Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Thói ranh ma

QĐND - Ranh ma, hay ranh mãnh trái hẳn với sự trung thực, thật thà và đồng nghĩa với gian giảo, dối trá, tráo trở, lật lọng, láu tôm láu cá. Thật tiếc, khi có người đánh đồng ranh ma là thông minh. Hoàn toàn không phải như vậy. Thông minh là sự tiếp thụ nhanh nhạy những điều tốt đẹp trong cuộc sống, kiến thức văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đồng thời biết sáng tạo cái mới, cái tiến bộ, không chỉ làm lợi chính đáng cho bản thân, mà còn vì lợi ích của cộng đồng, dân tộc. Còn ranh ma chỉ là sự “khôn vặt”, học lỏm, học mót, bắt chước người khác một điều gì đó, và chủ yếu là những thủ đoạn, mánh lới, mưu mẹo xảo quyệt lừa người, để kiếm lợi bất chính cho bản thân. Ranh ma là một thói xấu, một nét đối nghịch với văn hóa và tinh thần nhân văn.
Tiếng Việt cực hay, bởi “ranh ma” thường đi liền với “quỷ quái”. Một sự thật đáng buồn, không thể và càng không nên phủ nhận - là thói ranh ma tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người Việt, có ở mọi lớp người trong xã hội ta, từ những người lao động, làm các nghề dịch vụ, những người buôn bán to nhỏ, có cả trong lớp người có trí thức...
Thói ranh ma có nhiều kiểu, nhiều loại: Ranh ma cá nhân, ranh ma nhóm, ranh ma “tập thể”. Có thứ ranh ma lộ liễu, có thứ ranh ma cực kỳ tinh vi. Ranh ma từ những cái thật nhỏ, đến những chuyện thật lớn. Thói ranh ma có những biểu hiện và biến thái vô cùng đa dạng và phức tạp.
Một cái đinh ốc xe đạp, xe máy, một lọ dầu gội đầu, một gói mì chính, mì ăn liền, một chai nước giải khát…cũng nhan nhản hàng xấu, hàng giả. Bán gạo thì trộn gạo xấu với gạo tốt, tưới thêm nước cho nặng cân, mà vẫn mời chào là gạo quê chính gốc và bán giá cao. Cân đong từ lạng thịt, mớ tôm, con cá đến cân cam, thì đều dùng mánh lới sửa cân; tiêm thêm nước vào thực phẩm và trộn cát vào tôm cho nặng cân, người mua một kilôgam khi về nhà cân lại chỉ được bảy, tám lạng. Bán xăng dầu thì trộn xăng dầu rởm, các chất pha chế và gắn “chíp” để lừa gạt người mua, kiếm cho thật nhiều lợi nhuận. Thuốc tây quá hạn vẫn tỉnh bơ bán cho người bệnh với giá cao…Tóm lại, tất cả các thứ hàng xấu, hàng giả, cân đong đo đếm thiếu hụt, biển thủ công quỹ, móc ngoặc tham ô, lừa đảo... đều là con đẻ của thói ranh ma.
Kể sao cho hết cái thói ranh ma! Nó bắt nguồn tự sự bất liêm, bất chính, không có lòng tự trọng mà ra. Nguy hại thay, nó làm mất đi nhân cách của một lớp người và di truyền cho một bộ phận lớn lớp trẻ lối sống suy thoái đạo đức, mà trước hết là con em của họ. Nó phá hoại sự bình yên của xã hội, làm xói mòn truyền thống đạo lý và văn hóa dân tộc.
Làm thế nào để trị thói ranh ma? Trước hết phải tôn trọng luật pháp, phạt nặng, xử nghiêm. Luật pháp theo tinh thần Hàn Phi tử phải như sợi dây dọi, không uốn mình theo cây gỗ cong; thưởng công không bỏ sót kẻ thất phu, hình phạt không nể kẻ đại thần, tướng giỏi phải tuyển từ quân ngũ… Tùy tiện thích sao làm vậy sẽ phá vỡ nền nếp xã hội.
Kế sau luật pháp là dư luận xã hội. Cần phải tạo cơ hội cho dư luận ủng hộ cái tốt, lên án cái xấu. Tránh sự nhận thức nhạt nhẽo vô vị cái gì cũng “vừa vừa” thôi, khen không dám khen hết lời, chê cũng giữ mồm giữ miệng, rồi không cái gì ra cái gì, như nhau cả. Cái lối tư duy an toàn đó ổn trước mắt mà hại vô cùng về sau.
Kế sau dư luận xã hội là nhận thức xã hội. Đây là quá trình bền bỉ, lâu dài, quyết định nhất. Đấu tranh với thói ranh ma cần được chuẩn bị kĩ cho mỗi con người, từ khi các em bước chân vào mẫu giáo. Quay cóp tài liệu trong phòng thi thực ra là một kiểu ăn cắp. Từ ăn cắp kiến thức đến ăn cắp công quỹ cách nhau chẳng bao xa.
Cần phải làm đến nơi đến chốn, tránh tư duy phong trào, đánh trống bỏ dùi thì mới mong hạn chế dần thói ranh ma.

 ĐÀO NGỌC ĐỆ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét