Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Những vĩ nhân bị vợ "đầy ải"

Sưu tầm từ Ngoc Le <ngocdx81@yahoo.com> 

Đại văn hào Nga Lev Tolstoi bỏ nhà đi giữa trời tuyết giá, rồi chết ở một nhà ga. Nguyện vọng cuối cùng của ông là không phải thấy mặt vợ.
Không ít người là vĩ nhân được cả thế giới xưng tụng, hoặc nắm trong tay quyền lực vô đối, nhưng lại sống khổ sống sở dưới sự đay nghiến của vợ mình.

Yêu nhau vẫn hành nhau
Cuộc hôn nhân của nhà văn, bá tước Tolstoi với bà vợ Sofya bắt nguồn từ một tình yêu tuyệt đẹp. Họ sống bên nhau 48 năm trời và sinh hạ nhiều con. Sofya không chỉ là vợ mà còn là người trợ lý, thư ký cho chồng, tận tụy hỗ trợ ông trong công việc. Ấy thế mà về sau, bà lại thành một tội nợ của ông, góp phần làm ông thấy cuộc sống thêm bế tắc.
Thực ra, lỗi không hoàn toàn toàn thuộc về bà Tolstoi, có chăng là họ đã trao nhau trái tim nhưng rốt cục lại không đồng hành về tư tưởng. Tolstoi ngày càng đau đớn về những bất công trong xã hội và sự bất lực của mình trong việc cải tạo nó. Cảm thấy sự giàu có của mình là tội lỗi, ông chỉ muốn từ chối của cải, các tác phẩm của mình được in ra ông từ chối tiền tác quyền. Nhưng bà lại muốn thu vén tài sản để đảm bảo cho gia đình con cái, muốn có danh vọng, tiếng tăm… Sự “trái tính trái nết” của chồng làm Sofya giận dữ và không chịu nổi.
                        Lev Tolstoi và gia đình.
Trong nhiều năm, Sofya hết cằn nhằn, trách móc lại đay nghiến chồng với những lời bẳn gắt, mạt sát độc địa, chua cay. Những cuộc xung khắc dường như bất tận, chất thêm gánh nặng vào tâm hồn vốn đã nặng trĩu nỗi đau đời của đại văn hào. Có những lúc bá tước phu nhân như phát điên, nằm lăn ra đất lăn lộn, vật vã. Nhiều lần bà dọa tự tử, dọa đâm đầu xuống giếng… Thế là mối tình đẹp như mơ của họ dần biến thành địa ngục. Và một ngày đông trời đầy tuyết, đại văn hào bỏ nhà đi rồi 11 ngày sau trút hơi tàn ở một nhà ga, ước nguyện cuối cùng là không nhìn thấy vợ nữa.
Sau cái chết đó, nhiều người hâm mộ Tolstoi coi Sofya như một tội đồ. Thế nhưng những người công bằng hơn thì hiểu rằng, Sofya rất có công trong cuộc đời sáng tác của Tolstoi và đã phải khổ vì chồng không kém. Bà đã suốt đời tận tụy với ông, một mình lo thu vén gia đình, và hy sinh cả văn tài của mình để chăm sóc cho người chồng đầy nỗi đau tư tưởng và chỉ lo “chuyện thiên hạ”.

Nhà triết học và “sư tử Hà Đông”

Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrate được bao nhiêu người quỳ gối ngưỡng vọng, nhưng với bà vợ Xanthippe thì ông chỉ là “con tép”. Socrate lấy vợ khi đã 50 tuổi, bà trẻ hơn ông rất nhiều, nhưng mức độ ghê gớm của người vợ này thì vang lừng cả thành Athen. Ai cũng biết nhà triết học nổi tiếng suốt ngày bị vợ chửi bới, hành hung. Đến nỗi sau mấy nghìn năm, tên bà đã trở thành danh từ chung để chỉ những ác phụ, những người đàn bà đanh đá, lăng loàn. Được cái với vợ thì Socrate là ông chồng “ngoan”, chẳng bao giờ cãi nửa lời.
Tranh vẽ cảnh Socrate bị vợ dội nước trước mặt khách khứa.
Chuyện kể rằng có lần, bậc thầy triết học đang đàm đạo với các môn sinh thì  bà Xanthippe lại mắng nhiếc, rủa sả om sòm đến nỗi tất cả mọi người đều tối tăm mặt mũi, trừ ông chồng vẫn điềm nhiên. Cơn tam bành lên đến đỉnh điểm, bà bưng cả vò nước rót lên đầu chồng, ông vẫn im lặng chịu trận, lại còn đùa với các học trò: “Sau cơn sấm sét bao giờ cũng phải có mưa giông”.
Lần khác, Socrate đang ăn cơm với bạn thì bà vợ trời đánh lên cơn điên giận, chẳng kể gì khách khứa, ném cả mâm cơm ra sân. Trong khi ai nấy tức nổ đom đóm thì Socrate vẫn nói chữa: “Chắc bà ấy muốn chúng ta ra sân ăn cho mát”. Đáp lại ông chồng AQ, bà Xanthippe lấy chổi quét hết thức ăn để chồng hết đường nhặt lại. Đến nước này thì các ông khách đều muốn giúp khổ chủ cho bà vợ lăng loàn một bài học, nhưng ông ngăn lại: “Giả sử như các anh đang ăn mà có con gà nhảy vào làm đổ hết mâm bát, các anh có đi đuổi nó để trừng phạt không?”.
Bị vợ hành như vậy nhưng hễ có ai dèm pha bà, ông lại bảo: “Chính nhờ bà ấy mà tôi trở thành triết gia”. Người ta cho rằng Socrate nhẫn nhục, “biết điều” với vợ một phần vì nhà hiền triết biết rằng với gia đình, ông là một ông chồng vô tích sự, là gánh nặng cho vợ con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét