NXB Hội Nhà văn, 2017
Chương
3
Mùa khô năm
1983, tiểu đoàn bộ binh 194 bộ đội tình nguyện được lệnh cùng các đơn vị khác
nhanh chóng cơ động đến mặt trận Bát-tam-băng tham gia truy quét tàn quân Pôn Pốt.
Đêm trước hôm xuất phát, tiểu đoàn trưởng Bùi Khoai xé tờ giấy trong quyển sổ
công tác viết vội mấy dòng gửi em trai Bùi Khoái, nhờ người đem về Tây Ninh bỏ
bưu điện. Mỗi lúc có việc phải trông cậy người em trai, Bùi Khoai đều có đôi
chút ngại ngùng bởi vì anh thường nhớ tới một kỷ niệm thời niên thiếu, cái thời
suốt ngày đi mò ngao câu cá dọc sông quê, nước da rám nắng đen bóng. Hồi ấy Bùi
Khoai nuôi một con sáo đá rất khôn, nhảy tí tách trong cái lồng tre, há rộng mỏ
có mép vàng ra đợi người bón cào cào. Bùi Khoái rất thích, rủ lũ trẻ con cùng
xóm đi vồ cào cào ở các bờ ruộng về cho sáo ăn, lóng ngóng mở cửa lồng thì con
sáo bay ra mất. Cơn nóng giận của anh thanh niên tuổi bẻ gẫy sừng trâu không
ghìm lại được, Bùi Khoai tức tối giơ thẳng tay tát em một cái rõ đau, có thể gọi
là nảy đom đóm mắt. Lũ trẻ hàng xóm vừa mới ríu rít hoảng sợ cum cúp bỏ đi. Bùi
Khoái không khóc nhưng dỗi cơm một buổi chiều. Kể từ đấy Bùi Khoai luôn áy náy,
cứ nghĩ rằng Bùi Khoái vẫn còn giận mình, kỷ niệm về cái tát cứ hằn sâu nhức nhối
mãi trong tâm trí của anh. Lần này viết thư để nhờ Bùi Khoái chạy ít tiền gửi về
nhà, Bùi Khoai cũng thoáng ý nghĩ về cái tát, song anh lại tự bảo giờ chú ấy trưởng
thành rồi, phải biết thay anh lo cho người bố ốm đau bệnh tật chứ ai còn giận dỗi
vì chuyện thời trẻ con. Người lính khi bước vào trận không được nghĩ đến cái chết,
nghĩ đến cái chết trước trận đánh là điều xui xẻo. Biết vậy nhưng Bùi Khoai vẫn
nghĩ nếu như mình có bị hy sinh thì chắc chắn Bùi Khoái phải gánh hết phần
trách nhiệm đối với gia đình. Tự nghĩ mình là một chỉ huy, cần có ý chí thép để
giữ vững tinh thần cho đồng đội, Bùi Khoai cố gắng xua đuổi những nỗi vẩn vơ ấy.
Để dứt ra khỏi những tình cảm nhớ nhung, Bùi Khoai chỉnh tề lại quần áo, không
quên đeo khẩu súng lục K59 có cái báng đã bóng nhẫy mồ hôi tay, gọi cậu trợ lý
cùng đi đến các đại đội kiểm tra, nhắc nhở chiến sĩ nghỉ ngơi lấy sức hành
quân. Đám lính trẻ vẫn hút thuốc và tán dóc, vô tư như không, tuy vậy Bùi Khoai
nhận thấy không ít anh cũng đang nghĩ ngợi bâng khuâng. Toàn những người chưa
đánh trận bao giờ. Chính những người lính trẻ rắn rỏi này, những cuộc hành quân
rầm rập xe pháo và rậm rịch tiếng chân nện đất, những cánh rừng thâm u đầy rẫy
hiểm nguy nơi xứ người đã làm cho tiểu đoàn trưởng Bùi Khoai luôn thấy tràn ngập
lòng yêu nước và tinh thần quốc tế, tin vào việc giúp người Căm-pu-chia là giúp
chính mình.
Các đơn vị bộ đội đến Bát-tam-bang vào giữa một trưa nắng
khắc nghiệt, mặt trời mùa khô như cái mâm đồng nung nóng treo ngay trên đỉnh đầu.
Tiểu đoàn của Bùi Khoai được lệnh luồn sâu vào rừng, củng cố trận địa, chốt giữ
điểm cao, tìm kiếm phát hiện địch để truy đuổi tiêu diệt. Bùi Khoai bố trí theo
đội hình hành tiến, đi đầu là đại đội trinh sát và công binh hỗn hợp, lặn lội
hơn 40 cây số rừng rú mất 1 ngày một đêm
mới đến vị trí chốt quân. Vừa đến nơi, Bùi Khoai liền triệu tập cán bộ
các đại đội về lán tạm của tiểu đoàn bộ để nắm tình hình và quán triệt nhiệm vụ.
Lúc này mới khoảng 2 giờ chiều, mặt trời vẫn tiếp tục dội xuống cái nóng cuối
tháng 9 thiêu đốt cây cỏ và làm cháy bỏng da thịt. Đứng trên một gò cao, Bùi
Khoai cầm ống nhòm của anh vệ binh vừa đưa cho, giơ lên mắt nhìn. Bốn chung
quanh anh là núi cao vây kín, rừng rậm ken dày đặc. Từ chỗ đứng của mình, trong
không khí hanh hao khô rang, Bùi Khoai bụm miệng muốn ọe khi ngửi thấy rõ mùi thịt
thối rữa từng chốc lại theo một cơn gió đánh về.
Cán bộ các đại đội lục tục kéo đến trong khi anh em chiến
sĩ xoay trần ra chặt cây dựng lán và đào công sự chiến đấu. Bùi Khoai chỉ một vạt
đất trống bảo mọi người ngồi xuống còn mình đứng nói, tay cầm quyển sổ. Với giọng
nói mạnh mẽ và dứt khoát của người chỉ huy, sau khi quán triệt đầy đủ các nhiệm
vụ chiến đấu, anh hỏi :
- Tinh thần chiến sĩ thế nào ?
- Vững vàng. Đang vừa làm việc vừa hát tưng bừng.
- Tốt. Các đại đội động viên chiến sĩ mau chóng hoàn thành
lán trại và hầm hố, cắt cử người cảnh giới, canh gác. Do ta chưa nắm rõ được
tình hình địch nên phải hết sức cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu. Trung đội
trinh sát lên ngay phương án tìm hiểu khu vực lân cận, công binh dò mìn chung
quanh các doanh trại, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho anh em, hậu cần mau chóng ổn
định các mặt, các đồng chí rõ cả chưa ?
Mọi người đồng thanh hô vang :
- Báo cáo rõ.
- Có ai có ý kiến gì không ?
Một cánh tay giơ lên. Bùi Khoai nói :
- Đồng chí Hòa, hậu cần có vấn đề à ?
- Báo cáo thủ trưởng không có ạ. Súng ống đạn dược, lương
thực thực phẩm của chiến sĩ đã tập kết đầy đủ. Nhưng có chuyện…
- Chuyện gì, nói đi chứ sao cứ ấp úng ?
- Báo cáo thủ trưởng là chuyện nước ạ. Không có nước, anh
em gom mãi chắc cũng chỉ đủ nước nấu cơm chiều.
- Cái này quan trọng đấy. Đói cơm còn nhịn được chứ đói nước
là rất khổ. Lệnh cho các đơn vị phải hết sức tiết kiệm nước. Ngay chiều nay, đồng
chí Hòa cử mấy người đi cùng trinh sát, tranh thủ lùng xục xem quanh đây điểm
nào có nước.
- Rõ.
Nghe cán bộ đại đội báo cáo thì mọi việc có vẻ đều tốt cả
nhưng trong lòng người tiểu đoàn trưởng không yên. Bữa cơm chiều vừa xong, nắng
đã tắt rất nhanh, bóng tối đen kịt và dày đặc của núi rừng mau chóng ụp xuống,
chiến sĩ đứng gần sát nhau mới phát hiện ra những người di động chỉ như cái
bóng mờ. Thời tiết đang nóng rát ngay lập tức hạ nhiệt, rừng cây lao xao đem đến
những cơn gió khô và lạnh giá. Bùi Khoai đến nói với Vũ Văn Vượng, tiểu đoàn
phó, chính trị viên tiểu đoàn lúc ấy đang nằm gối đầu lên ba lô trong lán tiểu
đoàn bộ, miệng phì phèo điếu thuốc Giải phóng của Căm-pu-chia, khói thả ra mùi
khét lẹt.
- Đồng chí Vượng này, tôi muốn đem tiểu đội trinh sát của
tiểu đoàn bộ đi lùng xục một chuyến xem sao. Để chỗ thằng Báu đi tôi thấy không
yên tâm lắm. Thằng ấy còn mới quá.
Báu là trung úy, trung đội trưởng trung đội trinh sát của
tiểu đoàn. Đúng là anh này có thành tích học tập và huấn luyện trong nhà trường
rất cao nhưng đi đánh nhau thật thì đây mới là lần đầu. Chính trị viên Vũ Văn
Vượng thấy tiểu đoàn trưởng đến bèn ngồi bật dậy, bỏ điếu thuốc khỏi miệng vứt
xuống đất, lấy chân di đi.
- Tôi cũng nghĩ như anh. Anh định trực tiếp đi cùng với chúng
nó à ?
- Ừ, để nắm chắc địa bàn rồi về mình bàn phương án tác chiến.
- Nhưng nên để sáng mai đi sớm anh Khoai ạ. Bây giờ đêm tối
thế này, mình vừa mới đến, rừng rú chưa biết đâu vào đâu, cũng nên thận trọng.
Anh tranh thủ nghỉ chút, đi đường cả ngày đã mệt lắm rồi.
- Thế cũng được. Vậy đồng chí đi kiểm tra anh em gác thế
nào.
Còn đang bàn với nhau thế đã thấy liên lạc cầm đèn pin hớt
hải chạy đến. Bùi Khoai vội hỏi :
- Có chuyện gì ?
- Báo cáo các thủ trưởng, đội trinh sát báo về là chiều nay
có 2 người dẵm phải mìn.
- Tình hình thế nào ?
- Một người bị mất mấy ngón tay phải, một người cụt chân.
Đã cáng về trạm cứu thương tiểu đoàn.
Bùi Khoai nói với Vượng :
- Đồng chí thấy không, mình lo có thừa đâu. Cuộc chiến đấu
còn dài mà vừa đến đã có người bị thương.
Rồi anh quay qua lệnh cho liên lạc :
- Đồng chí truyền đạt cho trung đội trưởng Báu rút đội
trinh sát vể nghỉ, sáng mai tổ chức một tiểu đội gọn nhẹ đi cùng với tôi sớm.
- Rõ.
Anh liên lạc chạy biến vào đêm, đèn pin loang loáng chiếu
lên cây rừng. Cùng lúc rộ lên mấy tiếng súng trường. Bùi Khoai vểnh tai lên
nghe rồi nói với Vượng.
- Lính ta không bắn kiểu này. Chắc chắn bọn Pôn Pốt đang luẩn
quẩn gần đâu đây. Biết ta mới đến, chúng bắn kiểu này là để quấy ta đấy thôi.
Sáng sớm hôm
sau, khi sương mù vẫn còn mờ mịt, tiểu đội trinh sát 9 người do Báu dẫn đầu đã
tập hợp tề chỉnh trước lán tiểu đoàn bộ, mang theo súng AK báng gấp, lựu đạn
dây mi-ni, bông băng sát thương, máy ảnh, ống nhòm...theo đúng quy chuẩn của
trinh sát bộ binh đi chiến đấu. Họ toàn là những chiến sĩ trẻ, kể cả Báu. Bùi
Khoai nghĩ đi một chuyến với họ vừa tìm hiểu được địa bàn, vừa kèm cặp được lũ
trẻ này. Anh nói :
- Các đồng
chí phải xác định rõ nhiệm vụ chuyến đi hôm nay, đó là phát hiện địch, phát hiện
những tuyến di chuyển của chúng đồng thời đánh dấu những điểm có thể có nước.
Tôi dẫn đầu đoàn, đồng chí Báu khóa đuôi, các đồng chí ở giữa hỗ trợ cho nhau,
tuyệt đối bí mật, gặp địch thì tiêu diệt. Rõ chưa ?
Toàn đội hô
“rõ” rất to. Họ hiểu đây là một chuyến công tác quan trọng nhằm giúp cho tiểu
đoàn nắm vững địa bàn và tình hình địch để đứng vững chân chiến đấu lâu dài.
Bùi Khoái vẫy tay ra lệnh, mọi người theo anh luồn vào rừng, chỉ một loáng cánh
rừng bao la và dữ tợn như một con thú khổng lồ đã nuốt trọn những người lính lọt
thỏm vào bụng mình. Gần 9 giờ sương mù mới tan hết, cũng là lúc mồ hôi đã ướt đầm
áo mặc dù ánh mặt trời chói chang không lọt qua được những tán lá rừng ken đặc.
Đang lấy tay vạch bụi tầm gai để lần đường, Bùi Khoai bỗng nghe có tiếng động
rào rào như tiếng thú chạy trên lá khô. Anh ra hiệu cho đồng đội nấp vào các gốc
cây còn anh quăng mình lăn vào một ụ mối, nhanh như cắt. Tập trung quan sát,
Bùi Khoai thấy một lũ chuột kéo nhau thành đàn, những con chuột xám đen to mập
gần bằng con thỏ con chạy tán loạn bên cạnh những con kỳ đà mình mẩy mốc xanh trông
chẳng khác những con cá sấu, con từ dưới một cái hố bò lên, con lại từ trên miệng
hố thả mình rơi xuống. Chúng chạy rào rào trên miệng hố, thỉnh thoảng dừng lại
nghển đầu, mắt lơ láo nhìn canh chừng. Sau khi quan sát không thấy có địch, Bùi
Khoai lặng lẽ tiến gần miệng hố, những người khác theo sát sau. Hóa ra đấy là một
cái hố chôn người của bọn đồ tể Pôn Pốt, những người chúng giết bị quăng xuống
đây chồng chất lên nhau, trở thành một đống mồi hấp dẫn các loại thú rừng. Thấy
động, lũ chuột và lũ kỳ đà hoảng sợ chạy rối loạn, có con lao cả vào chân Bùi
Khoai khiến anh phải nhảy lên tránh. Cùng lúc những con rắn to và dài như chiếc
đòn gánh cũng trườn từ dưới hố lên, có những con chui ra từ dưới đống xương người,
xương va vào nhau kêu thành tiếng lốc cốc rùng rợn, để lộ ra một cái đùi người
đang bị gặm dở. Cũng từ dưới hố vù vù u u bay lên một đống những sinh vật bay
mà Bùi Khoai chắc chắn trong đó có đám nhặng xanh và ong rừng. Bùi Khoai chợt
nhớ lại những cơn gió đem theo mùi thối rữa chiều qua. Một chú lính trẻ giương
súng định bắn mấy con kỳ đà khủng, Bùi Khoai kịp quát lên :
- Không được
bắn, tiếp tục giữ im lặng.
Anh quay lại
nói với mọi người :
- Điều này chứng
tỏ địch đang ở gần đây. Có thể có cả những người dân bị chúng bắt đem theo chống
lại chúng nên mới bị chúng giết, vứt xác xuống hố thế này.
Một anh trong
đội trinh sát rón rén tiến ra sát miệng hố, cố nhăn mũi chống lại mùi thối dơ
dáy từ dưới bốc lên, nâng máy ghi lại hình ảnh những khúc xương người trắng hếu
nằm lẫn trong những mớ vải đen đang mục rữa, những con rắn như một khúc gỗ khô
mốc meo rúc đầu trốn xuống đống thịt người đang phân hủy. Rõ ràng nếu đội trinh
sát không chụp mấy kiểu ảnh thì những chuyện kinh khủng thế này có đem kể ra
cũng chẳng mấy ai dám tin. Bùi Khoai dẫn mọi người tiếp tục di chuyển, nghĩ tới
lũ kỳ đà ăn thịt người mà ai cũng sởn gai ốc. Đến giữa trưa, Bùi Khoai cho mọi
người ngồi nghỉ ăn cơm ở một vạt đất trống có nắng mặt trời chiếu xuống. Đang
ăn nắm cơm nắm với miếng cá khô đem theo, bỗng Báu chăm chú quan sát một khoảng
đất gần đấy có cây cỏ um tùm. Anh nghi ngờ tiến đến, phát hiện ra dấu những bước
chân, cỏ bị dẫm đạp vẫn còn rạp xuống. Lập tức Báu ra hiệu cho mọi người cảnh
giác trong khi anh theo dấu những vết chân dẫn đến một khe đá. Một dòng nước nhỏ
thong thả rỉ ra từ trong khe, ánh nắng chiếu xuống dòng nước lấp lóa như ánh bạc.
Báu hét lên “nước, có nước đây này” rồi vẫy tay cho mọi người. Mấy anh lính trẻ
đứng lên, chực chạy tới liền bị Bùi Khoai ngăn lại.
- Cẩn thận,
chú ý đi tản ra-Bùi Khoai quát lên.
Bùi Khoai làm
như thế là vì anh nghĩ dấu chân trên cỏ còn mới tức là vừa có người dẫm lên, những
dấu chân dẫn đến khe nước tức là người ta cũng đi tìm nước. Giữa chốn rừng thâm
u này không thể có dân, vậy chỉ có thể là lính Pôn Pốt. Chắc chắn bọn này cũng
thiếu nước như các chiến sĩ của ta. Còn đang nghĩ thế thì đã nghe một tiếng
súng trường nổ vang, tiếng nổ vỗ vào vách núi, viên đạn bay vèo, trúng vào chiếc
bi đông Báu đang đeo bên mình phát ra một tiếng choang chói tai, mặt bi đông vỡ
toác. Báu bị hất siêu người nhưng nhờ cái bi đông mà thoát chết.
- Lập tức
truy kích !
Bùi Khoai
thét lên, thúc mọi người lao về phía tiếng súng vừa nổ. Cái khe nước này rõ
ràng sẽ có một vai trò quan trọng cho đơn vị nên Bùi Khoai nhất định phải làm sạch
địch chung quanh, giữ lấy mạch nước quý hiếm. Một lúc sau, hai tiếng AK nổ liền
nhau ròn tan, Bùi Khoai biết ngay đấy là lính mình nổ súng. Anh chạy đến. Cái
xác mặc quần áo đen ngã úp sấp vào một gốc cây, bên cạnh có cái ống bương đựng
nước, thằng lính Pôn Pốt này chắc đang đi tìm nước cho đồng bọn. Báu lật cái
xác lên, lục tìm trong người tên địch xem có giấy tờ tài liệu không nhưng anh
không tìm thấy gì. Tay anh vẫn còn run, mặt tái xanh vì viên đạn bắn hụt của nó
vừa rồi.
Những ngày tiếp
theo, bọn Pôn Pốt biết bộ đội ta mới hành quân đến, chưa ổn định, chưa thông thạo
địa bàn nên chúng dùng các loại hỏa lực bắn cầm canh, lại chia thành những tốp
nhỏ hai, ba tên liên tục bu bám. Có những lúc chúng huy động đến một tiểu đội,
phục kích, cắt đứt tiếp tế từ trung đoàn, cốt làm đơn vị suy yếu. Tuy tiểu đoàn
đã kiên cường phòng ngự, bẻ gẫy nhiều đợt tập kích của chúng, chủ động truy
quét đẩy chúng chuyển sang co cụm, nhưng địch rất ngoan cố, dai dẳng bao vây,
nã hỏa lực vào lính ta. Trước tình hình đó, Bùi Khoai họp ban chỉ huy, nêu
phương án tác chiến mới. Trông anh lúc này mắt thâm quầng vì mất ngủ, tóc râu
dài tua tủa, da dẻ xạm nắng gió, dễ già đi có đến mấy tuổi. Anh nói, được cái
giọng nói vẫn sang sảng :
- Sau 3 tháng
chốt ở đây, do sức ép của địch, số chiến sĩ của ta thương vong không ít. Số còn
lại mất sức, ăn ngủ thiếu, ấy là tôi chưa nói đến các đồng chí bị sốt rét. Do đấy
sức chiến đấu phần nào giảm sút. Trong khi đó lực lượng địch đóng sát biên giới,
lúc ta co lại thì chúng nống ra, lúc ta truy quét thì chúng luồn hết sang phía
Thái Lan. Bởi vậy tôi đề nghị chúng ta đánh một trận lớn. Để địch không chạy
sang phía Thái Lan được, tôi sẽ dẫn một trung đội bí mật luồn rừng bọc kín đường
rút của chúng, ém quân đợi trung đội chủ công truy đuổi phía dưới, khi chúng chạy
vượt biên giới thì ta phối hợp tiêu diệt. Các đồng chí có nhất chí phương án này không ?
Mọi người đồng
thanh hô :
- Nhất chí,
phải tiêu diệt chúng.
Ngay sau đó, Bùi
Khoai dẫn một trung đội trèo đèo lội suối luồn rừng một ngày thì đến địa điểm
ém quân. Bùi Khoai nhắc trung đội trưởng
:
- Đồng chí
quán triệt anh em tiêu diệt và bắt sống địch là chính, không truy đuổi xa, lớ
quớ lạc sang đất Thái Lan là bỏ mẹ.
Đợi một nửa
ngày, trong lúc cả lính cả chỉ huy đều thấm mệt thì trinh sát báo tin bộ đội chủ
công đã tập kích vào căn cứ của địch, bọn chúng đang rút chạy về phía biên giới,
có lùa theo một số người dân. Bùi Khoai mỉm cười, xem đồng hồ. Lúc này mới là
12 giờ 20 phút, khoảng hai tiếng nữa chúng sẽ rơi vào cái bẫy anh đã giăng ra.
Quả nhiên đến 3 giờ chiều, một đoàn gần 40 tên chạy đến, đứa nào cũng quần áo
đen rách tả tơi, đứa nào cũng thất thểu và hoảng sợ, trông chúng chẳng khác những
bóng ma đói liêu xiêu chạy trong rừng. Đợi chúng vừa tầm ngắm, Bùi Khoai ra hiệu
cho anh em nổ súng. Những tên đi đầu ngay lập tức ngã gục, những đứa còn lại bỏ
chạy thục mạng tứ tung. Gần chục đứa ngồi thụp xuống ôm đầu, chịu yên cho bộ đội
ta bắt. Một thằng áo đen quần đen, tóc tai bờm xờm, mặt mày hốc hác, cắm cổ chạy
về phía Bùi Khoai, bất thình lình thấy anh thì khựng lại như vấp phải một lực cản
thần thánh ghê gớm, khẩu súng trường cầm trên tay rơi bịch xuống đất. Bùi Khoai
thấy khẩu súng đã rơi, lại thấy nó đứng im mà mắt trợn trừng, lòng trắng lộn hết
ra thì anh không bắn. Đến gần nhìn kỹ hóa ra thằng này thấy bộ đội Việt Nam thì
sợ quá, đứng tim mà chết, mắt trừng lên không nhắm lại được. Bùi Khoai nhặt khẩu
súng, lấy báng hẩy vào ngực tên địch, nó ngã ngửa, thân thể cứng đuỗn ra như
khúc gỗ.
Những tưởng
trận này quân ta thắng lớn, diệt tại chỗ 22 tên, bắt sống 11, thu 19 súng các loại, nào ngờ đang thu dọn chiến
trường thì rừng núi chợt rung giật lên bởi những tiếng rít xé tai. Đạn pháo từ
bên kia biên giới bắn sang tới tấp, tai anh nào cũng ù đặc bởi những tiếng nổ
chát chúa. Pháo địch nện kéo dài gần 30 phút. Lại có thêm mấy tên lính Pôn Pốt
bị chính đạn pháo của chúng giết chết. Ta có 5 chiến sĩ hy sinh, 6 bị thương.
Lúc này khoảng 6 giờ tối nhưng trời đã đen
kịt. Vừa có chiến sĩ thương vong, vừa có tù binh, Bùi Khoai biết không thể hành
quân đêm về căn cứ được nên lệnh cho bộ đội di chuyển khỏi tầm pháo rồi dừng lại
nghỉ qua đêm.
Bùi Khoai
không ngủ được. Không phải vì cái lạnh giá buốt của rừng đêm mà vì cái lạnh
trong lòng khi anh nghĩ tới 5 tử sĩ. Anh biết 5 người này đều quê miền Bắc,
sáng nay trong lúc hành quân chúng còn í ới cho nhau thuốc lá. Bất giác Bùi
Khoai lùa tay vào túi quần, tay anh đụng vào bao thuốc lá hút dở. Bây giờ chắc
những thân thể trẻ măng kia đã được bó chặt trong túi xác và đang cứng lại. Chiều
nay, một trong 5 cái xác kia, lúc hấp hối đã nắm lấy tay anh khi máu ở cổ chảy
toe toét lên lá khô, thều thào nói : “Thủ trưởng ơi, cứu em. Em không muốn chết
ở đây”. Anh nghĩ tới bố mẹ và người thân của những cái xác kia, làm sao họ có
thể ngờ con em họ đang chết cứng trong rừng rậm ở một xứ sở hoàn toàn khác lạ. Không
thể nằm yên, Bùi Khoai bật dậy đi đến chỗ mấy anh lính canh xác.
- Này, các cậu
hút thuốc đi.
Bùi Khoai
tung nốt cho họ mấy điếu Tam Đảo còn lại trong bao. Đối với cánh lính, thuốc lá
không chỉ để giải cơn nghiện mà còn là người bạn tri kỷ, hút thuốc làm ấm dạ, vợi
đi nỗi buồn nỗi nhớ. Mấy chú lính đang buồn thiu, reo lên chia
nhau từng điếu thuốc mà như vớ được vàng. Việc canh giữ xác các tử sĩ giữa rừng
đêm phải làm rất cẩn thận, chu đáo, chỉ cần sơ xuất một chút là lũ thú dữ đói mồi
ngửi thấy mùi máu hôi tanh sẽ kéo đến ngay. Mùi thuốc lá thơm xua đi ít nhiều cảm
giác lạnh lẽo hơi người chết, tuy thế Bùi Khoai vẫn thấy rùng mình. Anh kéo cổ
áo che kín họng, bảo mấy chiến sĩ trẻ :
- Các cậu nhặt
cành khô chất ra chỗ trống kia mà đốt, vừa ấm vừa có lửa đuổi lũ thú dữ.
Quả nhiên
càng về đêm càng lạnh. Gió thổi lá rừng rào rào như mưa, thỉnh thoảng nghe tru
lên tiếng tru ghê sợ của lũ thú đói mồi. Tinh thần mấy anh chiến sĩ như được xốc
lên khi ngồi bên đống lửa. Lửa bập bùng soi vào mặt họ hồng lên, soi vào mắt họ
lóe sáng. Một anh tụt chiếc áo chua lòm ra, bảo người bên cạnh :
- Mày tắm khô
cho tao cái đi, lâu không có nước tắm, ngứa quá.
Người lính
bên cạnh lấy hai bàn tay kỳ lên lưng đồng đội, tạo thành những vệt dài đỏ ửng
như đánh gió. Kỳ đến đâu ghét khô rơi ra rông rổng đến đó. Nhìn các anh lính kỳ
khô cho nhau lòng Bùi Khoai quặn đau. Anh thầm nghĩ mùa khô ở Căm-pu-chia tuy
nóng rát nhưng còn cái may là độ ẩm thấp, chiến sĩ ta đỡ bị những bệnh ghẻ lở,
hắc lào do thiếu nước tắm. Mùa mưa thì...
Bước sang
tháng thứ 4 ở giữa rừng, vào lúc trung đoàn đang chuyển hàng tết lên cho đơn vị
thì Bùi Khoai nhận được lệnh triệu tập về Thủ Đức dự lớp tập huấn của trường lục
quân. Việc bàn giao cho tiểu đoàn phó, chính trị viên tiểu đoàn Vũ Văn Vượng diễn
ra nhanh chóng. Bùi Khoai băn khoăn :
- Thế là tôi
không kịp ở lại ăn tết chiến đấu cùng mọi người. Tết xa nhà đã nhiều, tết xa
đơn vị lại đang lúc chiến đấu thì đây là lần đầu. Chắc chắn sẽ nhớ các đồng chí
lắm.
Vũ văn Vượng
bảo :
- Anh cứ yên tâm về học tập, ở đây tôi sẽ giữ vững truyền
thống anh dũng quyết thắng của đơn vị. Anh nên đến trung đoàn bộ mà đi nhờ trực
thăng chở thương binh về Nông Pênh. Ở sân bay Pô-chen-tông ngày nào cũng có máy
bay của ta về Sài Gòn, như thế vừa nhanh, vừa đỡ nguy hiểm hơn là đường bộ.
Bùi Khoai được
anh em đưa về trung đoàn bộ lúc 2 giờ chiều, vừa may 3 giờ có máy bay về Nông
Pênh. Anh ngồi ghé bên cạnh các thương binh trong chiếc thực thăng rung bần bật,
động cơ nổ như búa máy, quạt gió quay như bão. Khoảng 4 giờ đã về đến sân bay
Pô-chen-tông, ở đây thương bệnh binh nằm ngồi la liệt, đầu mình chân tay quấn
băng trắng xóa một góc đường băng. Bùi Khoai tìm đến đồng chí phụ trách sân bay.
Anh này mặc áo may-ô, ngồi trong phòng rộng của đài chỉ huy, chiếc quạt trần
quay vù vù dựng đứng mớ tóc bạc lởm chởm, một khẩu súng AK để ngang trên mặt
bàn. Nghe Bùi Khoai trình bày xong, anh này vội nói :
- Đang xếp
cho chuyến bay cuối vào lúc 5 giờ chiều đấy, đồng chí nhanh chóng ra đề nghị với
thủ trưởng Thái Tần cho đi nhờ, may ra được.
Bùi Khoai chỉ
kịp nói câu cảm ơn gọn lỏn rồi xách ba lô chạy vút ra. Thương binh đang được
dìu lên máy bay, ai nhẹ thì đỡ vào người khác tự đi, ai nặng thì phải cáng. Bùi
Khoai hỏi thăm, không người nào biết thủ trưởng Thái Tần là ai. Loanh quanh một
hồi, sợ muộn giờ nên anh đeo ba lô lên vai, cứ theo bước người khác lên cầu
thang máy bay. Một người thấp lùn, mập mạp, tóc hoa râm, da mặt đỏ au, áo sắn
tay khỏe khoắn đứng chặn ngang cửa. Người này chỉ tay vào mặt Bùi Khoai quát :
- Thằng này,
mày ở đơn vị nào ? Có phải thương binh không mà chen vào đây ?
Bùi Khoai ớ
ra ngạc nhiên về cách xưng hô nhưng vẫn phải từ tốn vì đang nhờ vả :
- Không phải
thương binh.
- Thế thì xuống
mau. Xuống !
Bùi Khoai khó
chịu đứng né sang một bên. Kể như bình thường thì anh không chịu để người ta
quát tháo nhưng anh nén lại được, vội nói tiếp :
- Báo cáo,
tôi vừa ở xa về, có lệnh về Sài Gòn gấp.
- Xa là ở đâu
?
- Mặt trận
phía Tây.
Lúc này người
đầu bạc mới để ý nhìn Bùi Khoai, đổi giọng :
- Pai-lin hả,
thế thì vào đi !
Bùi Khoai
nhanh chóng lọt vào bên trong máy bay. Khi đã ngồi yên trên bầu trời, khi chiếc
trực thăng Mi 8 ào ào quạt gió chở anh đi xa dần khỏi mảnh đất máu lửa thì ý nghĩ đầu tiên của anh hướng ngay về đơn vị,
nhớ mấy chú lính trẻ thường gọi anh là thủ trưởng “Khoai bở” vì có gì anh cũng
dành cho chúng nó, từ miếng lương khô đến điếu thuốc lá. Họ đúng là một lũ lính
trẻ, đã là chiến sĩ rồi mà còn nghịch như quỷ, những lúc không có mặt chính trị
viên Vũ Văn Vượng chúng thường réo to mấy câu vè toàn vần V : “Vũ Văn Vượng vác
vợ vào vườn vừng, vừa vê vú vừa vén váy vợ”. Bùi Khoai thở dài nghĩ đến trọng
trách chỉ huy tiểu đoàn đè nặng lên vai người chính trị viên đã 5 năm chưa về
thăm vợ. Khi máy bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Bùi Khoai hỏi mới biết người
đã mày tao với anh ở sân bay Pô-chen-tông chính là vị tướng nổi tiếng Thái Tần.
Bùi Khoai được
nghỉ 7 ngày trước khi vào khóa huấn luyện. Ở chiến trường K về nên đến đâu cũng
được ưu tiên, vì thế Bùi Khoai đã làm một cuộc hành quân thần tốc về quê thăm
nhà. Anh đi máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, đi nhờ ô tô của Bộ Tư lệnh Hải Quân về
Hải Phòng. Đến Hải Phòng đã muộn, Bùi Khoai rẽ vào Tỉnh đội hỏi mượn xe của một
người quen nhưng thật không may anh này đi vắng. Bùi Khoai quyết định đi bộ. Quãng
đường về nhà chỉ còn hơn chục cây số, với tốc độ hành quân chuyên nghiệp của
anh thì chỉ khoảng 2 tiếng là đến nơi. Anh xốc lại ba lô, được cái ba lô cũng
nhẹ. Chẳng có gì. Anh bước đi như chạy. Trời cuối năm lạnh, đứng trên phà Bính
gió thổi lộng mà mồ hôi vẫn toát ra. Lúc lên khỏi phà, đang cắm cúi bước những bước vui thì
bỗng có người đi xe máy dừng lại hỏi :
- Anh bộ đội về
đâu đấy ?
Bùi Khoai ngước
lên, thấy một thanh niên mặc áo na-tô, chân dận bát-kết trắng đế dày cộp, dắt
chiếc xe máy ba-bét-ta mà cánh lính thường gọi là xe ba-bét-nhè. Bùi Khoai nghi
ngại trả lời :
- Tôi về Minh Tân. Có việc gì ?
- Em về Núi
Đèo. Anh lên em chở, đỡ phải đi bộ 6 cây số.
- Thế thì tốt
quá, cho tôi đi nhờ nhé.
Không chút
khách khí, Bùi Khoai ngồi lên xe, chiếc xe phành phạch lấy đà rồi lướt đi. Quen
với tác phong người lính, Bùi Khoai hỏi thẳng ngay :
- Cậu là công
nhân à ? Công nhân mà mua được ba-bét-ta thì giỏi đấy.
- Đâu, em mới
đi lao động ở Tiệp về nên có xe đấy chứ. Thế còn anh ?
- Tôi vừa ở K
ra, được nghỉ mấy ngày về thăm nhà. Tôi cũng có chú em chừng tuổi như cậu, nghe
đâu như là đang lao động ở Tiệp Khắc.
- Thế à, anh ấy
đi lâu chưa, ở tỉnh nào ?
- Cũng khoảng
gần năm rồi. Ở tỉnh nào thì tôi không biết.
Mặc dù gió thổi
khá mạnh mà Bùi Khoai vẫn ngửi thấy từ người từ tóc anh bạn tốt bụng tỏa ra mùi
nước hoa hoặc xà phòng thơm gì đó rất dễ chịu. Mùi thơm sang trọng này chắc chỉ có ở những người đi
nước ngoài về. Chính mùi thơm nhẹ nhàng ấy bất chợt làm Bùi Khoai nhận ra là
anh cũng vừa từ nước ngoài về. Anh ta thấy có điều gì sai sai trong so sánh ấy
nên lắc lắc đầu cố xua đi ý nghĩ về cái mùi thịt người thối rữa giữa rừng
Bát-tam-bang.
- Ở K thì các
anh vất vả lắm nhỉ-Anh bạn đường tay vẫn cầm lái nhưng rướn người lên hỏi cho
rõ ràng.
- Nhiệm vụ quốc
tế mà.
- Thế cũng là
xuất ngoại, cũng là đi nước ngoài anh nhỉ.
Bùi Khoai nhắc
lại, lần này tiếng to hơn :
- Đã bảo nhiệm
vụ quốc tế mà. Đâu có được như các cậu.
Nhận thấy anh
bộ đội ngồi sau tỏ ra hơi khó chịu qua giọng nói có chút gắt gỏng vô cớ, anh bạn
đường chuyển ngay sang chủ đề khác. Chiếc xe chạy bon bon, đèn pha chiếu thẳng
vào đêm tối một vệt sáng thẳng. Mải nói chuyện nên chẳng mấy đã đến Núi Đèo, ngọn núi đất đỏ thấp
và là địa danh quen thuộc của Thủy Nguyên. Bùi Khoai xiết chặt tay người thanh
niên tốt bụng, rối rít cám ơn rồi lại cắm cúi bước đi. Đường vắng ngắt, thỉnh
thoảng mới có một hàng nước, người bán nước ngồi co ro buồn tênh bên ngọn đèn dầu
le lói. Gió lạnh thổi từng cơn mà Bùi Khoai không biết rét. Khi nghe chiếc loa công cộng tít tít báo hiệu 9 giờ
tối thì cũng là lúc anh đứng trước cổng nhà. Tim anh như bị bóp nghẹt lại. Phải
gần 3 năm anh mới lại đứng trước cánh cửa liếp quen thuộc. Trong nhà tối om, chắc
mọi người đã ngủ. Bốn chung quanh cũng im lặng, thỉnh thoảng vẳng lên tiếng chó
sủa vu vơ trong gió sông Giá thổi lộng. Bùi Khoai lặng lẽ đến sát cửa, cất tiếng
gọi :
- Hoàng Thu,
Hoàng Thu ơi, bố Khoai về đây.
Phải gọi đến lần thứ hai và lấy tay đập vào cửa liếp Bùi
Khoai mới nghe tiếng bố anh :
- Mẹ cái Thu
mau dậy đi, nghe như thằng bố nó về kìa.
Vợ Bùi Khoai
cuống quít thức dậy, vặn to ngọn đèn, chạy ra mở cửa. Cô dụi mắt, tưởng mình
đang mơ. Ngay trước mặt cô là người chồng, vai vẫn đeo ba lô, đứng lừng lững giữa cửa. Hai người cứ ngỡ
ngàng nhìn nhau cho đến khi ông bố già cầm ngọn đèn ra tận nơi, giơ lên cao và
hỏi :
- Sao bố nó lại
về vào giờ này !
Bùi Khoai kể lại vắn tắt hành trình của mình từ rừng núi
Bát-tam-bang. Ba bố con ngồi quanh ngọn đèn dầu rỉ rả nói chuyện trong khi con
bé Hoàng Thu, con gái Bùi Khoai, vẫn nằm quấn tròn trong chăn ngủ ngon lành,
không hề biết gì. Mãi đến khi đi nằm, Bùi Khoai ôm vợ để hơi ấm người đàn bà tỏa
sang mình, anh mới biết bên ngoài gió cuối đông đang giá lạnh. Bùi Khoai ghé
sát vào tai vợ, nói nhỏ : “con trai nhé”. Vợ anh lặng im, tay khẽ dúi vào má
anh.
Sáng hôm sau, khi Bùi Khoai thức dậy còn sớm mà đã không thấy
vợ nằm cạnh. Anh hỏi bố :
- Mẹ Hoàng
Thu đi đâu sớm thế ông ?
- Nó đi làm cỏ.
- Sao sớm thế
?
- Ruộng 5 phần
trăm. Tranh thủ như thế để tí còn phải đi làm theo kẻng hợp tác xã nữa.
Bùi Khoai đánh thức con gái Hoàng Thu để nó đi
học. Hoàng Thu mới vào lớp 3 trường làng được một học kỳ. Nó im lặng, bẽn lẽn
nhìn anh, ngỡ ngàng.
- Bố mày đấy
chứ ai. Chào bố đi cháu.
Ông lão bê từ
bếp ra một cái chậu thau đồng đựng nước nóng, đặt bên cạnh vại nước dưới gốc
cau rồi nói :
- Bố con rửa
mặt đi còn ăn sáng, cái Thu còn phải đi học. Hôm nào cũng đi muộn.
Rửa mặt nước
nóng xong Bùi Khoai dắt con vào bếp, đã thấy ông bố để một rổ khoai luộc đang bốc
hơi. Hoàng Thu vớ một củ to. Trông cái cách nó ngắc ngứ ăn củ khoai, Bùi Khoai
biết ngày nào nó cũng phải ăn khoai độn. Anh hỏi bố :
- Nhà mình có
bị thiếu ăn không ông ?
- Nhà nào chẳng
thiếu-ông bố anh trả lời. Mỗi ngày đi làm công cho hợp tác xã mẹ nó được 10 điểm,
một vụ lúa nhận về một tạ thóc, ai mà chẳng thiếu. Thôn mình nhà nào cũng ngày
2 bữa, nhưng bữa nào nồi cơm cũng chỉ vài hạt gạo còn toàn khoai là khoai.
Bùi Khoai quặn
lòng khi nghe câu chuyện của bố. Từ chiến trường vào sống ra chết trở về, anh
thật đau lòng thấy quê hương thiếu đói. Nhưng đó là tình cảnh chung, chẳng
riêng nhà ai. Thấy Bùi Khoai ở nhà đến ngày thứ 3 mà bữa ăn không có gì gọi là
chất tươi, bố anh áy náy bàn với con dâu :
- Con lợn nhà mình tầm này được bao nhiêu ký ?
- Khoảng trên
dưới 25 ký ông ạ. Ông định...?
- Giết thịt
cho bố nó ăn. Con Thu cũng dựa vào đấy có tí bồi dưỡng, người lớn thì có âu mỡ
ăn dần. Thế có được không, ý con ra sao ?
- Lợn bé thế
lấy đâu ra mỡ ?
- Vậy mẹ con
Thu tìm đâu ra lợn to ? -Ông cụ nói, giọng không vừa ý. Vợ Bùi Khoai bảo :
- Con cũng muốn
thế, nhưng mổ lợn thì biết xin phép hợp tác xã thế nào.
- Cứ bảo nó ốm,
không nuôi được thì phải thịt. Chuyện này để ông !
Nhằm lúc Bùi
Khoai đi thăm bà con trong xóm, vợ anh vào bếp đun nồi nước sôi rồi cùng ông bố
quật luôn con lợn ra làm thịt. Con lợn cân hơi được 23 ký rưỡi, cạo lông mổ bụng
xong cân móc hàm được 17 ký. Làm kín thế mà không hiểu sao khi Bùi Khoai về đã
thấy đội trưởng sản xuất cùng mấy người đang cự nự bố anh. Thấy Bùi Khoai đi
vào, họ đứng lên lễ phép chào hỏi, tuy nhiên vẫn rất cứng.
- Biết thủ
trưởng vừa từ chiến trường K về thăm quê hương nhưng việc ông cụ mổ lợn thế này
là vi phạm nội quy của hợp tác xã, chúng em bắt buộc phải làm biên bản để báo
cáo với ban chủ nhiệm.
Bùi Khoai nóng mặt :
- Lợn nhà
tôi, muốn nuôi muốn thịt là do tôi chứ sao lại vi phạm nội quy hợp tác xã ?
- Thủ trưởng
đi chiến đấu lâu ngày chắc không nắm biết được chính sách ở hậu phương nên nói
thế. Đã đành lợn giống xã viên phải tự mua, tự nuôi nhưng khi bán thì không được
mang ra chợ mà phải cân nghĩa vụ cho hợp tác xã. Lợn chẳng may có ốm, xã viên
muốn giết mổ phải được đội quản lý cho phép.
Ông bố Bùi
Khoai nhảy vào chen ngang câu chuyện, tay huơ con dao mổ lợn khiến mấy người đứng
gần phải né sang một bên.
- Thằng đội
trưởng này nó là con cả của ông Hữu, ông Hữu là lính du kích thôn của tao ngày
xưa. Đứng trong họ thì bố nó còn phải gọi tao bằng chú, nó phải gọi mày bằng
chú chứ thủ trưởng, thủ phó cái mẹ gì. Bây giờ con lợn ốm thì tao mổ, tao bồi
dưỡng cho chúng mày một đùi là được, làm sao phải phép tắc cơ chứ.
Người đội trưởng
quay sang gọi Bùi Khoai bằng chú.
- Tại chú đi lâu
nên cháu ít có dịp gặp. Ông đã nói thế thì chúng cháu cũng nể gia đình ta là
gia đình chính sách, chỉ nhắc nhở rồi cho qua thôi chú ạ. Nhưng cũng báo cáo
chú biết gia đình ta không phải diện khó khăn đâu nhé. Vì sao à, vì nhà chú vẫn
có người đi nước ngoài.
Bùi Khoai vô tình buột ra câu hỏi :
- Là ai cơ ?
- Ông chẳng
có con giai gửi xe đạp về cho là gì.
Ông bố Bùi
Khoai dúi vào tay anh cháu đội trưởng cái đùi lợn gói trong lá chuối. Anh này
vui vẻ cầm như không, chào Bùi Khoai rồi kéo mấy người kia bỏ đi. Bùi Khoai mới
hỏi bố :
- Chú Khoái gửi
xe về cho bố à ?
- Chết chết, nó
gửi cái xe đạp mà ầm cả xã, ai người ta cũng biết.
Lúc này đi
vào, Bùi Khoai mới để ý thấy có chiếc xe đạp nữ treo trên xà nhà, khung xe quấn
vải cẩn thận. Anh hỏi :
- Ông không đi
xe hay sao mà lại đem treo lên thế này ?
Ông lão không
trả lời vì đang mải lúi húi xẻ thịt. Khi Hoàng Thu đi học về, nhìn thân hình
còm nhom và hai cái đuôi tóc ngắn cũn của nó, ông chép miệng :
- Bố tiên
nhân khỉ ! Xin bố mày mấy hào chạy đi mua cho ông mấy hào rượu.
Con bé vừa cầm tiền của bố, vừa toét miệng hỏi ông nội :
- Ông ơi, làm
sao bố cháu lại tên là Khoai ? Đã họ Bùi lại tên là Khoai nghe chán chết, cứ
như là củ khoai bở ăn trong bếp ấy.
- Thì lúc đẻ
bố mày, cả ông cả bà chẳng phải ăn toàn khoai là gì. Lúc bấy giờ lấy đâu ra gạo
mà ăn.
Hoàng Thu ngước
mắt nhìn ông nội, đôi mắt trong veo ngây thơ :
- Thế lúc đẻ
chú Khoái ông bà có được ăn gạo không mà lại đặt tên chú ấy là Khoái ?
Ông bố Bùi Khoai có vẻ bí, chỉ cười trừ và buông ra một câu
chửi yêu đứa cháu gái của mình :
- Bố tiên nhân khỉ, chỉ được cái tò mò !
Chương 4
Bùi Khoái đã trở
thành một chủ hàng có tiếng sau thời gian 3 năm ở Tiệp. Sinh viên, thực tập
sinh, công nhân lao động cho tới nghiên cứu sinh, thậm chí cả cán bộ đang công
tác nhiệm kỳ, khi nhắc tới Bùi Khoái mũ nồi đỏ thì nhiều người thừa nhận đã lấy
hàng của anh ta, số đông nói có biết Bùi Khoái, ít nhất cũng có nghe tên. Căn hộ
trong khu tập thể đã trở nên quá chật hẹp, phần vì chung đụng cùng phòng với
anh em khác rất phiền toái, phần vì không đủ chỗ để cất giấu hàng cũng như đón khách
các nơi về. Tại sao lại không thuê ra ngoài để ở ? Ra ngoài thuê nhà ở riêng
như mấy vị nghiên cứu sinh tuy có tốn kém nhưng đi về tự do, hàng hóa cất giấu
thoải mái, việc buôn bán thuận tiện hơn nhiều. Câu hỏi này cách đây mấy năm Bùi
Khoái không dám đặt ra, lúc ấy đói bụng gọi một đĩa chân giò hầm với cốc bia
tươi anh cũng còn phải băn khoăn tính toán chán.
Bùi Khoái gọi điện hẹn Stê-phan đến quán bar I-nô-va, gần cầu
đá Sác-lơ trên dòng sông Vlta-va. Đây là một quán bar nhỏ nhưng thật xinh, người
uống có thể nhìn ra khu phố cổ lúc nào cũng đông đúc khách du lịch. Kể từ lúc
khấm khá lên, mỗi khi có hẹn làm ăn, Bùi Khoái đều ra đây là bởi, theo anh, chỗ
này có vẻ thượng lưu hơn khu phố Mút-xtếc, nhưng lý do chính, Bùi Khoái nghĩ,
là do những bức tượng Thánh cổ kính trên cầu có thể đã đem đến cho anh nhiều
may mắn. Bùi Khoái chưa hỏi kỹ tại sao anh chị em người Việt lại gọi đây là cầu
Tình, gọi sông Vlta-va là sông Tình, một cái tên thuần Việt đầy trìu mến. Cũng
như Quảng trường Xta-rô-mét Nam-nhét-xti đã được mọi người đặt tên là Quảng trường
Con gà, có lẽ vì trên nóc chiếc đồng hồ có chú gà trống cứ một giờ lại cất tiếng
gáy vang. Người đầu tiên dẫn Bùi Khoái đến cầu Tình vào một tối thứ bảy là Mai,
cô thợ tiện người Hải Phòng đã dạy anh cách làm ăn những ngày đầu. Buổi tối hôm
ấy Mai nhất định bắt anh phải sờ tay vào bức tượng Nép-tô-múc để cầu may. Bức
tượng Thánh gồ ghề này dãi nắng dầm mưa, soi bóng mình trên dòng nước trong
xanh sông Vlta-va từ bao nhiêu thế kỷ, không biết đã ban tặng hạnh phúc cho bao
nhiêu người. Hôm ấy nghe lời Mai, Bùi Khoái cũng đặt tay vào cái chỗ sáng bóng
trên thân tượng là chỗ đã có bao người trước anh chạm vào. Mai hết hạn hợp đồng
lao động, đã về nước hơn một năm nhưng mỗi khi có việc qua cầu Tình là Bùi
Khoái lại bâng khuâng nhớ cô, nhớ lối nói nhắt gừng hơi chua ngoa nhưng chân thật
của người con gái Hải Phòng.
Cô phục vụ ở quán bia gọn gàng trong chiếc áo tạp dề đỏ mời
Bùi Khoái vào chỗ ngồi quen thuộc. Bùi Khoái đã học được cách để tiền boa, anh
thường để rất hậu nên các cô phục vụ đều vui vẻ khi anh đến. Stê-phan là người
bạn rất đúng giờ, Bùi Khoái còn chưa kịp bỏ chiếc mũ nồi đỏ ra khỏi đầu thì đã
thấy anh ta đứng trước mặt, to cao như một vị hộ pháp.
- Hay quá Stê-phan, anh thật đúng hẹn. Bia nhé ?
- Đồng ý. Tôi mang tiền trả anh đây, nhưng mới có một nửa số
tiền tôi phải trả anh.
- Chết thật, tôi có bảo anh phải trả tiền cho tôi đâu !
- Ô hô, vậy hẹn tôi tới đây để làm gì ?
- Có việc phải nhờ anh. Tôi muốn thuê một nơi ở mới, vừa với
túi tiền mình nhưng phải có khu phụ tắm giặt nấu nướng, và đặc biệt, một yêu cầu
đặc biệt, người thông minh như anh có đoán được là gì không ?
Stê-phan ranh mãnh trả lời :
- Tôi đoán được rồi. Phải có chỗ để anh cất hàng !
- Anh thật tuyệt quá.
- Lại còn phải khen tôi nữa !
Bùi Khoái nôn nóng hỏi :
- Tôi cần nhanh, anh có giúp được không ?
Stê-phan nhún vai :
- Nói theo cách của anh, chuyện đơn giản thôi mà !
Stê-phan vừa cười vừa uống bia, bọt bia trắng như những hạt
xốp nhỏ bám cả vào bộ ria mép vàng luôn được cắt tỉa cẩn thận. Việc tìm nhà để
thuê hoàn toàn không khó đối với một thanh niên người Pra-ha. Chỉ chưa đến một
tuần sau, Stê-phan đã gọi cho Bùi Khoái. Anh ta dẫn Bùi Khoái đến một ngôi nhà
4 tầng gần sân vận động Spác-ta, cổng mở ra con đường rộng rãi, thoáng mát dưới
tán những cây sồi lâu năm. Chủ ngôi nhà là một ông già người Tiệp nghiện rượu
nhưng rộng bụng, không biết lòng tốt là tự nhiên hay là do lúc nào ông cũng
trong trạng thái lâng lâng say xỉn. Đã có khách thuê các tầng 3 và 4, phần lớn
là người nước ngoài và mấy người Tiệp mới ở vùng quê lên. Ở tầng 2 có một khách
vừa trả căn phòng 30 mét vuông, có phần phụ riêng biệt, tiền thuê là 1200
cu-run một tháng.
Đến tận nơi xem, Bùi Khoái đòi thuê ngay. Anh ta sợ buông
ra sẽ có người khác lấy mất. Có hai điều làm anh rất hài lòng, một là ngôi nhà
có tầng hầm, tuy khách thuê đã để trăm thứ bà dằn nhưng vẫn còn thừa chỗ cho
anh ta cất hàng. Điều thứ hai, điều căn bản nhất là không ngờ ngôi nhà lại ở gần
một văn phòng đại diện của Việt Nam chuyên về buôn bán, là nơi mà các chủ hàng
luôn luôn mong ước được ra vào kết hợp làm ăn. Cán bộ nhân viên ở văn phòng này
thường có những mối liên hệ xuyên biên giới, là đối tác không chỉ của người Việt
mà còn của nhiều người nước ngoài, đi lại
và mang theo hàng hóa tự do vì họ có hộ chiếu đỏ. Cũng vì thế mà đây là nơi gửi
hàng lậu an toàn nhất, không sợ bị công an kinh tế của Tiệp kiểm tra. Chỗ ở mới
lại cũng không xa nhà máy là bao, chỉ phải đổi có một tuyến xe buýt. Bùi Khoái
sung sướng dọn đến ở ngay. Ông già chủ nhà mang ra một két bia nói là để liên
hoan mừng Bùi Khoái, mấy lần lè nhè hỏi Stê-phan thằng châu Á ranh mãnh này là
người nước nào. Stê-phan cũng phải mấy lần ghé tận vào tai ông nói như hét lên
nó là người Việt Nam, đến khi hiểu ra thì ông ta tuyên bố sẽ miễn hẳn tiền thuê
nhà tháng đầu tiên cho Bùi Khoái vì tụi Việt Nam chúng nó còn nghèo khổ vì chiến tranh. Bùi Khoái chợt nhớ đến bà lão
bán chiếc máy dệt len cũ cho anh, thầm đoán ông già chủ nhà có lẽ cũng đã đi biểu
tình chống Mỹ ném bom miền Bắc. Hôm ấy Bùi Khoái xem lịch thấy đã gần đến ngày
rằm tháng Bảy ở Việt Nam. Anh ta liền lấy một cái lọ thủy tinh là lọ đựng mứt
cũ đem kỳ cọ rửa sạch rồi cho đầy bột mỳ vào làm bát hương đặt lên nóc chiếc tủ
sách cũ kỹ, mấy quả táo đặt lên đĩa rồi thắp 3 nén hương, khói hương lững thững
bay lên, tỏa mùi thơm ra khắp phòng. Lạ lùng, và nhất là hoảng sợ khi thấy tàn
hương trắng rơi xuống mặt tủ, Stê-phan luống cuống hỏi :
- Anh làm cái gì đấy, định đốt nhà của ông lão à ?
- Không, tôi thắp hương. Người Việt chúng tôi có phong tục
là mỗi khi đến nhà mới đều thắp hương để bái tạ ông Thổ công Thổ địa.
- Hương đốt thế có gây hỏa hoạn không, ông Thổ Công Thổ Địa
là ông nào, là ông Thánh Giê-xu của chúng tôi hay ông Lê-nin của Liên Xô ?
Stê-phan hỏi thật chứ không có ý gì nhưng cái nhăn mặt khó chịu của Bùi Khoái làm anh ta
chưng hửng, vẩy tay một cái rồi ra đứng ở cửa. Bùi Khoái vẫn đứng chắp tay trước
3 nén hương và đĩa táo đỏ, mắt lim dim khép, lặng lẽ cầu xin trong đầu ba điều,
một là chuyển sang nhà mới luôn được mạnh khỏe, hai là công việc làm ăn thật
thuận buồm xuôi gió, ba là vợ con ở Việt Nam cũng luôn được may mắn. Nhìn vẻ mặt
nghiêm trang thành kính của Bùi Khoái, Stê-phan nghĩ ông Thổ Công Thổ Địa chắc
phải là một ông Thánh rất linh thiêng.
Khách đầu tiên đến xông nhà mới là Lê Văn Thành, người bạn
đồng nghiệp cùng tập thể khi chưa ai có gia đình. Ở Bách khoa ít năm Thành được
chuyển về quê, dạy trường Cơ điện Bắc Thái cho gần nhà, nay sang Tiệp làm
nghiên cứu sinh ở Li-bê-rét. Mới bước vào nhà, anh ta đã luôn mồm xuýt xoa :
- Mày ở chỗ này thích thế, đông vui quá, chẳng bù cho tao ở
dưới tỉnh, buồn chết, cả ngày vắng như chùa Bà Đanh.
Đưa cho Bùi Khoái bức ảnh đứa con gái hơn 3 tuổi mà vợ Bùi
Khoái nhờ mang sang, Thành nói :
- Trông con bé đẹp như thiên thần. Để tao đóng cái đinh lên
chỗ đầu giường kia, treo ảnh con bé lên đó, tha hồ ngắm.
Bức ảnh đen trắng nổi rõ những búp tóc quăn trên khuôn mặt
bầu bĩnh của con bé, miệng cười ngập ngừng nhưng trông đáng yêu đến mê hồn, có
lẽ lúc chụp ảnh con bé còn đang ngượng nghịu. Bùi Khoái ngẩn người ngắm ảnh
con, mắt đỏ ngầu, nặng nề với ý nghĩ anh ta là một người cha tồi. Ba năm mới biết
mặt con qua ảnh, ba năm chưa một lần được ôm con vào lòng, anh ta cố ghìm để
không bật lên tiếng nấc nhưng nước mắt vẫn lăn trên má. Đúng theo lời dặn của
Bùi Khoái khi ra đi, vợ anh đã đặt tên con là Thanh Thủy. Anh gọi tên con đầy trìu mến khi ngước lên hỏi Lê
Thành :
- Mày thấy Thanh Thủy nó giống ai nhiều hơn ?
- Cái miệng cười chắc
chắn giống mẹ. Mớ tóc xoăn thì chẳng giống ai. Ha ha, giống anh hàng xóm !
Thành chính là người đã chế ra bài thơ nhạo ngày trước rồi
phát tán đi khắp khoa khiến cho Bùi Khoái và Thanh đến với nhau, vì thế anh ta
cứ nhận mình đã có công mai mối. Bùi Khoái tức lắm nhưng chưa có dịp nào xỏ lại
Lê Văn Thành. Bây giờ họ gặp nhau ở Tiệp, kể lại chuyện này thú vị như một chuyện
vui, cười đùa thoải mái.
Lê Văn Thành mới đến Tiệp được gần 3 tháng, còn đang học tiếng.
Những ngày mới tới Li-bê-rét, anh ta sợ nhất khoảng thời gian từ lúc tan lớp ra
về cho đến lúc đi ngủ. Đấy là một khoảng thời gian lê thê kinh khủng. Bạn bè
chưa có, tiếng chưa thông thạo, anh ta khỏa lấp khoảng trống bằng cách ngồi lỳ ở
quán bar bên cạnh một cái nhà thờ nhỏ, lúc đói bụng thì làm đĩa xúc xích với dưa
bắp cải nấu nhừ. Những tia nắng cuối ngày tắt dần trên tháp chuông, tiếng
chuông nhà thờ binh boong trong chạng vạng chiều giục người ta mau bước về nhà.
Lê Văn Thành ngồi một mình lặng im đếm từng tiếng chuông ngân, trước mắt như hiện
ra con đường làng lát gạch chạy ngoằn ngoèo qua những vườn chuối và những hàng cau để cuối
cùng dẫn đến ngôi chùa có cái tháp chuông trước cổng. Ở đấy mỗi khi tiếng chuông chiều ngân lên là lũ
trẻ lại hối hả dắt trâu về nhà, khói cơm thơm mùi gạo mới lại vương trên những
mái bếp. Những hình ảnh ấy chỉ thoáng hiện nhưng đủ làm cho Thành xao xuyến nhớ
nhà và thấm thía nỗi cô đơn. Những lúc
ngồi một mình như thế Lê Văn Thành không tài nào có thể nghĩ về đề tài nghiên cứu
của mình. Trong đầu anh chỉ có hình ảnh người vợ gày ốm với hai đứa con trai
nghịch ngợm như hai con quỷ nhỏ, quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy câu hỏi giờ này
họ đang làm gì, xoay xở ra sao với cuộc sống vốn đã rất khó khi anh còn ở nhà.
Lúc còn ở trong nước thì mong được đi, đi được rồi lại ngong ngóng tin nhà. Ở
nhà nghĩ rằng cứ ra ngoài là vớ là kiếm được, khi ra ngoài rồi thì anh ta ngồi
trơ một mình, không biết xoay sở ra sao. Bao nhiêu những lời hứa hẹn sẽ dành hết
tâm trí sức lực cho công việc nghiên cứu bay đi hết, nhìn mọi người rầm rập làm
ăn lại thấy la-bô với tìm tòi chưa hẳn đã là công việc cần ưu tiên. Những mâu
thuẫn ấy sao gọi là nhỏ được khi nó cứ đêm đêm dày vò Lê Văn Thành.
- Tao lên đây là để nhờ mày bày cho mấy chiêu, bây giờ mày nổi
tiếng rồi.
Bùi Khoái cười hơ hớ. Lê Văn Thành nhận ra giọng cười ấy chẳng
khác gì hồi ở cùng nhà tập thể.
- Đơn giản mà. Cứ yên tâm đi, miễn là mày đã sẵn sàng.
- Sẵn sàng rồi, chỉ có vốn thì ít lắm.
- Được. Bây giờ tao bày cách cho mày.
Lê Văn Thành vội vã hỏi :
- Cách gì ?
- Khi về Li-bê-rét mày đem theo mấy bao hàng, ở đấy rất nhiều
đứa cần. Tao để vốn cho mày, mày cũng đừng lấy lãi chúng nó quá, coi như chỉ lấy
tiền chở hàng thuê thôi. Tao cũng chưa lấy tiền của mày, khi nào mày bán hết
thì trả vốn tao rồi lại lấy đợt khác.
- Cái đó tao làm được. Hiện ở đây mày có những thứ gì ?
Bùi Khoái là chủ hàng cấp 1, chuyên bán buôn nên không phải
lúc nào cũng có hàng, tuy nhiên anh nói :
- Yên tâm, hàng lấy của ta-bắc cái gì cũng có, từ son phấn,
dây chuyền vàng tây, khuyên tai, nhẫn, đồng hồ các loại, áo, mũ…, đều là các thứ
tụi ở tỉnh đang thích.
- Lấy của ta-bắc là lấy của ai ?
- Mỗi lần có hàng về nhiều tao đều để cho bọn cùng nhà tập
thể mỗi đứa một ít, chúng lại đem bán lẻ cho các ta-bắc ấy mà.
- Tốt quá. Thế còn việc nhờ mày gửi hàng về ?
- Cần gửi cái gì về
cho vợ con thì ở đây tao gửi cho, nhưng việc này thì mày phải thanh toán sòng
phẳng ngay. Ai đăng ký với chủ hàng đều có thể gửi khoảng 30 kí theo đường máy
bay chậm, nói là chậm nhưng vẫn là cách nhanh nhất.
- Ai là chủ hàng-Thành hỏi. Bùi Khoái nháy mắt :
- Tao chứ còn ai.
- Thế thì tốt quá. Mất nhiều tiền không ?
- Khoảng 10 cu-run một kí, 30 kí hết 300 cu-run, đáng bao
nhiêu so với lương nghiên cứu sinh của chúng mày. Thực ra tiền gửi một ký chỉ
khoảng 8 cu-run, nhưng tao còn phải ngoại giao với sân bay để có chỗ mà gửi đều
về cho mọi người chứ.
- Có đông người gửi không ?
- Nhận không xuể. Bọn sứ quán cũng có người đăng ký gửi vào
đây. Mày yên tâm đi.
Lê Văn Thành bấm ngón tay tính toán:
- Hiện vốn liếng tao có 3 tháng lương nghiên cứu sinh với
hơn 500 đô lúc đi vay mượn mang theo.
- Còn hơn tao lúc ban đầu nhiều.
- Vậy thì gửi những gì về ?
- Mọi người thường gửi xe đạp, máy khâu, vải, thuốc…Nếu mày
đồng ý thì có bao nhiêu cứ đưa để tao liệu. Ghi địa chỉ, tên người nhận ra đây.
Vợ mày đi nhận chứ gì ?
- Ừ, cô ấy hiền lành chậm chạp lắm.
- Rồi quen tất ! Cái Thanh lúc đầu cũng thế, bây giờ chuyên
môn rồi.
Nói đến đây Bùi Khoái bỗng thở dài, Lê Văn Thành liếc nhìn
thấy ánh mắt anh ta bỗng buồn thượt.
- Đã 4 năm mày xa vợ rồi đấy nhỉ.
- Gần 4 năm.
- Ở nhà tụi nước ngoài về thường đọc câu “4 năm trấn thủ
lưu đồn, cái gì cũng có cái ấy thì không”. Tao hỏi thật nhé, khoản ấy mày làm
thế nào, hay là tịt rồi ?
- Thiếu đếch gì ! Rồi ít hôm nữa tự mày khắc biết.
Lê Văn Thành nấn ná ở chơi thêm mấy hôm vì sợ về Li-bê-rét một
mình lại cô đơn. Bùi Khoái dẫn anh đi thăm mấy cô bạn trong đoàn Việt Nam làm
việc ở nhà máy chế biến thịt gà. Đoàn này toàn con gái, trong tủ lạnh của các
cô chất đầy gà đã giết mổ, khách đến chơi tặng vài con là chuyện thường, có người
hỏi mua thì bán với giá rẻ chỉ bằng một nửa giá ngoài mậu dịch. Mỗi lần tới đây
mua gà giá rẻ của các cô, Bùi Khoái thường bấm bụng cười, nhớ câu “thợ may ăn
giẻ, thợ vẽ ăn hồ, thầy đồ ăn giấy”, đúng là mỗi nơi một kiểu kiếm ăn.Thấy có
hai anh kỹ sư phong độ đến chơi, các cô gái tụ tập lại trong phòng khu nhà tập
thể, đem ô mai người nhà gửi sang ra đãi
khách. Một cô còn 2 cái bánh cốm để tủ lạnh đã hơi rắn nhưng vẫn ép hai anh ăn
bằng được.Toàn những thứ hợp với nước chè Thái Nguyên, thấy các cô pha đặc quá,
Thành hỏi :
- Các em uống chè đặc thế không sợ mất ngủ à.
Một cô cười khanh khách trả lời :
- Sợ gì anh, đêm nay em không ngủ, ngày mai em ngủ bù !
Các cô phá lên cười. Lê Văn Thành để ý thấy Bùi Khoái cứ tự
nhiên ngồi sát vào các cô, xoa tóc em này, bá vai em kia mà chẳng ngượng ngùng.
Thành nghĩ có lẽ Bùi Khoái nói đúng, cái khoản kia chắc không khó khăn gì lắm.
Đang bả lả với các em thì Bùi Khoái chợt xem đồng hồ rồi đứng phắt lên, bảo đi
về kẻo hết xe buýt. Khi hỏi mua mấy con gà cho Thành đem về Li-bê-rét thì các
cô liền tặng anh một túi 5 con, lại còn kéo nhau vui vẻ tiễn hai anh ra tận bến
xe.
Thành và Khoái phải đi một trong mấy chuyến xe
buýt trống khách cuối cùng. Đường từ trạm xe về nhà vắng ngắt. Bỗng Thành kéo
Bùi Khoái đứng lại, chỉ tay về phía chiếc xe con đỗ trong bóng tối dưới một gốc
cây.
- Này, cái thằng giờ này còn ngồi trong xe kia trông như
dân đầu đen ấy.
Bùi Khoái thoáng chút cảnh giác nhìn về chiếc xe nhưng anh
lại nghĩ thiếu gì bọn đầu đen đi ô tô riêng, họ có thể là Triều Tiên hay Trung
quốc. Tuy vậy, khi leo cầu thang lên đến tầng một, anh ta cũng chột dạ thấy 3
người châu Á đi xuống, cả 3 đều mặc măng tô màu đen, đội mũ phớt đen, tay đút
trong túi áo. Họ cúi mặt đi thẳng, không để ý đến những người vừa lên. Nhờ ngọn
đèn ở cầu thang mà Bùi Khoái vẫn nhận ra bọn này là dân da vàng. Tuy vậy, về đến
phòng, hai người quên ngay vì phải lục xục đóng hàng để hôm sau Thành về Li-bê-rét
sớm, mãi đến 3 giờ sáng mới đi nằm. Thao thức không ngủ được nên Thành thức dậy
rất sớm, lấy trong cặp ra một gói tiền đưa Bùi Khoái.
- Tao có tất cả tưng đây, mày muốn gửi gì về cho vợ tao
cũng được, nhưng cần phải nhanh, cứu đói cho lũ trẻ.
Bùi Khoái còn ngái ngủ, vừa ngáp vừa cầm gói tiền dúi xuống
đầu giường. Nhớ lại mấy cái đầu đen,Thành nói :
- Khoái này, tao thấy mấy người mình gặp đêm qua có vẻ bí ẩn
lắm. Ở khu nhà này có còn người Việt mình thuê không ?
- Không, chỉ duy nhất có tao. Nhờ bạn là người Tiệp thuê hộ
mà.
- Thế thì mày phải để ý, tao thấy chúng nó rất giống người
Việt. Chúng lên đây làm gì ?
Bùi Khoái vụt đứng dậy, vươn vai :
- Thôi, kệ mẹ chúng nó, sợ đếch gì. Khẩn trương ra tàu chứ
không muộn mất.
Họ cùng nhau kéo hai bịch hàng ra thang máy, kín đáo nhưng
nhanh nhẹn. Thành lẩm bẩm :
- Có vẻ mày nói tục chửi bậy nhiều hơn lên đấy !
- Thằng đếch nào ra ngoài chợ búa kiếm tiền mà không chửi tục
!
Bùi Khoái đợi cho Thành lên tầu xong mới đi thẳng từ ga về nhà máy. Qua mấy ngày ở cùng
Lê Văn Thành, anh thấy tâm trạng vui vẻ hơn, họ đã cùng nhau nhắc lại bao kỷ niệm,
đã đùa vui, trêu chọc lẫn nhau. Anh đã quên đứt chuyện tối hôm qua gặp mấy người
lạ ở cầu thang nơi ở. Đến cổng nhà máy Bùi Khoái thấy một người tên là Đức đang
đứng đợi ai, vẻ hoảng hốt như vừa xảy ra chuyện gì nghiêm trọng. Đức là công nhân
trong đội của Bùi Khoái, người Phục Lễ, Thủy Nguyên, nói bỏ dấu nên bị trêu chọc
suốt, hễ thấy anh ta ở đâu là chị em lại hò nhau réo to : “Anh Đưng ơi anh đéo em với” (anh Đức ơi đèo
em với) ! Vừa thấy Bùi Khoái đi vào, Đức vội lôi ngay anh ta lại.
-Số anh hên quá-Đức thốt lên. Đêm qua mấy thăng em quen do thăng
Đẻn cầm đầu kéo đến tìm anh, định vay đểu anh ít tiền, đợi mãi không thấy anh vê nên chúng nó bỏ đi.
Trong đầu Bùi Khoái hiện ngay lên hình ảnh mấy người mặc măng tô đen đi từ trên gác xuống.
Đức vo tay, mắt liếc ngang liếc dọc, dáng điệu ấy báo trước những điều không tốt
đẹp gì.
- Làm sao mày biết được nó đến vay đểu tao ?-Bùi Khoái hỏi.
-Chúng nó lượn lơ
quanh nhà máy theo dõi anh từ mấy hôm
nay, thằng Đẻn vô tinh gặp em, nói
như vậy. Nó học với em từ phô thông. Bọn
này trấn lột khét tiếng đấy anh ạ. Em bảo chúng no rồi, rằng anh là ông anh của chúng tao, chúng mày làm ở đâu tao
không biết nhưng tránh chỗ ấy cho tao nhơ.
Nói thế mà chúng nó vẫn đến tim anh.
- Thế bây giờ chúng nó ở đâu ?
- Em không biết, nhưng chắc còn quanh đây, anh phải cẩn thận.
- Được rồi, cám ơn chú. Theo chú thì bây giờ anh phải làm
thế nào ?
- Hay là bao công an Tiệp ?
- Ờ, để anh tính.
Từ lúc ấy đầu óc Bùi Khoái luôn vướng bận những câu chuyện
khủng khiếp mà anh nghe được về bọn này. Dính vào chúng, cái giá phải trả là vô
kể. Chúng tìm đến Bùi Khoái chắc vì anh đã có chút tiếng tăm, đúng là “hữu xạ tự
nhiên hương”, Bùi Khoái chép miệng nghĩ vậy. May mà đêm qua anh và Thành đã
chơi ở chỗ các cô gái về rất khuya, ở nhà gặp chúng có khi có ít tiền, kể cả số
tiền của Thành, chúng cũng sẽ trấn sạch. Bây giờ chúng đã để mắt tới nên phải
tìm ra một cách gì mà đối phó, may mắn cũng chỉ một lần, đâu có mãi được. Một
người chuyên buôn bán bất hợp pháp như Bùi Khoái cũng chỉ là một phần tử bất hảo
dưới mắt công an, vì thế chắc chắn không nên chọn cách khai báo. Chủ động gặp xem chúng cần gì rồi
thương lượng, kể ra hơi liều nhưng có vẻ như thế lại hơn. Đằng nào cũng không
có lựa chọn khác, Bùi Khoái liền nhờ Đức hẹn gặp chúng ở phố Mút-xtếc.
Bọn này nhận lời ngay. Chúng đến rất đúng hẹn. Đang đứng lơ
vơ chờ đợi, Bùi Khoái thấy trong đám đông qua lại xuất hiện 4 người mặc măng tô
đen trùm kín cổ, đầu đội mũ phớt giống như các thám tử trong phim trinh thám. Tim
đập rộn rã hơn lên, Bùi Khoái biết mình đang lo lắng hồi hộp nên định lẩn đi theo
dõi thêm. Tuy nhiên anh không làm thế mà hít thở sâu cho trấn tĩnh lại rồi tiến
ra vẫy tay cho chúng biết, kéo chúng đến một tiệm giải khát. Khi đã ngồi vào
bàn cẩn thận, một thằng nhìn như soi vào mặt Bùi Khoái, hỏi :
- Người của anh đâu ?
- Tao đi một mình.
Nhếch mép trả lời như thế rồi Bùi Khoái vẫy tay gọi chai rượu
nhẹ Xi-za-nô đồng thời xổ ra một tràng tiếng Tiệp với anh chàng phục vụ, nói rất
nhanh khiến bọn kia không hiểu anh nói cái gì. Một thằng trong bọn có dáng người
mập chắc tỏ ra nghi ngờ, xấn xổ hỏi :
- Anh bảo nó gọi công an đấy à ?
Bùi Khoái quắc mắt nhìn thằng này, tay vẫn rót đều rượu ra
5 chiếc ly.
- Mày không biết tiếng Tiệp à ? Nó thấy chúng mày ăn mặc
như thám tử nên mới hỏi chúng mày có phải công an không. Tao nói không, chúng mày
là bạn.
Bốn thằng ồ lên một tiếng, toét miệng ra cười. Bùi Khoái
chuyển rượu cho từng đứa, nói “Nào, uống đi !”. Cái thằng đã nhìn soi vào mặt
Bùi Khoái là thằng có dáng người cao và gầy, đỡ ly rươu đưa lên miệng làm một
hơi, đặt mạnh chiếc ly không xuống bàn nghe phát ra một tiếng keng nhẹ. Hắn lại
nhìn thẳng vào mặt Bùi Khoái khiến anh rất khó chịu.
- Hôm trước bọn em đến tìm anh, định mượn ít tiền nhưng anh
không có nhà, sau mất hứng không đợi nữa. Hôm nay anh chủ động gặp bọn em, lại đi
một mình thế này làm chúng em rất kính nể, thế thì anh để chúng em gọi anh là đại
ca !
Bùi Khoái chưa biết câu chuyện sẽ dẫn tới cái gì nhưng thừa
biết chúng đang vờn anh, như mèo vờn chuột, chỉ đợi đến lúc con mồi sợ hãi mềm
nhũn ra là nhảy lên vồ lấy xé xác. Gọi là đại ca cũng là cách cho anh đi tàu
bay giấy, bay cao rồi bắn hạ cho nhanh. Anh không trả lời, tỏ ra cảnh giác. Thằng
này lại nói tiếp :
-Anh biết thừa chúng em là dân lang thang, không nhà không
cửa, không giấy tờ hợp pháp, sống nay đây mai đó, vì thế mà bị mọi người xem
thường gọi chúng em là dân “hộ tịch pháp”. Hừm, hộ tịch pháp thì làm sao !
Thằng này “hừm” lên một tiếng nữa, nhấc cái ly không đưa
lên miệng hít lấy giọt rượu còn sót ở đáy rồi đặt mạnh cái ly không trở lại.
Bùi Khoái nghe tiếng “hừm” của nó mà ớn, chẳng khác tiếng gầm gừ của một con
chó dữ. Anh nhanh tay rót đầy ly rượu cho nó. Nó đón lấy, nói :
- Chuyện mượn tiền bây giờ mất hứng rồi.
Bùi Khoái nói quá lên, cốt nắn gân bọn này và ra điều ta
cũng chẳng vừa :
-
Đã có người báo trước cho tao. Mà tao cũng chẳng lấy đâu ra tiền cho chúng mày
mượn.
- Đứa nào dám báo cho anh ?
- Không thiếu. Chúng mày làm gì, ở đâu, nếu muốn là tao biết
được ngay.
- Anh nói thế nào ấy ! Nhưng thôi, không nói chuyện tiền nữa.
Ta nói chuyện khác.
- Chuyện khác là chuyện gì ?
- Chỉ cần anh cho chúng em đến ở nhà anh, giúp chúng em có
chỗ nghỉ mỗi khi về Pra-ha.
Như một phản xạ của thói quen, Bùi Khoái khoát tay nói, gần như không suy nghĩ :
- Ồ, chuyện ấy đơn giản, không khó gì.
Nói xong mới thấy mình bị hớ nhưng lời đã nói ra không thu
lại được. Để giấu khuôn mặt đuỗn ra vì ân hận, Bùi Khoái tự rót cho mình ly rượu,
ngửa cổ làm cái ực. Thằng béo mập cũng một hơi hết ly vừa rót, xấc xược hỏi :
- Bao giờ đưa chìa khóa ?
- Ừ...Có thể mai.
Chúng reo lên :
- Anh chịu chơi quá, đúng là đại ca. Thế mà chúng nó bảo
anh là kỹ sư, chơi với anh rắn lắm !
Đến lúc này Bùi Khoái đã chắc bọn chúng đều ít tuổi hơn
mình, anh tự tin hỏi lại :
- Kỹ sư thì không đại ca được à ? Bây giờ thế này, tao chắc
các chú thích rượu mạnh, để tao gọi chai uýt-ki.
- Bra-vô anh ! Gọi đi.
Bùi Khoái ngoắc tay gọi ra một chai uýt-ki đỏ. Rót đầy ly,
anh nói :
- Nào, cạn ly. Chắc các chú đã biết tao rồi, giờ các chú cũng
phải cho tao biết tên các chú chứ !
Thằng cao gầy là thằng đã nhìn soi mói vào mặt Bùi Khoái
nói :
- Em là Đẻn, đồng hương với anh. Hai thằng này là Hợi và
Quý, dân Nghệ Tĩnh. Còn đây là Son, Hà Nội thứ thiệt đấy, là sinh viên ở Liên
Xô hẳn hoi, bỏ học đi làm “bộ đội” ở sân bay Xê-rê-mét-ti-vô chán rồi sang đây
làm ăn với chúng em. Gia Cát Lượng của băng Đẻn này đấy.
Nghe cách Đẻn giới thiệu đầy tự hào về cái lai lịch ấy, Bùi
Khoái biết Son mới chính là thủ lĩnh của tụi này.Vậy thì có thể chính là thằng Son
đã bày cho băng Đẻn để mắt tới Bùi Khoái. Bùi Khoái kín đáo liếc nhìn Son, thấy
mặt nó bì ra, lạnh tanh mà ghê ghê. Đấy chỉ có thể là bộ mặt của một thằng du côn,
một vẻ mặt lì lợm, bất chấp, làm tới. Bùi Khoái nhếch mép cười, lại hò chúng nó
uống rượu để cố giấu tình cảm ghê sợ của mình trước bộ mặt đầy vẻ đểu cáng.
- Nào, mình uống hết chai này rồi giải tán, tao còn phải về
làm việc. Sáng mai các chú ghé qua sớm, tao đưa chìa khóa. Tao chỉ ra cho các
chú một điều kiện.
Đẻn hỏi :
- Điều kiện gì ?
- Đừng có rước công an đến nhà tao là được. Còn phải để đường
cho tao làm ăn.
- Ồ, tất nhiên, tất nhiên. Đại ca khỏi lo !
Sau buổi gặp gỡ ấy có hai lần tụi này đến nhà Bùi Khoái. Chúng xách
theo một túi bánh mỳ, một túi xúc xích và mấy chai rượu Lúa Mới, lôi thôi lếch
thếch như mấy ông lão say xỉn ngồi ăn xin ở ga tàu điện. Tuy nhiên chúng tỏ ra
rất vui vẻ, hồn nhiên mở tủ lạnh của Bùi Khoái lôi ra nửa con gà ngồi ăn uống với
nhau thoải mái, ăn xong lăn ra sàn ngủ bất chấp tiếng ngáy ran của thằng Son.
Bùi Khoái nhăn mũi khó chịu khi thấy trong phòng của mình bỗng chốc bốc lên mùi
hôi của những cơ thể lâu ngày không tắm giặt, mùi bít tất thối quyện với mùi
chua khẳn của bánh mỳ, xúc xích và rượu ợ lên từ 4 cái dạ dày. Ngủ một mạch, đến
sáng bỏ đi, sau biến đâu không biết khiến Bùi Khoái nhiều khi cũng quên bẵng
chúng. Chuyện ấy thế mà đã lan
truyền khắp nơi, làm cho ngày càng có nhiều bạn hàng mới hâm mộ Bùi Khoái, trong
số đó có một người tên Thực. Thực là cấp dưỡng kiêm phụ trách nhà khách của cái
văn phòng buôn bán gần nhà Bùi Khoái. Thực đã ở Pra-ha 3 năm mà một tiếng Tiệp
bẻ làm đôi không học được. Hồi mới đến, anh ta nấu cơm chỗ khô chỗ nhão, bắp cải
luộc thì dừ như bắp cải ninh, rang thịt quên bỏ muối, mãi sau nhờ anh em góp ý
nên biết thêm rán trứng. Một lần thủ trưởng cơ quan tiếp cơm mấy vị khách trong
nước sang, có món trứng rán của Thực, ai đụng vào một miếng cũng nhăn mặt nhưng
không dám lè ra, hỏi mới biết Thực đã đổ muối thay vì mì chính. Về sau anh em
trong cơ quan không muốn góp ý cho Thực về những sai sót như thế khi biết trong
nước anh ta không phải là cấp dưỡng mà làm bảo vệ ở một cơ quan, vì là cháu của
một vị lãnh đạo nên được ra nước ngoài nấu ăn cho bếp tập thể. Không mấy khi bước
chân ra khỏi cổng cơ quan nhưng Thực vẫn là một đầu mối nổi tiếng, tiền vào ra
như nước chảy, điều hành cả nghiên cứu sinh, thực tập sinh đánh hàng cho mình.
Nhiều anh em trong cơ quan mới đến cũng như những cán bộ trong nước hoặc các nước
khác qua lại đây có ít hàng muốn đẩy đi hoặc muốn lấy vào đều phải nhờ đến Thực,
ấy là chưa nói đến việc phải cầu cạnh để được vào ở trong nhà khách. Vì gần nên Bùi Khoái đã tìm cách gửi hàng vào cơ
quan Thực. Khoái đi tìm Thực, mang theo 12 cái đồng hồ điện tử để trong một chiếc
hộp các tông nhỏ xinh. Vừa đến cổng thấy một chiếc tắc-xi đỗ xịch lại, từ trong
xe hớt hơ hớt hải chui ra một người Việt, lôi theo chiếc va-li to màu xanh. Anh
này túm ngay lấy Bùi Khoái hỏi :
- May quá gặp đồng hương đây rồi. Đồng hương cho tôi hỏi
tìm anh Thực ở đâu ?
Bùi Khoái u ơ nhìn người vừa đặt câu hỏi rõ ràng là cho
mình nhưng anh ta nói tiếng chọ chẹ, làm sao là đồng hương được. Không bận tâm
lắm tới dáng vẻ vội vàng sốt ruột của anh ta, Bùi Khoái thong thả trả lời :
- Tôi cũng đang đi tìm anh Thực.
- May quá, vậy tôi theo anh nhé. Nhanh lên.
Không hiểu sao anh này vội thế, xăng xái chạy lên trước Bùi
Khoái trong cái hành lang nhà khách chật hẹp có những kiện hàng được xếp chất
lên nhau và được chiếu sáng bởi mấy chiếc bóng đèn u ám, tiếng giày anh ta nện
cồm cộp vội vàng. Đến trước gian phòng có ghi số 15 trên cánh cửa đóng im ỉm,
anh ta do dự một chút rồi bỗng tự tin gõ mạnh, tiếng cửa gỗ kêu lên cốc cốc. Một
cái đầu đen thò ra, đúng hơn là một cái mũi to và sần sùi bất thình lình thò ra
khiến anh chàng gõ cửa phải nhảy lùi lại. Anh ta không biết đấy chính là cái đầu
của người lái xe trong cơ quan.
- Ấy chết, xin lỗi anh. Xin hỏi anh Thực ở phòng nào ?
Cái đầu vừa thò ra tức tối hất một cái về phía ngược lại rồi
nhanh chóng thụt vào, cánh cửa đóng sầm. Tuy cửa đóng rất nhanh nhưng Bùi Khoái
vẫn nghe được tiếng một bài hát Việt vọng ra, và khi liếc mắt nhìn vào vẫn thấy
có hai cô gái mặc đồ mỏng manh nằm ngả ngớn trên giường. Không phải nhìn tận mắt
Bùi Khoái cũng biết đấy chắc phải là mấy cô hợp tác lao động ở tỉnh xa về nhờ vả
đánh hàng. Ý nghĩa cái hất đầu thật không rõ ràng nhưng cũng đủ để Bùi Khoái hiểu
là muốn tìm Thực thì đi hướng ấy. Hai người quay ngược lại cuối hành lang, ở đấy
có căn phòng ghi số 11. Thực mở cửa, miệng nở một nụ cười gọi là có :
- Ơ Bùi Khoái, anh đi với ai thế này ?
- Tôi đi một mình, gặp anh ấy ở ngoài cổng cũng đang tìm
anh.
- Vậy à ! Thực nheo mắt nhìn chòng chọc người khách lạ khiến
Bùi Khoái nghĩ nên biếu cho Thực một chiếc kính chiếu yêu loại xịn hơn là đút
cho mớ đồng hồ. Nhưng không sao, đằng nào thì anh cũng mang theo đồng hồ rồi. Sau
khi đã dò xét người khách lạ từ đầu đến chân, Thực dè dặt hỏi :
- Tìm tôi có việc gì ?
- Tôi mới vừa từ Ý qua đây, có việc phải ở lại vài ngày nên
nhờ anh thu xếp cho ở nhà khách rồi đăng ký vé về Việt Nam hộ.
Thực lắc tít cái đầu tóc hoa râm, ở Việt Nam gọi là lắc đầu
nguây nguẩy :
- Không được, lấy đâu ra phòng mà ở những mươi ngày !
Tuy lắc đầu mãnh liệt như thế nhưng Bùi Khoái nhận thấy rõ
nét mặt của Thực dãn ra, mắt lóe lên một tia sáng khi nghe nói anh này từ Ý về.
Biết thừa những người ở mấy nước tư bản đi qua ai chẳng mang theo ít đô-la. Có
lẽ cái biết thừa ấy làm cho giọng Thực dịu đi khi hỏi người khách giấy tờ tùy
thân.
- Tôi tên là Lai, đây là hộ chiếu của tôi.
Lai đưa hộ chiếu rồi nhanh nhẹn mở nắp va-li, lôi ra 2 chiếc
quần bò xanh nâng lên cho Thực. Không một chút ngại ngùng, ông phụ trách nhà
khách giơ hai tay đỡ cặp quần bò trong
khi mắt vẫn liếc xéo soi vào cái va-li làm Bùi Khoái lại nghĩ đến cặp kính chiếu
yêu.
- Có đầu máy khâu hả ?- Thực hỏi trống không.
Vị khách đóng xập cái nắp va-li. Thay vì trả lời câu hỏi của
Thực thì anh ta ngửa cổ đọc rất tự nhiên :
“Khen cho dân Việt thật tinh
Nó sang nước mình mua máy xanh-gie
Đạp chân là máy nó mê
Máy loại chạy điện nó chê máy tồi”.
Đọc xong rồi cứ thế cười lên sằng sặc. Thực cũng nở miệng
cười, nói :
-
Anh Lai đi theo tôi. Bùi Khoái đứng đợi chút nhé.
Họ kéo nhau lên gác. Một lúc sau Thực quay lại, ngoài hai
chiếc quần bò vẫn cầm trên tay, Bùi Khoái còn thấy tay kia anh ta khệ nệ xách
cái đầu máy khâu.
- Thằng cha này ở Rôm qua, khá phết-Thực vui vẻ nói và kéo
Bùi Khoái vào phòng. Gian phòng khá rộng nhưng tối tăm và bừa bộn, lủng củng những
đầu máy khâu cũ. Không có ghế nên Bùi Khoái gieo mình ngồi xuống chiếc giường
cá nhân có trải một tấm đệm lò xo vải bọc đã vàng khè, chiếc đệm võng xuống,
chân Bùi Khoái đụng phải những chiếc đầu máy khâu lăn lóc dưới gậm giường, những
tuốc-nơ-vít, kìm, búa lộn xộn hết cả. Bùi Khoái vừa nhún nhảy trên chiếc đệm lò
xo, vừa nói :
- Nhà ông như cái kho chứa máy khâu cũ thế này !
- Cẩn thận không đá chân vào lọ dầu máy của tôi để dưới gầm
giường. Tôi tự mầy mò học cách sửa chữa máy khâu cũ đấy-Thực nói. Biến cũ thành
mới, ông không biết đâu, thú vị vô cùng.
Thực vứt 2 chiếc quần bò lên đầu giường, cẩn thận đặt rất
nhẹ chiếc đầu máy khâu xuống nền nhà rồi vội vàng vơ hai cái quần xi-líp đàn bà
mầu hồng vắt ở thành ghế nhét vào ngăn kéo chiếc tủ đứng, động tác rất nhanh
nhưng không giấu được Bùi Khoái. Làm xong việc đó anh ta xoa tay, ghé sát vào
tai Bùi Khoái nói, vẻ hoan hỉ sáng ngời trên mặt.
- Ở đây người ta vứt đi, đem về nhà cũng được mỗi cái một
chỉ. Ông đến chơi hay là có việc gì ?
Không cho rằng cái đầu máy khâu và 2 chiếc quần vừa thấy là
của vứt đi như Thực nói, Bùi Khoái cười bông lơn :
- Tôi chẳng có gì vứt đi như thằng cha kia, chỉ xin biếu
ông mấy chiếc đồng hồ làm quà, nhân thể đặt vấn đề với ông cho gửi ít hàng vào
cơ quan. Lấy bồi dưỡng của mọi người thế nào tôi xin gửi ông đủ như thế.
Chỗ này là nơi gửi hàng lậu an toàn nhất cho những người
buôn lậu. Đã có gần chục người thông qua Thực để được gửi hàng ở đây, thuốc
kháng sinh lanh-cô-xin từ An-giê-ri về, thuốc bổ Xê-rê-pa ở Hung-ga-ri sang cho
đến bàn là, quạt tai voi Liên Xô, mắt kính Đức…,thượng vàng hạ cám cái gì cũng
có. Vì đã biết tiếng nhau trong làm ăn nên Thực dễ dàng chấp nhận yêu cầu của
Bùi Khoái. Anh ta thích thú giơ mấy chiếc đồng hồ lên soi, căn dặn :
- Chúng mình giúp nhau không có vấn đề gì nhưng phải cẩn thận
với mấy người ghen ăn tức ở trong cơ quan, đừng để họ bới móc ra mệt lắm.
Một hôm Bùi Khoái mang một va-li to băng cát-xét vào gửi,
xong việc đã quá trưa nên Thực mời ở lại ăn cơm bếp tập thể. Bùi Khoái nhận lời
ngay, phần vì bụng đã đói, phần cũng muốn thử xem cán bộ người ta ăn uống ra thế
nào. Anh ta theo Thực đi vào một cái cầu thang vòng tròn, ở các góc đều chồng
chất những thùng các-tông to đóng đai hoặc chằng buộc cẩn thận. Thực bảo “Hàng
bọn chúng gửi đấy”. Bếp ăn là một cái phòng nhỏ dưới tầng hầm kín như bưng, tường
ốp gạch men trắng, được chiếu sáng bằng hai bóng đèn tuýp thì một bóng cứ tanh
tách nhấp nháy mà không sáng lên được. Một cái bảng màu xanh treo trên tường
làm bảng báo cơm, có tên 5 người tất cả, ai ăn đánh dấu nhân bằng phấn trắng,
ai cắt cơm thì viết số không gạch đít. Bùi Khoái tò mò :
- Nấu cho 5 người ăn thì cấp dưỡng nhàn quá, tha hồ mà đi
săn hàng !
-Ờ, ừ…Còn nấu cả cho khách nữa chứ. Thứ bảy chủ nhật thường
không có ai ăn.
- Họ đi đâu cả ?
- Lạ gì mà còn hỏi !
Bùi Khoái nghĩ đúng là đã hỏi một câu hỏi thừa, họ không đi
săn hàng thì còn đi đâu, làm gì có chuyện lên tháp truyền hình uống cà phê hay
đi thăm bảo tàng lịch sử. Thức ăn đã được chia thành từng xuất để sẵn ở trên một
cái giá gỗ đánh véc-ni màu nâu. Thực lấy ra hai xuất đặt trước mặt Bùi Khoái. Anh ta nhìn vào, thấy mỗi
xuất có mấy gắp bắp cải luộc và vài miếng thịt ba chỉ dầy mỡ rang mặn. Bùi Khoái chờ đợi có
thêm một món gì nữa nhưng chỉ thấy Thực lấy một cái bát to đi ra cái xoong nhôm
to đặt trên bếp, múc một bát nước, có vẻ như nước xương ninh vì có mỡ nổi váng
lên nhưng trong đó chỉ lèo phèo mấy lá bắp cải. Bùi Khoái hỏi :
- Tôi ăn bất thình lình thế này có phạm vào xuất của người
khác không ?
Thực vừa xới cơm vừa trả lời :
- Ông đừng lo, giờ này còn cơm trên chạn tức là toàn cơm ế.
Người ta đi ăn cơm khách bất thình lình, không kịp cắt, mình không ăn họ cũng bỏ
ấy mà.
- Ra thế. Cán bộ mà ăn đơn giản thế này thôi à ?
- Lương ít thì chỉ có thế. Buổi chiều mỗi người bát phở là
xong. Cứ tính đủ một nghìn bát phở là hết nhiệm kỳ.
- Gớm, các ông cần gì lương. Buôn bán được như ông làm gì
có ai theo kịp, tiền nhiều như quân Nguyên, để đâu cho hết !
Đang và miếng cơm mặt Thực bỗng xệ xuống, mấy nốt rỗ trên mặt
hiện ra rõ hơn. Có thể câu nói của Bùi Khoái đã vô tình chạm vào nỗi đau xót
trong lòng anh ta. Người ta truyền tai nhau rằng Thực buôn bán kiếm được vô số
tiền nên bọn ma-phi-a ở Nga đã bắt giữ đứa con trai duy nhất của anh ta đang học
năm thứ 3 đại học mỏ ở Min-skơ, đòi Thực 1 triệu đô để chuộc về. Thực tiếc tiền,
không chịu bỏ ra, đứa con trai mất tích từ bấy đến giờ. Có khi đây chỉ là một
câu chuyện đồn đại, trong những câu chuyện ấy thật giả lẫn lộn không biết thế
nào mà phân biệt. Có điều, nếu ai vô tình bảo Thực kiếm được nhiều tiền biết để
làm gì cho hết thì mặt anh ta bao giờ cũng tối sầm lại, trong lòng dội lên một
tiếng nấc. Bùi Khoái vội lảng đi :
- Tôi nghe nói sắp có người sang thay ông Tuyển, phụ trách
thanh niên học sinh. Ông Tuyển là bạn tôi sắp về nước.
- Đúng rồi, người sang thay là Lạng, tuần sau đi đón. Ông
biết Lạng à ?
- Không.
- Chưa sang mà đã nghe nói anh này buôn bán giỏi lắm, lại
có cô em sinh viên năm thứ 4 ở Pra-ha. Hai anh em kết hợp với nhau thì phải biết
!
Những điều mọi người xì xào bàn tán về Lạng quả nhiên không
sai. Anh này mới sang được hai tuần đã có tiền mua ngay một chiếc xe Lát-đa màu
đỏ làm xe riêng, tuy là xe cũ nhưng máy còn tốt, sơn còn bóng đẹp. Lạng có hộ
chiếu đỏ nên việc đi lại rất thuận lợi, anh ta thường xuyên đi Bra-tít-xla-va, Bu-đa-pét,
Béc-lanh, Vác-xa-va, tất nhiên những chuyến đi như thế chỉ có một phần công việc
còn chín phần là kết hợp. Vì vậy trong thùng xe bao giờ Lạng cũng để sẵn một
chiếc va-li màu đỏ rất to. Xe đỏ, va li đỏ, hộ chiếu đỏ, có vẻ như màu đỏ là mầu
mệnh chủ của anh này. Lạng được ra vào mua hàng ở tu-dếch là cửa hàng mậu dịch
giao tế chuyên bán cho những người có hộ chiếu đỏ. Lúc này các loại rượu và thuốc
lá ngoại được chợ đen rất ưa chuộng, trong chiếc va-li đỏ của Lạng để ở cóp xe
lát-đa bao giờ cũng chất đầy những mặt hàng này. Mới đến được mấy ngày, thông
qua cấp dưỡng Thực, Lạng đã tìm đến Bùi Khoái làm quen, sau đó những lúc hàng
nhiều mà cần tiêu thụ nhanh, Lạng lại tạt qua ném cho Bùi Khoái, cả hai người đều
kiếm được khá tiền. Một buổi sáng thứ bảy, Bùi Khoái thấy chiếc xe lát-đa màu đỏ
từ từ đỗ lại trước cửa nhà mình. Lạng mở cửa xe bước ra, nổi bật trong bộ
com-lê màu xanh nước biển, cổ thắt cà-vạt màu đỏ, đầu chải bóng mượt, trông anh
ta vừa tươi trẻ, vừa nghiêm nghị. Lạng đi tay không, vậy là Bùi Khoái biết anh
này đến không phải để kiểm tra mình, cũng không phải để làm việc. Bùi Khoái hỏi
đốp luôn :
- Anh diện oách thế này phải đi làm việc với thanh niên chứ, sao lại đến
tìm tôi ?
Lạng chìa tay bắt tay Bùi Khoái lắc mạnh.
- Anh Khoái khỏe không, trông anh có vẻ mập ra đấy nhé.
Thường mọi khi vứt hàng cho Bùi Khoái xong là Lạng bỏ đi
luôn, chẳng mấy khi vui vẻ thế này. Bùi Khoái lạ lùng hỏi :
- Anh có phi vụ gì mới à ?
Lạng ngồi xuống chiếc ghế dựa cũ đối diện với Bùi Khoái, hỏi
nhỏ :
- Có ai đến lấy hàng bây giờ không ?
- Không có, sao lại hỏi thế ?
- Có chuyện này. Bây giờ thuốc lá đang chạy, tiêu thụ nhanh
nhưng lại khó tìm. Tôi có người quen ở Đức, có thể mua được khối lượng lớn. Anh
tham gia với tôi, chúng mình làm thành một đường dây từ A đến Z, mang thuốc lá về
đây, nhất định thắng lớn. Anh Thực đã xin tham gia. Nói thật với anh tôi không
thích lão ấy, tiếng tăm đã chẳng biết mà kiêu chết được.
Đấy là một lời đề nghị ngọt ngào, chắc chắn mở ra những triển
vọng thật tươi sáng về lợi nhuận. Làm ăn với những người như Thực và Lạng có
nhiều cái lợi, người có hộ chiếu đỏ, kẻ có xe mang biển ngoại giao nên không bị
kiểm tra. Hàng lấy từ tu-dếch, Bùi Khoái biết, mỗi lần ít cũng được 50 tút thuốc
lá ba số hoặc Man-bô-rô, 50 chai rượu Na-pô-lê-ông hoặc Uýt-ky, tưng đấy cũng đủ
chia nhau một cách rộng rãi. Nhưng tại sao Lạng lại rủ thêm Bùi Khoái ? Mỗi lần
nghĩ tới anh chàng này, Bùi Khoái cho rằng trong nước chắc đã có rất nhiều thay
đổi nên một cán bộ vừa mới đến như Lạng mới có thể táo tợn làm ăn như vậy.Nhớ lại
người bạn là Tuyển mà Lạng vừa sang thay, anh ta đâu có thế. Tuyển và Bùi Khoái
đã cùng học cấp ba ở Thủy Sơn. Một lần đi thăm anh em lao động ở nhà tập thể,
vì nghe tiếng cười mà Tuyển biết Bùi Khoái đang ở đây, chủ động tìm Khoái hàn
huyên về những ngày lớp 10. Khi chỉ có hai người, Bùi Khoái gợi ý việc làm ăn
thì Tuyển chỉ cười nói tớ là cán bộ, tớ không làm được như các cậu. Vậy mà giờ
người sang thay Tuyển đã hoàn toàn khác. Điều đó làm cho Khoái có chút e ngại. Từ
lâu nay Bùi Khoái đã trở thành một kẻ tham lam thật sự, không dễ gì mà buông bỏ
những cơ hội làm ăn đến với mình. Tuy thế, trong vụ này, bằng linh cảm của những
năm tháng vật lộn vừa qua, anh ta lại thấy có cái gì khá bấp bênh, khá nguy hiểm,
nói cách khác phải liều có thừa mới dám tham gia vào đường dây này. Bùi Khoái tự
thấy mình chưa đủ liều nên đã trả lời Lạng :
- Tôi rất cám ơn anh, nhưng nói thật, tôi còn yếu lắm,
không có khả năng đi cùng với anh trong vụ này được. Chỉ cần như mọi khi, lúc dồi
dào anh ném cho tôi một ít là được.
Lạng chẳng có vẻ gì thất vọng trước lời từ chối thẳng thừng,
chỉ cười nói :
- Thế mà nghe đồn anh ghê gớm lắm, hóa ra là hão !
- Vâng, đúng là toàn hão.
Lạng nói tỉnh bơ :
- Lúc này trong nước khó khăn nên người ta cũng mở cho
chúng tôi tìm đường kinh doanh để có thêm kinh phí hoạt động, tưởng anh có năng
lực thì cùng làm. Có gì đâu ! Đất nước hiện giờ cần rất nhiều hàng hóa. Việc
chúng mình đang làm ở đây cũng là để góp phần nào tháo gỡ những khó khăn chồng
chất đang gặp phải.
Lạng ngồi uống với Bùi Khoái mấy lon bia rồi lái xe ra về.
Thực ra, Bùi Khoái từ chối lời mời của Lạng còn bởi vì Khoái vẫn còn đầy mặc cảm thua kém. Với một người tự tin
như Bùi Khoái, cái mặc cảm thua kém này chỉ thoáng qua mỗi khi anh ta gặp những
người vốn như mình mà nay lại là nghiên cứu sinh, thực tập sinh. Mặc cảm này trở
nên nặng nề hơn khi tiếp xúc với Lạng, Bùi Khoái luôn thấy mình dưới cơ anh
này, cả về tiền, cả về địa vị. Người ta là cán bộ nhà nước, có hộ chiếu đỏ,
mình chỉ là anh hợp tác lao động, hộ chiếu xanh còn không được cầm, đi ra ngoài
đường chỉ có tờ giấy thông hành của Tiệp cấp, có thể bị tóm bất kể lúc nào. Ngoài
nỗi mặc cảm đó còn có một điều nữa khiến Bùi Khoái dễ dàng chối bỏ lời mời của
Lạng, đó là Bùi Khoái vẫn có cửa làm ăn đang tốt, việc buôn đô la với người Triều
Tiên mà anh ta vừa bắt được mối tiến triển
khá thuận lợi. Bùi Khoái vẫn giữ kín mối này cho riêng mình. Làm với người Triều
Tiên, Bùi Khoái không sợ bị lừa, hơn nữa, họ cũng mua được ở tu-dếch các loại
rượu và thuốc lá như Lạng. Mấy bạn hàng Triều Tiên còn đưa cho Bùi Khoái một mặt
hàng mới là băng ca-xét, thế tức là anh đã chuyển sang hàng điện tử, phần lợi
nhuận thu được thật đáng kể. Về đô la, có bao nhiêu bán cho người Việt đều hết
sạch, bán chạy thế nên Bùi Khoái rất ham, thường lấy vào từ 30 nghìn, 40 nghìn đô, có lúc đến 120 nghìn đô. Giá lúc lấy vào cứ khoảng 30
cu-run ăn một đô, khéo mặc cả có khi chỉ 28 cu-run, khi bán ra được 32, 33
cu-run, như thế là cứ một đồng đô la ăn lãi khoảng 2 đến 3 cu-run. Có thể Lạng
chưa biết Bùi Khoái còn là một ông chủ đô la. Bùi Khoái thích chí mỉm cười nhớ
đến câu nhận xét của Lạng “Thế mà nghe đồn anh ghê gớm lắm, hóa ra là hão” !
Một buổi chiều, cấp dưỡng Thực gọi điện cho Bùi Khoái rủ
cùng đi nghe thày Thích Thiện Chân giảng pháp về ngày rằm tháng Bảy xá tội vong nhân.
Lúc này là tháng 8 ở Pra-ha, tính sang âm lịch đúng rằm tháng 7 ở nhà. Thực lái
chiếc xe Von-ga màu đen đã cũ nhưng đeo biển ngoại giao đến đón Bùi Khoái. Đang
vào thu, cảnh vật Pra-ha xao xuyến đến nao lòng. Bầu trời lên cao và trong xanh
hơn, ngói trên mái những tòa nhà cổ trong phố như đỏ rực dưới nắng thu vàng, những
hàng cây ngô đồng đã bắt đầu rụng lá, những chiếc lá xậm đỏ rơi lả tả bay theo
làn gió nhẹ se lạnh, những con chim hải âu vỗ đôi cánh trắng bay ngang qua sông
VLta-va, trên những chiếc ca nô màu trắng và dòng nước xanh biếc. Bùi Khoái
không phải lái xe nên thỏa sức ngắm cảnh, chỉ đi một lát đã đến phố Li-bút-xka,
hóa ra nơi giảng pháp cũng gần chỗ ở của Bùi Khoái.
Thày Thích Thiện Chân là Đại đức của Giáo hội Phật giáo Việt
Nam thống nhất, từ Cần Thơ sang đã lâu, lăn lộn trong cộng đồng người Việt để vận
động xây chùa. Người thấp lùn nhưng mập chắc, nước da đen hồng, chân tay lại có
cơ bắp, thày Thích Thiện Chân trông giống một nông dân ở Đồng bằng sông Cửu
Long hơn một nhà sư. Bù cho cái khiếm khuyết về hình dáng ấy, thày Chân là người
có tài ăn nói, thuyết pháp có duyên nên đã nhanh chóng lấy được lòng nhiều người Việt ở Tiệp. Một số người quan hệ
với thày Chân như kiểu phật tử ruột, trong đó có Thực. Người ta đồn, lại là lời
đồn, rằng Thực thường xuyên muốn đến cửa Phật xin xá tội và cúng dường, anh ta
đã bỏ ra khá nhiều tiền với thiện ý muốn xây dựng một cái am làm nơi cho mọi
người hương khói lễ Phật. Người ta đồn rằng, như thế là vì Thực bị dày vò dữ dội
về cái vụ đứa con bị bắt cóc rồi biến mất.
Hôm ấy có hơn 30 người ngồi nghe thày Chân trong một gian
phòng rộng lợp tôn, vốn là nhà kho của một phật tử. Thày Thiện Chân mặc áo cà
sa vàng, ngồi ở thế kiết già trước một cái bàn cũng trải khăn vàng, bên trên để
một cái chuông đồng nhỏ. Thày nói những lời giản dị và nhẹ nhàng, tuy khán
phòng rất rộng và trống trải mà giọng thầy vẫn âm vang lôi cuốn người nghe. Thày
gõ lên ba tiếng chuông rồi nói :
- Hôm này nhằm đúng vào ngày rằm tháng 7, các phật tử có ai
biết ngày này là thế nào không ?
Dưới đám người ngồi rộn lên tiếng “có ạ”.
- Là thế nào ?
- Là ngày xá tội vong nhân.
Thày Thiện Chân thong thả nói :
- Là ngày Vu lan báo hiếu. Các phật tử có muốn thày giảng về
ngày lễ này không ?
Mọi người đồng thanh hô lên “có ạ”. Thày Thiện Chân lại thỉnh
lên 3 tiếng chuông rồi nói tiếp :
- Nhân buổi giảng kinh hôm nay thày muốn nói cho các phật tử
nghe về ngày Vu lan là ngày lễ lớn trong tâm thức mọi người. Chúng ta ngồi đây
đều là những người thờ mẹ kính cha, vì vậy chúng ta nên biết về câu chuyện Mục
Kiền Liên.
Thày Thích Thiện Chân say sưa nói về sự thành tâm chú nguyện
của mọi người có thể cứu được cha mẹ, tổ tiên thoát khỏi cảnh tội đồ, cầu nguyện
cho chúng sinh được siêu thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Thày còn nói về Phật
thoại Mục Kiền Liên cứu mẹ, về ý nghĩa những bông hồng cài áo, những ai có niềm
hạnh phúc to lớn còn bậc sinh thành ra mình thì cài lên áo bông hồng màu đỏ,
màu trắng để cài cho những người đã mất mẹ. Lời giảng lên xuống, thỉnh thoảng
nhấn một tiếng chuông vào mùi hương thoang thoảng khiến cho ai nấy đều như bị
mê hoặc, như bước tới một cõi tâm linh thật sự linh nghiệm
Bùi Khoái ngồi xếp bằng
bên cạnh Thực, hết sức chăm chú nghe. Khi còn trong nước cũng có một đôi lần
anh cùng vợ lên chùa Quán Sứ vào ngày Tết nhưng chỉ là để thắp hương vãn cảnh,
cũng thấy lòng thảnh thơi, tâm an tịnh ít nhiều. Anh nhớ lại chùa Quán Sứ vào
những ngày Tết, vàng mã hương khói ngút trời, phật tử thập phương ra vào tấp nập
đông đúc, còn đây là lần đầu ngồi nghe
chăm chú thày Chân nói về ý nghĩa ngày Vu Lan báo hiếu, càng nghe càng không thấy
được thanh thản, ngược lại lòng quặn nhớ về người cha già đang ở quê nhà. Lần
cuối cùng Bùi Khoái nhận được tin của bố cách đây đã lâu, từ bấy đến nay bẵng
đi cũng đã gần một năm. Nhớ bố, Bùi Khoái thở dài thườn thượt, thầm nghĩ thời
gian đi thật nhanh. Bùi Khoái lom khom đến gần thày Chân, nói :
- Thưa thày, nhân ngày rằm báo hiếu, thày làm lễ thì tôi
xin đóng góp chút ít có được không ?
Thày Chân chắp tay nhìn anh nói :
- Mô Phật, xin thí chủ cứ tùy tâm.
Thực đang ngồi dưới thấy vậy cũng chạy tới giới thiệu bằng
những lời lẽ hết sức lễ phép khiến Bùi Khoái phải trố mắt ngạc nhiên.
- Bạch
thày, con xin giới thiệu với thày anh Bùi Khoái, là kỹ sữ, đội trưởng đoàn lao
động Việt Nam trong nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô. Anh Bùi Khoái đã nói với
con là sẽ nhất tâm cúng dường trong dịp lễ trọng này.
“Phịa nào,
Bùi Khoái thầm nghĩ. Mình có hứa hẹn gì
với lão về việc cúng dường đâu !”. Thày
Chân chắp tay trước ngực :
- Mô Phật, chào anh Bùi Khoái. Anh nghe tôi nói chuyện thế
có được không, có dễ hiểu không ?
- Thưa thày, thày nói rất hay, dễ tiếp thu lắm. Đây là lần
đầu tiên tôi được nghe nói về ý nghĩa ngày lễ Vu Lan, được hiểu rằng có hai vị
Phật ở ngay chính trong căn nhà mình là người cha và người mẹ. Tôi nghe thày
nói chuyện mà rất cảm động và rất nhớ về bố tôi ở quê nhà.
- Hai cụ năm nay chắc đã cao tuổi ?
- Mẹ tôi mất rồi. Cha tôi năm nay 84 tuổi, là tuổi gần đất
xa trời.
Nhiều người đã xúm vào nghe câu chuyện giữa Bùi Khoái và
thày Chân. Thày Chân tỏ thông cảm, nói :
- Đúng là chúng ta cũng vì hoàn cảnh mà phải tha hương,
không được ở bên cha mẹ mà lo cho các cụ miếng cơm manh áo, sớm viếng tối thăm
được, quả thật đấy cũng là điều thiệt thòi.
Thực vẫn đứng im từ nãy, giờ mới thêm vào :
- Bạch thày, nếu bà con ở đây xây dựng được một ngôi chùa
làm nơi thờ cúng Phật thật nghiêm trang thì cũng có điều kiện để cầu nguyện cho
cha mẹ, đỡ phải làm lễ ở nhà kho như thế này.
- Phải rồi, đó là khát khao của bà con ta, bởi vì đó là chỗ
dựa tâm linh, chỗ dựa tinh thần, là gốc gác, cội nguồn dân tộc mình. Việc này
bà con phải bàn bạc với nhau nhiều để đi đến đồng tâm nhất trí, cùng nhau thí
công thí của xây chùa. Bà con có đồng ý không ?
Mọi người trong phòng đều hô vang đồng ý. Khi ra xe đi về bỗng
có một người đàn ông luống tuổi đi tới kéo Thực lại, bả lả nói :
- Anh Thực đi nghe thày Chân nói chuyện mà không sợ à ? Anh
Bùi Khoái đây thì còn hiểu được chứ anh Thực đang là cán bộ cơ quan sao lại làm
thế ?
Thực ngạc nhiên nhìn người này, hỏi :
- Làm sao lại sợ, sợ cái gì ?
- Thày Chân là người của Giáo hội miền Nam cũ, có phải là
người của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đâu ! Ông ấy từ Tây Đức sang vận động người
mình xây chùa mà các anh cũng nghe à !
Thực bực tức đẩy Bùi Khoái vào xe rồi đóng cửa đánh rầm.
Khi đã đi ra ngoài đường, Thực lẩm bẩm :
- Đến bây giờ đã có ông sư nào ở trong nước sang đâu. Phật
nào chẳng là Phật, rõ thật là !
Bùi Khoái hỏi :
- Lão ấy là ai thế ?
Thực còn chưa hết bực tức :
- Nghe nói thằng cha này trước đây là cán bộ mình ở bên
Hung, đào nhiệm chạy sang đây. Tức bỏ mẹ, nó khiêu khích mình đấy mà !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét