Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Giáo sư Guenter Giesenfeld, người tích cực quảng bá văn học Việt Nam tại Đức

Trần Ngọc Quyên, nguyên Tham tán Công sứ Đại sứ quán VN tại CHLBĐức

Giáo sư Giesenfeld sinh ngày 20.7.1938. Ông đã học tại nhiều trường đại học của Đức và Pháp. Làm luận văn tiến sĩ về khoa học văn học so sánh, từ 1972 là giáo sư về văn học cận đại Đức và khoa học truyền thông (Media) tại Trường đại học Philipps ở Marburg (CHLB Đức), từ 2003 nghỉ hưu. Các trọng tâm nghiên cứu và giảng dạy của ông là văn học Đức, trước hết là trong thế kỷ 19 và 20, văn học đại chúng (Massenliteratur), xã hội học và sư phạm văn học, từ 1975 nghiên cứu và giảng dạy lịch sử điện ảnh , lịch sử VTTH (có nhiều dự án nghiên cứu và ấn phẩm, từng là chủ biên và biên tập tạp chí về khoa học truyền thông tên là AugenBlick). Ngoài ra ông còn là Giáo sư thỉnh giảng tại Salzburg (Áo) và Austin (Texas/Mỹ).


Hoạt động Việt Nam của Giáo sư Giesenfeld bắt đầu trong thời kỳ chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam khoảng cuối những năm 1960: ông đã tham gia các cuộc biểu tình, viết truyền đơn và viết bài về Việt Nam cho các tạp chí từ năm 1968. Năm 1972 ông quay một phim tài liệu về đề tài chiến tranh tâm lý của Mỹ, cùng với Giáo sư Bác sĩ Erich Wulff, người đã giảng dạy 6 năm tại Đại học Huế và sau khi về nước đã viết sách „Những năm dạy học ở Việt Nam“ có tiếng vang trong phong trào đoàn kết với Việt Nam tại CHLB Đức lúc đó. Năm 1976 cùng với một số đại diện khác của phong trào phản đôi chiến tranh (của Mỹ) ở CHLB Đức ông đã thành lập Hội Hữu nghị với Việt Nam (viết tắt là FG) mà Chủ tịch đầu tiên chính là GS. Erich Wulff. Từ năm 1982 đến nay Giáo sư Giesenfeld liên tục được bầu làm Chủ tịch của Hội Hữu nghị với Việt Nam.

Là một tổ chức hữu nghị nên trọng tâm các hoạt động của Hội Hữu nghị với Việt Nam trước hết là đoàn kết và giúp đỡ tinh thần và vật chất dưới hình thức các dự án nhân đạo cho nhân dân Việt Nam suốt hơn 30 năm qua. Hội đã thường xuyên tổ chức các cuộc như mít tinh đoàn kết với Việt Nam, hội thảo, hội nghị, các cuộc nói chuyện, thuyết trình về các chuyên đề, các quầy thông tin về Việt Nam tại các lễ hội...; tổ chức chiếu phim về Việt Nam, xuất bản bản tin định kỳ và lập trang website giới thiệu toàn diện về Việt Nam; mời các đoàn của Hội Hữu nghị Việt - Đức sang Đức dự đại hội thường niên của Hội Hữu nghị với Việt Nam và hoạt động tuyên truyền giới thiệu về tình hình Việt Nam và hoạt động đoàn kết hữu nghị của Hội với nhân dân Đức. Ngoài ra, gần như hàng năm Hội Hữu nghị với Việt Nam còn tổ chức các đoàn nghiên cứu – du lịch với quy mô khoảng 20 người/đoàn sang Việt Nam, giúp các hội viên hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam... Về giúp đỡ vật chất cho Việt Nam hiện nay Hội Hữu nghị với Việt nam  đang hỗ trợ cho:
-         Trung tâm chỉnh hình cho trẻ em bị tàn tật vì Dioxin ở Đà Nẵng ;
-         Trường câm điếc Xã Đàn ở Hà Nội;
-         Cấp học bổng cho học sinh là con em các gia đình nghèo.
Tất cả các hoạt động trên của Hội Hữu nghị với Việt Nam đều nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam tại Đức, làm cho nhân dân Đức ngày càng hiểu hơn về Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết giữa nhân dân hai nước.

Là một người làm phim chuyên nghiệp ông đã có một số phim thuộc các thể loại: Phim truyện (Mèo và Gà, 1975); phim tài liệu đã làm ở nhiều nước như Afghanistan, Ethiopie và trước hết tại Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Nhiều phim đã được chiếu trên VTTH. Năm 1979 ông đã có cơ hội lên Đồng Đăng quay phim khi đang diễn ra vụ đụng độ đầu tiên tại biên giới Việt – Trung ở đó. Phim này cùng với cuộc phỏng vấn ông Xuân Thủy đã được đài truyền hình ZDF chiếu ngay sau đó (ZDF là một trong hai đài truyền hình hệ toàn quốc lớn nhất của CHLB Đức). Từ đó đến nay ông đã rất nhiều lần đến các nước Đông Dương để quay phim. Phần lớn những phim đó đã được VTTH chiếu nguyên bản hoặc từng phần, bao gồm các đề tài sau: nông nghiệp, hợp tác xã, trại cải tạo, văn hóa, chất độc da cam, tôn giáo, đổi mới, múa rối nước... Trong việc làm phim ông  đã hợp tác chặt chẽ với VTTH Việt Nam và Hãng Phim tài liệu ở Hà Nội. Ông nói đã có may mắn gặp và phỏng vấn các chính khách cao cấp của Việt Nam như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các cố Bộ trưởng Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch, Bà Nguyễn Thị Bình...  
          Hội Hữu nghị đã thành lập Dịch vụ phim (Filmdienst) suu tầm và lưu trữ nhiều phim về Việt Nam, nhất là phim tài liệu về đề tài chiến tranh Việt Nam để cung cấp cho các Chi hội và tổ chức ngoài Hội khi có nhu cầu. Nhiều phim đã trở thành tư liệu qúy hiếm đôi khi ngay cả Viện phim/Cục Điện ảnh Việt Nam cũng không có hoặc không còn lưu trữ được. Trong những trường hợp này Dịch vụ phim do Giáo sư Giesenfeld phụ trách lại là người cung cấp phim trở lại cho Việt Nam do mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và lâu năm giữa cá nhân ông với Cục Điện ảnh Việt Nam và Xí nghiệp phim tài liệu và khoa học Trung ương và với nhiều nhà điện ảnh của Việt Nam như NSND Lương Đức...

          Tuy nhiên, xuất bản sách về Việt Nam và sách Việt Nam dịch ra tiếng Đức vẫn luôn là mối quan tâm lớn nhất của ông. Năm 1981 Giáo sư Giesenfeld đã xuất bản cuốn sách Đất nước của những cánh đồng lúa, đó là một cuốn sách về lịch sử chi tiết của ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia) từ khởi thủy đến hiện tại. Cuốn sách được tái bản có bổ sung lần thứ 3 năm 1988. Vào thời điểm đó cuốn sách là một tác phẩm tiêu chuẩn về đề tài này.
Năm 1976 Giáo sư Giesenfeld đã sang thăm Việt Nam lần đầu tiên, sau đó trên cương vị Chủ tịch Hội gần như năm nào ông cũng sang thăm Việt Nam ít nhất một lần. Trong các chuyến đi và các hoạt động của mình ông cũng đã làm quen với nhiều nhà trí thức và khoa học, các văn nghệ sĩ của Việt Nam như: Nguyễn Khắc Viện, Hữu Ngọc, Võ Quý, Lưu Hữu Phước, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê và với Hội Nhà văn Việt Nam. Từ đó ông đã bắt đầu dịch các bài viết và sách Việt Nam ra tiếng Đức  như tác phẩm của Nguyễn Khắc Viện Việt Nam – Một trường thiên lịch sử (do Nhà xuất bản Thế giới phát hành). Giáo sư Giesenfeld là một trong những người dịch và Tổng biên tập bản tiếng Đức tác phẩm này để xuất bản tại Đức, dự kiến trong năm  2010 sẽ  tái bản. Ngoài ra ông cũng là người dịch cuốn sách ảnh „Việt Nam tự giới thiệu“ của Nhà xuất bản Thế giới ra tiếng Đức giới thiệu những thông tin và kiến thức cơ bản về Việt Nam như địa lý, lịch sử, văn hóa, kinh tế và chính trị, xuất bản năm 2005. Đó là những cuốn sách giới thiệu khá toàn diện về Việt Nam.

Bên cạnh các hoạt động đoàn kết và giúp đỡ tinh thần và vật chất (các dự án) cho nhân dân Việt Nam một trọng tâm hoạt động khác của Hội Hữu nghị với Việt Nam là lĩnh vực văn hóa và các dự án về văn học. Hội đã mời các tác giả và nhà xuất bản Việt Nam sang Đức tham dự Hội chợ sách Frankfurt lớn nhất thế giới. Hàng năm Hội đều thuê một gian triển lãm để XUNHASABA và các nhà xuất bản của Việt Nam có thể triển lãm các sách và ấn phẩm của mình và giao tiếp với các các nhà xuất bản và nhà xuất nhập khẩu sách báo trên toàn thế giới và ký kết các hợp đồng về phát hành và bản quyền tác giả trong dịch thuật.
Giáo sư Giesenfeld còn là người rất tích cực và bền bỉ quảng bá văn học Việt Nam tại Đức thông qua tạp chí của Hội, tên là Viet Nam Kurier (xuất bản mỗi năm 4 kỳ) do chính ông là Chủ biên (Viet Nam Kurier có từ 33 năm nay, lúc đầu dưới  hình thức bản tin, xe-ri mới bắt đầu từ 1992 dưói hình thức tạp chí). Ngay từ số đầu tiên của xe-ri mới tạp chí đã có chuyên mục về Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Đến nay tạp chí của Hội đã đăng một số bài có tính chất khảo cứu, tiểu luận giới thiệu một cách khá hệ thống về văn học, nghệ thuật và một số văn nghệ sĩ Việt Nam như:
-         Guenter Giesenfeld: Một giai đoạn mới? Một số suy nghĩ về văn học „đương đại“ Việt Nam (số 2/1992);
-         Sally Goll: Nghệ thuật trong thời kỳ Đổi mới (số 2/1992); 
-         Guenter Giesenfeld: Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Đình Thi; đăng một số bài thơ và trích đăng vở kịch „Nguyễn Trãi ở Đông Quan“ của Nguyễn Đình Thi (số 3/1992);
-         Nguyễn Đình Thi: Về văn học ở Việt Nam; đăng một số bài thơ của Nguyễn Đình Thi; trích trả lời phỏng vấn của Nguyễn Đình Thi cho báo Pháp „Nhân đạo“ (số 1/1993);
-         Mai Lý Quảng: Một số luận điểm về văn học mới nhất/đương đại của Việt Nam (số 1/1993);
-         Lê Bá Sinh, Nguyễn Hữu Hồng, Trần Trung và Guenter Giesenfeld: Về nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam (số 4/1993)
-         Guenter Giesenfeld: Giới thiệu nhà thơ Chế Lan Viên, đăng một số bài thơ của Chế Lan Viên (số 1/1994);
-         Chế Lan Viên: trả lời các câu hỏi của độc giả Đức (số 2-3/1994); quảng cáo cho tập thơ của Chế Lan Viên mới xuất bản tại Đức, lịch trình các buổi đọc thơ và triển lãm tranh minh họa tập thơ Chế Lan Viên (số 4/1994);
-         Giới thiệu họa sĩ Nguyễn Gia Lâm và tranh của ông minh họa cho tập thơ của Chề Lan Viên, giao lưu của họa sĩ với học sinh các trường ở Đức... (số 1-2 và 3/1995);
-         Lữ Huy Nguyên: Về tình hình văn học mới nhất/đương đại của Việt Nam (số 1/1996);
-         Đoàn nhà văn Việt Nam thăm CHLB Đức: Tin tổng hợp của Giáo sư Giesenfeld, Chủ tịch Hội; bài viết và một số bài thơ, trích trường ca „Tiếng bom và tiếng chuông chùa“ của nhà thơ Phạm Tiến Duật; giới thiệu tiểu sử văn học của các thành viên trong Đoàn (Phạm Tiến Duật, Y Ban, Nguyễn Huy Thiệp, Đào Kim Hoa) (số 1/2000);
-         Mai Hải Oanh: Suy nghĩ về tiểu thuyết đương đại (số 1/2000);
-         Nguyễn Việt: „Chân dung và Đối thoại“ (Trần Đăng Khoa) một cuộc tranh luận văn học ở Việt Nam (số 1/2001);
-         Giới thiệu NSND Đạo diễn Doãn Hoàng Giang (số 1/2002);
-         Guenter Giesenfeld: Người lạc quan buồn – Cuộc đời một nhà thơ (Tiểu luận về Nguyễn Đình Thi) và dịch đăng lại bài của Tuổi  trẻ về Nguyễn Đình Thi để tưởng nhớ nhà thơ (số  2/2003);
-         Minh Trang: Về phê bình văn học ở Việt Nam (số 3/2003);
-         Guenter Giesenfeld: Giới thiệu họa sĩ Bùi Xuân Phái (số 4/2003);
-         Guenter Giesenfeld: Giới thiệu Nhật ký Đặng Thùy Trâm (số 1/2008);
-         Guenter Giesenfeld : Bài tổng hợp về Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam (số 1/2010);
-         Phan Huyền Thu: Tham luận tại Hội nghị trên (số 1/2010) ...                                                                                                                                                       

Sau đó, bắt đầu từ số 2/1993, gần như số nào tạp chí Viet Nam Kurier   của Hội cũng đăng một truyện ngắn của các tác giả Việt Nam, mở đầu là truyện Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp. Đến nay tổng cộng Tạp chí đã đăng được khoảng 50 truyện và truyện ngắn, 2 bút ký cùng nhiều bài thơ của vài chục tác giả như Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa; Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Ma Văn Kháng, Y Ban, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Tường và Phan Thị Vàng Anh...
          Song song với việc đăng các bài như nói ở trên, Giáo sư Giesenfeld đã vượt qua nhiều khó khăn (rào cản về ngôn ngữ, khả năng hạn hẹp về tài chính của Hội Hữu nghị, thời gian do bận giảng dạy và công tác của Hội Hữu nghị...) cố gắng dịch và xuất bản bằng tiếng Đức các tác phẩm văn học của một số tác giả Việt Nam như:
-         Tuyển tập Thơ của Chế Lan Viên (song ngữ, do FG và XUNHASABA ở Hà Nội đồng xuất bản, in tại Việt Nam), xuất bản lần đầu năm 1994  và tái bản năm 2002, với lời tựa khá dài (14 trang) của Giáo sư Giesenfeld về tác giả và tác phẩm, và bài của Chế Lan Viên trả lời các câu hỏi của độc giả Đức (1985) thay cho Lời bạt;
-         Tuyển tập Thơ của Nguyễn Đình Thi (song ngữ, do FG và NXB Kim Đông đồng ở Hà Nội đồng xuất bản, in tại Việt Nam), năm 2006, với lời giới thiệu và lời bình chi tiết (tới 41 trang) của Giáo sư Giesenfeld về tác giả và tác phẩm;
-         Tướng về hưu, tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, do Guenter Giesenfeld và Marianne Ngo dịch, NXB miền Trung Đức, 2009, với lời bạt dài tới 27 trang của Giáo sư Giesenfeld về tác giả và tác phẩm;
-         Những bi kịch nhỏ, tập truyện ngắn của Lê Minh Khuê, do Guenter Giesenfeld và Marianne Ngo dịch, NXB miền Trung Đức (đang chuẩn bị xuất bản).
Hai tác phẩm Tướng về hưuNhững bi kịch nhỏ là một phần của xe-ri sách „Văn học hiện đại Việt Nam“, sẽ được tiếp tục trong  những năm tới.  
          Dự kiến sắp tới Giáo sư Giesenfeld sẽ dịch và xuất bản các sách sau bằng tiếng Đức: „Các giai đoạn của văn học Việt Nam“ (Nguyễn Khắc Viện và Hữu Ngọc) có bổ sung các bài viết về văn học hiện đại của Việt nam; „Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp“ (tập 2)...
Lúc đầu ông còn dựa vào bản dịch tiếng Pháp hoặc Anh. Nhưng sau đó ông và bà Marianne Ngo, một cộng sự đắc lực của ông, đã dịch thẳng từ tiếng Việt (chỉ đối chiếu với bản dịch tiếng Pháp, Anh) để chuyển tải tốt hơn các tác phẩm ra tiếng Đức.  Đó là một cố gắng lớn đáng khâm phục của hai ông bà!
Trên trang website của Hội Hữu nghị với Việt Nam có riêng một mục Văn học & Nghệ thuật, gồm các tiểu mục như Văn hóa và nghệ thuật, Truyện ngắn hiện đại của Việt Nam (liệt kê các truyện ngắn đã được dịch ra tiếng Đức và có thể đọc online trên mạng gồm 31 truyện ngắn của 18 tác giả), Xuất bản sách của Việt Nam (giới thiệu tóm tắt các sách của Việt Nam đã và sẽ được Hội Hữu nghị dịch và xuất bản tại Đức để bạn đọc có thể đặt mua)... Để chủ động trong việc xuất bản Hội Hữu nghị đã thành lập Nhà xuất bản riêng của Hội. Qua đó các sách về Việt nam nói chung và các tác phẩm văn học Việt Nam nói riêng được giới thiệu rộng rãi với bạn đọc, đặc biệt là các truyện ngắn có thể đọc online nên đến được với rất nhiều độc giả quan tâm đến văn học Việt Nam.
Trong chuyên mục về Văn học - Nghệ thuật của Viet Nam Kurier thường có các bài điểm sách giới thiệu tác phẩm hoặc danh mục các sách của Việt Nam hoặc về Việt Nam trên thị trường sách của CHLB Đức, trong đó có nhiều sách văn học của các tác giả Việt Nam và Đức... Dần dần mục điểm sách và giới thiệu sách nói trên đã giúp cho những người quan tâm có được một thư mục riêng sách về Việt Nam, thậm chí có một thư viện nhỏ sách về Việt Nam trong gia đình.

Một hoạt động quan trọng khác của Hội Hữu nghị trong việc quảng bá văn học Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Đức là tổ chức các chuyến đi đọc tác phẩm    của các tác giả Việt Nam hay triển lãm, giới thiệu các tác phẩm hội họa của họa sĩ Việt Nam... như mời Nhà thơ Chế Lan Viên (1985), Nguyễn Đình Thi (1992), họa sĩ Nguyễn Gia Lâm (1994) thăm Đức đọc tác phẩm, thuyết trình về văn học nghệ thuật Việt Nam và tiếp xúc với bạn đọc tại hàng chục thành phố khác nhau, trong đó có Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (lớn nhất thế giới như nói ở trên)                                                                                                                                                        và tại đại hội thường niên của Hội Hữu nghị năm 1992 (Nguyễn Đình Thi)...
Đặc biệt, năm 2000 Giáo sư Giesenfeld  với tư cách là Chủ tịch Hội Hữu nghị với Việt Nam đã hợp tác với Viện Goethe ở Muenchen đón một đoàn các nhà văn, thơ Việt Nam (gồm cố nhà thơ Phạm Tiến Duật và các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Y Ban) sang CHLB Đức giới thiệu về văn học Việt Nam và đọc tác phẩm của họ. Trong dịp này đoàn đã có các cuộc đọc tác phẩm và tiếp xúc với bạn đọc ở 15 thành phố trên khắp nước Đức. Chuyến đi đã được tổ chức cùng với Hội Nhà văn Việt Nam. Sau chuyến đi trên ông đã xuât bản một tuyển tập nhỏ có tựa đề „Truyện ngắn và thơ“ gồm một số truyện, truyện ngắn và bài thơ của ba tác giả trên dưới hình thức một đặc san của tạp chí „Viet Nam Kurier“.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     
Tháng 9. 2010 vừa qua, nhân dịp xuất bản tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Giáo sư Giesenfeld lại tổ chức một chuyến đi đọc tác phẩm của tác giả tại trên 10 thành phố ở cả Đông và Tây Đức, đặc biệt đến tham dự Liên hoan văn học quốc tế ở Berlin. Ông tự hào cho biết tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp được Hiệp hội sách của Đức đánh giá là một trong những sách văn học nước ngoài được dịch tốt nhất ra tiếng Đức.
Sau khi các nhà thơ Chế Lan Viên và Nguyễn Đình Thi đã qua đời,  bản thân GS Giesenfeld còn đi nhiều thành phố tổ chức các cuộc giới thiệu và đọc tác phẩm của hai tác giả trên, kết hợp nói chuyện giới thiệu về Việt Nam nói chung và văn học Việt Nam nói riêng... Các chuyến đi đọc tác phẩm nói trên đã thu hút được khá đông người tham gia, qua đó giúp cho độc giả Đức có điều kiện tiếp cận với văn học Việt Nam góp phần quan trọng vào việc quảng bá văn học Việt Nam không chỉ tại Đức mà cả ở các nước nói tiếng Đức khác như Áo và Thụy Sỹ... Chương trình các Tour đi vòng quanh nước Đức đọc tác phẩm của các nhà văn Việt Nam và của GS Giesenfeld thường được công bố rất sớm và rộng rãi trên tạp chí và trang website của Hội Hữu nghị cũng như trên các phương tiện thông tin khác, tại các địa điểm diễn ra cuộc đọc tác phẩm... nên có khá đông người tham dự, không chỉ các độc giả Đức mà cả cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Đức đến dự và được đánh giá là rất thành công.

Đầu năm 2010 Giáo sư Giesenfeld là một trong số rất ít đại biểu Đức được mời tham dự Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam. Ông đã vui mừng mang đến Hội nghị bản tiếng Đức tập truyện ngắn „Tướng về hưu“ của Nguyễn Huy Thiệp vừa mới xuất bản tại Đức để góp phần vào triển lãm các sách văn học Việt Nam đã được dịch ra tiếng nước ngoài, trong đó riêng sách do ông dịch và xuất bản có tới ba quyển được triển lãm.
Được hỏi đánh giá của ông về văn học Việt Nam, Giáo sư Giesenfeld nói “Văn học Việt Nam xứng đáng được cả thế giới biết đến và tìm đọc“. Ông cho biết „Ở Đức văn học Việt Nam hầu như chưa dược biết đến, vì thế nó không thể nổi tiếng và có những cuốn sách best seller được.  Chúng tôi sẽ phái quảng bá thêm nữa cho văn học Việt Nam và đây là công việc vô cùng khó khăn, nhưng  chúng tôi vẫn đang tiếp tục“. Ông đã tích cự tham gia đóng góp ý kiến và kinh nghiệm vào việc làm thế nào để quảng bá tốt hơn văn học Việt Nam ra nước ngoài nói chung và ở Đức nói riêng. Được hỏi theo ông làm thế nào để giới thiệu văn học Việt Nam ở Đức một cách tốt nhất, ông đã trả lời: „Quan trọng nhất là tìm được dịch giả giỏi và biên tập viên giỏi. Dịch giả phái có kiến thức nền cơ bản về văn hóa, lịch sử và phong tục Việt Nam thì mới chuyển tải được hết cái hay của tác phẩm. Tất nhiên không hẳn tác phẩm hay là có thể bán chạy trên thị trường, điều này cần nhiều yếu tố khác nữa. Song tôi vẫn cho rằng, dịch và biên tập vẫn là khâu quan trọng đầu tiên. Tôi nghĩ rằng văn học chính là cầu nối để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước Việt – Đức. Nên càng chuyển tải được nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam sang tiếng Đức, thì việc làm này càng có ý nghĩa. Riêng tôi, sau hội nghị này tôi sẽ bắt đầu dự án dịch các tác giả nữ và một số truyện lịch sử, sách tiểu sử nữa.“
Ông rất ấn tượng với hai nhà thơ Chế Lan Viên và Nguyễn Đình Thi, vì vậy ông đã chon dịch và giới thiệu trước tiên hai tác giả này với công chúng Đức. Trả lời các phỏng vấn trong dịp này ông cho biết đã từng quen biết và trở thành bạn của nhà thơ Chế Lan Viên  và nhận xét „Thơ Chế Lan Viên giàu nhịp điệu, suy tư. Thơ nói về những cảm xúc trong tâm hồn mình mà làm bật lên được tinh thần của cả một dân tộc. Tôi rất thích tập Ánh sáng và phù sa của ông“. Còn về Nguyễn Đình Thi ông nói „Tôi cũng thích những bài thơ của Nguyễn Đình Thi, trong sáng, tha thiết mà hào sảng“. Đích thân ông đã sang Hà Nội giới thiệu với công chúng tập thơ của Nguyễn Đình Thi sau khi được xuất bản bằng tiếng Đức (in tại Hà Nội) và trích đọc nhiều bài thơ trong đó (tối 04.8.2006, tại Viện Goethe ở Hà Nội).
Vê mối quan tâm của ông đối với các tác giả của văn học đương đại Việt Nam ông cho biết: văn học đương đại Việt Nam có nhiều tác giả nữ và các nhà văn nữ Việt Nam rất sâu sắc, họ chịu khó tìm tòi cả về nội dung lẫn cấu tứ và ông dự định sẽ lần lượt dịch các tác phẩm của một số nhà văn nữ ra tiếng Đức trong thời gian tới.   

Có thể nói ở  CHLB Đức trước đây (Tây Đức) cũng như ở nước Đức sau khi thống nhất, tuy có không ít nhà Việt Nam học và trong đó có những người giói tiếng Việt, nhưng không có ai am hiểu văn học Việt Nam như Giáo sư Giesenfeld. Ông là người quan tâm nhất, tâm huyết nhất, tích cực và bền bỉ nhất  trong việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam với công chúng Đức và đạt được kết quả lớn nhất. Ông xứng đáng được chúng ta tôn vinh và đánh giá cao về những đóng góp của ông trong việc quảng bá văn học Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung tại Đức.

Ngoài việc quảng bá văn hoc, Giáo sư Giesenfeld còn tích cực quảng bá nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật cổ truyền Việt Nam tại Đức. Năm 1998 Hội Hữu nghị Đức – Việt do ông chủ xướng đã mời nhà hát Múa rối nước quốc gia sang biểu diễn tại Đức. Đoàn đã biểu diễn tại trên 20 thành phố ở Đức và Thụy Sĩ, được công chúng rất tán thưởng, các buổi biểu diện thường rất đông khán giả và chuyến lưu diễn phải két dài so với kế hoạch. Cho đến nay đó là dự án lớn nhất của Hội Hữu nghị do việc xây dựng sân khấu và khu ghế ngồi của khán giả rất công phu tốn kém và số lượng diễn viên lớn.
Hội Hữu nghị còn chủ trì hoặc phối hợp mời các đoàn nghệ thuật Việt Nam sang Đức biểu diễn như Đoàn tre xanh (1982), Đoàn Sen Xanh (1991)... biểu diễn ở hàng chục thành phố không chỉ ở Đức mà cả ở Thụy Sĩ, Áo giúp công chúng ở các nước này có điều kiện tiếp cận và thưởng thức ca múa nhạc, nhất là âm nhạc truyền thống của Việt Nam... Ngoài ra Hội cũng tổ chức các cuộc triển lãm tranh, quảng cáo và bán tranh dân gian, đĩa nhạc...của Việt Nam để quảng bá nghệ thuật Việt Nam tại Đức.

Ngoài những chuyến thăm Việt Nam diễn ra hàng năm, năm nay Giáo sư Giesenfeld còn được mời dự Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam (tháng 01.2010) và tham dự các hoạt động kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam (tháng 4.2010). Do những cống hiến to lớn và không mệt mỏi của mình cho Việt Nám, năm 1998 ông đã được Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Hữu nghị, phần thưởng cao quý nhất của Việt Nam.giành cho Bạn bè quốc tế./.

Địa chỉ của GS Giesenfeld:
Prof. Dr. Guenter Giesenfeld
Frankfurter Str. 64
35037 Marbuurg/Lahn
Germany
Tel. 06421-12170; Fax 06421-161832;


Trần Ngọc Quyên
(Nguyên tham tán – Công sứ ĐSQ Việt Nam tại CHLB Đức)

Đã đăng trong Tạp chí Văn học nước ngoài số 1&2 - 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét