Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

PHÒNG PHIÊN DỊCH VÀ CHUYỆN CON ĐƯỜI ƯƠI XỔNG CHUỒNG

Nguyễn Thị Hồi


T
ôi làm việc ở Phòng Phiên dịch vào những năm đầu của thập niên 70, lúc Mỹ đã dùng máy bay B52 ném bom hủy diệt miền Bắc và thủ đô Hà Nội, cũng là lúc Hội nghị Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn gay cấn. Có thể do đã được sống và làm việc trong một giai đoạn lịch sử đau thương nhưng hào hùng ấy của đất nước mà những gì tôi còn nhớ về thời gian làm phiên dịch lại không phải là chuyện dịch như thế nào cho hay cho đúng. Những điều làm tôi nhớ nhất lại là những người mà tôi đã dịch cho họ, những sự việc mà tôi có dịp chứng kiến hoặc kinh qua trong những ngày chiến tranh khói lửa ác liệt này.
Tôi còn nhớ khi mới về phòng Phiên dịch, anh Nguyễn Minh Thông là người chuyên dịch tiếng Pháp đã hỏi tôi:
- Ai cũng sợ về phòng Phiên dịch sao cô lại vui vẻ nhận lời về đây?
- Em ở “xóm liều” mà anh.

Tôi trả lời anh rất nhanh nhảu như thế. Thật ra tôi đi học cũng như về nhận công tác đều do phân công, vả lại tôi cũng chưa bao giờ có ý lựa chọn thế này thế kia. Thời ấy là như vậy. Tuy thế vẫn có nhiều câu chuyện hài hước, ví dụ như chuyện con đười ươi xổng chuồng mà anh Thông đã kể cho cánh trẻ chúng tôi. Câu chuyện thế này: Có một con đười ươi ở vườn bách thú lúc ấy còn nằm đằng sau Phủ Chủ tịch, không hiểu sao nó xổng chuồng, chạy thẳng vào Bộ Kế hoạch, bị Bộ này đuổi, nó lại chạy sang Bộ Ngoại Giao, chạy quanh Bộ Ngoại Giao rồi leo tót lên gác bốn ngồi trước cửa phòng Phiên dịch, không ai đuổi được nó đi, dùng cách gì để dọa cũng không sợ. Thế rồi có một anh cán bộ ở phòng Phiên dịch ra ghé vào tai con đười ươi nói nhỏ mấy câu, không biết nói gì mà nó vút chạy mất, chạy đứt dép, chạy một mạch về chỗ cũ mà không dám ngoái cổ lại. Mọi người thán phục, vỗ tay hoan hô và hỏi anh cán bộ nọ đã rỉ tai nó cái gì mà đuổi được nó đi nhanh thế. Anh cười mà rằng: có gì đâu, tôi chỉ bảo nó là trong này đang họp thông ngôn đấy, mày có vào thì vào! Câu chuyện vui cho thấy lúc bấy giờ người ta nhìn nhận về nghề phiên dịch còn khác với bây giờ, coi nó là nghề “thông ngôn ký lục chi chi”, còn nhiều định kiến với nó. Câu chuyện của anh Thông cũng báo trước cho tôi biết về những khổ ải và thiệt thòi của những người theo nghề phiên dịch. Tuy vậy, thời gian mấy năm làm phiên dịch đã mở ra cho tôi rất nhiều cơ hội tiếp xúc, học hỏi và tiến bộ. Tôi nhớ mãi lời của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: đứa nào đã qua phòng Phiên dịch rồi thì vứt vào đâu cũng làm việc tốt.
Người nhận tôi về phòng Phiên dịch là anh Nguyễn Tư Huyên, trưởng phòng như kể ở trên. Anh em trẻ chúng tôi rất “thần tượng” anh, tất nhiên là theo cái cách thần tượng của thanh niên ngày ấy: kính phục, nể trọng. Khi nhớ về anh Huyên, tôi thấy hình như là trong đầu anh ấy có hai ngăn, một ngăn tiếng Anh, một ngăn tiếng Pháp, cứ thế mà anh ấy chữa bài cho chúng tôi, chữ nghĩa ở ngăn nào cứ từ ngăn ấy tuôn ra, mạch lạc, rõ ràng. Những lúc bí chữ tôi thấy anh thường ngồi chống tay nhìn lên trần nhà, mái tóc bạc phơ hất ra phía sau, trầm tư một lúc thì chữ nghĩa cứ như từ trên trần rơi xuống. Các anh chị lớn tuổi kể cho chúng tôi nghe rằng anh Huyên rất giỏi toán, đã có thể trở thành một giáo sư toán tài ba, có thời từng là Giám đốc Đài phát thanh vậy mà anh đã dứt bỏ môn toán yêu thích và cương vị cao để về Bộ Ngoại giao làm phiên dịch. Chắc hẳn không phải vì anh yêu cái nghề “thông ngôn” hơn mà bởi vì anh đã biết rõ cái việc anh lựa chọn, sự nghiệp cứu nước và thống nhất Tổ quốc mà anh phục vụ trong những thời điểm khó khăn gian khổ. Lúc ấy đang có Hội nghị Pa-ri về Việt Nam, anh Huyên là người chính phải dịch các tài liệu phục vụ Hội nghị này, còn chúng tôi đến phòng in để chữa mo-rát. Thời bấy giờ làm gì có vi tính như bây giờ, cứ chữa một câu, thêm một chữ là phải đánh lại từ đầu, đến khổ. Chính tấm gương mẫu mực và tận tụy của người Trưởng phòng Phiên dịch ấy đã động viên lớp trẻ chúng tôi hăng hái gắn bó với nghề.
Trong những ngày đầu đi dịch, có một lần tôi bị “gẫy cầu”. Đó là lần tôi đi dịch cho đoàn của Thụy Điển sang giúp Việt Nam về chính sách dân số và sinh đẻ có kế hoạch. Người thuyết trình nói một hổi rồi ra bảng vẽ các hình minh họa loạn hết cả lên cùng với các thuật ngữ lạ lẫm. Mới nhìn tôi đã choáng, nguyên tiếng Việt cũng chưa hiểu được mô tê răng rứa gì thì làm sao dịch cho được. Toàn là những biện pháp tránh thai, chửa đẻ đúng cách, cơ chế này cơ chế kia… làm tôi chết đứng. May mà có một bác sĩ đứng ra giải thích giúp cho bởi vì ông là người chuyên môn trong ngành. Sau lần ấy, tôi thấy người phiên dịch phải biết rất nhiều từ chuyên môn, trong rất nhiều lĩnh vực. Anh đã đi dịch cho người ta thì người ta coi anh là đương nhiên phải biết hết, phải dịch được hết.
Đi phiên dịch lúc ấy không phải chỉ có dịch chữ nghĩa mà nhiều khi còn gánh luôn vai trò người hướng dẫn. Vào năm 1972 máy bay B52 đã thường xuyên đe dọa Hà Nội, người dân đi sơ tán gần hết, phố xá vắng tanh, những người ở lại làm việc đều thuộc diện sẵn sàng chiến đấu. Người ta đào các loại hầm trú ẩn, hầm cá nhân, hầm tập thể ở khắp nơi. Một lần tôi đi sân bay Nội Bài để đón và dịch cho đoàn ông Xên Mắc Brai do Ủy ban Điều tra tội ác của Việt Nam mời vào để kiểm tra việc Mỹ thường tuyên bố là chỉ ném bom các mục tiêu quân sự. Ông Xên Mắc Brai là người Ai-len, sau này được giải thưởng Nô-ben vì hòa bình, lúc đó đã gần bẩy chục tuổi, lại bị bệnh tim nên rất yếu nhưng rất hăng hái. Trong đoàn còn có sáu bảy người khác đều là các nghị sĩ thuộc các nước Na-uy, Phần lan và một số nghị sĩ các nước châu Âu. Khi đoàn xe chúng tôi vừa về đến gần cầu Long Biên thì có báo động. Lúc ấy cầu Long Biên đã là một mục tiêu bị máy bay Mỹ bắn phá dữ dội. Các anh chị tự vệ bảo vệ cầu đội mũ sắt mặc quần áo màu xanh cầm cờ đỏ chặn xe chúng tôi lại và yêu cầu nhanh chóng đưa khách vào hầm trú ẩn gần nhất. Thấy xe bất chợt bị chặn lại các vị khách hỏi tôi có chuyện gì. Tôi bình tĩnh giải thích cho họ biết và đề nghị họ đi theo tôi. Khi nói với họ là có báo động và máy bay Mỹ đang bỏ bom gần đây, tôi thoáng nhận thấy nét mặt hốt hoảng của họ, ánh mắt thiếu tin tưởng của những người khách châu Âu to cao nhìn một cô gái nhỏ bé đang hướng dẫn họ trong một tình huống rất nóng. Tôi cùng mấy anh cán bộ đón đoàn bình tĩnh đưa các vị khách vào một cái hầm tập thể có miệng xây gạch cuốn, hầm sâu và dài, bên trên đổ đất dày, người dân trồng sắn dây hoặc các loại cây rau để ngụy trang. Ở đâu đó đã nghe tiếng bom nổ, tiếng máy bay phản lực xé tai và tiếng pháo cao xạ đáp trả chát chúa. Đã có đông người trong hầm nhưng khi thấy có khách nước ngoài thì họ tự dãn ra nhường lối cho khách chui sâu vào trong. Hầm chật, có một số người tự nguyện đi ra phía ngoài để nhường chỗ cho khách. Đấy chỉ là những cử chỉ bình thường của người Việt Nam mình trong thời chiến nhưng đối với khách thì họ ngạc nhiên lắm vì việc làm ấy trong mắt họ là việc nhường lại cho người khác sự sống và nhận về mình những nguy hiểm. Sự ngạc nhiên ấy sau này đã trở thành sự cảm phục trong suốt chuyến công tác của họ. Cũng từ đấy họ không còn nhìn tôi, một cô bé con, với ánh mắt hoài nghi như lúc đầu nữa mà họ đã dành cho tôi những tình cảm mến mộ, sự tin tưởng, nhờ thế mà việc thay đổi giờ giấc, lịch trình cũng được cảm thông hơn, việc dịch cũng được dễ dàng hơn.
Mấy ngày sau khi đoàn đến Hà Nội thì Mỹ ném bom đánh phá bệnh viện Bạch Mai. Trận ném bom vừa dứt thì tôi được lệnh đưa đoàn đến chứng kiến. Cả đời tôi sẽ không bao giờ quên cảnh đổ nát và chết chóc bày ra trước mắt tôi lúc ấy, quần áo, bông băng và cả da thịt người bay tứ phía, thật thương tâm và rùng rợn. Các vị khách của tôi cũng bàng hoàng, sững sờ trước một sự thật tàn khốc: máy bay Mỹ ném bom bệnh viện. Không kìm nén nổi sự tức giận, ông Xên Mắc Brai hét lên: bọn Mỹ thật ngu xuẩn, như thế này mà gọi là mục tiêu quân sự à! Tôi thấy các ông trong đoàn rớt nước mắt khi nghe nói còn nhiều người mắc kẹt trong đống đổ nát kia mà chưa cứu được. Chính lúc ấy tôi cảm nhận được trong họ đang có một chuyển biến quyết liệt. Ông trưởng đoàn ra lệnh: đi về, về ngay khách sạn làm báo cáo. Hôm ấy tôi đã ngồi lại rất lâu dịch cho ông một số tư liệu. Bản báo cáo của ông làm hôm ấy đã nói lên những sự thật mà chính ông nhìn thấy tận mắt, nghe thấy tận tai, đã góp phần làm chuyển biến dư luận, làm cho dư luận nghiêng hẳn về ủng hộ Việt Nam và lên án Mỹ ném bom bệnh viện và dân thường.
Trong thời gian làm phiên dịch, tôi đã vài lần có vinh dự được dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đây là những lần gặp gỡ tiếp xúc đã để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp nhất, những kỷ niệm không phai mờ và những dấu ấn trong cả đời công tác ngoại giao cùa tôi. Đáng nhớ nhất là khi dịch cho Thủ tướng tiếp Đại diện Tổ chức Giải phóng Pa-lét-xtin, vị khách nước ngoài đầu tiên ngay sau ngày giải phóng miền Nam 30 tháng 4 năm 1975. Là người dịch, tôi được chứng kiến cuộc tiếp xúc thật là cảm động này. Sau khi chủ khách ôm hôn nhau thắm thiết, ông Đại diện Pa-lét-xtin nói:
- Chúng tôi xin chúc mừng sự nghiệp của nhân dân Việt Nam. Không biết sự nghiệp của nhân dân chúng tôi sẽ còn đến bao giờ.
Nói câu này xong ông Đại diện Pa-lét-xtin khóc, mọi người cảm động cũng xụt xịt khóc theo. Trong không khí thắm tình đoàn kết chiến đấu giữa những người anh em ấy, Thủ tướng điềm tĩnh nói với ông đại diện:
- Ngày ấy sẽ đến, và một điều kiện rất quan trọng là cần có sự đoàn kết, sức mạnh của cả dân tộc.
Khi dịch những câu này, tôi hiểu là Thủ tướng muốn nhấn mạnh đến sự chia rẽ trong các lực lượng Pa-lét-xtin lúc bấy giờ. Ông này sau về làm Phó chỉ huy các lực lượng vũ trang của Pa-lét-xtin, một thời gian sau thì hy sinh trong chiến đấu.
Lần thứ hai vào năm 1978. Vị khách được Thủ tướng tiếp là ông Brát Pho Mooc-xơ,Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP), đã từng là Hạ nghị sĩ của Mỹ. Ông cũng là một nhân vật chống chiến tranh, hầu như là người Mỹ đầu tiên có chức vụ cao đến thăm Việt Nam lúc này. Tuy vậy, là người Mỹ trong bối cảnh vừa sau chiến tranh với Việt Nam, ông Mooc-xơ vẫn có một mặc cảm rất lớn, như là có lỗi gì đó với Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã biết trước điều này. Thủ tướng là người mà trước khi tiếp khách bao giờ cũng tìm hiểu rất kỹ về người mình tiếp, chuẩn bị kỹ những điều mình sẽ nêu ra và trình bày thật khúc triết, rõ ràng, hàm xúc. Chính vì thế mà tôi có cảm tưởng là dịch cho Thủ tướng vừa dễ lại vừa khó. Với cánh phiên dịch chúng tôi thì mỗi lần dịch cho Thủ tướng là một lần thử thách. Tuy nhiên thái độ trìu mến và cảm thông của người lãnh đạo ấy luôn làm chúng tôi yên tâm hoàn thành công việc của mình.
 Lần ấy, theo đúng hẹn, tôi đến khách sạn đón ông Tổng Giám Đốc Mooc-xơ. Chiếc xe “Vôn-ga” màu đen chở chúng tôi vừa đỗ xịch trước cửa Phủ Chủ tịch, chúng tôi vừa bước ra khỏi xe thì đã thấy Thủ tướng đứng chờ sẵn ở ngay bậc thang cuối cùng lên Phủ Chủ tịch. Thủ tướng chủ động ôm hôn ông Mooc-xơ trước sự ngạc nhiên và sửng sốt của vị khách này. Trong suốt buổi tiếp, chủ khách đã chuyện trò thằng thắn, cởi mở. Sau buổi tiếp, ông Mooc-xơ nói với tôi:
- Các bạn có một vị Thủ tướng thật tuyệt vời và đầy ấn tượng. Những ứng xử của Thủ tướng đã làm tôi thật bất ngờ nhưng cũng đầy thú vị. Khi tôi đến đây, tôi cảm thấy nước Mỹ nợ Việt Nam nhiều quá, chắc tôi sẽ không thể có được sự đón tiếp nồng hậu như vậy. Vậy mà khi Thủ tướng ôm hôn tôi thì những mặc cảm ấy đã bị Ông xua tan. Điều đó đã thúc đẩy tôi phải làm cái gì nhiều nữa cho Việt Nam.
Tôi cũng nhớ mãi lần cuối cùng tôi dịch với tư cách phiên dịch tại cuộc họp báo của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch vào năm 1979, sau khi Trung Quốc tấn công Việt Nam ở biên giới Lạng Sơn. Đây là một cuộc họp báo lịch sử, được tổ chức ở Câu lạc bộ Quốc tế lúc bấy giờ (nay là Trung tâm hội nghị qốc tế Lê Hồng Phong). Chủ và khách đều đứng, các nhà báo đứng chật trong hội trưởng lớn. Do tính chất của sự kiện mà buổi họp báo đông nghịt người. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chủ trì họp báo, trực tiếp nghe bằng tiếng Anh, tôi chỉ phải dịch xuôi. Tuy nhiên tôi còn nhớ có nhà báo đứng mãi tít phía xa nêu câu hỏi, khó nghe nên Bộ trưởng quay sang hỏi tôi: họ hỏi cái gì? Tôi thưa: họ hỏi Trung Quốc đã tấn công vào bao xa trong lãnh thổ Việt Nam. Nhân câu hỏi này, Bộ trưởng đã giải thích rất rõ cho các nhà báo về thực chất của những sự kiện lúc bấy giờ trong quan hệ Việt-Trung.
Một thời gian sau thì phòng Phiên dịch giải tản. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói làm như thế là để các vụ tìm cách nâng cao trình độ ngoại ngữ của cán bộ, tự lo lấy người dịch. Anh em trong phòng Phiên dịch người thì đi công tác nước ngoài, người về vụ khu vực, người về vụ đa phương. Tôi được phân về Vụ Tổ chức quốc tế. Tuy nhiên tôi luôn cảm thấy có một sự tiếp nối rõ ràng, một mối liên hệ mật thiết giữa những công việc mà tôi đã làm ở phòng Phiên dịch với những công việc mới. Rõ ràng tôi đã trưởng thành rất nhiều trong những ngày đi dịch, đã quen với việc tiếp xúc, đã có dịp suy ngẫm về cách ứng xử tinh tế trong giao tiếp. Và nhất là đã học được rất nhiều về tinh thần công tác tận tụy và đầy trách nhiệm của các bậc đàn anh đàn chị trong ngành. Có thể nói những trải nghiệm và bài học làm nghề và làm người trong những năm tháng tại “Gia đình phiên dịch” đã là hành trang hữu ích cho công việc ngoại giao sau này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét