Lúc ấy đã khoảng ba giờ chiều, tôi đang ngồi đọc nốt một cuốn tiểu thuyết, không phải là hay, cũng không phải là không hay, lúc đến một tình tiết có nhiều triết lý thì bất thình lình vang lên cái điệu nhạc hiệu của điện thoại Nôi-ka.
- A lô, tôi nghe điện thoại đây ạ.
- Chú à, cháu Long đây, chú có rỗi không chú đi với cháu một tí.
Long là người bạn ít hơn tôi có đến gần chục tuổi nhưng hai chú cháu chơi với nhau khá hợp cạ. Chắc anh chàng vừa đi công tác về lại muốn rủ mình đi đâu chém gió đấy thôi.
- Đi đâu-Tôi hỏi. Bây giờ muộn rồi, chú không cà phê nữa, sợ tối mất ngủ.
- Không phải đi cà phê. Cháu rủ chú sang chùa.
- Sao lại sang chùa vào giờ này, có phi vụ gì đặc biệt à ?
- Là thế này, cháu vừa quen một sư thày mới về chùa, hay chuyện lắm. Cháu có chút quà cúng dường ông ấy, muốn rủ chú sang nói chuyện cho vui. Chú biết nhiều, nói chuyện với thày thì hết sảy !
- Đi với cậu sang chùa thì mình đi, còn hầu chuyện thày thì phải để xem đã, mình biết gì mà nói.
Chỉ một loáng sau Long đã xẹt đến đón tôi. Tôi hơi dềnh dang một chút bởi vì bao giờ đi chùa tôi cũng phải chỉnh tề huống chi lần này mình sẽ được ra mắt một sư thầy mới. Tôi hỏi Long :
- Sư thày thế nào, đã nhiều tuổi chưa ?
- Tầm tuổi như cháu thôi nhưng mà giỏi và năng động lắm, tinh thông tướng số, đọc được quá khứ vị lai, bấm xem ai lên ai xuống có đến 9 phần 10 là đúng. Ông ấy mới về mà đã lôi kéo được bao nhiêu phật tử công đức sửa sang chùa.
Nói đến đây Long ghé tận vào tai tôi :
- Chú biết không, ông ấy quan hệ trên dưới ghê lắm, cháu cứ nghi nghi ông ấy là...Cháu đã a-lô báo là có chú cùng đi.
Quả nhiên sư thày đã đứng đón chúng tôi tận ở cổng tam quan, khi tôi chắp tay vái thì thày chìa tay ra bắt, rổn rảng thăm hỏi rồi kéo tôi qua cái sân rộng đi vào phòng tiếp khách của nhà chùa. Là ngày thường, lại vào giữa chiều nên chùa rất vắng, sân chùa thơm mùi hương lẫn với mùi thơm hoa ngâu khiến mọi người có rất nhiều nhã hứng. Tôi lễ phép hỏi :
- Bạch thày, để tiện xưng hô xin được biết pháp hiệu của thày là gì ạ ?
- Thế này nhé, tôi là Đại đức Thích Tuệ Nhãn. Đây là tên do tôn sư của tôi đặt cho, còn tên mà cha mẹ đặt cho tôi thật có ý nghĩa nhưng buồn cười lắm. Nhìn, tên là Nhìn. Người ta biết nhìn thì là hay, nhưng nhìn mà không thấy gì thì lại là không hay rồi. Bởi lẽ đó mà tôn sư của tôi đã đặt cho tôi là Tuệ Nhãn. Nhìn sự vật một cách sáng suốt, thông hiểu sự vật và cội gốc của nó, dứt điểm lầm lạc và mê muội, đấy là những điều mong mỏi của vị tôn sư muốn gửi gắm nơi tôi khi đặt cho tôi cái pháp hiệu này. Nói thế thí chủ có hiểu không, có thấy hay không ?
- Hay, hay, bạch thầy hay lắm.
Vị Đại đức có cái nhìn thông hiểu sự vật mời tôi ngồi trên chiếc tràng kỷ giả cổ, gọi chú tiểu dâng trà. Cầm chén trà nóng bốc hơi trên tay, Đại đức hiếng mắt hỏi :
- Thí chủ có biết trà ướp hương gì không ? Không biết đâu ! Ướp hương cau đấy.
- Quả thật tôi chưa bao giờ được thưởng thức trà ướp hương cau.
- Đấy, đã bảo mà. Thế này nhé, buổi sáng trời nắng, tôi cho chú tiểu gói chè vào giấy bản rồi trèo lên ép vào buồng cau vừa nở còn trắng nõn nà. Để đến chiều nó lại trèo lên gỡ xuống. Cái việc này tuy vất vả bằng mấy chèo thuyền ra giữa đầm ướp sen nhưng chè thơm ngát, kiêu kỳ lắm.Thí chủ thấy không ?
Tôi làm dáng sành điệu nâng chén trà đưa ngang mũi hít nhẹ, thực tình thấy nó chỉ là loại chè mộc, chẳng thấy mùi kiêu kỳ đâu cả, thế nhưng vẫn trả lời :
- Vâng, kiêu kỳ lắm, thầy cho ướp công phu như vậy cơ mà.
Giữa lúc ấy có vị sư già bận đồ nâu đi ngang qua sân, bóng siêu siêu. Đại đức có cái nhìn thông hiểu sự vật phẩy tay nói :
- Thượng tọa trụ trì đấy. Ông ấy tinh tấn, tinh thần lớn lắm nhưng thể xác lại ọp ẹp, thế nào mà tinh thần của ông ấy không tìm cách thoát ra khỏi cái lồng mục ấy. Mô Phật, lúc ấy thí chủ có biết ai đủ điều kiện thay thế không ?
Tôi ỡm ờ :
- Bạch thầy, còn ai vào đây nữa !
Vừa đưa đẩy câu chuyện và uống hết chén trà thứ hai thì Long vào. Nó lôi từ trong túi xách ra một chai vang đặt lên bàn.
- Có chai rượu chát biếu thầy, anh em nó bảo thày thích cái này lắm mà !
Đại đức Tuệ Nhãn kín đáo liếc nhìn tôi rồi nói như để khỏa lấp đi :
- Hay nhỉ, tôi cũng chưa tìm hiểu làm sao mà các anh các chị lại gọi rượu vang là rượu chát, thế rượu làm bằng quả sim ở Phú Quốc nó cũng chát, như thế có lẫn lộn với nhau không, một đằng làm bằng quả nho, một đằng làm từ quả sim, so sánh thế nào được với nhau mà gọi chung bằng một tên được. Thí chủ đây thấy thế nào, có đúng không ?
Tôi vội vàng thưa :
- Bạch thầy tôi còn chưa biết lại có thứ rượu được làm bằng quả sim.
- Cái thứ rượu vang này nghe nói uống có lợi cho tim mạch đấy Long ạ. Thí chủ đây có uống được rượu vang không, hay ta mở chai này cùng uống bây giờ Long nhé.
Tôi xua tay, kiên quyết :
- Mô Phật, thôi không thôi không, tôi không biết dùng thứ này, thày để dành đến bữa tối.
- Như thế cũng được. Tôi uống được rượu cũng là nhờ tu tập nhiều mà trở nên có bản lĩnh vững vàng, gọi là đạt đạo. Khi đạt đạo rồi thì lúc cần phải uống rượu cũng như là uống nước thôi, mà khi vui thì uống nước cũng như là uống rượu.
Tôi vừa nghe vừa hết sức khâm phục khả năng tu tập thượng thừa ấy của Đại đức Tuệ Nhãn trong khi ông vừa nói chuyện vừa cười vui vẻ, mặt ánh lên sắc hồng hào như vừa uống mấy chén rượu vang. Câu chuyện của ba chúng tôi cứ thế xoay quanh trà và rượu khiến cho có lúc tôi chợt nghĩ đến câu “một trà một rượu một đàn bà”. Như để minh chứng cho ý nghĩ chợt đến ấy của tôi, khi đứng lên chào thày ra về, Long kéo thày riêng ra ghé tai nói nhỏ nhưng tôi vẫn nghe rõ :
- Mới tìm được chỗ ka-ra-ô-kê kín đáo mà hay lắm, hàng trẻ mà xinh, lúc nào đi được thày nhá máy cho tôi nhé.
Tôi thấy nét mặt thày nghiêm ngay lại như là nhắc Long vừa phạm phải một giới luật nhưng mắt nhìn Long lại như đạt tới sự thông hiểu. Thày không trả lời nó mà quay sang rổn rảng bắt tay tôi, lại còn lấy một ngón tay ngoáy ngoáy vào lòng bàn tay tôi buồn buồn :
- Thí chủ về bình an nhé, khi nào rỗi rãi lại mời thí chủ qua chơi thưởng trà hương cau của nhà chùa.
Khi hai chú cháu đã ra khỏi cổng, tôi giữ Long lại trút cho nó những nỗi ngạc nhiên và bực bội :
- Chú không hiểu làm sao mà mày lại có thể biếu rượu cho thày chùa được !
- Đại đức vẫn nói với cháu những cái đó không phải giữ gìn lắm đâu. Ông ấy chẳng nói đạt đạo rồi thì uống rượu như uống nước là gì.
- Đã thế mà mày lại còn dám rủ người ta đi hát ka-ra-ô-kê nữa, thật quá lắm !
- Chú đừng lo ! Với người tu tập tinh tấn tốt như Đại đức thì vào chốn ấy hát cũng như không, không cũng như hát ấy mà.
Tôi bực tức :
- Nói như mày thì sau đừng vào chùa nữa nhá !
Thế nhưng về sau người không dám vào chùa gặp Đại Đức Tuệ Nhãn lại là tôi chứ không phải là Long.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét