Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Về vườn thăm ông bạn già

 Tôi phải mò lên tận thôn Mường Voi, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, cách Hà Nội khoảng hơn 50 cây số..để thăm ông bạn già Đỗ Công Minh, cựu Đại sứ Việt Nam ở Singapore (2000-2003).



Cầm quyết định về hưu một cái là ông “về vườn” luôn, tắp lự, theo đúng nghĩa đen của “về vườn”.  Bạn bè bây giờ gọi ông là “Già làng trưởng bản”, có lúc gọi là “Lão nông tri điền”. Ông chỉ cười, mái tóc cũng không bạc đi nhiều so với thời còn công chức, riêng có cái chòm tóc bạc phía trên trán là cái chòm tóc bạc từ thời trai trẻ thì bạc sáng lên. Như một thứ ánh sáng lặng im mà thách thức…




Đắm mình trong thiên nhiên thế này thì khác gì tiên cảnh.




Khi hỏi ông tại sao mê làm vườn thế thì ông dẫn luôn một câu nổi tiếng trong Candide của Voltaire :”Il faut cultiver son jardin”. Voltaire là nhà tư tưởng, ý nghĩa câu này thật sâu xa, đại khái có thể hiểu là người ta luôn luôn phải tự trau dồi mình. Thế mới biết ông này hóm thật đấy.



Hỏi thêm ông là về hưu rồi có nhớ thời làm Đại sứ ở Singapore không thì ông thật thả bảo có nhiều cái nhớ chứ. Vậy ân tượng nhất là gì ?

- Là hai lần tháp tùng lãnh đạo ta đi gặp Lý Quang Diệu. Cái Blog Lều văn của anh không phải chỗ để nói ra những vấn đề nội dung. Nhưng về con người ông ta thì quả là ấn tượng thật. Lần nào gặp cũng thấy mái tóc ông ta bạc trắng làm cho sắc mặt hồng hào càng thêm đỏ au, chiếc cà-vạt kẻ ca rô mầu xanh nhiêm túc nhưng rất trẻ trung, dáng người cao to của ông thường vô tình lấn át người chung quanh nhưng thái độ của vị Thủ tướng đầu tiên của Đảo quốc Singapore lại rất niềm nở. Niềm nở mà vẫn thẳng thắn. Hình hài ông đã làm cho người nghe ấn tượng rồi, nhưng đặc biệt ấn tượng là những điều ông trao đổi. Thẳng thắn chứ không thấy khen cho có lệ.

- Ông thấy có khoảng cách thế nào giữa những điều ông Lý nói với thực tế cuộc sống ở Đảo quốc Sư tử này không ?

- Có chứ, tôi nhận thấy khoảng cách giữa những điều ông Lý Quang Diệu nói với thực tế cuộc sống của người dân Singapore là không xa nếu như tôi không nói là rất gần.



Ông là người đa tài nhưng không “đa tình”, là người rất yêu thích công nghệ và kỹ thuật, tuy không phải nghiệp nhưng rất “đa mang”, cái gì cũng biết, cũng khéo tay, khắt khe đến từng chi tiết nhưng lại rất lãng mạn trong tính cách. Đỗ Công Minh là thế !

Ông bảo chuyện trò thế đủ rồi, để ông còn đi tưới cây.



Thoáng cái một ngày đã qua đi, tôi chào ông để ra về, còn ông thì đi chào hoàng hôn Ba Vì.



1 nhận xét: