Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

"Ngược dòng thời gian" : tự truyện của ông Trần Quang Cơ


 5 NĂM TRONG ĐOÀN ĐÀM PHÁN VỚI MỸ
 Ở PARI
(5/1968 -1/1973 )

Ngày 7 tháng 5 năm 1968, tôi từ biệt gia đình lên đường sang Pháp.
Ngày nay thật khó tin rằng lại có một đoàn cán bộ ngoại giao đi công tác nước ngoài lại ra sân bay bằng xe tải. Nhưng đúng là như vậy! Sáng hôm ấy, hơn hai chục người chúng tôi leo lên chiếc xe tải không mui để ra sân ban Gia Lâm. Xe phải đi qua sông Hồng bằng cầu phao vì chiếc cầu duy nhất qua sông Hồng là cầu Long Biên vừa bị bom Mỹ đánh gẫy một nhịp. Đến sân bay Gia Lâm, cả đoàn hợp lại vừa đúng 37 người, kể cả trưởng đoàn, Bộ trưởng Xuân Thuỷ, lẫn cấp dưỡng. Vì thế bí hiệu đầu tiên của đoàn đàm phán Pa-ri là "đoàn ba-bẩy".

Trên đường bay đến Pa-ri, đoàn dừng lại ở Bắc Kinh và Mạc-tư- khoa để anh Xuân Thủy gặp lãnh đạo Trung Quốc và Liên Xô thông báo chủ trương đàm phán của ta. Ngày 7 tháng 5 đoàn ta dừng lại ở Bắc Kinh. Lúc hội đàm thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai phê ta quá "nóng vội', nhận đàm phán “quá sớm, quá vội”, phê ta đã nhân nhượng Mỹ quá nhiều, nhân nhượng về vấn đề địa điểm đàm phán cũng như về các vấn đế sẽ đàm phán. Lúc đầu nói "tiếp xúc" sau lại nói là "nói chuyện chính thức', rồi lại nhận "bàn các vấn đề khác liên quan đến hai bên”.
Trái lại, ngày 9 tháng 5 khi đoàn đến Liên Xô, Thủ tướng Kossyguine lại tỏ ra rất hoan nghênh Việt Nam đã nhận đàm phán với Mỹ. Kossyguine còn gợi ý ta nên nhận "công thức San Antonio” do Johnson đưa ra ngày 29 tháng 9 năm 1967 (ngừng ném bom miến Bắc có điều kiện), nói Mỹ sẵn sàng thương lượng ngay với Hà Nội, trực tiếp hoặc có thể qua một nước trung gian (ý nói qua trung gian Liên Xô) trung tâm của vấn đề là Mỹ sẵn sàng ngừng ném bom Bắc Việt Nam khi việc đó dẫn ngay tới cuộc đàm phán có kết quả; Mỹ muốn rằng trong khi đàm phán Hà Nội sẽ không lợi dụng việc Mỹ ngừng ném bom hoặc hạn chế ném bom (để tăng các hoạt động quân sự ở miền Nam). Ngày 17 tháng 1 năm 1968, khi đọc Thông điệp Liên ban, Johnson đã nhắc lại công thức này.
Qua hai cuộc gặp gỡ này, tôi linh  cảm thấy cuộc đàm phán với Mỹ này rồi sẽ vất vả đây. Vì mới xuất quân mà đã thấy hậu phương quốc tế của ta mâu thuẫn sâu sắc, thái độ của họ đối với việc ta đàm phán với Mỹ trái ngược nhau, phản ánh ý đồ chiến lược của riêng họ khác hẳn nhau .
Ngày 9 tháng 5 đoàn tới Pa-ri. Trưởng đoàn Xuân Thủy tuyên bố với báo chí ở sân bay Bourget quyết tâm và thiện chí hoà bì của ta.
Mấy ngày đấu cả đoàn ở khách sạn Lutétia tại trung tâm thành phố. Không biết là khách sạn loại mấy sao, song đối với nước nghèo như Việt Nam, lại từ cảnh bom đạn bước ra thì là quá sang, thậm chí sang đến thấy khó chịu nữa. Hễ bước ra khỏi phòng đã phải complet, cravate, giầy da chỉnh tề vì ngoài hành lang lúc nào cũng có vài chú phóng viên nhiếp ảnh phương Tây chờ sẵn. Thật mất cả tự do của con nhà nghèo ! Nên sau ít hôm đoàn đã rời "thủ đô ánh sáng" chuyển về Choisy-le-Roi, một thị trấn nhỏ ở ngoại vi Pa-ri.
Đảng Cộng sản Pháp khi đó biết khó khăn của ta nên đã sẵn
sàng dành trường Maurice Thorez ở Choisy-le-Roi vốn là nơi đào tạo cán bộ của Đảng, cho ta sử dụng hoàn toàn. Bạn rất chu đáo, còn cho ta mượn cả bộ phận quản lý (vợ chồng ông Buisson) và nhóm lái xe người Pháp đã quen thuộc đường xá ở Paris.
So với yêu cầu của ta, chỗ ăn ở và làm việc ở đây khá rộng rãi, thoải mái. Ngoài toà nhà chính dành cho trưởng đoàn Xuân Thủy và cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ cùng bộ phận phục vụ ( thư ký, bác sĩ, cần vụ, cấp dưỡng), còn hai tòa nữa (một cái ba tầng là chỗ ở của anh chị em trong đoàn. Một cái là chỗ làm việc). Giữa các tòa nhà là một sân cỏ rộng, có thể đi dạo mát, chơi bóng chuyền hoặc đánh bi sắt.
Trụ sở và cũng là nơi ở của đoàn VNDCCH từ đó cho đến khi kết thúc cuộc đàm phán - tức là gần 5 năm trời. Lúc cho ta mượn  trường này, Đảng Cộng sản Pháp đâu có ngờ rằng cuộc đàm phán Việt - Mỹ lại kéo dài đến thế - phá kỷ lục Guiness về đàm phán quốc tế !
Lại nói về vấn đề nhân sự của đoàn. Vì cuộc đàm phán quá
dài nên trừ mấy vị chủ chốt, nhân sự đoàn luôn thay đổi, có nhiều
người chỉ ở một thời gian rồi về nước. Ngoài người của Bộ Ngoại
giao ra, còn có cán bộ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Việt Nam
Thông tấn xã, báo Nhân Dân, v.v... tham gia đoàn. Đoàn có cấp
cố vấn - anh Lê Đức Thọ là cố vấn cấp cao - các cố vấn khác là các anh Hà Văn Lâu (coi như phó trưởng đoàn), Nguyễn Minh Vỹ, Phan Hiền, Nguyễn Thành Lê, sau thêm luật sư Trần Công Tường.
Dưới có các bộ phận : nghiên cứu chính trị, nghiên cứu quân sự,
thông tin báo chí, an ninh, văn phòng kiêm lễ tân và quản trị. Bộ
phận nghiên cứu chính trị do anh Phan Hiền phụ trách, có các anh
Nguyễn Xuân, Trần Hoàn, Phạm Lâm, Nguyễn Đình Phương, Tuấn Anh, Đặng Nghiêm Bái, Hồ Xuân Đích, Trình, Hoan và tôi...... Nhóm chuyên viên quân sự có tướng Đoàn Huyên, Hồ Quang Hóa,Đoàn Chương, Nguyễn Đôn Tự... Bộ phận thông tin báo chí do anh Nguyễn Thành Lê phụ trách có anh Lê Chân (VNTTX), Bùi Hữu Nhân, Hồng Hà, Lê Bình, Dương Thị Duyên... Bô phận văn phòng-lễ tân-quản trị có anh Phùng Mạnh Cung, Nguyễn Việt, chị Đạt (tôi không nhở hết tên).
Đến ngày 13 tháng 5 năm 1968 cuộc đàm phán giữa VNDCCII và Mỹ chính thức bắt đầu tại "Trung tâm các hội nghị quốc tế  phố  Kléber (còn gọi là Hôtel Majestic). ..
Buổi khai mạc có rất đông nhà báo các nước đến quay phim, chụp ảnh vì cả thế giới coi đây là một sự kiện quốc tế quan trọng. Trong phòng họp lớn của Trung tâm, hai đoàn ngồi sau hai chiếc bàn dài đối diện nhau. Vì là người chấp bút bài phát biểu của Bộ trưởng Xuân Thủy hôm đó nên tôi cũng có mặt trong đoàn VNDCCH. Đoàn đại biểu của ta trong phiên khai mạc có anh Xuân Thuỷ, trưởng đoàn,  anh Hà Văn Lâu, phó đoàn, anh Nguyễn Minh Vỹ, anh Phan Hiền, anh Nguyễn Thành Lê (người phát ngôn của đoàn), tôi, anh Nguyễn Đình Phương, phiên dịch cho anh Xuân Thủy. Đối diện là đoàn Mỹ có Averell Harriman, trưởng đoàn, Cyrus Vance, phó đoàn, Philip Habib, Andrew Goodpastaur.
Tháng 9 năm 1968, Harriman đề nghị ngoài các phiên đàm phán chính thức tại Trung tâm Kléber cần có gặp riêng (private meeting)  cấp cao giữa ta và Mỹ để nói chuyện về thực chất. Từ đó tôi không đi họp ở Kléber nữa mà chỉ đi các cuộc gặp riêng cấp cao giữa ta và Mỹ để làm biên bản. Các cuộc gặp riêng này không họp ở Kléber mà luân phiên tại một địa điểm không công khai do ta hay Mỹ chọn. Mỗi khi đi họp tôi phải xách theo một chiếc cặp trong đựng cái máy ghi âm to đùng, nặng có tới hai kí để khi về có cái làm biên bản. Không hiểu khi do ta quá nghèo nên không sắm được chiếc máy ghi âm nhỏ và nhẹ hơn hay vì ta chưa biết đến các dụng cụ kỹ thuật mới của phương Tây.
Năm 1968 ở pa-ri đã xảy ra hai sự kiện đáng ghi nhớ : một là
cuộc "nổi loạn của sinh viên” làm náo động cả thủ đô pa-ri trong
tháng 5; hai là không biết ai đã trèo lên tận nóc Nhà thờ Đức Bà giữa thủ đô Pa-ri đế treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trên đỉnh cao nhất của nhà thờ đúng vào hôm đoàn đại  biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam vừa đến pa-ri đế tham gia đàm phán.
 Tiếng là đàm phán gần 5 năm, song đúng là đàm phán về thực chất thì chỉ tập trung vào hai giai đoạn. Lần thứ nhất vào cuối năm 1968, cuối nhiệm kỳ tổng thống của L.Johnson - khi ta đàm phán với Harriman về việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc. Lần thứ hai là khi ta và Mỹ đàm phán về văn bản "Hiệp định chấm dứt chiến tranh,lập lại hoà bình ở Việt Nam - từ tháng 10 năm 1972 cho tới khi kết thúc cuộc đàm phán Paris.
Đợt đàm phán với chính quyền Johnson kết thúc sau cuộc tổng tuyển  cử ở Mỹ mà ứng cử viên của đảng Cộng hòa là Nixon thắng cử. Lần gặp riêng cuối cùng  của cố Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng xuân thủy với Harrman và Cyrus Vance của chính quyền Johnson ngày 15 tháng 1 năm 1969 tại địa điểm của ta, số nhà số 11 phố Darthé ở thị trấn Choisy-le-Roi. Cuộc gặp ấy có 10 người : phía Mỹ ngoài Harriman và Vance, còn có Négroponte và Martin (phiên dịch); phía ta ngoài anh Lê Đức Thọ và anh Xuân Thủy  còn có anh Hà Văn Lâu, tôi, anh Đống (thư ký riêng của anh Thọ) và anh Nguyễn Đình Phương (phiên dịch) .
 Có một câu chuyện đáng chú ý là sau khi thất cử trước Nixon,  ứng cử viên đảng Dân chủ Humphrey khi đó đã than phiền với nhà báo R.Burnett : "Thiệu-kỳ đã làm tôi thất cử !”? Thượng nghị sĩ Dân chủ Fulbright nghe chuyện đó vừa tỏ ra công phẫn vừa ngạc nhiên nói :” Làm sao cái đuôi lại có thể vẫy con chó được”.? Nguyên do là vào giữa tháng 9-1968, khi chính quyền Johnson tỏ ý muốn chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam để hạn chế hoạt động quân sự của ta ở  miến Nam và chủ yếu muốn được sự ủng hộ của cử tri Mỹ đối với ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11-1968, Thiệu đã đồng ý sẽ ra Thông cáo chung với Mỹ về việc này với điều kiện chính quyền Sai gòn sẽ được tham gia cuộc đàm phán ở pa-ri. Song đến gần ngày tổng tuyển cử ở Mỹ thì ngày 1-11-1968 Thiệu lại trở mặt, ra thông cáo riêng nói: "Không thấy có lý do vững chắc nào để cùng Mỹ quyết định chấm dứt ném bom Bắc ViệtNam” . Và ngày hôm sau, 10 thượng nghị sĩ Sài gòn tuyên bố ủng hộ Ni xon tranh cử tổng thống Mỹ.
Sau khi chính quyền Johnson chính thức tuyên bố Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, anh Xuân Thủy sáng tác ngay một bài thơ (anh Xuân Thủy vốn cũng là một nhà thơ) và ký tặng cho mỗi đoàn viên một bản. Bài thơ của anh Xuân Thủy đầu đề là "Vui còn vui nữa”. Xin trích lại vài đoạn:
Anh em ơi ! Chị em ơi!
Hãy vỗ tay reo, hãy nở cười
Miến Bắc xông pha qua khói lửa
Hôm nay thằng Mỹ chịu ta rồi…
Xanh lại trời ta, biếc biển ta
Núi rừng đồng ruộng thắm muôn hoa
Bay lên cờ đỏ sao vàng hỡi
Tiếng trống rền vang chen tiếng ca…
Tôi tự Pa-ri nói vọng về
Nỗi mừng khôn xiết kể, say mê
Ai hôn thắm thiết! Hôn ai nhỉ?
Hôn khắp năm châu, khắp bạn bè. . .
Em biết anh đi một nửa đường
Nửa đường còn lại lắm phong sương
Nhưng em đã chắc ngày xum họp
Nắng ấm trời Nam tỏa bốn phương.

Xa gia đình, nhớ vợ con, bài thơ lại nói trúng tình cảm của anh chị em trong đoàn. Tôi liền gửi về làm quà - quà tình cảm - tặng lạ cho vợ.
          Đầu năm 1969, Nixon lên cầm quyền. Đoàn đàm phán của Mỹ ở Pa-ri thay bằng những nhân vật hoàn toàn mới. Cabot Lodge làm trưởng đoàn, có Philip Habib, Anthony Lake, tướng Haig, còn Hery Kissinger chỉ xuất hiện trong các cuộc gặp riêng với ta từ tháng7 năm 1969. Trong khi đoàn đàm phán của ta vẫn giữ nguyên như lúc đầu.
Sau khi chính quyền Nixon lên, đáng lẽ cuộc đàm phán 4 bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng  miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài gon bắt đầu ngay, nhưng vì câu chuyện “cái bàn”' nên mãi đến cuối tháng 1 năm 1969 mới họp được. Ta và Mỹ tranh cãi giằng dai mãi về hình thù cái bàn họp Hội nghị 4 bên.  Mỹ hết đề nghị bàn hình chữ nhật, lại đề nghị bàn hình quả tram, rồi hình tròn cắt đôi. Nhưng ta đều không chịu, đòi phải là có bốn bàn bằng nhau, xếp thành hình vuông. Sở dĩ tranh cãi như vậy là vì Mỹ muốn cuộc họp chỉ là giữa "2 phía”, đoàn Mặt trận chỉ là một bộ phận của đoàn VNDCCH. Còn lập trường của ta là hội nghị phải rõ rang là cuộc họp giữa "4 bên”. Cuối cùng ngày 25 - 1 - 1969, khai mạc cuộc họp 4 bên tại Trung tâm các hội nghị quốc tế phố Kléber, 4 đoàn ngồi chung quanh chiếc bàn hình vòng tròn lớn để 4 đoàn cùng  ngồi như nhau, song quãng giữa bên ngoài vòng tròn mỗi bên có đặt bàn nhỏ tượng trưng cho 2 phía.
          Tưởng đoàn Mặt trận là ông Trần Bưu Kiếm. Sau khi thành
lập chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam ngày 6-6- 1969  đến phiên thứ 21 của Hội nghị 4 bên, đoàn MTDTGP đổi thành đoàn Chính phủ CMLTMNVN và bà Nguyễn Thị Bình, bộ trưởng  ngoại giao của Chính phủ CMLTMNVN thay ông Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn đàm phán.
Ngoài hai đợt đàm phán thực sự nói trên, thời gian còn lại đúng là đánh và đàm. Đánh là chính, đàm là phụ. Trong thời gian “nhẹ về đàm” này tôi lại có dịp được đi "xả hơi" một chút : tháng 5 năm 1969, Hung-ga-ri tổ chức ngày đoàn kết với nhân dân Việt  Nam chống Mỹ, mời đoàn đàm phán của VNDCCH và đoàn đàm- phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam cử  đại biểu sang dự. Anh Hà Văn Lâu và phó đoàn CPCMLT miền Nam Việt Nam và tôi được cử đi. Do đó tôi mới có dịp sang thăm thủ đô Budapest của Hung.
Tháng 4 năm 1970 , vào thời gian tình hình "nặng về đánh nhẹ về đàm” Mỹ tăng cường chiến tranh, đánh rộng sang Campuchia, bỏ trống ghế trưởng đoàn ở Kléber, cố vấn Lê Đức Thọ, rồi bộ trưởng Xuân Thuỷ cũng bỏ về nước một thời gian. Tôi được phép về thăm gia đình ít lâu.
Về nước, tôi rất sung sướng và ngạc nhiên. Sung sướng vì điều tôi mong ước nay đã được thành sự thực : đã có nhà ở ! Ngạc nhiên vì làm sao mà với của cải quá ư là khiêm tốn (cả nhà có lẽ chỉ có chiếc xe đạp Diamant Vượng mang từ Đức về là cỏ giá trị) thế mà Vượng đã tậu được căn nhà ở phố Bùi Thị Xuân! Vào những năm 1970 trong  nước ta mà cán bộ nhà nước mua một căn nhà riêng, lại là nhà 2 tầng - là một chuyện động trời ! Vì mua nhà để vợ chồng con cái có chỗ "chui ra chui vào” mà Vượng phải kiểm điểm - gần như là bị hỏi cung - tại chi bộ cơ quan Trong cục Lâm nghiệp (khi đó anh Nguyễn Tạo đã nghỉ hưu và ông "phó mộc" Hoàng Bưu Đôn lên thay) không biết bao nhiêu lần! Đến khi tôi về, khi đó Bộ đã có dự định đề bạt  tôi làm vụ phó Vụ Bắc Mỹ 2 của Bộ Ngoại giao, nhưng có việc mua nhà này nên Ban Tổ chức trung ương lại triệu tập tôi lên đến hai lần để chất vấn : tiền ở đâu mà mua? Có định trở thành tư sản không .Nhưng rồi sự việc đó cũng qua đi. Tháng 7 năm 1970 tôi nhận chức vụ phó Vụ Bắc Mỹ.
Ngày 30 tháng 1 năm 1971, Vượng sinh con trai, Trần Thanh
Sơn, ở nhà hộ sinh Cây đa nhà bò phố Lò đúc - vì trước cửa nhà hộ sinh có một cây đa lớn nên người ta quen gọi như thế. Sơn phải theo  bà và mẹ đi sơ tán hơn một năm với các chị Khanh, Thu Liên và anh Hùng Ở làng Gạch, cách thị xã Sơn Tây chừng 5 cây số. Lúc này, tôi vẫn ở Hà Nội. Hàng ngày vợ tôi nhờ bà Đỏ ở nhà bên sang nấu cơm cho ăn, cứ chiều thứ bẩy lại "cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đóng hồ”, rồi khi tan  tầm đạp xe lên Gạch. Độ 5 giờ sáng thứ hai lại cuốc 45km về Hà Nội cho kịp giờ làm.
 Sau khi Vượng sinh cháu Sơn, đến giữa năm 1971 tôi trở lại
 Pa-ri. Vào giữa năm 1972, khi trên chiến trường Mỹ thấy rõ là con
 chủ bài cuối cùng của mình là chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh”  không thể đem lại chiến thắng ở Việt Nam nên Mỹ đã phải tính đến thực sự thương lượng một giải pháp chính trị.
Bắt đấu từ tháng 10-1972, cuộc đàm phán Việt-Mỹ ở Pa-ri đi
vào giai đoạn kết thúc khi ta đưa ra bản dự thảo Hiệp định trong lần gặp riêng thứ 19, ngày 8 tháng 10  năm 1972   giữa Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy gặp Kissinger Ở Gif-sur-yvette,
cũng là một thị trấn nhỏ ở ngoại vi Pa-ri. Nơi họp vốn là ngôi nhà
riêng của danh họa Pháp Fernand Léger lúc sinh thời. Địa điểm của cuộc họp quan trọng này ta vẫn giữ bí mật. Sáng hôm đi họp, đoàn ta đi lén ra cửa sau của ngôi nhà Choisy-le-Roi để không cho đám phóng viên trực sẵn ở cửa trước biết. Vậy mà khi đoàn xe của ta chạy về Gif-sur-yvette, các xe của đám phóng viên đã bám riết đằng sau. Khi đoàn ta và đoàn Mỹ vào phòng họp thì phóng viên, nhiếp  ảnh viên các báo đã bu kín quanh ngôi nhà. Không vào được trong nhà để "săn tin”, họ dựng dàn giáo lên cao ở ngay trước cửa nhà để quay phim, chụp ảnh. Thậm chí có người còn trèo lên mái nhà bên rồi thả micro xuống sát cửa sổ hòng nghe lỏm được đôi chút về điều hai bên đang bàn luận chăng ?
 Ngay sau hôm ta đưa ra bản dự thảo Hiệp định, ngày 9-1 0- 1 972 , trong lần gặp riêng thứ 20 với Cố vấn Lê Đức Thọ và bộ trưởng Xuân Thủy, Kissinger cũng đưa ra một dự thảo Hiệp định của phía Mỹ.
Điều này chứng tỏ là Nixon đã phải tính đến nước bài lùi rồi.
 Hai vấn đề chủ chốt trong những yêu cầu của ta trong dự thảo hiệp định là :
1/ Mỹ rút toàn bộ, triệt để và nhanh chóng các lực lượng vũ trang của Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam ; Mỹ không còn được can thiệp vào công việc nộị bộ miền Nam Việt Nam.
2/ Ta vẫn duy trì được lực lượng quân sự cũng như chính trị ở
Miền nam Việt Nam.
Trong suốt thời gian này - từ' tháng 10- 1972 cho đến tháng
1-1973 cuộc đàm phán diễn ra rất ráo riết, đi vào tranh cãi từng điều khoản, từng câu chữ  của dự thảo hiệp định. Trước tình hình đó, đoàn đàm phán Pa-ri đã được tăng cường thêm nhiều cán bộ ngoại giao từ trong nước ra. Trước hết có anh Nguyễn Cơ Thạch, Lưu Văn Lợi, Trần Hoàn , Nguyễn Khắc Huỳnh, Lê Lương Thắng, Đoàn Hựu, Phạm Ngạc.
Phía Mỹ ngoài việc đấu tranh với ta và chịu áp lực của phong trào phản chiến Mỹ, còn phải đương đầu với một vật chướng ngại lớn là phản ứng của chính quyền Sai gòn. Vấn đề gây mâu thuẫn lớn nhất giữa chính quyến Sai gòn và Mỹ là “vấn đề về sự có mặt của quân Bắc Việt Nam ở miền Nam”. Trong hầu hết các thư của Thiệu gửi Nixon lúc này, Thiệu đòi trong văn bản hiệp định phải có những chỗ đề cập cụ thể yến đề "các lực lượng Bắc Việt Nam ở Nam Việt Nam” , đòi quy định rõ "thời gian và cách kiểm soát và phục viên về quê quán”.
Ngay từ ngày 16 - 10 - 1972 Nixon đã viết thư giải thích và thuyết phục Nguyễn Văn Thiệu: "Tôi tin rằng chúng ta không có cách lựa chọn nào hợp lý hơn việc chấp nhận bản Hiệp định này. Đó là hiệp định tốt nhất mà chúng ta có thể giành được”. Cuộc xung đột từ nay sẽ chuyển sang một hình thái khác, hình thái đấu tranh chính trị.
Trước phản ứng gay gắt của chính quyền Sai gòn, Nixon phê
 Phán :” những lời bình luận của ngoại trưởng của ông (Trần Văn Lắm) nói rằng Mỹ đang đàm phán một cuộc đầu hàng (the U.S. is
 negociating a surrrender) đã gây tổn hại, cũng như không đúng đắn và không thích đáng "(unfair and improper) ông chớ nên nuôi ảo tưởng rằng chính sách của tôi về sự cần thiết sớm có hòa bình sẽ thay đổi sau cuộc tổng tuyển cử” (thư của Nixon gửi Thiệu ngày 29-10-1972).
Đến ngày 8 - 1 1 - 1972 , sau khi được tái cử, Tổng thống Nixon  thư cho Thiệu: "Hôm nay sau khi được tái cử, ...tôi phải nói lên sự thất vọng sâu sắc của tôi về cái mà tôi cho là một sự lạc hướng nguy hiểm trong quan hệ hai nước chúng ta, một chiều hướng chỉ có thể làm hại cho những mục tiêu của chúng ta và có lợi cho kẻ thù. Việc các ông liên tiếp xuyên tạc và đả kích bản Hiệp định là không đúng đắn và chỉ hại mình. . . làm cho tôi rất đỗi khó chịu và bực bội”.
Nixon "khẳng định quyết tâm không thể lay chuyển sớm đạt
Hiệp định hòa bình ở Việt Nam và nói đó là “một hiệp định mà chúng tôi cho là hết sức tốt (excellent),  đúng đắn và có danh dự ( thư gửi Thiệu ngày 14  - 11 - 1972 ) .
Trong thư gửi Thiệu ngày 23-11-1972, Nixon chuyển sang giọng đe dọa: "Tôi phải yêu cầu khẩn thiết Tổng thống đừng đặt chúng tôi vào vị trí đối chọi hoàn toàn. Nếu Tổng thống tiếp tục đi con đường này và không hợp tác với chúng tôi để đạt được một hiệp định thỏa đáng với Hà Nội thì Tổng thống phải hiểu rằng tôi sẽ xúc tiến với bất cứ giá nào”.
Ngày 17 - 1 - 1973 , Nixon gửi thư cho Thiệu, khẳng định: “Tôi đã quyết định hướng đi dứt khoát hiện nay của tôi. Tôi tin chắc rằng nếu không ký được Hiệp định này thì chỉ còn cách là cắt hoàn toàn viện trợ cho nước ông. Vì vậy ngày 23-1 - 1973 chúng tôi sẽ tiến hành ký tắt bản Hiệp định mà tướng Haig đã trao cho ông và sẽ ký chính thức ngày 27-l-1973”, “tôi công nhận rằng Hiệp định này không phải là một hiệp định lý tưởng, nhưng có lẽ là hiệp định tốt nhất có thể đạt được trong hoàn cảnh này”.
Cuối cùng, ngày 20-1 - 1973 , Nixon đã gửi cho Thiệu bức “tối hậu thư”. “Chúng ta đang đứng trước một tình hình vô cùng  nghiêm trọng khi mà những người bạn lâu đời của Việt Nam như các thượng nghị sĩ Goldwater và Stennis mà 4 năm qua chúng tôi vẫn dựa vào để thông qua các chương trình viện trợ ở Quốc hội, đã tuyên bố công khai rằng một sự từ chối của Chính phủ ông không chấp nhận những điều kiện hòa bình hợp lý sẽ làm cho không thể tiếp tục viện trợ được nữa.Ngay bây giờ tôi phải được biết liệu ông có sẵn sàng đi cùng con đường đó với chúng tôi hay không và tôi phải được biết câu trả lời của ông trước 12 giờ - giờ Hoa thịnh đốn - ngày 21/1/1973 tôi phải gặp các lãnh tụ chủ chốt của Quốc hội, tối 21/1 để thông báo với họ một cách chung chung về phương hướng của chúng tôi. Nếu tới lúc đó ông không thể trả lời tôi một cách tích cực thì tôi sẽ cho họ biết là tôi cho phép Tiến sĩ Kissinger ký, dù cho không có sự thỏa thuận của chính phủ ông. Trong trường hợp đó, dù sau đó ông có quyết định cùng tham gia với chúng tôi thì khả năng có được sự ủng hộ tiếp tục của Quốc hội cũng sẽ bị giảm đi rất nhiều”. Sau khi nhận được tối hậu thư này, Thiệu chỉ còn biết tuân lệnh của ông chủ, tuy rằng “khẩu phục nhưng tâm không phục”.
Đợt đàm phán với chính quyền Nixon kết thúc sau 2 cuộc gặp riêng giữa cố vấn Lê Đức Thọ và bộ trưởng Xuân Thủy với H.Kissinger  ngày 12 tháng 1 năm 1973 tại Gif-sur-yvette (địa điểm của ta) và ngày hôm sau tại Saint-Nom-de la Bretèche (địa điểm cuối Mỹ) . Ngày 23/1/1973 cố vấn Lê Đức Thọ ký tắt Hiệp định với Kissinger tại Trung tâm Kléber. Sau đó tôi cùng một số anh em trong đoàn trở về nước trước để chuẩn bị triển khai Hiệp định, không dự lễ kí kết chính thức của 4 bên.
Khác với các lần trước, kỳ này tôi về bằng đường xe lửa cùng với Nguyễn Đôn Tự  (nay là thiếu tướng) và Sơn, lái xe. Chuyến đi này có hai chuyện đáng nhớ : tối hôm đó chúng tôi lên xe lửa từ ga pa-ri. Đến ga Frankfurt (Tây Đức) vào khoảng giữa đêm. Bất chợt tỉnh dậy thấy vắng tiếng xe chạy trên đường tàu. Chúng tôi lại thuê một khoang giường nằm riêng nên khi vào ga tất cả hành khách xuống tàu mà cả ba chúng tôi đều ngủ say không biết. Hỏi ra mới biết: khách đi Mạc-tư-khoa phải chuyển sang tàu khác (anh quản trị của đoàn lúc mua vé về cứ khăng khăng
 là không phải đổi tàu). Ba chúng tôi vội vã khuân va-li đồ đạc lỉnh kỉnh xuống để tìm tàu đi Mạc-tư-khoa. Đang lúc lúng túng không biết xoay xở ra sao thì may có mấy bác công nhân Đức khi biết chuyện liền đến khuân giúp tất cả hành lý lên xe đẩy rồi bảo chúng tôi chạy vội theo xe vì tàu đi Liên Xô sắp chạy rồi. Qua mấy đường tàu, đến nơi tàu đã nổi còi sắp khởi hành. Bác công nhân  bảo chúng tôi cứ lên toa trước, rồi các bác ấy từ dưới sân ga quăng hành lý lên toa cho. Rạng sáng hôm sau tới ga Mạc- tư-khoa, lại
gặp chuyện rắc rối : mấy bác công nhân Liên Xô nhất định không cho dùng chiếc xe đẩy để chở hành lý ra ngoài ga, bắt phải trả tiền thuê xe. Mà chúng tôi làm gì có tiền rúp. May sao anh Tự có mấy đồng kopeck  để gọi điện thoại về sứ quán ra cấp cứu. Thật là hai cảnh trái ngược. Suy ra chỉ vì đời sống của công nhân nước xã hội chủ nghĩa còn thấp quá.
Tháng 1 năm 1973 Vượng sinh con trai út, Trần Thanh Kiên, cũng tại nhà hộ sinh Cây đa nhà bò phố Lò đúc. Kiên may mắn ra mới đúng 1 ngày trước khi Hiệp định hòa bình về Việt Nam được ký tắt giữa Cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger tại Trung tâm Kleber Pa-ri nên không phải đi sơ tán, vì theo Hiệp định Mỹ đã phải chấm dứt ném bom miền Bắc.
Tháng 6 năm 1973  , khi ta với Mỹ đàm phán về Thông cáo chung  (Về việc thi hành Hiệp định Paris), tôi và mấy anh em nữa (Nguyễn Đình Phương, Đặng Nghiêm Bái) lại sang Paris mấy tháng. Đến tuần tháng 6, khi về nước ghé qua Liên Xô, tôi cùng anh Phan Hiền và Nguyễn Đình Phương tranh thủ đi thăm Lêningrad (nay đổi là Saint Pétersbourg), đúng ngày 22 tháng 6 là “đêm trắng” (vì hàng năm cứ đến ngày ấy ban đêm trời sáng như ban ngày) ở miền cực Bắc của nước Nga. Suốt đêm hôm đó, đông đảo nam nữ thanh niên Nga lũ lượt đi dạo chơi trên bờ sông Néva.
Năm 1975, sau khi ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn đất nước, cuối năm tôi đi miền Nam. Vào đến Huế, tôi đi bằng xe jeep cùng các anh Trần Văn Tư, Hoàng Hoan Nghinh và Nguyễn Như Đãi đều là người miền Trung hoặc miền Nam. Mục đích của tôi là đi thăm gia đình chị Mận- khi đó anh Thư còn sống - ở Sài Gòn. Xe xuất phát từ Huế, sau khi ăn trưa tại Nha Trang, đến địa phận Tuy Hoà thì bị lật xe mặc dù đường chỗ đó rất thẳng và quang đãng. Chỉ vì anh lái xe ngủ gật. Ba người ngồi ghế sau là anh Trần Văn Tư, Hoàng Hoan Nghinh và tôi đều bị thương. Lúc đó, dân quân mấy xã quanh đó thấy “ầm”, tiếng xe bị lật, tưởng có thổ phỉ, vội vác súng chạy ra. Khi thấy xe đổ, có người bị thương, liền đứng ra giữa đường chặn chiếc xe khách đang chạy vào Nam liền chặn lại buộc một số hành khách xuống để chở chúng tôi vào cấp cứu ở bệnh viện Phan Thiết ngay đêm hôm đó. Đến hôm sau mới được xe cứu thương của bệnh viện Phan Thiết chở vào bệnh viện Thống Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 8 năm 1976 , sau khi nhận chức vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ tôi tiếp tục công việc coi như "hậu đàm phán hoà bình” với Mỹ. Với cương vị đó, tôi tham gia vào các công việc nhằm cố gắng bình thường hóa quan hệ với Mỹ để sớm có điều kiện phục hồi và phát triển đất nước sau 30 năm chiến tranh.
Tháng 11  năm 1977 Jimmy Carter, ứng cử viên của Đảng Dân Chủ, thắng cử. Tháng 1-1977,  J.Carter chính thức nhận chức tổng  thống Mỹ, thay Gerald Ford, người kế nhiệm Nixon. Dưới quyền Carter,  chính sách của Mỹ đối với Việt Nam thay đổi. Tháng 3 năm 1977 Carter cử đặc phái viên là Léonard Woodcock, chủ tịch Liên hiệp công đoàn xe hơi Mỹ, sang Hà Nội cùng 4 đoàn viên là thượng nghị sĩ Mike Mansfield, đại sứ Charles Yost, bà Marian Edelnan, nhà hoạt động nhân quyền và hạ nghị sĩ G.V.Montgomery, chủ  tịch tieur ban tìm kiếm M.I.A (Missing In Action) của hạ viện Mỹ. Cả năm người đều thuộc đảng Dân chủ và là những người chống chiến tranh ở Việt Nam. Đoàn L.Woodcock được Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh tiếp. Sau đó tiến hành hội đàm với thứ trưởng ngoại giao Phan Hiền. Cuộc hội đàm không đạt kết quả do bất động về vấn đề Việt Nam đòi Mỹ thực hiện điều cam kết viện trợ không hoàn lại 3.250 triệu đô-la trong 5 năm .
Cuối cùng, trước khi đoàn Mỹ ra về, với sự gợi ý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hai bên thoả thuận mở lại cuộc đàm phán bàn về bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ tại Paris.
Thực hiện điều đã thoả thuận ở Hà Nội, tháng 5 năm 1977 , tôi sang Paris với anh Phan Hiền và các anh Vũ Hoàng, vụ trưởng  vụ Lãnh sự, Bùi Xuân Ninh, Lê Mai, Cương (3 người sau đều là cán bộ Vụ Bắc Mỹ) để đàm phán vấn đế bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Lúc này tình hình quan hệ giữa ta và chính quyền Khmer đỏ ở Campuchia đã rất căng. Do sự xui giục của Trung Quốc, cuối tháng 4/1977 , Polpot đã bắt đầu gây chiến chống ta ở biên giới Tây Nam và đến ngày 31 - 12 - 1977 chúng đơn phương cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Trong thế buộc phải đối đầu với Trung Quốc và tay sai, lẽ ra ta nên mềm dẻo trong đàm phán với Mỹ. Vậy mà trong cuộc đàm phán kéo dài tới 3 đợt (đợt 1 từ ngày 2 đến 3 tháng 6 tại sứ quán Việt Nam ở phố Boileau, đợt 2 từ ngày 22 đến 27 tháng 9 ở sứ quán Mỹ, đợt 3 từ 19 đến 20 tháng 12  ở sứ quán Việt Nam) đàm phán không thành công mặc dù phía Mỹ đã đưa ra nhiều phương án hòa giải mà lẽ ra ta có thể chấp nhận được. Trong khi Mỹ đề nghị hai bên bình thường hoá vô điều kiện, vấn đề mà mỗi bên quan tâm - vấn đề M.I.A. đối với phía Mỹ, còn đối với ta là vấn đế tiền bồi thường chiến tranh – đều gạt lại sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ sẽ bàn giải quyết sau, thì lãnh đạo của ta vẫn chỉ thị cho đoàn phải đặt việc  Mỹ bồi thường 3 tỉ 250 triệu đô-la cho ta là điều kiện tiên quyết cho  việc bình thường hóa quan hệ. Trong ván cờ quyết định đó, ta đã đi  sai nước cờ và bỏ lỡ mất cơ hội.
Tháng 7 năm 1977 giữa hai đợt đàm phán với Mỹ, anh Phan
Hiền và tôi đã tranh thủ về Romorantin - cách Paris chừng 500 cây
số thăm vợ chồng anh André Scrémin, cán bộ địch vận người Pháp. Lúc mới sang Paris để đàm phán với Mỹ, tháng 12 năm 1968, tôi đã gặp cả gia đình anh André và vợ (chị  Thúy Cẩm cùng 2 cô con gái) và vợ chồng anh Roland ở Melun (ngoại vi Paris). Lúc đó André còn làm Ở báo Nhân Đạo (Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp. Nay anh đã nghỉ hưu, cùng vợ về định cư tại quê nhà. Chỉ có hai vợ chồng anh ở đó, hai cô con gái vẫn ở Paris. Anh rất vui khi thấy các bạn địch vận  Việt Nam bất ngờ đến thăm. Anh vào phòng trong bê ra khoe với chúng tôi các vật kỷ niệm mà anh đã công phu mang từ Việt Nam về : những tập truyền đơn địch vận, những tờ báo địch vận bằng tiếng Pháp "Frères d’armes” (Bạn chiến đấu).  Anh qúy nhất là chiếc đồng hồ đeo tay tay  Thụy Sĩ trên mặt có in hình Hồ Chủ tịch do Bác tặng cho.
Cuối năm 1977, trước khi về nước, anh Phan Hiền, Vũ Hoàng, tôi và Lê thọ (lãnh sự ta ở Paris) còn được anh Huỳnh Trung Đồng, Chủ tịch hội Việt kiều ở Pháp, tổ chức cho đi một vòng xuống miền Nam nước Pháp (Paris-lyon- Marseille-Nice-  Grenoble). Chúng tôi còn rẽ sang thăm Vương quốc Monaco, được anh Việt kiều họ Hoàng (cháu ông tổng đốc Hoàng Trọng Phu) cùng vợ, người Monaco, dẫn đi xem cảnh của vương quốc nhỏ bé này.
Lại nói về nước cờ tính sai của ta năm 1977 . Sang năm 1978  có lẽ  lãnh đạo ta đã thấy cái sai lầm đó nên ngày 5/7/1978, thứ trưởng ngoại giao Phan Hiền đã được phép tuyên bố ở Tokyo : “Viêt  Nam sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Mỹ không có điều kiện tiên quyết”.  Nếu như anh được phép tuyên bố điều đó ở Pairis năm 1977 thì có lẽ nhân dân ta đã bớt được 10 năm gian khổ !
Ngày 21  tháng 8 năm đó tôi còn đón một đoàn 7 hạ nghị sĩ
Mỹ tại sân bay Nội Bài vì sân bay Gia Lâm không đón được chiếc
máy bay cỡ lớn của họ. Họ đi từ Mỹ đến Việt Nam bằng máy bay
của Không quân Hoa Kì 707. Đoàn hạ nghị sĩ đó do hạ nghị sĩ
G.V.Montgoméry dẫn đấu, có 6 hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ là
  Ike Skelton, George Danielson, Sam hall Jim Broyhill, John Murtha, Tony Won và 1 hạ nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa là Hanon Moore.  Đoàn G.V.Montgomery sang ta mục đích chính là để nhận 11 bộ hài cốt phi công Mỹ do ta trao trả. Cả đoàn hạ nghị sĩ Mỹ có cuộc  hội kiến ngắn với thứ trưởng ngoại giao Phan Hiền, nói về vấn đề Mỹ cấm vận Việt Nam, vấn đề tìm kiếm M.I.A., vấn đề xung đột ở biên giới Việt Nam - Campuchia, tình hình quan hệ căng thằng Việt Nam - Trung Quốc.
Ngày 22 tháng 8, theo yêu cầu của họ, tôi đưa cả đoàn vào
 miền Nam bằng chính chiếc máy bay của họ, thăm Sài Gòn, thăm
Thánh thất đạo Cao đài ở Tây Ninh và trại tị nạn người Campuchia ở biên giới Việt Nam - Campuchia, gồm những người Cam-pu chia trốn tránh chế độ diệt chủng Polpot chạy sang ta. Đây là lần đầu tiên ta cho phép người Mỹ đến miền Nam Việt Nam kể từ khi Mỹ ngụy thua chạy khỏi Nam Việt Nam. Tôi hiểu đó là những cử chỉ thiện chí của ta đối với Mỹ. Song đáng tiếc đó là thiện chí quá muộn mằn!
Đến tháng 9 năm 1978 , tôi lại sang Nĩu-ước cùng anh Nguyễn Cơ Thạch đàm phán tiếp tục với Mỹ về vấn đề bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Lần đàm phán này rất ngắn, chỉ từ ngày 22 đến ngày 27 tháng 9 . Tuy ta đã nhận “bình thường hóa không có điều kiện tiên quyết” như Mỹ đề nghị ở Paris năm trước, song Mỹ đã chọn hướng đi với Trung Quốc rồi nên chỉ chả lời lấp lửng. Biết là ta bị chậm chân với Trung Quốc , anh Thạch về nước trước. Tôi ở lại Nữu-ước đến tháng 1 năm 1979 để chờ câu trả lời cuối cùng của Mỹ . Sau khi Đặng Tiểu Bình sang thăm Mỹ, chính thưc hóa việc Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ tôi mới về.
Quả là ta đã mắc một sai lầm về chiến lược. Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ mãi ngót 18 năm sau ta mới thực hiện được. Mãi cho đến nay trong óc tôi vẫn còn lởn vởn câu hỏi: tại sao từ năm 1976 lãnh đạo ta đã sáng suốt, chủ động bắn tin để hòa giải với Mỹ mà chính ta lại phá vỡ thời cơ đó.
Năm 1980, phó thủ tướng Nguyễn Duy Trinh , sau khi thôi giữ chức Bộ trưởng ngoại  giao (anh Nguyễn Cơ Thạch lên thay), lập bộ phận trợ lý đối ngoại. Anh Phan Hiền tách khỏi Bộ Ngoại giao để sang giúp anh Trinh, đề nghị Bộ Ngoại giao cử 4 cán bộ biệt phái sang bộ phận trợ lý đối ngoại của Phó Thủ tướng : Trần Quang Cơ, Nguyễn Nhạc, Trần Duy Trương, Hồ Xuân Đính. Đến Năm 1981 khi bộ phận này giải tán, tôi lại trở về Bộ Ngoại giao, làm vụ trưởng vụ Châu Âu 2 ( Tây Âu ).
Tháng 5 – 1982 tôi tham gia đoàn ngoại trưởng Nguyễn cơ Thạch đi thăm chính thức Pháp, Cộng hòa liên bang Đức ( Tây Đức ), Cộng hòa dân chủ Đức ( Đông Đức ) và Thủy Điển. Cùng đi có Dương Minh, Phan Doãn Nam. Đến Paris tình cờ gặp lại Đào Trọng Hùng, bạn học cũ ở trường Louis  Pasteur, năm 1951 đã gặp nhau ở  chiến dịch Hòa bình nay chuyển sang làm đại diện VNTTX ở Pháp và đã đổi tên là Trần Ngọc Kha. Sau khi ở Thụy  điển về, tôi lại cùng anh Thạch đi tiếp Ấn Độ, thăm Kashmir và mấy nơi khác .





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét