Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Ừ, như thế là tôi hiểu !

Nguyễn Thị Hồi




Đ
ã làm ngoại giao mà ngại đi dự chiêu đãi thì không được. Các cuộc chiêu đãi không chỉ đơn giản là một hoạt động lễ tân mà nó còn là dịp tiếp xúc, mở rộng quan hệ, tìm hiểu moi tin, móc nối… Ở khía cạnh này thì có thể coi việc chiêu đãi và đi dự chiêu đãi là một khía cạnh nghiệp vụ của hoạt động ngoại giao.

Năm 1992 tôi được Chủ tịch nước bổ nhiệm làm Đại sứ tại Áo và Đại diện bên cạch các Tổ chức Quốc tế đónga ở Viên. Lúc này tôi là Đại sứ Việt Nam đầu tiên giữ nhiệm kỳ 3 năm và thường trú tại đây. Lúc này tôi còn là Đại sứ nữ duy nhất của châu Á, mãi sau mới có thêm bà Đại sứ của Pa-kít-xtan. Chính bởi cái “duy nhất” này mà tôi được mời đi chiêu đãi liên miên. Thời kỳ này ngân sách của các Sứ quán Việt Nam phần dành cho hoạt động chiêu đãi còn nghèo lắm. Phần lớn anh chị em ở các sứ quán chỉ đi dự là nhiều chứ ít khi có dịp mời lại, nhất là các cuộc mời hẹp. Tôi còn nhớ lúc đó nhiều anh em trong Bộ Ngoại giao hay phàn nàn là đi công tác nước ngoài mà đến cốc cà phê cũng ít khi mời được người ta bởi vì chẳng có kinh phí nào cho khoản hoạt động này mà bỏ tiền túi ra ở mấy nước đắt đỏ thì chẳng mấy mà cháy túi! Thực ra thì tôi cũng ở trong cái hoàn cảnh ấy, cứ đi dự chiêu đãi liên hồi mà không biết làm thế nào để mời lại người ta. Hơn nữa nếu có muốn tự làm lấy mấy món dân tộc cổ truyền như nem, phở… chẳng hạn thì cũng khó. Từ Đại sứ đến nhân viên khoảng sáu người, năm gia đình cùng với trẻ con người lớn đi theo đều “nhốt” chung vào một tòa biệt thự chẳng rộng rãi gì, vừa là nơi ăn ở, vừa là nơi làm việc, chiêu đãi… đủ các thứ. Ai có gia đình đi theo tất phải có một bếp một mâm, những người độc thân cũng một bếp một mâm nên từ sáng đến chiều tối Sứ quán lúc nào cũng ngào ngạt mùi thức ăn, đặc biệt là mùi mắm xào nấu rất đặc trưng Việt Nam. Đại sứ tiếp khách ở tầng dưới, trẻ con đứa bé thì khóc oe oe, đứa lớn thì chạy huỳnh huỵch la hét ở tầng trên, khách khứa không hiểu là kiểu gì, thật có những lúc không biết lý giải ra sao nữa. Vào bếp thì đồ chiêu đãi cọc cạch, đĩa ăn một kiểu đĩa lót một cách, cốc uống rượu cho bẩy người ăn thì thừa nhưng cho mười người ăn thì thiếu. Bây giờ mọi cái đã khác, kinh phí cho hoạt động chiêu đãi dồi dào hơn, lại có thể mời khách ở các cửa hàng ăn của người Việt Nam nên các Đại sứ bây giờ chịu khó mời hơn rồi. Tuy nhiên đã có lúc nhiều sứ quán ta rơi vào tình cảnh như tôi vừa kể. Trong hoàn cảnh ấy, không thể cứ “có đi” mà không “có lại”, tôi mới nghĩ ra một “chiêu”. Tôi nhờ anh em trong nước mua và gửi sang một ít lụa tơ tằm loại xịn, chia thành từng miếng năm mét một rồi bao gói thật đẹp. Cứ mỗi lần đi dự đin-nơ (tiệc ngồi buổi tối) tôi lại mang theo một gói có gài danh thiếp của Đại sứ và nhấn mạnh là lụa nguyên chất của Việt Nam tặng cho phu nhân chủ nhà, bà nào cũng thích. Họ được lụa đẹp liền đem khoe nhau. Các phu nhân Đại sứ thường có những cuộc gặp gỡ không chính thức, chủ yếu là để “buôn”, đủ mọi chuyện, trong đó có chuyện được tặng lụa tơ tằm Việt Nam đẹp lắm. Họ kháo nhau là cứ mời bà Đại sứ Việt Nam thế nào cũng được tặng lụa tơ tằm. Từ đấy tôi nổi tiếng là Đại sứ tơ tằm, nghĩ cũng vui vì như thế là vừa “có đi có lại”, vừa tiếp thị được cho mặt hàng tơ tằm của Việt Nam.


Một lần tôi dự chiêu đãi tại nhà riêng của Đại sứ In-đô-nê-xi-a. Ông này chơi đàn pi-a-nô rất là giỏi. Trong đời ngoại giao của mình, tôi để ý thấy In-đô-nê-xi-a là nước chịu khó đầu tư nhiều cho các Sứ quán của họ, nhất là cho nhà riêng của các Đại sứ. Nhà riêng của các Đại sứ bao giờ cũng rất to và rất đẹp, quả thật là nơi trưng bày cho đất nước của họ. Hôm ấy sau khi ăn thì mọi người ngồi lại phòng khách uống rượu cô-nhắc, cà phê, nói chuyện rôm rả. Trong phòng khách có đặt một chiếc đàn pi-a-nô mầu cánh dán sáng bóng. Sau khi ăn, Đại sứ chủ nhà chơi một bản nhạc của In-đô-nê-xi-a và một bài nhạc cổ điển để tặng mọi người, ai ai đều vỗ tay hoan nghênh. Ngồi bên cạnh tôi lúc ấy là phu nhân Đại sứ chủ nhà. Bà quay sang tôi khẽ hỏi:

- Bà Đại sứ chơi đàn có giỏi không, mời bà góp một khúc nhé.

Lời mời ấy là lời mời thật tự nhiên, không có ám chỉ gì, chỉ có điều không biết họ nghĩ sao mà cứ làm như ai cũng có thể ngồi vào và đàn một khúc. Cũng không hiểu sao mà lúc ấy tôi bật ra một câu trả lời, cũng hết sức tự nhiên, nói về hoàn cảnh thời chiến tranh của mình:

- Tôi chưa hề chơi đàn. Lúc các bạn học đàn thì tôi học bắn súng.

Không ngờ câu trả lời này lại làm cho phu nhân Đại sứ In-đô-nê-xi-a hết sức ngạc nhiên. Bà trố mắt nhìn tôi và hỏi như là có chuyện gì rất nghiêm trọng:

- Bà biết bắn súng? Thế lúc ấy bà đã bắn chết ai chưa?

Tôi điềm tĩnh kể lại cho bà nghe chuyện thời sơ tán và thời tự vệ ở Bộ Ngoại giao, chuyện tôi là một trong những người được chọn vào đội tuyển thi bắn súng trường của tự vệ Bộ Ngoại giao, tuy nhiên tôi chỉ tham gia bắn máy bay Mỹ hồi họ bỏ bom Hà Nội thôi chứ chưa trực tiếp tham gia chiến đấu. Bà phu nhân Đại sứ In-đô-nê-xi-a sau hôm đó đã đi “khoe” rầm lên là Đại sứ Việt Nam biết bắn súng. Tôi thầm nghĩ, thời ấy, người dân Việt Nam ai chả biết cầm súng.

Về sau này, khi ta thảo luận về ngoại giao văn hóa, mỗi khi nhớ lại cuộc chiêu đãi có đàn pi-a-nô ấy, tôi cứ nghĩ thiên hạ người ta làm ngoại giao văn hóa trước ta biết bao lâu rồi.

Có một kỷ niệm khác khi tôi làm Đại sứ ở Áo, liên quan đến chiêu đãi, cũng vui. Có một lúc trong đoàn ngoại giao mấy ông bạn đồng nghiệp hay đùa là bà Đại sứ Việt Nam biết xem bói. Chuyện là thế này: Lúc bấy giờ ta chưa có quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, tuy vậy Đại sứ Hàn Quốc và Đại sứ Việt Nam vẫn có quan hệ thân thiết, thường gặp gỡ trao đổi thông tin vì lúc đó vấn đề hạt nhân Bắc Triều tiên đang là vấn đề nóng tại diễn đàn của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA). Một hôm Đại sứ Hàn Quốc mời chiêu đãi, lý do là để chia tay. Tôi hỏi ông ta tại sao vừa đến chưa hết nhiệm kỳ mà trong nước đã gọi về thì ông ta bảo cũng không biết lý do vì sao, chỉ biết nhà gọi thì phải về thôi chứ thực lòng cũng còn muốn ở Áo lắm. Khi tan tiệc, tôi kéo riêng ông Đại sứ Hàn ra nói:

- Ông có muốn tôi nói cho ông biết tại sao Sơ-un lại gọi ông về sớm như thế hay không?

- Tại sao, bà nói đi, làm sao bà biết được?

- Chỉ có hai khả năng để người ta gọi ông về sớm và gấp như thế, một là ông bị kỷ luật, điều này không thể có vì ông là một Đại sứ giỏi, đang hoạt động rất tốt ở Viên. Hai là để thăng chức cho ông. Tôi đoán gọi ông về là để làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Nếu đúng là phải chiêu đãi đấy nhé!

Tôi nói thế cũng là để động viên ông bạn và cũng dựa trên phép loại trừ, cũng theo cách tính toán điều động cán bộ của Việt Nam. Khoảng một tuần sau ông Đại sứ Hàn lại mời tôi dự chiêu đãi, lần này mời hẹp với lý do là bà Đại sứ Việt Nam nói đúng, ông đã được đề bạt làm Thứ trưởng. Từ đấy bạn bè thỉnh thoảng cứ đùa là tôi biết xem bói!

Một kỷ niệm khác thực sự cảm động và đầy ấn tượng trong thời kỳ tôi công tác ở Áo còn đọng lại trong óc tôi. Câu chuyện này minh họa cụ thể và sinh động tài dùng người của Bác Hồ vì tôi may mắn được gặp người mà Bác Hồ đã dùng. Khoảng nửa năm sau khi đến nhiệm sở, tình cờ tôi có đọc được một bài báo trên tờ Tin Tức Việt Nam nói về “Một người bạn lớn của Việt Nam” mà tác giả là nhà sử học Nguyễn Văn Tạo. Người bạn lớn này là ông U-rơ-xtơ Phơ-rây, một hàng binh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông Phơ-rây là người Áo, tham gia quân đội Pháp, đóng đến chức đại tá, đã sang hàng Việt Minh và được Hồ Chí Minh tiếp nhận. Bác Hồ vẫn giữ nguyên chức cho ông và đặt cho ông một cái tên Việt Nam là Nguyễn Dân, từ đấy mọi người gọi ông là Đại tá Nguyễn Dân. Khi đọc được bài báo này tôi đã nhờ Vụ Châu Âu 2 Bộ Ngoại giao tìm cho cái địa chỉ của Đại tá Nguyễn Dân và đến thăm ông. Phải nhắc lại một chút là ông Nguyễn Dân đã từng tiến hành cuộc vận động rộng rãi để ủng hộ Việt Nam về mọi mặt, nhưng từ khi ta đưa quân vào Căm-pu-chia giúp người dân Căm-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt thì ông bị ảnh hưởng của dư luận phương Tây nên có thể cũng cho rằng Việt Nam đi “xâm lược”. Từ đấy ông có thái độ khác đối với Việt Nam. Mặt khác lúc ấy không rõ vì sao anh em ta cũng ít tiếp xúc với ông. Vì thế khi tôi đến thăm ông lần đầu tiên thì ông tỏ ra hết sức mặc cảm và lạnh nhạt. Mặc dầu vậy tôi vẫn kiên trì đến thăm ông vào các dịp lễ tết, chuyện trò động viên, qua câu chuyện giải thích cho ông nghe về vấn đề Căm-pu-chia và lâu dần đã cảm hóa lại được ông. Ông đã vượt qua mặc cảm, nhận lời đến Sứ quán thăm anh em và ăn cơm Việt Nam với chúng tôi. Điều quan trọng nhất là ông đã hiểu được tại sao ta lại phải đưa quân vào Căm-pu-chia, rằng cái chính là vì họ đánh Việt Nam trước và Việt Nam phải tự cứu lấy mình, cứu nhân dân Căm-pu-chia cũng tức là cứu mình… Dần dần ông Nguyễn Dân rất yêu quý tôi, có gì cũng trao đổi, trò chuyện. Còn nhớ khi tôi bị bệnh phải sang Hung-ga-ry điều trị, ông đã rất lo lắng bắt cô con gái đem đến đủ các thứ thuốc, từ thuốc trợ tim tới thuốc huyết áp phòng sự cố trên đường. Nhân việc này cũng phải nói để mọi người hiểu thêm nỗi khổ của các nhà ngoại giao thời đó. Vì khó khăn, cán bộ của ta chưa được mua bảo hiểm nên mới có chuyện vui là xe ô tô thì có bảo hiểm (nếu không thì không được lưu hành), còn người ngồi trên xe, kể cả Đại sứ, thì không được bảo hiểm! Tôi còn may vì có cô bạn là tiến sĩ Đặng thị Cẩm Hà, người đang làm việc tại Viên, nhưng trước đó chị đã học và làm việc ở Hung-ga-ry quen nhiều bác sĩ và giáo sư nổi tiếng nên ơn trời mọi chuyện với tôi diễn ra tốt đẹp sau hai tuần khám và điều trị với “chi phí” vài chai ruợu uýt-xky để liên hoan. Việc đó mà diễn ra tại Viên không biết sẽ ngốn mất bao nhiêu ngân sách của Sứ quán!

 Sau vụ tôi bị ốm không lâu, có một hôm cô con gái của ông Dân điện cho tôi nói rằng bố cháu muốn gặp bà Đại sứ, ông hiện đang ốm lắm, đã hai tuần không ra khỏi giường. Nhận cú điện thoại ấy tôi linh cảm thấy có điều gì không ổn. Ngay sáng hôm sau tôi cùng với anh Nghĩa là cán bộ sứ quán đến thăm ông ngay, đem theo hoa quả và quà của sứ quán. Chúng tôi tưởng ông Dân không dậy được nên định vào tận giường thăm ông nhưng cô con gái ngăn lại và nói ông dặn cứ ngồi ngoài để ông ấy ra. Chúng tôi ngồi đợi ông ở phòng khách và hỏi nhau tại sao lại có sự lạ như thế, tại sao ông đang ốm nặng, đã nằm bất động từ nhiều ngày mà không để chúng tôi vào tận nơi thăm ông. Điều lạ nữa là chúng tôi đã không phải đợi lâu. Cô con gái vừa vào phòng ông thì đã thấy cửa phòng khách xịch mở, cô đang dìu ông ra gặp chúng tôi. Chúng tôi đứng cả lên đón ông trong sự ngạc nhiên vô cùng khi thấy ông mặc com lê chỉnh tề để tiếp chúng tôi, một điều rất ít thấy ở ông. Điều đó chứng tỏ ông đã chuẩn bị từ trước để đón chúng tôi. Những sự việc ấy đã làm cho tôi có linh cảm xấu, rằng đây có thể sẽ là lần gặp gỡ cuối cùng.

Ngồi nói chuyện lúc đầu ông kể rằng ngày xưa ông có một mối tình ở Việt Nam. Khi ông được Bác Hồ tiếp nhận và cho tiếp tục công tác trong ngành an ninh (ông nguyên là sĩ quan an ninh), cùng tham gia phụ trách an ninh cho Đại hội Đảng năm 1951 ở chiến khu. Ngoài ra ông còn là chuyên gia giúp giảng dạy đào tạo đội ngũ cán bộ an ninh của ta. Trong quá trình giảng dạy ông đã đem lòng yêu một cô học viên cao to, xinh đẹp nhưng bị mất ngón tay trỏ vì bị địch bắt và chặt mất ngón tay trỏ để không bóp cò súng được.

Tôi hỏi, vừa đùa vừa thật:

- Thế ông có để lại sản phẩm gì ở Việt Nam không để tôi về tìm lại cho ông?

Ông cười bảo: không có, trong sáng lắm! Đây là một mối tình thật đẹp, thật trong sáng, cô ấy là một học viên ông rất yêu quý. Ông Dân đã kể chúng tôi nghe câu chuyện này bằng tiếng Việt. Tôi đã hết sức xúc động về điều đó khi biết rằng ông đã rời Việt Nam từ năm 1953. Trước lần gặp này, khi đến Sứ quán ông đã đưa chúng tôi ra một cái đồng hồ do Bác Hồ tặng và một bức thư do đích thân Bác Hồ viết giới thiệu Đại tá Nguyễn Dân, nhờ giúp đỡ Đại tá Nguyễn Dân đi về nước qua biên giới Trung Quốc. Những kỷ vật này ông đã giữ gìn trân trọng trong suốt từng đấy năm trời, nay đem trao lại cho chúng tôi gửi về để đưa vào viện Bảo tàng Lịch sử.

Cuộc nói chuyện thật thú vị nhưng chúng tôi không dám ở lại thêm vì sợ ông mệt. Khi ra về ông nắm tay tôi và nói:

- Bây giờ ta đã có thể ra đi thanh thản bởi vì ta biết rằng Việt Nam của Hồ Chí Minh không bao giờ đi xâm lược.

Tôi nắm chặt tay ông, ứa nước mắt. Về sau, khi nhớ lại cuộc gặp gỡ này, tôi cứ nghĩ Bác Hồ đã có tài dùng người như thế nào để sau một thời gian dài dằng dặc cả đời người với bao biến đổi như thế mà vẫn trung thành, tin tưởng. Tôi cảm nhận được niềm tin và sự sùng kính trong câu nói của ông, tình cảm hướng về Bác Hồ mà ông tin và yêu quý.

Chính ở thời điểm ấy trong tôi cũng trào dâng những tình cảm xáo trộn. Lúc ấy tôi cảm thấy vừa thương ông Dân bao nhiêu, vừa cảm phục Bác Hồ bấy nhiêu vì Người đã dìu dắt, đào tạo nên những con người như ông Dân. Càng cảm phục lại càng thấy tự hào, niềm tự hào về Đảng, về Bác, về nhân dân Việt Nam, niềm tự hào giống như hôm tôi bất chợt thấy lá cờ Việt Nam được kéo lên trước Phủ Tổng thống tung bay phần phật trên bầu trời mùa thu của thủ đô nước Áo khi tôi vừa trình quốc thư. Nhờ Bác Hồ mà lá cờ đỏ sao vàng không chỉ tung bay ở Viên mà còn ở nhiều thủ đô các nước khác, cũng nhờ Bác Hồ mà lá cờ đó tung bay trong trái tim của những người như ông Dân, những người bạn quốc tế đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, luôn hết lòng yêu mến và tin tưởng Việt Nam của Hồ Chí Minh.

Sau cuộc gặp ấy không lâu thì ông Dân mất.
     Tôi xin trở lại câu chuyện lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước phủ Tổng thống nước Áo. Vốn là thế này: Ở Áo, lễ trình quốc thư rất trang trọng hơn ở nhiều nước khác. Trước Phủ Tổng thống có đội quân nhạc và đội tiêu binh đứng hai bên, ở quảng trường có dân chúng tụ tập đến xem. Vụ trưởng Lễ tân dẫn tôi đến chào là cờ của Áo trong nền quân nhạc cử quốc ca Áo, tôi đứng nghiêm chào cờ nước chủ nhà. Sau đó tôi trình Quốc thư lên Tổng thống Tô-mát Cle-xtin. Tôi nhớ mãi sau khi trình thư xong thì Tổng thống tiếp lễ tân chừng hai mươi phút. Tôi ngồi nói chuyện, quay lưng vào một bức ảnh rất to của bà Ma-ri-a Tê-rết-xa một thời là Nữ Hoàng của Áo. Tổng thống Tô-mát Kle-xtin vui cười nói: rất hoan nghênh bà Đại sứ đến đất nước chúng tôi và bà cũng thấy đằng sau bà là bức ảnh Nữ Hoàng Tê-rết-xa của chúng tôi, người đã sinh thành 16 người con mà vẫn làm vua và trị vị hơn một chục năm một cách hoàn hảo!
 Lễ trình quốc thư lên Tổng thống xong, khi vừa từ Phủ Tổng thống bước ra thì đoàn quân nhạc cử quốc ca Việt Nam và lá cở đỏ sao vàng được từ từ kéo lên. Khi nhạc vừa dứt thì lá cờ cũng vừa lên đến ngọn, cờ được gió bay phấp phới trước sự ngưỡng mộ của rất nhiều người dân trước cửa Phủ Tổng thống. Khi nhìn lá cờ, tôi lặng người vì cảm động đến rơi nước mắt. Tôi nhớ tới bao người đã hy sinh trong đó có bố tôi để có được một Việt Nam như thế và để cho cá nhân tôi có được những giờ phút như thế này, thầm nghĩ thế là mình đã trở thành Đại sứ, là người đại diện của Việt Nam bên cạnh Tổng thống nước Áo. Thật vinh dự và tự hào biết bao! Lúc ấy tôi vừa thấy tự hào nhưng đồng thời cũng thấy trách nhiệm của mình thật nặng nề, đúng như lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã căn dặn chúng tôi trước khi lên đường đi nhận nhiệm vụ: các con đi làm Đại sứ thì các con là đại diện, các con và Sứ quán là Việt Nam thu nhỏ ở nước ngoài đấy. Người ta nhìn vào các con là nhìn thấy Việt Nam nên phải làm thế nào đấy để đại diện cho xứng đáng. Đấy là những ấn tượng mạnh mẽ và không bao giờ phai mờ của tôi trong ngày đầu tiên bước vào “nghề đại sứ”.

Trong nhiệm kỳ ba năm công tác tại Áo, tôi có những kỷ niệm không quên với vị Tổng thống nước này. Lần đầu gặp ông là khi trình quốc thư, lúc ấy cuộc tiếp kiến diễn ra nhanh và gọn. Hàng năm, cứ vào dịp lễ Giáng sinh và năm mới, Tổng thống đều tổ chức chiêu đãi thết ngoại giao đoàn, mời các Đại sứ đi nghe hòa nhạc. Năm đầu tôi cũng được mời như thế. Trong thâm tâm tôi nghĩ nếu có dịp nào thì mình cũng phải bày tỏ tình cảm trân trọng của mình là người đại diện cho Việt Nam đối với Tổng thống. Dịp ấy đã đến khi tôi biết sinh nhật lần thứ 60 của Tổng thống. Nhân có đoàn công tác của thành phố Hải phòng sang đàm phán về dự án xử lý rác của Áo cho Việt Nam ở địa phận Hải phòng, tôi liền nói ý định nhờ nhà máy dệt thảm len Hàng Kênh dệt cho một bức chân dung Tổng thống. Gợi ý này được chấp nhận, chỉ vài tháng sau ở nhà đã gửi sang cho tôi tác phẩm dệt thảm tuyệt mỹ. Đúng vào sáng sớm ngày sinh nhật, tôi gửi bức chân dung này kèm với 6 bông hồng tượng trưng cho 60 tuổi (không có tiền để mua 60 bông vì hồng ở Áo đắt lắm) tới văn phòng Tổng thống. Chỉ mấy tiếng sau đã có một bức thư từ Phủ Tổng thống gửi đến Sứ quán do đích thân Tổng thống viết với nội dung cám ơn tôi đã gửi tặng ông bức chân dung dệt thảm len rất đẹp, trong đó có câu: sao bà Đại sứ lại có thể tinh tế đến như vậy!

Chẳng bao lâu sau đó đến dịp lễ Giáng sinh và Tết dương lịch. Đoàn ngoại giao được mời dự chiêu đãi và trước đó có thủ tục xếp hàng bắt tay chúc tết Tổng thống. Khi đến lượt tôi (theo thứ tự sắp xếp trong ngoại giao đoàn), Tổng thống vừa bắt tay vừa vui mừng nói: tôi nhận ngay ra bà rồi, bà Đại sứ Việt Nam, cám ơn bà lần nữa về món quà sinh nhật quý giá. Sự thân thiện của Tổng thống đã làm cho các vị Đại sứ chung quanh ngạc nhiên, không biết vì sao tôi mới đến mà đã như quen biết Tổng thống từ trước vậy.

Những năm giữa nhiệm kỳ, khi hỗ trợ theo đuổi dự án xử lý rác ở Hải phòng và dự án nước sạch ở Hà Nội, tôi nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc lập sứ quán Áo tại Hà Nội và việc lãnh đạo thăm viếng lẫn nhau ở cấp cao nhất. Vì thế tôi nung nấu ý nghĩ thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Kle-xtin và việc lập sứ quán Áo ở Việt Nam. Tôi đem trao đổi ý tưởng này với một số bạn bè và được ủng hộ nhiệt liệt. Một người bạn trong Hội Áo-Việt Nam rất thông thạo về quan hệ giữa Đức và Áo đã gợi ý cho tôi cách lập luận như sau: có lẽ nào Đức đã chuẩn bị đi thăm Việt Nam ở cấp cao mà Áo không đi trước một bước! Áo cần năng động hơn, không nên chậm chân so với Đức! Tôi đã vận dụng lập luận đó và tất nhiên còn có nhiều lý lẽ khác nữa. Kết quả là năm 1994 Tổng thống Kle-xtin đã thăm Việt Nam và cam kết sẽ mở Sứ quán Áo ở Hà Nội.

 Khi tôi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ công tác cũng là lúc tình hình chính trị Áo có những chuyển biến, Thủ tướng bạn mất chức, Tổng thống phải kiêm nhiệm luôn chức Thủ tướng nên rất bận, rất ít tiếp khách lễ tân, nhiều Đại sứ ra về không chào được ông. Trong ngoại giao, việc này cũng có nhiều khi xảy ra do những hoàn cảnh khó khăn khác nhau nhưng nó thường làm cho các vị Đại sứ rời nhiệm sở không được vui. Riêng tôi thì không muốn như thế, tôi đã đề nghị lễ tân thu xếp để được chào ông. Tuy vậy vẫn bị từ chối, Phủ Tổng thống gửi tặng tôi một bức ảnh rất đẹp của ông cùng với dòng lưu bút đánh giá cao nhiệm kỳ công tác và đề nghị thông cảm vì bận không tiếp được. Do có quan hệ thân quen, tôi đã gặp Vụ trưởng lễ tân và nói quá lên rằng ông không thể biết Hà Nội sẽ nghĩ thế nào nếu như tôi ra về mà không chào được Tổng thống dù chỉ năm phút, tôi sẽ báo cáo Chủ tịch nước của tôi như thế nào! Cuộc trao đổi này đã đến tai Tổng thống và kết quả là Tổng thống đã dành cho tôi hẳn 45 phút chào từ biệt. Lúc ấy tôi đang theo đuổi dự án xử lý nước sạch cho Hà Nội. Khi bắt tay chào từ biệt, ông nắm tay tôi và nói: bà Đại sứ yên tâm, tôi không quên dự án nước sạch cho Hà Nội đâu!

Mười năm sau, vào năm 2002 tôi lại được bổ nhiệm giữ chức Đại sứ ở Ca-na-đa. Lúc này trong nước đã thực hiện đổi mới được hơn chục năm, đã có những bước phát triển đáng khích lệ về mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa. Quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước cũng đã được mở rộng. Trong bối cảnh đó, các “sứ thần” của ta đi nước ngoài cũng có phần được “xông xênh” hơn.

Khi mới đến Ca-na-đa có một kỷ niệm thật khó quên. Có dịp gặp gỡ nhiều người thì tôi mới thấy là họ hiểu biết về Việt Nam còn hạn chế lắm. Nhớ lại 10 năm trước, khi tôi là Đại sứ ở Áo, có một người hỏi tôi bà là Đại sứ của miền Bắc hay miền Nam. Tôi cũng hơi nóng mặt nhưng để gỡ thẹn cho bạn nên trả lời: để tiết kiệm nên tôi làm Đại sứ của cả hai, sau nghĩ lại mới thấy cũng do phần tuyên truyền giải thích của mình nhìn chung còn yếu quá, người ta nhìn Việt Nam chỉ thấy chiến tranh với lại hai miền. Khi sang Ca-na-đa cũng vậy. Tại Ca-na-đa có một tổ chức phi chính phủ của Thiên chúa giáo gọi là tổ chức Em-bát-xy, là cầu nối giữa các nhà ngoại giao với chính phủ và đặc biệt là với các nhà chính trị, kinh tế, các doanh nghiệp đại gia. Khi đến chào xã giao tại Sứ quán, ông chủ tịch hỏi bà Đại sứ có cho phép tôi cầu Chúa cho bà hay không. Tôi trả lời tốt thôi, chúa Giê-su với Đức Phật bao giờ cũng chỉ dạy chúng ta những điều thiện mà thôi. Sau đó ông cầu chúa phù hộ cho tôi hoàn thành tốt đẹp công việc. Chắc ông cũng ngạc nhiên vì thấy tôi phản ứng “thoải mái” như vậy.

Hội Em-bát-xy cũng thường tổ chức cho các Đại sứ đi thăm các bang của Ca-na-đa. Đây là các chuyến đi mà các Đại sứ phải thực hiện “ba cùng”, nghĩa là khi đến địa phương thì các gia đình sẽ đón về ăn ở tại nhà họ, phần việc chính sẽ là tham gia các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, tham quan để tìm hiểu các khả năng đầu tư kinh doanh của địa phương do chính quyền địa phương thu xếp. Lần ấy họ mời tôi cùng hai Đại sứ U-ru-guay và Y-ê-men về thăm và “ba cùng” ở bang An-béc-ta thuộc miền Tây, giáp với Van-cu-vơ, rất xa thủ đô Ôt-ta-oa. Ông chủ nhà mà Hội Em-bát-xy đã gửi tôi ra tận sân bay đón.. Đó là một ông già khoảng 70 tuổi nhưng còn rất quắc thước, da mặt đỏ au và mái tóc bạc trắng. Sau màn nhận người và chào hỏi làm quen, ông xếp va-li vào xe cho tôi rồi tự lái xe đưa tôi về. Quãng đường từ sân bay về thành phố thật đẹp, gió mát và nắng vàng làm cho người ta cảm thấy thật sảng khoái. Lúc trên xe tôi tranh thủ tìm hiểu về ông chủ nhà. Ông cho biết ông là một đại điền chủ, vườn đất rộng mênh mông, đặc biệt người ta lại tìm thấy có mỏ dầu lửa trong khu vực đất của ông. Ông cười ròn tan và khoe với tôi nhờ thế mà ông còn trở thành một ông chủ về dầu lửa. Các con ông đều thành đạt và làm ăn ở nơi khác. Ông cũng cho biết ông đã đón một vài Đại sứ nhưng Việt Nam thì đây là lần đầu.

Buổi chiều hôm ấy có cuộc gặp gỡ giữa các Đại sứ “ba cùng” với Phòng Thương mại địa phương, các doanh nghiệp ở địa phương và các gia đình đón khách. Tôi đã tranh thủ thông báo về Việt Nam, giới thiệu các khả năng đầu tư vào Việt Nam và ngược lại tìm hiểu về khả năng các doanh nghiệp ở địa phương. Buổi gặp thân mật, phần giới thiệu của tôi không cứng nhắc mà thỉnh thoảng lại xen vào những câu hỏi và trả lời dí dỏm nên đã chiếm được cảm tình và sự chú ý của người nghe. Ông chủ nhà tôi vừa nghe vừa gật đầu ra vẻ tán thưởng. Sau đó các Đại sứ dùng cơm chiều với quan khách địa phương và các vị chủ nhà.

Buổi tối về, tôi và ông chủ nhà lại ngồi nói chuyện với nhau trong phòng khách. Ông mang rượu ra mời tôi. Ông tỏ ra rất sành về rượu và giới thiệu cho tôi các loại rượu nho của Ca-na-đa. Hôm ấy ông thết tôi loại rượu mà ông rất thích, đó là loại rượu nho tuyết, nghĩa là người ta cứ để cho quả nho thật chín trên cây, đợi đến khi thật lạnh, tuyết đóng thành băng trên cây mới hái những chùm nho muộn này về làm rượu. Vị rượu ngọt nồng nàn, ông bảo thứ này uống trước hoặc sau bữa đều được nhưng không uống trong bữa. Ông khen tôi buổi chiều nay nói về Việt Nam rất hay, tuy chưa đi nhưng lần này nghe Đại sứ nói thì cũng sẽ đi Việt Nam. Tôi bảo đúng thế, ông nên đi xem một đất nước ở nửa vòng trái đất bên kia họ sống như thế nào, ở đấy không phải chỉ có chiến tranh mà bây giờ đang xây dựng và phát triển. Ca-na-đa và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau, Ca-na-đa không xa lạ gì đối với Việt Nam vì Ca-na-đa đã tham gia vào các hoạt động để chấm dứt cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ ở Việt Nam. Câu chuyện xoay quanh những nội dung như thế nhưng vui vẻ, nhẹ nhàng và thoải mái, lại có rượu nho ngon đi kèm nên nói chuyện mãi không chán. Tuy thế cuối cùng thì cũng đến giờ phải đi ngủ. Tôi cám ơn lòng mến khách của ông chủ, xin phép ông được về phòng nghỉ sau một ngày đi đường xa và chúc ông ngủ ngon giấc. Tiễn tôi ra khỏi phòng khách tôi cứ thấy ông đứng tần ngần, rõ ràng như muốn hỏi một điều gì. Đúng như thế, khi tôi sắp bước đi dứt khoát thì ông nói:

- Tôi có thể hỏi bà Đại sứ một câu này không?

Tôi nói rất vui lòng. Ông đã hỏi tôi một câu hỏi thật bất ngờ, ngoài những dự đoán vừa lướt qua trong đầu tôi.

- Bà Đại sứ có phải là cộng sản không?

Tôi mỉm cười và hỏi lại:

- Nếu như tôi là cộng sản thì có ảnh hưởng gì đến nhận xét của ông không?

Ông trả lời dứt khoát:

- Không, nếu mà như thế thì bà Đại sứ là người cộng sản dễ chịu nhất.

Tôi hỏi ông: thế ông biết về cộng sản Việt Nam thế nào mà lại nói tôi là người cộng sản dễ chịu nhất. Đến lượt ông cười và nói chỉ biết Hồ Chí Minh là người lập ra Đảng cộng sản Việt Nam. Thế là tôi lại nán lại tranh thủ nói với ông:

- Hồ Chí Minh chỉ làm mỗi việc là tìm ra cách để giành lại cái mà như các ông nói “Ca-na-da là nhà của các ông”, giống như là “Việt Nam là nhà của chúng tôi”. Không thể nào mà tự nhiên có những người ở tận đẩu tận đâu đến và nói rằng Việt Nam là nhà của họ, thuộc sở hữu của họ. Không phải! Chúng tôi chỉ làm mỗi một việc rất đơn giản như thế thôi. Nhưng thực ra không đơn giản tý nào. Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành lại cái quyền đó, quyền chúng tôi nói Việt Nam là nhà của chúng tôi. Để giành lại cái quyền đó chúng tôi đã phải đổ biết bao xương máu. Tôi sinh ra không có bố, tôi không hề biết bố là gì vì bố tôi đã hy sinh cho cái quyền ấy trước khi tôi ra đời. Ông Hồ Chí Minh đã đem lại cho chúng tôi cái quyền ấy, đặc biệt là phụ nữ; không có Hồ Chí Minh thì chắc không có tôi đứng đây nói chuyện với ông bây giờ. Ông có biết không, Hồ Chí Minh đã nói về quyền phụ nữ là: sự nghiệp giành độc lập của chúng tôi sẽ chỉ là một nửa thôi nếu không giải phóng phụ nữ, nếu phụ nữ không được quyền nói lên tiếng nói của mình và không được đi bỏ phiếu.

Ông chủ nhà nghe tôi nói, nhất là khi biết tôi mồ côi cha, đã rơm rớm nước mắt, cảm động nói: ừ, như thế là tôi hiểu!

*
*        *

Thế là cái duyên với nghề đã đưa tôi tới ngành ngoại giao gần bốn mươi năm, vắt ngang hai thế kỷ,được chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử của đất nước cũng như của ngành ngoại giao. Bây giờ ngẫm lại cũng không thấy hối tiếc bởi đã gắng hết mình dù ở bất kỳ vị trí nào. Còn thành tựu, danh vị lúc đó có ai toan tính gì đâu!

Trước khi khép lại câu chuyện, sẽ là khiếm khuyết nếu tôi không nói lời cảm ơn chân thành tới nhà văn Thăng Sắc - một người bạn, người đồng nghiệp, đồng hương - về ý tưởng, sự khích lệ và giúp đỡ để biến những mẩu chuyện “lẻ tẻ” của tôi thành những gì có thể đọc được. Hy vọng ít nhiều cũng mang lại cho người đọc chút thông tin về một vài hoạt động ngoại giao một thời cũng như “hành trình” trở thành người được gọi là “Nhà ngoại giao” từ một cô thôn nữ nơi “nước mặn đồng chua”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét