Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

MỘT, HAI, BA, PHẬT !

Vũ Đức Tâm



Mình vốn rất ghét kiểu văn nghệ mà mình tạm gọi là « văn nghệ phất cờ ». Kiểu này thường diễn ra trên sân khấu lớn, hoành tráng vào những dịp kỉ niệm rất trọng đại. Toàn nam thanh nữ tú cầm cờ quạt vừa chạy dọc ngang sân khấu vừa phất cờ, múa quạt. Thi thoảng họ lại nhẩy cẫng lên, xoạc hai chân, giang hai tay hết cỡ, ngực ưỡn, mặt ngẩng cao. Đi kèm với nhảy là nhạc và lời rất hào hùng… Kiểu này nghe đâu, ngoài xứ ta chỉ hay được thực hành ở một hai nước châu Á mà thôi.
Thế mà một hôm,mình bỗng thấy bên hàng xóm ồn ào náo nhiệt hẳn lên. Mình nghe giọng một cô gái lanh lảnh cất lên : « Một, hai, ba, phật ! Một, hai, ba, phật ! ». Quá lạ tai, mình chạy ra ban công xem trò gì. Thì ra cái sân rộng nhà hàng xóm đã được trưng dụng làm sàn tập nhảy. Trên nền nhạc và trống thùng thùng, kèm giọng ca nam, một tốp thanh niên nam nữ cầm cờ và quạt vừa chạy vừa múa quạt và phất cờ theo lệnh : « Một, hai, ba, phất! » mà mình nghe thành phật. Cũng có thể cô "biên đạo" cao giọng hô phất mãi, mệt, nên hạ giọng hô phật để tiết kiệm hơi chứ chả phải mình nghe nhầm? Lời bài hát nghe sáo mòn, kiểu như ta là con cháu Lạc Hồng; Việt Nam ta truyền thống bất khuất, quật cường ; ta phải tự hào và phấn đấu xứng danh… Mình bị tra tấn như vậy mất gần chục ngày.

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Vài ghi chép đến Sơn Tây

Nguyễn Thị Kim Dung
Cựu thông tín viên báo Tiền Phong


 Tác giả Kim Dung ở ngã ba Sơn Tây
Tôi có ý định đi tham quan Thành cổ Sơn Tây đã lâu. Cuối năm ngoái nghe nói đầu năm nay (Quý Tỵ 2013) xuất hành hướng Tây thì tốt, tôi rủ ông xã cùng đi, ông ấy đồng ý ngay. Sáng mùng 5 Tết, vợ chồng tôi đi ra bến xe buýt gần nhà, đi xe số 70. Lúc lên xe, ngồi yên chỗ, tôi nói với chú bán vé cho mua 2 vé, chú bảo “Bác trả cho 60.000đ”. Tôi nhìn chú như muốn nhắc chú chưa xé vé xe trả tôi, còn chú lại hiểu tôi thắc mắc giá vé nên vội giải thích: “Hôm nay vẫn còn Tết, từ ngày mai cháu lại bán theo giá cũ”. Lúc sau, tôi quay sang hỏi cô gái trẻ ngồi bên cạnh: “Giá vé cũ là bao nhiêu cháu nhỉ?”. Cô bé vui vẻ trả lời: “Giá vé cũ là 20.000đ  cho mỗi vé Bà ạ!”. Tôi thầm nghĩ thế là chú ấy tự nâng giá vé ngày Tết để bồi dưỡng, lại còn không xé vé đưa cho khách nữa. Như vậy, xe buýt ngày Tết, Nhà nước thất thu to.

Phận áo dài và duyên nợ với ngành ngoại giao

Nguyễn Thị Hồi 
Nguyên Đại sứ tại Cộng hoà Áo và Đại diện Việt Nam bên cạnh các tổ chức quốc tế tại Viên(1992 -1995), nguyên Đại sứ tại Canada (2002 -2006).


     Vào năm 1968, khi tôi học hết năm thứ nhất khoa Anh văn trường Đại học Ngoại ngữ sơ tán ở Gia Lương, Hà Bắc thì được chọn là một trong số hơn ba chục học sinh đi Cu Ba học lớp tiếng Anh đặc biệt, gọi là lớp tiếng Anh quân sự để sau về phục vụ quân đội. Vào một tối sáng trăng, cả lớp tôi hối hả đi bộ từ Gia Lương về Hà Nội để đi tàu lên biên giới Lạng Sơn. Trăng sáng vằng vặc và trong vắt là đặc điểm của những đêm trăng ở vùng quê thời sơ tán. Đêm ấy trăng soi sáng đường cho đoàn sinh viên trẻ, những người đến từ tứ xứ thôn quê, những người lúc bấy giờ mới chỉ biết đến cuộc sống khó khăn gian khổ ở nơi sơ tán. Họ hồ hởi náo nức đi suốt đêm với tinh thần của những người lính trẻ đi chiến đấu, hồi hộp và tò mò hỏi nhau về những điều mới mẻ đang chờ đợi họ ở những đất nước xa lạ.

Đến Lạng Sơn chúng tôi được đưa qua Bằng Tường rồi lên tàu liên vận của Trung Quốc. Cuộc sống trong bảy ngày trên tàu liên vận là một cuộc sống hoàn toàn khác lạ. Vừa đấy thôi chúng tôi còn phải ăn cơm gạo đã có màu hoặc bánh bột mỳ cứng như bột đá mà chúng tôi thường nói đùa là ném chó cũng chết, thì trên tàu chúng tôi được ăn no cơm trắng với nhiều thịt cá và trứng. Tôi nhớ mãi món rau cải xanh xào thịt đặt trên đĩa sứ màu trắng, món miến xào sao mà tuyệt thế, nước xì dầu màu đen rưới lên trên, đĩa thịt to tướng thơm tho tỏa mùi thơm phức. Lúc ấy ở Trung Quốc đang có Cách mạng văn hóa. Những người Trung Quốc phục vụ trên tàu luôn tươi cười và chăm sóc chúng tôi rất nhiệt tình. Họ mặc áo màu cỏ úa có gài huy hiệu Mao Chủ tịch trên ngực, đem đến cho chúng tôi những bao táo đỏ tươi, giục giã chúng tôi ăn và luôn miệng hỏi có cần gì thêm không. Đêm đến, họ đi từng toa, kéo chăn đắp kín cho chúng tôi khỏi lạnh. Họ nghiêm túc và trân trọng tặng cho chúng tôi huy hiệu Mao Chủ tịch cùng những quyển trước tác bìa đỏ bằng tiếng Trung. Chúng tôi đã được các anh chị trong lãnh đạo đoàn dặn dò cẩn thận rằng nếu bạn tặng thì ta vui vẻ nhận, khéo léo cho vào va li cất đi, không được bỏ lại tàu nhưng khi sang tàu Liên Xô thì cũng không được để cho các bạn Liên Xô trông thấy vì lúc ấy Trung Quốc và Liên Xô đang có mâu thuẫn nặng nề. Trong hoàn cảnh ấy, thật khó khăn khi phải cư xử với những món quà tặng này nhưng tôi đã làm đúng được lời dặn của các anh chị lãnh đạo đoàn. Lúc ấy tôi đâu có biết được rằng những việc làm như thế lại là những bài học đầu tiên, khái niệm đầu tiên về quan hệ quốc tế và công tác ngoại giao.

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Kiến càng cũng tham gia bảo vệ sứ quán



Thăng Sắc 

 Sống và làm việc ở Sứ quán không phải lúc nào cũng chỉ có tiếp xúc, thương lượng, đón đoàn, nghiên cứu… Nhiều Cơ quan Đại diện của ta còn có một mối quan tâm khác là lo đảm bảo an ninh cho Sứ quán, đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên và gia đình đi theo để có thể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đối ngoại. Mối lo này tùy nơi tùy lúc mà nổi lên, nhất là ở những nước đang có vấn đề nội bộ gay cấn hoặc ở những nước còn có một bộ phận người Việt chống đối ta.
Thời gian tôi công tác tại An-giê-ri (1993-1995) là thời gian nước này đang có nạn khủng bố trầm trọng. An-giê-ri là một nước Bắc Phi giáp Địa Trung hải, thuận tiện giao thương, khí hậu tốt, giàu tài nguyên nhất là dầu lửa… Người dân ở đây chủ yếu theo đạo Hồi. Tuy nhiên những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo lúc bấy giờ đã dẫn đến việc tranh giành quyền lực quyết liệt, đẩy nước này vào một giai đoạn khủng hoảng kéo dài. Lúc tôi đến nhận công tác là lúc nạn khủng bố ở đây xẩy ra thường xuyên và khốc liệt nhất, gần như không ngày nào là không có nổ bom hoặc các cuộc tập kích tấn công vào các lực lượng công an và quân đội của chính quyền, thậm chí nhiều nơi người dân còn bị hành quyết rất dã man như cứa cổ, cắt đầu. Vào lúc cao điểm nhất thì các lực lượng chống đối mà tiêu biểu lúc bấy giờ là Mặt trận Hồi giáo cứu quốc (FIS, thực chất là một đảng tôn giáo chính trị cực đoan) còn nhằm vào cả người nước ngoài. Đã có nhiều người nước ngoài bị bắt, bị giết, thậm chí có những nhà ngoại giao bị bắt cóc, nhiều cơ quan nước ngoài trong đó có một vài Sứ quán bị đột nhập. Những việc này nhằm cô lập chính quyền lúc bấy giờ của Tổng thống Giê-ru-an, ngăn chặn chính quyền này có quan hệ bình thường với các nước khác. Trước tình hình đó nhiều cơ quan đại diện, nhất là các nước phương Tây, đã đóng cửa và rút khỏi An-giê, có Sứ quán thu hẹp hoạt động, chỉ để lại Đại biện hoặc người trông coi sứ quán, số còn lại thì tăng cường công tác an ninh bảo vệ, hạn chế việc giao tiếp và đi ra ngoài cơ quan.

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Nhà báo, dịch giả Truyện Kiều, người Bạn tâm huyết của Việt Nam đã qua đời ở tuổi 97

Trần Ngọc Quyên
Nguyên Tham tán Công sứ Đại sứ quán VN tại CHLB Đức



Franz Faber, nhà báo đầu tiên của CHDC Đức sang VN ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sau chuyến thăm ĐBP ông còn được Bác Hồ cho tháp tùng Bác đi thăm mọt số vùng nông thôn VN, về nước ông đã viết quyển ký “Sông Cái rực hồng”, ghi lại những ấn tượng sâu sắc của ông về chuyến đi này. Sau đó Franz Faber được cử làm Đại diện của báo “Nước Đức mới” (của Đảng XHCNTN Đức) và TTX ADN của CHDC Đức hai khóa (tổng cộng 6-7 năm) trong thời gian Mỹ ném bom miền Bắc ác liệt nhât.
Thấy hai vợ chồng Franz Faber đều yêu  văn học và quan tâm đến văn học VN (đã dịch thơ Nguyễn Trãi...), Bác Hồ đã tặng vợ chồng Franz Faber quyển Truyện Kiều (tiếng Việt) và bản dịch tiếng Pháp (xuất bản 1951) và khích lệ hai người dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức, Bác Hồ còn khuyên hai người nên tham khảo cả bản chữ Nôm và gợi ý nên dịch như thế nào... Hai vợ chồng ông đã bỏ ra 7 năm vừa nghiên cứu Truyện Kiều vừa học tiếng Việt để có thể dịch Truyện Kiều từ tiếng Việt như Bác Hồ gợi ý.

Cúc ơi-Hà ơi !

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày hy sinh của Mười cô gái Đồng Lộc (24/07/1968) và 61 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/07/1947 – 27/07/2008), Lều văn xin giới thiệu với bạn bè hai bài thơ thật cảm động, bài "Cúc ơi" của Yến Thanh và bài "Hà ơi" của Bùi Quang Thanh,



CÚC ƠI...
  Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang

Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp

Chín bạn đã quây quần đủ mặt:

Nhỏ - Xuân – Hà – Hường – Hợi – Rạng – Xuân – Xanh

A trưởng Võ Thị Tần điểm danh

Chỉ thiếu mình em

(Chín bỏ làm mười răng được!)

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc

Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần

Chỉ sợ em đau nên lát cuốc chùng

Cúc ơi! Em ở đâu

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Ông Vũ Khoan trả lời Thời báo Kinh tế : "Làm sao dân yên và vào cuộc".

Ngày 19 tháng 7 ông Vũ Khoan đã có bài trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế. Lều Văn xin đưa lại toàn văn bài trả lời này.



1/Xin ông điểm qua vài nét chấm phá về kinh tế Việt Nam?
Theo cảm nhận của tôi thì hiện nay nền kinh tế nước ta cùng một lúc đối mặt với ba loại vấn đề: về ngắn hạn (nói là ngắn hạn nhưng cũng đã trên dưới 6 năm rồi) là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, lấy lại đà tăng trưởng; về trung hạn là làm sao để 7 năm nữa, tức là tới 2020 nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp và về dài hạn là tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển.
Ba vấn đề đó đều phức tạp và lồng ghép nhau, tác động qua lại lẫn nhau, cái này là tiền đề cho cái kia. Về lý thuyết thì như vậy nhưng làm thế nào để cùng một lúc giải quyết cả ba vấn đề là chuyện không dễ chút nào, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn ẩn chứa biết bao điều bất trắc.

Đâu rồi chiếc lá đầu tiên !

Sáng qua ngồi cà phê với các bạn cùng lớp cũ thời phổ thông là Đỗ Nam và Nguyễn Vĩnh, nhắc lại bao khuôn mặt, bao vui buồn tuổi thơ dưới cùng một mái trường. Như thế đã nhớ rồi, chiều về lại đọc lại bài thơ "Chiếc lá đầu tiên" của Hoàng Nhuận Cầm, lại càng nhớ đến quay quắt.
Xin chép lại bài thơ rất hay này của Hoàng Nhuận Cầm ra đây để cùng chia sẻ với nhau nỗi nhớ một thời "tình yêu học trò".


                                 Em thấy không, tất cả đã xa rồi
                         Trong hơi thở của thời gian rất khẽ
                         Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
                         Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say.
                         Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
                         Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
                         Con ve tiên tri vô tâm báo trước
                         Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu.

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

“LA PRÉSENCE INDÉFINISSABLE”: CÂU TIẾNG PHÁP KHÓ DỊCH (Nhà báo Sác-lơ Phuốc-ni-ô kể chuyện về Bác Hồ)



     Thăng Sắc  
 
         Khi công tác tại Pháp, tôi thường có dịp gặp gỡ và chuyện trò với nhà báo, nhà sử học đồng thời là Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt, ông Sác-lơ Phuốc-ni-ô.
 Một lần vào mùa đông năm 1997, tôi hẹn ông ở tiệm cà phê Lơ Sác-đông trên đại lộ Ếch-den-man gần Sứ quán. Đây là một tiệm bình dân theo kiểu Pa-ri, nghĩa là gọi một tách cà phê thì ta có thể ngồi nhâm nhi suốt buổi sáng, đọc sách, làm bài tập, tán gẫu với bạn đến trưa, muốn thì làm thêm cái bánh mỳ kẹp dăm-bông rồi ngồi qua đến chiều luôn. Ở những tiệm cà phê này bao giờ cũng có không khí ấm cúng đặc biệt, huống chi lại có bạn, mà người bạn ấy lại là Sác-lơ (gọi ông Sác-lơ Phuốc-ni-ô một cách thân mật). Tôi mừng vì thấy ông khỏe, tóc bạc trắng như tuyết, da mặt đỏ au, nói theo kiểu của ta là rất nhuận sắc và phong độ. Ngoài kia tuyết đang rơi, rét như thế mà ông không đội mũ. Người Pa-ri ít đội mũ, chỉ khoác áo măng tô và quấn khăn phu-la.

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Nhớ một lần tổ chức tuần văn hóa ở Campuchia

Nguyễn Văn Vụ
Nguyên Tham tán chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia


Nói đến ngoại  giao văn hóa tôi lại nhớ đến lần thứ nhất tổ chức Tuần văn hóa Việt Nam tại Campuchia năm 2006. Năm ấy Sứ quán đã báo cáo đề xuất với Lãnh đạo Bộ xin tổ chức “Tuần Văn hóa Việt Nam ở Campuchia”, một hoạt động mà trước đây chưa được ai đề xuất. Không ngờ ý kiến đề xuất đó được Bộ Ngoại giao nhanh chóng trả lời đồng ý để Sứ quán ta ở Campuchia phối hợp với bạn Campuchia và Bộ Văn hóa Thông tin Tuyên truyền nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam tổ chức “Tuần Văn hóa Việt Nam ở Campuchia” và yêu cầu phải đảm an toàn, thành công tốt đẹp.

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

THÔNG TIN-BÁO CHÍ Ở NƯỚC NGOÀI

Hồ Thể Lan


N
ói đến công tác tuyên truyền báo chí không thể không kể đến hoạt động này tại cơ quan đại diện (CQĐD) ở nước ngoài. Đây là công việc mà tôi đã trực tiếp tham gia trong các nhiệm kỳ công tác tại ĐSQ nước ta ở Liên Xô cũ và ngay khi công tác ở Vụ TT-BC. Phụ trách công tác báo chí ở CQĐD phải lo cả “đầu vào” lẫn “đầu ra”. “Đầu vào” nói ở đây là thu tập thông tin về nước sở tại và cả thông tin quốc tế để báo cáo Đại sứ và điểm tin báo cáo về nước. Thú thật là chủ yếu chúng tôi thu tập “thông tin chết”, nghĩa là thông qua báo chí, tin tức nước sở tại chứ không có điều kiện thu tập “thông tin sống”, tức là qua các cuộc thăm thú, tiếp xúc với bên ngoài. Nguyên do thì có nhiều song cái chính là “cái khó bó cái khôn”, muốn đi cũng chẳng có kinh phí, muốn la cà, đãi đằng để “moi tin” cũng chẳng lấy đâu ra tiền, đó là chưa kể những quy định ngặt nghèo về tiếp xúc sinh ra tâm lý “an phận thủ thường”. Nói vậy thôi chứ việc điểm tin hàng ngày, thông tin hàng tuần cho Đại sứ và cán bộ trong cơ quan cũng rất có ích vì nhiều người, nhất là các bộ phận quản lý lưu học sinh, lao động có biết ngoại ngữ đâu mà không biết tin tức thì làm sao “quản lý, giáo dục” học sinh, lao động được! Đó là chưa kể người Việt Nam ta có máu xính theo dõi tin tức, nghe thời sự. Trong các vị đại sứ, người để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất là ông Nguyễn Văn Kỉnh. Ông là một tri thức, giỏi tiếng Pháp, từng là ủy viên Trung ương Cục miền Nam và là ủy viên Trung ương Đảng lâu năm, ra Bắc có thời là Phó Ban tuyên giáo TW, tính tình rất hiền lành, ít nói nhưng suốt ngày đọc tin tức, sách báo. Khi nghe tin ông thường nhắm mắt, có lần tôi tưởng ông ngủ gật bèn khẽ khàng đi ra khỏi phòng, khi ra tới cửa bỗng nghe ông hỏi: đã xong đâu mà Thể Lan đi? Ông còn mắc một “bệnh trầm kha” nữa là rất đam mê quốc tế ngữ Et-xpê-ran-tô, chẳng thế mà trong một thời gian dài ông là Chủ tịch Hội quốc tế ngữ. Ông là con người hết mực nhân từ, nhiều khi để dành kẹo sô-cô-la cho tôi và Xuân Phương - người bạn gái thân thiết của tôi, mẹ của Thứ trưởng Ngại giao Phương Nga ngày nay; có lần nhận được tiền nhuận bút ông còn chia cho tôi.

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

« SỨ GIẢ VĂN HÓA VIỆT TẠI MIDI-PYRENEES» ĐÃ ĐI XA



Vũ Đức Tâm

Bà Andrée  Nguyễn, nguyên Chủ tịch Hội Essor Vietnam, Chủ Galerie Jardin Ánh Tuyết tại Toulouse qua đời ngày 1/6/2013. Sinh thời, người con dâu Việt này đã tích cực quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp và hoạt động hết mình trợ giúp Việt Nam ở hầu khắp các tỉnh, thành  nước ta. Nhân một tháng tròn ngày bà đi xa, tôi viết những dòng này tưởng nhớ về bà, người đã hợp tác rất chặt chẽ và hiệu quả với chúng tôi trong các hoạt động tại vùng Midi-Pyrénées những năm 2004-2007.
 Nhận được điện của chị Nguyễn Bích Huệ, Tham tán Công sứ Đại sứ quán ta tại Pháp về sự ra đi đột ngột của bà Andrée Nguyễn vào tối 1/6, tôi vô cùng bất ngờ. Cách đó vài ngày bà còn gọi điện rủ tôi phối hợp với bà thực hiện một cuộc nói chuyện về Việt Nam cho các bạn Pháp nhân Năm chéo Việt-Pháp 2014. Giọng bà còn rất khỏe và còn đùa bảo tôi hãy « ra khỏi tháp ngà » làm chuyến trở lại « Mẫu quốc » (Vì có lần tôi bảo bà với tôi là đồng hương vì các bậc cha chú của tôi thuộc lòng câu « Nos ancêtres sont les Gaulois » (Tổ tiên chúng ta là người xứ Gaule). Thế mà…