Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương X

NÊN THẾ NÀO KHI GIAO TIẾP.


Chúng ta đều biết rằng cách thức giao tiếp thể hiện sự lịch lãm và vốn sống của mỗi con người, đặc tính riêng biệt của mỗi tầng lớp xã hội và chung cả là bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Giao tiếp trước hết phải thể hiện được sự tôn trọng cuộc sống xã hội và cuộc sống nội tâm của người khác, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo và đảng phái, cũng phải có lối cư xử thật sự giản dị, tự nhiên và chân thành đối với người khác. Văn hóa giao tiếp trong ngoại giao về căn bản cũng giống như văn hóa giao tiếp chung. Tuy nhiên, do tính chất riêng biệt của nghề nghiệp, giao tiếp ngoại giao còn có một số những quy tắc lễ tân riêng.

Đã có nhiều tài liệu nói về văn hóa giao tiếp. Ở đây tôi chỉ xin kể ra một số chuyện đã gặp để tham khảo và cùng rút kinh nghiệm cho những hoạt động giao tiếp lễ tân của từng người.

Có một nghệ sĩ ta sang Campuchia, anh này rất hổ hởi, vui vẻ nhưng cái gì cũng thấy anh nhận xét, bình luận, nhìn ngọn tháp ở chùa thì anh bình vể kiến trúc, nhìn thấy một người dân mặc đồ đen đi trên phố thì bình về thời khơ-me đỏ, đi chợ mua đồ cũ thì bình về quy luật giá cả, phải cái tội anh ấy nghĩ thế nào thì bình thế chứ chẳng đâu vào đâu khiến bạn đi cùng cứ ngơ ngơ ngác ngác. Nói nhiều quá, nói lung tung hoặc dùng lời lẽ chua cay để nhận xét, bình luận làm mất lòng người nghe là không phù hợp với giao tiếp ngoại giao. Nói vừa đủ là biết. Nói dễ nghe là theo lời ông cha dặn : lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Ngược lại nói ít quá cũng không nên. Khi tôi ở Pháp, gặp một cán bộ cấp cao hơn tôi, được bạn đón tiếp rất nhiệt tình, hồ hởi thăm hỏi khí hậu Việt Nam thế nào, tình hình kinh tế Việt nam ra sao. Nhưng cán bộ ta lại cứ câu một nhát gừng, mặt thì khó đăm đăm, nghiêm lắm, oai đấy nhưng cuộc tiếp xúc đáng ra rất cởi mở thì lại thành nhạt nhẽo. Ở những nơi với những người có thể cởi mở được thì cũng nên cởi mở cho hiệu quả, miễn là đừng cởi mở hết ra thôi.

Một lần, một đoàn ta được mời ăn tối, ngay tại khách sạn, sang trọng lắm vì là ga-la đin-nơ, ăn ngồi mà lại có ca nhạc. Chủ tiệc đã đến đầy đủ, khách dự cũng đã ngồi đâu vào đấy nhưng phía khách mời chính là đoàn ta lại vẫn còn thiếu vài anh. Chạy đi tìm thì an hem ta bảo nói với họ chờ tí không sao, để tớ tắm cái, vừa đi về nóng quá. Đúng là trong ngoại giao, nhiều khi cuộc này chưa xong đã đến giờ của cuộc khác, các hoạt động rất sát giờ nhau. Không tính toán, đến trước giờ hẹn hàng mấy chục phút là không nên nhưng đến muộn giờ thì thật không đúng. Cố gắng giữ đúng giờ.

Anh em ta có nhiều người còn chưa quen tiếp xúc đối ngoại. Khi họp chính thức ai cũng rất nghiêm trang, chỉnh tề, nhưng đến lúc dự tiệc chính thức thì lại hơi xông xênh. Ngồi tiệc chính thức thật ra là rất mệt chứ không nhẹ nhàng chút nào. Anh em mình thích thoải mái nên hay tìm cách đổi chỗ ngồi túm lại với nhau, để mặc cho chủ ngồi riêng với chủ. Lại có người đáng lẽ nhìn xem người ta ăn thế nào rồi bắt chước thì lại cầm cả con dao ăn đâm vào thức ăn rồi đưa lên miệng, trông khiếp lên được. Lại có người vừa ăn vừa hút thuốc lá, gạt tàn không có thì gạt ra đĩa ra chén. Như thế cũng không phải. Các cụ đã dặn ăn trông nồi ngồi trông hướng.

Có nhiều cuộc tiếp xúc rất thân mật, thân mật quá nên chủ khách lẫn lộn, trên dưới không rõ ràng, đùa cợt với cả thủ trưởng. Thân mật như thế cũng không phải. Thân đến đâu cũng phải giữ lễ tiết.

Khi đi dự lễ hoặc tiếp xúc, thường nên hỏi phía chủ xem mặc thế nào, mặc quốc lễ, mặc quốc phục, mặc com-lê ca-ra-vát hay mặc thoải mái. Nhiều khi không chú ý chỗ này, chủ thì trịnh trọng quá mà khách lại xềnh xoàng hoặc ngược lại đâm ra ngượng. Lại có người vì nóng quá mà bỏ cả com lê cà vạt ra, hoặc rét quá nên khoác thêm cái áo đại hàn vào. Việc mặc như thế nào khi đi tiếp xúc là theo quy định của lễ tân, chúng ta cố gắng theo.

Có nhiều cuộc tiếp xúc mà người dự phải thể hiện, phải có tiết mục để tham gia, thí dụ kể chuyện hài, hát bài hát dân tộc, cùng múa một điệu múa tập thể hoặc một điệu nhảy, thậm chí ngồi vào đàn đàn một bài…Những lúc ấy mình không tham gia gì, ngồi trơ ra, lại không biết uống rượu nữa thì chán hoắc. Hài hước một chút, biết một số chuyện tủ, hay hát hơn hát hay, trau dồi nhiều hiểu biết để vui vẻ tham gia vào những hoạt động tập thể thì dễ chiếm được cảm tình. Tôi xin mách một mẹo nhỏ, nếu không biết đàn không biết múa thì: nên học thuộc sẵn bài Tình Bằng Có Cái Trống Cơm, bài này dễ hát mà hát ở đâu cũng được hoan nghênh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét