Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Nguyễn Cao Kỳ dưới góc nhìn của Giao Chỉ ở San Jose

Có một người bạn của Nguyễn Cao Kỳ, ký tên là Giao Chỉ, ở San Jose nước Mỹ, trong bài viết « Những người Sơn Tây”,(nguồn mạng) đã có những nhận xét khá thú vị về người hùng Sơn Tây-vị tướng dưới thời chính quyền Sài Gòn này.
Xin được trích dưới đây một số đoạn :
                    
          Thiếu Tá Ngọc của San Jose là người thân thiết với ông Kỳ từ ngày ở Hà Nội, rồi đến Saigon và ngay bây giờ tại Hoa Kỳ.
          Anh em ngồi bên cạnh Ngọc “Toét” và Hùng “Xùi” thì chuyện ông  Kỳ kể hàng năm không hết. Cùng với anh Kỳ, chúng tôi xuất thân là dân Càn khu Chả cá, Hà Nội. Ông Ngọc nói như thế. Bây giờ cuộc sống vô thường. Đời là một sân khấu. Ngọc Toét của tôi buông nhẹ câu triết lý.

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Con yêu bố, bố ạ

Bạn tôi là Vũ Quang Diệm vừa gửi cho tôi (và tất nhiên cho các ông bạn khác nữa) một cáo meo (mail), thấy thấm thía quá, rất nhà Phật. 
Thật là Phật pháp vô ngã !
Xin chép lại ra đây để mọi người cùng đọc. Xin phép ông Diệm chỉ chép cái  câu chuyện thôi, còn phần bình thì thôi, để ai muốn bình thế nào thì tùy.

Trong khi người cha đang đánh bóng chiếc xe mới, đứa bé cầm một hòn đá và vạch vạch lên thành xe. Trong cơn thịnh nộ, ông bố nắm chặt và đánh nhiều lần lên bàn tay con, quên mất rằng ông đang cầm chiếc mỏ lết.
 Đứa con phải cắt bỏ tất cả những ngón tay trong bệnh viện do bị giập nát nhiều lần. Khi nhìn thấy cha, cậu hỏi, ánh mắt đau đớn:
 - Bố ơi, khi nào ngón tay con sẽ mọc lại hả bố?
 Ý thức được mức độ hành động của mình, người cha không nói nên lời. Quay trở lại, ông đạp liên hồi vào chiếc xe vô tri vô giác. Chết đứng bởi chính điều mình đã làm, ông ngồi sụp xuống trước xe và trân trân nhìn những vết xước mà con ông đã viết ở đấy:

 "CON YÊU BỐ, BỐ Ạ!"

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

KHOẢNG CÁCH GIỮA QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI

 Truyện ngắn

Vào cuối tháng năm Na và Dung được cử về huyện Lạng Giang tỉnh Hà Bắc một tuần, gọi là đi thực tế và bổ sung số liệu cho đề tài nghiên cứu "Cải tiến bữa ăn của người nông dân". Như hai con chim sổ lồng, họ ríu rít đi lấy vé tàu ngược. Chỉ hơn một tiếng sau, hai cô đã xuống ga Vôi.

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Porchetta : món ngon nhớ lâu

Nhờ cái Lều văn này mà Thăng Sắc tôi đã có thêm những người bạn mới, một trong những người bạn mà tôi có may mắn được quen biết qua Lều văn là ông Nguyễn Dương Liên, Signore Nguyễn Dương Liên, Việt kiều tại Ý. Ông Dương Liên là một trong những người đọc Lều văn của tôi, và sau khi đọc bài Đại sứ Ngô Điền trong chuyên mục Chuyện kể của một Đại sứ thì ông đã viết thư cho tôi, cái duyên là để nói chuyện xưa kia phụ than ông đã là giáo sư dạy toán ở Huế, có dạy ông Ngô Điền.
Ông Dương Liên viết cho tôi bằng tiếng Việt, xa quê lâu thế mà còn viết được tiếng Việt như dưới đây thì thật đáng cảm phục lắm. Tôi bảo ông viết hay thế thì cho tôi đăng trên Lều văn mọi người cùng xem. Ông nhờ tôi sửa chữa nhưng tôi thấy cứ để nguyên như ông viết sẽ hay hơn.
Xin trân trọng giới thiệu :

“ Tôi tên là Nguyễn-Dương-Liên René, René là tên Công-giáo tôi đã nhận khi ra đời và là tên của một vị thánh bổn-mạng,nghĩa là một vị thánh phù-hộ suốt đời cho tôi. René xuất phát từ tiếng Latin có nghĩa là sự sống lại .Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn sống, đã được vào 68 mùa xuân vì tôi sanh ra ngày 15 tháng 3 năm 1943 tại Huế .

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Nhớ mãi một Bộ trưởng tài năng

Lang thang rong chơi trên mạng, Thăng Sắc tình cờ tìm được bài viết này của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thạch viết về cố Bộ trưởng NGUYỄN CƠ THẠCH, tuy viết đã lâu nhưng vẫn hay quá, xin phép đăng lại trên Lều Văn để mọi người cùng xem.

Bài học đầu tiên tôi học được của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch lại là cuộc họp báo cuối cùng của Ông. Vào một ngày tháng 7/1991, Tổng biên tập Tạp chí Quan hệ Quốc tế thông báo cho chúng tôi là có buổi họp báo của Bộ trưởng tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Những buổi họp báo như thế này, nếu chúng tôi có phải đưa tin thì cũng đã có "công thức", và có bài sẵn cả rồi. Nhưng tò mò, chúng tôi kéo nhau sang Bảo tàng để nghe. Năm tháng trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên hình ảnh điềm tĩnh, đầy tự tin và những câu trả lời chắc nịch của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Đặc biệt khi có một phóng viên nước ngoài hỏi Bộ trưởng về tình hình quan hệ Việt-Trung, cả hội trường rộ lên tiếng cười khi Bộ trưởng dùng hình ảnh một đôi tình nhân, "có ai biết là tay chân họ đang quờ quạng làm gì ở dưới bàn đâu”. Lúc đó, tôi cũng chỉ “cười theo” vì Bộ trưởng dùng hình ảnh rất đời thường. Sau này càng đọc, càng nghiên cứu tôi lại càng thấm thía hình ảnh ông dùng. Trong giai đoạn 1990-1991 có biết bao nhiêu hoạt động đã diễn ra trong quan hệ Việt - Trung mà "người ngoài" đâu có biết! 

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Một cái nhìn “trần trụi” về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

 Mới đây ngày 23/7/11 phóng viên Đất Việt online đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Ngọc Vương, ĐH Quốc gia Hà Nội, người đã nhiều năm nghiên cứu Trung Quốc, về quan hệ VN-TQ.
Xin giới thiệu lại dưới đây toàn văn bài phỏng vấn này.

PV: Ông đánh giá thế  nào về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, không chỉ là mối quan hệ ngoại giao hiện tại, mà là dưới góc độ lịch sử, văn hóa?



PGS.TS. Trần Ngọc Vương: Thực tế thì từ trước đến nay, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là một quan hệ rất phức tạp. Dù công khai hay không công khai thừa nhận thì đó là một thực tế không ai có thể che giấu được.

Cô lái xe xinh đẹp

Đọc truyện này của anh Nguyễn Hải Hoành dịch từ một truyện ngắn TQ khuyết danh thấy ta cũng có cái giống như trong truyện của nó, ngẫm ra thấy ta có nhiều cái giống nó. Vẫn biết giống cái tốt thì tốt, giống cái xấu thì xấu, bởi vậy Thăng Sắc xin đem đăng lại ở Lều văn để cùng ngẫm chung.

Ba tên cướp mang súng phục trên con đường núi buộc một chiếc xe ca chở khách dừng lại. Nhìn thấy cô lái xe xinh đẹp, chúng kéo cô xuống, xúm vào ôm ấp hôn hít quờ quạng.

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương XI

 NGOẠI GIAO VĂN HÓA TỪ ANH ĐẦU BẾP

Ở Việt Nam mình bây giờ mới nói nhiều đến ngoại giao văn hóa trong khi ở nhiều nước khác ngoại giao văn hóa đã được thúc đẩy từ hàng trăm năm rồi. Điều đáng mừng là Bộ Ngoại Giao ta đã coi ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột chính của Ngoại giao Việt Nam, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế.

Lý Quang Diệu: TQ là 'thách thức'

Theo BBC, thứ năm, 21 tháng 7, 2011

Ông Lý Quang Diệu, chính trị gia lớn nhất của Singapore, nói sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức ở Thái Bình Dương.
Trong bài viết trên tạp chí Forbes của Hoa Kỳ, ông Lý Quang Diệu cho rằng chính sự hiện diện của Hoa Kỳ ở tây Thái Bình Dương từ khi kết thúc Cuộc chiến Triều Tiên hồi năm 1953 tới khi kết thúc cuộc chiến Việt Nam hồi năm 1975 đã mang lại ổn định và an ninh trong khu vực.

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Hoàng Sa, Trường Sa: "Không ai có thể xuyên tạc lịch sử"

Chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng nay (21/7), nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nói, Trường Sa và Hoàng Sa đều có từ lâu, không ai có thể xuyên tạc lịch sử được.
 
Ông Cầm nói: Quan điểm của Việt Nam là luôn luôn giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình nhưng rõ ràng.
Mặt khác, các vấn đề phải được giải quyết dựa trên hai cơ sở. Một là luật pháp quốc tế, điều mà đã được cả thế giới thừa nhận. Thứ hai là Công ước quốc tế về luật Biển 1982 của Liên hợp quốc. Những quy định này thể hiện rất rõ chúng ta có quyền về hàng hải, đặc quyền kinh tế trên vùng biển của mình.
Ông Nguyễn Mạnh Cầm là khách mời tại phiên khai mạc Quốc hội. Ảnh: Lê Anh Dũng
Chúng ta phải làm rõ cho thế giới biết chủ quyền của chúng ta đã xác định từ lâu. Trường Sa và Hoàng Sa đều có từ lâu, không ai có thể xuyên tạc lịch sử được. Chúng ta phải làm cho không chỉ nhân dân trong nước ủng hộ mà thế giới cũng thấy rõ điều đó để ủng hộ lập trường của chúng ta. 
Tôi tin rằng lập trường nói trên của Việt Nam sẽ được ủng hộ. Dù người ta có gây vấn đề gì phức tạp cũng không thể xóa bỏ được thực tế này.

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Tặng bạn lúc chớm thu

Hè đi còn bỏ lại
Chút xanh trên lá bàng
Nắng hanh chưa hanh đủ
Để cho mùa thu sang.

Ở giữa đi và đến
Ta là người rong chơi

Liêu siêu trong kỷ niệm
Chợt gặp chiều mưa xưa
Tóc bạc mùa thay gió
Biết mấy thu cho vừa.

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Cái duyên ca trù

 Từ trái sang phải : Chị Nguyễn Thị Hồi, anh Vũ Đức Tâm và Giáo sư Tô NgọcThanh
Trước đây tôi cứ nghĩ là mình biết về ca trù, ai hỏi đến là bật ngay ra câu Hồng Hồng Tuyết Tuyết, mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi…!! Thế nhưng đến tối hôm qua, 18/7/2011, khi được gặp Giáo sư Tô Ngọc Thanh tại nhà anh Vũ Đức Tâm, nguyên Đại sứ-Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, và cũng tại đây được nghe Giáo phường Thăng Long trình diễn ca trù, thì té ra là mình chưa biết gì cả. Lúc này càng thấy khâm phục anh Tâm. Khẩu phục thì từ trước rồi nhưng có lúc tâm còn chưa phục hẳn. Bây giờ thì hoàn toàn, cứ tự hỏi không biết cái duyên nào đưa anh đến ca trù. Trách nhiệm thì không phải, nghỉ hưu rồi làm gì còn trách nhiệm ! Có một cái gì hơn thế, một cái gì thật đằm thắm bạn bè, thật đằm thắm một tình yêu dành cho môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam này. Trong khung cảnh thân mật tại nhà riêng, tôi thấy anh lại hiện nguyên hình là một nhà ngoại giao làm ngoại giao văn hóa, cũng vẫn y nguyên niềm đam mê như ngày còn làm văn hóa ở UNESCO.

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

“Cần có trái tim nóng và cái đầu lạnh”

Tác giả :  VŨ KHOAN
Nguồn  : Báo QĐND, thứ hai, 18/7/2011


Thế giới và khu vực bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI với biết bao phức tạp, rối ren. Sau những năm tháng tưởng như hưng thịnh vào đầu những năm 2000, tới cuối thập kỷ bỗng bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ và suy giảm kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất trong 80 năm; cho tới nay kinh tế thế giới vẫn chưa vựng dậy được, một loạt nước châu Âu tưởng như rất giầu sang bỗng đứng trước nguy cơ vỡ nợ, thậm chí nước giầu nhất thế giới là Mỹ cũng thành Chúa Chổm. Sau sự lụn bại đó, kinh tế thế giới đang trải qua một cuộc đại phẫu: từ cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tài chính-tiền tệ cho tới chính sách, cơ chế quản lý; sức mạnh các nền kinh tế và quan hệ kinh tế quốc tế đang được xếp sắp lại cả…. Về chính trị-an ninh, thế giới đang chứng kiến hai cuộc chiến tranh nóng kéo dài ở I-rắc và Ap-gha-nhit-xtan, sự xáo động xã hội dữ dội ở Trung Đông, Bắc Phi, không ít cuộc khủng bố, xung đột, căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ và tài nguyên, kể cả trên Biển Đông; sức mạnh các quốc gia và bàn cờ quốc tế đang chuyển dịch mạnh.

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Chú Tư, con là ai - Chương 9


  Chú Tư  thôi đi thả câu, quay qua làm chà. Ông Mười biểu chú :
          - Nếu chụm trong mé thì một đống chà cũng hai ba trăm nhánh, nếu đem ra ngoài đánh cá linh thì mỗi đống phải ngàn nhánh, làm ba đống thì phải chặt được ba ngàn nhánh me nước mới đủ.
Chú bơi xuồng đi khắp các bãi đìa, chặt cây me nước, không đủ chú vô xóm mua thêm. Chú chở ra sông gom vô đống giắt ủ, vài hôm sau rút ra giũ cho rụng lá. Cây me nước đầy gai, chú Tư rút từng nhánh một, lấy dao tẩy gai, chỉ tẩy chỗ tay cầm rồi giắt thành lớp. Mỗi chiều đi về tôi thấy hai tay chú trầy xước rướm máu, màu da  tay tái lợt. Khi đã gom đủ, ông Mười chỉ chú cách bỏ chà trong mé. Chú Tư  học mau lắm, tôi phụ chú, cứ vài ba hôm hai chú cháu tôi lại bao lưới chụp chà một lần, được phần nhiều là cá lăng cá leo. Nhưng cũng chẳng được bao nhiêu.
Mưa thưa dần. Những cơn mưa cuối của mùa mưa chuyển từ đêm qua sáng sớm. Nước trong đồng đã rút gần hết, khí trời khô và nóng.  Nước sông đục ngầu cuồn cuộn đổ, băng băng cuốn theo cỏ rác, cành cây và vô số những khúc gỗ khô. Xóm chài của chúng tôi cũng đã chuyển từ trong kinh ra mé sông. Mọi người nhộn nhịp chuẩn bị đón ngày chụp cá linh. Chú Tư vần công với ông Mười và ông Năm dời chà ra gần giữa sông. Đứng trên mũi ghe, ông Năm kêu sang chú Tư đang cầm lái :
- Coi chừng xa quá nghe Tư, cứ sâu khoảng năm bảy mét nước là được rồi đó.
- Sao biết được chú Năm. Tôi lặn xuống coi ha ?

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Chữ “nguyên"

Vào một sáng chủ nhật đẹp trời, tôi và anh Đức Hùng, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Chánh văn phòng Bộ, nguyên Đại sứ tại Singapore và Canada đến thăm anh Nguyễn Đình Bin, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực  Bộ Ngọai giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nicaragua và Pháp.

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Đại gia computer và những mối tình đẹp.

Nguồn : Hien Le <hien.le70@yahoo.com

Hai từ "đại gia" thường hay bị đóng mác bởi những vụ bê bối tiền và tình. Nhưng trên thực tế, vẫn có những ông chủ sở hữu số tài sản khổng lồ nhất nhì thế giới sống rất chung thủy với mối tình giản dị, chân thật đến bất ngờ.

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Câu Trả Lời Thú Vị

Câu chuyện này do anh Cung Nhật Thành lược dịch nhưng không rõ nguồn nên chỉ để tham khảo, tuy nhiên thấy hay nên cứ chép ra đây để mọi người xem chơi.
Cũng có thể ngẫm ra khối chuyện.


Trong buổi họp với các nhà lãnh đạo Âu Châu đầu thập niên sáu mươi, để thoả hiệp sống trung lập với các nước cộng sản Đông Âu, Tổng Thống Pháp Charles DeGaule quyết định rút nước Pháp ra khỏi khối chống Cộng là Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Charles DeGaule nói với Ngoại Trưởng Dean Rusk của Tổng Thống J.F. Kennedy, là ông muốn Quân Đội Hoa Kỳ rút ra khỏi nước Pháp nhanh chừng nào tốt chừng ấy….
Ngoại Trưởng Dean Rusk trả lời ngay :
“Thưa Tổng Thống, lệnh này bao gồm luôn cả các quân nhân Hoa Kỳ chôn tại đây? (vì tử trận để giải phóng nước Pháp khi chiến đấu với Đức Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ Hai..)
Tổng thống Charles DeGaule không trả lời nổi. Yên lặng như  tờ. Yên lặng đến nỗi có thể nghe được chiếc kim rơi….

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Ông Hà Văn Lâu và ông Lê Danh kể về Hội nghị Geneve 1954

Xin giới thiệu lại dưới đây nội dung cuộc giao lưu trực tuyến với ông Hà Văn Lâu và ông Lê Danh do VOVNEWS tổ chức chiều 15/7/06.


* Cháu nghe nói tại Hội nghị Geneva, Ngoại trưởng Mỹ Dulles từ chối bắt tay Chu Ân Lai, điều đó có thật không? Bác đánh giá như thế nào về hành động này? Còn thái độ của Mỹ, Pháp với phái đoàn của ta lúc ấy thì sao? Các bác đã có đối sách gì trước những thái độ ấy? (Phạm Quang Hiệp - sinh viên K43, khoa Luật Kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) 

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

13 bí mật của "Cuốn Theo Chiều Gió"





Theo thaiha259@gmail.com


Ngay cả chuyện vai nam chính trốn diễn 2 ngày để ... lấy vợ và chơi khăm vai nữ chính bằng cách ... ăn hành trước mỗi khi diễn cảnh tình tứ cũng lần đầu tiên được công bố.

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương X

NÊN THẾ NÀO KHI GIAO TIẾP.


Chúng ta đều biết rằng cách thức giao tiếp thể hiện sự lịch lãm và vốn sống của mỗi con người, đặc tính riêng biệt của mỗi tầng lớp xã hội và chung cả là bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Giao tiếp trước hết phải thể hiện được sự tôn trọng cuộc sống xã hội và cuộc sống nội tâm của người khác, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo và đảng phái, cũng phải có lối cư xử thật sự giản dị, tự nhiên và chân thành đối với người khác. Văn hóa giao tiếp trong ngoại giao về căn bản cũng giống như văn hóa giao tiếp chung. Tuy nhiên, do tính chất riêng biệt của nghề nghiệp, giao tiếp ngoại giao còn có một số những quy tắc lễ tân riêng.

Đã có nhiều tài liệu nói về văn hóa giao tiếp. Ở đây tôi chỉ xin kể ra một số chuyện đã gặp để tham khảo và cùng rút kinh nghiệm cho những hoạt động giao tiếp lễ tân của từng người.

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Canh bánh đa

Truyện ngắn


Vào một sáng sớm mùa thu, khi mà sương mờ còn buông trắng mặt nước phà Rừng, có một người khách tách khỏi đám đông vừa sang ngang để đi về phía đê vắng vẻ. Người này đi chậm rãi, vừa đi vừa hít thở sâu, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn dòng sông nước bạc, ý như muốn lượng xem cái khoảng cách giữa hai bờ. Nhìn từ xa thì người này có dáng trẻ trung, đến gần mới hay đó là một cụ già có chòm râu bạc lơ phơ trước gió. Ngoài cái kính mắt tròn giống như cái kính của ông đồ ngồi vẽ chữ trong tranh ngày tết, mọi cái còn lại trên người cụ đều rất tây. Cụ thong thả đi tới một cái quán trên mặt đê thì dừng lại.

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Nghỉ việc nhưng không nghỉ làm

Anh Trần Tam Giáp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao
Gọi bằng anh cho nó trẻ, cho nó vui, chứ kỳ thật thì anh đã có 77 cái mùa xuân rồi, đã dư đủ để gọi bằng cụ rồi, những người mới về hưu, nhận thẻ tham gia Câu lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao còn được gọi bằng « cụ » nữa là !

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Sứ thần Việt - Hoa khi xưa giao tiếp bằng cách nào?

  Nguồn :   SGGP, 18/10/2006.
  Tác giả : LÊ ANH MINH

Hỏi : Ngày xưa, cha ông ta học chữ Nho, tức là chỉ học nghĩa Hán-Việt của những từ Hán, chứ không học cách phát âm của người Trung Quốc (nói theo cách học ngoại ngữ ngày nay, là đọc sách được chứ không nói được). Vậy, tại sao lại có chuyện những trạng nguyên, sứ thần…của ta sang Trung Quốc có thể đối đáp, ứng đối tài tình với vua, quan Trung Quốc?
(Câu hỏi của độc giả Trần Lương Dân)

Đáp:
Ngày xưa quả thật tổ tiên ta chủ yếu học chữ Nho và đọc theo âm Hán-Việt. Giỏi Nho như Phan Bội Châu (1867-1940) mà khi gặp nhà cách mạng Trung Hoa là Lương Khải Siêu (1873-1929) vẫn phải dùng cách bút đàm (viết chữ Hán) thay cho lời nói. Việc đối đáp trực tiếp giữa sứ thần hai nước Việt-Hoa mang nhiều tính chất văn chương chỉ nên xem là giai thoại chứ không phải tín sử vì phần nhiều được thêm thắt theo sự truyền khẩu trong dân gian, có lắm tích truyện lại trùng lắp với những ghi chép trong sách vở Trung Hoa.

Tài ứng đối của Đại sứ Mạc Đĩnh Chi.

Gọi Ngài là Đại sứ là theo cách gọi bây giờ, theo cách xưa thì phải gọi là Sứ thần. Mạc Đĩnh Chi nguyên là một văn nhân, đỗ trạng nguyên dưới thời vua Trần Anh Tông, từng làm tới chức quan Thượng thư. Đặc biệt ông đã hai lần được vua Trần Anh Tông cử đi sứ Trung quốc.
Theo sử sách thì Sứ thần Mạc Đĩnh Chi là người có tài ứng đối, đã dùng tài năng và trí thông minh của mình khiến cho người nhà Nguyên phải khâm phục. Chuyện ứng đối của ông thì nhiều, chỉ xin giới thiệu một chuyện dưới đây mà theo ông Nguyễn Tiến Thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Lễ tân thì Bác Hồ đã kể trong Hội nghị Ngoại giao năm 1956 (Nguyễn Tiến Thông, Một số vấn đề về giao tiếp, NXB Chính trị Quốc gia, 2000, trang11) :

Một lần Mạc Đĩnh Chi đến thăm phủ Thừa tướng nhà Nguyên. Trong phủ trang hoàng lộng lẫy, giữa phòng có treo một bức trướng to hình con chim sẻ đậu trên cành trúc trông rất thật. Mạc Đĩnh Chi ngỡ là chim sẻ thật đậu ngoài cửa sổ nên chạy đến chụp thì mới vỡ lẽ đó chỉ là bức hoạ. Thừa tướng và các quan quân nhà Nguyên đều phá lên cười và có ý châm chọc. Mạc Đĩnh Chi vội lấy bức họa xuống và xé toạc thành nhiều mảnh. Mọi người đều kinh ngạc. Bấy giờ ông mới nghiêm mặt giải thích:
Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân.

Nghe Sứ thần nước Nam nói thế thì quan quân nhà Nguyên đều hết sức khâm phục.

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Chú Tư, con là ai

Chương 8

Thấy tôi buồn quá cho nên đến ngày tết Chum Bân là ngày cúng vong của người Campuchia , con Gấm rủ tôi bơi xuồng vô xóm  lễ chùa. Khi bơi trên đìa, chúng tôi hái rất nhiều bông sen và bông súng để làm hoa lễ. Tôi rất thích những bông súng trắng tinh thiệt đẹp, thiệt tinh khiết, màu trắng hiền hòa không gợi lên bất kể một chút ưu phiền nào. Gấm khéo léo bó lại thành từng bó ba bông, trên mặt nước, chung quanh mình và cả trên đầu trên tóc chúng tôi nữa cứ luôn thoang thoảng mùi thơm hoa sen. Cập xuồng xong chúng tôi ôm bông nhảy lên bờ. Từ xóm nhìn ra xung quanh là nước trắng mênh mông, lúc này là vừa đúng cuối mùa nước nổi. Người Campuchia đi chùa rất đông. Họ bỏ cơm và đồ ăn vô cặp lồng nhôm trắng mang theo lên chùa cúng vong những người trong nhà họ.  Hàng năm tới tết Chum Bân  mà không cúng cơm thì vong hồn những người thân sẽ phải chịu đói khổ mà đi lang thang, sẽ oán giận những người sống, làm cho họ không gặp được may mắn. Vì thế, người ta đi cúng ở rất nhiều chùa để cho vong không vô được chùa này thì vô chùa khác, vô đâu cũng có cơm ăn nước uống.  Lúc con Gấm rủ, tôi đã  muốn làm một cặp lồng cơm để cúng cho ba tôi và anh tôi nhưng cứ thấy băn khoăn không yên, biết đâu họ còn sống ở đâu đó thì sao, tôi vẫn nghĩ họ còn sống và một lúc nào đó họ sẽ trở về, nghĩ như vậy thấy họ ấm áp gần gụi hơn chớ nghĩ họ chết rồi thấy lạnh lùng xa cách quá chừng.

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi: Một đời gió bụi thủy chung

Tác giả :  Khánh Linh (CAND, tháng Hai 2011).

Ông là người quá nổi tiếng trong ngành ngoại giao, và có thể nói không quá rằng, ông là một pho từ điển sống của ngành ngoại giao nước nhà, có mặt trong hầu hết những sự kiện lớn của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của đất nước.


Đã lâu lắm rồi tôi mới trở lại căn gác nhỏ ở Trần Hưng Đạo thăm ông. Mọi lần ấn chuông và dù phải chờ một lúc lâu, nhưng lần nào cũng thấy ông chầm chậm ra mở cửa đón khách. Nhưng lần này, là một chị giúp việc. Tôi thoáng chút giật mình.

Một tấm gương

Viết tiểu thuyết ở tuổi 79
Tác giả   :    Hoàng Lan Anh

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nói viết văn là một cuộc vật lộn khổ ải, vậy nên sau bao nhiêu năm vất vả vì mưu sinh, ông dồn nén hết sức cho văn chương bởi ông biết cơ duyên của mình ở đó

Nổi danh với hai cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly (Giải Mai Vàng 2001), Mẫu thượng ngàn, ở tuổi 79, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tiếp tục cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đồ sộ Đội gạo lên chùa, gây xôn xao làng văn.