Phi-líp Mơ-nuy là giáo viên dạy tiếng Pháp tại Trung tâm Văn hóa Pháp trên phố Tràng Tiền, Hà Nội. Vào một chiều tháng chín, sau khi hoàn tất giáo án cho một lớp học mới, anh mở cửa bước ra ngoài phố thì chút nữa đụng phải một ông già đang đứng đọc bản thông báo tuyển sinh bằng tiếng Pháp mà anh vừa dán lên buổi sáng. Chiếc mũ phớt màu xám cầm trên tay, chiếc kính lão hơi nặng trễ xuống mũi, ông già dướn mắt đọc, chăm chú tới mức không nhận thấy người thày giáo tiếng Pháp đang nhìn mình với đầy vẻ lạ lùng. Quả thật Phi-líp Mơ-nuy rất ngạc nhiên, đã từ lâu trên con phố đông đúc người qua lại này, những người dừng lại đọc tin trước cửa Trung tâm hầu như toàn trẻ, cũng có một vài người cao tuổi nhưng già như ông già đang cầm mũ đứng đọc kia thì đây là lần đầu tiên anh bắt gặp. Hình ảnh ấy làm cho Phi-líp Mơ-nuy thấy rất vui, anh tiếc rằng lúc ấy mình không có cái máy ảnh để chớp lấy khoảng khắc hiếm có này. Anh phấn khích đến gần, kiên nhẫn đợi ông già đọc xong và đặt cái mũ phớt lên đầu rồi mới lịch sự hỏi :
- Xin chào ông, có phải ông đang đọc thông báo của Trung tâm chúng tôi không ?
Bây giờ đến lượt ông già ngạc nhiên, dướn mắt nhìn người thanh niên ngoại quốc. Ông từ tốn bỏ mũ ra cầm trên tay, thong thả trả lời :
- Vâng thưa ông, tôi vừa đọc bản thông báo.
- Ông biết tiếng Pháp à ?
Ông già không trả lời mà chỉ tủm tỉm cười. Phi-líp Mơ-nuy hơi hoảng vì có thể anh vừa đặt một câu hỏi vô duyên, chẳng phải ông già đã trả lời anh bằng tiếng Pháp đó sao. Anh nhún vai nghĩ thầm những cái cười tủm tỉm của người già không chỉ là sự cảm thông khích lệ mà nhiều khi nó còn ẩn giấu một tinh thần cao ngạo, khi họ có cái gì tự hào mà không cần nói ra thì họ cũng chỉ cười tủm tỉm. Không phải đến bây giờ khi Phi-líp Mơ-nuy gặp các ông già phương Đông mới có nhận xét ấy, anh đã nghĩ như thế từ khi còn đang theo học mấy ông giáo sư già người Pháp ở trường Soóc-bon.
- Vâng, tôi có biết chút ít.
- Tôi thấy ông nói tiếng Pháp thạo đấy chứ !
Ông già vẫn giữ nguyên nụ cười trên môi nhưng chắc không phải vì câu nói lấy lòng của Phi-líp Mơ-nuy. Anh đã bắt đầu câu chuyện với ông, bây giờ không biết sẽ tiếp tục thế nào đây. Tuy vậy anh không hề có chút ân hận bởi vì cái hình ảnh ông già đứng đọc tiếng Pháp trước cửa Trung tâm nó đẹp quá, ít ra thì cũng là rất đẹp đối với một giáo viên dạy tiếng Pháp như anh. Anh hỏi tiếp :
- Ông có ý vào học lớp tiếng Pháp này không mà đọc thông báo kỹ thế ?
Ông già đội lại cái mũ lên đầu, thong thả hỏi lại một câu hỏi mà thường chỉ người già mới hay đặt ra :
- Học lớp này có mất tiền không ?
- Có chứ, tuy nhiên đối với ông thì lại khác. Thật thú vị nếu Trung tâm có một học sinh trong lớp như ông.
- Thật vậy à, tại sao anh lại nghĩ như thế ?
- Đấy là một ý nghĩ chợt đến, và tôi rất thích thú. Nhân tiện đây, nếu ông có thời gian và ông cho phép, tôi có thể mời ông uống cà phê ở hàng bên cạnh đây được không ?
- Những người già như tôi đều là các tỉ phú thời gian. Tôi rất vui được anh mời cà phê, anh bạn trẻ.
Thế là họ kéo nhau vào cà phê ở cạnh hồ Hoàn Kiếm. Chiều thu Hà Nội thật bâng khuâng, nắng và gió xao xuyến đến mức một người ngoại quốc như Phi-líp Mơ-nuy cũng phải nao lòng. Anh thốt lên :
- Mùa thu của các ông đẹp quá !
Ông già bỏ mũ đặt lên bàn, thong thả kéo ghế ngồi. Lúc này Phi-líp Mơ-nuy mới nhận rõ mái tóc bạc trắng của ông, mái tóc hất ngược ra phía sau làm cho ông già rất có dáng của một người hiểu biết uyên thâm.
- Tôi nghĩ rằng mùa thu ở đâu cũng đẹp-Ông già nói với Phi-líp Mơ-nuy bằng một thứ tiếng Pháp rành rõi. Tôi chưa được đến nước Pháp nhưng mùa thu của các anh qua các nhà thơ nhà văn Pháp thì đẹp lắm. Này nhé :
Trời về thu, lá vàng rơi như trút,
Cảnh đượm buồn càng thơ mộng làm sao!
Phi-líp Mơ-nuy tròn xoe mắt :
- Ông đọc thơ của La-mác-tin đấy à ?
- Vâng. Thời tôi học trung học, chúng tôi đã phải học thuộc những bài thơ như thế mà tôi còn nhớ đến bây giờ, những bài thơ đã làm rung động bao nhiêu trái tim yêu đương. Lại nói về mùa thu, chắc hẳn anh cũng còn nhớ bài “Ngày khai trường” của An-na-tôn Phrăng có đoạn về mùa thu mà tất cả những anh nào cắp sách đến trường thời chúng tôi đều thuộc, này nhé :
“Tôi sẽ nói cho bạn biết điều mà hàng năm làm cho tôi nhớ lại, đó là bầu trời mùa thu vần vũ, những bữa ăn tối dưới ánh sáng ngọn đèn và những chiếc là bắt đầu vàng trên hàng cây lay động; tôi sẽ nói với bạn điều mà tôi trông thấy khi đi qua khu vườn Lục-xâm-bảo trong những ngày đầu tháng mười, lúc bấy giờ khu vườn hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết vì đó là lúc lá vàng rơi từng chiếc trên vai của các pho tượng trắng…”.
Phi-líp Mơ-nuy ngạc nhiên tới mức xửng sốt. Ông già đã đọc những áng văn chương tuyệt tác ấy một cách hoàn hảo mà nếu không có một tình cảm xúc động thực sự thì không ai có thể đọc như thế được. Anh ngồi ngây ra, bỗng chốc nhớ lại những ngày sinh viên ở khoa ngữ văn, nhớ tới vị giáo sư của mình ở trường Soóc-bon tóc cũng bạc trắng, nhớ tới những bài thơ của La-mác-tin hay của Bô-đơ-le mà anh cũng phải học thuộc lòng nhưng chưa bao giờ thuộc được. Có thể các ông thày thời xưa đã bắt buộc học trò của mình phải học thuộc lòng, nhưng nếu không có một sự gắn bó nào đó bằng một tình yêu thực sự thì làm sao người ta có thể đọc lại như thế sau ngần ấy năm tháng với bao nhiêu biến đổi của thời cuộc. Phi-líp Mơ-nuy giật mình tự hỏi cái ông già ngồi trước mình kia trong buổi chiều thu Hà Nội này là ai, là một công chức trong chính quyền thuộc Pháp cũ hay là một chiến binh Việt Minh trên chiến trường Điện Biên Phủ ? Anh hỏi :
- Thưa ông, thực sự tôi không hiểu làm sao ông có thể nhớ được như thế ?
Ông già mỉm cười, hỏi lại :
- Chắc anh cũng phải thuộc những áng văn chương bất hủ này chứ ?
Phi-líp Mơ-nuy hơi đỏ mặt khi thành thật thú nhận :
- Đúng là tôi có học nhưng chưa bao giờ thuộc được.
Ông già điềm tĩnh nói :
- Cũng đúng thôi, bây giờ các anh có máy tính với bao nhiêu là những thuật toán, ấy là không nói còn có nhiều người đang nghĩ rằng văn thơ trong thời máy tính chẳng đem lại lợi ích gì.
Người thày giáo tiếng Pháp phản bác lại :
- Theo tôi đổ lỗi cho máy tính cũng mới đúng một phần. Quả thật là máy tính là vấn đề của thời nay, nhưng các ông, ngày xưa các ông cũng có vấn đề của các ông cơ mà !
Ông già chăm chú nghe, không có ý kiến ngược nhưng cũng không tỏ ra là đồng tình. Phi-líp Mơ-nuy nghe rõ ông lẩm bẩm :
- Quả thật thời ấy chúng tôi cũng có vấn đề của chúng tôi…Mà thôi, cà phê đến rồi kìa.
Cô phục vụ mang ra hai phin cà phê, mùi thơm cà phê Trung nguyên tỏa lên thật quyến rũ. Tay hơi run run, ông già cầm chiếc cù-dìa vừa ngoáy ly cà phê vừa hỏi :
- Thật sơ xuất, mải nói chuyện nên chưa hỏi tên anh ?
- Tôi xin lỗi, tôi tên là Phi-líp Mơ-nuy. Còn ông ?
- Tôi là Lê Bình, nguyên là bộ đội, tôi đã nghỉ hưu lâu rồi.
- Nhìn ông thì ai cũng biết là đã nghỉ hưu. Nếu có thời gian, ông có nhận lời giúp cho lớp tiếng Pháp của tôi không, sẽ thật bổ ích nếu các em học sinh bây giờ được giao lưu với ông.
- Được thế thì tốt quá, nhưng tôi đã già rồi, chỉ còn giống như một cuốn sách cũ thôi !
Phi-líp Mơ-nuy bật cười :
- Ông thật là khéo ví von.
Họ còn ngồi thêm một lúc nữa rồi mới đứng lên chào nhau ra về. Phi-líp Mơ-nuy không quên đưa cho ông Lê Bình một tấm danh thiếp của anh.
Tuy cuộc gặp gỡ thật ấn tượng nhưng do công việc bận rộn nên những ngày sau cũng ít có lúc anh nhớ tới ông bạn già nói tiếng Pháp. Một buổi sáng khi Phi-líp Mơ-nuy đang ngồi làm việc thì nhân viên bưu điện chuyển phát nhanh đem đến một gói bưu kiện do ông Lê Bình gửi. Anh hồi hộp mở ra xem, thấy cuốn truyện “Những người khốn khổ” của Víc-to Huy-gô bìa cứng mầu đỏ do Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp in từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, giấy đã khô và vàng ố. Cầm cuốn sách trên tay, Phi-líp Mơ-nuy nhớ lời ông Lê Bình đã tự ví mình như cuốn sách cũ. Anh bật cười và chợt hiểu tại làm sao người Pháp các anh đã thua ở Điện Biên Phủ mà vẫn rất yêu quý con người và đất nước Việt Nam.