Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

TÌNH YÊU (Ghi chép)

            Có nhiều người thích đi quanh hồ Tây vào sáng sớm. Họ đạp xe hoặc đi bộ để tập thể dục. Riêng tôi lại khác, tôi dậy sớm, thậm chí là sớm hơn cánh tập thể dục rất nhiều, từ khi con đường ven hồ còn vắng ngắt, mặt hồ còn mờ đục trong sương mù bảng lảng, khi ấy tôi còn nghe tiếng sóng vỗ vào bờ đá rõ đến mức không bị lẫn vào những giai điệu ầm ì của Hà Nội về đêm. Sở dĩ như vậy là vì tôi muốn đi tìm một điều gì kỳ diệu, một điều kỳ diệu chỉ có thể bắt gặp ở ven hồ lúc sáng sớm tinh khiết và trong vắt, tôi vẫn tin như thế. Và quả đúng như vậy.

          Cách đây không lâu tôi đã để ý đến một bóng người cũng đi ven hồ vào sáng sớm và thường dừng lại trước một công trình đang xây dựng dở ở phố Trích Sài. Cái bóng người ấy đi trong sương mù lúc tỏ lúc mờ khiến tôi nghĩ đến những bóng người bí ẩn trong truyện Sê-lốc Hôm. Lúc đầu tôi đã giữ cho khoảng cách không quá xa cũng không thật gần nhưng dần dần vì cái bóng mờ ấy gây cho tôi quá nhiều tò mò nên tôi đã đến làm quen :

          - Chào ông ! Ông ra hồ sớm thế ! Đã lạnh rồi ông nhỉ .

          Cái bóng mờ quay nhìn tôi, tôi nhận rõ đấy là một người đàn ông chạc tuổi hưu trí, điếu thuốc trên miệng ông đang cháy đỏ.

          Sau một hơi thuốc dài người đàn ông mới thong thả :

          - Sang thu rồi. Sao ông cũng ra hồ sớm thế ?

          Giọng ông nghe hơi khàn, nó là giọng của người nghiện thuốc nhưng nghe rõ và ấm tiếng. Tôi thận trọng :

          - Cho tôi ngồi ghế này cùng với ông nhé.

          - Cứ tự nhiên-Người đàn ông nói và xích sang bên.

          Tôi ngồi xuống bắt chuyện. Có thể do cái duyên gặp nhau vào lúc sáng sớm, có thể do một người thì tò mò còn một người thì có nhiều tâm sự chất chứa, lại cũng có thể vì chút đồng điệu của hai người cùng lứa tuổi mà bỗng chốc chúng tôi  trở nên gần gũi và câu chuyện cũng thành cởi mở, càng nghe tôi càng bị cuốn hút.

          - Để ý từ nhiều sáng nay tôi thấy ông toàn ngồi ở chiếc ghế này.

          - Đúng. Là vì ngồi đây thì có thể nhìn vào nhà tôi. Là nói nhà tôi khi chưa chuyển nhượng chứ còn bây giờ người ta đã phá đi và đang xây lên cái nhà mấy tầng kia, ông thấy không. Lúc trước nhà tôi có cả một cái ban công nhìn ra hồ, ở đấy vợ tôi treo một cái mành tre chắn gió và hai cái lồng chim. Ông có nghe thấy không, gió sớm đang thổi vào làm chiếc mành tre va đập kêu lách tách đấy.

          Tôi ngạc nhiên giương mắt nhìn, chỉ thấy tòa nhà đang xây dở và mấy chiếc bóng đèn bảo vệ gió thổi lúc lắc. Tôi im lặng nghe một tiếng thở dài.

          - Ông không thấy được đâu. Còn tôi thì thấy rõ lắm. Hai cái lồng chim đều mở cửa kia kìa, ông có biết vì sao không ? Là bởi vì khi vợ tôi mất, tôi đã thả cho những con chim bay ra. Bạn tôi bảo cứ mở cửa lồng thì có lúc lũ chim sẽ bay về. Tôi tin điều đó cũng đúng với người nên đã mở cửa nhà cho vợ tôi có thể quay lại. Đến khi người ta phá cái nhà cũ đi thì tôi chỉ còn cách ngồi đây đợi cô ây, biết đâu có lúc cô ấy sẽ bước ra từ đám sương mù mặt hồ phía sau tôi, lúc ấy mà không thấy ngôi nhà cũ, không thấy tôi thì cô ấy sẽ bơ vơ biết nhường nào.

          Tôi chợt gai người rùng mình và tôi biết đó không phải do gió lạnh lúc sáng sớm. Ông bạn bên cạnh tôi lặng lẽ lấy thuốc ra hút, tôi cứ để mặc cho khói thuốc lan tỏa và tan biến vào làn sương trắng đục ngay trước mặt mình. Tôi nói :

          - Xin lỗi ông, tôi không biết bà nhà đã mất.

          - Ồ, không sao đâu. Có người trò chuyện vào lúc này ở ngay đây tôi thấy tâm trạng mình thật tốt. Để tôi lại kể ông nghe, thôi thì cũng là một cách san vợi bớt nỗi ân hận trong lòng tôi với cô ấy. Khi đã chuyển đến nơi ở mới, đã ba lần cô ấy bảo tôi đưa về nhà cũ, lúc ấy vẫn còn những chiếc lồng chim treo trên ban công và cây khế ngọt ở trước cổng. Thế mà cả ba lần, không hiểu sao đều nhỡ, lần thì do mưa bão, lần thì không gọi được xe, lần thì tại tôi bận bịu một chuyện vớ vẩn nào đấy. Giá như bây giờ tôi có thể đưa cô ấy về, chỉ cần ngồi đây với tôi thì cô ấy cũng nghe được tiếng gió thổi vào chiếc mành tre lách tách quen thuộc.

          Ông bạn cạnh tôi lại thở dài, tiếng thở dài não nuột tới mức làm xao động cả mặt hồ. Phải đợi một lúc sau tôi mới dám cất tiếng :

          - Xin lỗi lại hỏi ông, ông tên là gì để mình tiện trò chuyện ?

          - Tôi là Hoàng Hải.

          Tôi chợt nhớ ngay Hoàng Hải là cái níc-nêm trên phây-búc mà tôi thường theo dõi, ở đấy phây-búc-cơ có đăng nhiều bức tranh nghệ thuật do chính mình vẽ. Tôi đã rất thích những bức tranh này vì những gam màu hầu như bao giờ cũng gợi cho người xem một nỗi nhớ man mác. Thỉnh thoảng tôi còn gặp ở đấy những bức tranh dang dở, giống như nỗi ân hận của một lời hẹn chưa thành.

 Tôi vui thích nói :

          - Thật là một sự trùng hợp đầy thú vị. Tôi thường theo dõi phây-búc của ông, không ngờ lại có cái duyên được gặp họa sĩ sáng sớm nay.

          Đúng là lúc ấy vẫn còn sớm lắm, chúng tôi ngồi trong màn sương mờ và thỉnh thoảng lại nghe tiếng sóng hồ Tây róc rách phía sau. Điếu thuốc lại đỏ lên trên miệng ông Hoàng Hải rồi ông thong thả nói :

          - Tôi tự học vẽ từ khi vợ tôi ốm, cần có người chăm sóc. Tôi đã xin nghỉ việc một thời gian, nâng giấc, thuốc thang cho cô ấy ngày cũng như đêm. Những lúc cô ấy ngủ yên tôi đã chọn bút và màu vẽ. Bức tranh đầu tiên tôi hoàn thành mang tựa đề “Chiếc lá cuối cùng” lấy từ tên truyện của tác giả O. Hăng-ry, như thế chỉ là muốn đem đến cho cô ấy tinh thần lạc quan và niềm hy vọng chiến thắng bệnh tật. Thật kỳ diệu là khi tôi vẽ xong bức tranh thì cô ấy bình phục khá tốt, do đấy tôi lại có thêm nguồn cảm hứng. Một lần nhìn tôi cặm cụi vẽ cô ấy đã nói, thật thà mà giống như nhận xét của một nhà phê bình : “Với anh hội họa là tất cả”. Tôi cũng không ngờ là lúc ấy tôi đã đáp lại rất nhanh và rất chân tình : “Anh có vẽ cũng là chỉ vẽ cho riêng em”. Đúng thế thật. Từ lúc ấy cho tới bây giờ đối với tôi quả thật hội họa là tất cả, những bức tranh có thể nói thay mình biết bao nhiêu điều và trong những bức tranh tôi vẽ bao giờ cũng mang hơi hướng cô ấy, người vợ thân yêu của tôi.

          Tôi lặng người nghe ông Hoàng Hải kể, trong lòng dâng trào một niềm cảm xúc mãnh liệt về tình yêu, một tình yêu vừa thật lại vừa mộng. Thật như ông Hoàng Hải ngồi đây, ngay cạnh tôi, tôi có thể đụng chạm vào chiếc áo chắn gió màu xanh ông đang mặc, nhìn rõ mái tóc ông thưa thớt nhưng lòa xòa ngang gáy, điếu thuốc lúc nào cũng cháy đỏ trên môi ông có thể làm bỏng tay. Mộng như người thiếu phụ bước ra từ trong lớp sương mù hồ Tây lãng đãng, người thiếu phụ hàng sáng ông ngồi đây chờ đợi, nhẹ nhàng đến bên ông, vâng, nhẹ nhàng và rực rỡ như một thứ ánh sáng tràn đầy hạnh phúc ông Hoàng Hải cảm nhận nhưng không thể nào với tới được. Tôi không biết ông Hoàng Hải sẽ ngồi chờ người vợ của mình ở đây đến bao giờ và bao nhiêu lần nữa nhưng tôi thấu hiểu thế nào là tình yêu. Lúc này trên con đường trước mặt đã lác đác người đi bộ và sau lưng chúng tôi mặt trời đã hừng sáng phía bên kia hồ.

 

                                                                        Hà Nội, 30/8/2021

         

         

 

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

CHUYỆN NGOẠI GIAO THÚ VỊ 4 : ĐẠI SỨ CHÍNH TRỊ VÀ ĐẠI SỨ CHUYÊN NGHIỆP

          Theo hãng tin BBC 6/1/2017 thì có hai loại đại sứ : đại sứ chính trị và đại sứ chuyên nghiệp. Hãng tin này viết : “Nhiều chính trị gia làm đại sứ là những người đóng góp tài chính nhiều cho chính quyền và được bổ nhiệm vì có quan hệ gần gũi với tổng thống. Họ thường làm việc đến hết nhiệm kỳ tổng thống, còn các vị đại sứ là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp thì làm việc theo nhiệm kỳ của ngành ngoại giao.

          Theo cách phân chia này thì ở một số nước phương Tây, Tổng thống mới được bầu thường triệu hồi các đại sứ chính trị dưới thời tổng thống cũ. Ví dụ như ở Mỹ, “Nhóm chuyển giao của Tổng thống Tân cử Hoa Kỳ Donald Trump đã có lệnh chung yêu cầu các chính trị gia được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm đại sứ phải rời nhiệm sở của họ trước ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức”.

          Cũng theo hãng tin này thì lệnh triệu hồi cứng rắn của chính quyền Trump là không có ngoại lệ. Nó đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều đại sứ chính trị được bổ nhiệm dưới thời Obama. “Nhiều người đang chật vật thu xếp việc gia đình và xin visa ở lại các nước họ đang làm việc để con cái họ được tiếp tục học hết năm học. Đêm hôm thứ Tư, ông Obama tổ chức tiệc chia tay cho các đại sứ là chính trị gia được bổ nhiệm tại Nhà Trắng. Theo những người có mặt tại buổi tiệc, các vị đại sứ được ông Obama chia buồn và họ so sánh cách đối phó với tình hình này ra sao. Một số vị tỏ ra bất mãn vì bà Melania, vợ ông Trump đã chọn cách ở lại New York để cậu con trai Barron lên 10 tuổi của họ không phải chuyển trường giữa năm học. Vậy mà ông Trump lại không cho phép các đại sứ được gia hạn vì lý do tương tự.

          Đối với các đại sứ chuyên nghiệp thì sao ? Họ không là đối tượng của lệnh triệu hồi này, ví dụ như Đại sứ Mỹ ở Việt Nam lúc ấy là ông Ted Osius. Vị Đại sứ này cho biết trên Facebook Messenger : “Yêu cầu của chính quyền tương lai dành cho các đại sứ được bổ nhiệm chính trị. Là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, tôi không nằm trong diện bị yêu cầu từ chức. Tôi sẽ tiếp tục hoàn tất nhiệm kỳ đại sứ của mình ở Việt Nam”.

 

Nhời bàn :

          Chỉ ở Mỹ mới cần phân chia thế thôi, ở ta Đại sứ nào cũng đều là Đại sứ chính trị nhưng có người cũng không hẳn là Đại sứ chuyên môn.

 

 

 

 

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

LỚP PHIÊN DỊCH 1 NGOẠI GIAO


 

HƯƠNG NGÂU NGÀY 28 THÁNG 8

Thời ấy ai từng làm ở Bộ Ngoại Giao

Có nhớ hai khóm ngâu ngay trước cổng ra vào

Nhớ mùi hương ngâu đã từng bắt gặp

Bất chợt một lần tưởng chẳng giữ được lâu

 

Ôi hoa ngâu, hoa ngâu

Và mùa thu 28 tháng 8

Em là gì mà luôn vẫy gọi

Em là gì mà thơm suốt đời tôi.

Mà mỗi cữ thu sang lại nhắc lòng ngoảnh lại

Hai khóm ngâu ngày ấy đâu rồi.

 

 

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

CHUYỆN THẰNG THẢN (Truyện ngắn)

 

Thản là bạn thân của tôi. Chúng tôi học và chơi với nhau suốt những năm cấp II, đến năm lớp 8 đầu cấp III lại ở cùng lớp ngồi cùng bàn. (Thời chúng tôi chương trình phổ thông chỉ đến lớp 10). Nó sáng dạ hơn tôi nhiều, kèm tôi học môn văn, luôn nói muốn thi vào trường nào mà về sau sẽ được đi nước này nước kia.  

Một sáng thứ ba có tiết văn của cô giáo chủ nhiệm tôi thấy Thản đến muộn. Nó hớt hải chạy vào lớp, vội vã quăng cặp sách xuống ghế rồi cứ thế ngồi đè lên, cái cặp sách đội nó cao hơn tôi hẳn một đầu người. Điều đó khiến cô giáo để ý. Cô bỏ viên phấn đang cầm trên tay xuống bàn, thong thả đi tới đứng ngay cạnh tôi, hỏi Thản :

- Tại sao em lại ngồi lên cặp sách ?

- Em đến muộn.

- Đến muộn thì sao lại ngồi lên cặp sách ?

Thản không trả lời. Cô lại hỏi :

- Trong cặp có cái gì ?

- Dạ, không có gì.

Cô giáo nghiêm khắc ra lệnh :

- Em đứng lên, bỏ những thứ trong cặp ra cho tôi xem.

Thản tự tin đứng lên, lần lượt lôi sách, vở, bút, com-pa...đặt lên bàn. Không có gì đặc biệt nên cô giáo bảo :

- Em cất lại vào cặp, ngồi tử tế tập trung nghe giảng.

Khi cô giáo vừa định bước đi thì thằng Thản luýnh quýnh để rơi quyển sách địa lý, một lá cờ đỏ sao vàng kẹp trong sách bật tung ra. Lúc ấy tôi thấy mặt cô giáo bỗng đỏ lựng lên mà mãi sau này tôi mới biết đó là hiện tượng tăng huyết áp đột ngột. Cô cúi nhặt lá cờ giấy chỉ to bằng bàn tay giơ lên, không giấu được vẻ hoảng hốt trên nét mặt. Cô quay sang Thản, nhìn nó như một quái vật nguy hiểm khiến tôi cũng sợ run. Bất thình lình cô kéo áo thằng Thản, tay kia vẫn cầm lá cờ, nói như lạc giọng nhưng cả lớp vẫn nghe rõ :

- Đi theo tôi lên ban giám hiệu.

Ngay cuối buổi sáng hôm đó Thản bị đuổi học vì đã ngồi đè lên lá cờ. Nó không dám về nhà, cứ đứng vẩn vơ trước cổng trường. Lúc tôi đi ra đã muốn kéo nó theo nhưng nó lảng tránh, chắc sợ làm tôi liên lụy. Mà tôi cũng sợ thế thật nên cứ lầm lũi cúi mặt bước đi.

Buổi tối nó lẻn đến nhà tôi. Tôi lấy cơm nguội chan nước dưa cho nó ăn. Tôi hỏi :

- Mày lấy cờ ở đâu ra ?

- Cắt ở họa báo.

- Để làm gì ?

- Tao sưu tầm cờ các nước.

- Thế sao lại ngồi lên ?

- Có ngồi lên đâu. Tao kẹp nó trong quyển địa lý, vào học muộn vô ý ngồi lên cái cặp, thế thôi.

- Sao mày không nói với thày hiệu trưởng ?

- Ông ấy có hỏi gì tao đâu, chỉ bảo tội tao to lắm.

- Thế giờ làm thế nào ?

- Tao không biết.

Giữa tối bố Thản đến tìm, tay cầm sẵn một cái phất trần. Vừa trông thấy nó ông đã vụt tới tấp. Thản nhảy tưng tưng tránh đòn, vớ lấy cái nắp thùng gạo làm khiên mộc che đỡ. Tôi đứng sang một góc nhìn cảnh bố xuống đòn con chống đỡ mà vừa buồn cười vừa sợ. Thằng Thản lùi dần đến cửa sổ, thấy có lối thoát bèn nhảy vút qua biến vào bóng tối.

Vào buổi trưa hai ngày sau Thản quay lại tìm tôi. Tôi cho nó mấy cái bánh khoai. Nó bảo :

- Chẳng ai tin tao. Chẳng ai thèm nghe tao.

          Lặng đi một lát rồi nói :

- Tao chỉ có mày là bạn. Tình bạn chúng mình mãi không phai mờ nhé.

Lại hỏi :

- Mày có tin tao không, tao muốn ngoan mà không được.

Nói rồi bỏ đi. Chiều hôm ấy tôi đã khóc thương nó.

Hàng chục năm sau tôi vẫn nhớ về Thản nhưng không gặp, không biết nó làm gì ở đâu, mỗi khi nhớ nó tôi đều nghĩ cái ước mơ được đi nước này nước kia của Thản chắc không thành. Một hôm tôi mang xe đi rửa, rửa xong đem tiền trả cho ông chủ thì trời ơi, ông chủ chính là thằng Thản. Năm tháng đã biến đổi chúng tôi thành những người béo tốt đẫy đà nhưng vẫn nhận ngay ra nhau. Thản bảo :

- Tao bôn ba kiếm ăn khắp nơi, ăn của thiên hạ không thiếu thứ gì mà làm sao chỉ nhớ mỗi bát cơm nguội chan nước dưa của mày.

Hôm ấy tôi rửa xe mất hai mươi phút nhưng ngồi hàn huyên với Thản mất hai tiếng đồng hồ. Lúc đứng lên ra về Thản bảo :

- Tao muốn tặng mày một món quà.

- Quà gì ?

- Tặng mày một cái tên thôi. Nếu có đứa nào gây gổ thì mày chỉ cần hỏi có biết Thản béo không là tự chúng nó phải biến hết.

Dữ dằn thế mà một hôm Thản phải đến tìm tôi nhờ dàn hòa với vợ. Tôi hỏi :

- Cãi nhau à ?

- Ghen. Bổn phận theo luật giang hồ thì phải nuôi vợ con đứa bị chết. Vậy mà nó ghen.

Thế là tôi biết Thản đã trở thành dân anh chị có số má. Câu chuyện lá cờ ngày nào bây giờ nhìn lại thật chẳng đáng để làm thay đổi cả một cuộc đời. Nếu ngày ấy thằng Thản được nói, nếu người ta đã nghe nó như nghe một con người thì chuyện của nó đã có thể khác. Có lần tôi hỏi Thản :

- Mày còn sưu tập cờ các nước nữa không ?

- Đầy trên mạng, việc gì phải sưu tập. Với lại hết hứng rồi !

 

                                                   Hà Nội, 11/8/2021