Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Kể chuyện Myanmar (phần cuối)

Chu Công Phùng

 

DU LỊCH VÀ DỊCH VỤ DU LỊCH

I. THỰC TRẠNG VÀ TRIỂN VỌNG
Myanmar không chỉ là "miền đất vàng" (golden land) với những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà còn nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo đã và đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế tới tham quan.

Đất nước Myanmar có nhiều di sản văn hóa phong phú từ hệ thống chùa tháp, các viện bảo tàng, các công trình kiến trúc cổ kính, các khu rừng nguyên sinh, các vườn quốc gia nhiệt đới, ôn đới  v.v.... cho đến các lễ hội truyền thống của 135 sắc tộc khắp cả nước.
Lễ hội điển hình và lớn nhất của Myanmar là Lễ hội "Té nước" được tổ chức trang trọng trong cả nước từ ngày 13 tháng 4 Dương lịch hàng năm. Khách du lịch quốc tế đến Myanmar đông nhất vào dịp lễ hội này.
Do bị bao vây cấm vận suốt hơn 20 năm qua; đồng thời do Myanmar chưa thực sự mở cửa với thế giới bên ngoài, vẫn thực hiện chính sách hạn chế công dân Myanmar đi du lịch thế giới, nhưng hàng năm Myanmar vẫn thu hút được hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế tới tham quan khám phá đất nước chùa tháp. Năm 2010 có hơn một triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Myanmar, chủ yếu là khách Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Malaysia, EU, Ấn Độ  v.v....
Tuy tiềm năng du lịch rất phong phú, nhưng hệ thống khách sạn và dịch vụ du lịch của Myanmar còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng và chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước.
Khó khăn chủ yếu trong lĩnh vực du lịch của Myanmar là:
- Thiếu hệ thống khách sạn cao cấp ở các thành phố lớn cũng như hệ thống khách sạn vừa và nhỏ ở các thị xã, thị trấn. Ở Yangon chỉ có 4 khách sạn 5 sao do doanh nghiệp nước ngoài quản lý, các thành phố lớn khác càng ít hơn.
- Hệ thống dịch vụ nhất là dịch vụ viễn thông, internet trong các khách sạn chưa thuận lợi cho khách du lịch, cước phí cao.
- Giao thông trong nước chưa thuận tiện, đường bộ xuống cấp, ít chuyến bay nội địa giữa các thành phố và các Bang, Vùng.
- Đội ngũ nhân viên hướng dẫn du lịch, phục vụ khách sạn, nhà hàng thiếu, chưa được đào tạo chuyên nghiệp.
Theo số liệu tháng 6 năm 2010 của Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar, tính đến năm 2009, cả nước Myanmar chỉ có 767 Công ty kinh doanh du lịch, lữ hành; 310 Công ty kinh doanh vận tải chuyên chở khách du lịch; 476 Công ty kinh doanh khách sạn với 621 khách sạn, nhà khách, quán trọ, tổng cộng có 20.032 phòng và 40.064 giường. Ngoài ra còn có 148 nhà khách làm bằng gỗ đón khách du lịch. Cả nước có 4.701 hướng dẫn viên du lịch có giấy phép hành nghề.[1]


Để chuẩn bị đón nhận du khách quốc tế đến Myanmar thời kỳ "hậu cấm vận", mấy năm gần đây, chính phủ Myanmar quan tâm nhiều tới lĩnh vực "công nghiệp không khói". Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar đã đề ra các chính sách, biện pháp cần thiết để phát triển nhanh ngành Du lịch như khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài. Các chính sách

và biện pháp đang được triển khai gồm:
- Xúc tiến, hỗ trợ phát triển ngành Du lịch.
- Khuyến khích nhân dân phát triển du lịch cộng đồng.
- Khuyến khích nhân dân thành lập doanh nghiệp, phát triển du lịch và các ngành dịch vụ hỗ trợ du lịch.
- Phát triển du lịch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân.
Các giải pháp có tính chiến lược để phát triển thị trường Du lịch của Myanmar là đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao năng suất lao động trong ngành Du lịch, tăng nhanh doanh thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ phục vụ ngành Du lịch như công nghệ quản lý khách sạn, vận tải hàng không, vận tải đường biển, vận tải đường sông, vận tải đường bộ, vận tải đường sắt, sản xuất hàng lưu niệm (sản phẩm làm bằng đá quý, ngọc trai, ngà voi, vàng bạc, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo, tranh ảnh v.v...).
Myanmar cũng đang nghiên cứu học tập các mô hình đổi mới, cải cách, mở cửa nền kinh tế của một số nước, trong đó có Việt Nam. Từ tháng 6/2011, Myanmar đã tham gia liên kết "Du lịch xuyên quốc gia" với Việt Nam, Lào, Campuchia với mục tiêu "4 quốc gia, một điểm hẹn" (Four Countries as One Destination)
 Các công ty du lịch trong nước, công ty liên doanh hoặc công ty du lịch 100% vốn nước ngoài được chính phủ Myanmar ưu đãi trong các lĩnh vực sau đây:
- Sử dụng tài nguyên đất đai.
- Xây dựng khách sạn, nhà hàng, kinh doanh du lịch và khách sạn.
- Phát triển công nghiệp phục vụ ngành Du lịch.
            - Phát triển các ngành dịch vụ phục vụ ngành Du lịch.
            Tính đến hết năm 2010, có 45 dự án đầu tư nước ngoài đã được chính phủ Myanmar cấp giấy phép về xây dựng khách sạn và dịch vụ du lịch với tổng vốn đầu tư 1,06 tỉ USD, chiếm 3% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào 12 lĩnh vực kinh tế của Myanmar. Dự kiến đến cuối năm 2013, cả nước Myanmar sẽ có thêm 50 khách sạn các cấp để đón khách du lịch quốc tế.

II. CÁC HÌNH THỨC DU LỊCH
1. Du lịch tâm linh
Cả nước Myanmar có hơn 6.000 ngôi chùa tháp cổ kính, gần một nửa trong số đó bị chiến tranh tàn phá, bị ảnh hưởng của khí hậu và thời gian nên đã trở thành phế tích. Tuy nhiên, hiện nay Myanmar vẫn còn lưu giữ được hơn 3.000 ngôi chùa tháp cổ kính trong đó có ngôi chùa to nhất thế giới, có ngôi chùa cổ kính nhất thế giới và có ngôi chùa độc đáo nhất thế giới thu hút nhiều khách du lịch tâm linh.
Ở Myanmar tổ chức rất nhiều lớp nghiên cứu kinh Phật, nghiên cứu và thực hành các trường phái Thiền; nhiều nhà tiên tri đánh giá quá khứ, hiện tại và dự báo tương lai cho số phận của từng con người tương đối chính xác. Bởi vậy, nhiều nước đã tổ chức các tour du lịch đến Myanmar kết hợp nghiên cứu kinh Phật, học Thiền, nghiên cứu dự báo của các nhà tiên tri  v.v...


Du khách tới Myanmar sẽ hứng thú chứng kiến những cuộc diễu hành rất nghiêm trang của các nhà sư trong bộ áo choàng màu vàng nghệ và tím đi khất thực từng hàng dài.

1.1. Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Yangon
Trước năm 2006, Yangon là thủ đô của Myanmar, là thành phố lớn nhất, buôn bán sầm uất nhất cũng là cửa ngõ chính đến Myanmar bằng đường hàng không, đường biển, đường sông và đường bộ. Yangon được mệnh danh là "thành phố vườn" của Phương Đông rộng 6.283 km2 với dân số năm 2009 khoảng 6 triệu người.
Yangon là nơi kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, giữa một bên là nền văn hoá Miến Điện thực thụ với những chùa tháp cổ kính, bên kia là những di sản thời thuộc địa còn tồn tại sau khi thực dân Anh rút lui.
a)     Chùa Shwe Dagon – (Chùa Vàng)
Điển hình nhất, giá trị nhất về vật thể và phi vật thể của nền văn minh Phật giáo tại Myanmar là chùa Shwe Dagon (Chùa Vàng).
Trước khi tới Yangon, người nước ngoài ít nhiều đã biết tới Chùa Vàng qua sách báo, phim ảnh hoặc lời kể của bạn bè. Điều đáng nói là khoảng cách giữa khái niệm và thực tế rất lớn, điều này tạo ra niềm hứng thú và cảm phục cho các du khách khi đứng trước Chùa Vàng vĩ đại.
Tháp chùa Vàng cao trên 100 mét so với mặt bằng thành phố Yangon, có thể nhìn thấy từ xa hàng chục kilomet. Quần thể kiến trúc to lớn này tọa lạc trên đỉnh một khu đồi lớn với nhiều bậc thang trải dài xuống tận chân đồi và một hệ thống thang máy hiện đại. Chùa Vàng là một trong những kiệt tác của nhân loại được xây dựng cách đây hơn 2.500 năm, nơi mà 4 vị đại sư đã tu hành đắc đạo. Các vị vua Myanmar kế tiếp nhau đã xây dựng, tu bổ chùa Vàng trong thế kỷ XV.Chữ “Shwe” trong tiếng Myanmar có nghĩa là"vàng" mà cũng có nghĩa là "tuyệt mỹ".


Ngôi tháp mà sử liệu nói tới ban đầu chỉ cao 20 mét. Năm 1774, Vua Ava đã nâng ngôi tháp lớn cao 99 mét so với mặt nền. Không chỉ có tháp chính, nền của cả khu Chùa cũng được nâng cao. Nhìn chung, tổng thể của chùa Shwe Dagon đã ổn định vào cuối thế kỷ thứ XVI, nhưng từng chi tiết vẫn luôn luôn được thay đổi và bổ sung cho đến ngày nay.
Toàn bộ khuôn viên Chùa Vàng hiện nay có kích thước hình chữ nhật, 214 m x 275 m, cao hơn mặt bằng thành phố 20 mét. Từ 4 hướng chính có 4 dãy cầu thang mái ngói che phủ. Dãy cầu thang dài nhất có 175 bậc, dãy ngắn nhất 104 bậc. Hai bên các dãy bậc thềm là hàng loạt các cửa hàng bán đồ thờ cúng, đồ lưu niệm cho khách hành hương.
Cổng phía Nam có một đôi tượng sư tử khổng lồ, cao 9 mét, hướng về trung tâm thành phố. Quanh nền tháp chính bao bọc bởi một vành đai 72 điện thờ nhỏ có tượng Đức Phật. Trên bốn điểm trụ ở ngay chân nền tháp là bốn “te-da-un”, có nghĩa là nhà thờ tự với nhiều lớp mái nhấp nhô uyển chuyển.
Tầng nền thứ nhất của tháp cũng được bao quanh bằng 64 ngôi tháp nhỏ cao chừng 3 - 4 mét. Ở bốn điểm trụ của tầng nền, người ta dựng bốn ngôi tháp to và cao hơn.
Đỉnh của những kiến trúc phụ cao thấp khác nhau, lấp lánh bao quanh những tháp chính ở giữa. Tất cả vừa tạo cho kiến trúc một dáng vẻ trang nghiêm uy nghi, vừa tạo nên cảm giác hướng về ánh đạo vàng rực rỡ của Phật pháp.
Đỉnh tháp chùa Vàng cao 10 mét, gồm bảy vòng đai bằng vàng ròng gắn nhiều viên kim cương lớn. Có thể nói trên thế giới không có một công trình kiến trúc nào sử dụng số lượng vàng và kim cương nhiều như chùa Shwe Dagon. Ngoài phần thân tháp được phủ kín bằng 9.300 lá vàng. Mỗi lá hình vuông, kích thước mỗi cạnh 30 cm. Phần trụ của tháp chùa cũng giá trị không kém, hoàn toàn làm bằng bạc tinh. Đỉnh chóp là quả cầu vàng đường kính 25 cm. Lá cờ gió cũng bằng vàng. Ba phần này được khảm 5.448 viên kim cương và đá quý to nhỏ khác nhau, xung quanh là 1.065 chuông vàng, 421 chuông bạc.
Một kiến trúc thể hiện lòng tôn kính, sùng đạo của các vua chúa Myanmar thời xưa, cũng như niềm tin tưởng mãnh liệt vào Phật pháp của dân tộc Myanmar từ hàng ngàn năm trước. Qua bao thăng trầm của Myanmar, nhưng những di tích Phật giáo vẫn được nhân dân Myanmar trân trọng và bảo tồn. Chùa Vàng là niềm kiêu hãnh của mỗi người dân Myanmar.
b)     Chùa Kaba Aye và hang Maha Pasana Guha
Kaba Aye, có nghĩa là "hòa bình thế giới". Năm 1954, Đại hội Phật giáo thế giới lần thứ sáu tổ chức tại chùa Kaba Aye và hang Maha Pasana Guha. Đây là địa điểm hàng năm chính phủ Myanmar tổ chức kỳ thi "Tam Tạng" cho các sư Myanmar có thành tích tu hành. Những người thi đỗ sẽ được chính phủ tặng thưởng quạt làm bằng ngà voi.
c)     Viện bảo tàng nghệ thuật phật giáo
Viện bảo tàng nghệ thuật phật giáo chùa Kaba Aye có bộ sưu tập lớn về lịch sử đạo Phật, các đồ dùng tôn giáo và đạo Phật.
1.2. Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở cố đô Bago (Pegu)
Nằm cách Yangon 80 km về phía Nam, Bago là thủ đô cũ của Vương quốc Mon trong thế kỷ XV. Ở đây có tượng Phật nằm Shwe Tha Lyaung (dài 55 mét), chùa Kyalkpun cao 28 mét, cung điện của vua Bayinmaung và nhiều danh lam thắng cảnh khác khác như cảng Thanlyin, Thị trấn Twante  v.v...
Hình 15. Tượng Phật nằm ở cố đô Bago
1.3. Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở cố đô Mandalay
Mandalay là thủ đô cuối cùng của Vương quốc Miến Điện được vua Mindon xây dựng năm 1857, nằm ở miền Trung Myanmar, cách Yangon 668 km về phía Bắc. Mandalay được mệnh danh là thành phố của đá quý. Ngày nay, Mandalay là thành phố lớn thứ hai Myanmar với các di sản văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Mandalay cũng là trung tâm thương mại với hệ thống đường sắt, đường bộ, đường sông và đường hàng không nối liền với các Bang, Vùng của Myanmar.
a)     Đồi Mandalay
Đồi Mandalay cao 230 mét, là nơi thuận lợi để ngắm toàn cảnh thành phố và ngoại thành. Theo truyền thuyết, trong chuyến du ngoạn của đức Phật tới đây, Ngài đã dự báo rằng một thành phố lớn sẽ được hình thành dưới chân đồi này.
b)     Hoàng cung Mandalay


Hoàng cung Mandalay đã bị tàn phá trong chiến tranh. Một số bức tường của cung điện, bốn cửa và hào nước bao xung quanh thành là dấu tích còn lại của một thành trì nguy nga, lộng lẫy năm xưa. Hiện nay, một số tòa nhà của cung điện được mô phỏng xây dựng lại.
c)     Chùa Mahamuni
Vua Bodawpaya đã xây dựng chùa này vào năm 1784 để thờ đức Phật chuyển từ Bang Rakhine đến. Mahamuni là ngôi chùa được tôn sùng nhất ở Mandalay, từ sáng sớm đến chiều tối có hàng ngàn người sùng kính đến đây để rửa mặt cho đức Phật.
d)     Chùa Kuthodaw
Vua Mindon đã xây dựng chùa này năm 1868, bao quanh nó là 729 tảng đá hoa cương với những dòng chữ viết trên đá, được gọi là quyển sách lớn nhất thế giới.
e)     Tu viện Atumashi
Cách không xa chùa Kuthodaw là tu viện Atumashi (nghĩa là tu viện độc nhất vô nhị) do vua Mindon xây dựng vào năm 1878. Tu viện này bị cháy một phần vào năm 1890 và đã được xây dựng lại vào năm 1996.
f)      Chùa Kyauktawgyi
Chùa Kyauktawgyi (có nghĩa là chùa của những tượng đá hoa cương vĩ đại) cũng do vua Mindon xây dựng vào năm 1865 ở dưới chân đồi Mandalay. Chùa được gọi là ngôi nhà lớn của các đức Phật. Trong chùa có tượng các đức Phật được được điêu khắc bằng loại đá hoa cương đẹp gọi là Sagyin.
Những phong cảnh đẹp, hấp dẫn khác tại Mandalay là chùa Sandamuni, chùa Eindawya, tu viện Shwe In Bin, bảo tàng và thư viện Mandalay, chợ Zegyo và làng dệt tơ tằm thủ công.
1.4. Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở cố đô Bagan


Bagan là thành phố lịch lớn ở Myanmar cũng là một trong những điểm khảo cổ học ở Châu Á. Đây cũng là thủ đô của đế chế phong kiến Miến Điện đầu tiên. Bagan có diện tích 420 km2 với hơn 4.000 ngôi chùa và đền đài xây dựng từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII còn lưu giữ cho đến ngày nay. Từ trên máy bay nhìn xuống Bagan, du khách có cảm giác như nhìn thấy một rừng tháp.
a)     Chùa Shwezigon
Chùa vàng này là công trình đầu tiên do vua Anawrahta xây dựng theo kiến trúc Miến Điện, là hình mẫu cho các ngôi chùa xây dựng sau này ở Myanmar. Chùa Shwezigon được vua Kyansittha hoàn thành vào năm 1087.
b)     Thánh đường Ananda
Thánh đường Ananda được xây dựng sau chùa Shwezigon vào năm 1.090 là kiệt tác kiến trúc sớm nhất về đền đài. Bên trong có 4 bức tượng đức Phật ở tư thế đứng với 80 động tác mô tả đời sống của đức Phật từ khi Người sinh ra tới khi Ngài thành Phật.
c)     Thánh đường Thatbyinnyu
Thánh đường Thatbyinnyu là ngôi chùa màu trắng cao nhất ở Bagan do vua Alaungsithu xây dựng vào giữa thế kỷ XII. Từ sân thượng của chùa có thể quan sát toàn bộ phong cảnh hùng vĩ cố đô Bagan nhất là lúc bình minh và hoàng hôn.
d)     Thánh đường Gubyaukgyi


Thánh đường Gubyaukgyi xây dựng đầu thế kỷ XIII, thể hiện ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ. Trên những bức tường ở trong thánh đường vẽ 28 đức Phật ngồi ở những tư thế khác nhau.

Những địa điểm du lịch hấp dẫn khác ở Bagan là chùa Mingala Zedi, thánh đường Manuha, thánh đường Lawkananda, chùa Bupaya và Viện bảo tàng Bagan.
1.5. Kiệt tác chùa Núi Vàng (chùa Kyaikhtiyo) ở Bang Mon
Chùa Núi Vàng (Kyaikhtiyo) là một kiệt tác tôn giáo nổi tiếng thế giới, di sản văn hoá hiếm có của nhân loại. Cho tới nay Chùa vẫn là điểm đến đầu tiên của hầu hết những ai ghé thăm Myanmar, tâm hồn con người trở nên thanh thoát hơn khi đến chùa Kyaikhtiyo.
Chùa Kyaikhtiyo là một trong những ngôi chùa cổ nhất và nổi tiếng nhất trong tất cả các ngôi chùa ở Myanmar. Chùa Kyaikhtiyo tọa lạc gần thị trấn Kyaikhto, Quận Thaton, Bang Mon. Truyền thuyết cho rằng chùa được xây dựng trong thời gian Đức Phật còn sống, trên 2.500 năm trước.
Từ dưới chân núi, du khách chỉ nhìn thấy duy nhất chỏm đá nhô ra phía ngoài; nhưng khi lên đến đỉnh, cảnh quan diễn ra trước mắt là một quần thể kiến trúc thống nhất


Nơi đây có một tảng đá thiêng hình quả trứng nặng khoảng 24 tấn, được bao bọc bởi những lá vàng dát mỏng, nằm cheo leo trên bờ một vách đá cao 1.100 mét so với mặt biển. Điều kỳ lạ là tảng đá chỉ tiếp xúc 78 cm2 với khối đá đỡ bên dưới nhưng rất cân bằng, chỉ rung rinh khi có gió lớn. Truyền thuyết kể rằng, sở dĩ tảng đá giữ vững được vị trí của nó là nhờ có một sợi tóc của Phật tổ được đặt ở vị trí chính xác trong một cái tháp thờ cao 3 mét nằm trên khối đá này.
            Ngôi chùa Kyaikhtiyo cao gần 30 mét với vô vàn tượng Phật được đặt khắp nơi, đặc biệt có một số tượng Phật được trang điểm bằng hàng nghìn viên đá quý, hàng trăm viên kim cương và hàng trăm chiếc chuông vàng.
Để leo lên đến được đỉnh núi bằng đường bộ dài 12 km tính từ vùng Kimmunsakhan, du khách phải leo bộ qua 20 trạm nghỉ khác nhau với các quán cóc nhỏ phục vụ đầy đủ các loại nước giải khát, trái cây và “kiệu” để khiêng những khách du lịch không đủ sức leo dốc.
2. Du lịch danh thắng
a)     Viện bảo tàng quốc gia
Nằm ở đường Pyay, Yangon, Viện bảo tàng quốc gia có 5 tầng trưng bày nhiều hiện vật cổ từ các ngai vàng của vua, báu vật của hoàng gia, các tác phẩm viết bằng tay, tranh quý  v.v...Từ năm 2009, Viện bảo tàng quốc gia Myanmar là nơi duy nhất trưng bày tượng đồng danh nhân văn hóa thế giới – Chủ tịch Hồ Chí Minh. [2]


Các danh thắng hấp dẫn khác ở Yangon là công viên Bogyoke Aung San, quảng trường Nhân dân và công viên Nhân dân, vườn bách thú Yangon và công viên chim thú Hlawga.

b)     Cảng Thanlyin (Thành phố Bago)
Là một thương cảng do người Bồ Đào Nha thành lập từ đầu thế kỷ XVII. Cảng Thalyin và phong cảnh xung quanh hấp dẫn nhiều du khách. Những toà nhà cổ kính là những bằng chứng còn sót lại chứng minh sự có mặt của người Bồ Đào Nha. Cây cầu dài 1.822 mét vắt qua sông Bago, giúp ta đi từ Yangon đến Bago bằng ôtô chỉ mất 45 phút. Chùa Kyalk Khauk và chùa Kyauktan trong thung lũng cũng thu hút rất nhiều du khách tới thăm.
c)     Thị trấn Twante (Bago)
Là một thị trấn nhỏ nằm trên kênh đào Twante cách Yangon khoảng 2 giờ đi bằng thuyền. Đi du lịch bằng thuyền là rất thú vị và là cơ hội để ngắm cảnh cuộc sống nông thôn dọc con kênh với nghề gốm nổi tiếng ở Twante.
d)     Hồ In Lay (Bang Shan)


Đây là hồ rộng và đẹp nhất Myanmar, cao 900 mét so với mực nước biển, là một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở Bang Shan. Hồ dài 22 km, rộng 10 km, có khoảng 150.000 người sinh sống trên các đảo nổi trong lòng hồ. Bất cứ du khách nào đi qua nơi đây cũng phải dừng chân ngắm cảnh hồ Inlay với những phong cảnh đẹp tuyệt vời và những dân chài chèo thuyền bằng chân rất điêu luyện.
e)     Làng chài Ywama


Đây là làng dân lớn nhất trên hồ Inlay, đường dẫn vào làng là mạng lưới chằng chịt các con kênh. Các ngôi nhà làm bằng gỗ Teak rất đẹp được xây dựng trên những cột gỗ lớn đóng vào đáy hồ. Hoạt động chủ yếu và hấp dẫn du khách đi là thăm chợ nổi trên hồ.

f)      Chợ Mine Thauk
Là một chợ lớn và tấp nập, nơi đây có thể tìm thấy không khí đích thực của địa phương với các sản phẩm phong phú thu hoạch từ lòng hồ In lay. Những địa điểm ưa thích của du khách trong lòng hồ là chùa Paya Pauk, làng Zakah, tu viện Nga Phe.
g)     Thị trấn Pyay (Prome)
Thị trấn Pyay nằm cách Yangon khoảng 285 km về phía Bắc, trên bờ phía Đông sông Ayeyarwady. Với thời gian 5 giờ đồng hồ, du khách có thể dễ dàng đi đến đó bằng đường bộ hoặc đường sắt. Cách thị trấn vài km về phía đông bắc là Thayeikhittaya (Sri Ksetra) - một địa điểm khảo cổ - cố đô Pyu (từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ IX). Xung quanh là chùa Shwesandaw, chùa Hsehtakyi, viện bảo tàng Shwe Phone Pwint, chùa Bawbawgyi, chùa Bebegyi, tháp Payagyi và tháp Payama là những danh thắng du lịch hấp dẫn xung quanh thị trấn Pyay.
h)     Thành phố Mrauk U
Đây là thành phố cổ thế kỷ XV của vương quốc Rakhine, nổi tiếng với những thánh đường cổ vẽ tranh trên tường mang ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ. Một chiếc tàu chở khách định kỳ nhiều giờ đi từ Sittwe (Skyab) đến Mrauk U. Hành khách cũng có thể đi bằng tàu thủy cao tốc hoặc đường bộ từ Sittwe qua Ponnakyun và Kyauktaw. Chùa Mahamuni - một trong những chùa linh thiêng nổi tiếng ở Myanmar, nằm cách Mrauk U khoảng 30 km. Ở đây có một khách sạn bằng gỗ 1 tầng với 24 phòng dành cho khách du lịch. Những chuyến bay định kỳ từ Yangon đến Sittwe chỉ mất khoảng 1 giờ 30 phút. Chùa Shitthaung, chùa Dukkanthein và lăng Andawthein là một trong những điểm tham quan hấp dẫn ở Mrauk U.
i)       Thành phố Mawlamyine (Mouliwein)
Mawlamyine là thủ phủ xinh đẹp xinh đẹp của Bang Mon, nằm ở cửa sông Thanlwin. Từ Yangon có thể dễ dàng đến đây bằng ôtô hoặc tàu hỏa. Những danh thắng có thể tham quan ở Mawlamyine là chùa Kyauithanlan, chùa Uzena, các động Kawgoon và Payon. Nổi tiếng nhất là vô số các tượng Phật bằng thạch nhũ trong các hang đá.
Điểm thu hút đông nhất du khách là chùa Kyaikhami nằm trên một đảo nhỏ ngoài biển, từ đất liền đến chùa là con đường lát bằng những tảng đá lớn như chiếc cầu nối liền đảo và đất liền.
Cách Mawlamyine khoảng 34 km là Thanbyuzayat có một tượng đài tưởng nhớ quân Đồng minh bị Phát xít Nhật cầm tù trong chiến tranh thế giới lần thứ hai và hy sinh tại đây.
j)      Cửa khẩu Muse
Muse là một thị trấn nhỏ, cũng là trung tâm thương mại nhộn nhịp trên bờ sông Shweli, là cửa khẩu chính giữa Myanmar và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Muse cách thủ phủ Lashio 150 km.
k)    Cửa khẩu Tachileik
Tachileik ở vùng Tam giác vàng, là cửa khẩu biên giới, đối diện với Mae Sai của Thái Lan. Từ Yangon đi máy bay tới đây mất 2 giờ. Khu nghỉ dưỡng Tam giác vàng Paradise nằm trên bờ sông Mekong đối diện với Lào và Thái Lan.
l)       Tam giác vàng
Kyaing Tong là thủ phủ của vùng Tam giác vàng, cách Tachileik 170 km với 3 giờ đi xe ôtô. Từ Yangon có những chuyến bay định kỳ tới Kyaing Tong. Khách du lịch với thẻ căn cước “qua biên giới” cũng được phép vào tham quan thị trấn biên giới này.
m)  Myitkyina Town
Myitkyina là thị trấn lớn nhất ở bang Kachin. Từ Myitkyina, du khách có thể đi tham quan ngã ba của Maikha và Malikha, nơi bắt nguồn của dòng sông Ayeyarwaddy. Có nhiều chuyến chuyến bay định kỳ từ Yangon và Mandalay tới Myitkyina.
n)     Putao Town
Puta O là một thị trấn khác của Bang Kachin được bao quanh bởi những núi tuyết. Ở đây khí hậu mát mẻ quanh năm và có nhiều vườn cây ăn quả có múi. Đây là thị trấn gần nhất để cắm trại chuẩn bị leo núi Khakhaborazi - ngọn núi cao nhất Myanmar và Đông Nam Á (cao 5.889 mét),
o)     Kawthaung
Trước đây gọi là mũi Victoria. Kawthaung là thị trấn cực nam của Myanmar. Từ Ranong - một thị trấn biên giới của Thái Lan, du khách có thể đi thuyền 20 phút là tới Kawthaung để tham quan và mua hàng hóa. Có nhiều chuyến bay định kỳ từ Yangon tới Kawthaung và tàu biển chở khách hạng sang 5 sao từ Thanlwin tới Kawthaung.
3. Du lich biển
a)     Quần đảo Myeik Archipelago
Quần đảo Myeik (Mergui) Archipelago là điểm cực nam của Myanmar gồm 800 hòn đảo nhỏ. Những ngư dân ở đây sống lênh đênh trên thuyền vào mùa khô và sống trên đất liền vào mùa mưa. Cuộc sống và phong tục rất độc đáo trong lễ hội truyền thống của ngư dân thu hút nhiều khách du lịch quốc tế tới thăm.
b)     Bãi biển Ngapali
Bãi biển Ngapali cách Thandwe - một trong những thị trấn cổ của bang Rakhine - khoảng 7km. Bãi biển dài khoảng 3km với cát trắng mềm mại và những hàng cây cọ dừa, rất lý tưởng cho tắm nắng và nghỉ ngơi. Từ Yangon tới bãi biển này bằng đường hàng không chỉ mất 35 phút hoặc14 giờ đi bằng ô tô. Đây là bãi biển nổi tiếng nhất Myanmar với vẻ đẹp tự nhiên được bảo tồn nguyên vẹn, toàn cảnh chỉ thấy nước biển xanh, cát trắng dưới ánh mặt trời. Nước biển có màu xanh cô-ban, sạch và không có các loài sinh vật biển nguy hiểm. Người ta cho rằng bãi biển này được một người Italia nhớ quê đặt theo tên thành phố Napoli. Tại đây, có một sân gôn 18 lỗ cách bãi biển 15 phút đi ôtô và có nhiều khách sạn sang trọng hạng nhất để lựa chọn như Bay View Hotel, Sandoway Beach Resort, Amata Beach Resort. Từ đây có những tour đi xe đạp tới các ngôi làng gần biển.


Tại bãi biển Ngapali , khách du lịch có thể thư giãn dưới bóng râm của hàng cọ, thả bộ trên dải cát bàng bạc, ngắm nhìn ngư dân đánh cá buổi sớm, hay chỉ đơn thuần là để thưởng thức những cơn gió mát rượi từ vịnh Bengal thổi vào.

c)     Bãi biển Chaung Tha
Bãi biển Chaung Thar cách Pathein - thủ phủ của bang Ayeyarwady 40km về phía Tây, cách Yangon khoảng 5 giờ đi ôtô. Bãi biển rất đẹp với các hàng cọ dừa và rừng phi lao ở phía sau, từ bờ biển có thể nhìn thấy hai hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi. Các món ăn từ cua ở bãi biển Chaung Thar ngon nổi tiếng. Nước dừa tươi sẽ đem lại sự sảng khoái cho du khách. Các khách sạn kiểu bungalow nằm dọc bờ biển với tiện nghi hiện đại. Như những bãi biển khác trên đất Myanmar, nơi đây có môi trường tự nhiên đa dạng với nhiều cảnh đẹp và bờ biển hoang sơ, vùng nước yên bình không ô nhiễm dải cát trắng trải dài. Trong khi lắng nghe những lời thầm thì của gió trên những rặng cây, dưới tán lá cọ và nhịp sóng vỗ về của biển, du khách sẽ được thư giãn trên chiếc ghế mây, bỏ lại những căng thẳng thường ngày.
d)     Bãi biển Ngwe Saung
Khu Resort biển Ngwe Saung mở cửa từ năm 2000 là một trong những khu resort biển được yêu thích nhất ở Myanmar. Nằm ở tỉnh Ayearwady cách thủ phủ Pathein khoảng 48km, bãi biển Ngwe Saung nhìn ra vịnh Bengal mang lại cho du khách ấn tượng khó quên về làn nước biển trong xanh, những con sóng bạc đầu, bãi cát trắng và thiên nhiên hoang sơ. Bãi biển trải dài 15km là một địa điểm lý tưởng để nghỉ ngơi và thư giãn. Sự hấp dẫn của Ngwe Saung là làn nước biển xanh, bãi biển trải dài, cát bạc, đường bờ biển đẹp, phía sau là khu rừng nhiệt đới và dãy núi Rakhine. Những ngôi nhà bungalow cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho du khách.
4. Du lịch sinh thái
Hệ sinh thái Myanmar tạo nên một trong những khu dự trữ sinh quyển quan trọng của châu Á với chủng loại thực vật, động vật, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Theo thống kê có hơn 7.000 loài thực vật với hơn 1.000 loài đặc hữu, khoảng 1.000 loài chim, 300 loài thú, 350 loài bò sát đã được ghi nhận. Sự giàu có về đa dạng sinh học tự nhiên là tiềm năng cho du lịch sinh thái tại Myanmar. Dưới đây là một số khu bảo tồn thiên nhiên và các địa điểm phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái tại Myanmar.
a)     Vườn quốc gia Kandawgyi
Vườn quốc gia Kandawgyi nằm tại Pyin Oo Lwin, Mandalay. Vườn có diện tích 345 acre, được hình thành từ năm 1915, trước đây có tên là Vườn thực vật quốc gia, hiện hoạt động như một địa điểm nghỉ ngơi thư giãn và du lịch sinh thái.
b)     Khu bảo tồn thiên nhiên nước Moeyungyi
Khu bảo tồn thiên nhiên nước Moeyungyi nằm tại Waw Township, Bago, có diện tích 40 dặm vuông (khoảng 103 km2), được hình thành từ năm 1986 với mục đích bảo tồn các loại chim nước di trú và không di trú, cũng như môi trường sống của chúng.
c)     Khu bảo tồn hồ Inle
Khu bảo tồn hồ Inle là một khu bảo tồn nước, nằm tại các quận Naung Shwe, Pinlaung và Peh Kon, phía Nam bang Shan với diện tích 642 dặm vuông (khoảng 1664 km2), được hình thành từ năm 1985, với mục đích bảo tồn các loại thực vật, chim nước và cá nước ngọt của khu vực.
d)     Khu bảo tồn thiên nhiên Shwesettaw
Khu bảo tồn thiên nhiên Shwesettaw nằm tại các quận Minbu, Setote-taya, Saku và Ngapeh Townships, tỉnh Magway, với tổng diện tích 213.4 dặm vuông (khoảng 553 km2), được hình thành từ năm 1940, với mục đích bảo tồn loài hươu Myanmar và hệ sinh thái vùng bình nguyên.
e)     Công viên Myaing Hay Wun
Nằm ở quận Taikkyi, tỉnh Yangon. Trại voi Myaing Hay Wun có diện tích 10 mẫu Anh , được thành lập năm 1986, cách trung tâm Yangon khoảng 90 phút đi ôtô. Tại đây có các loài voi, bò guar, bò banteng, hươu kỳ dương (barking deer), lợn rừng, mèo rừng, công, cùng nhiều loài chim và bò sát khác. Một chuyến đi rừng trên lưng voi sẽ đem lại cho du khách những cảm xúc khó quên.
f)      Khu Resort rừng Pho Kyar


Khu resort rừng Pho Kyar nằm tại quận Yedashe, cách Thargara khoảng 10 dặm (16 km), thuộc khu bảo tồn rừng Swa, với diện tích 20 acre (8 hecta). Từ Yangon có thể đến khu resort bằng ôtô với quãng đường 204 dặm. Như nhiều khu resort rừng khác, du khách có cơ hội nghỉ ngơi và tìm hiểu các loại thực vật rừng tự nhiên, gồm nhiều loài cây gỗ cứng, gỗ teak, các loại tre trúc, cũng như nhiều loài thực vật khác.
Du khách đến các khu du lịch sinh thái kể trên sẽ được chiêm ngưỡng nhiều loại “kỳ hoa, dị thảo” và những động vật đa dạng của đất nước Chùa tháp.
5. Du lịch chơi golf
Là thuộc địa chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa của Anh, Myanmar là nước Đông Nam Á duy nhất từ đầu thế kỷ XX đã có hệ thống sân Golf khắp cả nước, nhất là ở các thành phố lớn. Cả nước Myanmar có hàng trăm sân Golf trong đó có 30 sân Golf đạt tiêu chuẩn quốc tế. Riêng cố đô Yangon có tới 15 sân Golf lớn có đủ trang thiết bị hiện đại. Sân Golf Yangon có tuổi đời cao nhất được xây dựng từ năm 1909. Sân Golf Pan Hlaing hiện đại nhất được xếp ngang hàng với các sân Golf nổi tiếng trên thế giới, trong đó có hệ thống khách sạn, nhà nghỉ cao cấp và bệnh viện quốc tế. (Pan Hlaing international Hospital)


Chi phí môn thể thao quý tộc Golf ở Myanamr cũng thuộc loại rẻ nhất thế giới, chỉ bằng 1/3 – 1/5 ở các nước phát triển. Công dân Myanmar được ưu tiên đặc biệt với chi phí khoảng 5 USD một buổi chơi Golf đủ 18 lỗ. Chính vì vậy, cùng với việc mở các đường bay quốc tế mới đến Yangon (trong đó có đường bay trực tiếp từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến Yangon), ngày càng có nhiều du khách quốc tế đến Myanmar du lịch chơi Golf, nhất là du khách từ Nhật Bản, Hàn quốc.
Các Câu lạc bộ Golf nổi tiếng của Myanmar là:
a)     Câu lạc bộ Golf Pan Hlaing,Thành phố Yangon
Đây là câu lạc bộ golf mới được thành lập nằm tại ngã ba sông Hlaing và sông Pan Hlaing do nhà vô địch golf nổi tiếng Gary thiết kế. Sân này đặc biệt đẹp lúc hoàng hôn khi nhìn từ phía bên kia bờ sông Hlaing. Sân Golf Pan Hliang có 18 lỗ với tổng chiều dài 7.019 yards.[3]
b)     Câu lạc bộ Golf Danyin Gone, Thành phố Yangon
Được người Anh xây dựng năm 1909, là sân golf lâu đời thứ hai tại Myanmar do các kỹ sư Anh thiết kế, có 18 lỗ với tổng chiều dài 7.063 yards. Đây là sân Golf gắn liền với Câu lạc bộ Malaysian Country. Vì là sân Golf lâu năm nên có nét đẹp riêng so với những sân khác.
c)     Câu lạc bộ Golf U Do
Cách Yangon 58 dặm về phía Tây, được khai trương vào tháng 11 năm 2008. Sân có 18 lỗ với tổng chiều dài hơn 7.000 yards. Kể từ khi mở cửa đến nay, sân đã thu hút đông đảo Golfer cả trong và ngoài nước. Khách đến chơi rất hài lòng với thiết kế chuyên nghiệp, môi trường an bình và dịch vụ đẳng cấp.
d)     Câu lạc bộ Golf Yetagun Taung,Thành phố Mandalay
Còn có tên gọi khác là Waterfall Golf Course, nằm bên trái đường cao tốc Mandalay – Pyin Oo Lwin. Sân được đưa vào hoạt động từ 6 năm nay, có 18 lỗ với tổng chiều dài 7.020 yards, và chỉ cách trung tâm thành phố 20 phút xe ôtô. Các Golfer có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp toàn cảnh của rặng núi Shan hùng vĩ.
e)     Câu lạc bộ Golf Aye Tharya, Thành phố Taunggyi
Nằm tại Taunggyi, Thủ phủ của bang Shan, cao 4.000 feet so với mặt biển. Sân có 18 lỗ với tổng chiều dài 7.380 yards, được mở cửa từ năm 1995. Với rặng núi Shan ở phía sau, các golfer có thể tận hưởng không khí mát lạnh cũng như chiêm ngưỡng cảnh quan tươi đẹp vùng cao nguyên. Sân Golf này đặc biệt phù hợp với những người muốn kết hợp vừa chơi golf vừa tham quan thư giãn bởi vì nó chỉ cách Hồ Inle 1 giờ đồng hồ đi bằng xe ôtô.
f)      Câu lạc bộ Golf Bagan, thành phố Bagan
Được thành lập năm 1998. Sân có 18 lỗ với tổng chiều dài 7.133 yards. Cố đô Bagan là một trong những khu di tích khảo cổ lâu đời nhất ở Châu Á. Sân golf được bao quanh bởi hàng ngàn ngôi chùa tháp cổ kính. Các du khách quốc tế có thể kết hợp vừa du lịch tâm linh vừa chơi Golf và nghỉ ngơi thư dãn ở cố đô Bagan.
6. Du lịch mạo hiểm


Myanmar có các vùng khí hậu nhiệt đới và ôn đới cùng nhiều vùng rừng núi nguyên thủy. Những năm gần đây, du lịch mạo hiểm ở Myanmar đang được phát triển mạnh với các thể loại đa dạng như: lặn biển, bơi thuyền trên sông chảy xiết, leo núi ngắm mặt trời lặn, trượt tuyết trên núi cao, cưỡi voi, thám hiểm rừng rậm  v.v...

6.1 Một số tour du lịch mạo hiểm ở Myanmar:
a)     Leo núi Hponkan Razi
Hponkan Razi ở Putao, bang Kachin là vùng cao nhất của Myanmar. Leo núi, đi bộ và giải trí trong môi trường rừng rậm tự nhiên là nét hấp dẫn chính của ngọn núi này. Du khách có nhiều cơ hội để quan sát truyền thống văn hóa và lối sống của những bộ tộc vùng cao bản địa. Đỉnh Hponkan Razi có tuyết phủ 6 tháng trong năm. Trên núi có các loại chim thú quý hiếm: khoảng 30 loài thú như gấu trúc đỏ, sơn dương takin, sơn dương goral đỏ là những loài thú chỉ còn tồn tại ở vùng phía Đông Himalaya. Núi Hponkan Raze còn có khoảng hơn 200 loài chim, các khu rừng thông, rừng gỗ tạp, các loại cây thuốc và các loại hoa phong lan dại quý hiếm.
b)     Leo núi Khakaborazi
            Núi Khakaborazi nằm ở bang Kachin, phía Bắc Myanmar, là ngọn núi cao nhất Đông Nam Á với độ cao là 5.881 mét, nằm trong một nhánh của dãy Himalaya, ở tọa độ 28°19'59" độ vĩ bắc, 97°28'00"độ kinh đông, chóp núi nằm trong Công viên quốc gia Khakaborazi. Toàn bộ công viên nằm trên vùng núi cao, mang đặc trưng là rừng mưa của vùng khí hậu cận nhiệt đới ở độ cao từ 2438 đến 2743 mét. Trên núi có các loại rừng: rừng lá rộng quanh năm xanh tốt, rừng rụng lá, rừng cây lá kim và rừng tuyết. Trên độ cao 3.353 mét là khu vực rừng cao nhất dạng An-pơ, khác biệt với những khu vực bên dưới không chỉ về loại rừng, mà còn về lịch sử và nguồn gốc. Cao hơn nữa, khoảng 4.572 mét, là khu vực địa hình cằn cỗi, lạnh, gió mạnh với tuyết và sông băng vĩnh cửu . Tại độ cao 5.334 mét, hình thành khu vực có các chỏm băng lớn và các sông băng.
Đỉnh núi Khakaborazi được chinh phục lần đầu tiên vào ngày 15 tháng 9 năm 1996 bởi 2 người là Takashi Ozaki (Nhật Bản) và Nyama Gyltsen (Myanmar).
c)     Đi bè (Rafting)
Một số công ty lữ hành ở Myanmar tổ chức các tour đi bè và tour khám phá mạo hiểm trên sông, suối . Tour khám phá sông Nam Lang ở bang Kachin chuyên vượt qua các thác nước cấp 3 và 4, xuyên qua hẻm núi và rừng rậm. Tour du lịch này cũng mang đến cho du khách góc nhìn cận cảnh những người dân cùng lối sống không hề thay đổi qua hàng thế kỷ.
d)     Du lịch mạo hiểm bằng khinh khí cầu ở Bagan           
Du khách luôn thích thú khi chiêm ngưỡng những cảnh quan đẹp nhất của Myanmar trong đó có cố đô Bagan. Ngày nay, du khách còn có thể ngắm nhìn Bagan từ trên không với các chuyến du lịch trên khinh khí cầu.
Các chuyến du lịch khinh khí cầu thường khởi hành từ sáng sớm. Lúc mặt trời mọc và trước hoàng hôn là thời điểm ngắm cảnh đẹp nhất. Mỗi chuyến bay thường mất khoảng 45 phút tới 1 giờ. Từ khinh khí cầu, du khách có thể nhìn thấy hầu hết các đền chùa tuyệt đẹp và toàn cảnh khó quên của Bagan. Du lịch bằng khinh khí cầu Bagan thuộc một công ty tư nhân Myanmar cam kết bảo tồn Bagan và bảo vệ môi trường. Một phần nguồn thu từ mỗi chuyến bay sẽ được tài trợ cho các chương trình cộng đồng vì lợi ích của người dân địa phương. Khinh khí cầu Bagan hoạt động từ tháng 10 tới cuối tháng 3 với khoảng 40 du khách mỗi ngày.
6.2 Du lịch mạo hiểm lặn biển
Myanmar có các chương trình huấn luyện lặn cho du khách chuẩn bị tham gia tour lặn biển gồm nhiều khóa học, từ giới thiệu môn lặn tới các lớp nâng cao. Các khóa học chỉ nhận học viên trên 12 tuổi. Khóa đầu tiên dành cho người bắt đầu học kéo dài khoảng 1 tuần.
a)     Lặn bình khí (scuba) và lặn ống thở (snorkel)
Myanmar có vùng bờ biển rất rộng lớn ở phía Tây và phía Nam, giáp với biển Andaman thuộc Ấn Độ Dương. Lặn biển Myanmar là một trải nghiệm tuyệt vời. Các công ty du lịch Myanmar tổ chức các tour lặn biển với thợ lặn chuyên nghiệp, hướng dẫn viên và thiết bị lặn để du khách quan sát cuộc sống của các loại cá biển, các rặng san hô tại những vùng nước sâu của Myanmar.
b)     Lặn tại bãi biển Ngwe Saung
Các thợ lặn chuyên nghiệp, hướng dẫn viên cùng với đội lặn sẽ dẫn dắt các du khách khám phá lòng đại dương. Tại Ngwe Saung, du khách có thể tìm thấy các loại cá biển, cây thủy sinh, rặng san hô, nhiều loài động vật hiếm như nhím biển và các hang động dưới nước rất hấp dẫn. Các khu vực lặn biển ở Ngwe Saung là đảo Chim (Birds Island) và Đảo Đá Trắng (White Rock Island).
c)     Lặn tại quần đảo Myeik (Mergui)
            Các khu vực lặn biển tại quần đảo Myeik là Black Rock (Đá đen), Myanmar Bank, Western Rocky, North Twin Island, Three Islet và Shark Cave (Hang Cá Mập). Nước biển ở đây trong xanh và rất sạch. Có thể tìm thấy nhiều loại cua biển, tôm hùm, ốc, các loại cá, san hô, cá mập, cá đuối,  v.v...
d)     Lặn ống thở và lặn trần (skin diving)
Là các hoạt động lặn dành cho những người muốn khám phá thế giới mĩ lệ dưới lòng đại dương chỉ với ống thở, mặt nạ và chân nhái.
7. Du lịch bằng xe đạp
Tour du lịch với phương tiện xe đạp ở Myanmar là sự hòa trộn giữa những cuộc khám phá với nền di sản văn hóa phong phú. Đây là loại hình du lịch phù hợp với những du khách mong muốn tìm kiếm niềm vui, sự vận động, an toàn, thưởng thức phong cảnh và thư giãn. Bằng phương tiện xe đạp, du khách được khám phá những câu chuyện về phong cách sống, lịch sử, sinh hoạt, canh tác của người dân địa phương. Các địa điểm dành cho du lịch bằng xe đạp thường là Taunggyi, Bagan, Mandalay, hồ Inle với các cung đường vượt sông, địa hình đồi núi và đồng quê.
Các tour xe đạp mang đến cho du khách cơ hội tốt nhất để trải nghiệm đất nước Myanmar trên một hành trình vừa vận động vừa thư giãn để tìm hiểu về một Myanmar đa dạng về văn hóa và những góc nhìn về thiên nhiên. Có thể hình dung những tour xe đạp Myanmar như một con đường mòn xuyên qua những cánh đồng lúa, các đền đài, chùa chiền, đồng quê, gặp gỡ người dân thân thiện và lịch sự ở những thôn làng nhỏ. Các công ty lữ hành Myanmar có thể thu xếp, bố trí đi lại, nơi ăn ở và trang thiết bị cần thiết cho du khách.
8. Du lịch bằng xe lửa
            Du lịch trên xe lửa ở Myanmar là những trải nghiệm khó quên. Phong cảnh tự nhiên tuyệt đẹp từ của sổ của xe lửa cho thấy phong cách sống của dân chúng không hề thay đổi sau nhiều năm. Những cánh đồng lúa xanh, những rặng núi cao, bầu trời trong xanh, phong cảnh tự nhiên, cuộc sống của người dân... là những kỳ quan tuyệt đẹp của chuyến đi. Trong thời kỳ người Nhật chiếm đóng Myanmar, có một số đầu tàu của Nhật Bản được sử dụng ở Myanmar và nhiều máy móc được quân đồng minh mang đến Myanmar. Du khách có thể nhìn thấy ở Myanmar những xe lửa có từ trước chiến tranh, dó cả loại đầu xe lửa chạy bằng hơi nước sắp biến mất trên thế giới. Những chuyến du lịch này kéo dài 14 ngày bắt đầu từ Yangon. Các điểm đến sẽ qua Thazi, Mandalay, Lashio, Bagan. Ngoài ra còn có các chuyến tàu từ Yangon tới Namtu và lên Nashai, Namyao. Du khách sẽ quay lại Yangon từ Nashai tới Lashio bằng xe khách.

III. CÁC LỄ HỘI LỚN Ở MYANMAR
1.   Tháng 1
a)     Lễ hội chùa Ananda
Thời gian: Từ ngày trăng tròn đến cuối tháng Pyatho, diễn ra trong 15 ngày.
Địa điểm: Cố đô Bagan.
            Đây là một trong những lễ hội chùa nổi tiếng của Bagan - một trong những địa điểm khảo cổ học giầu có và hấp dẫn nhất châu Á. Lễ hội này được cho là có nguồn gốc từ thời kì vương quốc Bagan. Từ xưa, cư dân từ các làng quanh Bagan đến với lễ hội bằng xe bò và dựng trại trong suốt dịp lễ hội. Ngày nay, một số cư dân vẫn đến lễ hội theo cách truyền thống như vậy. Du khách có thể thưởng thức lối sống cổ truyền của người dân địa phương trong suốt dịp lễ hội.
b)     Lễ hội năm mới Kachin
Thời gian: thường diễn ra vào tuần đầu của tháng 1, diễn ra trong 1 ngày.
Địa điểm: Myitkyina, bang Kachin.
Người Kachin, một trong những nhóm dân tộc chính của Myanmar tổ chức lễ hội năm mới, có rất nhiều người Kachin từ nước ngoài trở về vào dịp này để gặp gỡ, nhảy múa trong dịp lễ hội. Điệu nhảy Manaw trình diễn trong lễ hội Manaw bắt nguồn từ nghi lễ thờ phụng thần linh trước đây.
c)     Lễ hội năm mới Naga
Thời gian: Thường từ 14-16/01, diễn ra trong 3 ngày.
Địa điểm: Lahe và Layshi, Khu vực Sagaing.
            Lễ hội năm mới Naga là một trong những ngày lễ ít có tại Myanmar. Người Naga có hơn 49 bộ tộc với trang phục và ngôn ngữ riêng, họ thường tập trung lại để tổ chức năm mới vào ngày 15/1/2011. Có các tour du lịch trọn gói tới Lễ hội năm mới Naga
2.   Tháng 2
a)     Lễ hội chùa Mann Shwe Settaw
Thời gian: Từ ngày thứ 5 của tháng Tabodwe, diễn ra trong 11 ngày.
Địa điểm: Shwe Settaw, bang Magwe, Miền trung Myanmar.
            Đây là khu vực có hai ngôi chùa thờ dấu chân Phật, nằm bên bờ sông Mann. Vào dịp lễ hội, người ta dựng hàng loạt lều tre để người dân địa phương tới vui chơi, bơi lội trong mùa khô nóng nực của Myanmar.
b)     Lễ hội chùa Kyaik Khauk
Thời gian: Từ ngày 8 cho đến ngày rằm tháng Tabodwe, diễn ra trong 8 ngày.
Địa điểm: Thanlyin, gần Yangon. Thời gian diễn ra trong 8 ngày
            Là một trong những lễ hội chùa nổi tiếng nhất thành phố Yangon. Phần lớn các hoạt động của lễ hội diễn ra vào buổi tối với các chương trình diễn kịch sân khấu và phim ảnh ngoài trời suốt đêm.
c)     Lễ hội chùa Mahamuni
Thời gian: ngày 14 và ngày trăng tròn tháng Tabodwe, diễn ra trong 2 ngày
Địa điểm: cố đô Mandalay.
            Tượng Phật Mahamuni rất được tôn kính, vì tương truyền tượng được làm ngay trước mặt Đức Phật, do đó khuôn mặt của tượng được tôn sùng nhất. Tượng được mạ vàng dầy 15cm. Tháng 2 là tháng lạnh nhất Myanmar và và tại chùa Mahamuni có lễ đốt lửa mừng. Người dân nấu những nồi cơm nếp lớn với gừng, dừa và vừng để cúng dường cho các nhà sư.
d)     Lễ hội nấu cơm nếp (Htamane)
Thời gian: Ngày trăng tròn tháng Tabodwe, diễn ra trong 1 ngày
Địa điểm: Toàn quốc.
            Đây là cuộc thi giữa những đội nam để dâng cúng cơm nếp lên Đức Phật vào sáng sớm ngày trăng tròn. Du khách rất thích xem những màn biểu diễn, thi đấu nấu cơm nếp, sau lễ dâng cơm, cơm nếp sẽ được phân phát cho mọi người, cuối cùng là lễ trao giải cho đội thắng cuộc.                       
3.   Tháng 3
a)     Lễ hội thần Ko Gyi Kyaw
Thời gian: từ ngày 3 đến ngày 8 tháng Tabaung, diễn ra trong 8 ngày.
Địa điểm: Phakhan, Yayzagyo.
            Du khách rất thú vị khi được thưởng thức các lời ca, điệu nhảy của những người sùng đạo đối với thần Ko Gyi Kyaw- một vị thần vui tính, thích uống rượu và đánh bạc. Lễ hội được tổ chức tại quê hương của Ko Gyi Kyaw tại Yayzagyo.
b)     Lễ nhập chùa cho của trẻ em trai
Thời gian: trong tháng Tabodwe và tháng Tabaung ( thường vào đợt nghỉ hè trong tháng 3 và tháng 4 dương lịch, trước Tết té nước), diễn ra trong 2 ngày.
Địa điểm: Toàn quốc
            Trong văn hóa Myanmar, trách nhiệm quan trọng nhất của cha mẹ với con trai mình là để đứa trẻ được thấm nhuần lời dạy của Đức Phật. Vì vậy, con trai của họ được đưa vào tu viện trong một thời gian ngắn làm chú tiểu để tìm hiểu về Phật pháp. Lễ nhập chùa là một nét đặc sắc của Myanmar. Lễ nhập chùa thường được diễn ra vào thời gian học sinh được nghỉ học. Buổi lễ bao gồm một cuộc diễu hành quanh chùa với những cậu bé đầu cạo trọc mặc trang phục như những hoàng tử.
c)     Lễ hội chùa Shwe Nattaung
Thời gian: Từ ngày 8 đến ngày trăng tròn tháng Tabaung, diễn ra trong 7 ngày
Địa điểm: Shwe Taung, thành phố Bago.
            Đây là một trong những lễ hội chùa lớn nhất vùng thu hút nhiều người hành hương đến với phương tiện là xe bò. Ngôi chùa tương truyền được xây dựng từ thời vương quốc Pyu.
d)     Lễ hội chùa Maw Tin Zun
Thời gian: Từ ngày 8 đến ngày trăng tròn tháng Tabaung, diễn ra trong 8 ngày
Địa điểm: Laputta, bờ biển Tây nam Myanmar.
            Đây là lễ hội chùa ven biển duy nhất thu hút rất nhiều du khách đến tham dự. Du khách có thể đến với lễ hội bằng thuyền từ Yangon đến Pathein, một thành thị vùng châu thổ nổi tiếng với nghề làm ô truyền thống.
e)     Lễ hội chùa Inn Daw Gyi Shwe Myitzu
Thời gian: Từ ngày 8 đến ngày trăng tròn tháng Tabaung, diễn ra trong 8 ngày
Địa điểm: Moenyin, bang Kachin, miền Bắc Myanmar.
Chùa Shwe Myitzu nằm trên mặt nước giữa vùng hồ lớn nhất Myanmar. Trong trong lễ hội có những đoàn khách hành hương tới bờ hồ. Những doi cát nổi lên giữa lòng hồ tạo nên đường đi cho khách hành hương đến thăm chùa.
            Người dân địa phương tin rằng một doi cát là đường đi cho người thường, và một doi cát là danh cho những vị thần. Ngay sau lễ hội, những doi cát này chìm xuống biến mất dưới lòng hồ.
f)      Lễ hội chùa Bawgyo
Thời gian: Từ ngày 10 đến ngày trăng tròn tháng Tabaung, diễn ra trong.
Địa điểm: Thibaw, miền Nam bang Shan.
            Đây là lễ hội chùa lịch sử nổi tiếng ở bang Shan. Không chỉ người dân bang Shan mà còn có người dân từ miền Trung Myanmar đến tham dự lễ hội. Đến với chùa trong dịp lễ hội là dịp tốt để du khách quan sát truyền thống, tập tục và văn hóa Shan có những khác biệt so với những địa phương khác ở miền Trung Myanmar.
g)     Lễ hội tượng Phật Zalun Pyi-Taw-Pyan
Thời gian: ngày trăng tròn của tháng Tabaung, diễn ra trong 10 ngày.
Địa điểm: Zalun, bang Ayeyawady.
            Thực dân Anh sau khi chiếm miền Hạ Myanmar đã mang tượng Phật ở chùa này về London định nung chảy tượng đồng. Tương truyền rằng, người Anh không làm cách nào để nung chảy hoặc dùng búa đập vỡ tượng Phật. Ngược lại, nữ hoàng Anh thường xuyên bị đau đầu và gặp ác mộng. Nữ hoàng Anh đã ra lệnh đem trả bức tượng này về nơi cũ. Sau khi bức tượng trở lại Myanmar, nữ hoàng Anh tự nhiên khỏi bệnh. Để ghi nhớ câu chuyện này, bức tượng còn nổi tiếng với tên gọi là Man Aung Myin Pyitawpyan (tượng Phật trở về từ nước ngoài).
h)     Lễ hội Pindaya Shwe Oo Min
Thời gian: từ ngày 11 đến ngày trăng tròn tháng Tabaung, diễn ra trong 5 ngày.
Địa điểm: Pindaya, miền nam bang Shan.
            Các tộc người Shan, Pa O, Palaung, Taung Yoe, Intha, Danu sống quanh khu vực Pyindaya tham dự và cắm trại dưới những cây đa lớn để tham dự lễ hội. Động Pyindaya có hàng trăm bức tượng Phật cũ và mới. Trong thời gian lễ hội, hàng nghìn người dân đổ về động này. Đó là một cảnh tượng rất ngoạn mục, người thì đến bằng ôtô, người thì đi thành hàng dài trên những xe bò truyền thống. Từng bộ tộc quây tròn quanh những chiếc xe, ở giữa là vòng tròn, người dân nấu nướng, và nghỉ ngơi trong những đêm lễ hội.
i)       Lễ hội chùa Shwe Myet Hman
Thời gian: Từ ngày 13 đến ngày trăng tròn tháng Tabaung, diễn ra trong 3 ngày.
Địa điểm: Shwetaung, thành phố Bago.
            Lễ hội được tổ chức hàng năm. Nhiều Phật tử đến dự lễ hội bày tỏ lòng tôn kính, những người khác có thể chiêm bái tượng Phật trong chùa - là bức tượng Phật duy nhất đeo kính mắt vàng ở Myanmar. Du khách có thể mua những đặc sản của vùng Pyay hoặc hàng thủ công mĩ nghệ truyền thống của Myanmar.
j)      Lễ hội chùa Kekku
Thời gian: từ ngày 14 tháng Tabaung, diễn ra trong 3 ngày.
Địa điểm: khu chùa cổ Kekku, gần Taunggyi, miền nam bang Shan.
            Đây là khu vực với hơn 3.000 ngôi chùa, được cho là được dựng từ thời Bagan theo phong cách Yun Shan, nằm trên vùng đồi nhìn xuống thung lũng Hopon. Vào ngày trăng tròn tháng Tabaung, người Pa O đến lễ hội với những trang phục đẹp nhất để bày tỏ lòng tôn kính với chùa Kekku. Thời gian thích hợp nhất để xem lễ hội là lúc bình minh ngày trăng tròn, khi những người dân đến để dâng lễ lên tượng Phật. Lễ hội kết thúc khi những người hành hương cúng dường cơm và những vật phẩm khác cho hơn 1.000 nhà sư tại đây.
k)    Lễ hội chùa vàng Shwedagon
Thời gian: Ngày rằm tháng Tabaung, diễn ra trong khoảng 1 tuần trước trăng tròn.
Địa điểm: Yangon.
            Chùa Vàng là ngôi chùa nổi tiếng nhất Myanmar và Lễ hội chùa vàng là một trong những lễ hội thu hút nhiều người hành hương nhất. Trong lễ hội có những cuộc thi dệt quần áo cà sa bằng khung dệt truyền thống để dâng lên các pho tượng Phật tại 4 góc chùa. Các nhà sư đọc kinh cả ngày không nghỉ trong suốt lễ hội. Phật tử lên chùa làm lễ tất cả các ngày trong tuần và cúng dường để tôn tạo chùa.
l)       Lễ hội chùa Shwe Sar Yan
Thời gian: Từ ngày trăng tròn tháng Tabaung, kéo dài 9 ngày.
Địa điểm: Làng Shwe Sar Yan, Patheingyi, cố đô Mandalay.
            Đường đến chùa Shwe Sar Yan bằng ôtô rất dễ đi, nằm gần đường cao tốc Mandalay – Lashio. Hội chùa rất thú vị với một phiên chợ nông thôn đặc trưng, thu hút du khách đến từ những vùng rất xa. Điểm thu hút của lễ hội là các đồ chơi truyền thống đan từ lá cọ khô. Cạnh chùa là một ngôi chùa có từ thế kỷ 17, chùa Po Kalar Gu, với rất nhiều tranh bích họa đẹp.
m)  Lễ hội chùa Alaungdaw Khathapa
Thời gian: Ngày trăng tròn tháng Tabaung, diễn ra trong 1 ngày.
Địa điểm: Công viên quốc gia Alaungdaw Khathapa, bang Sagaing.
            Ngôi chùa được tọa lạc trong công viên quốc gia ở quận Yinmarbin, bang Sagaing. Rất đông người dân từ các khu vực lân cận đến tham dự lễ hội. Du khách đến đây không chỉ tham dự lễ hội mà còn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của một trong những địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng nhất của Myanmar.
n)     Lễ hội Panguni Utram (Ngày trăng tròn tháng Panguni của người Tamil)
Thời gian: Ngày trăng tròn tháng Tabaung hoặc Tagu (tháng 3 hoặc tháng 4), diễn ra trong 10 ngày.
Địa điểm: Đền Sri Angata Eswari Munieswar Swamy, làng Pelikha, quận Kyauk Tan, Yangon.
            Đây là lễ hội lớn của người theo đạo Hindu ở Myanmar tổ chức tại đền Sri Angata được xây dựng từ năm 1862. Các hoạt động nghi lễ thu hút nhiều người tham gia, nhiều người đợi hàng giờ để được chứng kiến họ hàng, bạn bè của mình tham gia nghi lễ. Sau khi đi trên than hồng, các tín đồ sẽ lội qua một hố đầy sữa dê, sau đó bôi bột nghệ vàng lên chân. Lễ hội thiêng này thường có nhiều tín đồ địa phương và người nước ngoài tham gia.
4.   Tháng 4
a)     Tết té nước và năm mới
Thời gian: Từ 13 đến 17 tháng 4, ngày 17/4 là ngày đầu năm mới.
Địa điểm: Toàn quốc
            Lễ hội té nước (tiếng Myanmar gọi là Thingyan) là lễ hội lớn nhất, phổ biến nhất ở Myanmar. Vào dịp lễ này, mọi người có thể té nước vào nhau dưới những tiếng nhạc, điệu nhảy từ những sạp phun nước. Việc té nước có ý nghĩa gội sạch cơ thể và đầu óc khỏi cái ác trong quá khứ. Vào những ngày lành này, người dân làm nhiều việc thiện để bắt đầu năm mới như đi lễ chùa và tu viện, cúng dường cho nhà sư, bày tỏ lòng kính trọng đối với cha mẹ, thầy cô giáo và người già, làm lễ phóng sinh. Năm nào cũng thế, người dân Myanmar đều mong đến ngày tết Thingyan với nhiều niềm vui và phấn khởi.
b)     Lễ hội chùa Shwe Maw Daw
Thời gian: Từ ngày 8 ngày tháng Tagu, kéo dài 13 ngày.
Địa điểm: thành phố Bago.
            Là lễ hội chùa nổi tiếng nhất của Bago. Các nhóm kịch truyền thống mang đến những tiết mục trình diễn hay nhất để Ban tổ chức ghi nhận và được tham dự mùa lễ hội năm sau.
5.   Tháng 5
Lễ hội tưới nước cây Bồ đề
Thời gian: ngày trăng tròn tháng Tagu, diễn ra trong 1 ngày.
Địa điểm: tại tất cả các chùa trên toàn quốc.
            Nghi lễ này nhằm kỷ niệm 2.500 năm trước đây, khi Đức Phật ngồi thiền đạt được giác ngộ dưới cây Bồ đề. Những người hành hương tưới nước cho cây bồ đề ở các chùa để cây phát triển trong mùa hè tháng Năm.
6.   Tháng 6
Lễ hội chùa Pakokku Thiho Shin
Thời gian: ngày 8 tháng Nayon, diễn ra trong 15 ngày.
Địa điểm: Pakokku, miền trung Myanmar.
            Pakokku là thị trấn cổ trên bờ Tây sông Ayeyawady. Đây là lễ hội quan trọng nhất Vùng này.Trong lễ hội cũng có phiên chợ quê, bán đặc sản địa phương như ớt khô, thuốc lá, các loại túi sợi. Đây cũng là vùng trồng cây Tanakha chất lượng tốt nhất, loại cây để chế loại mỹ phẩm bảo vệ da truyền thống của người dân Myanmar.
7.   Tháng 7
a)     Lễ hội trăng tròn Waso
Thời gian: ngày trăng tròn tháng Waso, kéo dài 15 ngày
Địa điểm: toàn quốc.
            Tháng Waso ở Myanmar là thời gian bắt đầu mùa mưa. Đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa ăn chay của đạo Phật. Các nhà sư không được ra khỏi tu viện vào ban đêm. Tuy nhiên, họ vẫn đi khất thực vào ban ngày dù trời mưa, nên cần thêm quần áo, Do vậy, đây là tháng có lễ tặng quần áo để các sư dùng trong mùa mưa.
b)     Lễ hội Waso Chin-Lone (lễ hội thi đấu cầu mây)
Thời gian: Sau ngày trăng tròn tháng Waso, kéo dài 48 ngày.
Địa điểm: Chùa Mahamuni, cố đô Mandalay.
            Lễ hội thi đấu cầu mây ở chùa Mahamuni năm 2009 kéo dài 48 ngày với sự tham dự của 1220 đội cầu mây và là lễ hội lần thứ 81 được tổ chức gần như hàng năm từ năm 1926. Các đội cầu mây đến từ các miền của đất nước để thăm ngôi chùa thiêng và tôn vinh môn cầu mây. Người ta cho rằng trò chơi này bắt nguồn từ hơn 1500 năm trước. Trong lễ hội, các đội thi trình diễn đá cầu mây trong giai điệu của giàn nhạc Saing-waing truyền thống của Myanmar.
8.   Tháng 8
a)     Lễ hội thần Taung Pyone
Thời gian: ngày 8 tháng Wagaung, kéo dài 8 ngày.
Địa điểm: làng Taung Pyone, gần Mandalay.
            Taung Pyone là nơi mà hai anh em - phục vụ cho một vị vua Bagan thế kỉ XI - bị hành quyết. Sau khi chết, họ trở thành những thần linh rất quyền lực. Lễ hội có hàng chục nghìn tín đồ và các ông đồng bà cốt tham dự, dâng cúng lên hai vị nước thốt nốt, các loại rượu, thỏ nướng, gà rán. Các ông đồng bà cốt nhảy theo điệu nhạc để làm vui lòng các vị thần.
b)     Lễ hội thần Yadana Gu
Thời gian: từ mùng 1 đến mùng 8 âm lịch tháng Wagaung.
Địa điểm: Amarapura, thành phố Mandalay.
            Đây là lễ hội tưởng nhớ mẹ của hai vị thần Taung Pyone. Bà là nữ thần núi Popa và là vị thần bảo hộ cho phụ nữ.
9.   Tháng 9
a)     Lễ hội chùa Manuha
Thời gian: Ngày 14 và ngày 15 tháng Tawthalin.
Địa điểm: Myinkaba, Bagan, thành phố Mandalay
Vào ngày đầu tiên của lễ hội, các thôn nữ xinh đẹp diễu hành với những khay hoa quả, bánh kẹo để dâng lên chùa. Vào buổi chiều, những chàng trai trẻ diễu hành với những hình nộm là các anh hùng, vị thần, và hình động vật. Buổi tối, những người tham dự lễ hội nhảy múa và ca hát. Sáng hôm sau, họ dâng thức ăn lên các bàn thờ và cho các sư.
b)     Lễ hội chùa Hpaung Daw Oo
Thời gian: Bắt đầu từ ngày 1 tháng Thadinguyt, kéo dài 18 ngày
Điạ điểm: hồ Inle, miền Nam bang Shan.
            Chùa Hpaung Daw Oo có 5 bức tượng Phật là một trong những ngôi chùa nổi tiếng trong vùng. Chùa nằm giữa hồ Inle và là một danh thắng của hồ. Vào dịp lễ hội, hàng ngàn người sống quanh hồ và các vùng núi lân cận mang đến hoa và quả đựng trong các khay sơn mài, làm lễ khi đoàn rước đi qua. Các đội chèo thuyền một chân nổi tiếng của các làng chài tham gia cuộc đua thuyền hàng năm.
10.    Tháng 10
a)     Lễ hội ánh sáng
Thời gian: Từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Thadingyut.
Địa điểm: toàn quốc.
            Lễ hội này kỷ niệm thời gian Đức Phật trở lại Trái đất sau khi đi giảng đạo tại chư thiên trong 3 tháng mùa chay. Ngài trở lại vào ban đêm, Phật tử thắp đèn để đón Ngài. Trong dịp lễ, người dân trang hoàng nhà cửa bằng đèn nến màu. Lễ hội cũng đánh dấu thời điểm mùa chay của đạo Phật kết thúc.
b)     Lễ hội chùa Kyauk Taw Gyi
Thời gian: 1 ngày trước ngày trăng tròn tháng Thadingyut, kéo dài 4 ngày.
Địa điểm: Cố đô Mandalay.
Đây là lễ hội với trung tâm hướng về pho tượng Phật khổng lồ tạc từ đá cẩm thạch nguyên khối, diễn ra cùng thời điểm với một cuộc thi cầu mây.
c)     Lễ hội múa voi
Thời gian: Ngày 14 và 15 tháng Thadingyut.
Địa điểm: Kyaukse, cách Mandalay khoảng 40 km về phía Đông Nam.
            Ngày đầu tiên là cuộc thi điều khiển mô hình voi làm từ vải màu và tre, do hai người điều khiển. Ngày thứ hai, là lễ cúng tế chùa, với lễ vật là thức ăn và hoa.
d)     Lễ hội chùa Kaunghmudaw
Thời gian: quanh ngày trăng tròn tháng Thadingyut, kéo dài 5 ngày.
Địa điểm: bang Sagaing.
            Chùa Kaunghmudaw là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở miền trung Myanmar. Điểm nhấn của lễ hội là những đoàn hành hương trên xe bò kéo cổ truyền, họ mang theo đặc sản địa phương như thổ cẩm, chiếu cói  v.v... đến bán tại lễ hội trong những khu trại dưới bóng cây râm mát.
e)     Lễ hội hoa đăng Shwe Kyin
Thời gian: sau ngày trăng tròn tháng Thadingyut, diễn ra trong 1 ngày.
Địa điểm: sông Shwe Kyin, quận Shwe Kyin, Vùng Bago..
      Đây là lễ hội được tổ chức hàng năm. Ban ngày diễn ra các cuộc đua thuyền và chèo thuyền biểu diễn của các đội nam và nữ. Buổi tối là hoạt động chính của lễ hội, khi đó người dân địa phương thả hàng trăm ngọn hoa đăng xuống nước.
11.   Tháng 11
a)     Lễ hội khinh khí cầu
Thời gian: Bắt đầu từ ngày trăng tròn tháng Tazaungmone, kéo dài trong 3 ngày.
Địa điểm: Taunggyi, miền Nam bang Shan.
            Một trong những lễ hội ngoạn mục nhất trong năm là lễ hội khinh khí cầu tổ chức tháng 11 hàng năm ở Taunggyi, thường được gọi là lễ hội Taunggyi Tazaungdaing. Hàng ngàn người địa phương và du khách quốc tế đến Taunggyi để xem những mô hình khổng lồ làm bằng giấy được bơm không khí nóng và thả lên trời. Các cuộc thi diễn ra cả về ban đêm, những quả khinh khí cầu nhiều màu sắc được thả lên bầu trời đêm lung linh. Những mô hình khí cầu phổ biến là hình voi, bò, ngựa, trâu, chim, vẹt, lợn, cá, chim cú (biểu tượng cho may mắn).
b)     Lễ hội trăng tròn Tazaungmone
Thời gian: Ngày trăng tròn tháng Tazaungmone, diễn ra trong 1 ngày
Địa điểm: Toàn quốc
           Sau khi mùa mưa kết thúc, các nhà sư cần trang phục mới. Vào ngày trăng tròn tháng Tazaungmone, người dân tổ chức lễ hiến tặng quần áo và các vật phẩm khác cho nhà sư trong buổi lễ gọi là Kha-htein. Lễ vật cúng dường cho sư là quần áo mới, dép, ô, bát, thực phẩm, khăn mặt, xà phòng và những vật phẩm cần thiết khác. Tiền cúng cho tu viện được kết trên khung tre, dưới dạng lá và thân cây.
c)     Hội thi dệt đêm
Thời gian: Đêm trước ngày trăng tròn tháng Tazaungmone
Địa điểm: Chùa vàng Yangon, và các chùa khác trên toàn quốc
            Vào đêm trước ngày trăng tròn, các đội dệt tham gia thi dệt áo cà sa trong suốt đêm để dâng lên tượng Phật rạng sáng hôm sau. Đây là một sự kiện lớn của chùa Vàng. Thời phong kiến, hội thi được tổ chức trong các cung điện, ngày nay vẫn được duy trì ở các làng quê.
d)     Lễ hội chùa Shwezigone
Thời gian: Bắt đầu từ ngày trăng tròn tháng Tazaungmone, diễn ra trong 15 ngày.
Đại điểm: Nyaung U, gần Bagan, Mandalay.
            Vào ngày trăng tròn, diễn ra nghi lễ cúng dường thức ăn cho hàng ngàn nhà sư và chú tiểu. Tại lễ hội cũng có một phiên chợ lớn, bán đồ sơn mài, đồ gốm sứ, túi sợi bông  v.v... do dân địa phương chế tác.
e)     Lễ hội chùa Phowintaung
Thời gian: Bắt đầu từ ngày 14 tháng Tazaungmone, kéo dài trong 2 ngày
Địa điểm: Monywa, bang Sagaing.
            Giống như hầu hết các lễ chùa, lễ hội này cũng có nhiều trò chơi giải trí cũng như nhiều hàng hóa được mang đến bán: gỗ Thanakha, gỗ thơm Sandalwood, Thổ cẩm  v.v...
f)      Lễ hội chùa Shwesandaw (Pyay)
Thời gian: ngày trăng tròn tháng Tazaungmone, diễn ra trong 1 ngày
Địa điểm: Pyay, Vùng Bago.
      Chùa Shwesandaw là một điểm hành hương lớn nhất của Myanmar và lễ hội chùa thu hút được rất đông người hành hương trên toàn quốc. Vào dịp lễ, phòng thờ răng Phật được mở để các Phật tử chiêm bái.
12.   Tháng 12
a)     Lễ hội chùa Mae Lamu
Thời gian: Từ ngày 8 đến ngày trăng tròn tháng Nadaw, diễn ra trong 8 ngày.
Địa điểm: Bắc Okkalapa, Yangon
            Là một trong những lễ hội chùa nổi tiếng tại Yangon. Trong lễ hội, các nhà sư đọc kinh suốt 24 giờ trong ngày. Các Phật tử làm các lễ cúng dường và có các hoạt động nghệ thuật, giải trí về đêm như kịch truyền thống, chiếu phim.
b)     Lễ hội các thần bảo hộ núi Popa
Thời gian: bắt đầu từ ngày trăng tròn tháng Nadaw, diễn ra trong 6 ngày.
Địa điểm: Núi Popa, gần thành phố Bagan.
            Hai pho tượng thần ở hai bên cổng chùa Tharaba ở Bagan là hai anh em, một người là vị thần chúa tể núi Popa, một người là nữ thần với khuôn mặt vàng, được người dân tin là những vị thần rất thiêng, bảo hộ cho cả vùng. Các nghi lễ được tổ chức tại khu vực núi Popa.
c)     Lễ hội 9.000 ngọn đèn chùa "Hòn đá vàng"
Thời gian: đêm 31/12 hàng năm.
Địa điểm: chùa Kyaik Htiyo, bang Mon.
            Vào đêm lễ hội, các Phật tử thắp 9000 ngọn đèn để chào đón năm mới và tạ ơn Đức Phật trong khuôn viên chùa Kyaik Hti Yo. Du khách lễ Phật và vui chơi nhảy múa suốt đêm.
IV. DỊCH VỤ DU LỊCH
1. Hệ thống khách sạn
            Cả nước Myanmar có hơn 600 khách sạn các loại phục vụ du khách quốc tế. Tuy nhiên không có nhiều khách sạn cao cấp 4 – 5 sao. Những khách sạn cao cấp ở các thành phố lớn hoặc các địa danh du lịch nổi tiếng được khách quốc tế ưa chuộng, có dịch vụ tốt và  thuận tiện đặt phòng qua mạng internet gồm:
Địa phương
Tên khách sạn/địa chỉ
Xếp hạng









Yangon
Park Royal Hotel
33, Alan Pya Pyaya Road, Dagon Township, Yangon, Myanmar.
Tel : 95-1- 250 388 Fax : 95-1- 252 478
Website : www.yangon.parkroyalhotels.com
5 Sao





5 Sao
Chatrium Hotel (former Nikko)
No. 40, Natmauk Road, Tamwe Township, Yangon, Myanmar
Tel : 95-1- 544 500, 95-1-544 400 www.chatriumhotelyangon.com
Trade Hotel
223, Sule Pagoda Road, Yangon. GPO Box 888
Tel: 95-1-2422828
www.shangrila. com/yangon/traders/en/index.aspx
Sedona Hotel
1,Kaba Aye Pagoda Road, Yangon
Tel: 95-1-666900/666953
www.sedonahotels.com.sg
Hotel Yangon
91/93, Pyay Rd., 8th Mile, Mayangon Tsp,Yangon.
Tel : 95-1-667708,667688


4 Sao
Summit Park View Hotel
350, Ahlone Road, Dagon Township, Yangon, Myanmar.
Tel: (951) 211888 Fax: (951) 227990 , 227995
Website: www.summityangon.com
Yuzana Hotel
130,Shwe Gon Daing Road, Bahan Township, Yangon.
Tel: 95-1-549600, 543367, 543370 Fax: 951-544998
3 Sao





Inle Lake
Myanmar Treasure or Inle Resort Hotel
Khaung Dine Village, Inle Lake, Nyaung Township, Shan State, Myanmar
Tel: (9581)29292, 29291
5 Sao
Paradise Inle Resort or Inle Paramount or similar
Mine Thauk Village, Inle Lake, Nyaung Township, Shan State, Myanmar
Tel: (9581) 29586, (959) 5214526
Website: www.inleparadise.com
4 Sao
Hu Pin Hotel , Nyaung Shwe
No.,66,Kantha Qr,west of Bazzar, Boat stand NS
Nyaung Township, Shan State, Myanmar
Tel: (9581) 29292, 29293, Fax: (9581) 29294
E-mail: hupin@myanmar.com.mm
Website: http://www.hupinhotel.com
3 Sao






Mandalay
Mandalay Hill Resort Hotel or Sedona Hotel
No. (9), Kwin (416-B), 10th Street,
At the foot of Mandalay Hill, Mandalay, Myanmar.
Tel : 95-2- 35638, Fax : 95-3-35639
Website : www.mandalayhillresorthotel.com
Sedona Hotel Junction of 26th x 66th St, Chanayetharzan TSP
Tel: 95-2-36488/01-666900
5 Sao
Mandalay City Hotel
26th street, between 82nd and 83rd street, Chanayetharzan Township, Mandalay, Myanmar.
Tel: (952) 61700 - 61704 Fax: (952) 61705
4 Sao
Great Wall Hotel
Block (901), 78 Road, Between 42nd & Theik Pan St,
Mandalay-Yangon Highway, Maha Aung Myay Township, Mandalay.
Tel: 95-2-68460, 68461, 68461
3 Sao





Bagan
Myanmar Treasure Hotel
Khayay road, Anawrahta Qtr,
New Bagan, Myanmar.
Tel : 95-2-67357, Fax : 95-61-60443
5 Sao
Bagan Thande Hotel or Thazin Garden
Near Museum, Old Bagan, Myanmar.
Tel: (9561) 60025 , 60031 Fax: (9561) 60050
http://www.baganthandehotel.com ; www.thazingardenhotel.com
4 Sao
Arthawka Hotel
160, Cherrt Road, New Bagan.
72, Room203, U Wisara Road, Kamayut Tsp
Tel : 95-61-60310,502479, 536174, 536553
3 Sao




Kyaikhtiyo
Mountain Top Hotel or Kyaikhto
Golden Rock Road,
Kyaikhto Township, Mon State, Myanmar.
http://www.visitmyanmar.com
5 Sao
Kyaikhto Hotel or similar
Golden Rock Road, Kyaikhto Township, Mon State, Myanmar.
http://www.onyxmyanmar.com
4 Sao
Kyaikhto Hotel or similar
Golden Rock Road, Kyaikhto Township, Mon State, Myanmar.
http://www.onyxmyanmar.com
3 Sao
2. Ngôn ngữ
Ngôn ngữ chính thức của Myanmar là tiếng Miến. Tiếng Anh được phổ cập và sử dụng rộng rãi ở Myanmar. Nhân viên khách sạn và hướng dẫn viên du lịch đều nói thạo tiếng Anh. Khách du lịch quốc tế đến các Bang phía Bắc và Đông Bắc Myanmar có thể sử dụng tiếng Hoa và tiếng Lào, Thái Lan.
3. Hộ chiếu và visa
Myanmar yêu cầu visa nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài. Visa nhập cảnh phổ thông cho phép nhập cảnh 28 ngày, và có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày cấp, áp dụng đối với khách du lịch và doanh nhân. Visa được cấp tại các Đại sứ quán và Lãnh sự quán của Myanmar ở nước ngoài. Sân bay quốc tế Yangon và Mandalay là các cảng xuất nhập cảnh quốc tế vào Myanmar.
Khách du lịch quốc tế ngoài nhập cảnh ở sân bay quốc tế Yangon và Mandalay, còn có thể nhập cảnh qua các cửa khẩu Tachileik, Three Pagoda Pass, Myawaddy và Kawthaung dọc biên giới Myanmar – Thái Lan hoặc các cửa khẩu Nam Kham, Muse, Kyukoke, Kwanlong dọc biên giới Myanmar - Trung Quốc.
Visa cửa khẩu
Visa cấp khi nhập cảnh chỉ áp dụng đối với khách du lịch đi bằng tàu biển hoặc đường không và sử dụng tour trọn gói, hoặc đối tượng là du khách sử dụng tour trọn gói xuất phát từ những địa điểm không có cơ quan đại diện của Myanmar. Visa cửa khẩu chỉ áp dụng đối với các công ty lữ hành đăng ký tại Myanmar. Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar sẽ xem xét trường hợp cụ thể và xác nhận với cơ quan phụ trách nhập cư.
4. Hải quan
Trang sức quý, đồ điện tử và máy ảnh, máy quay phim của du khách khi nhập cảnh phải khai báo tại Hải quan cửa khẩu. Du khách xuất cảnh mang nhiều ngọc và đá quý phải xuất trình hóa đơn mua hàng với Hải quan cửa khẩu. Đồ cổ và báu vật quốc gia có giá trị của Myanmar không được phép đưa ra khỏi đất nước Myanmar. Du khách vào Myanmar đem theo trên 2.000 USD phải khai báo với Hải quan Myanmar.
Hàng miễn thuế được phép nhập cảnh Myanmar bao gồm: hai chai rượu mạnh, hai tút thuốc lá, 100 điếu xì gà, 1,5 pound (khoảng 0,7) kg lá thuốc lá sợi hoặc bột, 1 lọ (1pint) nước hoa.
5. Tiền tệ
Đồng tiền Myanmar là Kyat (K), (tiếng Việt đọc là Chạt). Một Kyat bằng 100 pya (tương đương với xu). Tiền giấy gồm các mệnh giá: 5.000 K, 1.000 K, 500 K, 200 K, 100 K, 50 K, 20 K, 10 K và 1 K. Du khách không được phép chuyển đồng Kyat ra khỏi đất nước Myanmar.
Người nước ngoài được khuyến khích mang ngoại tệ bằng USD vào Myanmar vì USD có thể dễ dàng đổi ngang với Chứng chỉ ngoại tệ (Foreign Exchange Certificate - FEC) hoặc đổi sang đồng Kyat tại sân bay quốc tế Yangon hoặc tại các điểm đổi tiền ở Ngân hàng, khách sạn. Tiền Euro cũng có thể đổi sang FEC hoặc Kyat tại các điểm đổi tiền. Lưu ý: tiền giấy nước ngoài bị sờn rách, dính bẩn, có vết mực có thể không được chấp nhận. Đổi tiền ở chợ đen là phạm pháp, nếu bị phát hiện sẽ bị trục xuất khỏi Myanmar.
6. Y tế và bảo hiểm y tế
 Cơ quan y tế Myanmar yêu cầu du khách phải có chứng nhận miễn dịch bệnh tả và sốt vàng đối với khách du lịch đi qua khu vực có dịch trong vòng 9 ngày trước khi nhập cảnh Myanmar. Khi nhập cảnh nếu du khách bị sốt cao, nôn mửa  v.v... sẽ phải kiểm tra y tế hoặc điều trị tại Bệnh viện quy định của Myanmar.
Du khách nên mang theo người một số thuốc chữa bệnh thông thường có nhãn mác đúng quy định quốc tế.
            Yangon có các bệnh viện và phòng khám trực thuộc Bộ Y tế hoặc thuộc sở hữu tư nhân. Bệnh viện quốc tế Pun Hlaing là bệnh viện quốc tế đầu tiên ở Myanmar. Bảo hiểm y tế dành cho du khách đang bước đầu được phát triển. Du khách nên mua bảo hiểm tại nước mình hoặc của các tổ chức bảo hiểm quốc tế và thông báo cho Công ty lữ hành Myanmar về địa chỉ liên lạc cho các vấn đề bảo hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
7. Cư trú
Du khách nước ngoài không được ở tại nhà dân tại các khu dân cư, chỉ được ở tại các khách sạn, nhà trọ, và các địa điểm được cấp phép.
8. Những điều cần lưu ý khác
Trang phục
Trừ một số khu vực phía Bắc giá lạnh về mùa đông, các thành phố lớn và các điểm du lịch khác trên đất nước Myanmar quanh năm ấm áp (nóng bức vào mùa hè), vì vậy du khách không cần đem theo nhiều quần áo chống rét.
Mua sắm
Tại Myanmar có những mặt hàng hấp dẫn với khách du lịch với giá hợp lý. Du khách mua đồ lưu niệm cần mặc cả giá rõ ràng. Tại các thành phố lớn, du khách có thể tìm được nhiều mặt hàng có giá cả hợp lý tại các khu chợ - tiếng Myanmar gọi là zei hoặc zay. Du khách nên mang USD thay cho thẻ tín dụng. Với nhiều siêu thị, cửa hàng, du khách cũng có thể mua sắm đồ tiêu dùng rất thuận tiện.
Tập quán tôn giáo, văn hóa
Khi thăm các đền chùa và các khuôn viên tôn giáo khác của Phật giáo, khách du lịch phải để đầu trần và đi chân đất, không đội mũ, đi giày dép, đi tất, không được mặc quần sock, áo phông quá mỏng, váy quá ngắn vào đền chùa, cá biệt có nơi không cho phép phụ nữ đến gần ban thờ và trực tiếp thắp hương. Cung tiến vào Hòm công đức là tự nguyện và tùy tâm của du khách.
Du khách cần tìm hiểu quy định về thời gian, địa điểm được chụp ảnh nếu có, nên xin phép người được chụp ảnh, quay phim.
Tôn kính tăng ni (tiếng Myanmar gọi là Sangha) và người già, quan tâm để trẻ em là tập quán của người Myanmar. Du khách khi tiếp xúc với các nhà sư, không nên bắt tay mà chắp tay chào.
            Theo phong tục Myanmar, cần bỏ giày dép trước khi bước vào nhà. Chào nhau kèm với một nụ cười là tập quán phổ biến của người Myanmar. Khi đi thăm các làng bản nông thôn, miền núi, du khách nên tìm hiểu trước và thể hiện sự tôn trọng đối với truyền thống và tập quán của địa phương.
Khi quay phim chụp ảnh người dân địa phương, du khách nên tránh các hình ảnh ghi lại sự yếu kém lạc hậu của họ.
Kiểm soát an ninh
Để đảm bảo môi trường an toàn, an ninh, du khách nên chấp nhận và hợp tác kiểm tra an ninh với nhân viên công vụ Myanmar. Du khách nước ngoài được phép đi đến các địa điểm du lịch theo quy định tại Myanmar.
 Trước khi khởi hành tới một địa điểm mới, du khách nên hỏi thông tin chính xác từ cơ quan quản lý hoặc hướng dẫn viên du lịch được cấp phép.
            Khách du lịch quốc tế không nên tiếp xúc với các nhân vật hoạt động chính trị, thăm văn phòng và nhà ở, cũng như tham gia các hoạt động chính trị của các nhân vật này.
            Luật pháp Myanmar cấm mang vào hoặc đem ra khỏi Myanmar các tài liệu, ảnh chụp, đĩa VCD, CD thuộc thể loại các hoạt động chống chính phủ. Cấm chụp ảnh tại các khu vực hạn chế, công sở và bưu điện, nhân viên an ninh và hoạt động của họ. Sử dụng, buôn bán ma túy, rửa tiền, buôn bán cổ vật, vận chuyển hoặc mua bán các vận phẩm cấm sẽ phải chịu án phạt nặng.
Bảo vệ trẻ em
Giống như các nước ASEAN, Myanmar nghiêm cấm xâm hại tình dục trẻ em, người vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Đối tượng phạm pháp sẽ bị trục xuất về nước để chịu xét xử.
Tham gia giao thông
Người nước ngoài cần có biện pháp tự bảo đảm an toàn khi di chuyển bằng phương tiện có động cơ hoặc tàu thuyền. Chỉ được phép lái phương tiện có động cơ khi có giấy phép phù hợp.
Liên hệ với các cơ quan của chính phủ
Bất kỳ cuộc gặp nào giữa người nước ngoài với quan chức và cơ quan chính phủ Myanmar đều phải được hẹn trước.
Bảo vệ môi trường thiên nhiên
Bảo vệ thiên nhiên là nội dung quan trọng trong khái niệm du lịch có trách nhiệm. Khi đến thăm các công viên quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, du khách cần tuân thủ các hướng dẫn về bảo vệ môi trường tự nhiên. Từ chối mua các đồ lưu niệm có xuất xứ từ các loài động thực vật được xếp loại cần bảo vệ.
9. Giao thông
 Đường không
            Sân bay quốc tế Yangon và sân bay quốc tế Mandalay là những cửa ngõ quốc tế chủ yếu tới Myanmar. Từ Yangon có các đường bay trực tiếp tới Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur, Quảng Châu, Đài Bắc, Côn Minh, Xiêm Riệp, Kolkata/Gaya (Calcutta/Bồ đề đạo tràng - Ấn Độ), Chiang Mai và Nam Ninh.
Các hãng hàng không Myanmar Airways International (8M), Thai Airways International (TG), Malaysia Airlines (MH), Silk Air (MI), Air Asia (FD), Indian Airlines (IC), Bangkok Airways (PG), China Airlines (CI), China Southern (CZ), Air China (CA), Vietnam Airlines (VN), China Eastern Airline (MU) phục vụ các chuyến bay định kỳ tới Yangon. Hãng China Eastern Airline (MU) cũng có đường bay Côn Minh-Mandalay-Côn Minh. Hãng Air Bagan có đường bay Yangon - Chiang Mai - Yangon.
 Đường biển
            Các chuyến tàu du lịch đường biển quốc tế có thể cập cảng Yangon, với sự thu xếp của các công ty lữ hành được cấp phép của Myanmar.
 Đường bộ
            Myanmar có chung biên giới trên bộ với Trung Quốc, Lào và Thái Lan ở phía Đông và Đông Bắc, với Bangladesh và Ấn Độ ở phía Tây. Hiện có các cửa khẩu cho phép khách du lịch Trung Quốc và Thái Lan nhập cảnh Myanmar với giấy thông hành, khách du lịch của nước thứ ba xuất phát từ hai nước này nhập cảnh Myanmar phải có hộ chiếu và visa.




[1] Tại cuộc Hội thảo du lịch Việt Nam – Myanmar tổ chức tại Yangon tháng 6/2010, các quan chức Tổng cục Du lịch Myanmar thừa nhận, số khách sạn, số phòng khách sạn và đội ngũ phục vụ du lịch Myanmar chỉ tương đương 1/10 của Việt Nam.

[2] Tượng đồng Hồ Chí Minh do Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đặt Viện bảo tàng Hồ Chí Minh đúc và chở máy bay sang tặng Viện bảo tàng quốc gia Myanmar năm 2009.
[3] Yard: đơn vị đo lường của Anh, tương đương 0,9144 mét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét