Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Trò chuyện với ông Vũ Khoan - Phần II

“Lễ tân ngoại giao Hồ Chí Minh”, lễ tân đậm “tính nhân văn”, lễ tân “phá cách”…là những nội dung mà anh Vũ Khoan trò chuyện với Lều văn Thăng Sắc lần này. Bằng những trải nghiệm của chính mình, anh Vũ Khoan không chỉ chia sẻ với mọi người những đúc kết có tính lý luận mà còn kể lại những câu chuyện “cười ra nước mắt” chung quanh một công tác rất quan trọng của nghề ngoại giao : công tác lễ tân.
Lều văn Thăng Sắc xin giới thiệu phần II cuộc trò chuyện với anh Vũ Khoan.

II- LỄ TÂN NGOẠI GIAO HỒ CHÍ MINH

Lều văn Thăng Sắc :
- Thưa anh, có ý kiến cho rằng lễ tân kỹ thuật là cần thiết nhưng nó mới chỉ là lễ tân hình thức, chưa có hồn. Theo anh, cái hồn của lễ tân ngoại giao là gì ?
Anh Vũ Khoan :
- Ngoại giao không chỉ là lễ tân nhưng ngoại giao không thể thiếu lễ tân. Nói nôm na thì lễ tân ngoại giao là như những nghi lễ đón tiếp khách nước ngoài; tổ chức các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo; bảo đảm các nghi thức tiến hành các cuộc tiếp xúc, hội đàm, ký kết, chiêu đãi, mít-tinh, giao lưu, tham quan và cả ma chay nữa...Nói thì ngắn gọn vậy thôi chứ đằng sau chúng là hàng trăm, hàng nghìn đầu việc cụ thể, tỷ mỉ khác nhau. Trên thế giới người ta đã viết rất nhiều sách về các nghi lễ ngoại giao; nó trở thành một môn học chính thống trong các trường, lớp ngoại giao. Mình không được đào tạo đến nơi đến chốn về công tác ngoại giao, kể cả công tác lễ tân nên nhiều việc biết được nhờ “học lỏm” qua thực tế và qua sự quan sát xem thiên hạ làm thế nào.
Thực ra  lễ tân ngoại giao hiện đại thường tuân theo các nghi thức của phương Tây, bắt đầu từ các nghi lễ cung đình rồi dần rà được “dân chủ hóa”, đơn giản hóa và địa phương hóa cho phù hợp với truyền thống của mỗi quốc gia.
Trong ảnh : Bác Hồ và Bác Tôn tiếp ông Tréc-van-cốp, phía sau là anh Vũ Khoan

Ở nước ta, lễ tân ngoại giao cũng tuân theo các quy định, thông lệ quốc tế nhưng mang nhiều sắc thái Việt Nam. Người để lại dấu ấn sâu đậm nhất về phương diện này chính là Bác Hồ. Nói một cách đơn giản nhất, cái hồn của lễ tân ngoại giao Việt Nam hay lễ tân ngoại giao Hồ Chí Minh chính là “tính nhân văn”, “ tính con người”(human being); loại bỏ sự quan cách, bệnh hình thức phù phiếm. Ta đã từng được nghe nhiều về chuyện Bác Hồ mang theo quả táo từ quốc yến của Chính phủ Pháp khoản đãi để cho cháu bé nghèo ở cửa; tự Người vác trên vai tấm thảm do Tổng thống Ấn độ tặng trên lễ đài cuộc mít tinh với hàng vạn người tham gia để chào mừng Người…

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Tổ quốc nhìn từ Biển

Lều văn Thăng Sắc xin đăng lại bài thơ của Nguyễn Việt Chiến :


TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Chú Tư, con là ai - Chương 4

 Gần một năm sau khi tới kinh Xáng Tân Châu, sau khi Pốt bị đánh đuổi chạy re kèn,  chú Tư lại dắt tôi trở lên Campuchia, tới ở xóm chài của người Việt ở xóc Vo Tiêu. Xóm chài này có khoảng gần trăm chiếc xuồng chiếc ghe lớn nhỏ cập sát mép sông, nhìn lên là cánh đồng hoang với những đầm nước, những đìa cạn có vô số cây dại mọc lúp xúp. Chú cháu tôi lên đây bằng chiếc xuồng mà chú đã mua được hồi ở Vĩnh Xương, chiếc xuồng chú đã dạo cá ở kinh Ngũ Xã, sau đó khi Pôt đánh xuống thì chở chúng tôi chạy về kinh Xáng Tân Châu.  Hai chú cháu ở xuồng không nổi, chú dựng tạm cái chòi trống huơ trống hoác trên bờ kinh, gió thổi vô thông thống như thổi trên cánh đồng.

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương VI

            MỘT LẦN ĐI SIÊM-RIỆP



Nhớ lại đầu năm 2009 tôi có dịp đi từ Nông Pênh đến Xiêm Riệp bằng ô tô. Chuyến đi gần bốn trăm cây số mất khoảng hơn năm tiếng với các bạn người Campuchia đã để lại cho tôi thật nhiều những ấn tượng tốt đẹp.  
Đường đi không so được với  đường của Trung Quốc hay của Thái Lan nhưng so với Việt Nam thì không thua kém gì. Điều khó chịu nhất của cánh lái xe là thỉnh thoảng lại có mấy con bò thong thả qua đường, không thận trọng thì cả xe cả bò quay lơ ra ngay. Anh bạn người Việt cùng đoàn vô tư bình luận : chỉ có ở CPC mới để bò « tham gia giao thông » kiểu này. Tôi phải kín đáo nói nhỏ vào tai anh ấy rằng ở mình chẳng cần đâu xa mà ngay ở khu đô thị Mỹ Đình, nếu không cẩn thận thì cũng xơi no. Chỉ khác của bạn là bò trắng còn của mình là bò vàng mà thôi.

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Trò chuyện với ông Vũ Khoan - Phần I

Lều văn Thăng Sắc mới có cái may mắn được chuyện trò với anh Vũ Khoan. Những câu chuyện của anh thật cởi mở, là chuyện kể của một người anh hơn là của một người đã từng giữ nhiều trọng trách trong Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Những câu chuyện anh kể không chỉ gợi lại kỷ niệm của một thời làm Ngoại giao mà còn là sự chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu. Ở những câu chuyện anh Vũ Khoan kể, người ta thấy ngồn ngộn những chiêm nghiệm cuộc sống để từ đó có thể rút ra bao nhiêu là suy ngẫm và bài học. Vẫn bằng lối nói giàu hình ảnh, giản dị và khúc chiết  vốn có thỉnh thoảng lại pha chút hóm hỉnh tới mức rất “chua”, vẫn bằng lối nói vo mà không cần giấy tờ dàn ý, bởi vì vẫn như mọi khi, nội dung ý tứ đã ở sẵn trong đầu anh hết rồi, anh Vũ Khoan đã bắt đầu câu chuyện bằng những chia sẻ về nghề “thông ngôn” và hứa sẽ lần lượt nói về các công việc khác của nghề Ngoại giao, như là lễ tân,  lãnh sự, nghiên cứu, đàm phán…
Được anh Anh đồng ý, Lều văn Thăng Sắc xin giới thiệu lại những cuộc chuyện trò với anh Vũ Khoan.

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Làm sao để dân lên tiếng

“Làm sao để dân lên tiếng” là bài viết của Tiến sĩ Phạm Gia Minh đã đăng trên Vietnamnet hổi tháng 6 năm 2010. Trước ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp 22/5/2011 đọc lại bài này thấy có nhiều suy ngẫm thấm thía nên Lều văn Thăng Sắc xin giới thiệu lại bài viết này.

Có nhiều dẫn chứng trong lịch sử cho thấy khi mà các nhà cầm quyền xa dân - thường là khi họ đặt quyền lợi của phe nhóm mình lên trên đám đông "trăm họ", bỏ ngoài tai những những lời góp ý ngay thẳng nhiều khi là nghịch nhĩ thì hầu như chắc chắn rằng vận nước đang suy và xã hội khó tránh khỏi những cuộc khủng hoảng sâu sắc.
Ví như triều nhà Hồ ngay cả khi đã đưa ra những cải cách tiến bộ mang dáng dấp canh tân nhưng chỉ vì thiếu sự ủng hộ của bách tính nên rốt cuộc vẫn thảm bại trước sự xâm lăng của những thế lực phương Bắc bạo tàn.
Bài học về lòng dân tưởng như đã trở thành kinh điển và mang tính sống còn đối với mọi chế độ nhưng nhiều khi trước ma lực của Quyền và Tiền vẫn bị người ta ngang nhiên phớt lờ đi nếu xã hội thiếu những thiết chế cụ thể để người dân thực sự được cất lên tiếng nói.

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương V

        V – BỘ ĐỘI TÌNH NGUYỆN

Vào một ngày tháng 5 năm 2005, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Cămpuchia Sok An họp với các đại biểu quốc tế tại văn phòng Hội đồng Bộ trưởng để vận động các nước ủng hộ tài chính để mở Toà xét xử Khmer đỏ.  Tại cuộc họp, đại biểu nhiều nước phương Tây hứa hẹn ra tiền nhưng nêu câu hỏi về quản lý số tiền thế nào, chi tiêu ra làm sao...Đại biểu Việt Nam được  hướng dẫn là  nếu bạn có đề nghị thì trả lời đại ý là Việt Nam còn nghèo.

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Chú Tư, con là ai - Chương 3

                                                    
3

Chúng tôi âm thầm đi theo chú Tư, không ai muốn nói với ai một lời nào. Gió từ sông thổi lên mát lạnh làm tôi hết ngái ngủ. Tôi đi ngang cây mít gần chùa Bà, chỗ chiều qua người lớn đã chọc tiết con bò. Cây mít lù lù hiện lên đen xì trong đêm, bóng nó in hết như bóng con bò đang vồng lên, đi lại được, đang muốn chồm tới co cẳng chĩa sừng  nhát chúng tôi. Tôi bám chặt lấy má, khe khẽ hỏi :
- Má ơi má, ba đâu ?
Bà hẩy tôi ra, nói :
- Bé cái miệng chớ, đi lẹ lên.

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương IV

NẠN NHÂN VIỆT NAM ĐẦU TIÊN BỊ KHỦNG BỐ GIẾT HẠI



Sau khi trình Quốc thư, tức là sau khi đã chính thức trở thành Đại sứ, Đại sứ Pháp Francois D’YVON là người đầu tiên mời vợ chồng tôi ăn cơm tối tại nhà riêng. Sứ quán Việt Nam và Sứ quán Pháp ở cùng phố, Sứ quán Pháp ở số 1, Sứ quán Việt Nam ở số 436 đều trên đại lộ Mô-ni-vông.  Đây là một bữa tối thân mật, bạn đãi chúng tôi món thịt cừu. Chúng tôi nói hết chuyện này sang chuyện kia và thật bất ngờ là cuối cùng nhận ra cả hai đã làm việc gần như  cùng vào một thời gian ở An-giê-ri vào những năm 1994-1995.

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương III

                           ĐẠI SỨ NGÔ ĐIỀN


Sinh thời, Đại sứ Ngô Điền kể :
Khi dự hội nghị Hòa bình về Campuchia họp ở Paris năm 1991, ông ngồi gần như đối diện với cựu hoàng Sihanouk và các đoàn 3 phái Khơ-me. Một người bạn Campuchia trong đoàn của Nhà nước Campuhcia (SOC) kể lại rằng Sihanouk đã nói ở hội trường với những người Khơ-me xung quanh: Hồi tôi (Sihanouk) làm vua ở Phnôm Pênh, ông đó (Ngô Điền) làm nhà báo. Hiện nay ông ta làm “Thái thú” ở Campuchia.

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Chú Tư, con là ai - Chương 2

 Chôn cất dì Tám xong tôi thấy người lớn thường thì thụt qua lại gặp nhau, thầm thì bàn tán. Tôi nằm cong queo cạnh má, giả bộ như ngủ nhưng vẫn để ý nghe hết câu chuyện của họ,
Tiếng chú Tư thì thào :
-Tới cấp này mà không chạy về dưới nhanh thì kẹt. Người mình ở mấy tỉnh phía tây kẹt dữ lắm rồi.
Tiếng chồng dì Bảy nghe như tiếng đàn bà :
-Tụi nó giết nhiều người lắm, đâu cũng có xác người thối inh.

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Bốn thói xấu của người Việt đương đại

Nói “của rất nhiều người Việt ” là để dễ lọt tai, thật sự cầu thị thì phải nói là Một số thói xấu của người Việt thời nay bởi vì những thói xấu này đang rất thịnh hành và phổ biến. Nói “người Việt hiện nay” là để giới hạn thời gian trong một số những thập kỷ gần đây, có thể người Việt xa xưa và người Việt trong tương lai không mắc những thói xấu này.

Chú Tư, con là ai - Chương I

Lời giới thiệu của Nhà xuất bản Lao Động

Thăng Sắc là bút danh của nhà văn Nguyễn Chiến Thắng, tác giả tập truyện ‘Chớp mắt cùng số phận’ (Nhà xuất bản Văn học) đã được dựng thành phim truyện năm 2007.
Nguyễn Chiến Thắng gắn bó thật nhiều với đất nước Campuchia, đã từng có thời gian công tác tại đây ngay sau ngày chế độ diệt chủng Pôn Pốt bị lật đổ năm 1979 và rồi sau này trở thành vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Campuchia. Là nhà ngoại giao, anh đã góp phần xây đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Là người viết, anh đã thật sự yêu thương đất nước và con người của xứ sở Ápsara huyền thoại để ‘Chú Tư, con là ai’ có thể  rung động mỗi trái tim bạn đọc.

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương II

   NƠI BẮT ĐẦU CŨNG LÀ NƠI KẾT THÚC


Tôi đến sân bay Pô-chen-tông, Thủ đô Nông Pênh ngày 20 tháng 2 năm 2005 trên chiếc máy bay Fokker, chuyến bay VN 841 Hàng không Việt Nam.  Cô tiếp viên xinh tươi mặc áo dài mầu mận chín duyên dáng thông báo nhiệt độ bên ngoài lúc ấy là 28 độ C.  Bước ra khỏi máy bay, tôi không cưỡng lại được ý muốn nhìn xem đâu là chỗ cách đây 25 năm máy bay chở thương binh của ta đã đỗ, đâu là chỗ mấy cây hoa đại mà tôi đã vẩn vơ đứng dưới gốc với hy vọng sẽ được đi nhờ máy bay chở thương binh về thành phố Hồ Chí Minh. Khi mọi người dẫn tôi ra xe, tôi bất chợt ngửi thấy mùi hoa đại. Tôi đã ngoái lại để xem mùi hương ấy toả ra từ đâu, từ những cây hoa đại dưới nắng hay từ trong ký ức...

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương I


        « Chuyện kể của một Đại sứ » không phải hồi ký, không phải ghi chép công tác, không có sơ kết tổng kết gì. Chỉ là những ghi chép văn học, nay trích ra đem in, mong được chia sẻ một vài suy nghĩ của cá nhân tôi. Cũng là để bày tỏ lòng tri ân của tôi tới những người và những nơi tôi đã may mắn được công tác với tư cách một Đại sứ.
Lại nhớ hai câu thơ của Chế Lan Viên :
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.


TRÌNH ỦY NHIỆM THƯ



Năm 2005, tôi được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Vương quốc Campuchia. Theo các quy định về lễ tân ngoại giao, sau khi đã trao bản sao thư uỷ nhiệm tới Bộ trưởng Ngoại giao nước sở tại, vị đại sứ mới được bổ nhiệm phải thu xếp với Lễ tân để trình thư và tiếp kiến nguyên thủ quốc gia.