Tôi vừa được ông Trần Quang Cơ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao tặng cho cuốn “Ngược dòng thời gian” là
cuốn tự truyện của ông. Bìa sách đẹp giản dị, có in ảnh của ông chắc là đang
phát biểu ở diễn đàn Liên hợp quốc. Sách đẹp nhưng in ít, chỉ đủ để tặng cho
con cháu trong nhà và bạn bè thân quen. Ông bảo : Tập tự truyện này viết ra coi
như để ghi lại cuộc đời ông, những mẩu chuyện trong đó toàn là sự thật, cũng
như các suy nghĩ và tình cảm trong sách cho đến nay ông vẫn suy nghĩ như
vậy.
Tôi đã cùng tác giả lội “Ngược dòng thời gian” để
trở về miền kỷ niệm, đã bắt gặp một Trần Quang Cơ thời thơ dại, cậu bé Trần
Quang Cơ sớm mồ côi cha mẹ nhưng được sống đùm bọc trong tình yêu thương chăm bẵm
của các anh, các chị; một Trần Quan Cơ thời niên thiếu, nghịch ngợm nhưng thông
minh, hay quan sát, suy ngẫm và lý giải; một Trần Quang Cơ thanh niên lăn lộn với
những chuyển biến của thời cuộc để cuối cùng đã gặp gỡ cách mạng tháng Tám và sớm
“nhập cuộc” với bầu máu nóng của trái tim tuổi 20, một Trần Quang Cơ yêu đương
với chiếc khăn của vợ tặng có thêu ghép hai chữ C V(Cơ Vượng) thành hình trái tim. Và cuối cùng là một Trần
Quang Cơ-nhà ngoại giao, với những người làm việc cùng thời với ông thì đấy là
một Trần Quang Cơ thủ trưởng-đồng nghiệp-anh em hòa lẫn với nhau làm một, cùng
với một đời “chinh chiến” đối ngoại tạo nên một khuôn mặt không thể phai mờ của
ngành ngoại giao Việt Nam.
Hình như để lý giải phần nào cái lý do, cái lẽ ông viết cuốn
tự thuật, trong lời mở đầu ông viết :”Người
già thường hay sống với quá khứ, nghĩ về quá khứ”. Tôi nghĩ, trong lý luận
văn chương thì cái “sống với quá khứ,
nghĩ về quá khứ” của người già chính là cái trở về nguồn, trở về nguồn theo
nghĩa nhân văn. Đấy là cái cách sống của người già để “đi tìm lại thời đã qua”
( A la recherche du temps perdu), và trong cái cuộc tìm kiếm lại chính mình
này, người ta mong tìm thấy và có thể tìm thấy những viên kim cương lấp lánh của
trí tuệ, nói quá lên một chút thì những
viên kim cương này chính là những xá lỵ tinh thần đã được gạn lọc tinh kết của cả
một đời từng sống. Cho dù là lối viết có văn chương hay đơn giản thì cũng vẫn lồ
lộ lên những trải nghiệm, lồ lộ những sự việc mà cuối cùng chỉ còn trần trụi là
sự thật (transparence). Ông viết “Vì quá
khứ dù đã theo dòng chảy của thời gian đã qua đi rồi nhưng đó là sự thật. Sự thật
sống động, với những hình ảnh cụ thể, khác với tương lai”. Đấy chính là cái
giá trị của Tự truyện ông muốn để lại cho đời.
Đúng như ông nói, người già thì hay nghĩ về quá khứ. Từ khi
tôi về hưu, mỗi khi đi ngang qua Bộ Ngoại giao, tôi cứ thấy có một tình cảm
bâng khuâng, cứ nghĩ như là mình có thể gặp đâu đó trước cổng Bộ những anh em đồng
nghiệp một thời. Khi tôi đọc Ngược dòng thời gian thì tôi cũng có
cái tình cảm ấy, đọc cuốn sách mà như mình đứng trước cổng Bộ là nơi gắn bó cả
đời làm việc của mình. Quả thật là ẩn hiện trong những dòng chữ, những con số về ngày
tháng, tôi đều có thể gặp một cái tên quen thuộc, một sự kiện quan trọng có ảnh hưởng tới những bước
ngoặt của đất nước mà còn ít được nói đến, và, ở một góc một phần nào đấy của từng
sự việc sự kiện thì đều có thể thấy được dáng dấp của một thời mình từng sống.
Có thể chính là điều đó đã đem đến cho tôi tình cảm xúc động thật sự khi đọc Ngược
dòng thời gian.
Tôi cứ tự hỏi làm sao ông có thể hoàn thành được cuốn sách
trong điều kiện sức khỏe của ông “đã già
lại bệnh tật” ! Làm sao ông có thể vượt lên trên tuổi tác và ốm đau để viết
ra những trang đau đáu sự đời và nồng nàn một tình yêu thương gia đình và bạn hữu
đồng nghiệp như vậy ! Câu trả lời chỉ có thể là sự dâng hiến, con tằm đang cố gắng
nhả hết tơ. Cho đời là những suy ngẫm và tâm sự thời cuộc. Cho các thế hệ hậu
duệ của Bộ Ngoại giao là những tình cảm nghề nghiệp nồng nàn và những bài học
nghiệp vụ quý giá. Và ông làm được việc đó cũng còn nhờ ở người “chống lưng”
cho ông (chống lưng là nói theo cách nói bây giờ) mà trong suốt cuốn sách ông
chỉ viết vỏn vẹn bằng độc một từ : Vượng. Một từ nhưng mà đủ hết cả. Ông viết
trong lời kết : “Nhất là nhờ có sự thông
cảm và chăm sóc tận tình của vợ tôi, vì thế tôi mới hoàn thành được tập tự truyện
này”.
Tôi
đã xin phép ông được giới thiệu cuốn sách. Ông bảo sách đã tặng cho tôi thì tùy tôi sử dụng. Được lời ấy, tôi xin giới thiệu với bạn bè Lều văn, nhất là các bạn
sinh viên trẻ trong Học viện Ngoại giao, hai chương là “VÀO NGÀNH NGOẠI GIAO”
và “5 NĂM TRONG ĐOÀN ĐÀM PHÁN VỚI MỸ TẠI PARIS”.
Thăng Sắc
VÀO NGÀNH NGOẠI GIAO
(1954-1997).
Tháng 10 năm 1954,
tôi trút bộ quân phục - bộ đại cán 4 túi – sau khi nằm chờ duyệt quy chế chuyển ngành tại Tạm
trú xá của quân đội đặt ở Tu viện Liễu Giai (nay thành một khách sạn tại phố
Đội Cấn, Hà Nội) hơn tuần lễ.