Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

ĐẤT NƯỚC CỦA “ĐẾN TẬN CÙNG” VÀ “VÌ PHÁT TRIỂN”

Nguyễn Tâm Chiến,
Nguyên Thứ trưởng Ngoại Giao
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản và Hoa Kỳ

Hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Chủ tịch Hội Việt-Mỹ nhiệm kỳ 2012-2017.

 C

hắc bạn đọc thấy khó hiểu khi tôi dùng những từ trên để viết mấy câu chuyện sau đây về đất nước và dân tộc Nhật Bản. Tôi quyết định chọn hai tiêu chí đó - “đến tận cùng” và “vì phát triển” - vì không biết có khái niệm nào phù hợp hơn đối với các nội dung mà mình sẽ đề cập không? May ra bằng cách khái quát đó tôi có thể diễn tả gần đúng thực chất, kết tinh tính cách, nếp nghĩ và lối hành xử của người Nhật, một nhân dân mà tôi đã tiếp xúc, quan sát trong 3 năm, từ 1992 đến 1995 với tư cách là Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.

 Nhớ lại, khi Tổng Giám đốc Tập đoàn kinh tế Ma-ru-bê-ni, một trong bảy công ty lớn nhất trên thực tế chi phối nền kinh tế Nhật Bản, mời cơm tôi và có nêu ra một câu hỏi:

- Ngài Đại sứ có bao giờ nghĩ về một điều gì đó đến cùng thì mới thôi không?

Tôi trả lời: “Câu hỏi của Ông thật khó và thú vị, bởi mọi chuyện đều biến đổi khôn lường và vô cùng, con người chắc không ai theo hết được. Riêng tôi, thỉnh thoảng tôi chỉ cố lý giải các vấn đề ở mức “tối đa có thể và đủ độ cần thiết” mà thôi.


Ông ta cười, khen tôi là triết gia, còn tôi thì thầm ngượng vì mình xuất thân chỉ là một kỹ sư cơ điện, chả biết lý sự nhiều. Để “chữa ngượng”, tôi nói rằng, có thể câu trả lời của tôi chưa đúng ý ông nêu, rằng, ông có thể nói rõ hơn để tôi được học hỏi không? Ông lại “cười thẹn” và khiêm tốn: “Ồ không, Đại sứ đã rất hiểu ý câu hỏi tôi muốn nêu. Người Nhật chúng tôi thường có lối nghĩ “sợi dây chuyền”. Có vấn đề A thì nghĩ ngay kế tiếp theo nó sẽ xuất hiện vấn đề B; có vấn đề B rồi thì kế tiếp là vấn đề C gì đó… cứ thế mà nghĩ “cho thỏa thích” giúp cho con người nhìn “tối đa có thể” (như Đại sứ nói) các vấn đề, biết đâu sẽ xuất hiện những nhân tố bất ngờ, khó lường để tính cách phòng ngừa và xử lý, nhất là đối với những điều không hay…! Tôi trộm nghĩ: có nghĩa người Nhật suy nghĩ về điều gì đó họ đều cố “nghĩ mãi, nghĩ mãi… cho đến tận cùng mới thôi, sức tư duy như vậy thật dẻo dai! Và làm gì họ cũng cố tính nước “đề phòng”, “dự liệu” theo kiểu ông cha mình hay nói: “giơ chân lên thì phải nghĩ ngay đến chỗ sẽ đặt vào là đâu”. Trong “túi khôn” khi hết nhiệm kỳ Đại sứ mang về nước, tôi tích cóp được vô số mẩu chuyện minh họa cho những điều mình suy ngẫm về cách tư duy, việc làm và lối sống của người Nhật. Nhưng cái khó là cắt nghĩa cho được nguồn gốc của những tính cách ấy từ đâu mà ra.

CẢM NHẬN ĐẦU TIÊN: TÔI ĐI ĐẾN ĐÂU ĐÂY?

T

ôi lên đường đi công tác sang Nhật Bản vào tháng 9 năm 1992. Bay trên bầu trời Nhật, tôi rất hồi hộp nghĩ đến điều mình sẽ tới sống và làm việc ở một đất nước mà mình chưa từng đặt chân, đến một nơi mà mình mới biết qua vài câu chuyện và những bản báo cáo, những công trình nghiên cứu khô khan về chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Nhật. Tuy công tác trong ngành ngoại giao nhưng tôi chưa bao giờ có dịp đến hoặc thậm chí ghé qua vùng đất này. Lý do đơn giản là ngoại ngữ chính của tôi là tiếng Nga và trong 20 năm trước đó (1972-1992) tôi chuyên về các công việc với Liên Xô và tại Vụ Tổng hợp của Bộ Ngoại giao. Tôi được cử qua Nhật Bản vào thời điểm đất nước ta bắt đầu triển khai chính sách “đa phương hóa, đa dạng hóa”, phá bỏ dần thế bị bao vây, cô lập sau hơn 10 năm liên quan tới cái gọi là “vấn đề Căm-pu-chia”.

Nhìn từ trên máy bay là là hạ cánh, nước Nhật thật đẹp bởi đây là một quốc đảo, phong cảnh sơn thủy hữu tình, với núi, sông và biển tạo nên một bức tranh tuyệt hảo, làm cho lòng tôi không khỏi xốn xang. Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất lại là “sự ngăn nắp” của đất nước này. Chiếc máy bay hạ độ cao và giảm tốc độ từ từ, êm ái như chiều lòng người viễn xứ lần đầu đến nước Nhật, tạo thêm thời gian ngắm nhìn không chán mắt những ô ruộng đều đặn, những khu phố vuông vắn như bàn cờ, những hệ thống đường chằng chịt như bản thiết kế trên trang giấy… Toàn cảnh bức tranh ấy gợi cho tôi cảm giác ban đầu rằng, mình đang đến một nơi mà con người đã ‘sắp xếp lại giang sơn’ một cách nâng niu và rất công phu rồi! Sau này, trong 3 năm tiếp sống ở Nhật, tôi càng thấy rõ cảm nhận ban đầu thật không sai. Bất cứ ở đâu, trong thành phố hay ở những vùng quê, từ thủ đô Tô-ky-ô đến bán đảo Kiu-siu cực Nam hay đảo Hô-cai-đô cực Bắc, cảnh quan nước Nhật đều làm sâu đậm thêm cảm nghĩ chung là: nơi đây mỗi mảnh đất, mỗi thân cây, mỗi hòn đá, mỗi lạch nước… đều có bàn tay của con người chăm sóc, vun vén tỉ mẩn. Và tất cả mọi người đều ít nhiều nhận thức và làm các công việc đó. Trong thành phố, từng cái cây dọc đường đều được đánh số vào thân hoặc treo biển số nhỏ; tôi đến Nhật đúng vào mùa thu lá rụng, mỗi sáng sớm thức dậy chạy thể dục dọc phố và trong công viên Yô-yô-ghi, nhưng không hề thấy lá cây khô hay rác rưởi vung vãi. Về sau tôi mới biết mỗi gia đình người Nhật sáng sớm nào cũng tự giác quét rác và làm vệ sinh đoạn phố trước nhà mình, còn các công ty vệ sinh công cộng luôn làm việc vào ban đêm để sáng ra không gây tắc đường và mọi người mở mắt ra đều thấy các nơi đều đã sạch sẽ tươm tất.

Viết tới đây tôi bỗng nhớ lại câu chuyện về ba cây cao trong khuôn viên Đại Sứ quán ta ở Tô-ky-ô. Sau không đầy hai tuần đến nhiệm sở, tôi đã được anh em thông báo, chính quyền địa phương có thư phản ảnh sự không hài lòng của nhiều gia đình Nhật sống xung quanh vì họ phải “quét thay” cho Sứ quán quá nhiều lá cây bởi mấy cây trong khuôn viên Sứ quán để mọc quá cao, gió thổi lá bay khắp quanh vùng, mong Đại sứ có biện pháp khắc phục! Thế là thôi rồi, tôi hiểu những lời trong thư thể hiện rất “ngoại giao” với ông Đại sứ mới, thực chất phía bạn đề nghị phải chặt tỉa cây thường kỳ theo quy định. Nhập gia tùy tục, tôi quyết định sớm thuê người chặt tỉa bớt cành lá của mấy cây cao. Nếu giờ đây tôi tả hết cảnh bốn người nhân công Nhật đến Đại Sứ quán ta chặt tỉa cây thế nào thì có lẽ phải mất vài trang giấy! Để “đỡ căng thẳng” cho bạn đọc, tôi chỉ xin miêu tả lại vắn tắt thế này: bạn hãy hình dung bốn con người nai nịt như những quân nhân thời chiến, trên người họ, thay cho vũ khí là đủ loại công cụ lao động: nào là cưa máy nhỏ, nào là dao kéo, kìm cắt, búa, bộ đàm, dây rợ… vv và vv. Bắt tay vào việc, họ cắt cành nhỏ trước, cành to sau, chuyển từng cành lá xuống đất, cành nhỏ và lá cho vào túi ni lông, còn cành vừa và to họ cắt theo một độ dài một mét rưỡi đều tăm tắp, bó thành từng bó vừa sức một người vác, rồi bọc lại cẩn thận bằng ni-lông! Chao ôi, tôi thật ngỡ ngàng trước cách thức làm việc của người Nhật, mà đây mới là một chuyện nhỏ đầu tiên mình được “chiêm ngưỡng”. Xe ô tô được đưa đến sạch bong, không một vết bùn và những người thợ bê từng túi, từng bọc lên xe với sự nâng niu như tránh làm cho cành lá bên trong bị đau! Lần ấy, cộng cả công vận chuyển hai chiếc xe ô tô cũ của cơ quan vứt ra bãi rác, tôi phải ký hóa đơn thanh toán trị giá hơn 3.500 đô la! Là Đại sứ của một nước nghèo, sinh ra lại trên đất đồ Nghệ giàu truyền thống “cá gỗ”, ký chi số tiền trả như thế (tôi tự chuyển đổi ngay trong đầu thành số ‘kếch xù’ bằng đồng Việt Nam theo tỉ giá hồi đó) cho vài công việc “sơ sơ” kia mà thấy run tay! Tôi bỗng nhận ra mình đã rơi vào một thế giới mới của những giá trị thực-ảo khác thường. Không là cán bộ ngoại giao, có thể bạn khó có được cái cảm giác vừa thú vị vừa chênh vênh khi sang sống trong đất nước khác, giữa một dân tộc có văn hóa, có lối sống rất không giống mình.

Qua sự việc nho nhỏ nói trên tôi muốn rẽ ngang chia sẻ đôi điều “triết lý” về cái nghề ngoại giao. Ngoại giao nếu nói có phần “đại ngôn” thì đó là nghề bảo vệ lợi ích của ta trong quan hệ với thiên hạ. Nhưng hãy hiểu đơn giản thôi, đối với một con người thì đó là sự nối tiếp các khả năng giao tiếp giữa người đó với các thành viên trong gia đình, rồi dần dần hòa vào mối quan hệ xã hội cộng đồng dân tộc mình, tiếp đến là giao lưu với con người và xã hội quốc tế để giả quyết những vấn đề của cuộc sống. Nếu nói văn hoa thì người làm công việc ngoại giao chính là chứng kiến và thực hiện sự giao thoa giữa các nền văn hóa, những lối sống khác nhau để đi đến sự hiểu biết về nhau, cùng làm việc, ứng xử trước các vấn đề xuất hiện và tìm cách dung hòa nhu cầu và lợi ích của nhau. Theo thông lệ quốc tế, trụ sở Đại Sứ quán Việt Nam ở nước ngoài được coi như một phần lãnh thổ bất khả xâm phạm của nước ta, nhưng cán bộ, nhân viên Sứ quán không thể sống biệt lập như trên đảo hoang như Rô-bin-xơn Cru-dô, mà hàng ngày phải tiếp xúc với chính quyền và nhân dân “nước láng giềng”, hay còn gọi là nước sở tại. Cái môi trường sống ngay ngoài hàng rào Sứ quán hoàn toàn khác, tạo cho ta cảm giác rất mới lạ và chỉ có người làm công tác ngoại giao mới có “ân huệ” tận hưởng cái cảm giác ấy.

Nhật Bản là một nước châu Á nhưng trình độ phát triển vượt rất xa Việt Nam, bản sắc văn hóa vốn có của người Nhật bắt nguồn từ hoàn cảnh sinh tồn trên một quốc đảo bốn bề biển rộng mênh mông, phần lớn đất đai là đồi núi, điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt, thường xuyên gặp phải thiên tai, hoạn nạn, ngay từ txu-na-mi (tiếng Nhật là sóng thần) cũng trở thành từ quốc tế. Mới ngày nào động đất dữ dội ở vùng Kô-bê mới đây lại họa sóng thần và ô nhiễm nguyên tử ở Fu-ku-si-ma. Trong hoàn cảnh đó thì hình như đối với người Nhật, bất cứ cái gì, dù là cái lá khô, cái cành cây bỏ đi, hay là hạt đậu nhỏ li ti, miễn đó là sản phẩm của tự nhiên hay lao động của con người thì đều phải “chắt chiu”, “nương nhẹ”, không được đối xử “tệ bạc” với chúng, không được phung phí chúng. Đa số dân Nhật theo đạo gốc là đạo Sin-tô (Thần đạo); theo giáo lý của đạo này thì mỗi cái cây, góc núi, mảnh ruộng, mảnh vườn đều như có hồn thiêng, dường như hàng ngày đối thoại và gắn bó với con người; mọi thứ trên đời, kể cả những thứ tưởng vô giá trị cũng vẫn là một phần của thế giới xung quanh và cuộc sống của họ. Và bạn đọc có biết không, tên người Nhật đều mang nghĩa hòn núi, góc ruộng, nhánh sông chứ không phải Chiến-Thắng-Hùng Dũng… như tên người Việt ta. Liệu có phải người Nhật gắn với thiên nhiên, cảnh vật xung quanh như “máu thịt” nên đặt tên như vậy? còn người Việt ta hàng ngàn năm phải chống chọi với giặc ngoại xâm nên tên người phải thế để thể hiện ý chí kiên cường?

1 nhận xét:

  1. THẤY HAY THÌ PHẢI HỌC CHỨ NHỈ ?! CÁM ƠN CẢ ÔNG CHIẾN & ÔNG THẮNG NHA !

    Trả lờiXóa