Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Chỉ tại cái quy trình!

Theo Pháp Luật, 3/6/2012 


Tiếp nối câu chuyện mà Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh gọi là “như chuyện đùa”, các quan chức của Bộ GTVT, Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ liên tiếp đăng đàn giải thích về việc bổ nhiệm vị cục trưởng đang bỏ trốn.
Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: “Không có quy định nào nói rằng một doanh nghiệp đang trong quá trình thanh tra thì không được bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ. Việc bổ nhiệm ông Dũng là đúng quy trình, thẩm quyền. Các hồ sơ khi báo cáo lên chưa có thông tin về sai phạm của ông Dũng”. (VnExpress, 27-5)
“Đúng quy trình”, “đúng pháp luật”, “đúng chỉ đạo”,… là những cách giải thích thường thấy của các quan chức khi đứng trước những nghi ngờ của dư luận, là tấm bình phong có vẻ hợp lý nhất để che chắn cho họ trước áp lực của chính trường.
Đầu tháng 4, giải thích cho vụ bê bối liên quan đến tư cách đại biểu Quốc hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng toàn bộ quy trình hiệp thương từ vòng 1 đến vòng 3 đều được tiến hành đúng luật. Kết quả là sau đó, Quốc hội đã phải biểu quyết miễn nhiệm bà Yến với lý do khai báo hồ sơ không trung thực.
Vào thời kỳ trước Đổi mới, các quyết định điều hành nền kinh tế cũng đã được các nhà lãnh đạo thực hiện đúng quy trình, kết quả là chúng ta đã cán mốc lạm phát hơn 450% vào năm 1986 và đứng trước nguy cơ sụp đổ toàn bộ nền kinh tế. Tại Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ VI, các chính sách kinh tế kế hoạch hóa tập trung đó đã bị phê phán và dần bị thay thế bởi cơ chế kinh tế thị trường.
Với quá nhiều bê bối từng diễn ra trong một quá khứ không xa, Việt Nam tỏ ra là một đất nước có nhiều kinh nghiệm đối với các loại quy trình gây ra thảm họa. Khi một quyết định được khẳng định là ban hành đúng quy trình nhưng cuối cùng lại gây ra thiệt hại, thì cách giải thích duy nhất là bản thân quy trình ấy và cơ chế ban hành ra quy trình ấy có vấn đề. Quy trình, pháp luật, hay chỉ đạo đều chỉ là công cụ chứ không phải là mục đích của quản lý xã hội. Đứng trước một thiệt hại đã xảy ra trên thực tế xuất phát từ một quy trình kém chất lượng, một quan chức có trách nhiệm là người đốc thúc cải tiến quy trình, đề xuất các giải pháp pháp lý để hoàn thiện quy trình, chứ không phải viện dẫn đến quy trình như một hành xử chính trị thuần túy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét