Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

THÓI VÔ CẢM : CĂN BỆNH ĐÃ NẶNG VÀ NGUY HIỂM

Thăng Sắc


Tôi thấy bài viết “Bệnh vô cảm lỗi tại ai ?” của tác giả Tô Văn Trường rất hay, những ý kiến nêu ra đều xác đáng, gợi mở ra nhiều hướng suy nghĩ, đặc biệt tôi rất đồng ý với thái độ lựa chọn tích cực của anh là cần “Nói thẳng, nói thật, nói trên tinh thần khoa học và xây dựng về những căn bệnh xã hội đang có ở nước ta như bệnh vô cảm là điều rất cần làm để lành mạnh hóa một xã hội đã tự nêu ra cho mình những tiêu chí văn minh, tiến bộ nhất để mà phấn đấu.”

Vì vậy, tôi xin phụ họa theo một số ý sau :

Nếu gọi vô cảm là bệnh thì cần phân định rõ loại vô cảm do bệnh lý và loại vô cảm do “sự đồi bại nhân cách”. Vô cảm do bệnh lý là trạng thái mất cảm xúc, mất khả năng quan tâm tới người, vật, sự việc chung quanh. Đây là một căn bệnh thật sự, hoặc giống như hoặc nó là trầm cảm hay tự kỷ, cần được quan tâm chăm sóc về mặt y tế cũng như về mặt tình cảm gia đình và xã hội.

Vô cảm do đồi bại nhân cách thực chất là sự tôn sùng các giá trị ích kỷ, xa rời các chuẩn mực đạo đức và nhân văn. Bởi vậy vô cảm do đồi bại nhân cách có thể gọi là bệnh, mà cũng có thể gọi là thói : thói vô cảm. Ở mọi nơi và ở mọi thời đại, con người ta có nhiều thói hư tật xấu như thói tham ăn tục uống, thói cờ bạc trai gái, thói lưu manh trộm cắp, côn đồ, xu nịnh, cơ hội kiếm chác....Những thói hư tật xấu ấy đều là biểu hiện của sự suy đồi về nhân cách nhưng chưa phải là đỉnh điểm. Đỉnh điểm của sự đồi bại nhân cách chính là thói vô cảm, căn bệnh xã hội lạnh lùng có khả năng làm mất nhân tính trong mỗi con người. 

Đặc biệt nguy hiểm là thói vô cảm có ý thức, nghĩa là người ta hiểu được, cắt nghĩa được tại sao người ta hành xử vô cảm mà vẫn cứ làm. Sự vô cảm của hai ông lái xe là bạn nhau, đi ngược chiều nhau, nhận ra nhau và dừng xe giữa đường để thò cổ ra ngoài buồng lái nói chuyện với nhau mặc cho đường tắc có thể chỉ là sự vô cảm vô tâm, phút chốc. Điều đó hoàn toàn khác với những kẻ thấy đồng bào lâm nguy, xã hội đất nước đầy rẫy những khó khăn ách tắc mà vẫn ngoảnh mặt quay đi vì sợ hệ luỵ, hoặc vẫn lạnh lùng hành động vì lợi ích của riêng họ bất chấp lợi ích chung và những chuẩn mực đạo đức, nhân văn. Những người này hiểu rõ vì sao họ vô cảm và vì sao họ lựa chọn vô cảm. Một xã hội mà có rất nhiều người vô cảm kiểu này, khi mà sự thờ ơ đã trở thành bệnh lý tràn lan, nghĩa là như tác giả Tô Văn Trường nói, người ta đã mất niềm tin vào các chuẩn mực, thì đó chính là một dấu hiệu báo động đỏ, cùng với các nạn trộm cướp đạo tặc, nó chỉ ra rằng xã hội ấy không phải là một xã hội thịnh trị.

Mọi nơi và mọi thời đều chắc chắn có nhiều nguyên nhân kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá, giáo dục...dẫn đến tình trạng suy đồi nhân cách, xa rời các tiêu chuẩn đạo đức, nhân văn, chỉ khác nhau là chỗ này thì lành mạnh hơn, chỗ kia lại trầm trọng hơn, hoặc cùng một nơi thì lúc này lại tốt hơn lúc khác. Nhìn nhận một cách tổng quát đều có thể thấy tình trạng suy đồi nhân cách không trở nên phổ biến, con người hành xử giàu nhân văn hơn thường chỉ có ở những nơi và những lúc mà ở đấy :
-         Có mục tiêu, lý tưởng phấn đấu  đúng đắn và rõ rệt cho cả xã hội và cho mỗi cá nhân.
-         Có hệ thống pháp luật rõ ràng và việc thực hiện pháp luật nghiêm minh, công bằng.
-         Có một nền giáo dục lấy con người làm trung tâm  và nói không với mọi sự dối trá.
-         Có những chuẩn mực minh bạch trong các hoạt động kinh tế, xã hội.

Ở nước ta vào lúc này cần chỉ rõ thói vô cảm do sự đồi bại nhân cách là một căn bệnh đã  rất nặng nề và nguy hiểm để mỗi người và mọi người cùng đưa  ý kiến  tìm ra nguyên nhân mà chữa trị, đặng làm lành mạnh xã hội, làm cho xã hội nói chung và mỗi người nói riêng ngày càng được sống đậm đà nhân văn và giàu chất lý tưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét