Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Đi trong lốc xoáy-Các chương 14,15,16,17



Chương 14.

          Dung tự mình lái chiếc xe Méc E500 màu đen từ từ rẽ vào khu trụ sở của Công ty TNHH Xây dựng Lê Trung Kiên. Nghe tiếng còi quen thuộc, người bảo vệ vội vã chạy ra mở cổng. Dung đưa xe vào chỗ đỗ, mở cửa bước ra, lộng lẫy dưới ánh nắng chan hòa. Chiếc áo bồng vai màu trắng tinh khiết với những nẹp đăng ten mỏng tuyệt đẹp bó gọn cơ thể người phụ nữ trưởng thành, chiếc váy hoa mỏng lật phật trước gió nhẹ, Dung lấy trong túi xách Lu-i Vút-tông ra chiếc kính râm mắt to đeo lên, nhân thể đưa tay vuốt nhẹ mái tóc mềm đen bóng ra sau rồi đi thẳng vào khu nhà ba tầng là khu cơ quan, vừa lúc gặp cô thư ký của Kiên đi ra.
          - Ủa, chị Ba, chị đẹp quá trời ! Chị tới sao không kêu trước cho em ?
          - Chị tới coi anh Hai về chưa, lần này ảnh đi lâu dữ há.
          - Chưa có về đâu chị, ảnh còn bên đất Campuchia,  phải hai giờ chiều mới về tới cửa khẩu.
          - Vậy à, chắc chị đi cửa khẩu đón ảnh quá à.
          Khi Dung quay ra xe thì bỗng nghe có tiếng trẻ oe oe khóc ở khu nhà tập thể của nhân viên. Dung ngạc nhiên hỏi cô thư ký :
          - Có ai mới sinh em bé đó ?
          - Hổng có, chị này là người nhà của sếp, mới vô sinh con được hơn một tháng.
          - Chị đâu có nghe ảnh nói người nhà nào ?
          - Ủa…
          - Mình vô coi được không em ?
          - Dạ.

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Đi trong lốc xoáy-các chương 10,11,12,13



Chương 10.

          Tuất không ngủ muộn được nên từ rất sớm, khi VTV3 vừa phát chương trình hướng dẫn tập y-ô-ga, đã bảo lái xe đưa mình lên Bờ Hồ, vào cà phê Gió Hồ Gươm. Đường phố lúc này còn vắng, Tuất mở toang kính xe cố hít lấy chút không khí trong lành của ban mai Hà Nội. Tên là Gió Hồ Gươm vì ở gần Hồ Gươm chứ thực ra quán  này toàn dùng gió điều hòa, những lúc mất điện khách nóng muốn chết. Được cái trang trí khá tinh, mấy bức tranh phong cảnh sơn dầu ký tên họa sĩ   Quốc Tuấn còn tạm có thể gọi là nghệ thuật, khách ngồi trong quán  có thể trông ra hồ, mặt hồ xanh màu cổ kính là cái màu xanh rêu phong đặc quánh chỉ xanh ở Hồ Gươm. Bên bờ hồ, các ông bà có tuổi vô tư đứng vẩy tay, tập theo bài “Đạt ma dịch cân kinh” trong khi một đôi tình nhân trẻ bắt đầu ngày mới bằng cách điềm nhiên vắt vai nhau ngồi trên ghế đá. Trong quán lác đác đã có mấy người ngồi đọc báo An ninh Thủ đô trước phin cà phê lững thững nhỏ từng giọt, mặc kệ sự đời tha hồ hối hả ở bên ngoài.
          Tuất vừa đặt đít vào cái ghế ở chỗ quen thuộc thì một cô nhân viên đã đon đả :
          - Anh Tuất ăn sáng chưa ?
          - Ngủ dậy ra đây ngay, ăn vào đâu.
          - Anh ăn gì để em gọi ?
          Cái sự ăn sáng của Tuất bây giờ cũng trở thành phức tạp, phức tạp ở chỗ không biết ăn cái gì. Thường thì nó rất thích ăn phở, lúc đầu chỉ ăn phở vỉa hè của cô Tèo cạnh chung cư Nơi Sum Họp rồi tiến lên ăn phở Bát Đàn nổi tiếng Hà thành. Người ta lại mới giới thiệu cho Tuất một chỗ ăn phở vừa sang vừa ngon, là nơi lấy bát phở đậm chất quốc hồn quốc túy để tụ tập nhau của các doanh nhân. Doanh nhân thì có bao giờ tụ bạ để chém gió không đâu, chỉ có các quý ông công chức về hưu mới rỗi hơi ngồi tào lao ở công viên hoặc quán cà phê rẻ tiền, chứ còn doanh nhân, họ gặp nhau là để quan hệ, là thua và được. Là tiền ! Cái nơi lấy bát phở làm cớ gặp nhau này chính là một khách sạn lớn, phở ở đây ngon hết chỗ nói, đắt cũng hết chỗ nói, bởi thế các quý ông công chức về hưu chỉ nghe mà không bao giờ nhìn thấy bát phở chứ đừng nói đến thưởng thức. Đôi ba lần đầu vào ăn phở chỗ này Tuất thật sự khoái, nó chỉ chăm chú vào bát phở nóng giãy, mùi thơm hoi hoi béo ngậy thoát lên từ những miếng nạm bò Úc đã mềm lại giòn, ăn xong Tuất bê cả tô lên húp nước soàn soạt. Sảng khoái thật. Thế nhưng bây giờ Tuất ít đi ăn phở ở đây vì nó ghét phải chào hỏi nhau nhiều quá. Mệt, ăn bát phở không yên nên mất ngon, vừa cầm đũa đã phải đứng lên bắt tay, khi thì sếp này, lúc thì sếp kia,  toàn những người mà doanh nhân gọi là khách ăn kèm, ghét nhưng vẫn nhất quyết phải mời bằng được.

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Đi trong lốc xoáy-các chương 6,7,8,9



Chương 6.

          Một lần, khi đang ngồi trực, Khe thấy có hai vị khách sang trọng đi vào chung cư, vừa đi vừa trao đổi huyên thuyên, để rơi vào đầu nó một câu mà Khe nhớ mãi : “muốn là được”. Sau gần một năm làm việc với Tuất, mỗi khi nhớ tới câu “muốn là được”, Khe quả quyết rằng hai vị khách kia đã sai bét. Ở đời không phải cứ muốn là được, đó là điều chắc chắn ! Nói theo lối nói của dân đánh đề như con vợ nó thì “Cô” phải cho, “Cô” cho thì được, “Cô” không cho thì tha hồ vật vã, bươn trải, xoay xỏa thế nào cũng thế thôi. Như nó, vận may chưa bao giờ đến với nó như đến với thằng Tuất, mà, ngoài chuyện thấp hơn một cái đầu thì nó có gì thua kém Tuất đâu, ấy là chưa nói so với Khe, Tuất chỉ là một chíp hôi ngoại tỉnh vừa ra Hà Nội, biết cái quái gì. Vậy mà, mới hơn một năm Tuất đã bắt thằng Khe phải nể phục bởi Tuất kiếm được nhiều tiền quá, bộn tiền. Không thể không phục nó được, nhưng, cũng là ở mức khẩu phục, chưa đến mức tâm phục. Khe cho như thế là phải, là hợp với lẽ đời bây giờ, đời bây giờ thiên hạ toàn khẩu phục, làm gì có mấy ai tâm phục ai đâu. Khe chịu khẩu phục Tuất cũng là một sự kiện trong năm rồi. Vì thế chúng nó không mày tao với nhau nữa, Khe bắt đầu gọi Tuất bằng anh, xưng em mới kinh. Gọi lần đầu ngượng mồm quá, hơn nhau gần chục tuổi mà bỗ bã mày tao đã là quá lắm rồi. Gọi lần hai vẫn còn ấp úng, lần ba trở đi thì cứ như đã được bôi trơn, trơn đi tuồn tuột, khiến chính Khe cũng ngạc nhiên rằng đáng lẽ Khe phải gọi Tuất bằng anh xưng em từ lâu mới đúng. Lúc đầu Tuất nghe Khe gọi anh xưng em với mình cũng ngỡ ngàng lắm, nhưng cái ngỡ ngàng ấy chỉ ngắn ngủi đâu trong có vài ba ngày đầu rồi biến mất. Đồng tiền của Tuất đã quen đối xử với thằng Khe như kẻ dưới. Có tiền, có quyền là có thuộc hạ. Chẳng khối gì người đã bạc tóc mà còn gọi sếp trẻ bằng anh xưng em, huống gì thằng Khe.

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Đi trong lốc xoáy - Tiểu thuyết của Thăng Sắc, các chương 3,4,5.


Chương 3                       


          Vang, người cháu con ông anh của ông Điển, chính là người đã xin cho Tuất làm bảo vệ ở chung cư Nơi Sum Họp, một chung cư cao cấp nằm trong khu đô thị mới ở bìa Hà Nội cũ. Hà Nội cũ là Hà Nội của mấy khu Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, còn lại thì đâu cũng có thể coi là mới, ấy là dân gian gọi thế chứ làm gì có sách vở tài liệu nào quy định. Vang đợi ở nhà ông Điển, nóng ruột nên chốc chốc lại giơ đồng hổ lên xem.

          Mãi chiều tối hai anh em Tuất mới tới. Từ ngoài cửa Tuất đã to mồm rổn rả chào mọi người. Ông Điển mở cửa cho chúng nó vào, thở phào nhẹ nhõm.

          - Sao các cháu về muộn thế, bố mẹ bên ấy thế nào ?

          - Cám ơn bác, thầy u cháu khỏe ạ, dặn chúng cháu cám ơn bác cho chúng cháu ở nhờ, cám ơn anh Vang tìm việc cho cháu.

          - Tao đợi mày từ chiều chứ không tao cũng ngoài công ty rồi. Bây giờ đi luôn đến chung cư hay để mai ?

          - Đi luôn được thì em đi ngay.

          - Thế thì đi, người ta lo sẵn cho mày hết rồi. Cái Thư ở đây đến mai anh  đưa vào trường, ngay Cầu Giấy ấy mà. Còn thằng Tuất đi luôn với anh.

          Hai anh em đi vòng vo qua những con phố chính trước khi thoát ra ngoài cửa ô, khoảng nửa tiếng sau đến một tòa chung cư đồ sộ, đứng ở cửa ra vào mà ngửa cổ nhìn lên không thấy tầng cuối. Thằng Tuất không tỏ ra lạ lẫm, nó xem vô tuyến suốt ấy mà, chung cư cao cấp thì cũng là chung cư chứ có gì đâu. Nó phăm phăm đi theo Vang tới gặp anh bảo vệ. Anh này trông nhỏ con, đầu đội mũ kê pi, áo màu xanh da trời có gắn một cái ngù đỏ trên vai, quần xanh nước biển trông rất oai nhưng chân lại đi dép lê trắng. Anh ta cứ ngồi ngả lưng ra ghế rất thoải mái khi Vang đi đến và nói :

          - Theo hẹn tôi dẫn tới nhân viên bảo vệ mới đây, mọi việc đã thỏa thuận với sếp của anh hết rồi.

          Nghe đến sếp anh này mới ngồi bật dậy.

          - Vâng, sếp có dặn em rồi, anh yên tâm.

          - Thằng Tuất thu xếp ăn ở nhanh chóng rồi làm việc ngay nhé, cẩn thận đấy, phải cố gắng chứ đừng để mất mặt tao.

          - Yên tâm đi anh Vang, em làm cho anh được chứ không để anh mất đâu mà lo.

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Đi trong lốc xoáy-Tiểu thuyết của Thăng Sắc, các chương 1,2.

Thăng Sắc xin giới thiệu với bạn đọc Tiểu thuyết Đi trong lốc xoáy, NXB HNV, 2015


Chương 1.


          - Nó mà tòi ra con bê đực thì cái Ly thôi học !
          Bằng giọng khàn đặc của người nghiện thuốc lào, ông bố Ly đã nói như thế lúc chiều nay, khi con bò cái cong đuôi lệch sang một bên, mông tóp lại, rắm rít tuôn ra ùm ùm. Đấy là những dấu hiệu con bò đen khoang trắng gốc Hà Lan của nhà nó sắp đẻ. Chuyện bò đẻ đối với người dân Thung Củ là chuyện lớn, luôn được chờ đón, tiền là ở cái bụng con bò chửa căng tròn kia. Ở Thung Củ người ta gọi trâu, bò, gà, lợn…là những “con của”. Nhiều người thành tâm mang vàng hương ra tận mộ ông bà bố mẹ ở giữa đồng, khấn vái, cầu xin những người thân ở thế giới bên kia độ cho “con của” đẻ ra con bê cái. Ông bố Ly không làm thế, chỉ lấy bàn tay thô nhám với những ngón tay dùi đục xoa xoa vỗ vỗ lên mông con bò và nói với Ly :
          - Chắc chỉ đêm nay thôi. Mày phải thức canh chừng, hễ bò đẻ thì gọi ngay bố dậy.
          Tiếng gáy i ỉ của lũ dế trong vườn và mấy tiếng chó sủa vu vơ làm cho đêm nhà quê tối như mực càng thêm im ắng, khiến cho Ly, tuy đã quen với khung cảnh này mà vẫn thấy rợn. Nó ngồi thu lu ở góc giường, thỉnh thoảng lại đập muỗi đánh cái bốp. Những cơn gió cuối hè tha hồ lùa qua cửa sổ vào tận trong nhà, thoải mái mang theo cái mát lạnh về sáng kèm mùi nước đái bò khai nồng nặng nề.
          - Sao không chợp mắt đi một lúc ?
          Hóa ra bố nó cũng chưa ngủ, thảo nào Ly không nghe thấy tiếng ngáy như cối xay lúa của ông. Mẹ Ly cựa mình yếu ớt. Bà bị ốm từ lâu nay nhưng chưa tìm ra bệnh, vay mượn thuốc thang đã bộn tiền mà chưa thấy dấu hiệu thuyên giảm. Bây giờ cả nhà đang thao thức chờ đợi vào cái sự kỳ diệu của con bê nằm trong bụng mẹ kia. Nó mà là một con bê cái thì ngay lập tức sẽ có giá hơn chục triệu đồng, còn một con bê đực thì coi như công cốc. Bởi vậy Ly buồn ngủ nhưng không dám chợp mắt, ngồi nôn nóng chờ xem đêm nay số phận sẽ cho cô con bê đực hay con bê cái. Những ý nghĩ về việc có được học tiếp hay phải thôi học đang lơ mơ luẩn quẩn trong đầu thì Ly giật mình nghe tiếng con bò rống lên, ò ò vang rền như là muốn  báo hiệu một sự kiện trọng đại, phá vỡ cái yên tĩnh vẫn đang còn đặc quánh. Ly vội vàng bật đèn, chưa kịp gọi thì ông bố đã vùng dậy, hai bố con chạy ào ra chuồng bò. Con bò khoang  ưỡn đầu lên rặn đẻ, nước dịch chảy ra ướt đẫm phía sau, một cái bọng chui ra từ chỗ ấy, nước lầy nhầy chung quanh. Ông bố Ly kêu cô đưa cho  cái xô nhựa, lấy tay bấu vào cái bọc, nước trong bọc vàng như nước chè òa chảy vào xô. Hàng tháng nay ông đã đi hỏi mọi người cách đỡ đẻ cho bò nên ông làm việc ấy có vẻ thành thạo.  Những người nuôi bò truyền nhau rằng phải lấy cái nước ấy cho con bò uống thì nó đẻ mới nhanh, vậy nên ông bố Ly cứ ấn cái xô vào miệng con bò trong khi nó chỉ chịu thè lưỡi liếm rồi lại ngẩng đầu lên mà rống. Ly sốt ruột và lo lắng đứng sau, bỗng thấy hai khúc chân như hai cái que củi khẳng khiu thò ra thì vui mừng reo lên:
          - A, nó đẻ rồi bố ơi.