Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

“Chúng ta có ngàn cách bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc”

Trong thế giới toàn cầu hóa, đất nước đang đối mặt với những thách thức chưa từng có trong lịch sử. Dưới góc nhìn của nhà sử học, Giáo sư Lê Văn Lan đã có cuộc trao đổi với Báo GTVT về bản sắc Việt Nam và những cách ứng xử của dân tộc trước các vấn đề thời cuộc.
“Đẩy thuyền đi là dân”
PV: Nguyễn Trãi đã từng tâm niệm: “Đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Bác Hồ cũng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Giáo sư suy nghĩ như thế nào về từ “dân” trong những câu nói trên?
GS. Lê Văn Lan
GS. Lê Văn Lan
GS. Lê Văn Lan: Trước tiên, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi là đệ tử của Nho giáo, môn sinh của Nho học. Câu nói nổi tiếng của Nguyễn Trãi cũng xuất phát từ học thuyết “dân vi quý” (dân là quý) của Khổng Tử, Mạnh Tử.
Một lần, Nguyễn Trãi ra cửa biển Bạch Đằng và đã viết bài thơ “Quan hải” (Ngắm biển). Nơi đó vẫn còn vết tích trong trận bại chiến của Hồ Quý Ly chống Trương Phụ và Mộc Thạnh nhà Minh. Trước sự thất bại của Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi ngộ ra điều đã ăn sâu trong tâm hồn, trí tuệ bấy lâu nay: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (lật thuyền mới biết sức dân như nước - đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân). Ông đúc kết điều đó trên nền tảng Nho giáo với học thuyết “dân vi quý”, nhưng quan trọng hơn cả là thực tiễn của dân tộc, nhân dân Việt Nam.
Câu nói của Bác Hồ “Dễ trăm lần không dân cũng chịu...” một lần nữa ôn lại lịch sử dân tộc và cả học thuyết phương Đông mà Người cũng là đại diện xuất sắc. Bác Hồ có nôm na hơn nhưng vẫn nằm trong phạm trù học thuyết “dân vi quý”. Những câu nói này là trí tuệ, là kinh nghiệm, lịch sử của phương Đông nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng.
“Mong hố tử thần đừng xuất hiện trên con đường đi lên của dân tộc”
PV: Đảng từ nhân dân mà ra, vì dân tộc và nhân dân mà thực hiện những nhiệm vụ cao cả. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận cán bộ, đảng viên có thái độ quan liêu, tham nhũng, xa rời cuộc sống của người dân. Giáo sư suy nghĩ như thế nào về điều đó?
GS. Lê Văn Lan: Dân tộc ta có một Võ Nguyên Giáp vĩ đại, cả thế giới phải nể phục vì ông có chiến lược Quân đội nhân dân, chiến tranh nhân dân. Tất cả từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Trong Cách mạng tháng Tám, dân số nước ta có khoảng 23 triệu người trong đó đảng viên là 5.000 người. Điều này cho thấy đây thực sự là cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân. Là một bộ phận trong cuộc cách mạng nhưng Đảng là tinh hoa, được dân tộc và nhân dân giao cho sứ mạng giải phóng dân tộc, giai cấp. Bài học cách mạng do dân làm chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Thế nhưng hiện nay, bệnh sách nhiễu, quan liêu, coi thường dân chúng đã nảy sinh ra những điều rất đáng sợ, trong đó có cái gọi là “kỹ thuật uốn éo” để che lấp sự giả tạo. Họ quên mất nền tảng “dân vi quý”, quên mất mình là ai trong hàng triệu người dân.
Chúng ta đang dần “nhãng” bài học của Cách mạng tháng Tám với vai trò quyết liệt, vĩ đại, thường hằng của dân tộc và nhân dân. Rất mừng là giờ đây, Đảng ta đã nhận ra những phân tách, những đường rạn nứt nhỏ thôi, giống như bức tường gặp rung động để kịp chấn chỉnh. Nghị quyết T.Ư IV vô cùng sáng suốt và dũng cảm đã nói ra những sa sút về phẩm chất của một bộ phận cán bộ. Chưa đến mức nguy biến, nguy cấp nhưng đã xuất hiện nguy cơ và đây là hòn đá thử vàng.
PV: Soi lại lịch sử, có sự kiện nào mà chúng ta kịp thời chấn chỉnh, “thanh lọc” để xây dựng Đảng vững mạnh, thưa Giáo sư?
GS. Lê Văn Lan: Cuộc cải cách ruộng đất những năm 1955 - 1956, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số sai lầm và Bác Hồ đã chân thành nhận sai lầm. Khi nhìn thấy những giọt nước mắt của Người, lúc ấy nhân dân thương Bác vô cùng và đã tha thứ ngay. Đây chính là bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện Nghị quyết T.Ư IV. Đừng lèo lá, xảo thuật, mỗi người hãy chân thành nhận khuyết điểm, đừng coi mình là một thế lực, xa rời hoặc tách biệt ra với cái vĩnh hằng, vĩ đại là nhân dân.
Tôi mong rằng “hố tử thần” chỉ ở đường Lê Văn Lương chứ đừng xuất hiện trên con đường đi lên của dân tộc. Với sự tổng kết lịch sử, cặp mắt và phương pháp nhìn lịch sử, tôi có thể nói như thế.
Ảnh: Trọng Thiết
Ảnh: Trọng Thiết
Phải giữ sự trường tồn và phát triển của dân tộc
PV: Biển Đông đang “dậy sóng”. Ngẫm chuyện nhân tình thế thái, Giáo sư thấy điều gì?
GS. Lê Văn Lan: Tự bao đời, nhân dân ta là vĩ đại, vĩnh hằng, là hồn nhiên như thế. Họ sẵn sàng xả thân, cống hiến với ngàn phương cách của mình để giữ chủ quyền, giữ biển đảo thiêng liêng của dân tộc. Vấn đề là những người lãnh đạo có đồng hành với họ không hay tự coi mình thành một thế lực tách biệt với họ.
PV: Giáo sư suy nghĩ như thế nào về câu nói “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” hoặc “còn cái lai quần cũng đánh”?
GS. Lê Văn Lan: Chúng ta đang đề cập đến một phương diện của lịch sử dân tộc nghìn năm giữ nước là mỗi khi có giặc thì ta đánh nhưng không phải thời nào cũng có giặc đến xâm lược theo nghĩa đen. Như hiện nay, giặc chưa đến xâm lược nhưng thực tế nó âm thầm xâm lược chúng ta đích thực rồi đấy. Lái buôn lũng đoạn thị trường, rồi thì mặt trái của văn hóa tràn vào... Các thế lực đen tối phá phách đất nước ta vì muốn chống lại, kìm hãm sự phát triển của ta. Cho nên, vấn đề lớn hơn chuyện đánh đấm là phải giữ gìn sự trường tồn và phát triển của dân tộc, của lịch sử, giống nòi Việt Nam chúng ta.
Trong thời kỳ chống Bắc thuộc, hung tướng Mã Viện sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thì làm một việc cực kỳ tệ hại là “Mã lưu nhân”. Chính sách thâm độc này đã bắt những người đàn ông nước Việt sang Trung Quốc đi phu và để những người đàn ông phương Bắc lại phương Nam để đồng hóa. Như vậy, cuộc đấu tranh giữa hai dân tộc, hai xã hội, hai cộng đồng người bị đô hộ và đi đô hộ thu vào từng gia đình một và người quan trọng để giữ nòi giống dân tộc là người phụ nữ. Đầu gối tay ấp ấy nhưng đây là 1 cuộc chiến tranh không có tiếng súng. Không cần đánh, họ giữ chặt gia đình, giữ lấy những đứa con để giữ gìn giống nòi. Dân tộc này đã có lúc thông qua những người phụ nữ còn sống sót lại làm nhiệm vụ chống Bắc thuộc như thế.
Chúng ta có vô vàn phương cách để bảo vệ sự độc lập, chủ quyền và phát triển của dân tộc. Đó là bản sắc của dân tộc và nhân dân Việt Nam.
P.V: Cảm ơn Giáo sư!
Ngọc Khánh (Thực hiện)
http://www.baomoi.com/Home/XaHoi/giaothongvantai.com.vn/Chung-ta-co-ngan-cach-bao-ve-doc-lap-chu-quyen-dan-toc/9227267.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét