Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Bà SYBILLE WEBER, một người Bạn đầy tâm huyết với Việt Nam




 Anh Trần Ngọc Quyên, nguyên Tham tán Công sứ tại Đại sứ quán Việt Nam ở CHLB Đức, mới vừa gửi cho Thăng Sắc một loạt bài vinh danh những người bạn Đức đã có công xây đắp vun trồng tình hữu nghị Việt-Đức. Anh còn hứa sẽ gửi cho Thăng Sắc một bài viết rất hay về Kim Phúc, nhân dịp 40 năm bức ảnh"em bé bom na-pan".
Lều Văn xin cám ơn anh Quyên và xin giới thiệu với bạn bè loạt bài của anh. 
Bà SYBILLE WEBER,
một người Bạn đầy tâm huyết với Việt Nam

Bà Sybille Weber, một người Bạn đầy tâm huyết của nhân dân Việt nam tại CHLB Đức, đã qua đời ngày 10.10.2008, thọ 82 tuổi.
Cuộc đời của Bà gắn liền với phong trào đoàn kết với Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua, đặc biệt là từ năm 1965, khi tổ chức „Hành động giúp đỡ Việt Nam“ (HAV) được thành lập và Bà liên tục là Tổng thư ký cho đến ngày tổ chức này ngừng hoạt động năm 2000. Ngoài ra Bà còn là hội viên sáng lập và liên tục là Ủy viên BCH Hội Hữu nghị Đức với Việt Nam (FG) từ khi thành lập (1976).


Sau chiến tranh thế giới thứ II bà Weber đã tích cực hoạt động trong phong trào hòa bình, chống chiến tranh và chạy đua vũ trang. Năm 1965, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở miền Nam và leo thang chiến tranh ra miên Bắc, để phối hợp và tăng cường các hoạt động chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và đoàn kết với nhân dân Việt Nam, Bà và các lực lượng tiến bộ ở Tây Đức cuối tháng 8.1965 đã thành lập tổ chức „Hành động giúp đỡ Việt Nam“ngày 02.9.1965, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm  Quốc khánh VNDCCH đã ra lời kêu gọi nổi tiếng „Hãy giúp đỡ Việt Nam“. Tổ chức này mà nòng cốt là bà Weber, một kỹ sư ngành dệt lúc đó mới 40 tuổi, đã thu hút được sự tham gia của nhiều nhân sỹ, trí thức, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của CHLB Đức, trong đó có ba người từng được giải thưởng Nobel và đông đảo nhân dân, đặc biệt là các cụ già và lực lượng trẻ trong „Thế hệ Việt Nam“ tham gia. Chủ tịch đầu tiên của HAV là Mục sư Niemoeller, nguyên là Chủ tịch Hội đồng nhà thờ thế giới, một nhân sĩ nổi tiếng ở CHLB Đức.

Hoạt động nổi bật của HAV do bà Weber điều hành là vận động quyên góp giúp đỡ vật chất cho nhân dân Việt Nam. Ngay trong những năm chiến tranh, HAV đã xây dựng được một mạng lưới những người đóng góp thường xuyên cho quỹ đoàn kết với Việt Nam (mỗi tháng chuyển vào tài khoản đoàn kết một khoản tiền nhất định), kể cả những người có thu nhập thấp. Mạng lưới này được duy trì trong suốt hàng chục năm, kể cả sau khi chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Bà đặc biệt có „tài“ trong việc thuyết phục cả các công ty, tập đoàn lớn đóng góp ủng hộ Việt Nam. Ngoài ra HAV, truớc hết là bà Weber, còn có nhiều hình thức hoạt động khác nhau để gây quỹ đoàn kết như tổ chức „Cửa hàng Việt Nam“ bán các hàng thủ công mỹ nghệ và hàng hóa khác của Việt Nam, bán đấu giá tranh ảnh của các nghệ sỹ hiến tặng...; tổ chức các quầy hàng Việt Nam tại các lễ hội, nhất là dịp lễ Giáng sinh góp nhặt từng đồng cho quỹ đoàn kết. Nhờ kiên trì vận động và bằng nhiều hoạt động quyên góp rất phong phú, trong 35 năm hoạt động HAV đã quyên góp được khoảng 200 triệu DM/EURO tiền mặt và một khối lượng lớn hàng viện trợ vật chất không thể thống kê hết giá trị ủng hộ Việt Nam. Đặc biệt, HAV là tổ chức duy nhất ở CHLB Đức đã cung cấp nhiều thiết bị y tế và thuốc men quan trọng cho Việt Nam trong chiến tranh (cung cấp phần lớn nhu cầu thuốc ký-ninh chống sốt rét cho chiến trường miền Nam hồi đó). Sau chiến tranh, HAV và cá nhân Bà Weber đã tập trung mọi nỗ lực giúp đỡ Việt Nam hàn gắn vêt thương chiến tranh với khoảng 100 dự án lớn nhỏ rải khắp các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt ở các tỉnh miền núi, nông thôn và dành cho các đối tượng đặc biệt như phụ nữ, trẻ em ... Trọng tâm giúp đỡ của HAV là lĩnh vực y tế (chiếm khoảng 80%), giáo dục và bảo vệ môi trường, điển hình là các cơ sở y tế như Bệnh viện Nhi Hải Phòng, Khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Trung ương và Bệnh viện Đại học Huế, Bệnh viện lao Thái Bình, Bệnh viện Cần Thơ, Trung tâm y tế Thị xã Bắc Giang, các Bệnh viện huyện Kiến Xương (Thái Bình), Bảo Thắng (Lào Cai)...; nhiều truờng học và trạm y tế ở các tỉnh miền núi và Đồng bằng sông Cửu Long; các Trung tâm, trường dạy nghề ở Nghệ An và Hà Tây (cũ); dự án „Phục hồi rừng nhiệt đới“ ở Củ Chi... Thông cảm với những khó khăn của chị em phụ nữ thiếu từ cây kim, sợi chỉ, Bà Weber đã đề xướng dự án viện trợ cho Hà Nội một nhà máy sản xuất kim khâu (5 triệu DM), đây là dự án kinh tế duy nhất của HAV, nhưng cũng mang tính chất xã hội thiết thực. Ngoài ra HAV còn giúp đỡ xây dựng 42 xưởng may ở khắp Việt Nam để tạo công ăn việc làm, trước hết là cho phụ nữ. Thật khó mà kể hết các dự án và sáng kiến của HAV và cá nhân Bà Weber, lại càng không thể nói hết tấm lòng của Bà đối với Việt Nam!

Nhưng hoạt động của HAV không chỉ mang tính chất nhân đạo mà còn có thiên hướng chính trị rõ rệt. Trong thời kỳ chiến tranh (1965-1975), HAV đã tổ chức riêng hoặc phối hợp với các lực lượng hòa bình, dân chủ ở Tây Đức tổ chức mỗi năm hàng chục cuộc mít tinh, tuần hành đoàn kết với Việt Nam; các cuộc diễn thuyết ở các trường đại học và nơi công cộng; tổ chức các hội nghị, diễn đàn đoàn kết với Việt Nam, các chiến dịch lấy chữ ký, phân phát tài liệu tuyên truyền lên án cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam..., góp phần tạo nên „Thế hệ Việt Nam“ tại CHLB Đức. HAV không chỉ đoàn kết với Việt Nam, trong những năm cuối bạn còn mở rộng hoạt động sang cả Lào và CPC. Đặc biệt, cuối năm 1979, khi Việt Nam còn bị chính giới một số nước phương Tây, trong đó có CHLB Đức, chỉ trích trong vấn đề CPC, Bà Weber với tài thuyết phục đặc biệt của mình đã vận động được Bà Uta Ranke-Heineman là con gái đương kim Tổng thống Đức luc bấy giờ cùng bà tháp tùng chuyến chuyên cơ chở chuyến hàng đoàn kết đầu tiên của HAV cho nhân dân CPC sau thảm họa diệt chủng. Sự kiện này đã gây tiếng vang lớn trong dư luận ở CHLB Đức lúc đó và HAV càng trở nên có uy tín. Sau đó Bà Uta Ranke-Heinemann càng có thiện cảm với Việt Nam, tích cực tham gia các hoạt động của HAV và là một chỗ dựa tinh thần cho HAV.
         
Có thể nói chưa có một tổ chức đoàn kết nào ở CHLB Đức trước đây có được một mạng lưới những người tham gia và ủng hộ thường xuyên đông đảo như HAV. Cũng chưa có tổ chức nào có thời gian tồn tại và họat động lâu bền như HAV; chưa có tổ chức nào thu được kết quả to lớn cả về vật chất và tinh thần như HAV. Kết quả đó trước hết là nhờ tài tổ chức, vận động, thuyết phục và rất nhiều sáng kiến của cá nhân Bà Weber. Mọi người coi Bà là linh hồn của phong trào đoàn kết với Việt Nam nói chung và của HAV nói riêng. Bà là người hoạt động không mệt mỏi từ ngày đầu thành lập HAV đến khi ốm nặng, suốt đời tận tụy với công việc của HAV nói riêng và phong trào đoàn kết với Việt Nam nói chung. Mặc dù chồng Bà ốm nặng trong nhiều năm, nhưng theo các cộng sự của Bà cho biết Bà không vắng mặt ngày nào tại trụ sở làm việc của HAV. Vợ chồng Bà đã hiến tặng toàn bộ số tiền thừa kế của mình (trên 10 vạn DM) vào quỹ ủng hộ Việt Nam, hai người vẫn sống rất giản tiện trong một căn hộ đơn sơ, hàng ngày vẫn đi làm bằng phương tiện công cộng mặc dù nhà cách nơi làm việc đến gần 20 km.

Bản thân bà Weber đã sang Việt Nam trên 20 lần, nhất là trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Bà đã không ngần ngại đến cả các vùng chiến sự ác liệt như Hải Phòng, Quảng Ninh...tận mắt chứng kiến tội ác của Mỹ ném bom hủy diêt Hà Nội cuối năm 1972... Bà đã được đích thân cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các vị lãnh đạo khác của Việt Nam tiếp với tất cả tình cảm quý mến và đánh giá cao hoạt động đoàn kết của HAV, đặc biệt những đóng góp to lớn và có tính chất quyết định của Bà. Năm 1980 tổ chức HAV và cá nhân Bà Weber đã được Nhà nước ta tặng Huân chương Hữu nghị để ghi nhận những đóng góp to lớn của bạn cho Việt Nam; đó là tổ chức và một trong những cá nhân đầu tiên ở CHLB Đức được nhận phần thưởng cao quý này. Năm 1995 bà là đại biểu duy nhất của CHLB Đức được Chủ tịch nước ta mời sang dự lễ kỷ niệm 50 năm Quốc khánh nước Việt Nam.

Các đối tác và bạn bè Việt Nam có nhiều dịp tiếp xúc và làm việc với Bà Weber đều rất quý mến và cảm phục Bà là người vô cùng tâm huyết và có tình cảm rất đặc biệt đối với nhân dân Việt Nam. Đi đến đâu Bà cũng tranh thủ được tình cảm của mọi người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em, vì Bà luôn đồng cảm với họ, lúc nào cũng trăn trở một điều là có thể làm gì để giúp đỡ họ nhiều hơn. Từ tháng 5.2004 do mắc bệnh nặng Bà phải vào nằm điều trị thường xuyên tại nhà điều dưỡng, sức khỏe ngày càng giảm sút, nhưng Bà vẫn luôn nghĩ tới Việt Nam. Bà rất vui và cảm động khi có bạn bè Việt Nam đến thăm hoặc gửi thư thăm hỏi... Và đặc biệt, Bà đã đề nghị Đại sứ quán ta cung cấp cho Bà một bức ảnh Bác Hồ. Tấm ảnh này luôn được đặt trên đầu giường bệnh của Bà trong suốt bốn năm qua!

Trong di chúc để lại Bà bày tỏ nguyện vọng thiết tha sau khi mất được yên nghỉ vĩnh hằng tại Việt Nam, nơi trái tim và hoạt động đoàn kết của Bà đã gắn bó trọn đời. Chúng ta, ai mà chẳng cảm động trước nguyện vọng đó của Bà và vui mừng khi ý nguyện của Bà đã được đáp ứng.
Ngày14.3.2009, Lễ truy điệu và an táng di hài Bà Weber đã được tổ chức rất trọng thể và đầy tình nghĩa sâu nặng tại nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh (nghĩa trang Lạc Cảnh, Quận Thủ Đức). Tham dự Lễ truy điệu và an táng Bà có Ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị của Việt Nam, Ủy viên thường trực Uỷ ban Công tác về các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Đại diện Hội Hữu nghị Việt – Đức TƯ; Đại diện Lãnh đạo Thành ủy, HĐND và UBND cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan của Thành phố HCM, Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành khác. Đại diện nhiều dự án của HAV tại Việt Nam và đông đảo đối tác, bạn bè thân thiết của Bà Weber cũng như anh chị em Việt Kiều đã từng gắn bó với Bà từ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước... cũng đã đến tiễn đưa Người bạn đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp đoàn kết với nhân dân Việt Nam về nơi an nghỉ cuối cùng !
Tôi rất cảm động khi kết thúc nhiệm kỳ công tác ngoại giao cuối cùng tại CHLB Đưc, trong chuyến thăm chia tay Bà tháng 11.2002 (và không ngờ đó cũng là lần cuối cùng gặp Bà), Bà Weber đã tin cậy giao cho tôi một bộ hồ sơ đầy đủ của HAV từ ngày thành lập 1965 đến lúc giải thể. Sau khi được tin Bà mất tôi đã lần giờ lại các hồ sơ này nhiều lần để viết bài tôn vinh Bà, cung cấp tư liệu cho báo chí, VTTH... Toàn bộ hoạt động phong phú của HAV cũng như hình ảnh Bà Weber, người với cương vị Tổng thư ký đã đóng vai trò quyết định trong mọi hoạt động và kết quả to lớn của HAV trong phong trào đoàn kết với Việt Nam, lại hiện lên như một cuốn phim tư liệu sinh động đầy ắp những kỷ niệm.


(Nguồn: Chuyên san “NGOẠI GIAO NHÂN DÂN VIỆT NAM – ĐỨC”  của Hội Hữu nghị Việt Nam – Đức, 9.2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét