Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

NHÂN NGÀY NHÀ BÁO VIỆT NAM NHỚ VỀ MỘT SỰ KIỆN LỊCH SỬ

Tác giả : Tô Văn Trường


Đêm khuya hôm qua, một người bạn thân sống nhiều năm ở Liên Xô nhắc tôi chúng ta kỷ niệm ngày báo chí Việt Nam  21/6  nhưng đừng quên ngày mai ( 22/6 )  chúng ta kỷ niệm 80 năm ngày phát xít Đức tấn công Liên xô.
Rạng sáng hôm đó, Hitler đã huy động một lực lượng vũ trang khổng lồ đánh đồng loạt trên toàn tuyến biên giới phiá Tây Liên Xô với 190 sư đoàn, hơn 4000 máy bay và cũng hơn 4000 xe tăng. Gánh chịu tổn thất nặng nề nhất với hơn 20 triệu người chết, Liên Xô đã đóng vai trò quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phátxít. Trong chiến công và sự hy sinh to lớn đó có đóng góp của nhiều nhà báo- chiền sỹ xôviết. Hàng ngàn bài viết ngay tại chiến hào, hàng triệu bức ảnh, hàng nghìn cuộn phim sống động máu lửa đã động viên quân đội và nhân dân các dân tộc Liên bang Xô viết xông lên.
 Nhiều nhà báo đã cùng các chiến sỹ ôm súng đánh giáp lá cà với lính phátxit ngay ở cửa ngõ Maxcơva, khi chúng chỉ còn cách Quảng trường Đỏ mấy chục cây số. Khẩu hiệu của những cảm tử quân này là:" Không thể lùi thêm một bước, vì sau chúng ta là Maxcơva!". Hơn 200 nhà báo có tên tuổi và hàng nghìn nhà báo, tuyên truyền viên khác đã hy sinh. Có những nhà báo còn sống sau chiến tranh nhưng tên tuổi và chiến công của họ đã trở thành huyền thoại. Ngày nay khách tham quan đến thành phố biên giới Brest của nước Cộng hòa  Belarus, nơi chịu đòn đánh đầu tiên và ác liệt nhất của quân Đức, vẫn thấy gai người xúc động khi nghe phát lại từ những bức tường hoang tàn của pháo đài xưa giọng trầm hùng của Lêvitan, phát thanh viên chính Đài phát thanh Maxcơva, đọc tuyên bố của Chinh phủ Liênxô về việc Nhà nước Hiler bội ước phát động chiến tranh chống Liênxô.
Và cũng chính Lêvitan với giọng nói nhiệt huyết, vô cùng gợi cảm của mình,trong suốt thời gian chiến tranh đã được giao nhiệm vụ đọc những tin tức, những bài bình luận và công bố quan trọng nhất, kể cả tin về việc nước Đức phát xít  đầu hàng vô điều kiện. Đến nỗi chính Hitler cũng phải điên đầu,giận dữ nói với thuộc cấp rằng, nếu chiếm đựợc Maxcơva thì người mà hắn tìm bắt và cắt lưỡi đầu tiên chính là Lêvitan! Tuy nhiên,lịch sử đã không cho Hitler chữ " nếu". Hitler thì chết mất xác, còn Lêvitan vẫn sống và luôn  xuất hiện trên truyền hình Maxcơva với khuôn mặt phúc hậu và giong nói quen thuộc cho đến khi mái tóc bạc trắng.
Kỷ niệm 80 năm ngày phatxit Đức tấn công Liênxô, không chỉ để nhắc lại một sự kiện bi thảm, kinh hoàng của lich sử mà còn để chúng ta nhớ đến câu nói bất hủ của Giuliut Phuxich-Nhà văn, nhà báo anh hùng- : " Hỡi loài người mà tôi yêu qúy, hãy cảnh giác!". Đúng vậy, cho đến bây giờ dân tộc ta và nhân loại vẫn cần phải cảnh giác trước những tham vọng của những thế lực muốn quên đi bài học quá khứ.  Sự kiện biển Đông đang nổi sóng, và những nhà báo chân chính chắc chắn cũng thấy rõ hơn bao giờ hết sứ mạng cao cả của mình. Nhà báo là người chiến đấu cho sự thật và chỉ vì sự thật trên báo chí. Khi đã chiến đấu cho sự thật và chỉ vì sự thật, tự sự xả thân này chính nó sẽ làm bật lên chân lý của cuộc sống ,  chứ không phải là của nhà báo. Với lẽ này,  chân lý và tự do gắn với nhau làm một! Chân lý bao giờ cũng là của cuộc sống, không thể là sản phẩm "sáng tạo" hay "ngụy biện", hay là "sở hữu" của riêng ai cả.  Chúng tôi nghĩ cũng như mọi người làm những nghề, những việc khác, nhà báo trước nhất là, và phải là, người yêu nước mình, yêu dân tộc mình, từ đó mà yêu các dân tộc khác, yêu con người, yêu sự sống. 
Các bạn nhà báo yêu qúy, mặc dù biết rằng  mặt trận bảo vệ biên cương hài đảo của tổ quốc phải bắt nguồn từ Hà Nội nhưng với vai trò, trách nhiệm của một nhà báo chân chính  dù viết cho luồng chính thống hay dân báo đừng quên rằng nhà báo là trí thức, là nghệ sỹ nhưng luôn mang tâm hồn của một chiến sỹ dù ở  thời chiến cũng như thời bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét