Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Giáo sư – Tiến sỹ Wilfried Lulei


 Trần Ngọc Quyên
 nguyên Tham tán Công sứ Đại sứ quán VN tại CHLB Đức.
 
 GS-TS Wilfried Lulei, sinh ngày 07.9.1938, là một trong số rất ít nhà Việt Nam học hàng đầu ở nước Đức, là người có đóng góp to lớn trong việc xây dựng Bộ môn Việt Nam học từ đầu những năm 1970 và sau đó là Giám đốc Viện Đông Nam Á (1978-80) và (1986-1994), giáo sư kỳ cựu về Việt Nam học tại trường Đại học Tổng hợp Humboldt Berlin (HUB). Trong thời gian trên GS Lulei cùng tập thể Viện ĐNA đã có công đào tạo hàng trăm sinh viên chuyên ngành Việt Nam học và bản thân ông đã trực tiếp làm người hướng dẫn cho 24 nghiên cứu sinh Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia tại HUB.

Về chuyên môn, GS Lulei đã có nhiều công trình nghiên cứu, viết hoặc chủ biên nhiều sách, viết nhiều bài đăng trên các báo, tạp chí khoa học... về đề tài Việt Nam, đặc biệt về lịch sử và sách tra cứu về Việt Nam... GS Lulei đã chủ trì tổ chức một số hội nghị khoa học quốc tế về Việt Nam tại Đức và năm 1990 ông đã được mời tham dự Hội nghị quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người; tại hội nghị này ông đã đọc tham luận rất sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ông lại được mời tham dự Hội nghị quốc tế tại Hà Nội, ông cũng được mời sang Việt Nam dự các hoạt động kỷ niệm 35 ngày giải phóng hoàn toàn miề Nam, nhưng rất tiếc vì lý do sức khỏe ông không thể tham dự. Năm 1990 ông là đồng Chủ biên cuốn sách có tựa đề „Hồ Chí Minh – Một cuộc đời cách mạng“ (nhưng do các biến cố chính trị tại CHDC Đức lúc đó nên cuốn sách này không được xuất bản).
GS Lulei có quá trình hoạt động đoàn kết với Việt Nam liên tục từ những năm 60 của thế kỷ trước: năm 1965 ông là người tham gia thành lập Ủy ban Việt Nam bên cạnh Ủy ban Đoàn kết Á – Phi của CHDC Đức; Ủy ban này đã có những đóng góp rất to lớn về tinh thần và vật chất cho nhân dân Việt Nam từ 1965 đến khi thống nhất nước Đức (1990). Sau đó, từ năm 1993 GS Lulei đã tham gia xây dựng và lãnh đạo Chi hội Berlin – Brandenburg của Hội Đức – Việt (DVG). Từ năm 1996 ông liên tục là ủy viên Ban chấp hành Trung ương của DVG, từ năm 2002 là Phó Chủ tịch và hiện nay là Phó Chủ tịch thường trực của DVG, gánh vác hầu hết công việc hàng ngày của DVG, trong đó có việc hàng tháng ra bản tin „Viet Nam Infos“ và duy trì trang Website của Hội.
Từ năm 1998, tuy nghỉ hưu nhưng GS Lulei vẫn tích cực chủ trì hoặc tham gia nhiều hoạt động lớn liên quan đến Việt Nam như: tổ chức các Ngày kinh tế Việt Nam tại Đức, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tổ chức các cuộc họp mặt hàng năm nhân dịp Tết cho cộng đồng người Việt Nam và bạn bè Đức tại Berlin, tổ chức nhiều hoạt động về Việt Nam nhân dịp Tuần lễ Châu Á – Thái Bình Dương của Bang Berlin diễn ra hai năm một lần, tổ chức nhiều cuộc hội thảo về Việt Nam... Ngoài ra GS Lulei còn làm cố vấn cho một số đài phát thanh và VTTH Đức trong các chương trình về Việt Nam, đặc biệt là cố vấn về chuyên môn cho đài VTTH MDR trong serie phim tài liệu 5 tập „Apokalipse Vietnam“ (Thảm bại ở Việt Nam) về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, được chiếu rộng rãi trên một số kênh truyền hình chính của Đức như ARTE, ZDF, MDR... nhân dịp kỷ niệm 25 năm giải phóng hoàn toàn Việt Nam (2000), được dư luận đánh giá cao. GS Lulei cũng tích cực viết báo, trả lời phỏng vấn; tham gia thuyết trình và tham dự nhiều cuộc tổ chức khác về Việt Nam. Với kinh nghiệm dạy tiếng Việt lâu năm và am hiểu về Việt Nam GS Lulei còn phụ trách việc dạy tiếng Việt cho hàng trăm Tình nguyện viên của tổ chức Dịch vụ Phát triển của Đức (DED) trước khi họ sang Việt Nam làm chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau tại hầu hết các địa phương của nước ta.
Gần đây do sức khỏe giảm sút GS Lulei đã thôi giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực Hội Đức – Việt, nhưng ông lại đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Hội. Ở cương vị mới này, với bề dày kiến thức về Việt Nam và kinh nghiệm thực tế 50 năm quan hệ với Việt Nam, ông có thể tư vấn cho BCH Hội những gợi ý và kinh nghiện rất bổ ích.
Là một nhà sử học, ông luôn ấp ủ nghiên cứu về mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nước Đức từ những năm 20 của thế kỷ trước. Sau nhiều năm sưu tầm tư liệu, ông đã cùng Axel Friedrich, cử nhân Việt Nam học (vốn là một sinh viên cũ của ông tại Viện Đông Nam Á của trường Đại học tổng hợp Humboldt tại Berlin) và với sự hỗ trợ của tác giả bài này mới đây đã hoàn thành công trình nghiên cứu „HỐ CHÍ MINH VÀ NƯỚC ĐỨC“. Tiểu luận này, nếu in thành sách sẽ có độ dày khoảng gần 100 trang. được coi là những kết quả nghiên cứu bước đầu làm cơ sở cho một quyển sách có quy mô lớn hơn mà hai ông dự kiến sẽ hoàn thành trong tương lai.
Tiểu luận „Hồ Chí Minh và nước Đức“ gồm các phần chính sau:
1.     Dẫn luận
2.     Những mối quan hệ đầu tiên (của Hồ Chí Minh) với người Đức và nước Đức
3.     Người rất quan tâm nghiên cứu lịch sử châu Âu và phong trào công nhân ở nước Đức
4.     Người Đức trong quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương thời thuộc Pháp
5.     Gặp gỡ các chính khách; các nhà báo, chuyên gia, nhà khoa học CHDC Đức
6.     Cuộc đi thăm chính thức CHDC Đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1957
7.     „Hồ-Hồ-Hồ-Chí Minh“ – biểu tượng của phong trào đoàn kết với Việt Nam ở CHLB Đức năm 1968 (và thập niên 70)
8.     Hồ Chí Minh và người Đức ngày nay 
Nội dung đầy đủ của Tiểu luận „Hồ Chí Minh và nước Đức“ sẽ được chúng tôi đề cập trong một bài viết khác sau này.
Ở Đức tuy đã có một số sách và khá nhiều bài báo viết về Hồ Chí Minh *) nhưng chủ yếu là viết về tiểu sử, thân thế, sự nghiệp của Người hoặc những ấn tượng, cảm xúc, kỷ niệm... của các cá nhân đã có dịp được gặp Hồ Chí Minh mà hầu hết mọi người cũng gọi là Bác Hồ như người Việt Nam chúng ta gọi Bác kính yêu. Tuy nhiên chưa có một cuốn sách hay tài liệu nào đi sâu nghiên cứu một cách hệ thống và khá toàn diện mối quan hệ của Hồ Chí Minh với nước Đức từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước đến khi Người qua đời và hình ảnh của Người vẫn in đậm trong trái tim nhiều người dân Đức cho đến tận ngày nay.

Với những đóng góp to lớn của mình cho phong trào đoàn kết giúp đỡ Việt Nam và tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, GS Lulei đã được Chủ tịch nươc ta tặng thưởng Huy chương Hữu nghị.

Trần Ngọc Quyên
Nguyên Tham tán – Công sứ Việt nam tại Đức



*) Tác giả bài này đã sưu tầm được một số sách và gần đầy đủ các bài báo tiếng Đức (từ sau 1945 đến nay) viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh để tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét