Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

QUAN HỆ VIỆT TRUNG 2011 QUA GÓC NHÌN ÔNG VŨ KHOAN

 
Có người không hiểu cho cái đó (giữ cầu đối thoại), có người trái tim nóng nhưng đầu không lạnh, thậm chí một số ít người lợi dụng để kích động, vì những tính toán riêng..., còn công tác tuyên truyền lại không kịp thời. Nên nhìn sự việc một cách thấu đáo, toàn diện chứ cứ trách cứ nhau. Điều đó chỉ có lợi cho những người muốn "tọa sơn quan hổ đấu", đứng xem chúng ta tranh luận, oán trách nhau. - nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan


LTS: Nhân kết thúc một năm với những sự kiện đối ngoại đáng chú ý, mục Gặp gỡ & Đối thoại tuần này xin được giới thiệu cuộc trao đổi của phóng viên Tuần Việt Nam với Cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan xung quanh Năm Đối ngoại 2011.
Ông Vũ Khoan là nhà ngoại giao hiếm hoi tham gia quá trình bình thường hoá và phát triển quan hệ của Việt Nam với cả Trung Quốc, Mỹ và ASEAN - ba nội dung chính của cuộc trao đổi này.
Quan trọng hơn, ông là một trong số không nhiều những vị lãnh đạo đã nghỉ hưu mà vẫn dõi theo những tiến triển của thời cuộc, và đưa ra cho những người kế nhiệm, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại, những gợi mở quan trọng cho công tác hoạch định chính sách. Hay như nhận xét của một quan chức ngoại giao đã tham dự Hội nghị Ngoại giao vừa rồi tại Hà Nội, ông là một "forward thinker".
Cam kết bằng giấy trắng mực đen
Theo đánh giá của ông, sự kiện đối ngoại nào của Việt Nam được coi là quan trọng?

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

HIỂU THẾ NÀO VÀ LÀM GÌ ĐỂ TÁI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ ?

Tô Văn Trường 

Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư xây dựng Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 tháng 5/2012. Lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng từ lãnh đạo đến các nhà khoa học, người dân thường nhắc đến nội hàm thuật ngữ tái cơ cấu, tái cấu trúc nền kinh tế theo nhiều góc nhìn, cách hiểu khác nhau.

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

CÂU LẠC BỘ HƯU TRÍ NGÀY CUỐI NĂM

Thăng Sắc
Lên Câu lạc bộ hưu trí của Bộ Ngoại giao vào những ngày cuối năm thật là vui. Những người về hưu lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng là vui rồi, lại vui thêm nữa vì cuối năm được nhận quà. Quà của Câu lạc bộ không phải là một món to, chỉ có 50.000 thôi, nhưng mà ý nghĩa thì quả là lớn. Chẳng thế mà có người bỏ ra trên dưới 100.000 đi taxi đến Câu lạc bộ để nhận về phần quà chỉ bằng một nửa tiền taxi.
 Gặp nhau tay bắt mặt mừng

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

LÊ NGUYỄN KỂ CHUYỆN NGOẠI GIAO - IV

                         CỐ NÉN “BẦU TÂM SỰ”.

Mùa hè năm 1974, tôi có chuyến công tác sang Argentina với tư cách là “lính đánh thuê” của Trung ương Đoàn thanh niên đi dự Đại hội Đoàn thanh niên cộng sản bạn. Nói là công tác cho oai vậy thôi chứ thực tế là đóng vai thông ngôn cho đoàn.
Bấy giờ Hiệp định Hòa bình Paris đã được ký kết, chiến tranh phá hoại ở miền Bắc đã chấm dứt nhưng tình hình miền Bắc vẫn đang nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế, đời sống của cán bộ, nhân dân vẫn dựa vào tem, phiếu.

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Lều văn xin gửi tới bạn đọc lời chúc Giáng sinh và chúc mừng Năm mới.
Xin bấm vào  đường dẫn dưới đây bởi vì những lời chúc trong clip cuả bạn Thanh Hiếu cũng là những lời chúc mà Lều văn muốn gửi tới mọi người.


http://vn247.net/flash/a-gift.swf<http://vn247.net/flash/a-gift.swf>

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

TỪ THÙ ĐỊCH ĐẾN ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC

(Phát biểu của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại Hội thảo ngày 21 tháng 12 năm 2011 nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày kiến lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn quốc)

Thưa Ngài Đại sứ,
Thưa quý bà, quý ông,

          Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đã có nhã ý mời tôi tới dự cuộc hội thảo rất có ý nghĩa này nhằm kỷ niệm lần thứ 20 ngày kiến lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Niềm vui của tôi không chỉ phản ánh tâm tư của một người dân Việt Nam trước những bước phát triển mạnh mẽ của sự hợp tác giữa hai nước chúng ta mà còn là cảm xúc cá nhân của một người đã từng trực tiếp tham gia vào quá trình đó. Nhân dịp này tôi muốn chia xẻ cùng quý vị một số hoài niệm và một số suy nghĩ riêng tư về mối quan hệ này.

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

MÔT BÔNG HỒNG


 
Tác giả : Pierre GAMARRA (1919-2009) : Nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học Pháp, Nguyên Tổng biên tập « Europe », tạp chí văn học rất uy tín của Pháp. Ông đặc biệt nổi tiếng với thơ và truyện viết cho trẻ em.

Người dịch : Vũ Đức Tâm

Hằng năm, cứ đến dịp Noël, theo cơn gió lạnh cuối năm, lại ùa về trong tôi những kỉ niệm thật khó quên về cái lễ Noël xa xôi ấy bên những người bạn Pháp ở vùng Pyrénées, nơi mà lần đầu tiên trong đời tôi được trông thấy những bông tuyết bay bay mà cứ ngỡ là những bông hoa trắng ngần. Dãy núi tận cùng phía Tây Nam nước Pháp này cũng chính là bối cảnh của truyện ngắn « Một bông hồng » của Pierre Gamarra. « Một bông hồng » gợi nhớ  kỉ niệm xưa hay ngược lại tôi cũng không rõ nữa, chỉ biết cả hai đều làm tôi bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người.
Rồi tôi liên tưởng đến « Một cành  mai » trong hai câu cuối bài kệ của Mãn Giác Thiền sư : « Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai » mà hòa thượng Thích Thanh Từ dịch là : « Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua-sân trước-một cành mai. »
Một bông hồng của nhà văn châu Âu, một cành mai của thiền sư châu Á không hẳn cùng nghĩa nhưng đều là những viên ngọc quí, lấp lánh trong cái thời buổi nhiễu nhương khi mà mọi giá trị hình như bị đảo lộn, khi mà chúng ta đã nhiều lần rung chuông báo động về sự vô cảm đã tràn lan…

VĐT

Ở cái làng lọt thỏm trong dãy Pyrénées nơi tôi dạy học hồi ấy, có một cậu bé sống với cha mẹ và chị trong một căn nhà hẻo lánh. Gia đình cậu không giầu, sống nhờ vào một vài mảnh đất  và một con bò cái. Bố cậu bị thương trong một lần đi rừng lấy củi năm trước. Vết thương mãi không khỏi và tiền cứ cạn dần.

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

SỐNG XANH


Hoàng Hải, ông bạn họa sĩ gốc ngoại giao rủ tôi đi thăm Đức Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị INT, một tổ hợp nghỉ dưỡng sinh thái có tên là Kỳ Sơn xanh tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội tầm trên 50 cây số. “Đi đi, hay lắm đấy-Hoàng Hải nói-, lão ta không đơn thuần chỉ là một nhà doanh nghiệp đâu. Lão đam mê với thiên nhiên chẳng khác gì tôi vẽ và anh viết vậy, đam mê tới mức mà chính lão đã đề ra một triết lý sống : sống xanh”.
Tôi theo anh Hoàng Hải vào một chủ nhật rét đậm và nhiều sương mù của cuối tháng 12 năm 2011, một năm quả thật có nhiều khó khăn đối với giới kinh doanh bất động sản. Tuy vậy đón chúng tôi vẫn là một chủ doanh nghiệp dày dạn, chắc chắn nhưng rất lạc quan. Cái nét nổi bật lên ở con người từng trải trong kinh doanh này là sự sôi nổi cuốn hút, những hiểu biết trải nghiệm đã được chắt gạn ra từ gan từ ruột, từ những thử thách cam go trong cuộc làm ăn kinh tế. Chẳng thế mà anh đã nói với tôi : “ Thời gian qua kiếm tiền không khó, làm giàu không khó, vượt khó cũng không khó, nhưng sao mà làm thật, trả sản phẩm về cái thật thì nó khó đến vậy !”.
Tôi lặng lẽ nghe anh nói, nhìn anh đôn đáo trên công trường và hiểu rằng Đức Hải đang làm hết mình để chuyển cái đam mê “sống xanh” của anh sang cho mọi người, một cuộc sống mà ở đấy con người thực sự được hòa quyện vào môi trường thiên nhiên và văn hóa. Đức Hải đang cùng đồng đội của mình tạo ra một Tổ hợp nghỉ dưỡng sinh thái phục vụ nhu cầu du lịch trong ngày, du lịch lưu trú, và đặc biệt là nhu cầu ngôi nhà thứ hai của rất nhiều người dân Thủ đô Hà Nội bây giờ.
Đức Hải say sưa nói cho tôi nghe về triết lý “sống xanh” của anh. Tự nhận thấy không thể nào thể hiện lại được hết những ý tứ do chính anh chắt gạn từ tìm từ não mình, tôi đề nghị anh để tôi được giới thiệu với bạn đọc Lều Văn nguyên văn những gì anh đã viết.
Từ trái sang phải : Lão nông Đỗ Công Minh, Họa sĩ gốc ngoại giao Hoàng Hải và Chủ tịch INT Đức Hải
SỐNG XANH
Tâm nhàn, trí sáng xưa nay tốt
Thoả chí phong lưu giúp ích đời
Tiết đông se lạnh, trời trong sáng báo hiệu một mùa xuân ấm áp, trăm hoa bừng tươi khoe sắc; Một năm đầy bộn bề, lo toan của mỗi người sắp qua đi; Một năm mới dù đầy phong ba bão tố nhưng cũng không ít cơ hội và sự thành công đón chờ.
 Xuân về tết đến, cái cụm từ đơn giản từ ngàn xưa đến nay vẫn đẹp và thanh thản lạ! Tết chính là dịp để mỗi chúng ta nhìn lại đoạn đường đã qua và chuẩn bị cho một năm mới. Tết cũng chính là lúc tâm trí chúng ta được nghỉ ngơi thư thái trong không khí gia đình ấm áp. Tết đến xuân về cũng chính là dịp để bạn gác lại những lo toan xoá đi ưu phiền. Để đất trời bồi đắp sức sống cho những hoài báo ước mơ của mỗi người. Để cuộc sống có ý nghĩa hơn, gia đình hạnh phúc hơn và cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi là một người may mắn từ nhỏ đã có được tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp của cuộc sống. Từ một mối cơ duyên được làm trong lĩnh vực đầu tư quản lý phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Với ước mơ tìm kiếm cái đẹp tạo dựng một không gian xanh, một cuộc sống xanh, một bất động sản du lịch xanh bền vững nhằm tôn vinh thiên nhiên, tôn vinh văn hoá, tôn vinh môi trường và con người. Mang lại việc làm cho người lao động, mang lại thành công cho các cộng sự, góp phần tạo nên một sản phẩm du lịch bền vững, đóng góp cho sự phát triển xã hội cộng đồng.
Chúng ta đều hiểu mong ước là một chuyện. Nhưng nhận thức và sự thành công lại là một quá trình hình thành trong lao động, trong trải nghiệm. Nhưng chân lý luôn giản đơn, thật rõ ràng và cũng chẳng hề khó khi thực hiện.
“Sống xanh” là một chân lý mà tôi tìm được trong quá trình lao động, thực hiện ước mơ xanh của mình.
Một ngôi nhà nghỉ cuối tuần trong khu Melody thuộc INT
“Sống xanh” chẳng hề xa lạ, nó ở ngay trong mỗi chúng ta. Nó chính là cái phần nhân văn trong cuộc sống. Hiện nay nó khó nhận biết, bị che lấp bởi những toan tính bộn bề của cuộc sống hiện đại.
“Sống xanh” khi chúng ta tìm được nó trong chính mình, chắc chắn sẽ tạo nên nhiều giá trị đích thực, đôi khi cả những kỳ tích ngoài mong đợi.
“Sống xanh” sẽ giúp các cá nhân, các chủ đầu tư đặc biệt là đầu tư du lịch hoàn thành kế hoạch thuận lợi hơn. Tạo dựng nên không gian hợp tác xanh, văn hoá phối hợp xanh, môi trường xanh, dịch vụ xanh tinh tế hoàn hảo. Các giá trị bạn tạo dựng trong mô hình của mình sẽ hài hoà tương hỗ phát triển bền vững hơn. Chắc chắn tính cạnh tranh, khả năng thu hút và lợi nhuận của bạn sẽ bền vững hơn.
“Sống xanh” sẽ giúp mỗi người cư xử nhân văn hơn, sâu sắc hơn, khoẻ mạnh hơn và thành đạt hơn. Để rồi mỗi người được tự hào về bản thân, được giúp đỡ mọi người, được thanh thản trong quá trình làm giàu vẫn giữ được sự thanh tao sang trọng.
Ngồi nghỉ bên bờ suối, nơi đây hàng trăm cây mơ sẽ được trồng vào mùa xuân năm nay và con suối sẽ được đặt tên là Suối mơ
Nói về triết lý “Sống xanh”. Từ ngày tôi phát hiện ra chân lý đơn giản đó còn nhiều và rất nhiều ích lợi mà mỗi chúng ta đều có thể tự phát hiện ra. Khi có nó, chắc chắn mỗi người sẽ tìm ra nhiều giải pháp tích cực vượt qua cản trở, nâng đỡ thành công.
Tết đến xuân về trong năm 2011 xã hội đầy biến động khó khăn, lo lắng đã gõ cửa từng gia đình. Trong bối cảnh đó chúng ta lại càng cần thanh thản hơn để duy trì những giá trị tích cực đang có, để tìm giải pháp tốt cho các vấn đề khó khăn của mình.
“Sống xanh” chắc chắn sẽ giúp chúng ta hoàn thành mơ ước. Trên thực tế “Sống xanh” đã tiếp sức cho tôi mang lại cho tôi sự thành công, niềm tự hào về những giá trị đã tạo lập trong suốt 12 năm làm việc trong lĩnh vực đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Xuất phát điểm từ những mảnh đất khô cằn sỏi đá che lấp những giá trị thiên nhiên kỳ tuyệt, từ niềm đam mê và một vài cộng sự. Đến nay chúng tôi đã có một tập thể mạnh, gắn kết đang sở hữu một tổ hợp nghỉ dưỡng sinh thái Kỳ Sơn xanh bền vững. Một mô hình đầu tư có khả năng hoàn thành trong 3 năm tới cho dù điều kiện xã hội có những khó khăn biến động nhiều hơn nữa.
Tết đến xuân về “Sống xanh” lại một lần nữa giúp chúng tôi đưa ra sớm hơn dự định sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái “giảm stress, tăng tính nhân văn, sự hoà hợp với gia đình và tập thể” để phục vụ xã hội và du khách dịp Tết cổ truyền này.
Chúc bạn thành công và vượt qua tất cả!
Chúc bạn đón “Sống xanh” tới thăm nhà vào mùa xuân 2012.

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

PHỎNG VẤN NHÀ CHÍNH TRỊ, NHÀ THƠ TRẦN VIỆT PHƯƠNG

Bài này của tác giả Tạ Thị Ngọc Thảo thật là hay, xin mọi người đừng bỏ qua.


Lời giới thiệu: Khi tôi hỏi, “Thưa chú, cháu muốn viết vài dòng giới thiệu về chú thì, theo chú, cháu nên viết như thế nào cho đúng, đủ và không thừa ạ?
Chú Trần Việt Phương trả lời rằng, “Chỉ cần một dòng thôi, không tới vài dòng đâu cháu ạ: Trần Việt Phương, tên khai sinh Trần Quang Huy, người Hà Nội gốc, sinh năm 1928, hoạt động yêu nước từ năm 1944 và làm thơ từ năm 1960.
Tôi hỏi xen ngang, “Thưa chú, chú định làm thơ cho đến bao giờ?”. Không suy nghĩ, chú Trần Việt Phương nói như nói từ trái tim ra, “Chú nghĩ rằng người làm thơ cần tự biết mình, khi không còn sức sáng tác thì nên dừng lại. Có một nhà thơ đàn anh dặn chú: “Có thể gắng làm thơ, nhưng đừng gượng làm thơ”. Chú thấy lời dặn ấy rất đúng và chú xin làm theo như vậy”.   
                                           
Đợi chú dứt lời, tôi hỏi: Thế còn công việc phải làm của một chuyên gia cao cấp kinh tế - chính trị chú định bao giờ thì kết thúc ạ? Chú trả lời, giọng chú rất nhỏ: “Đó là nghiệp, không phải nghề, cháu ạ”.
Tôi nghĩ, giới thiệu chừng đó về chú chưa đủ, vội nêu ý muốn viết thêm dòng nữa, dòng đó như thế này đây: “Ông không tự nhận mình theo đạo Phật nhưng tất cả những gì toát ra từ ông, rất Phật". Chú đồng ý thêm câu này vào lời giới thiệu.
Chú là như vậy, và nội dung bài phỏng vấn này sẽ thể hiện như vậy: Một Trần Việt Phương bàng bạc Phật tính một cách tự nhiên, Phật tính mà như không Phật tính.
Bởi, Phật tính ở con người ông chính là tinh thần dân tộc Việt Nam ta.

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

KỶ NIỆM VỀ NGOẠI TRƯỞNG NGUYỄN CƠ THẠCH

Tác giả: Huỳnh Phan, Tuần VN

 "Đối với tôi Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một trong ba vị lãnh đạo để lại ấn tượng mạnh nhất. Ảnh hưởng của ông Thạch với tôi là bản lĩnh khi đương đầu với các vấn đề quốc tế, luôn tự tin, lạc quan, và luôn tìm mọi khe hở dù nhỏ nhất để tìm ra lối đi." - Cựu phóng viên VTV và Reuters Nguyễn Văn Vinh

Rất nhiều. Kể từ năm 1979 đến 1989, cứ một năm hai lần các ngoại trưởng của ba nước Đông Dương lại gặp nhau, rồi cấp cao thường niên ba nước Đông Dương, rồi JIM1 va JIM2, tôi đều đi cả. Đó là chưa nói tới cuộc phỏng vấn trong nước, hay các chuyến đi Đông Âu, hay Cấp cao thường niên của ba nước Đông Dương. Đó là chưa kể nhiều cuộc họp báo, hay phỏng vấn trong nước.

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

LÊ NGUYỄN KỂ CHUYỆN NGOẠI GIAO - III


             MỘT CUỘC TIẾP XÚC NHỚ ĐỜI

Năm 1988, tôi được nhà nước cử làm Đại sứ ở Liên bang Mexico. Theo thông lệ, sau khi trình quốc thư lên Tổng thống nước bạn, tôi lần lượt xin chào xã giao lãnh đạo một số bộ ngành nước sở tại và các đại sứ trong đoàn ngoại giao ở thủ đô Mexico, trong đó có đại sứ nước B.
Đại sứ hẹn tiếp tôi lúc 10 giờ sáng. Mật độ ô tô ở thủ đô Mexico rất cao nên chuyện tắc đường gây chậm trễ trong hoạt động ngoại giao thường xảy ra. May mắn tôi đến sứ quán nước B đúng hẹn, thậm chí còn sớm hơn vài phút. Đại sứ ra đón tôi tại tiền sảnh sứ quán, bắt tay niềm nở. Bỗng ông quay ra nhìn chiếc ô tô vừa đưa tôi đến (xe Nissan, nhỏ, cũ và không có điều hòa) và nói :
- Sao ngài Đại sứ đi xe này ? Đoàn ngoại giao ở Mexico hiếm người dùng xe này lắm.
Tôi hơi bị đột ngột nhưng cũng phản ứng lại một cách tự nhiên :
- Ngài Đại sứ thân mến, đúng là xe trông không đẹp, không sang nhưng nó làm việc rất tốt. Ngài thấy đấy, nó đưa tôi đến đây rất đúng giờ hẹn của Ngài, có sai phút nào đâu.
Đại sứ dẫn tôi vào phòng khách. Tôi hơi ngợp. So với phòng khách của Sứ quán mình thì nó rộng và sang trọng quá. Từ thiết bị, bàn ghế đến ảnh trang trí bên trong hầu như đều là sản phẩm từ nước họ đưa sang. Đại sứ hỏi tôi :
- Bây giờ chúng ta nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ nào đây, tiếng B nhé ? Hơi bối rối một chút, tôi trả lời :
- Thưa Đại sứ, chúng ta đang sống và làm việc ở Mexico nên theo tôi thì dùng tiếng bản địa (Tây-ban-nha) thì thuận và có ý nghĩa hơn.  Hơn nữa, thú thật với Ngài Đại sứ là tôi không nói được tiếng B.
Đại sứ cười nhẹ :
- Xin lỗi, lần đầu tiên tôi được tiếp chuyện một Đại sứ Việt Nam mà không biết tiếng B.
Tôi bắt đầu càm thấy khó chịu và trả lời :
- Thưa Đại sứ, đúng là trước đây dưới thời thuộc địa, rất nhiều người Việt nam biết và thông thạo tiếng B vì lúc đó trong các trường học, tiếng B là ngôn ngữ bắt buộc. Nay độc lập rồi thì trong các trường học, từ phổ thông cho đến đại học, người Việt Nam chúng tôi có quyền lựa chọn ngoại ngữ mà mình thích, hoặc tiếng Anh, tiếng B, hoặc tiếng Nga, tiếng Trung...Riêng tôi được nhà nước đào tạo chuyên ngành ngoại giao và chuyên sâu khu vực Mỹ La tinh nên đối với tôi, tiếng Tây-ban-nha là ngoại ngữ tất yếu, không thể thiếu được để phục vụ công tác. Thực tế là Ngài Đại sứ cũng đã học ngoại ngữ Tây-ban-nha và chúng ta cũng đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây-ban-nha đấy thôi !
Sau màn chào hỏi có phần không được suôn sẻ lắm đó, chúng tôi bắt đầu vào nội dung câu chuyện nghề nghiệp, trao đổi với nhau về mối quan hệ giữa nước B với Mexico, Việt Nam với Mexico...Buổi gặp sắp đến hổi kết thúc, Đại sứ B chuyển sang hỏi tôi về chuyện gia đình, con cái. Khi nghe nói chúng tôi có mang theo một cháu trai khoảng 8 tuổi, ông ta liền hỏi thế hiện cậu bé đó học ở đâu ? Câu chuyện chạm đúng vào tâm trạng của chúng tôi nói riêng và có thể nói đối với tất cả cán bộ ngoại giáo nói chung trong thời kỳ đó (những năm 90 trở về trước) mỗi khi được ra nước ngoài công tác. Nếu để các cháu nhỏ ở nhà thì không yên tâm vì thiếu sự chăm sóc, dạy bảo của bố mẹ. Nếu mang theo thì ngoài tiền vé tàu xe thì còn phải tính đến tiền ăn học vì sinh hoạt phí của cán bộ ta lúc đó quá ít ỏi. (Sinh hoạt phí của tôi cộng với của phu nhân khoảng 150 USD mỗi tháng). May mắn là thông qua quan hệ với Đại sứ Liên xô (lúc đó), cháu của tôi được nhận vào học miễn phí tại trường con em cán bộ sứ quán Liên xô tại Mexico.
Tôi nói với Đại sứ B, lúc đầu định cho cháu vào trường Mexico, nhưng cháu rất ngần ngại, chỉ muốn vào trường Liên xô nên hiện cháu đang học tại trưởng dành riêng cho con em cán bộ đại sứ quán Liên xô ở thủ đô Mexico. Tôi vừa dứt lời thì ông ta nói ngay :
- Sao Đại sứ lại cho cháu vào học trường Liên xô, ở đây cộng đồng người B chúng tôi có trường dạy riêng bằng tiếng B. Nếu Đại sứ thấy cần, tôi sẵn sàng nói giúp để cháu vào học trường B theo chế độ bán trú với mức học phí không đến 1000 USD một tháng !
Tôi chân thành cám ơn tình cảm và sự quan tâm của Đại sứ, hứa về hỏi nguyện vọng và ý kiến của cháu, nếu cháu thuận chắc chắn tôi phải làm phiền đến Đại sứ (thực tế chuyện đó đã không thể xảy ra).
Cùng với thái độ chân tình, cởi mở, Đại sứ B tiễn và chia tay tôi tại tiền sảnh.
Trong cuộc đời mấy chục năm làm ngoại giao, tôi đã có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với Đại sứ của nhiều nước khác nhau, từ Á, Âu đến châu Phi, châu Mỹ, nhưng cuộc tiếp xúc tôi vừa nói trên thực là hiếm có, một cuộc tiếp xúc nhớ đời.  

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

CÂU CHUYỆN XUNG QUANH HÌNH MẪU CHÍ PHÈO, THỊ NỞ

Tác giả :  Trần Thị Hồng

Giữa trưa một ngày nóng nực nhất trong tháng bảy gia đình tôi có khách đó là ba thanh niên. Vào tới nhà, sau khi chào gia chủ, họ tự giới thiệu:
- Chúng cháu là Đông Hồng đạo diễn và Quốc Anh diễn viên của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Thăng Long. Công ty có ý định dựng bộ phim hài, dựa theo tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, để trình chiếu trong dịp tết sắp tới.

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

NHÀ BÁO HUỲNH PHAN VỚI NGUYÊN THỨ TRƯỞNG NGOẠI GIAO LÊ BÀNG - PHẦN II

PHẦN II : Việt Nam với nước lớn hay chuyện lòng tin và lợi ích

Chúng ta phải phân biệt những cản trở mang tính kỹ thuật, và lợi ích thực sự của Mỹ ở Đông Nam Á, Đông Á - Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, và các mối quan hệ cụ thể trong từng lĩnh vực. Bởi ở mỗi thời điểm những cản trở mang tính kỹ thuật lại rất khác nhau.

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

NHÀ BÁO HUỲNH PHAN VỚI NGUYÊN THỨ TRƯỞNG NGOẠI GIAO LÊ BÀNG

 PHẦN I : RƠI VÀO VÁN BÀI NƯỚC LỚN, VIỆT NAM LỠ BƯỚC
Theo: tuanvietnam.net

LTS: Có thể nói trong quá trình bình thường hoá và phát triển quan hệ Việt - Mỹ gần 4 thập kỷ qua, ông Lê Văn Bàng là người chứng kiến và tham gia ở các mức độ khác nhau hầu như từ đầu tới cuối.
Từ một chuyên viên theo dõi tình hình thực hiện Hiệp định Paris, theo dõi báo chí và dư luận Mỹ để báo cáo cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Chính trị, đến vị trí phụ trách quan hệ của Vụ Bắc Mỹ.
Từ một trưởng phòng liên lạc, đại biện lâm thời, rồi trở thành đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ.
Thôi chức thứ trưởng ngoại giao vào đầu năm 2008, ông lại tham gia dự án KX03 về chính sách đối ngoại của Đảng, trong đó phần của ông là quan hệ song phương Việt - Mỹ trong các mối tương quan song phương và đa phương khác.
Kể từ tháng 4. 2011, ở tuổi 64, ông lại tham gia vào một chương trình khác liên quan đến hai quốc gia nhiều duyên nợ này - dự án bệnh viện Việt - Mỹ.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu của trao đổi với cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng về những dấu mốc trong tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, với cả những nỗ lực xích lại gần nhau và những hiểu lầm, những bước tiến và bước hụt, trong những bối cảnh lợi ích của hai bên tham gia tiến trình này bị tác động, chi phối bởi những lợi ích trong những mối quan hệ khác.

- Nhà báo Huỳnh Phan: Lần đầu tiên ông tiếp xúc với người Mỹ là khi nào?

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

CÂY CAU VÀO PHỐ

            Thăng Sắc


Cây cau vốn là hình ảnh của làng quê xưa nhưng bây giờ đã có nhiều người  đem cau vào phố. Hàng cau thẳng và đẹp nhất Hà Nội có lẽ là hàng cau hai bên lối dẫn vào chùa Trấn Quốc ở Hồ Tây, bóng cau soi nước mặt hồ làm tăng thêm nét êm bình của một ngôi chùa Việt. Nhưng đấy là cau trồng trong chùa. Bây giờ cau còn được trồng trong phố, trước nhiều khách sạn lớn hay trong sân vườn một số công sở. Nhiều hơn cả vẫn là cau trồng ở nhà riêng. Nhiều người đặt dưới gốc cau một cái vại sành, lấy bẹ cau làm máng hứng nước mưa. Ai đã từng một lần uống nước mưa hứng tàu cau thì chỉ nhìn cái vại sành đặt dưới gốc cau là đã thấy mát lịm, ngọt ngào. Có người còn công phu trồng cạnh gốc cau một khóm trầu không, dây trầu quấn quít leo quanh thân cau, chắc để nhắc tới câu chuyện tình xưa có hai anh em cùng yêu thương một người con gái.
Hà Nội đã quen với hình ảnh những người bán cau rong. Họ đèo sau xe đạp thường là hai cây, có khi ba bốn cây đã cao hơn xải tay, đi từ phố này sang phố khác. Đi gần họ có thể nghe được cả tiếng lá cau non lật bật lẫn trong tiếng máy xe còi xe inh ỏi.  Họ đến tận nhà người mua để trồng cây, hạ cây xuống hố rồi nắn nót cho cây cau đứng thẳng, đúng hướng, hoà hợp với khung cảnh xung quanh. Họ dặn khi cau bén rễ nên chôn quanh gốc một mớ ốc, cây sẽ lên xanh tươi. ở những công trình vừa xây dựng, người ta phải trồng loại cau vua, thân to một vòng ôm, cao tới sáu bẩy mét, lá to như lá dừa mới xứng với nhà cao tầng. Có to thật, nhưng thứ cau ấy để bên cạnh cau thôn quê chẳng khác gì thằng ngố khổng lồ bên cạnh cô thôn nữ duyên dáng. Bì sao được với cau ta !
Có cây cau trong phố là có cái loáng thoáng thôn quê trong nhộn nhịp Hà Nội. Mỗi nét cau là một nét chấm phá trữ tình trong bức tranh phố phường. Cau thôn quê nở hoa, thơm từ sáng đến tối, thơm thâu đêm. Cau trong phố cũng ra hoa nhưng không thơm được như thế. Thành phố thời hiện đại làm tan loãng đi ít nhiều những nồng nàn chân quê. Tuy vậy, chỉ loáng thoáng bóng cau cũng đủ làm dịu bao nỗi lòng, bớt đi nhiều mệt mỏi đô hội, làm cho tình cảm người ta lắng lại sau một ngày bươn chải.
Hà Nội đã hiếm người ăn trầu. Những buồng cau đều quả, bóng vỏ được đưa từ thôn quê về, chủ yếu chỉ dùng trong các lễ ăn hỏi. Người ta cắt chữ hỷ màu đỏ, nhỏ bằng đốt ngón tay, đem dán lên quả cau màu xanh vân vi, trông thật đẹp và trang trọng. Mẹ tôi đã sang tuổi tám mươi. Một sáng mùa thu, bà vừa bổ cau vừa bảo : các lễ ăn hỏi ngày nay, dù lịch lãm tân tiến đến đâu vẫn không thể bỏ qua miếng trầu quả cau.
Hỏi ra thì nhiều người muốn nhưng không phải ai cũng có thể trồng cau ở Hà Nội. Các cụ bảo “chuối sau cau trước” là vì vườn tược xưa rộng rãi, chứ người Hà Nội bây giờ lấy đâu ra lắm đất. Một mét đất mặt phố có khi đã là cả một sản nghiệp !
Những người trồng cau trong phố ai cũng nói vì nhớ quê. Trong số họ thế nào chẳng có người đã từng một thời ở làng, đã từng biết câu ca : “Ra vườn hái quả cau xanh, bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu”. Làm sao quên được những đêm trăng, hoa cau rụng sáng sân, phủ trắng nóc bể nước, vương như sao lấp lánh trên mái tóc người tình. Mùi hương hoa cau thanh bạch mà  nồng nàn, hít thở nó rồi thì thứ hương thơm tinh khiết ấy sẽ theo ta mãi, bền chặt trong ta bất kể thời gian, không gian. Chẳng thế mà nhiều cô bác ở xa về thăm quê đã không ngại ngần mua đôi cau cảnh đem theo sang tận xứ người, trồng vào chậu, đặt trong nhà. Không được cau ta, có bóng dáng cây cau cũng là tốt. Bóng dáng cây cau là bóng dáng quê hương, cũng làm dịu đi bao nhiêu khắc khoải nhớ nhà.



Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

BÁT MỲ

 Sưu tầm

Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách lạ, có thể đoán là một người cha và một người con. Người cha bị mù, người con trai đi bên cạnh ân cần dìu cha. Cậu con trai trạc mười tám, mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là một học sinh.
   


Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi. Cậu nói to: “Cho hai bát mì bò!”. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, khẽ bảo với tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi thắc mắc, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, tôi đoán cậu không đủ tiền, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười thông cảm với cậu. 

 
Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, thương yêu chăm sóc: “Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”. Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. “Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội”. Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt sạm nắng, nhăn nheo lại sáng lên nụ cười ấm áp và mãn nguyện. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên là người con trai không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, anh điềm nhiên nhận miếng thịt, rồi anh lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về bát mì của cha.
 
Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. “Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt”. Ông lão cảm động nói. Đứng bên cạnh họ, tôi chợt thấy tim mình thắt lại, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này”. “Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò là bổ dưỡng lắm đấy con ạ”.
Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai thực khách đặc biệt. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò thhơm phức, bà chủ đưa mắt ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thêm thịt bò.” Bà chủ dịu dàng bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỷ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng”. Cậu con trai không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa.
 
Chúng tôi âm thầm quan sát hai cha con ăn xong, tính tiền, rồi dõi mắt tiễn họ ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu dọn bát đĩa, chúng tôi bỗng nghe cậu kêu lên khe khẽ. Hoá ra, bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy xếp gọn, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò được viết trên bảng giá của cửa hàng./.

 Ta vẫn gặp trong cuộc đời nhiều người rất nghèo về vật chất nhưng lại giàu lòng tự trọng. Lòng tự trọng giúp ta có thêm nghị lực để ngẩng cao đầu, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, sống hạnh phúc vì luôn vững tin vào chính mình.
Lòng tự trọng với ánh hào quang chói lọi của nó sẽ trở thành lương tri con người  .


Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

PGS Trần Ngọc Vương: Cái gọi là hiếu học chỉ là hiếu danh

By NTZung, on October 13th, 2011

Đây là một bài phỏng vấn ông Trần Ngọc Vương (chủ nhiệm bộ môn Văn học Việt Nam Trung đại, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) về tình hình giáo dục VN
Là người đã nhiều năm nghiên cứu về văn hoá Việt Nam, PGS.TS Trần Ngọc Vương có những lý giải rất sâu sắc về sự  khủng hoảng các giá trị văn hoá, đạo đức cũng như thẳng thắn đưa ra những nguyên nhân của thực trạng này.
Có nhiều chuyện không ổn
Nhiều người cho rằng các giá trị đạo đức, văn hoá của ta đang bị đảo lộn?

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

CHÚ TƯ CON LÀ AI - Chương 16


Tôi thiệt không ngờ mọi việc lại xoay chuyển nhanh như thế, chuyện tôi với Chăm Rươn không phải duyên số định trước thì không thể chóng vánh như thế được. Sau cuộc nhậu chỉ có vài hôm Chằm Rươn đã mời má ảnh tới xin làm lễ hỏi. Chú Tư biểu tôi :
- Nó làm lẹ quá,  con tính sao ?
Tôi không giấu được tình cảm vui sướng, vội vàng biểu chú :
- Con biết tính sao nữa, chú ưng là con chịu ngay mà.
- Coi mắt con là chú biết con chịu rồi.
- Kìa chú… ! Chú ưng không ?
- Chú thì ưng rồi, mình đã qua một lần chồng mà nó thương mình nhiều vậy là hiếm có lắm chớ. Nhưng mà chú vẫn ngan ngán cái thằng này, nó có vẻ quậy dữ lắm, coi nó cầm súng doạ tụi kiểm cá thì biết.
Tôi im lặng. Chú nói tiếp :
- Nói vậy thôi chớ biết bao giờ mới gặp được người như nó. Bây giờ mình tính làm sao báo được cho dượng và má con.
- Chú tính dùm con đi, chú biểu con làm gì con cũng làm.
- Má con ở xa, chú tính mình mời ông bà Mười đứng ra đỡ cho bên nhà gái. Phải lẹ chớ không kịp với chú Ba Thẹo đâu, ổng làm tới ngay hà.
Quả thiệt chú Ba Thẹo về tới Bát-đom-boong là mét với má Chăm Rươn ngay, chú nói với bả là con trai bà khoái con gái người ta lắm rồi, giờ bà phải lên cưới cho nó, bên kia người ta đồng ý rồi.  Chăm Rươn mướn xe cho bà đi tới Puốc-sát, kiếm xuồng đưa bà tới tận ghe chú Tư. Tôi rước bả lên, ấp úng nói được mỗi câu chào dì, lấy cớ đi kêu ông bà Mười rồi ở lại luôn bên nhà Gấm. Ngó tôi xấu hổ lắm nên Gấm chọc tôi hoài
- Coi mày càng xấu hổ càng xinh ghê.
- Thôi đi Gấm, đừng chọc tao nữa có được không !
Thực ra thì trong lòng tôi vui lắm, chưa bao giờ tôi thấy một lúc vừa vui mừng, vừa hồi hộp lo âu đợi chờ như vầy. Gấm làm ra bộ bí mật, thì thào hỏi :
- Sắp thành cô dâu nữa rồi đó, đã hun ảnh chưa ?
- Tao nói mày có tin không đã ?
- Để coi mày nói gì chớ.
- Chưa hun.  Mới dòm thế thôi chớ chưa nói được tiếng anh em nào hết.
- Thiệt hả ? Vậy sao đòi cưới lẹ thế ? Mày có thương ảnh thiệt không ?
- Sao lại hỏi lạ vậy.
- Hai người thương nhau sao không hẹn nhau ra chỗ vắng ?
- Đâu có bạo dạn như mày với Xo. Vậy chớ Xo có ý mời ba má ảnh tới ra mắt ông bà Mười chưa ?
- Ảnh biểu ba má ảnh bị Pốt giết chết hết rồi, ảnh còn sống được là nhờ bộ đội Việt Nam.
- Vậy chớ ai tới hỏi cưới ?
- Ảnh nói lúc đó có khi phải nhờ đơn vị.
- Tụi bay hun nhau nhiều lắm rồi phải hông ?
- Tao gặp ảnh không hun không chịu nổi.
Đang nói chuyện thời chú Tư kêu tôi về. Bà mẹ Chăm Rươn nhìn tôi nem nép đi vô. Bà có vẻ vui mừng. Ông Mười được coi như chủ nhà gái đang nói tới việc cưới gả.
- Tôi nói vầy bà nghe được không, hai đứa nó thương nhau thì mình nhất trí gả. Chúng tôi cũng mừng lắm chớ, được thằng rể tử tế như thằng Rươn...
Bà mẹ Chăm Rươn ngắt lời :
- Trời đất ơi, tôi đẻ nó ra tôi biết, nó quậy dữ lắm nghe.
Chăm Rươn phản đối :
- Con quậy gì đâu má, nghịch ngợm chút xíu đâu kêu là quậy. Đời lính mà, bắn là bắn, quậy thì quậy mà đàng hoàng thì đàng hoàng ngay được đó má.
Chú Tư đề nghị :
- Thôi, tôi mời ông bà Mười với thím Năm bàn kỹ cho, chừng nào thì làm đám hỏi, chừng nào làm đám cưới ?
Ông Mười nhìn chú Tư, chú Tư ông Mười lại cùng nhìn bà má Chăm Rươn.
- Phải nhờ thầy xem ngày cho chớ sao. Giờ là tháng tư, để đến tháng mười là đẹp.
Nghe má nói thế, Chăm Rươn tỏ ra sốt ruột :
- Má nói vậy đâu có được, má tính ngày công tác của con chớ sao tính ngày thầy cho. Con tính rồi chú Tư, ngày sáu tháng sáu con lên làm đám hỏi, gộp vô làm đám cưới luôn.
- Đó, ông bà với chú Tư coi, toàn nó ra lịnh mình chớ mình đâu có quyền gì. Mình nhất trí với nó chớ ông bà ?
- Dạ, chúng tôi nhất trí.
Tôi thấy cả ông bà Mười, cả chú Tư đều bất ngờ về quyết định nhanh chóng vậy. Chưa biết chừng họ nghĩ có người rước tôi đi là phước lắm rồi chớ cần gì mà đòi hỏi này kia. Tôi không dám oán họ mà chỉ tủi thân, giá như tôi đừng có một lần chồng, đừng bị những tháng ngày tăm tối trước đây dày vò thì tôi đã có thể đòi nhà trai sắm cho thứ này thứ nọ. Nghĩ thế thôi chớ thân phận mình như vầy đâu dám đòi hỏi. Lại nghĩ tới con Gấm, ba má anh Xo chẳng còn, cưới hỏi không chừng phải nhờ đơn vị, như thế chẳng phải là tủi lắm hay sao.
Sau một lúc im lặng, chú Tư thong thả nói :
- Thím Năm ạ, chúng tôi cũng đều là dân nghèo, lênh đênh sông nước mà cá kiếm không đủ đổi lấy gạo ăn hàng ngày. Con Nhung cũng hoàn cảnh lắm, má nó với dượng nó ở tận Nam Vang, cũng nghèo khổ. Nó đã khổ cực nhiều vì đời chồng trước. Nay tụi nó có duyên có phận gặp nhau, thương nhau, tụi tôi chỉ mong tụi nó đừng có cực như tụi tôi. Bởi vậy đám hỏi cũng như đám cưới mình đơn giản bao nhiêu là đỡ cho tụi nó bấy nhiêu đó thím Năm.
Ông Mười đồng tình.
- Phải đó thím, mình tần tiệm đi cho tụi nó nhờ. Tụi mày có bằng lòng như vậy không ?
Tôi đâu có thể nói được điều gì, ngồi nghe mọi người bàn chuyện mình mà cứ thấy lâng lâng như bay trên mây. Anh Rươn cười vui vẻ, để lộ cái răng vàng ra ngoài.
- Chú Tư không tiết kiệm mà có đòi con cũng không có chi hết.
Bà má Chăm Rươn luôn cười vui vẻ, hình như bà này không để ý gì lắm tới quãng đời trước của con dâu.
- Ba má con Nhung không có đây nhưng có ông bà Mười với chú Tư thay mặt, tôi thiệt tình cám ơn lắm. Nói vậy chớ chúng tôi thế nào cũng phải lo chu tất, phong tục cha ông mình như vậy rồi đâu có bỏ được phải không chú Tư.
Tôi ngồi nghe bàn bạc từ đầu chí cuối nhưng cũng không nói gì được với Chăm Rươn, hai người chỉ dòm dòm nhau hoài.
Mong chờ mãi rồi cuối cùng cũng tới ngày làm đám. Chăm Rươn nhắn chú Tư là họ hàng bên nhà trai cùng bạn bè đơn vị của ảnh phải tính tới bốn mươi người. Nghe thế chú Tư ngây ngất luôn, cuống quýt mời Hội Việt kiều với bà con chung quanh khoảng 20 người, nhờ ghép tới 5 chiếc ghe mà vẫn không an tâm. Ngày sáu tháng sáu nhà trai đi bốn chiếc ghe, mỗi ghe hai máy, từ Bat-đom-boong chạy ngang biển tới Puốc-sát. Đi từ bốn giờ sáng nên cả bốn chiếc ghe đều để đèn, có thùng bát chơi nhạc lăm-ba-đa, cắm cờ như chạy đua, tưng bừng như hội. Ghe nào cũng mang theo đồ ăn, đơn vị Chăm Rươn tặng bia Bay-on với thuốc lá Giải phóng. Chăm Rươn đứng trên chiếc ghe đi đầu, mặc đồ lính oai như chỉ huy, hai bên có Xo và một người nữa ở đơn vị đứng phụ rể.
Khi sáng rõ mặt người thì đoàn bốn chiếc ghe cũng vừa tới. Từ xa tôi đã nghe thấy tiếng ghe máy phành phạch lẫn với tiếng nhạc thùng bát mở hết cỡ khua rộn rã cả một vùng trời nước vốn buồn tẻ và ngái ngủ thường ngày. Những âm thanh ấy ngày hôm nay có liên quan tới tôi, là của tôi, nó vang dội ngoài kia nhưng lại đang dịu dàng rót vô tim tôi loạn nhịp vì sung sướng. Tôi luống cuống biểu chú Tư :
- Con sợ quá chú, con không biết làm gì bây giờ.
Chú cười độ lượng :
- Thôi, bữa nay con khỏi làm gì.
Tôi trốn vô nhà Gấm, một mình ngồi im lặng, kệ cho bên ngoài mọi người cười nói ăn nhậu ồn ã. Mãi tới chiều thì đám tan, cả bốn chiếc ghe đều quay đi, mọi người ai về nhà nấy, lúc ấy là lúc tôi và Chăm Ruơn đối mặt với nhau. Từ bây giờ coi như tôi đã là vợ anh. Sau một ngày tiếp khách mệt mỏi lại hơi quá chén nên chú Tư nằm gác chân ngáy ro ro, chỉ còn tôi và anh. Chăm Rươn hỏi :
- Có vui không ?
- Có.
- Không làm đám cưới có theo không ?
- Không.
Anh cười. Rồi anh móc trong túi ngực ra một cái bọc vải màu đỏ tí xíu, những ngón tay thô như dùi đục ngượng nghịu dỡ ra. Tôi chăm chú nhìn và thật bất ngờ thấy một đôi bông vàng. Chăm Rươn đưa tôi :
- Xem đi.
Tôi cầm đôi bông mân mê, ánh vàng loé lên như loé nắng trên mặt nước mỗi buổi sớm. Mân mê một chập rồi tôi đưa lại Chăm Rươn.
- Làm sao ? Mua cho em đó.
Tôi sững sờ. Chưa bao giờ tôi dám mơ ước có một món quà quý giá như vậy. Tôi ngượng ngùng hỏi :
- Cho thiệt hả ?
- Thiệt, để đeo vô cho.
Tôi ngoan ngoãn cúi xuống để anh vén tóc, đeo từng chiếc  vô tai. Tôi rùng mình nhắm mắt khi tay anh rờ vô tai, cảm giác đê mê kỳ lạ chưa từng có. Tôi ngồi chết lặng, anh đã đeo xong đôi bông lúc nào rồi mà tôi vẫn ngây ngất không hay biết. Khi anh vỗ vai kêu tôi đi tắm cùng với anh thì tôi mới sực tỉnh. Chúng tôi bơi xuồng tới chỗ nước cạn và trong. Chăm Rươn quay lưng lại, tôi lấy xà bông kỳ cho anh, da lưng anh đen bánh mật trơn bóng. Tôi cũng ngụp xuống gội đầu, khi trồi lên thấy anh đang nhìn tôi. Anh kéo tôi lại gần, áo tôi ướt bó sát người, tóc ướt bết lên hai vai, anh lấy tay rẽ những mớ tóc ướt. Bỗng những ngón tay anh khựng lại, Chăm Rươn hoảng hốt thốt lên :
- Ủa, một cái bông của em rớt đâu mất rồi.
Tôi rờ lên tai, lo lắng xuýt bật khóc. Tại tôi sơ ý ngụp xuống gội đầu nên mới làm rớt chiếc bông. Đáng lẽ tôi phải tháo ra, phải cất nó đi, giờ biết làm thế nào tìm lại được. Thấy sắc mặt tôi tái đi, Chăm Rươn biểu để anh lặn xuống tìm. Cứ từng chập anh lại ngoi lên thất vọng. Chừng nửa giờ ngoi lên lặn xuống không được, Chăm Rươn buồn bã biểu :
- Thôi bỏ, ráng ít bữa xem có kiếm được đôi khác.
 Tôi bật khóc tức tưởi, vừa tiếc của, vừa nghĩ bông có đôi, giống như vợ chồng có đôi, mất đi một chiếc chắc sẽ xui lắm. Nghĩ vậy tôi thấy sợ, nói với anh ráng đi. Thương tôi tội nghiệp, Chăm Rươn biểu tôi đứng nguyên một chỗ làm dấu còn anh quay về ghe lấy cái rổ sắt. Anh lặn xuống vét từng rổ bùn chung quanh chân tôi rồi xục nước sàng từng rổ một. Tới rổ thứ năm anh kêu lên :
-       Nhung ơi được cái bông rồi đây nè.
Anh lại gài chiếc bông vô tai cho tôi, đôi bông như hai giọt nắng tùng teng đeo trên tai tôi nóng hổi. Tôi sướng quá ôm chầm lấy anh mà không một chút ngượng ngùng, cũng không cần băn khoăn liệu có ai bắt gặp. Anh vòng tay ôm riết lấy tôi, mặc dù ở dưới nước nhưng tôi thấy rõ ràng cả người anh đang áp sát vô người tôi và anh đang gắn chặt miệng anh vô miệng tôi. Tôi mềm nhũn trong vòng tay anh nhưng vẫn điên cuồng nút lưỡi anh và run lên từng hồi vì kích thích. Chằm Rươn từ từ dìu tôi vô bờ, nắng chiều ấm rực hơ lên người chúng tôi ướt lấp lánh. Anh đặt tôi nằm xuống bãi cỏ, rờ tay vô khắp người tôi nhột nhạt rồi vội vàng cởi bỏ quần áo ướt sũng trên người tôi ra. Tôi lim dim mắt, bấu chặt lấy vai anh, hai chân tự nhiên dạng ra chờ đợi, rên lên sung sướng khi anh hối hả đi vô tôi, tan biến khi thấy anh nóng hổi luồn lách lan tỏa trong cơ thể mình. Rồi bỗng anh nằm im trên người tôi, tôi mở mắt, cũng nằm im vuốt tóc, xoa lưng cho Chằm Rươn. Lúc bấy giờ tôi mới nhận thấy bầu trời xanh trên cao vẫn còn đượm nắng, một đàn chim sáo ríu rít trên lùm cây kế liền bên chỗ chúng tôi nằm, những con chim sáo mỏ vàng cánh trắng hót say sưa. Mây, trời, nước và đàn chim sáo hôm nay khác quá, trong trẻo, vui tươi, sáng ngời. Chúng tôi cứ nằm im như thế một chập, tới lúc Chằm Rươn lại thấy nóng dần lên. Anh cuời, chiếc răng vàng lộ ra :
- Nữa nhé.
Tôi nhắm mắt, khẽ gật đầu. Chằm Rươn ngấu nghiến, tôi như bị tung lên hạ xuống, đàn chim sáo thấy động vút bay lên, liệng vòng và hót vang không ngớt, sau đó từng con đáp xuống cành cây khi chúng tôi nằm bên nhau thiếp ngủ thật yên bình. Khi mặt trời như cái mâm đỏ ối từ từ lặn xuống biển thì tôi vội kéo Chằm Rươn dậy.
- Về đi anh, kẻo chú Tư trông.
Anh dìu tôi trở xuống xuồng. Về tới nhà tôi nấu cơm gạo lúa xạ, còn ít thịt gà của bữa trưa đem xào mặn mời chú Tư và Chằm Rươn. Tôi biểu :
- Hai người hôm nay mệt nhứt, ráng ăn đi.

                                               

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

DÂN TRÍ VÀ LUẬT BIỂU TÌNH

                            Tác giả : Tô Văn Trường


“Dân trí thấp” đó là câu nói cửa miệng của nhiều người, nhất là của những nhà quản lý nước ta khi viện dẫn lý do dẫn đến một hiện tượng xã hội nào đó mà họ không “quản lý” được. Ùn tắc và tai nạn giao thông-dân trí thấp! Gây ô nhiễm môi trường-dân trí thấp! Tệ nạn xã hội-dân trí thấp. Và nay khi đề cập đến Luật biểu tình lại cũng có vị đại biểu Quốc hội công khai khuyên chưa nên cũng vì dân trí chưa cao! Rõ ràng đây là việc đáng bàn bởi trên diễn đàn của Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã công khai, minh bạch nói về Luật biểu tình.
Từ "dân trí" mang ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều từ "Literacy".  Từ gần nhất có thể là "intellectual capital" (vốn trí tuệ). Mặc dầu đã có một số nghiên cứu đánh giá  Literacy và xếp hạng một số quốc gia, tiếc một điều là vẫn chưa có nghiên cứu đánh giá "intellectual capital" của Việt Nam.
Một số vị lãnh  đạo và lão thành cách mạng thường nói về : dân quyền, dân tâm, dân trí, dân sinh. Dân trí là một yếu tố trong hệ thống những yếu tố̀ tạo thành̀ trình độ, năng lực, phẩm chất, bản lĩnh của dân, tương tác với các nhân tố khác.Trí tuệ của dân có một phần rất quan trọng là vốn trí tuệ dân tộc tích lũy từ lịch sử, có thăng trầm nhưng thường được bồi bổ, làm giàu đẹp thêm, đó là sự thông tuệ và minh triết dân gian, là truyền thống và bản sắc văn hóa, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trí tuệ bao gồm: trí tuệ thông minh, trí tuệ cảm xúc, trí tuệ tâm linh, trí tuệ thích nghi, trí tuệ sáng tạo, trí tuệ trong các quan hệ xã hội, trí tuệ vượt thử thách, khó khăn, trí tuệ ứng xử trước những tình thế nguy hiểm, ngặt nghèo. Phần trí tuệ ấy, dân có vì dân chính là dân, sống cuộc sống của dân, có những trải nghiệm của dân, kế thừa những thành quả của tổ tiên, của các thế hệ cha, anh. Người dân Việt Nam nào cũng có phần trí tuệ ấy.
Trí tuệ của dân có một phần rất quan trọng nữa là trí tuệ được đào tạo, bồi dưỡng, được dạy bảo trong gia đình, được truyền thụ trong xã hội, được trau dồi, rèn luyện suốt đời nhờ nền giáo dục quốc dân, được thử thách,̀ nâng cao trong hoạt động và sinh hoạt của mỗi người theo chức năng, nghề nghiệp của từng người.
Một chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, một hệ thống thể chế thực sự và chân chính dân chủ, tự do, coi trọng cá  nhân, dân tộc và nhân loại, ấp ủ, nâng niu, phát huy, trọng dụng  nhân tài, thì  giúp cho các phần của dân trí phát triển bừng nở. Khi nghiên cứu, phân tích về dân trí, thì nên xem xét cả hai phần của dân trí , và xem xét quan hệ giữa dân trí với dân quyền, dân tâm, dân sinh.
Người ta nói đến dân trí thấp hay cao không phải dựa vào sự đánh giá đáng tin cậy mà chủ yếu là để biện minh cho một quan điểm nào đó. Có điều chắc chắn là dân trí ngày nay cao hơn năm 1945-1946. Vậy mà hồi đó, cuộc bầu cử Quốc hội dân chủ hơn nhiều. Hà Nội được bầu 6 đại biểu mà có tới 70 người ứng cử, tự do vận động bầu cử. Hiến pháp  cũng tốt hơn và các quyền tự do, dân chủ, trong đó có quyền biểu tình được tôn trọng hơn. Cần nhớ thêm rằng khi ấy, quân Tàu Tưởng còn đang đóng trên miền Bắc nước ta, các đảng phái chống đối cũng hoạt
động quyết liệt nhưng ý nguyện của người dân thực sự được bộc lộ, phát huy sức mạnh toàn dân tộc dưới sự anh minh của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh.

          Có ý kiến cho rằng Hiến pháp đã ghi quyền biểu tình rồi thì thực hiện là tốt nhất, không cần luật quy định cụ thể nên thực hiện thế nào, vì không loại trừ nguy cơ Luật trở thành công cụ hạn chế biểu tình. Còn một nguyên tắc nữa cực kỳ quan trọng: Người dân được phép làm mọi việc Hiến pháp không cấm, chính quyền chỉ được phép làm cái gì Hiến pháp cho phép, dân chủ thì phải làm đúng như thế.
Luật biểu tình của nước ngoài
Rất nhiều nước không có luật biểu tình, kể cả Mỹ và Pháp vì đó là quyền đương nhiên ghi trong Hiến pháp. Bởi thế, cho nên họ chỉ có qui chế hướng dẫn do chính quyền địa phương xem xét, quyết định. Ở thành phố NewYork,  có hướng dẫn biểu tình hay tụ tập vui chơi cũng thế ở nơi công cộng do Sở công viên và giải trí quyết định.  Để tụ tập vì mục đích khác biểu tình (tổ chức vui chơi, hội chợ), phải đưa yêu cầu trước 21 ngày. Để tụ tập biểu tình phải đưa yêu cầu trước 5 ngày. Sở phải cho phép mọi đơn yêu cầu biểu tình với mục đích phát biểu ý kiến, có xem xét đến mức độ và nguồn nhân vật lực mà Sở có, tức là Sở có thể cho phép biểu tình với cách thức tổ chức không gây khó khăn cho giao thông và có thể từ chối địa điểm và đề nghị địa điểm khác vì một số lý do. Khi có khác biệt ý kiến về  địa điểm và ngày giờ tổ chức biểu tình, thì hai bên thương lượng với nhau để tìm đến sự đồng thuận.
Biểu tình được định nghĩa là đứng tụ tập một chỗ ở nơi thường không được phép, ví dụ như trên lòng đường phố, trong công viên, trước công sở, có thể ngăn cản giao thông. Do đó, người biểu tình không có giấp phép vẫn có thể biểu tình nhưng chỉ được hành xử như một người đi bộ bình thường, tức là luôn luôn phải di chuyển, không được đứng nguyên một chỗ lâu, phải hành động như người đi lại trên đường, không được cản trở giao thông.
Luật biểu tình của Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu trước Quốc hội về chủ quyền biển đảo của Việt Nam và người dân cần có Luật biểu tình. Đây là hành động rất đáng ghi nhận, và trân trọng vì Thủ tướng đã công khai, minh bạch hòa cùng âm hưởng tiếng nói của lòng dân. Nhận thức là cả quá trình, đất nước nào muốn tồn tại và phát triển cũng phải dựa vào lòng dân, vì được lòng dân là được tất cả.
Hiến pháp và hệ thống luật lệ là của từng nước, có thể học tập, tham khảo của nhau, nhưng không có cái gương, cái mẫu nhất thiết phải rập khuôn theo. Không có nguyên tắc bắt buộc rằng hễ đã là quyền cơ bản được xác định trong Hiến pháp, thì thôi, không làm luật về quyền ấy nữa. Đã là quyền cơ bản Hiến định, thì Luật phải bảo đảm việc thực thi quyền cơ bản ấy rất thuận lợi, dễ dàng, không thủ tục rườm rà,  rắc rối. Những quy định hướng dẫn của chính quyền địa phương ở Mỹ về thực hiện quyền biểu tình là theo tinh thần tạo thuận lợi, dễ dàng như thế.  Thực thi Luật như thế nào lại là một chuyện khác. Khi giới cầm quyền hoặc nhóm quyền lực này, hay nhóm quyền lực khác muốn hạn chế, thậm chí phá biểu tình của một tầng lớp cư dân nào đó, thì họ có nhiều thủ đoạn và cung cách lắm, từ thủ đoạn "lách" không phạm Luật đến thủ đoạn trắ̀ng trợn, ngang nhiên trái Luật, phá Luật.
Về logic, Luật biểu tình của nước ta phải do Quốc hội là cơ quan lập pháp đứng ra soạn thảo. Do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, Chính phủ đã giao cho Bộ Công an thực hiện. Bộ Công an cần nghiên cứu kỹ, hiểu thấu đáo lòng dân, tránh việc soạn thảo rơi vào tình trạng nặng về thuận lợi cho quản lý nhà nước cả về tiện và lợi hơn là bảo đảm quyền công dân. Vì vậy, phải công bố dự thảo theo thời hạn do Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định để dân góp ý. Theo dõi các ý kiến phát biểu đóng góp vào Luật biểu tình và việc “bấm nút” ở Quốc hội, người dân có thể đánh giá hiểu được  trình độ  “quan trí” của những người đại diện cho dân.  
          Khi xây dựng  Luật biểu tình, người dân có 2 yêu cầu chủ yếu là: Thứ nhất, đó phải là Luật về một quyền cơ bản của con người và của người công dân, không được có những quy định, những thủ tục bắt buộc rườm rà, phức tạp, gây khó cho việc thực hiện quyền cơ bản ấy, thậm chí biến Luật biểu tình thành Luật hạn chế hoặc Luật cấm biểu tình. Nhìn sang Malaysia thấy giới Luật sư và nhiều người dân đang kịch liệt phản đối Luật biểu tình mới được ban hành vì có nhiều điều ràng buộc, hạn chế. Thứ hai là giá trị của Luật biểu tình hoàn toàn bằng, không kém không hơn, giá trị của sự thi hành Luật. Làm đú́ng Luật biểu tình đúng có lẽ nếu không quan trọng hơn thì ít ra cũng quan trọng bằng soạn thảo, hỏi ý dân và thông qua Luật biểu tình đúng.  

Thay cho lời kết:
Có thể khẳng định rằng, nhờ sự phát triển của nền giáo dục toàn diện và điều kiện tiếp cận các dịch vụ thông tin truyền thông đại chúng, dân trí của nước ta đã được nâng cao rất nhiều so với thời đất nước mới được độc lập năm 1945. Đó là một thuận lợi lớn để Nhà nước ta có thể đưa ra những bộ Luật mà một xã hội dân chủ cần phải có, trong đó có Luật biểu tình. Thiết nghĩ sẽ không thừa nếu một lần nữa chúng ta nhắc lại với nhau câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đúc kết từ ý của dân:”Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.