Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

NGHỀ NỘI TRỢ

Truyện ngắn của IHSAN ABDEL QUDDUSS   (Ai Cập)

Dịch và giới thiệu : VŨ ĐỨC TÂM





Ihsan Abdel Qudduss là nhà văn Ai Cập, sinh năm 1920, tác giả của nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết. Tác phẩm của ông thường đề cập tới những chủ đề bình dị, những điều xảy ra thường ngày trong cuộc sống. Ông miêu tả tình huống rất tài tình và lột tả tính cách bằng một vài nét chính xác. Một trong những vấn đề quan tâm của ông là cuộc sống gia đình, đồng thời cũng là vấn đề xã hội. Văn ông viết có giọng hài hước, đôi lúc chua cay. 

Truyện « Nghề nội trợ » phản ánh một thực trạng xã hội từng xảy ra ở Ai Cập và hiện cũng đang len lỏi vào các gia đình ở Việt Nam trong thời buổi kinh tế thị trường, khi người vợ giỏi giang hơn, bươn chải làm lụng nuôi gia đình, còn người chồng thất nghiệp suốt ngày quẩn quanh ở nhà. Lúc đầu thì cũng xuôi chèo mát mái thôi, nhưng nếu mãi như vậy thì tình huống « có vẻ trái khoáy » ấy rất dễ dẫn đến kết cục đáng buồn nếu thiếu vắng sự cảm thông, nhân ái cần có trong quan hệ vợ chồng.

Bạn hãy đọc và thử xem mình có tí nào giông giống trong truyện này không nhé !



VĐT



Những ai bảo rằng tôi không có việc làm là những kẻ dở hơi và thậm chí còn ngu ngốc nữa. Rõ ràng tôi không hề là kẻ vô công rồi nghề. Ngược lại, tôi là người làm một công việc nặng nhọc và hao tổn sức lực vì nó đòi hỏi sự nỗ lực của cơ bắp, nó làm người ta bận bịu suốt cả ngày, nó huy động tối đa tất cả năng lực của tôi.

          Cách đây năm năm khi còn là một nhân viên trong một công ti lớn về xuất-nhập khẩu, một ngày tôi chỉ cần bỏ ra bốn giờ để hoàn thành công việc được giao. Còn vợ tôi, cô ta làm thợ may cho hãng Cicurel, một trong những hãng nổi tiếng nhất ở Cai-rô. Vì làm việc mỗi ngày tám giờ nên dĩ nhiên lương cô ta gấp đôi lương tôi.
          Nhưng rồi một ngày, ông chủ không cần đến tôi nữa và thế là nỗi đau khổ của tôi bắt đầu.
          Nhiều ngày liền, tôi đi bát phố tìm kiếm việc làm, lang thang hết phố này sang phố khác, gõ cửa các công ti, các văn phòng, nhà máy và cả các cơ quan Nhà nước nữa. Nhưng việc duy nhất mà tôi làm được là mài mòn đế giày và làm thủng các đôi tất.
          Mỗi buổi chiều, khi quay về nhà, trong khi chờ vợ đi làm về, tôi phải làm tất cả công việc nội trợ như : rửa bát, quét nhà, lau chùi bàn ghế, giường tủ và tắm rửa sạch sẽ cho ba đứa con, một gái và hai trai. Chắc là khi về  nhà, vợ tôi hẳn rất hài lòng thấy tôi đã làm tất cả những việc mà lẽ ra cô ấy vẫn phải làm. Thực vậy, cứ đến chiều tối là nhà cửa lại sạch sẽ, sáng bóng lên bởi một bàn tay diệu kì.
          Ngày tháng trôi qua, tôi nhận thấy mình đã thật sự làm được rất nhiều công việc tề gia nội trợ và dần dần tôi toàn tâm toàn ý phụng sự công việc nhà. Tôi không còn dạo quanh các nhà máy, công sở để tìm kiếm việc làm nữa. Tôi đã tránh cho đôi chân và những đôi tất của mình khỏi công việc khổ sai ấy và chuẩn bị với một tinh thần phấn khởi và đầy nghị lực để hoàn thành mọi công việc mà tôi buộc phải làm. Thế rồi tôi trở thành một chuyên gia trong mọi việc nội trợ. Tôi học vá quần áo, mạng bít tất, chải đầu cho con gái và hai con trai tôi một cách đẹp đẽ. Tôi còn hát để ru cho đứa con nhỏ ngủ. Đó là những bài hát hay, tương đối ngắn – một số do tôi đặt ra – mà tôi thường hát với tất cả sự trìu mến, dịu dàng, cho nên chỉ sau một hoặc hai phút là con tôi đã ngủ thiếp đi.
          Tôi còn học nấu nướng và đôi co với những con buôn còn thạo hơn cả một bà mẹ của gia đình – chứ sao nữa vì có rất nhiều gian thương cơ mà ! Và tôi cũng nắm những qui định phải theo khi giặt từng chiếc quần hay áo. Nói tóm lại, tôi làm mọi việc.
          Những người hàng xóm bắt đầu xì xào, nói rằng tôi không có việc làm và tôi sống bám vào váy vợ. Họ nhìn tôi khinh bỉ khi tôi đi qua phố. Đó là những kẻ ngu ngốc, không hiểu chân giá trị của công việc mà tôi đã hoàn thành với bao nghị lực và sự khéo léo.
          Còn vợ tôi, chắc chắn là cô không hài lòng tí nào, nhưng chí ít, cô không phàn nàn. Cô thường im lặng và tôi thấy hình như nét mặt cô quen biểu lộ trách móc thầm lặng. Phải thừa nhận rằng rất hiếm khi cô nhắc nhở tôi. Về phần mình, mỗi tối đi ngủ, tôi đều cố gắng hết sức để làm cho vợ tôi hé môi cười. Nhưng tôi phải thú nhận rằng đó là phần khó nhất trong công việc của tôi.
          Năm năm đã trôi qua như vậy, rồi một ngày…
          Hôm ấy, khi vợ tôi vừa rời nhà đi làm, tôi bắt đầu ngay công việc của mình. Trước tiên tôi phải rửa mặt cho thằng bé. Nhưng, trời ơi! Con gái tôi đã nhanh hơn, nó đang rửa mặt cho em. Tại sao nó dám làm thế nhỉ ? Nó có quyền gì mà dám rửa mặt cho con trai tôi ?
          Ờ nhỉ ! Nó đã lớn lên. Nó đã lên mười rồi và muốn cạnh tranh với tôi, muốn thay thế tôi trong công việc tôi vẫn làm. Nó định vô hiệu hóa tôi, nghĩa là làm cho tôi trở thành một kẻ vô công rồi nghề. Không ! Không thể như thế được !
          Tôi nhảy bổ đến chỗ con gái, lôi đứa em ra khỏi tay nó và bắt đầu tự tay tôi rửa cho thằng bé. Đứa con gái hỗn láo đã nói thẳng vào mặt tôi :
          - Tại sao bố không đi kiếm một việc gì để làm mà cứ sống bám vào mẹ vậy ?
          Dám nói với bố đẻ ra nó những điều xuẩn ngốc như vậy, thật quá quắt ! Thật hỗn hào ! Ai đã dạy nó nói như vậy nhỉ ? Mình phải dạy cho nó biết thế nào là lễ độ, dạy cho nó biết tôn trọng bố nó.
          Giận tím mày tím mặt, tôi đã tát cho nó vài cái. Nó kêu ré lên nhưng tôi vẫn mặc. Tôi ôm chặt đầu con gái và bắt đầu rửa mặt cho nó. Sau đó, tôi buộc nó phải đứng im để tôi chải đầu và tết tóc cho nó. Tôi làm như thế để cho nó hiểu rằng những việc ấy thuộc thẩm quyền của tôi và tôi không cho phép ai dính mũi vào.
          Chiều tối, khi vợ tôi trở về với vẻ mệt mỏi như thường lệ, con gái tôi đã kể hết cho mẹ nó nghe. Tất nhiên, tôi có bao biện cho hành động của mình, nhưng vợ tôi không hề muốn nghe những điều đôi co ấy, cô hét toáng lên :
          - Thôi, cả hai bố con im đi ! Tôi không muốn nghe gì hết.
          Rồi cô ây ôm chặt con gái vào lòng, gục đầu xuống đầu nó và khóc.
          Từ cái ngày đáng nhớ ấy, một cuộc chiến tranh không khoan nhượng đã nổ ra giữa con gái tôi và tôi. Sao mà tôi ghét nó thế ! Chỉ vì nó muốn thay thế vai trò của tôi mà thôi…
          Do đó, mối quan tâm chính của tôi không phải là làm chu đáo việc nội trợ, mà làm thế nào để con gái tôi không thể can thiệp vào lĩnh vực thuộc thẩm quyền của tôi. Tôi phải ngăn không cho nó lau chùi bàn ghế, quét nhà và thậm chí cả giúp tôi gọt khoai tây, một việc mà trước đó tôi vẫn cho nó làm.
          Cuộc chiến mà tôi tiến hành chống lại con gái ngày càng tăng và tôi càng muốn khẳng định, không những với vợ con mà còn với chính bản thân tôi nữa, rằng tôi là người không thể thiếu được. Vì lẽ đó mà tôi mang hết sức để làm tốt công việc nội trợ. Và cũng chính vì thế mà đột nhiên tôi nảy ra một ý tuyệt vời : phải làm cho vợ tôi có mang lần nữa.
          Và thế là vợ tôi lại có mang. Tôi rất hài lòng về mình, và khi thấy bụng vợ to dần lên tôi càng ý thức được tầm quan trọng của bản thân. Tôi lại trở nên kiêu ngạo vì giờ đây mọi người đều biết rằng tôi thực sự là một thằng đàn ông. Đúng quá đi chứ. Tôi là một kẻ giống đực, vì chính tôi đã tạo ra các con tôi, tôi có thể làm cho bụng vợ tôi to lên : một công việc mà con gái tôi không thể làm nổi ấy thế mà, nếu muốn, tôi làm được liền.
          Thế rồi vợ tôi ở cữ và đẻ cho tôi một đứa con nữa, một bé gái mảnh mai, yếu ớt. Tôi đã chăm sóc nó ngay từ khi mới lọt lòng. Tôi đã cho nó bú bình, thay và giặt tã lót, ru nó ngủ. Suốt ngày đêm tôi ở liền bên nó. Không một bà mẹ nào có thể làm được hơn tôi. Tất nhiên, tôi xứng đáng được thưởng và tôi ao ước phần thưởng sẽ là một đôi giày mới do vợ tôi tặng.
          Nhưng lần nào cũng vậy, hễ yêu cầu cô ấy mua cho tôi một thứ gì là chẳng khác nào như yêu cầu cô ấy xẻo cho tôi một miếng thịt của bản thân cô. Không phải là cô ấy bủn xỉn, mà là đã cân đối ngân sách với số lương của cô. Vì vậy, không có khoản nào dư ra để mua cái gì đó cho tôi.
          Tuy nhiên, vào buổi tối, lúc vợ đi làm về, tôi thường cố ý để cô ấy trông thấy mình đang khâu đôi giày mòn vẹt gót, rách nát đến nỗi các ngón chân tôi thò cả ra ngoài. Lẽ ra tôi phải nói với vợ về những nỗ lực của mình trong công việc chăm sóc đứa trẻ sơ sinh và hoàn thành nhiều công việc nội trợ khác mà cả chục tên đầy tớ trai và gái cũng không làm xuể. Và trong khi ngồi kể lể với vợ về công việc của mình, tôi phải cố ý bắt chéo chân để trưng ra đôi giày thảm hại của mình mong làm cô mủi lòng.
          Nhưng hình như không có gì làm vợ tôi phải chú ý, cô ấy chẳng bận tâm gì tới những điều tôi giãi bày… Cuối cùng, tôi buộc phải thật thà thú nhận là tôi muốn có một đôi giày mới . Nhanh như cắt, vợ tôi nhảy bổ đến bên tôi, vừa gầm lên vừa khoa chân múa tay, rồi nói với tôi những lời độc địa tới mức mà tôi không dám kể ra đây. Tệ hại nhất là cô ấy đã buông ra những lời ấy trước mặt con gái tôi, kẻ mà tôi ghét cay ghét đắng và tôi còn để ý thấy mắt nó bừng lên một niềm vui độc ác.
          Tất nhiên, tôi đã phản ứng lại và cũng dùng những lời lẽ ác độc không kém. Tôi suýt nữa còn định táng cho vợ một trận –  táng vợ tôi, một người trước kia rất dịu hiền – nhưng chưa kịp hạ cánh tay xuống người cô ấy thì tôi nghe thấy tiếng đứa con út khóc.
          Tôi vội chạy về bên nôi, nhưng muộn rồi, tôi ngạc nhiên thấy đứa con gái đáng ghét đã ôm gọn em nó trong tay. Giận sôi lên, tôi giằng đứa bé sơ sinh khỏi tay con gái tôi và dang thẳng tay tát cho nó một cái. Con gái tôi ngã xuống sàn và tôi còn đá nó lia lịa bằng đôi giày cũ nát của mình. Nhưng trong cơn điên khùng ấy, bé sơ sinh đã rơi xuống sàn, chết giấc.
          Tôi thực sự hối hận, hối hận cay đắng vì đã không kiềm chế được bản thân. Tất nhiên, cơn nóng giận của tôi, bằng cách này hay cách khác, vẫn có thể lí giải được. Chẳng lẽ mỗi người công dân không có quyền phẫn nộ khi nhận thấy rằng có ai đó đang tìm cách hất mình ra khỏi chỗ làm để thế chỗ. Ấy thế mà chính con gái tôi lại ương bướng đua tranh với tôi, lại muốn chiếm đoạt cái công việc nuôi sống tôi. Tại sao vậy ? Phải chăng nó không phải là con gái tôi, người phải nghe lời và tôn trọng tôi ?  Bạn đồng ý chứ ? Là một người thông minh, vợ tôi nhận thấy rằng không thể để con gái chúng tôi ở nhà để tranh việc với bố nó. Cô ấy đã mang nó theo và xin cho nó làm thợ phụ ở hãng may Cicurel.
          Từ đó, bão táp dịu đi, tôi yên tâm làm công việc của mình. Ở nhà không còn ai tìm cách tranh việc với tôi và gây nguy hại cho tương lai của tôi nữa.
          Còn bây giờ, bạn có biết con gái tôi đã sử dụng tháng lương đầu tiên của nó để làm gì không ?  Đứa con gái mà tôi vừa ghét vừa thương ấy !
          Nó đã mua cho tôi một đôi giày mới.
          Bạn có tin không ?

Vũ Đức Tâm dịch và giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét