Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Ngày Tết kể chuyện thật ngắn.

 Rất nhiều bạn bè trong chúng ta đã từng quen biết và có dịp làm việc với anh Nguyễn Hữu Động, một Việt kiều tại Pháp, người rất nhiệt huyết với đất nước từ thời Hiệp định Paris,được cố Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch tin dùng và có nhiều đóng góp cho việc hiểu biết về kinh tế thị trường trong những ngày đầu Việt Nam hội nhập. Anh cũng là Việt kiều đầu tiên được ta giới thiệu vào làm việc tại ESCAP theo quota của Việt Nam với chức Director. Từ khi về hưu, năm nào anh Động cũng cùng vợ cố gắng về Việt Nam một lần, thăm quê hương, gặp gỡ bạn bè chí cốt.
Anh Nguyễn Hữu Động hay viết, kể những chuyện ngắn, xúc tích mà giàu ý nghĩa. Nhân ngày Tết, được sự đồng ý của anh Nguyễn Hữu Động, Lều Văn xin giới thiệu với bạn bè mấy câu chuyện ngoại giao thật ngắn của anh Nguyễn Hữu Động.



Ngoại giao Mỹ :

 Năm ấy tôi đang làm việc tại Haiti. Một tối, ông đại sứ Mỹ mời cơm. Chung quanh bàn, ngoài hai vị chủ nhà, có hai dân biểu Mỹ và ông chỉ huy trưởng quân Mỹ, trước đã ở Sàigon. Ông đại sứ nâng cốc : “ Trước hết xin chào hai ngài dân biểu. Nhưng bữa tiệc hôm nay, cho tôi dành cho ông bạn Việt Nam của chúng ta. Ngày mai, tổng thống Clinton sẽ tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trước đây chúng ta đã là bạn. Ngày mai, đất nước chúng ta cũng sẽ là bạn. Xin chúc mừng tất cả.”

Ngoại giao Việt Nam :

 Ông bạn tôi làm tại phòng lãnh sự tại Washington cuối những năm 90. Một hôm phỏng vấn một người đến xin visa.

– Ông đã từng ở Việt Nam ?

– Dạ có và không. Số là tôi thuộc hạm đội 7. Trong nhiều tháng tôi bay vào Việt Nam để thả bom, nhưng chưa bao giờ vào đất liền.

– Vậy ông thả bom ở đâu và trong thời gian nào ?

– Chiến trường Quảng Trị, mùa Xuân năm 1972.
Nhà ngoại giao Việt Nam đứng dậy chìa tay :

– Lúc ấy tôi chiến đấu tại đấy. May cho ông và may cho tôi.
Ông Mỹ ra về với một visa miễn phí.



Dân tôi

Ở các chung cư thành phố New York, thường các từng hầm dành cho máy giặt và máy xấy. Một ngày chủ nhật, tôi gặp một bà hàng xóm. Biết tôi, bà hỏi : “ Bây giờ anh giúp tôi xin phái đoàn Việt Nam visa đi VN được không ? 

– Được thôi. Chị đi có việc gì không ?

– Ông chồng tôi lái máy bay và mất tích tại Miền Nam tháng 12 năm 1966. Cho đến nay, vẫn thuộc loại MIA. Tôi muốn đi tìm anh ấy.
 Mấy tháng sau, bà bấm chuông phòng tôi vừa nén cảm xúc vừa kể: “ Tôi đến cái làng gần chỗ trực thăng ông ta rơi nhất. Khi dân làng biết tôi đi tìm xác chồng, họ hỏi tôi đã lập gia đình lại chưa. Tôi bảo chưa. Họ bảo : Có nhiều đoàn đã đến đây thăm dò rồi, chúng tôi không chỉ. Bà là vợ hiền, đi với chúng tôi. Rồi họ dẫn tôi tới ngôi mộ. Họ còn nói ông ấy đến đánh chúng tôi thì chúng tôi đánh lại, nhưng chúng tôi trọng bà.


Ngày tết, kể chuyện phải có hậu. Tiếc rằng đây là câu chuyện thực : hài cốt mà dân làng chôn cất, qua thử nghiệm ADN, không phải là hài cốt ông chồng bà hàng xóm của tôi. Bà vẫn chưa tìm thấy chồng, nhưng bà đã gặp những người bạn. Những năm sau bà có về vài lần và khi về hưu, đã trích một phần quỹ tiết kiệm để xây một ngôi trường làng. Bây giờ cao tuổi, bà đi lại khó khăn, thì cô con gái tiếp tục đi thăm những người bạn của mẹ khi đi tìm hài cốt của bố.

                                                      Mê-hi-cô, 2/2015                                                    
                                                     Nguyễn Hữu Động