước nổi mênh mông thì cả cái xóm ghe theo nhau vô tuốt trong kinh, rộn rịp chuẩn bị vô mùa làm ăn. Trong những ngày đầu mùa mưa, chú Tư bơi xuồng qua lại, xắm được hơn nghìn thước lưới câu. Chú còn tự làm một cái chĩa dài, một cái thòng lọng, mua thêm một cái quẹt lửa, chất lên xuồng một cái rựa và một cái nồi.  Chú biểu tôi :
- Nước đang vô đồng. Đến mùa giăng câu rồi.

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Tản mạn về hai bài viết của anh Vũ Khoan

Tác giả :       Tô Văn Trường

Vừa rôi, trên báo VNN và TuanVN  có 2 bài viết của  nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Một bài về về kỷ niệm “Những chuyện cười ra nước mắt” xảy ra trong cuộc đời làm ngoại giao” của Anh. Bài khác với những mẩu chuyện cảm động  về  cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt:  “Ngoại giao Sáu Dân dưới góc nhìn nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan”.

Là một người từng giữ nhiều trọng trách của Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao, và với cá tính cởi mở, nhiều lúc hóm hỉnh, Anh Vũ Khoan luôn hấp dẫn người đối thoại bởi những thông tin và cách nói chuyện. Nhiều lúc trên TV,  Anh như một người bạn thân tình chia sẻ thông tin và tâm sự ngay cả về những vấn đề nhạy cảm, gai góc nhất.

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Về vườn thăm ông bạn già

 Tôi phải mò lên tận thôn Mường Voi, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, cách Hà Nội khoảng hơn 50 cây số..để thăm ông bạn già Đỗ Công Minh, cựu Đại sứ Việt Nam ở Singapore (2000-2003).

Cần dựa vào ASEAN

Bài đăng trên Người Lao động của tác giả Hoàng Phương

Thứ Ba, 14/06/2011 00:05

Các nước ASEAN nên trao đổi với Trung Quốc như là một tổ chức, thay vì như những nước riêng lẻ

Các nghị sĩ Philippines hôm 13-6 đã khuyên chính phủ nên dựa vào mối quan hệ với ASEAN để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở biển Đông.

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Gustave Effel : "Ngài kỹ sư vĩ đại"



Tác giả :             Long Van Tran
(Bài này dài nhưng hay. Hình ảnh minh họa chưa tải lên được, chắc phải làm riêng)

Ngày 10-10-1889, khi tới thăm Tháp Eiffel, nhà phát minh trứ danh người Mỹ Thomas Edison đã viết vào sổ vàng lưu niệm ở đây những lời lẽ trân trọng đến mức tưởng như không còn gì đáng trân trọng hơn:
Xin gửi tới Ngài Eiffel,
Công Trình Sư dũng cảm đã xây dựng nên mô hình khổng lồ và kỳ diệu của công nghệ hiện đại,
lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ cao nhất của tôi dành cho tất cả các kỹ sư (đã tham gia xây dựng Tháp), bao gồm Ngài Kỹ Sư Vĩ Đại.
Vị Chúa Tốt Lành,
Ký tên: Thomas Edison.
Sự trân trọng tột cùng đó hoàn toàn xứng đáng với một con người không chỉ tạo ra một Tháp Eiffel huyền thoại, mà còn là đồng tác giả của Tượng Nữ Thần tự Do bất hủ ở Mỹ, và là tác giả của hàng chục công trình sắt thép khổng lồ nổi tiếng khác trên khắp thế giới, trong đó có Cầu Long Biên ở Hànội, Cầu Tràng Tiền ở Huế và Kết Cấu Nhà Bưu Điện Sàigòn.
Nhưng cuộc sống đôi khi rất nghịch lý: Người đời thường để ý đến công trình của ông nhiều hơn chính bản thân ông.
Năm 1889, khi chứng kiến đám đông nườm nượp kéo đến chiêm ngưỡng chiếc Tháp Eiffel, tác giả của chiếc Tháp đã phải thốt lên: "Tôi phát ghen lên với nó, vì nó còn nổi tiếng hơn tôi!".
Trong bài báo "Gustave Eiffel: The Man Behind The Masterpiece" (Gustave Eiffel: Người đứng sau công trình kiệt tác), Karen Plumley viết:
"Mặc dù Eiffel tự hào với cái Tháp huyền thoại mang tên ông, nhưng ông thường cảm thấy chính huyền thoại đó lại cản trở công chúng biết đến ông hơn như một kỹ sư và nhà nghiên cứu tài ba. Khi Eiffel lấy tên mình để đặt cho ngọn Tháp, đó là một biểu hiện chính đáng của lòng kiêu hãnh, nhưng rồi chính ông phải lấy làm ân hận. Trải qua thời gian, cái tên đó và công trình đó hợp nhất làm một, trong khi tác giả đứng đằng sau công trình bất hủ đó thì dần dần bị quên lãng trong bóng tối của chính công trình sáng tạo của mình".
Vậy thiết tưởng đã đến lúc chúng ta phải biết rõ Alexandre Gustave Eiffel (1832-1923), người đã để lại trên thế gian này những kỳ đài bất hủ không thể nào quên, và đặc biệt đã để lại trên đất Việt Nam của chúng ta một kiệt tác về kết cấu và nghệ thuật – Cầu Long Biên Hànội, một "con rồng của Thăng Long" trong thế kỷ 20.

Ngoại giao Sáu Dân dưới góc nhìn nguyên PTT Vũ Khoan

Tác giả :  VŨ KHOAN
Nguồn  :    Vietnamnet

Thật tình, tôi rất ngạc nhiên về cách đặt vấn đề mang tính chiến lược như vậy của anh Sáu - một người vốn chưa hoạt động đối ngoại nhiều. Càng về sau tôi càng nghiệm thấy rõ rằng kinh nghiệm đấu tranh cách mạng và chỉ đạo chiến tranh đã hun đúc trong anh tầm nhìn chiến lược cả về đối ngoại.

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Trung Quốc rất giỏi tạo cớ rồi lấn tới

Tác giả :  DƯƠNG DANH DY Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu.
Bài đăng trên báo Pháp luật Thành phố HCM, 12/6/11


Việc tàu của Trung Quốc liên tiếp có những hành vi gây hấn với tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trong thời gian qua đã cho thấy tính hệ thống tron g tính toán và hành động của họ để thực hiện mưu đồ hiện thực hóa “đường đứt đoạn chín khúc”. Trung Quốc đang cố tình quấy rối để đưa vùng đặc quyền kinh tế, hoàn toàn thuộc chủ quyền trên biển của Việt Nam vào diện đang tranh chấp nhằm tung hỏa mù “đổi trắng thay đen”.

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương VII

                           VII-TIẾNG THỞ DÀI
CỦA ÔNG PHẠM THẾ DUYỆT

                  

Ngày 23/1/2006, nhân dịp tết Bính Tuất, tôi đi thăm một xóm Việt kiều trong đó có nhà bà Võ Thị Lền, 66 tuổi, ở tổ 35-36, ấp Tua Rka, phường Chak Angre Crom, quận Mean Chey. Đây là một xóm nghèo ven sông Mê Kong, gần Nông Pênh. Gọi là nhà vì bà Lền sống ở đấy chứ thật ra nó không phải cái nhà, nó là cái lều, mà lại là cái lều sàn vì nó được bắc trên mấy cái cột khẳng khiu. Lúc đầu mọi người ngăn tôi đừng lên bởi vì trước hết phải đi ván lên một chiếc thuyền của người khác, rồi lại từ cái thuyền ấy đi qua hai nhịp cầu độc bắc díc dắc mới lên được đến cái lều sàn của bà Lền. Tôi cứ lên, cứ đi trên những chiếc ván rộng chừng 20 phân bập bà bập bùng để hỏi thăm bà. Một mình bà ngồi trên chiếc lều rộng chừng 5, 6 mét vuông, ngồi ôm gối, tóc bạc rối tung, mắt lòa ngước lên nhìn chúng tôi nhưng chắc không trông thấy gì bởi vì tôi thấy bà phải chú ý nghe ngóng bằng đôi tai của mình. Tôi hỏi có biết Tết đến rồi không, bà nói không. Tôi hỏi dưới mình quê bà ở đâu, bà bảo lâu ngày không nhớ nữa. Lại hỏi con cháu họ hàng có ai, lại trả lời không còn ai. Thế là ba không. Tôi sợ, không dám hỏi từ sáng đến giờ đã ăn gì chưa. Bởi vì chưa hỏi đã muốn khóc, mà không dám khóc, thể diện nào mà muốn khóc ở chỗ này !

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Bắn đạn thật

Theo tin của BBC tiếng Việt ngày 10/6 :

Ngày 10/6 Việt Nam tuyên bố trên trang web về việc tổ chức hai cuộc diễn tập kéo dài tổng cộng 9 tiếng vào ngày thứ Hai và thứ Ba tới tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Nam. Đây là cuộc diễn tập có bắn đạn thật gần đảo Hòn Ông. 

Xin bấm vào đường link này để xem thông báo : Bấm Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc về

Lòng yêu nước


Tác giả : T.S Phạm Gia Minh


      Từ lâu chúng ta đã quen với ý nghĩ rằng lòng yêu nước của dân tộc Việt nam là một loại tình cảm và một thứ năng lượng rất mãnh liệt, luôn dồi dào và gắn kết máu thịt kể từ khi ta cất tiếng khóc chào đời . Chính vì đặc tính đó mà sau mấy ngàn năm, chúng ta vẫn bất khuất tồn tại và  kiên cường phát triển như một quốc gia- dân tộc có chủ quyền, có văn hóa, ngôn ngữ và chữ viết riêng, trong khi 99 tộc Việt khác cùng ra đời ở nam sông Dương tử đã bị Hán tộc đồng hóa từ lâu.

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Quốc thư hay Ủy nhiệm thư

Trong ngôn từ lễ tân ngoại giao Việt Nam, các từ “Quốc thư” và “Thư ủy nhiệm” đều có cùng một nội dung, vắn tắt nghĩa là một bức công hàm chính thức do nguyên thủ quốc gia nước cử đại sứ ký và giao cho vị đại sứ mới được bổ nhiệm để trình lên nguyên thủ quốc gia nước chấp nhận vị đại sứ đó. Việc nhận bức công hàm chính thức này đồng nghĩa với việc chính thức hóa danh vị đại sứ.

Quốc thư hay Thư ủy nhiệm khi dịch sang tiếng Pháp đều là lettres de creance, hoặc sang tiếng Anh đều là letter of credentials. Vì hai từ đều có cùng một nội dung như trên nên trong các bản tin, có khi người ta nói Đại sứ A trình Quốc thư, lại có khi nói Đại sứ B trình Thư ủy nhiệm.

Tuy nhiên, trong tiếng Việt, nghe Quốc thư có vẻ oai hơn Thư ủy nhiệm. Thậm chí còn có người nhầm với thư ủy nhiệm lãnh sự. Vì lẽ đó, trong cùng một bản tin (Bộ Ngoại Giao ngày 10 tháng 6 năm 2011), không nên với Đại sứ này thì đưa là trình Quốc thư : Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và bắc Irelands trình Quốc thư tới Nữ hoàng Anh , còn  với Đại sứ kia lại đưa là trình Thư Ủy nhiệm : Đại sứ Việt Nam tại Indonesia trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thống Cộng hòa Indonesia

Cũng vì lẽ đó, nên xem xét quy định thống nhất một cách gọi, hoặc là Quốc thư, hoặc là Thư ủy nhiệm, không nên để cả hai.

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Trung Quốc lại cắt cáp tàu Việt Nam

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận việc tàu cá Trung Quốc cắt cáp tàu địa chấn Việt Nam xảy ra sáng nay (9/6).
Bà Nguyễn Phương Nga trong buổi họp báo chiều nay đã xác nhận: vào lúc 6h sáng ngày 9/6, tàu Viking 2 do PetroVietnam thuê đang tiến hành hoạt động thăm dò thì bị tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 6226, cùng hai tàu ngư chính yểm trợ mang số hiệu 311 và 303, chạy ngang qua mũi tàu sau đó đổi hướng và gia tăng tốc độ.
Người phát ngôn Phương Nga: Điều này “đối với Việt Nam là không thể chấp nhận được”. Ảnh: Trường Sơn
Tàu Viking 2 đã phát pháo hiệu cảnh cáo song các tàu này vẫn lao vào, bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu cá 6226 mắc vào tuyến cáp của Viking 2 khiến tàu thăm dò của Việt Nam không thể hoạt động bình thường. Hai tàu ngư chính 311 và 303 cùng một số tàu cá khác của Trung Quốc sau đó đã tiến vào giải cứu tàu 6226.
Cho biết khu vực xảy ra sự việc (lô 136/03 tại 6o47,5 Bắc, 109o17,5 Đông) nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, bà Nga nhận định hành động này của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng.
"Hành động này của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình ổn định tại Biển Đông, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đối với PetroVietnam", bà Nga nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: Việt Nam phản đối mạnh mẽ hành động trên của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ Việt - Trung, chấm dứt ngay và không để tái diễn mọi hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, đồng thời bồi thường thiệt hại đã gây ra cho PetroVietnam.
Đoạn cáp bị cắt của tàu Bình Minh 02.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhận định các hành động có tính hệ thống này của phía Trung Quốc là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, hiện thực hóa yêu sách đường 9 đoạn – đường lưỡi bò.
Bà Nga nhấn mạnh điều này “đối với Việt Nam là không thể chấp nhận được”.
Người phát ngôn cũng cho biết ngay chiều 9/6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện ĐSQ Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối hành động này của phía Trung Quốc và nêu rõ lập trường của phía Việt Nam.
Đáng nói là sự việc này diễn ra chỉ một thời gian ngắn sau vụ việc các tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu địa chấn Bình Minh 02 cũng của PetroVietnam sáng 26/5. Bình luận về việc cắt cáp tàu Bình Minh 02, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại nói đó là việc làm "bình thường và hợp lý ở khu vực biển thuộc thẩm quyển và quyền tài phán của Trung Quốc". Thậm chí, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc còn yêu cầu Việt Nam "tránh tạo ra những sự cố mới".
Trong khi đó, chưa đầy 4 tháng qua, Philippines đã có các văn bản ghi nhận 7 sự cố liên quan tới việc tàu Trung Quốc xâm nhập khu vực tranh chấp và tấn công các tàu của Philippines.
Website của nhiều cơ quan ngoại giao Việt Nam bị tấn công
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Phương Nga cũng xác nhận trong một vài ngày gần đây, website của một số cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao đã bị hacker tấn công. Website của Trung tâm biên phiên dịch bị tấn công và để lại một số nội dung bằng tiếng Trung kèm hình ảnh cờ Trung Quốc. Trang Thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao chiều qua cũng bị tấn công từ chối dịch vụ (DDOS) khiến website này khó truy cập.
Thủy Chung

(Nguồn : Vnn 9/6)

Con rồng Việt Nam đơn độc

Xin giới thiệu lại bài này trên basam.info 8/6/11 :


Đăng bởi anhbasam on 08/06/2011
THE WALL STREET JOURNAL

 

Đông Nam Á cần sự ủng hộ của Mỹ để đứng lên chống lại hành xử côn đồ của Trung Quốc

Ngày 8 tháng 6 năm 2011
Việc công khai bày tỏ sự phản đối là điều xảy ra hiếm hoi tại Việt Nam là nơi mà chính quyền cộng sản thường xuyên theo dõi và hạn chế mọi sự tụ tập ở nơi công cộng, nhất là khi sự tụ tập là vì một mục đích chính trị. Vì thế khi các cuộc biểu tình xuất hiện thì đó là một dấu hiệu cho thấy chính quyền đã bắt đầu coi sự công khai bày tỏ sự phản kháng là một vấn đề nghiêm túc để cho phép một sự náo động nào đó không quá ầm ĩ và kết thúc chóng vánh.
Vào hôm Chủ nhật vừa qua tại Hà Nội, hàng trăm người đã tập hợp để phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Hoa Nam [Biển Đông]. Hôm 26 tháng 5, một tàu tuần tra của Trung Quốc được cho là đã cắt đứt cáp thăm dò của một chiếc tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam khi nó đang tiến hành công việc nghiên cứu địa chấn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngoài ra Việt Nam còn tuyên bố rằng tàu của Trung Quốc hôm 1 tháng 6 đã nã đạn cảnh cáo vào ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Biểu tình cũng diễn ra tại Thành Phố Hồ Chí Minh vào hôm Chủ Nhật tuần qua và báo chí Việt Nam do nhà nước quản lý chỉ đến lúc ấy mới vội vội vàng vàng công khai chỉ trích cách hành xử kiểu côn đồ của Bắc Kinh.
Những tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Nam từ lâu nay đã là một vấn đề dễ gây ra sự căng thẳng trong khu vực, song chính sách ngoại giao trong những năm gần đây đã đột ngột rẽ sang một bước ngoặt mang màu sắc gây gổ. Ngay cả trước khi Trung Quốc hồi năm ngoái đã gọi vùng biển giàu tài nguyên mỏ này là một “lợi ích cốt lõi” thì chính sách hàng hải ngớ ngẩn của Bắc Kinh đã dẫn đến những tình huống khó xử không kéo dài song nhiều khi máu đã đổ và báo hiệu một sự xung đột nghiêm trọng hơn.  
Mỗi khi căng thẳng xảy ra thì Việt Nam hầu như đều giữ im lặng. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có một lịch sử lâu dài những cuộc xâm lăng của Trung Quốc, thế nhưng mối quan hệ được cải thiện gần đây vẫn khiến Hà Nội e ngại tự khẳng định rõ ràng thái độ chống lại kẻ thù truyền kiếp này. Điều này giờ đây dường như đã sắp sửa thay đổi. Trước đây chính quyền Việt Nam đã bỏ tù các blogger và nhà hoạt động vì họ chỉ trích chính sách bạc nhược của Việt Nam đối với Trung Quốc. Nay thì Hà Nội có vẻ như đã sẵn sàng để kêu gọi sự chú ý trên quy mô rộng hơn tới trường hợp của Việt Nam. 
Điều nan giải nằm ở chỗ Việt Nam có nguy cơ phải chịu sự rủi ro ấy là Việt Nam đang đẩy cao sự quan tâm của nhiều người theo cách đất nước này tự để lộ ra điểm yếu của mình. Mặc dù sáu nước hiện đang có tuyên bố chủ quyền chồng chéo đối với các hòn đảo ở Biển Hoa Nam, song chính sách ngoại giao ở khu vực này hầu như đều lựa chọn hình thức thỏa thuận song phương giữa các bên tranh chấp. Song, giống như các nước khác ở Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền như  Philippine, Malaysia và Brunei, Việt Nam một thân một mình đã không có dũng khí để đi đến những thỏa thuận có tính xây dựng với Trung Quốc. Hiện trạng thỏa thuận cho tới lúc này chỉ là dựa trên những tuyên bố khẳng định quyền sử dụng thuộc về lịch sử là điều hoàn toàn không đủ rõ ràng để bắt các bên phải chấp hành.
Vì thế đối với Hà Nội thì việc đặt mối quan hệ song phương ôn hòa nếu không muốn nói là quá ư ôn hòa vào tình thế rủi ro qua việc tán thành tình cảm công khai chống Trung Quốc sẽ dường như là một sự tự sát – trừ phi, dĩ nhiên, Việt Nam có những lý do để tin rằng họ có nhiều bạn bè đứng về phía mình hơn là những gì mà một mối quan hệ thuần túy song phương có thể đem lại. Tại cuộc Đối thoại thường niên Shangri-La tại Singapore vào cuối tuần qua, bộ trưởng quốc phòng của Việt Nam Phùng Quang Thanh đã hưởng ứng người đồng nhiệm của Philippine và Malaysia khi khẳng định rằng sự tranh cãi om sòm giữa nước ông với Trung Quốc được giải quyết mà không cần có sự can thiệp của các bên thứ ba.
Thế nhưng xu hướng rành rành khác xảy ra gần đây nhất lại cho thấy trong đó có một vai trò dứt khoát của các bên thứ ba – của một bên thứ ba, nói riêng. Có lẽ Hà Nội chỉ thừa nhận đãi môi tầm quan trọng của việc đàm phán song phương với Trung Quốc, song Hà Nội từ lâu nay đã nỗ lực tạo điều kiện chắc chắn để có được sự hỗ trợ của Mỹ. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ  Robert Gates đã nói tại Singapore rằng sự hòa giải trung gian hợp pháp của bên ngoài sẽ là chìa khóa để giải quyết sự tranh cãi. “Tôi lo sợ rằng nếu không có luật đi đường [rules of the road] và những cách tiếp cận được thỏa thuận để giải quyết những vấn đề này thì những va chạm chắc chắn sẽ xảy ra.”
Sự ủng hộ của Mỹ chắc chắn sẽ được chào đón. Hiệp hội các nước Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, có bốn nước có tranh chấp chủ quyền với nhau song đã cố gắng gạt sự tranh cãi nhỏ nội bộ sang một bên để cùng nhau đối phó trước Trung Quốc như là một mặt trận thống nhất. Một bộ quy tắc ứng xử đa phương chính thức ở Biển Hoa Nam được thảo luận từ gần một chục năm nay mới đây đã được sửa lại song có lẽ rồi nó cũng lại chịu số phận bị chỉm nghỉm. Song, với sự ủng hộ của Mỹ, ASEAN có thể tập hợp được sự thống nhất để chủ động ngăn chặn trước một sự xung đột.
Còn về phía Trung Quốc thì bộ trưởng quốc phòng Lương Quảng Liệt đã nói tại  Singapore hôm Thứ Sáu rằng “Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Hoa Nam,” trong khi ông ta lưu ý rằng những hành động gần đây của hải quân Trung Quốc ở vùng biển này là để theo đuổi “sự phát triển hòa bình.” Cách tốt nhất để đảm bảo các nước khác trong khu vực này đoàn kết được với nhau cùng với Mỹ là chống lại cách hành xử côn đồ của Trung Quốc.
Bài đăng trên trang 11, báo giấy The Wall Street Journal
Ảnh: Người dân Việt  Nam tổ chức một cuộc biểu tình chống Trung Quốc phía trước tòa Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội (AP)
Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Xin tham khảo thêm các đường link dưới đây :
 Mỹ đổi thái độ về tranh chấp biển Đông ? (Vnn)
Philippines :TQ sẽ mất mặt với các vụ xâm nhập (Vnn)
8 tàu chiến TQ đi ngang qua Nhật bản  (Tiền phong)



Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Trần Nhương : “Ông lão máy tính”.

Trần Nhương đi đâu cũng kè kè cái láp-tốp. Những người chưa biết lão đều chỉ chỏ gọi lão là “Ông lão máy tính” chứ nào có biết lão là họa sĩ với nhà thơ. Là họa sĩ, lão toàn vẽ những thứ trẻ trung với đủ loại màu sắc sặc sỡ tươi vui. Những “dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên” trong tranh của lão thì đến U8 nhìn vào cũng phải mê mẩn, nói gì các bậc U6 U7.

Họa sĩ Trần Nhương đang vẽ tranh ở Van-cu-vơ
 Cứ nghĩ lão mê món ấy nên vẽ đẹp đến như thế, nhưng không phải. Xem đến thơ lão thì mới thấy lão trẻ trung từ trong tim trẻ ra. Thơ lão tài lắm, tỉ như cái  bài mới đăng trên Trầnnhương.com của lão, cái bài “Ngẫu hứng trên đường về quê ấy”, nhịp thơ tâng tâng như con chim nhảy nhót với ba lần reo lên “về quê, về quê, về quê” thì nó chẳng phải là một sự trẻ trung lắm hay sao. Về quê với lão có thể đồng nghĩa với về nguồn, là trở về một thời thơ ấu. Bài thơ lão viết đầy ắp những chiêm nghiệm nhưng đều là những chiêm nghiệm nhìn qua lăng kính của một lão già đã thành đạt đủ mọi bề, của một “phụ lão trở về thiếu nhi”. Văn tự thuật (autobiographie) thì nhiều, nhưng mà có thơ tự thuật không nhỉ ? Nếu có thì phải xếp bài thơ trên của lão vào loại tự thuật, bởi vì nó là những câu chữ reo vui bay lượn trẻ trung của một lão nhân.
Về quê, vể quê, về quê !

Hỏi lão làm cái trang web Trần Nhương ấy có bận không. Lão cười hiền lành bảo nhìn thì biết. Lại hỏi học máy tính lúc nào mà giỏi thế. Lão lại cười hiền lành bảo có học hành gì đâu, yêu nó mà làm được. Tuyệt thật ! Không phải ai ở tuổi lão cũng có thể bám chắc được vào cái thời công nghệ thông tin này, tò te nhắn tin ở cái điện thoại có khi  còn bị lỗi, nói chi tới việc điều hành cả một trang web. Nội dung lão có thừa, trang web của lão là một trong những trang đàng hoàng nhất tại vì lão là 3 trong 1 : họa sĩ, nhà văn, nhà thơ. Ấy là chưa kể cái chất lính trong con người đa tài này. Ừ nhỉ, không biết lão làm việc thế nào, khi nào làm thơ, khi nào vẽ, khi nào viết ! Lại còn chén chú chén anh, lại còn vào internet…? Từng đấy thứ đã giỏi rồi, nhưng cái giỏi đặc biệt là ở chỗ kỹ thuật trang mạng ấy. Lão đã yêu máy tính với một trái tim trẻ trung, lao vào internet với những đam mê, những tinh lực và nguyên khí của cả một thời trai trẻ. Bởi vậy, cái trang web của lão, đối với nhiều người còn hơn cả hấp dẫn. Nó như có sức thôi miên. 
Lão già máy tính làm việc tại Đại hội Nhà văn vừa rồi
Thế mới biết internet là một sức mạnh lôi cuốn không gì cưỡng lại được. Và lão, Nhà thơ, Họa sĩ Trần Nhương, lão sẽ theo kịp và trẻ mãi với internet.


Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn VTV

Xin giới thiệu lại bài trả lời phỏng vấn này của Tướng Vịnh :

Ngày 6/6, Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội sau 3 ngày tham dự Hội nghị an ninh châu Á-TBD. Nhân dịp này, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn VTV…

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn VTV


Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: TTXVN
Trong thời gian diễn ra hội nghị Shangri La, cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã diễn ra. Xin ông cho biết vấn đền về Biển Đông đã được hai Bộ trưởng đề cập như thế nào?

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Chú Tư, con là ai - Chương 5

5

Có ghe rồi tối đó tôi không qua ngủ với con Gấm nữa mà ngủ ở ghe nhà mình. Tôi ngủ một giấc thiệt đã, sáng hôm sau vừa tỉnh dậy đã nghe dì Tám kêu:
- Nhung à, hàng ngày mày làm gì con?
- Làm mấy việc linh tinh thôi dì.
- Vậy thế này nghe, lúc rảnh mày qua phụ cho dì, cuối ngày dì cho tiền.
 Ghe cà phê của dì Tám luôn vui nhộn, người tới người lui không mấy khi ngớt, phần lớn họ là những người ở bển qua làm cá thuê vào mùa cá đìa. Dì Tám mới mua được một cái cát-xét cũ, dì phát thường trực mấy bài ca vọng cổ.

Vấn đề biển Đông: Ngoại giao pháp lý là mặt trận hàng đầu


Xin giới thiệu bài này của PGS-TS Nguyễn Hồng Thao, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia đăng trên báo Pháp luật 7/6 :

Sáng 6-6, VTCNews tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Biển Đông - Những khía cạnh pháp lý”. Một trong các vấn đề được quan tâm trong buổi tọa đàm là vụ việc tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp có thể đưa ra Tòa án Quốc tế? Đối sách thích hợp nào cho Việt Nam về biển Đông?
Chưa có thỏa thuận ra Tòa án Quốc tế
PGS-TS Nguyễn Hồng Thao, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, cho biết: “Theo Điều 33 Hiến chương LHQ 1945 về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình thì có rất nhiều biện pháp: đàm phán, sử dụng trung gian hòa giải, đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế như tòa án hay trọng tài. Như vậy, các quốc gia khi có tranh chấp đều có thể đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề là phải phù hợp với quy chế của các cơ quan đó và phải dựa trên nguyên tắc: Các quốc gia tranh chấp cùng đồng thuận về việc đưa vấn đề ra cơ quan tài phán quốc tế”.

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Không dễ hiện thực hóa "đường lưỡi bò"

Xin đưa lại bài này của Giáo sư Chu Hảo đăng trên Người Lao Đông 6/6/2011 :

   GS-TS Chu Hảo cho rằng Trung Quốc không dễ hiện thực hóa “đường lưỡi bò” nếu Việt Nam và các nước ASEAN đồng tâm nhất trí, phản ứng thích đáng yêu sách phi lý này

* Phóng viên: Giáo sư nhìn nhận thế nào về việc tàu hải giám Trung Quốc ngang ngược xâm phạm sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam?

- GS-TS Chu Hảo: Tôi cho rằng đó là một bước leo thang nguy hiểm nhưng đã được chuẩn bị kỹ của phía Trung Quốc nhằm biến yêu sách “đường lưỡi bò” trên biển Đông thành hiện thực. Đó hoàn toàn không phải là một hành động gây hấn bộc phát mà được lên kịch bản từ trước với những toan tính sâu xa.

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Về cội

VỀ CỘI là truyện ngắn Thắng Sắc đã viết tặng các cô bác người Việt ở nước ngoài, truyện viết đã lâu, nay xin giới thiệu lại :


Cụ Phùng đã 81 tuổi, người Nghi Tàm chính gốc, phiêu bạt từ 1940 sang Marseille nước Pháp rồi lại dạt sang Toronto nước Canada . Nhờ tính cần cù, trí thông minh và đức sống kín đáo của người Việt, cụ gây dựng được cơ nghiệp bên đấy, lấy vợ tây, có biệt thự, con cháu đông đúc. Song càng về già, nỗi nhớ quê hương càng như ngọn lửa nóng bỏng thiêu đốt lòng cụ, mà quê hương đối với cụ là Nghi Tàm bởi ngoài mảnh đất ven hồ ấy, cụ chưa hề được đặt chân đến làng quê nào khác của Việt Nam.