Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Một bạn đọc nói về cuốn "Đi trong lốc xoáy"



´’Giống như bất kỳ dự án văn học nào, tác phẩm "Đi trong lốc xoáy" muốn kể về xã hội qua một vài chương. Qua cách viết dễ hiểu, tác giả kết hợp một cách khéo léo sự đơn giản của đời thường với tầm sâu của các vấn đề xã hội để hỗ trợ đường suy nghĩ của chúng ta. Với cách thức ngắn gọn trong câu cú, việc đối chiếu sự phức tạp của xã hội với sự ngắn gọn của văn bản, tác giả chắc muốn đôc giả tự xây dựng cách suy nghĩ và quan điểm riêng của mình để phân tích một cách sáng suốt hơn tình hình đương thời. Khi đọc, chúng ta được nhắc lại các ranh giới giữa sự chấp nhận được và những thứ không thể được chấp nhận. Với một văn cách vừa lãng mạn vừa hài hước, các câu cú như muốn hét lên sự bi hài của một xã hội đương đại, tác giả nhân cách hoá tiếng nói, hay nói chính xác hơn tiếng than vãn của một thế hệ đã trải qua ít nhất một cuộc chiến tranh, chịu khổ qua giai đoạn cấm vận, khởi sướng giai đoạn đổi mới và đang chứng kiến một cách bất lực sự hỗn loạn của một thế hệ mới càng ngày càng thoái hoá.



Trong một xã hội ngày một thay đổi, khác hẳn so với thời kỳ bắt đầu của xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà cũng khác so với các xã hội phát triển, phải chăng xã hội Việt Nam hiện tại như một cơn lốc xoáy, một cơn lốc với gió ác, gió độc lôi cuốn con người vào các cám dỗ. Liệu còn có những người không bị xoáy hút hay không, những người có niềm tin và lý tưởng đem lại luồng gió mới cho đất nước hỗn loạn của chúng ta...’’.

                                                                                                                                                                                                                        SSC (Người đọc)  



Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Văn học làm cho con người trở nên nhân văn hơn



"- Bác còn muốn nói với Kiên một điều này nữa, các cháu phải có ước mơ và đừng ngại ngần bất kể một điều gì vì ước mơ của mình. Đừng quên đọc sách văn học trên bước đường ấy, bởi vì, không phải bác là nhà văn mà bác nói thế, văn học là mưa là nắng, là mây là gió, là trăng là sao, bổ dưỡng tưới tắm cho con người ta trở nên nhân văn hơn. Người ta mà thiếu văn học thì cũng như cái cây thiếu mưa, thiếu nắng, thiếu gió, không được  bổ dưỡng, có khi tốt lá mà không tốt rễ, tốt hoa mà không tốt quả".
                 (Trích tiểu thuyết Đi trong lốc xoáy của Thăng Sắc sắp ấn hành)

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Ông Tập bước một mình trên thảm đỏ APEC gây bàn tán

Chủ tịch Trung Quốc bước đi một mình suốt hơn 4 phút trên thảm đỏ hội nghị cấp cao APEC, trong khi các lãnh đạo thế giới trò chuyện. 
Theo AFP, Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm qua dẫn đầu các lãnh đạo nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đi qua thảm đỏ tại địa điểm tổ chức ở Manila tới diễn ra lễ khai mạc. 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Chile Michelle Bachelet đi hàng đầu cùng ông Aquino. Tuy nhiên ông Aquino chỉ nói chuyện, cười nói với bà Bachelet, khiến ông Tập bước một mình suốt 4 phút 7 giây dọc Trung tâm Hội nghị Quốc tế Philippines. 

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Chia tiền ăn tối

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu sẽ cùng ăn tối tại Singapore vào ngày mai (7/11/2015) và cùng góp tiền thanh toán hóa đơn.
Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ cùng ăn tối sau khi hai người gặp nhau ở Singapore, Focus Taiwan dẫn lời Ngô Mỹ Hồng, thuộc Hội đồng Các vấn đề về Đại lục (MAC) của đảo Đài Loan, cho biết. Hai ông cùng góp tiền thanh toán hóa đơn.
"Ai là khách mời của ai trong bữa tối này không phải là điều quan trọng. Quan trọng là họ ăn tối cùng nhau", bà Ngô nói.
Theo bà Ngô, ông Tập và ông Mã còn chia tiền thuê địa điểm phục vụ cho cuộc gặp giữa hai người tại khách sạn Shangri-La.
Kênh TVBS dẫn thông tin từ văn phòng lãnh đạo Đài Loan cho biết ông Mã mang theo 8 bình rượu "Trần niên lão tửu" ưa thích, do công ty Matsu sản xuất, tới bữa tối và giới thiệu với các khách mời. Nhân viên văn phòng lãnh đạo sẽ chuẩn bị rượu theo một công thức và cách thức đặc biệt giúp rượu luôn ấm.
Bữa tối giữa chủ tịch Trung Quốc và lãnh đạo Đài Loan dự kiến có tổng cộng 14 người. Ông Tập và ông Mã sẽ ngồi đối diện nhau tại bàn tròn. Các món ăn nổi bật trong thực đơn bao gồm cá tuyết, vịt quay Bắc Kinh và khâu nhục hầm bào ngư.

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Đi trong lốc xoáy

"Đi trong lốc xoáy" là tiểu thuyết mới của Thăng Sắc, Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Sách do công ty Bắc Hà đang in. Mời các bạn gần xa đón đọc nhé.

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

"Việt Nam, đi !" - Bạn nghĩ gì ?

12 giờ kinh hoàng nữ du khách Việt bị ngược đãi ở Singapore.

Gần đây, các thông tin về việc Singapore thường xuyên cấm nhập cảnh nhiều nữ hành khách Việt mà không hề có bất cứ lý do nào rõ ràng đã gây bất xúc dư luận Việt Nam. Mới đây thông tin một nữ du khách Việt kể chuyện bị nhà chức trách Singapore ngược đãi đã được đăng tải ngay trên một báo điện tử của Singapore.

Nữ du khách Việt bị nhà chức trách Singapore ngược đãi tên là Nguyễn Thanh Thủy, hiện làm việc cho một công ty quốc tế. Cô cho biết mình từng được nhận học bổng danh giá của Bộ Ngoại giao Singapore theo học tại một trường đại học tốt nhất tại đảo quốc Sư tử và đã tốt nghiệp được 7 năm.
Nguyễn Thanh Thủy chia sẻ trên Facebook rằng cơ quan hải quan Singapore đã có hành động ngược đãi và hành xử thô lỗ với cô cùng những đồng hương của cô.
du khách, người Việt, Singapore
Hình ảnh của cô Nguyễn Thanh Thủy
Đây là câu chuyện của cô Nguyễn Thanh Thủy được tờ RedWire Times của Singapore thuật lại:
Tôi không phải loại phụ nữ mà bạn cho rằng cô ta làm xấu một điều gì đó để bị đối xử như vậy. Tôi đã đến Singapore từ 7 năm trước với tư cách là một học giả với học bổng của Bộ Ngoại giao và được học tại một trường tốt nhất ở Sing.

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Một câu hỏi không có trả lời

Tôi là một nhân viên bảo trì và sửa chữa điện thoại di động. Sáng hôm đó, một ông lão đã tới cửa hàng để sửa điện thoại. Tôi cẩn thận kiểm tra chiếc điện thoại nhưng không thể tìm được lỗi nào. Tôi nói với ông rằng mọi thứ đều ổn, và điện thoại vẫn chạy tốt.

Ông nhìn tôi, nhăn nheo, rơm rớm nước mắt hỏi: “Thế tại sao lão không nhận được điện thoại của con?”

Tôi chết lặng…
điện thoại, Ông lão, con cái,
 (Ảnh minh họa trên internet)

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

CHUYẾN ĐI NGOẠI GIAO NHÂN DÂN


Nguyễn Văn Vụ, Phó Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia

Năm 2013, trong một cuộc nói chuyện với cựu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam ở Hà Nội, Thủ tướng Hun Sen nói : “Tôi muốn làm sao tổ chức cho các đồng chí cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia và các cháu con, em gia đình liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam sang thăm Campuchia để thấy nơi mà các đồng chí Việt Nam đã chiến đấu hy sinh giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm hoạ diệt chủng, ngày nay đã hồi sinh như thế nào”.
         
Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Hun Sen và thể theo nguyện vọng của hàng vạn quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã chiến đấu công tác ở Campuchia, Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia do đồng chí Vũ Mão, nguyên UVTW đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội làm chủ tịch và Hội hữu nghị Campuchia-Việt Nam do bà Men Sam On, phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quan hệ Quốc hội-Thượng viện và Thanh tra Chính phủ Campuchia làm chủ tịch đã chỉ đạo hai Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia và Hội hữu nghị Campuchia-Việt Nam thực hiện việc tổ chức đưa các cựu quân tình nguyện, chuyên gia, con em gia đình liệt sỹ Việt Nam ở Campuchia sang thăm lại đất nước chùa tháp.

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Cambodia, lá bài cũ và câu chuyện mới của người Trung Quốc

Bài này tìm trên mạng, có ký tên của tác giả Lang Anh.
Những ngày gần đây, báo chí thế giới và Việt Nam lác đác có những thông tin nhắc đến những mâu thuẫn lẻ tẻ nổ ra tại biên giới Việt Nam – Campuchia. Đây không phải là một câu chuyện mới mà đã bắt nguồn từ lâu trong quá khứ.
Những tranh cãi giữa Việt Nam và Campuchia về phần lãnh thổ ngày nay được gọi là đồng bằng sông Cửu Long (Lãnh thổ chính thức thuộc Việt Nam hiện đại) và Campuchia khmer krom (theo cách diễn giải của người Campuchia) từng kéo dài trong nhiều thế kỷ. Về mặt lịch sử, đây là vùng đất hoang vu gần như không người ở cho đến khi những đoàn khai hoang đầu tiên của người Việt và người Minh hương (người Trung Quốc bại trận dưới triều Minh chạy sang Việt Nam lánh nạn và xin thần phục triều đình nhà Nguyễn) khai phá. Bằng nỗ lực trong nhiều thế kỷ, họ biến một vùng đất hoang vu, sình lầy thành một khu vực đông đúc và giàu có. Vùng đất này, được gọi là Nam Kỳ theo cách định danh chính thức của vua Minh Mạng vào năm 1832. Với sự kiểm soát trên thực tế trong nhiều thế kỷ, đây là vùng lãnh thổ được công nhận thuộc về Việt Nam theo mọi hiệp ước và bản đồ quốc tế hiện đại.

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Vài bệnh mãn tính của trí thức Việt

Nguyễn Quang Dy

Ngày nay, các bác sỹ thường khuyên chúng ta phải kiểm tra sức khỏe định kỳ nếu không muốn bị đột tử ( tim mạch) hay mắc các bệnh nan y (như ung thư). Trong “thế giới phẳng”, Tom Friedman cũng khuyên các doanh nghiệp phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên, nếu muốn tồn tại và phát triển. Không biết giới trí thức Việt có kiểm tra sức khỏe và khám bệnh thường xuyên không, và có thừa nhận bệnh tật của mình không?

Thứ trưởng Lê Mai: “Kiến trúc sư trưởng” quan hệ Việt - Mỹ

Lê Thọ Bình

20 năm trước, ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

 
71
Thứ trưởng Lê Mai (bên phải) và Thượng nghị sĩ John Kerry trả lời các nhà báo sau phiên họp tại Hà Nội tháng 11/1992 - Ảnh: AFP
20 năm trước, ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với nền ngoại giao Việt Nam nói chung và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nói riêng. Kết quả này là sự nỗ lực của cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó không thể không nói đến vai trò của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai, người được truyền thông Mỹ đánh giá là một trong những “kiến trúc sư” mối quan hệ Việt - Mỹ.

Người đi tiên phong trong bình thường hóa Việt - Mỹ

Nguyễn Hồng Thạch
(Hiện là Đại sứ Việt Nam tại Iran)

Những ngày này, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang thực hiện chuyến thăm Mỹ lịch sử. Lần đầu tiên người đứng đầu Đảng CSVN thăm Mỹ. Quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước có lẽ đến bây giờ mới có thể nói là hoàn thành khi Mỹ công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN, thừa nhận vị trí của Đảng CSVN trong nền chính trị của Việt Nam.

Tổng thống Mỹ từ lâu đã đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản (ĐCS) Liên Xô hay Chủ tịch ĐCS Trung Quốc, nhưng Breznev là trường hợp đặc biệt, là đại diện của một siêu cường ngang hàng với Mỹ. Còn Chủ tịch Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình, bên cạnh chức danh Chủ tịch Đảng, họ còn là Chủ tịch nước CHND Trung Hoa. Chỉ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo ĐCS duy nhất không có chức danh chính quyền được Tổng thống Mỹ tiếp tại Nhà Trắng. Nhưng phải 20 năm sau khi hai nước bình thường mới có sự thừa nhận này của Mỹ đối với hệ thống chính trị của Việt Nam. Mọi việc đều có lý do tồn tại của nó. Hoàn cảnh quốc tế và khu vực thay đổi là lý do để có sự kiện ngày hôm nay.

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Anh Cơ trong tâm trí riêng tôi

Vũ Khoan

Thế là tiếng nói oang oang, tiếng cười sảng khoái của anh Trần Quang Cơ đã tắt! Tôi trộm nghĩ mình không nhầm nếu nói rằng, toàn thể anh chị em cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao, nhất là những người đã từng cộng sự trực tiếp đều tiếc thương vô hạn vì trong tâm chí mọi người Anh là một nhà ngoại giao cực kỳ sắc sảo và kiên định, một con người hết sức khảng khái và tự trọng, một nhà lãnh đạo mẫu mực, công tâm.

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

CHUYỆN HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Dung


Năm nào cũng vậy, cứ sau ngày cúng  “ông Táo” lên chầu trời, ban lãnh đạo cơ quan lại tổ chức mời cán bộ hưu trí đến họp mặt cuối năm và có quà mừng năm mới. Mọi người tập trung tại hội trường, lâu ngày gặp nhau chuyện trò hàn huyên vui vẻ.
Chị Miên đến sau, đi cùng chồng là anh Thái. Nhìn anh chị không ai bảo ai chúng tôi đều cất lời khen: “Hai bác trông đẹp đôi, hạnh phúc quá. Thật là viên mãn”. Được mọi người khen, chị Miên cảm động lắm, cảm ơn mọi người và nói: “Nhờ có nhà tôi đấy, các bà, các bác ạ!”.
Tôi nhớ lúc còn đang công tác cùng chị, có lần chị tâm sự với tôi một chuyện buồn xảy ra cách đây đã gần 40 năm, khi ấy chị chừng 35, 36 tuổi. 
Một buổi trưa hai chị em ăn cơm xong, nằm nghỉ, chị thủ thỉ với tôi: “ Mình là người con gái quê hương quan họ Bắc Ninh, Dung à. Năm mình 18 tuổi, có một lần đoàn văn công quân đội về quê mình biểu diễn văn nghệ phục vụ đơn vị đóng quân ở đó và bà con quanh vùng. Mình và một vài người bạn rủ nhau đi xem các anh, các chị văn công dựng rạp. Mấy cô bạn mình khoe với các anh bộ đội:  “ Cái Miên làng em là con gái đẹp nhất vùng này đấy, nó lại hát hay nữa chứ…” Anh Hùng, trưởng đoàn đứng gần đó nghe được, đến cạnh mình hỏi thăm địa chỉ gia đình. Đợt biểu diễn xong, anh đến nhà mình chơi và yêu cầu mình hát cho anh nghe vài bài. Nghe xong anh hỏi:
-         Cô Miên có thích đi văn công không?

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Lại bàn về dân trí

Nguyễn Quang Dy
Người ta nói dân trí là yếu tố sống còn đối với vận mệnh của một quốc gia. Nhưng hiểu về dân
trí như thế nào thì chắc vẫn còn tranh cãi. Có người cho rằng dân trí ở Viêt Nam cao, trong khi
“quan trí” lại thấp,cần phải nâng cao. Nhưng từ xưa đến nay (từ thời cụ Phan Bội Châu và Phan
Châu Trinh), người ta thường kêu gọi “nâng cao dân trí”. Có lẽ người ta muốn đề cập đến cùng
một vấn đề. Nói cách khác, “dân nào thì quan nấy”.
Hãy điểm qua vài hình ảnh hài hước và độc đáo “chỉ có tại Việt Nam” để xem dân trí đang ở
đâu, và vì sao có thể (hay không thể) thay đổi được. (Tất nhiên các bạn có thể bổ xung thêm).
Tuy hình ảnh chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, nhưng nó là một tiêu chí quan trọng. Những
người cầm quyền hay nói “lấy dân làm gốc”, vậy làm thế nào thay đổi được cái ngọn bị sâu
bệnh, nếu cái gốc cũng yếu kém và khó thay đổi?

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

NGUYỄN ÁI QUỐC / HỒ CHÍ MINH VỚI NƯỚC ĐỨC

Trần Ngọc Quyên


Năm 2015 Việt Nam và nuốc Đức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước Nguyễn Ái Quốc đã từng đến nước Đức, gặp gỡ nhiều người Đức ở cả nước Đức lẫn ở nước ngoài như Paris, Mátxcơva; từ những người dân thường đến các Lãnh tụ nổi tiếng của Đáng Cộng sản lẫn phong trào công nhân Đức. Có thể nói Nguyễn Ái Quốc là người đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Đức và Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức chúng tôi xin giới thiệu với Bạn đọc bài dưới đây của một người đã từng học tập và công tác trên 20 năm ở cả hai miền của nước Đức và đã dày công sưu tầm các tư liệu về Nguyễn Ái Quốc/Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Đức.
Như chúng ta đều biết, trong những năm bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước từ năm 1911 đến năm 1941 Nguyễn Ái Quốc / Hồ Chí Minh đã từng đến nước Đức để hoạt động cách mạng bí mật, đó là vào các năm 1923 và 1927/28. Năm 1957 với tư cách Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam - Chủ tịch nước VNDCCH Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thăm chính thức CHDC Đức.


Hoạt động bí mật tại nước Đức trong những năm 20 của thế kỷ XX

Thật ra trước năm 1923 Người cũng đã 2 lần đến Đức: lần đầu khoảng cuối tháng 10 năm 1919 cùng với Luật sư Phan Văn Trường trong đó có việc liên hệ mua vật tư ngành ảnh của hãng AGFA cho hiệu ảnh Khánh Ký khi Người làm thuê cho hiệu ảnh này (AGFA là công ty con của tập đoàn Bayer AG ở Leverkusen ở Tây Đức). Lần thứ hai Nguyễn Ái Quốc đến Đức năm 1920 khi Người tham gia đoàn du lịch của Hội du lịch Pháp. Như vậy có thể nói lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đặt chân lên nước Đức là năm 1919 và những người Đức đầu tiên Người giao dịch khi làm thuê cho hiệu ảnh Khánh Ký là các nhân viên Đại diện cho công ty AGFA của Đức tại Paris.

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Hệ quả chiến tranh.

Nguyễn Quang Dy
Nguyên cán bộ Ngoại giao, tốt nghiệp Harvard năm 1993
Bài đã đăng trên Viet-studies 30/4 (bản tiếng Việt, bản tiếng Anh cũng của tác giả).


 “Vì chiến tranh bắt đầu trong đầu óc con người, nên cơ chế bảo vệ hòa bình phải được xây
dựng ngay trong đầu óc con người.” (Lời nói đầu của Hiến chương UNESCO)
Câu chuyện hòa giải
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt cách đây 40 năm, nhưng lòng hận thù vẫn chưa chấm dứt. Về
tâm lý, cuộc chiến vẫn còn đang diễn ra trong đầu óc nhiều người, vì sự cực đoan và cuồng tín đã
làm cho họ trở thành “tù binh của quá khứ”. Chiến tranh và bạo lực thường song hành với cực
đoan và cuồng tín, với độc tài và tham nhũng.
Sau hơn hai thập kỷ, người Mỹ và người Việt Nam cũng đã hòa giải được với nhau, bình thường
hóa được quan hệ hai nước, và cố gắng hàn gắn vết thương chiến tranh, tuy bóng ma chiến tranh
Việt Nam vẫn còn ám ảnh đời sống chính trị và văn hóa của mỗi nước. Ngày nay, hai nước thậm
chí đang cố gắng trở thành đối tác chiến lượctoàn diện, trướcsự trỗi dậy đầy thách thức của
Trung Quốc như một đám mây đen ở Đông Á.
Nhưng sau bốn thập kỷ, người Việt vẫn chưa hòa giải, vẫn còn đối xử với nhau như “kẻ thù”. Có
lẽ vết thương nội chiến khó lành hơn nhiều. Các sử gia Mỹ nói rằng nước Mỹ phải mất 50 năm
mới thực sự hòa giải được cuộc nội chiến (kết thúctạiGettysburgnăm 1863). Liệu người Việt
phải mất bao nhiêu năm mới hòa giải được? Nếu không hòa giải được thì Việt Nam làm sao đủ
mạnh để bảo vệđộc lập và chủ quyền của mìnhkhỏi nguy cơ bắc thuộc?

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Những kỷ niệm không phai mờ

Nguyễn Đình Bin
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII
Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm UBVNVNONN.



Trong hơn bốn mươi năm công tác tại ngành ngoại giao, một trong những vinh hạnh lớn nhất của tôi là đã được kề vai sát cánh với đội ngũ cán bộ, nhân viên UBVNVNONN, cơ quan tham mưu và quản lý của Đảng và Nhà nước ta về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài,  trên cương vị là người đứng đầu, trong giai đoạn rất đáng ghi nhớ: 4 năm mở màn thiên niên kỷ thứ ba (2000 - 2003).
Bốn năm là một quãng thời gian không dài trên chặng đường nửa thế kỷ từ khi ra đời đến nay của Ban VK TƯ, rồi UBVNVNONN  và nay là UBNNVNVNONN, nhưng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không thể phai mờ và bài học quý.  Đó là những năm tháng công cuộc đổi mới toàn diện của nhân dân ta, do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, được triển khai mạnh mẽ và toàn diện,  giữa một thế giới đang biến động sâu sắc, đan xen những thời cơ lớn với thách thức cũng lớn. Trên bình diện chủ quan thì UBVNVNONN, qua 40 năm  hoạt động và phát triển và sau 4 năm Thủ tướng Chính phủ quyết định sát nhập vào Bộ Ngọai giao, đã tích lũy được nhiều kinh  nghiệm quý báu và có thêm điều kiện để có những bước phát triển mới về chất.
Hôm nay, nhìn lại quãng thời gian ấy, tôi vui mừng là đã cùng tập thể cán bộ nhân viên UBVNVNONN tăng cường đoàn kết, không ngừng phấn đấu vươn lên, kế thừa và phát huy được những  kinh nghiêm quý báu của các lớp anh, chị đi trước, đồng thời đã tự đổi mới được mình, trước hết là đổi mới tư duy, phát huy mạnh mẽ bản lĩnh, tinh thần chủ động, tiến công, dám chịu trách nhiệm, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu và quản lý mà Đảng và Nhà nước giao phó trên lĩnh vực công tác này, có những đóng góp xứng đáng vào các thành tích đáng tự hào trong 50 năm phát triển của UBNNVNVNONN. 

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Thơ Nguyễn Quang Khuê

Trong một buổi cà phê sáng, chúng tôi ngồi với anh Nguyễn Quang Khuê, một "Đại ca" trong mắt của nhiều người lớp trẻ bởi sức vóc cũng như tầm trí tuệ của con người đã ngoài bẩy mươi mùa xuân xanh ấy. Trong khói thuốc lá, anh đã đọc cho chúng tôi nghe một số bài thơ anh làm cách đây ít lâu, những bài thơ thật hay. 
Xin giới thiệu với bạn bè xa gần những bài thơ thật hay này của anh Nguyễn Quang Khuê.


Tự do

Cánh chim trong lồng tưởng nhớ trời xanh,
Mỏi cánh trời xanh mong về tổ ấm.
Giữa tổ ấm đối mặt với đói no bộn bề chuyện sống,
Chim lại mơ trời xanh tự do!
Này, tự do làm chi có bến bờ?
Khi dây nhợ trới trằng trong lòng ta dăng sẵn,
Oan cái lồng con sinh ra căm hờn muốn phá nó,
Thì cái lồng to trời xanh kia ta biết phá sao đây?
Quanh quẩn lo toan ngày tháng hao gầy,
Thấp thoáng trăm năm nỗi buồn vạn thưở.
Việc quái gì phải băn khoăn đi hay ở lồng với chả lồng,
Hãy trả tự do ngay cho những sợi dây trói trong lòng,
Ta sẽ được bay liệng giữa muôn nơi tức khắc!
Cày ruộng làm thơ làm dân làm vua gì mà chẳng được,
Trăm năm trong chớp mắt hay chớp mắt ngoài muôn năm?

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Hoàng Xuân Hãn bàn chuyện đi sứ

Hoàng Yến Lưu
(Sưu tầm trên mạng)
Bắc đình thời nào cũng vậy từ Tần Thủy Hoàng, Hán Quang Vũ, Đường Thái Tông, Tống Thần Tông, Nguyên Thế Tổ, Minh Thành Tổ, Thanh Càn Long cho tới Mao Trạch Đông… đều lăm le xâm lăng Nam quốc nếu có cơ hội và khả năng. Lòng tham không đáy, thủ đoạn dã man của rợ Hồ (như cách nói của Trần Quang Khải: “cầm hồ Hàm tử quan”) đã khiến dân Việt lúc nào cũng phải cảnh tỉnh và mài sẵn long tuyền (như Đặng Dung từng nói: “Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma”) để trảm xâm lăng bảo vệ giang sơn Hồng Lạc.
Đối với cường địch, dân Nam vốn kiên cường và dũng cảm nhưng “bất đắc dĩ dụng quyền”. Lại vì hiếu hòa, trọng nhân ái như Nguyễn Trãi từng viết trong Bình Ngô đại cáo: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn. Đem chí nhân để thay cường bạo”, nên trước lúc giao tranh và sau khi thắng trận, ta vẫn thường sử dụng “lễ”, nghĩa là ngoại giao để thức tỉnh kẻ thù rằng nên sớm tỉnh ngộ, tránh thảm bại nếu xâm phạm đất của “nam đế” như Tướng quân Lý‎ Thư‎ờng Kiệt từng khuyến cáo bọn đồ tể từ Biện Kinh kéo sang ta: “nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
“Tiên lễ hậu binh”nên trong ngoại giao cần nhất vai trò của sứ giả. Hoàng Xuân Hãn trong tác phẩm Lý‎ Th‎ờng Kiệt kể chuyện sứ giả đại diện cho vua Lý‎ lא Đào Tông Nguyên theo lệnh vua nước ta, vào năm 1078 sang sứ Tống, mượn cớ cống voi nhưng chủ tâm đòi lại châu Quảng Nguyên, vốn đất ta mà bọn Quách Quỳ chiếm đoạt. Ta lấy lại được Quảng Nguyên nhờ có vua hiền, tôi giỏi, lại thêm sứ giả tài ba nên Tống Thần Tông biết khó nuốt châu quận của đất Việt phải cắn răng trả Quảng Nguyên cho phương Nam. Người sau mai mỉa vua tôi nhà Tống trong sự kiện ngoại giao này:

Nhân tham Giao chỉ tượng
Khước thất Quảng nguyên kim.
(Vì tham voi giao chỉ nên mất vàng Quảng Nguyên)
Hoàng Xuân Hãn luôn luôn ca tụng chính sách ngoại giao và bảo vệ giang sơn của tổ tiên chúng ta :

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Mừng anh 50 tuổi Đảng

Nguyễn Hữu Động (Viết từ Mê-hi-cô)



Hôm ấy, máy bay tôi đến New York chậm hỏn một tiếng. Làm xong thủ tục xuất cảnh thì đā một giờ sáng. Anh và mấy anh em khác đứng chờ tôi ở cổng ra. Anh bỏ điếu thuốc đang hút, chào tôi và nói: "Thành phố này về khuya không an toàn lắm, và quan hệ với chủ nhà cũng khá phức tạp nên chúng tôi phải đưa cả một tiểu đội ra đón anh." Mười năm sau, khi tôi đến ở đấy, NY đā trở thành một trong những thành phố an toàn nhất thế giới.


Về đến  trung cư, tôi được xếp vào cùng buồng  với anh, không biết vì lý do tuổi tác (chúng tôi xấp xỉ tuổi nhau) hay vì lý do gì khác. Trong những năm ấy, bao trùm vẫn là chế độ bao cấp, từ ăn đến mặc. Mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào tiêu chuẩn. Riêng tôi thì rất dốt cái món này: cho ăn gì thì ăn nấy, cho ở đâu thì ở đấy, cho bao nhiêu tiền thi tiêu bấy nhiêu. Nói cho đúng, năm 1980, cán bộ ở NY được phát từ 1,50 cho đến 2đô la / ngày cũng tuỳ theo tiêu chuẩn, gọi là Daily Allowance Subsistence (Xin miễn dịch vì từ Subsistence này chính xác quá) Cơm ngày ba bữa ở cơ quan, cà fê, thuốc lá thì nhịn,  hoặc trong trường hợp tôi,  bà xã phụ cấp. Cán bộ đi công tác nước ngoài phải đến Bộ tài chính mượn giầy và côm lê, khi về phải trả lại. 

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Lời kêu gọi 1 tháng Tư

Hãy biến hôm nay 1 tháng Tư thành ngày nói thật
Bởi quanh năm dối đã quá nhiều rồi
Thiên hạ thật thà nên cần một chút dối đùa chơi
Còn ta dối mãi rồi, không nên dối rồi lại dối.

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Biết-Không biết

 Biết mình không biết tải ảnh hoa lên mừng chị em bạn nhân ngày 8/3, lướt trên mạng vô tình thấy bài thơ "Biết-Không biết" của tác giả Lê Thống Nhất, bèn cóp về mời chị em bạn đọc cho vui, không biết chị em có biết tình cảm giản dị này mà vui hay không !

Có thể bên cạnh em
Có một người đàn ông như thế
Không biết tặng em mỹ phẩm để em ưa
Không biết nói lời hay mà người khác dư thừa
Không biết chọn cả loại hoa đắt tiền mà người mua cũng rùng mình một chút

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Ngày Tết kể chuyện thật ngắn.

 Rất nhiều bạn bè trong chúng ta đã từng quen biết và có dịp làm việc với anh Nguyễn Hữu Động, một Việt kiều tại Pháp, người rất nhiệt huyết với đất nước từ thời Hiệp định Paris,được cố Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch tin dùng và có nhiều đóng góp cho việc hiểu biết về kinh tế thị trường trong những ngày đầu Việt Nam hội nhập. Anh cũng là Việt kiều đầu tiên được ta giới thiệu vào làm việc tại ESCAP theo quota của Việt Nam với chức Director. Từ khi về hưu, năm nào anh Động cũng cùng vợ cố gắng về Việt Nam một lần, thăm quê hương, gặp gỡ bạn bè chí cốt.
Anh Nguyễn Hữu Động hay viết, kể những chuyện ngắn, xúc tích mà giàu ý nghĩa. Nhân ngày Tết, được sự đồng ý của anh Nguyễn Hữu Động, Lều Văn xin giới thiệu với bạn bè mấy câu chuyện ngoại giao thật ngắn của anh Nguyễn Hữu Động.



Ngoại giao Mỹ :

 Năm ấy tôi đang làm việc tại Haiti. Một tối, ông đại sứ Mỹ mời cơm. Chung quanh bàn, ngoài hai vị chủ nhà, có hai dân biểu Mỹ và ông chỉ huy trưởng quân Mỹ, trước đã ở Sàigon. Ông đại sứ nâng cốc : “ Trước hết xin chào hai ngài dân biểu. Nhưng bữa tiệc hôm nay, cho tôi dành cho ông bạn Việt Nam của chúng ta. Ngày mai, tổng thống Clinton sẽ tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trước đây chúng ta đã là bạn. Ngày mai, đất nước chúng ta cũng sẽ là bạn. Xin chúc mừng tất cả.”

Ngoại giao Việt Nam :

 Ông bạn tôi làm tại phòng lãnh sự tại Washington cuối những năm 90. Một hôm phỏng vấn một người đến xin visa.

– Ông đã từng ở Việt Nam ?

– Dạ có và không. Số là tôi thuộc hạm đội 7. Trong nhiều tháng tôi bay vào Việt Nam để thả bom, nhưng chưa bao giờ vào đất liền.

– Vậy ông thả bom ở đâu và trong thời gian nào ?

– Chiến trường Quảng Trị, mùa Xuân năm 1972.
Nhà ngoại giao Việt Nam đứng dậy chìa tay :

– Lúc ấy tôi chiến đấu tại đấy. May cho ông và may cho tôi.
Ông Mỹ ra về với một visa miễn phí.



Dân tôi

Ở các chung cư thành phố New York, thường các từng hầm dành cho máy giặt và máy xấy. Một ngày chủ nhật, tôi gặp một bà hàng xóm. Biết tôi, bà hỏi : “ Bây giờ anh giúp tôi xin phái đoàn Việt Nam visa đi VN được không ? 

– Được thôi. Chị đi có việc gì không ?

– Ông chồng tôi lái máy bay và mất tích tại Miền Nam tháng 12 năm 1966. Cho đến nay, vẫn thuộc loại MIA. Tôi muốn đi tìm anh ấy.
 Mấy tháng sau, bà bấm chuông phòng tôi vừa nén cảm xúc vừa kể: “ Tôi đến cái làng gần chỗ trực thăng ông ta rơi nhất. Khi dân làng biết tôi đi tìm xác chồng, họ hỏi tôi đã lập gia đình lại chưa. Tôi bảo chưa. Họ bảo : Có nhiều đoàn đã đến đây thăm dò rồi, chúng tôi không chỉ. Bà là vợ hiền, đi với chúng tôi. Rồi họ dẫn tôi tới ngôi mộ. Họ còn nói ông ấy đến đánh chúng tôi thì chúng tôi đánh lại, nhưng chúng tôi trọng bà.


Ngày tết, kể chuyện phải có hậu. Tiếc rằng đây là câu chuyện thực : hài cốt mà dân làng chôn cất, qua thử nghiệm ADN, không phải là hài cốt ông chồng bà hàng xóm của tôi. Bà vẫn chưa tìm thấy chồng, nhưng bà đã gặp những người bạn. Những năm sau bà có về vài lần và khi về hưu, đã trích một phần quỹ tiết kiệm để xây một ngôi trường làng. Bây giờ cao tuổi, bà đi lại khó khăn, thì cô con gái tiếp tục đi thăm những người bạn của mẹ khi đi tìm hài cốt của bố.

                                                      Mê-hi-cô, 2/2015                                                    
                                                     Nguyễn Hữu Động