Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Khủng hoảng ASEAN – Chúng ta nghiêng ngả do bị chia rẽ

Liệu Indonesia có hàn gắn được vết nứt ngày càng sâu ở Đông Nam Á?

Người dịch: Đan Thanh
18-8-2012
Jakarta, Phnom Penh và Singapore – Suốt nhiều thập niên qua, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tồn tại gần như là không chê trách được gì, không có vấn đề gì nhờ cái vẻ công khai bề ngoài, trong khi họ lặng lẽ tìm cách tăng cường tính thống nhất của một khu vực có những khác biệt khổng lồ về chính trị và kinh tế.
Những thăng trầm, thảm họa… chẳng hạn như của EU, không phải là dành cho ASEAN. Tất cả những điều đó giờ đây đã đột ngột thay đổi. Vào dịp kỷ niệm 45 năm thành lập, báo chí và mạng xã hội cuối cùng đã đổ dồn sự chú ý vào ASEAN, mặc dù lễ kỷ niệm được đánh dấu bằng nhiều thất vọng hơn lời khen tặng. Một số người thậm chí còn đặt câu hỏi về chính sự tồn tại của ASEAN.
Nguyên nhân của tương lai này là sự chia rẽ ngày càng lớn giữa 10 thành viên hiệp hội, về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Sự chia rẽ đó bị bóc trần tại một hội nghị các ngoại trưởng ASEAN, tổ chức tháng trước ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Lần đầu tiên trong lịch sử, ASEAN không ra được một bản tuyên cáo chung. Các thành viên ASEAN không nhất trí được với nhau về việc phải nói gì về Trung Quốc. Nói chung, các thành viên có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông – gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, thêm sự ủng hộ từ Singapore và Thái Lan – muốn ASEAN thể hiện mối lo ngại nghiêm túc về điều mà họ coi là hành động hiếu chiến của Trung Quốc nhằm thực thi yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, các đảo và vỉa san hô khác. Tuy nhiên, những nước không có yêu sách, chủ yếu là Campuchia, với sự ủng hộ của Lào và có lẽ cả Myanmar, đều miễn cưỡng, không muốn làm Trung Quốc ghét. Họ tán thành việc Trung Quốc khăng khăng đòi xử lý vấn đề với riêng từng nước. Năm nay, Campuchia giữ ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Ngay sau thất bại ở Phnom Penh, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Marty Natalegawa, trong một nỗ lực mạnh mẽ về ngoại giao, đã cố sức hàn gắn những vết nứt. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, đã không còn khoảng lặng nào trong một cuộc chỉ trích công khai, chẳng giống ASEAN ngày trước nữa. Tuần trước, chính phủ Philippines đã mời đại sứ Campuchia đóng vali về nước. Vị đại sứ này trước đó đã lên án Philippines và Việt Nam chơi trò “chính trị bẩn” khi đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của ASEAN. Báo chí khu vực đầy những bài báo và xã luận phê phán lập trường của Campuchia.
Các thành viên ASEAN từng hy vọng có thể vượt qua khủng hoảng bằng cách lập ra một “bộ quy tắc ứng xử” trên Biển Đông, tuy nhiên, Trung Quốc lại từ chối thảo luận sáng kiến này, cho đến khi “các điều kiện đã chín muồi”, theo lời họ. Trong khi đó, tâm trạng u ám tràn ngập trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh toàn thể ASEAN, tổ chức vào tháng 11 sắp tới. Lần này, các nước cần phải thống nhất một lập trường chung để sử dụng trước công luận, tránh một cuộc tranh cãi khó coi. Nhưng điều này vẫn để lại nhiều không gian cho những nỗi phiền muộn riêng.
Đặc biệt, một vài nhà ngoại giao đặt câu hỏi, liệu Campuchia có đang nằm trong túi áo Trung Quốc và tình hình là không thể cứu vãn không? Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là dấu chấm hết cho “đồng thuận ASEAN” nổi tiếng, theo đó tổ chức này có quyền ra quyết định. So với hầu hết các nước khác trong khu vực, Campuchia dựa nhiều hơn cả vào tiền đầu tư và những lời tán tỉnh của Trung Quốc. Bây giờ thì người ta cho rằng Campuchia sẽ vâng lệnh Bắc Kinh. Một nhà ngoại giao Campuchia bảo rằng ngay cả chính phủ của ông ta cũng ngạc nhiên thấy Trung Quốc gây sức ép nhanh và mạnh đến thế để buộc chính phủ Campuchia phải bảo vệ quan điểm của họ tại hội nghị thượng đỉnh thất bại vừa qua. Nước Lào nhỏ bé cũng phụ thuộc rất nhiều vào tiền và thiện chí của Trung Quốc, và Myanmar cũng vậy. Như một nhà văn/ nhà báo đã viết, Trung Quốc có thể đã giành được “quyền phủ quyết của nước ngoài cuộc” đối với các vấn đề của ASEAN một khi lợi ích của Trung Quốc bị đe dọa.
Do đó, hiệp hội có thể trở thành nạn nhân của một thời đại cạnh tranh mới giữa các siêu cường trong khu vực. Cho tới gần đây, hiệp hội đã đạt được những tiến bộ vững chắc trong việc xây dựng mình trở thành diễn đàn chính cho các cuộc đối thoại và thảo luận toàn châu Á, chủ trì hội nghị thượng đỉnh Đông Á chẳng hạn, trong số rất nhiều phiên trao đổi khác. Tuy nhiên, giờ đây, dường như hiệp hội đã bị mắc kẹt giữa một bên là nước Trung Hoa đang trỗi dậy và một bên là nước Mỹ mới tham gia trở lại châu Á để tìm cách cân bằng lại tình hình đối với Trung Quốc.
Đặc biệt, Philippines và Việt Nam hiện nay đang công khai hướng về Mỹ để tìm kiếm sự hỗ trợ về quân sự và ngoại giao, trong lúc hai nước đương đầu với một Trung Hoa quyết liệt ở một vùng biển đầy rắc rối. Mặc dù Campuchia và Lào đã đứng cùng bên với Trung Quốc, và có lẽ Myanmar rồi cũng đi cùng đường đó, nhưng Thái Lan và Philippines lại là đồng minh hiệp ước của Mỹ, và Mỹ thì cũng đang phục hồi lại các mối quan hệ quân sự với Singapore. Người ta lo sợ rằng những người bạn trung thành này sẽ thắng sự hấp dẫn mơ hồ của ASEAN cùng với nỗ lực của hiệp hội nhằm đẩy mạnh một mối liên minh gần gũi hơn.
Tai họa tiềm tàng có thể thấy rõ nhất sẽ là sự thúc đẩy hình thành một thị trường duy nhất theo kiểu châu Âu, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), theo dự tính sẽ chính thức ra mắt chỉ trong ba năm nữa. Ông Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, chỉ ra rằng, trong số 132 đoạn của tuyên bố Phnom Penh chưa được công bố, chỉ có bốn đoạn (paragraph) là có liên quan đến chuyện tranh cãi về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Nhiều phần trong số còn lại là về hội nhập kinh tế và thương mại. Tất cả những phần đó giờ đã bị mất. Thậm chí không có khả năng là AEC sẽ bắt đầu đúng lúc, chứ đừng nói tới việc vận hành hiệu quả. Chương trình nghị sự rộng lớn hơn của ASEAN đã chìm nghỉm vào [vấn đề] Biển Đông.
Chỉ có Indonesia là có thể mang lại kết quả tốt. Đất nước rộng lớn này của khu vực là nơi cung cấp một trụ sở cho ban thư ký ASEAN, ở giữa thủ đô Jakarta. Một mình Indonesia dường như cũng nhận thấy gánh nặng trách nhiệm trong việc hàn gắn cả tổ chức lại với nhau. Dewi Fortuna Anwar, một vị cố vấn cao cấp về chính trị và các vấn đề quốc tế cho chính phủ Indonesia, lập luận rằng, chuyện tranh cãi về Biển Đông “là một bài học tốt cho ASEAN, bài học về cách sống trong thế giới thực, với những đấu thủ lớn và những vấn đề lớn. Đó là một phần của sự trưởng thành”.
Hiện tại, ASEAN đang rất thiếu tiền. Thành viên của nó đóng góp những khoản không đáng kể để duy trì trạng thái hoạt động ì ạch, với suy nghĩ rằng ASEAN sẽ chẳng bao giờ phải làm gì nhiều. Tuy nhiên, giờ đây, một số nhà hoạch định chính sách Indonesia lập luận rằng, với việc toàn bộ ý niệm về đoàn kết khu vực đang bị đe dọa, đã đến lúc phải chăm nuôi tổ chức ASEAN và mang đến cho nó cơ chế, tiền bạc, nhân lực cần thiết để có tiếng nói mạnh mẽ hơn vì lợi ích khu vực. Bởi vì như bà Anwar đã nói, “nếu các nước thành viên không quan tâm đúng mức tới ASEAN, thì tại sao các siêu cường khác phải chiều ý ASEAN?”.
Nguồn: The Economist
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét