Thăng Sắc
Như đến hẹn lại lên, cứ vào cuối thu hàng năm là mùa rươi đến. Vậy nên ông cha ta có câu tháng Chín đôi mươi tháng Mười mồng năm là để nhắc cái hẹn này. Là để nhắc những ngày có nước rươi.
Chẳng cứ gì người xa sứ, người trong nước mà đã mắc vào cái hẹn mùa rươi thì cũng không sao lỗi được. Không có mùa rươi, tiết trời tháng Chín tháng Mười âm lịch cũng đã làm cho lòng người bâng khuâng xao xuyến lắm rồi. Âm dương lúc này hát điệu giao hoan mùa thu, không sôi nổi ào ạt như xuân như hạ mà lắng đọng sâu đậm, đến cái nắng cái gió cũng như được gạn lọc cô đặc, hanh hanh hiu hiu nhớ nhung. Tôi đã đi nhiều nơi, thấy tiết trời hanh hiu làm nao lòng người ấy khó có đâu bì được với sứ mình. Lúc này cũng là lúc đất trời cho con người hạt thóc hạt gạo tháng mười. Có dịp đi trên đồng quê, ta sẽ tha hồ hít mùi thơm lúa mới, cái mùi thơm dám chắc có thể làm chuyển đổi cả nguyên khí trong ta. Và cũng nên sắn quần, bỏ giầy dép ra mà đi đất, để cho bàn chân áp chặt lấy đất ruộng đã gặt, đè lên những gốc rạ mới cắt, dính lấy một chút bùn quê, ta sẽ cảm nhận được những thay đổi giao thời. Khi ấy đã sắp nước rươi.
Cứ sắp nước rươi, trời đất bao giờ cũng sầm sì khó tả, như là báo trước cho con người. Những đám mây bạc vần vũ, gió thổi quẩn trên cánh đồng thênh thang. Đang như sắp mưa bỗng lại bật nắng. Vào những ngày này, cha tôi thường hay vặn mình kêu răng rắc. Cha tôi bảo kẻ ăn rươi người chịu bão. Vậy là giữa nước rươi với con người cũng sẵn có một mối liên hệ nào rồi. Cha tôi là người thưởng thức món mắm rươi sành điệu. Người thường dùng món đặc sản này vào dịp tết, một tàu rau xà lách tươi xanh gói miếng thịt ba chỉ luộc thái mỏng có kèm nửa củ hành trắng, rau húng rau mùi với lát khế chua mỏng, lát chuối chát mỏng và một một lát gừng cay rất mỏng. Thêm một ít bún rồi cuộn lại cầm tay chấm vào bát mắm. Bố tôi bảo cần nhất là sự thong thả. Để thấy được hết cả hương cả vị cả màu sắc mới gọi là thưởng thức mắm rươi.
Một năm chỉ có hai ngày chính là nước rươi, đó là ngày hai mươi tháng Chín và mồng năm tháng Mười âm lịch, có du di cũng là vào khoảng ấy, chẳng sai bao giờ. Đối với lũ trẻ nhỏ, những ngày có nước rươi là những ngày sung sướng vì chúng được theo người lớn ra đồng ra sông xăm vớt rươi. Cơ man nào là rươi, không ai trông thấy chúng từ lòng đất ngoi lên thế nào, chỉ thấy chúng quấn vào nhau thành búi bơi trôi theo dòng nước lợ màu đục trắng. Rươi cứ thế bơi cả đêm, bơi rất nhanh. Trẻ con người lớn cứ thế xăm vớt cả đêm, không biết mệt, đến sáng các thúng rươi ăm ắp đã được đưa đến chợ gần chợ xa, kể cả các chợ Hôm, chợ Hàng Bè ở Hà Nội. Những người đã thưởng thức rươi một lần thì về sau cứ ngong ngóng đến ngày nước rươi. Mua nhiều một vài cân, ít cũng dăm ba lạng, chẳng thiếu được.
Chẳng thiếu được là bởi vì nó giống như một cái hẹn của trời của đất, trời đất hẹn để ban thưởng cho con người món ăn tuy bình dân nhưng quí hiếm, để con người lại lấy nó mời tặng nhau. Bạn bè chúng tôi hẹn nhau trước đấy hàng bao nhiêu tháng để đến đúng ngày nước rươi họp nhau chia nhau miếng chả rươi thơm phức nóng hổi. Nó là cái thú gặp gỡ, là cái cớ để con người gần gụi, gắn bó nhau.
Với tôi, chẳng thiếu được còn bởi vì nó là kỷ niêm. Khi còn là học trò, vào những ngày tiết rươi, tụi tôi tuy ngồi trong lớp nhưng đều chun mũi hít mùi chả rươi thơm lừng. Nhà ai cũng đang rán chả rươi cho bữa chiều mà. Mùi thơm chả rươi đặc biệt lắm, nó không thể lẫn với mùi thơm của bất kỳ loại chả nào khác. Nó là mùi thơm của thì là, vỏ quýt quấn quện với rươi. Trống tan trường vừa điểm, chúng tôi đã ào ra trong cái se lạnh giữa thu, cái u ám trời chiều với một cái bụng lép kẹp nữa chứ. Tôi chạy thật nhanh về nhà vì biết chắc mẹ tôi cũng đang rán rươi. Tôi nhớ rõ lắm bóng bà in đậm trên nền bếp lửa bập bùng đỏ, tôi sà vào thấy mùi chả rươi bám cả lên tóc bà.