Nguyễn Thị Hồi
ã làm ngoại giao mà ngại đi dự chiêu đãi thì
không được. Các cuộc chiêu đãi không chỉ đơn giản là một hoạt động lễ tân mà nó
còn là dịp tiếp xúc, mở rộng quan hệ, tìm hiểu moi tin, móc nối… Ở khía cạnh
này thì có thể coi việc chiêu đãi và đi dự chiêu đãi là một khía cạnh nghiệp vụ
của hoạt động ngoại giao.
Năm 1992 tôi được Chủ
tịch nước bổ nhiệm làm Đại sứ tại Áo và Đại diện bên cạch các Tổ chức Quốc tế
đónga ở Viên. Lúc này tôi là Đại sứ Việt Nam đầu tiên giữ nhiệm kỳ 3 năm và thường
trú tại đây. Lúc này tôi còn là Đại sứ nữ duy nhất của châu Á, mãi sau mới có
thêm bà Đại sứ của Pa-kít-xtan. Chính bởi cái “duy nhất” này mà tôi được mời đi
chiêu đãi liên miên. Thời kỳ này ngân sách của các Sứ quán Việt Nam phần dành
cho hoạt động chiêu đãi còn nghèo lắm. Phần lớn anh chị em ở các sứ quán chỉ đi
dự là nhiều chứ ít khi có dịp mời lại, nhất là các cuộc mời hẹp. Tôi còn nhớ
lúc đó nhiều anh em trong Bộ Ngoại giao hay phàn nàn là đi công tác nước ngoài
mà đến cốc cà phê cũng ít khi mời được người ta bởi vì chẳng có kinh phí nào
cho khoản hoạt động này mà bỏ tiền túi ra ở mấy nước đắt đỏ thì chẳng mấy mà
cháy túi! Thực ra thì tôi cũng ở trong cái hoàn cảnh ấy, cứ đi dự chiêu đãi
liên hồi mà không biết làm thế nào để mời lại người ta. Hơn nữa nếu có muốn tự
làm lấy mấy món dân tộc cổ truyền như nem, phở… chẳng hạn thì cũng khó. Từ Đại
sứ đến nhân viên khoảng sáu người, năm gia đình cùng với trẻ con người lớn đi
theo đều “nhốt” chung vào một tòa biệt thự chẳng rộng rãi gì, vừa là nơi ăn ở,
vừa là nơi làm việc, chiêu đãi… đủ các thứ. Ai có gia đình đi theo tất phải có
một bếp một mâm, những người độc thân cũng một bếp một mâm nên từ sáng đến chiều
tối Sứ quán lúc nào cũng ngào ngạt mùi thức ăn, đặc biệt là mùi mắm xào nấu rất
đặc trưng Việt Nam. Đại sứ tiếp khách ở tầng dưới, trẻ con đứa bé thì khóc oe
oe, đứa lớn thì chạy huỳnh huỵch la hét ở tầng trên, khách khứa không hiểu là
kiểu gì, thật có những lúc không biết lý giải ra sao nữa. Vào bếp thì đồ chiêu
đãi cọc cạch, đĩa ăn một kiểu đĩa lót một cách, cốc uống rượu cho bẩy người ăn
thì thừa nhưng cho mười người ăn thì thiếu. Bây giờ mọi cái đã khác, kinh phí
cho hoạt động chiêu đãi dồi dào hơn, lại có thể mời khách ở các cửa hàng ăn của
người Việt Nam nên các Đại sứ bây giờ chịu khó mời hơn rồi. Tuy nhiên đã có lúc
nhiều sứ quán ta rơi vào tình cảnh như tôi vừa kể. Trong hoàn cảnh ấy, không thể
cứ “có đi” mà không “có lại”, tôi mới nghĩ ra một “chiêu”. Tôi nhờ anh em trong
nước mua và gửi sang một ít lụa tơ tằm loại xịn, chia thành từng miếng năm mét
một rồi bao gói thật đẹp. Cứ mỗi lần đi dự đin-nơ (tiệc ngồi buổi tối) tôi lại
mang theo một gói có gài danh thiếp của Đại sứ và nhấn mạnh là lụa nguyên chất
của Việt Nam tặng cho phu nhân chủ nhà, bà nào cũng thích. Họ được lụa đẹp liền
đem khoe nhau. Các phu nhân Đại sứ thường có những cuộc gặp gỡ không chính thức,
chủ yếu là để “buôn”, đủ mọi chuyện, trong đó có chuyện được tặng lụa tơ tằm Việt
Nam đẹp lắm. Họ kháo nhau là cứ mời bà Đại sứ Việt Nam thế nào cũng được tặng lụa
tơ tằm. Từ đấy tôi nổi tiếng là Đại sứ tơ tằm, nghĩ cũng vui vì như thế là vừa “có
đi có lại”, vừa tiếp thị được cho mặt hàng tơ tằm của Việt Nam.