Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

VỤ THÔNG TIN BÁO CHÍ VÀ NHỮNG CHUYẾN ĐI

Nhiều bạn trẻ do chưa tìm được cuốn "Chuyện nghề chuyện nghiệp ngoại giao" nên có gợi ý với Lều văn có thể giới thiệu lên mạng. Đáp ứng gợi ý này đồng thời cũng để giới thiệu cuốn sách được rộng rãi hơn với bạn đọc, Lều văn xin giới thiệu dần trong chuyên mục Kể chuyện ngoại giao. Xin bắt đầu bằng câu chuyện "VỤ THÔNG TIN BÁO CHÍ VÀ NHỮNG CHUYẾN ĐI" của một tác giả nữ rất nổi tiếng, bà Hồ Thể Lan.(Bà Hồ Thể Lan vào ngành Ngoại giao từ năm 1958, 27 năm công tác tại Vụ Thông tin Báo chí, nguyên là Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao từ 1987 đến 1996.)


Cuối năm 1967 tôi được chuyển từ Trường Cán bộ Ngoại giao (bây giờ là Học viện Ngoại giao) về Bộ Ngoại giao, được phân công về Vụ Thông tin Báo chí (TT-BC). Lúc này Mỹ đang tăng cường leo thang đánh phá miền Bắc, máy bay Mỹ liên tục ném bom, bắn phá nhiều tỉnh thành, gây ra biết bao tội ác đối với người dân thường. Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của người dân miền Bắc trong khi người dân miền Nam liên tục tiến công giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Trong tôi không bao giờ phai mờ ký ức về ba trận bom “đáng nhớ” của không quân Mỹ. Ngày 5/8/1964 gia đình tôi đang ở Sầm sơn, Thanh Hóa bỗng thấy mấy chiếc máy bay phản lực xé không gian vút qua bầu trời cứ tưởng là máy bay ta. Ngờ đâu đó là máy bay Mỹ lần đầu tiên ném bom bắn phá miền Bắc nước ta, mở đầu cho “chiến tranh phá hoại” miền Bắc. Lần thứ hai là năm 1967, đang ở nhà thì thấy còi báo động trên nóc Nhà hát lớn rú lên, hàng đoàn máy bay Mỹ xà xuống ném bom, bắn phá Hà Nội, đứng trên gác hai chúng tôi thấy rõ đụn khói đen đùn lên bên Gia lâm, sau mới biết đó là Kho dầu Đức giang, đánh dấu việc Mỹ leo thang trực tiếp đánh phá thủ đô Hà Nội. Và lần thứ ba là 12 ngày đêm tháng 12/1972 máy bay chiến lược B-52 tập kích Hà Nội. Lúc đó tôi ôm con trai nhỏ vào lòng và cháu gái lớn nép sát vào người tôi, ngồi dưới hầm mà thấy đất rung lên từng hồi, tiếng máy bay ù ù như cối xay lúa cứ tưởng khó qua khỏi, không biết có gặp lại chồng đang đi công tác xa không? Tôi không thể nào tả lại bằng lời cảm xúc ghê rợn và uất ức trào dâng lúc ấy trước những tội ác man rợ đối với dân ta. Đó là ba cái “mốc nổi bật” đánh dấu ba thời kỳ vậy thôi chứ suốt những năm tháng ấy đạn bom vang rền, do đó công việc của tôi ở Vụ TT-BC chủ yếu gắn với việc vạch trần tội ác chiến tranh của Mỹ, giới thiệu cuộc chiến đầu ngoan cường của quân dân ở cả hai miền Nam - Bắc cũng như lập trường ngoại giao của ta. Nếu trên thế giới có khái niệm “phóng viên chiến trường” thì cũng có thể gọi hoạt động của chúng tôi trong những năm tháng đó là “TT-BC chiến đấu”.

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Lời bạch của nhóm tác giả "Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao".



Sau khi ra mắt cuốn sách “Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao”, các tác giả đã nhận được rất nhiều lời động viên, khuyến khích của bạn đọc gần xa. Bên cạnh nhiều lời khen ngợi, bạn đọc cũng đã giúp phát hiện ra một số sai sót trong khi in ấn như một số lỗi chính tả, lỗi đánh máy…, gợi ý là số lượng in 1000 cuốn là ít và cần có một số ảnh mầu cho đẹp…
Tiếp thu gợi ý của nhiều bạn đọc, Công ty sách Bắc Hà hiện đang in thêm “Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao”, có sửa chữa những lỗi đã được phát hiện, ảnh của nhóm tác giả sẽ được in lại thành ảnh mầu, sách nhẹ và đẹp hơn.
          Nhóm tác giả xin thưa lại với bạn đọc như trên, thành thật xin lỗi  bạn đọc về một số lỗi tuy nhỏ nhưng không đáng có trong lần in ấn đầu, chân thành cám ơn sự ủng hộ nhiệt tình và quý báu mà bạn đọc đã dành cho cuốn sách.