Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

TÌNH YÊU (Ghi chép)

            Có nhiều người thích đi quanh hồ Tây vào sáng sớm. Họ đạp xe hoặc đi bộ để tập thể dục. Riêng tôi lại khác, tôi dậy sớm, thậm chí là sớm hơn cánh tập thể dục rất nhiều, từ khi con đường ven hồ còn vắng ngắt, mặt hồ còn mờ đục trong sương mù bảng lảng, khi ấy tôi còn nghe tiếng sóng vỗ vào bờ đá rõ đến mức không bị lẫn vào những giai điệu ầm ì của Hà Nội về đêm. Sở dĩ như vậy là vì tôi muốn đi tìm một điều gì kỳ diệu, một điều kỳ diệu chỉ có thể bắt gặp ở ven hồ lúc sáng sớm tinh khiết và trong vắt, tôi vẫn tin như thế. Và quả đúng như vậy.

          Cách đây không lâu tôi đã để ý đến một bóng người cũng đi ven hồ vào sáng sớm và thường dừng lại trước một công trình đang xây dựng dở ở phố Trích Sài. Cái bóng người ấy đi trong sương mù lúc tỏ lúc mờ khiến tôi nghĩ đến những bóng người bí ẩn trong truyện Sê-lốc Hôm. Lúc đầu tôi đã giữ cho khoảng cách không quá xa cũng không thật gần nhưng dần dần vì cái bóng mờ ấy gây cho tôi quá nhiều tò mò nên tôi đã đến làm quen :

          - Chào ông ! Ông ra hồ sớm thế ! Đã lạnh rồi ông nhỉ .

          Cái bóng mờ quay nhìn tôi, tôi nhận rõ đấy là một người đàn ông chạc tuổi hưu trí, điếu thuốc trên miệng ông đang cháy đỏ.

          Sau một hơi thuốc dài người đàn ông mới thong thả :

          - Sang thu rồi. Sao ông cũng ra hồ sớm thế ?

          Giọng ông nghe hơi khàn, nó là giọng của người nghiện thuốc nhưng nghe rõ và ấm tiếng. Tôi thận trọng :

          - Cho tôi ngồi ghế này cùng với ông nhé.

          - Cứ tự nhiên-Người đàn ông nói và xích sang bên.

          Tôi ngồi xuống bắt chuyện. Có thể do cái duyên gặp nhau vào lúc sáng sớm, có thể do một người thì tò mò còn một người thì có nhiều tâm sự chất chứa, lại cũng có thể vì chút đồng điệu của hai người cùng lứa tuổi mà bỗng chốc chúng tôi  trở nên gần gũi và câu chuyện cũng thành cởi mở, càng nghe tôi càng bị cuốn hút.

          - Để ý từ nhiều sáng nay tôi thấy ông toàn ngồi ở chiếc ghế này.

          - Đúng. Là vì ngồi đây thì có thể nhìn vào nhà tôi. Là nói nhà tôi khi chưa chuyển nhượng chứ còn bây giờ người ta đã phá đi và đang xây lên cái nhà mấy tầng kia, ông thấy không. Lúc trước nhà tôi có cả một cái ban công nhìn ra hồ, ở đấy vợ tôi treo một cái mành tre chắn gió và hai cái lồng chim. Ông có nghe thấy không, gió sớm đang thổi vào làm chiếc mành tre va đập kêu lách tách đấy.

          Tôi ngạc nhiên giương mắt nhìn, chỉ thấy tòa nhà đang xây dở và mấy chiếc bóng đèn bảo vệ gió thổi lúc lắc. Tôi im lặng nghe một tiếng thở dài.

          - Ông không thấy được đâu. Còn tôi thì thấy rõ lắm. Hai cái lồng chim đều mở cửa kia kìa, ông có biết vì sao không ? Là bởi vì khi vợ tôi mất, tôi đã thả cho những con chim bay ra. Bạn tôi bảo cứ mở cửa lồng thì có lúc lũ chim sẽ bay về. Tôi tin điều đó cũng đúng với người nên đã mở cửa nhà cho vợ tôi có thể quay lại. Đến khi người ta phá cái nhà cũ đi thì tôi chỉ còn cách ngồi đây đợi cô ây, biết đâu có lúc cô ấy sẽ bước ra từ đám sương mù mặt hồ phía sau tôi, lúc ấy mà không thấy ngôi nhà cũ, không thấy tôi thì cô ấy sẽ bơ vơ biết nhường nào.

          Tôi chợt gai người rùng mình và tôi biết đó không phải do gió lạnh lúc sáng sớm. Ông bạn bên cạnh tôi lặng lẽ lấy thuốc ra hút, tôi cứ để mặc cho khói thuốc lan tỏa và tan biến vào làn sương trắng đục ngay trước mặt mình. Tôi nói :

          - Xin lỗi ông, tôi không biết bà nhà đã mất.

          - Ồ, không sao đâu. Có người trò chuyện vào lúc này ở ngay đây tôi thấy tâm trạng mình thật tốt. Để tôi lại kể ông nghe, thôi thì cũng là một cách san vợi bớt nỗi ân hận trong lòng tôi với cô ấy. Khi đã chuyển đến nơi ở mới, đã ba lần cô ấy bảo tôi đưa về nhà cũ, lúc ấy vẫn còn những chiếc lồng chim treo trên ban công và cây khế ngọt ở trước cổng. Thế mà cả ba lần, không hiểu sao đều nhỡ, lần thì do mưa bão, lần thì không gọi được xe, lần thì tại tôi bận bịu một chuyện vớ vẩn nào đấy. Giá như bây giờ tôi có thể đưa cô ấy về, chỉ cần ngồi đây với tôi thì cô ấy cũng nghe được tiếng gió thổi vào chiếc mành tre lách tách quen thuộc.

          Ông bạn cạnh tôi lại thở dài, tiếng thở dài não nuột tới mức làm xao động cả mặt hồ. Phải đợi một lúc sau tôi mới dám cất tiếng :

          - Xin lỗi lại hỏi ông, ông tên là gì để mình tiện trò chuyện ?

          - Tôi là Hoàng Hải.

          Tôi chợt nhớ ngay Hoàng Hải là cái níc-nêm trên phây-búc mà tôi thường theo dõi, ở đấy phây-búc-cơ có đăng nhiều bức tranh nghệ thuật do chính mình vẽ. Tôi đã rất thích những bức tranh này vì những gam màu hầu như bao giờ cũng gợi cho người xem một nỗi nhớ man mác. Thỉnh thoảng tôi còn gặp ở đấy những bức tranh dang dở, giống như nỗi ân hận của một lời hẹn chưa thành.

 Tôi vui thích nói :

          - Thật là một sự trùng hợp đầy thú vị. Tôi thường theo dõi phây-búc của ông, không ngờ lại có cái duyên được gặp họa sĩ sáng sớm nay.

          Đúng là lúc ấy vẫn còn sớm lắm, chúng tôi ngồi trong màn sương mờ và thỉnh thoảng lại nghe tiếng sóng hồ Tây róc rách phía sau. Điếu thuốc lại đỏ lên trên miệng ông Hoàng Hải rồi ông thong thả nói :

          - Tôi tự học vẽ từ khi vợ tôi ốm, cần có người chăm sóc. Tôi đã xin nghỉ việc một thời gian, nâng giấc, thuốc thang cho cô ấy ngày cũng như đêm. Những lúc cô ấy ngủ yên tôi đã chọn bút và màu vẽ. Bức tranh đầu tiên tôi hoàn thành mang tựa đề “Chiếc lá cuối cùng” lấy từ tên truyện của tác giả O. Hăng-ry, như thế chỉ là muốn đem đến cho cô ấy tinh thần lạc quan và niềm hy vọng chiến thắng bệnh tật. Thật kỳ diệu là khi tôi vẽ xong bức tranh thì cô ấy bình phục khá tốt, do đấy tôi lại có thêm nguồn cảm hứng. Một lần nhìn tôi cặm cụi vẽ cô ấy đã nói, thật thà mà giống như nhận xét của một nhà phê bình : “Với anh hội họa là tất cả”. Tôi cũng không ngờ là lúc ấy tôi đã đáp lại rất nhanh và rất chân tình : “Anh có vẽ cũng là chỉ vẽ cho riêng em”. Đúng thế thật. Từ lúc ấy cho tới bây giờ đối với tôi quả thật hội họa là tất cả, những bức tranh có thể nói thay mình biết bao nhiêu điều và trong những bức tranh tôi vẽ bao giờ cũng mang hơi hướng cô ấy, người vợ thân yêu của tôi.

          Tôi lặng người nghe ông Hoàng Hải kể, trong lòng dâng trào một niềm cảm xúc mãnh liệt về tình yêu, một tình yêu vừa thật lại vừa mộng. Thật như ông Hoàng Hải ngồi đây, ngay cạnh tôi, tôi có thể đụng chạm vào chiếc áo chắn gió màu xanh ông đang mặc, nhìn rõ mái tóc ông thưa thớt nhưng lòa xòa ngang gáy, điếu thuốc lúc nào cũng cháy đỏ trên môi ông có thể làm bỏng tay. Mộng như người thiếu phụ bước ra từ trong lớp sương mù hồ Tây lãng đãng, người thiếu phụ hàng sáng ông ngồi đây chờ đợi, nhẹ nhàng đến bên ông, vâng, nhẹ nhàng và rực rỡ như một thứ ánh sáng tràn đầy hạnh phúc ông Hoàng Hải cảm nhận nhưng không thể nào với tới được. Tôi không biết ông Hoàng Hải sẽ ngồi chờ người vợ của mình ở đây đến bao giờ và bao nhiêu lần nữa nhưng tôi thấu hiểu thế nào là tình yêu. Lúc này trên con đường trước mặt đã lác đác người đi bộ và sau lưng chúng tôi mặt trời đã hừng sáng phía bên kia hồ.

 

                                                                        Hà Nội, 30/8/2021

         

         

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét