Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

PHẨM CHẤT ĐẦU TIÊN : SỐNG TỬ TẾ

Lều văn xin giới thiệu lại dưới đây cuộc trò chuyện rất lý thú của ông Vũ Khoan với báo Sài Gòn Tiếp thị,  chuyên mục Giá trị sống :

                       Phẩm chất đầu tiên: sống tử tế

Dù ở cương vị nào: chính khách, nhà ngoại giao, hay nhà kinh tế, Phó Thủ tướng Vũ Khoan lúc đương nhiệm vẫn luôn là người của công việc. Giờ, thời điểm mà ông có thể thảnh thơi sau khi đã rời chính sự, có thể bình tĩnh chiêm nghiệm cuộc đời, mở rộng cánh cửa và lắng nghe những ngọn gió thời cuộc thổi qua căn nhà yên tĩnh của gia đình, thì dường như không phải vậy… Có lẽ vì ông là người luôn thấy mình phải làm gì đó, và không thể quay lưng lại với cuộc sống .
Ông hầu như ít khi từ chối và luôn sẵn sàng cho những cuộc gặp mặt và giao lưu với thế hệ trẻ, thưa ông?
Có thể nói, công việc thú vị nhất của tôi hiện nay là tiếp xúc với thanh niên, sinh viên, học sinh. Điều đó giúp tôi có thêm hiểu biết và nhất là cảm nhận được hơi thở của cuộc sống… Thế hệ trẻ ngày nay có kiến thức rộng, cởi mở, mạnh dạn hơn thế hệ chúng tôi nhiều; cách suy nghĩ, lập luận cũng thẳng thắn hơn, không vòng vo hay né tránh, nhất là trên các vấn đề hóc búa. Những lợi thế đó của các bạn trẻ luôn cuốn hút tôi. Mỗi lần gặp gỡ, đối thoại với các cháu tôi đều thấy phấn chấn, vui vẻ như mình trẻ lại và tin tưởng hơn vào tương lai của đất nước.
Thưa, những lúc đối diện với người trẻ, cảm giác về sự “có tuổi” có lúc nào hiện diện trong ông?
Những lúc ấy, tôi luôn trao đổi, chuyện trò với tư cách một người cũ, thuộc thế hệ cũ, với những kinh nghiệm cũ. Mình là quá khứ rồi, tiếp cận tới thế hệ trẻ là tiếp cận với tương lai. Thế hệ trẻ giúp mình “bắt mạch” được nhịp sống, mang lại cho mình sức trẻ, khiến mình cảm thấy chưa bị cuộc sống đào thải và như vậy đỡ tủi thân hơn!
Hai chữ “người cũ”của ông, có thể nói đó là một niềm tự hào kín đáo?
Không. Đôi lúc do chủ quan, lớp người cũ cứ tưởng rằng chỉ có mình là đúng. Thực ra chưa hẳn như vậy; nhiều điều minh nghĩ không còn khớp với thời cuộc đã thay đổi. Thế hệ trẻ ngày nay đã nghĩ khác. Các giá trị cuộc sống cũng khác rồi. Ngay cháu mình cũng không chịu nghe mình nói nữa vì có thể mình đã lạc điệu… Tôi luôn cho rằng thế hệ cũ nên biết chấp nhận những giá trị mới chừng nào nó không quá chênh, quá xa với lẽ sống tử tế của con người; còn bắt thế hệ mới sống hệt như mình, đúng với “khuôn thước” của mình là điều vô vọng !
Trong rất nhiều vấn đề được đặt ra tại các cuộc đối thoại giữa hai thế hệ, mối quan tâm nào của “thế hệ tương lai” đồng thời cũng là mối quan tâm đặc biệt của riêng ông?
Vấn đề sử dụng người tài. Theo tôi nghĩ, có thể nhìn vấn đề này từ bốn góc độ. Thứ nhất, phải trả lời được câu hỏi : có thật lòng cần họ không và cần những loại nhân tài nào? Có người nói, khi đã cầu hiền tức là thừa nhận mình dốt, vậy điều trước hết là phải chấp nhận người ta giỏi hơn mình cái đã. Mỗi lĩnh vực cần một loại nhân tài, vậy phải chọn đúng người tài mình cần. Thứ hai, đã cầu hiền thì phải tạo môi trường, điều kiện cho người ta cống hiến bằng cách giao cho họ những công việc có giá trị đích thực, đòi hỏi gay gắt và đánh giá đúng công việc họ làm  vì người tài thích được đòi hỏi, thậm chí đòi hỏi khắt khe với những sản phẩm họ làm ra chứ không phải là cách đối xử được chăng hay chớ…Thứ ba, cần có sự đãi ngộ thỏa đáng. Người tài thường không đòi hỏi vật chất nhiều đâu mà điều quan trọng hơn với họ là sự tôn trọng. Tôi nhớ, khá lâu rồi, khi chúng tôi hoàn thành một công việc quan trọng và được cấp trên thưởng cho đi nghỉ mấy ngày ở bãi biển Thái Thịnh (Nam Định), ở đó người ta phơi cá tôm, ruồi bay khắp nơi đến mức ăn cơm phải ngồi trong màn… nhưng anh em chúng tôi rất vui vì thấy công việc mình làm được đánh giá. Thứ tư, phải rộng lượng vì người tài hay có tật. Nếu vì tật nhỏ mà rũ bỏ thì thật hoài phí. Chỉ có điều những tật ấy không ảnh hưởng tới công việc, không trái với nhân cách làm người, ví dụ tật hay cãi chẳng hạn. Tại các cuộc họp mà không có người cãi thì chán lắm. Nghe cãi rất sướng vì điều đó giúp mình nhìn vấn đề từ góc độ khác, khiến mình phải vắt óc suy nghĩ. Đã dám dùng người tài thì phải biết chịu nghe họ. Ai cũng vậy, có chịu nghe người khác thì mới trưởng thành được vì làm gì có ai thông tường mọi thứ? Một vấn đề đưa ra phải được thảo luận, cân nhắc nhiều chiều mới đi đến được chân lý. Nếu cứ “thủ trưởng chỉ được cái đúng thôi” thì buồn lắm và rất nguy hiểm !
Còn một khía cạnh nữa về nhân tài mà các cuộc hội thảo, tọa đàm, bài viết ít đề cập đúng mức. Vấn đề là không chỉ đòi tổ chức quan tâm phát hiện, sử dụng, đãi ngộ nhân tài mà điều không kém quan trọng là bản thân nhân tài phải có hoài bão, phải dấn thân, ham mê học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, sống lương thiện chứ không nên chỉ đòi hỏi ở xã hội đối với mình. Ai cũng đòi hỏi thế thì lấy đâu ra nhân tài để làm cho đất nước giầu mạnh để từ đó có khả năng đãi ngộ xứng đáng nhân tài? Nếu các chiến sỹ xung trận lại đòi bảo đảm cho mình huân chương, chế độ, chính sách đãi ngộ thì làm sao nước nhà độc lập được?
Từ một phiên dịch trẻ tuổi, ông đã sớm được thừa nhận, điều đó đã ảnh hưởng đến quan niệm sử dụng người tài của ông sau này ?
Tôi không phải là người tài nhưng được người tài sử dụng. Là phiên dịch tôi được tiếp xúc và học hỏi nhiều ở các vị tiền bối anh minh như Bác Hồ, các đồng chi Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Tôi trưởng thành lên được vì đã được giao những công việc khó và được đòi hỏi cao. Vào cuối những năm 80 thế kỷ trước, khi tôi đã là Vụ trưởng rồi Trợ lý Bộ trưởng, tôi đã được ông Nguyễn Cơ Thạch lúc đó là ủy viên BCT, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao giao cho nhiều việc “trái khoáy” buộc tôi phải vượt qua chính mình. Vốn tôi chuyên làm về Liên Xô nhưng ông bắt tôi làm công tác tổ chức, do đó tôi buộc phải mần mò tìm học về khoa học tổ chức, lên Nhà máy giấy Bãi bằng xem chuyên gia Thụy điển họ quản lý nhân sự, tổ chức công việc ra sao. Sau đó ông lại bắt tôi “làm kinh tế” mà cụ thể lúc ấy là nghiên cứu kinh nghiệm thế giới về chống lạm phát, một khái niệm xa lạ với kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Tôi đã phải tìm đọc nhiều sách về kinh tế thị trường, tìm hiểu về các cuộc đại lạm phát ở Liên xô đầu những năm 20, ở Trung quốc, Hung-ga-ri, Bô-li-via trong những năm 40 xem do đâu nổ ra lạm phát phi mã và cách chữa trị ra sao. Như thế chưa đủ, ông còn yêu cầu chúng tôi phải về địa phương, vào các nhà máy, hợp tác xã, la cà các chợ…để tìm hiểu xem vì sao lạm phát. Ông đã bỏ mọi việc khác cùng chúng tôi nghiên cứu và tranh luận gay gắt tối ngày để có cơ sở đóng góp với BCT (lúc ấy ông phụ trách nhóm tài chính-tiền tệ trong Tiểu ban của BCT về chống lạm phát). Những thử thách ấy buộc tôi phải học tập, nghiên cứu, đi vào cuộc sống, từ đó trưởng thành; những kiến thức và kinh nghiệm thâu lượm được đã giúp tôi đỡ lúng túng khi giữ các cương vị lãnh đạo trái nghề như thương mại chẳng hạn. Chính đã gập may khi được giao những việc đòi hỏi phải mày mò, học tập, bị đòi hỏi gắt gao nên mới trưởng thành được và mới phấn khởi làm việc  chứ cứ “sáng cắp ô đi, tối vác về” thì làm sao lớn lên được?
Rời chính sự khi đang ở cương vị Phó thủ tướng phụ trách đối ngoại trong lúc nhiều người dân đang kỳ vọng ông sẽ tiếp tục tham gia công tác lãnh đạo và có nhiều đóng góp lớn cho đất nước, lúc đó tâm trạng ông ra sao?
Đơn giản là đến tuổi thì nên nghỉ, đồng thời mình là cán bộ, đảng viên thì phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định của tổ chức. Mỗi người phải biết lượng sức, đừng bao giờ nghĩ mình là người “không ai thay thế được”.Do vậy ngay từ đầu quá trình “làm nhân sự” Đại hội X tôi đã ghi ngay vào phiếu thăm dò xin “không tham gia nữa”, mặc dầu nhiều người khuyên nên tiếp tục. Sau khi thôi tham gia Trung ương tôi cũng nhất quyết xin thôi giữ chức Phó Thủ tướng ngay chứ không chờ đền hết nhiệm kỳ vì tôi luôn tâm niệm:  “không nên biết cách lên” nhưng nhất định phải “biết cách xuống” đúng lúc và đúng cách.
Những người “biết cách xuống”là người lòng tự trọng cao? Quy định về tuổi nghỉ hưu của cán bộ lãnh đạo cấp cao theo ông đã hợp lý?
Lòng tự trọng không cho phép người ta có cách hành xử khác. Vì chuyện gì cũng phải có giới hạn, nếu không sẽ không có điểm dừng. Mỗi cá nhân phải biết dừng đúng lúc, đúng cách. Nếu đẻ ra ngoại lệ sẽ sinh ra lắm chuyện lôi thôi. Người ta phải biết cách sống, không phải mọi điều mình muốn đều có thể. Tất nhiên, không chỉ chuyện tuổi hưu, còn rất nhiều vấn đề quan trọng khác chưa được xử lý thỏa đáng, ví dụ vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu chẳng hạn. Nói vậy đấy nhưng có lẽ do cơ chế của ta và nhất là “con” lương tâm không còn “ngọ ngoậy” trong chúng ta nên có những chuyện to đùng mà chẳng ai chịu trách nhiệm, chẳng ai hay hấn gì, chẳng ai từ chức, chẳng ai bị cách chức, thậm chí có khi còn được đưa lên cương vị cao hơn!
Tâm thế của ông lúc này? Có hay không cái gọi là “nỗi buồn thế sự”?
Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi. Mình cứ nói chế độ mình dân chủ hơn triệu lần, mình là lương tri của thời đại… nhưng sự thật thì nhiều việc, nhiều người chưa thể hiện được điều đó. Nhiều người đã đánh mất “gen xấu hổ”. Làm hỏng việc không xin lỗi, không từ chức, ra đường thì chen chúc, phóng uế bậy bạ, thấy hoa đẹp thì vặt bẻ không thương tiếc, người gặp tại nạn thì xông vào hôi của, quan chức thì tham nhũng vơ vét, “văn hóa phong bì” tràn lan, tệ “chạy” lây lan sang mọi lĩnh vực… Do đó có lẽ không nên nói quá nhiều những chuyện cao xa mà hãy “học làm người tử tế” cái đã. Tôi hay khuyên các cháu thanh niên rằng, trước hết hãy cố nói chứ đừng chửi thề, nhặt rác chứ đừng vứt rác, trồng cây chứ đừng chặt cây, đi chứ đừng chen…Không làm người lương thiện thì khoan nói đến chuyện lý tưởng, hoài bão!
Một trong những “phương cách tồn tại” của xã hội hiện nay là… tránh nói chuyện xấu. Ông có nghĩ vậy?
Vấn đề này không mới. Bản thân tôi khi đang làm việc cũng đã rất trăn trở. Đâu đâu cũng “tránh nói việc xấu”, sợ “vạch áo cho người xem lưng”, chỉ muốn khen và được khen. Vấn đề là phải nhận biết và tìm cách triệt phá cái xấu thì cái đẹp, cái tốt mới tồn tại được. Nếu cứ theo đuổi những thứ hoành tráng bề ngoài và " lớn nhất Đông Nam Á” theo “tâm lý vĩ cuồng” thì nước ta còn nghèo túng, lạc hậu dài dài…Giá mà giầu mạnh nhất Đông Nam A trên cơ sở chắt chiu từng xu thì tốt biết bao!
Đi ra thế giới nhiều, nhìn lại, ông đánh giá ra sao về hình ảnh “chính khách” Việt ?
Nói đúng ra thì cán bộ lãnh đạo của ta chủ yếu là cán bộ chính trị, chuyên môn, chưa được bồi dưỡng những kỹ năng của chính khách. Cần phải coi làm chính trị là một nghề, do đó phải đào tạo bài bản: từ cách ăn, cách nói, cách trả lời phỏng vấn, ra quyết định, điều khiển cuộc họp, tiến hành đàm phán...Phải làm sao tạo dựng được “văn hóa chính khách” chứ không thể mang “văn hóa đường phố” vào chính trường được. Đáng buồn là các Học viện của ta và toàn bộ nền giáo dục thường không chú trọng việc đào tạo kỹ năng cho nên toàn bộ công, viên chức của ta thiếu tính chuyên nghiệp.
Khi đương chức đương quyền, tiếng nói của ông đã thực sự thẳng thắn? Khi đã có “độ lùi” nhất định về thời gian, ông có thể “tự đánh giá” về các vai trò quan trọng mà ông đã đảm nhận trước đây; vai trò nào khiến ông thấy hài lòng nhất?
Tôi luôn tự nhủ mình phải luôn thẳng thắn, chân thành mặc dầu do “bệnh nghề nghiệp” ngoại giao lâu năm và do tính cách bẩm sinh nên tôi ít thể hiện sự “thẳng thắng” một cách bộc trực. Lĩnh vực đóng góp được nhiều nhất có lẽ là về đối ngoại nhưng tôi tự thấy còn quá nhiều việc mình chưa làm được trên cương vị thành viên ban lãnh đạo Đảng và Chính phủ.
Phẩm chất số một của nhà ngoại giao, thưa ông?
Bên cạnh sự kiên định, khéo léo là sự chân thành.. Kiên quyết, sắc sảo đến mấy nhưng vẫn nên chân thành, chân thành cả khi không đồng tình với đối tác. Sự xảo trá chẳng lừa được ai, chỉ tạo ra tình trạng mất lòng tin; sự chân thành trong cả trường hợp “yes”(đồng ý) lẫn “no” (không đồng ý) mới được đối tác nể trọng.
Ông từng nói rằng, hiện nay, công tác đối ngoại, rất cần “trái tim nóng và cái đầu lạnh”. Với vấn đề chủ quyền biển đảo, cách ứng xử nào ông cho là thích hợp?
Người ta nói: “không có bạn vĩnh viễn, không có thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”. Do đó mình phải xác định cho thật rõ lợi ích của mình ở đâu? Lúc này lợi ích tối cao của ta là giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đi đôi với yêu cầu duy trì môi trường quốc tế thuận lợi để thực hiện dân giầu, nước mạnh. Hai lợi ích ấy gắn bó mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, không thể xem nhẹ mặt nào. Làm sao xây dựng được nếu chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bị xâm hại, ngược lại làm sao bảo vệ được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được nếu không tranh thủ được môi trường thuận lợi để phát triển? Khi làm bạn với ai cũng nên hiểu rằng họ có lợi ích riêng, khi lợi ích của họ và của mình song trùng thì gắn kết với nhau, ngược lại thì họ vẫn lo cho lợi ích bản thân thôi. Nghe thì có vẻ thực dụng song cuộc sống là vậy, ta cũng đã có nhiều bài học về mặt này. Nói thì dễ nhưng làm không dễ, do đó hơn lúc nào hết cùng với bầu nhiệt huyết cần cái đầu lạnh, sự tỉnh táo, thông minh, khôn khéo.
Về đối nội, đây là thời điểm nợ nần nhiều, sản xuất hầu như rất ít phát triển, tài nguyên cạn kiệt…, ông có cho rằng tình hình trên hoàn toàn có thể điều chỉnh được trong nay mai?
Tôi thấy gần đây thường xuyên có quá nhiều các cuộc hội thảo, các  bài phát biểu về “tái cơ cấu nền kinh tế” đến mức hoa cả mắt, ù cả tai! Nhưng cơ cấu thế nào và nhất là bằng cách gì thì vẫn chưa rõ. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã nêu ra chủ trương này nhưng còn biện pháp cụ thể, bắt đầu từ đâu, ai làm, bằng cách gì… thì còn mờ nhạt lắm. Tôi rất ngại căn bệnh nói theo mốt thời thượng, theo phong trào nhưng nội hàm mỗi người hiểu một kiểu, cách làm càng tù lù mù hơn.  Ví dụ gần đây có “phong trào” phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng không rõ phụ trợ cho cái gì, hiệu quả ra sao, tiêu thụ ở đâu, giá thành thế nào…Không khéo sẽ lại hỏng việc. Nghe nói một trong ba nhiệm vụ cải tổ Vinashin là phát triển công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp đóng tàu, nhưng nếu sản phẩm phụ trợ ấy làm ra chỉ cung cấp cho Vinashin hay công nghiệp đóng tầu cả nước đi nữa thì dung lượng thị trường cũng không lớn, do đó giá thành rất cao và sẽ lỗ nặng. Muốn giá thành hạ thì phải sản xuất trên quy mô đủ lớn, len được vào chuỗi giá trị toàn cầu mới hy vọng có hiệu quả. Đó là còn chưa nói đến chất lượng!
Giữa các vấn đề kinh tế và xã hội, nỗi lo của ông “bên nào nặng hơn”?
 Hai mặt đó gắn bó mật thiết với nhau song theo tôi, vấn đề kinh tế không đáng lo bằng các vấn đề xã hội. Hiện có nhiều điều bất ổn quá. Những khó khăn về kinh tế đã dội vào xã hội, vào lòng người, dẫn đến hành vi con người có khi cực đoan… Những bất ổn về tâm lý xã hội ấy có thể gây tác động xấu trở lại nền kinh tế .
Ông có cho là ở giai đoạn “lửa thử vàng” hiện nay, các điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, đã hoặc đang thúc đẩy việc hình thành, xuất hiện những phẩm chất mới của dân tộc Việt?
Phẩm chất dân tộc là một phạm trù rộng lớn và phức tạp. Có những phẩm chất được hun đúc, tích tụ qua hàng nghìn năm, chắt lọc qua nhiều thế hệ. Theo dòng chẩy của thời gian và điều kiện kinh tế, chính trị,xã hội ở trong nước lẫn trên thế giới thay đổi không ngừng nên đã nẩy sinh những phẩm chất mới hoặc làm thay đổi những phẩm chất vốn có. Thạ là khó để xác định được những phẩm chất mới của dân tộc lúc này, có lẽ đây là một đề tài đáng nghiên cứu nghiêm túc. Nhưng gì thì gì vẫn có những phẩm chất vĩnh cửu, trong đó phẩm chất đầu tiên mà con người cần có vẫn là sống tử tế, hướng thiện, diệt ác, hay nói nôm na ra là làm người cho ra người.
Từng gọi mình là “tội đồ” vì đã tham gia Chính phủ mà chưa đóng góp được hữu hiệu vào việc hạn chế, ngăn chặn tình trạng hao công tốn của khi đầu tư công không hiệu quả. Lúc này, điều mà ông nuối tiếc nhất ?
(Trầm ngâm một lúc). Giá đừng để mất cân đối vĩ mô nghiêm trọng và kéo dài thì tốt. Về một số mặt kinh tế vĩ mô chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, bất ổn khá nghiêm trọng. Ơ đây có nguyên nhân từ bên ngoài, có nguyên nhân sâu xa của nền kinh tế đã tồn tại từ lâu, có nguyên nhân trực tiếp do điều hành. Về đối ngoại chúng ta cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức.  Những khó khăn ấy đương nhiên gây ra sự phân tâm về chuyện này hay chuyện khác. Lạc quan nhẹ dạ thì không nên nhưng bi quan quá mức cũng chẳng phải vì dù sao “lực” và “thế” của nước ta đã khác trước nhiều rồi. Hơn thế nữa, người Việt Nam ta mỗi khi gặp khó khăn, thử thách thì đều vượt qua được theo tinh thần “cái khó ló cái khôn”. Việc “dám” điều chỉnh nghị quyết Đại hội, giảm mục tiêu tốc độ tăng trưởng để lấy lại cân đối vĩ mô là một biểu hiện đáng hoan nghênh về “cái khôn” đã hé lộ.
Xin cảm ơn ông !
 
Kim Hoa thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét