Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Quả lệ chi

Truyện ngắn của Thăng Sắc

Mùa vải thường chín vào đúng những ngày nóng kỷ lục, lại chỉ rộ lên trong khoảng trên dưới một tháng, vải chín sáng rực những sườn đồi thoai thoải, thúc giục các chủ vườn nhanh chóng vào vụ thu hoạch. Cả nhà thằng Chinh tập trung bẻ vải liên tục trong cả tuần liền mà không xuể, vải chin vẫn rụng đỏ vườn. Vợ Chinh thương chồng gồng vai gánh vải tử sáng sớm, ăn vải đến đắng miệng mà bụng vẫn lép kẹp nên mới mang cho nó một gói mì ăn liền. Để thằng Chinh nhai sống chứ lấy đâu ra nước sôi ở vườn vải vào lúc này. Chinh ngồi dưới bóng một gốc vải sần sùi, điềm nhiên nhai mỳ ròn đôm đốp, mỗi miếng lại tu một ngụm nước trong chai la-vi, ấy là nước đựng trong chai la vi chứ chắc gì đã là nước la vi.  Nó cởi trần, vai vế cơ bắp nổi lên cuồn cuộn, nước da rám nắng hằn rõ những đám đỏ au do bị cành vải chà xước suốt ngày. Vợ Chinh ngồi cạnh, tay phe phẩy nón, nỉ non bảo Chinh :
- Xong vụ này bố nó cố mua lấy cái xe máy mà chở vải. Chưa đủ mua cái mới thì mua cái cũ, quẩy mãi nó khổ.

Thằng Chinh không buồn đáp, chỉ liếc mắt mệt mỏi nhìn vợ, không biết đấy là cái liếc mắt đồng ý hay không đồng ý. Việc mua xe máy vợ nó đã nhắc suốt mấy vụ nhưng vụ nào xong đếm tiền cũng chỉ còn vài đồng. Vụ nào rồi Chinh cũng làu bàu với vợ rằng có xe thì xe chở, không có xe thì người gánh, mắc gì.
Nhai xong gói mỳ, Chinh đang muốn chợp mắt cho lại sức thì bỗng có một tốp khách trẻ đi vào, nhao nhao hỏi :
- Ông chủ ơi, bán cho một ít vải nào.
Chinh ngao ngán vì mất giấc, hé mắt nhìn, thấy một bọn trẻ dáng chừng từ tỉnh xuống thì biết ngay tụi này chỉ đi đú đởn chứ mua bán gì. Nó hỏi tỉnh khô :
- Các bác lấy mấy tấn ?
Bọn trẻ cười toáng lên.
- Khiếp, làm gì mà mấy tấn, lấy mấy cân ăn chơi, đầu mùa mà.
- Ba nghìn một cân, lấy bao nhiêu thì lấy.
Một cô trẻ măng dè cái môi đỏ son ra mặc cả :
- Vải này mà đòi ba nghìn một cân à !  Người ta đã vào tận gốc mua mà còn nói thách thế. Hai ngàn nhé !
Chinh buồn thắt ruột khi nghe bọn này chê những chum vải nõn nà của mình, chả nhẽ lại cho mấy cân rồi tống khứ chúng đi cho xong. Nó phẩy tay nỏi :
- Các ông các bà đưa đây hai ngàn  một cân rồi bê đi.
Cả lũ hả hê bê vải, lại còn thuận tay bẻ thêm mấy cành, thằng Chinh chẳng còn hơi đâu mà ngăn cản.  Khoảng quá trưa, vào cái lúc nóng nhất trong ngày thì phần lớn vải cũng được chở về. Cả nhà xúm vào phân loại, loại to ngon để riêng ra đem bán cho thu mua, còn lại chất đống để sấy khô. Đổ vải vào sân, đổ vào nhà, đổ ra vườn, làm thế nào cũng không hết. Thằng Chinh đứng tính toán một lúc rồi quyết định đem rải ra ven đường để phơi. Nó nghĩ có con đường nhựa chạy qua làng cũng tiện, vụ gặt lúa thì đem rơm ra phơi, vụ thu vải thì đem vải ra phơi. Vừa phơi xong đã nghe có tiếng ô tô, Chinh vội vã chạy ra đứng nhìn, thấy hai ba chiếc xe con đi né sang một bên tránh đống vải của nó. Thế là không phải xe thu mua, nó lặng lẽ đi vào. Năm nay vải nhiều, xe máy lạnh về lấy vải  không thèm đi lùng xục mà đỗ tận ngoài huyện, ai muốn bán thì tự chở đến.  Chinh loay hoay chưa biết làm cách nào để chở hàng chục tấn đi ra chỗ thu mua. Vừa đặt đít xuống phản lại đã nghe thấy tiếng xe nữa, Chinh lại khấp khởi chạy ra. Ngay lập tức nó tròn mắt nhìn thấy một cảnh tượng kinh hoàng : một chiếc xe con màu trắng đang lao thẳng đè lên đám vải của nó, vải dưới lốp xe bị tãi tung tóe, nổ lốp bốp. Chinh bàng hoàng đến mức không kịp la lên, đứng ngây ra, mồm há hốc. Tim nó thót lại khi nhìn thấy nước vải ứa  nhầy nhụa trên mặt đường. Nó ngồi thụp xuống, nấc lên khóc. Có hiền lành thật thà thì nó cũng đã là chủ vườn vải ngót chục năm, nhà nó hàng đời trồng vải, không ai dám đối xử với quả vải tàn nhẫn như thế cho dù có lúc một thúng vải rẻ rúng không bằng được cân gạo. Bởi vậy nó uất ức lắm. Nước vải như nước mật chảy thành dòng, luồn lách dưới chân nó dính nhơm nhớp như máu. Mổ hôi cũng chảy thành dòng trên người nó. Nhưng nước mắt thì không, thằng Chinh khóc nấc lên thế mà không có nước mắt. Giây phút bàng hoàng nhanh chóng qua đi nhường chỗ cho cơn tức giận dâng lên ào ào khiến nó không tự kìm giữ được nữa. Chinh ngẩng phắt mặt lên, bật đứng dậy, hừng hực lăn tảng đá to tướng ở ven ra giữa đường. Bình thường chẳng có một mình ai mà lăn được tảng đá to như vậy. Mọi người biết rằng nó làm thế là để chặn xe, chiếc xe con màu trắng kia thế nào mà chẳng phải quay ra.
Lẽ thường thì vượt quá ranh giới của chịu đựng bao giờ cũng là phẫn nộ. Chinh cũng thế, sau lúc cuồng lên vần tảng đá ra giữa đường, nó không đủ kiên nhẫn để đợi chiếc xe. Nó vớ cái đòn xóc nó vừa dùng để gánh vải, phăm phăm đi về phía trước. Vợ Chinh túm tay lôi lại liền bị nó gạt ra. Mọi người thấy mặt Chinh đỏ phừng phừng, mắt long lên thì không dám ngăn mà lại kéo theo nó. Có người nói thế đếch nào cái xe kia cũng xơi vài đòn xóc. Đến chỗ mấy chiếc xe đỗ, Chinh nhìn như soi vào từng chiếc lốp. Khi thấy chiếc lốp có dính vỏ vải, ướt nước vải thì nó giật cửa, kéo người lái  ra ngoài, hơi lạnh trong xe phả ra cũng không làm nguôi cơn thịnh nộ của thằng chủ vườn vải. Lái xe nhìn cái đòn  xóc là biết lỗi mình ngay, dịu giọng làm hòa :
- Em xin lỗi anh, em không biết là vải, cứ tưởng mô đất.
- Mày ngu lắm, gặp đứa trẻ con ngồi đường mày cũng tưởng mô đất hay sao ! Mày có đè lên nó kêu chóe một tiếng rồi mày cũng cứ bỏ đi như thế à !
- Thôi anh , anh tính số vải bao nhiêu em xin bồi thường.
- Mày lại ngu nữa rồi, số vải đấy có đáng bằng mấy bao ba số của chúng mày đâu. Mày khéo xin tao còn cho nữa là khác. Nhưng có phải vì rẻ mạt thế mà mày cứ tự nhiên đè lên được đâu.
Đang lúc đôi bên giằng co thì bỗng có người mặc sơ mi cộc tay trắng bỏ trong quần tiến lại. Trông người này rõ ra là sếp nhưng mặt lại hầm hầm, nói mà như quát :
- Cái gì thế, đổ vải ra giữa đường đi mà lại còn gây gổ à ! Không biết  người ta đang đi tìm hướng ra cho cây vải chúng mày hay sao mà còn cản trở cái gì !
Máu đang nóng như lửa bốc, thằng Chinh quay ra chỉ thẳng cái đòn xóc nhọn hoắt vào giữa mặt người mới đến mà hét lên :
- Mày là thằng nào tao chưa cần biết nhá, nhưng mày hãy lui ra, tao còn làm việc với thằng lái xe. Chưa đến lượt mày phải chõ mõm vào. Biến khẩn cấp không ông đập bỏ mẹ mày bây giờ !
- A, thằng này láo, láo quá ! Để tao gọi điện cho chủ tịch xã trị cho mày biết thân !
Thằng chủ vườn sau một ngày bẻ vải mệt nhoài, sau những lo toan làm thế nào để bán được hàng chục tấn vải còn đang nằm chình ình ra đó thì chắc đã khùng hết cỡ. Nó buông lái xe ra, quay hẳn sang người mới đến :
- Tao láo nhưng cái đòn xóc này không biết láo là gì đâu.
Chưa dứt lời cái đòn xóc đã vung lên, vướng vào cành xoài nghe đánh roạt, lá xoài rơi lả tả, ghê cả người. Lái xe hét lên câu thủ trưởng cẩn thận rồi chạy vội đến kéo anh ta chạy vòng quanh cây xoài. Thằng Chinh đuổi theo, mỗi vòng lại giơ đòn xóc đập một phát nhưng đều đập hụt. Đến vòng thứ ba thì người dân chung quanh giữ được nó lại để cho thầy trò người lái lên xe rông thẳng.
Dân làng xúm đông hả hê bàn luận. Ô tô cán chết người ngoài đường người ta còn xúm lại bàn tán, huống hồ chuyện thằng Chinh lấy đòn xóc đập sếp. Thằng Chinh quanh năm suốt tháng hiền lành như cục đất hôm nay bỗng trở thành anh hùng làng vải, ai mà chả phục, ai nhìn nó cũng cười cười, ra đều mày giỏi thật đấy.
Một lát sau quả nhiên thấy chủ tịch xã tới. Mọi người áy náy cho thằng Chinh nhưng nhìn cung cách thong thả điềm tĩnh của chủ tịch xã thì đoán sẽ chẳng có chuyện gì. Chủ tịch xã là người đứng tuổi, có bộ râu lý trưởng thời xưa, im im đến, im im đứng vê râu một lúc rồi mới hỏi :
- Rốt cuộc là có chuyện gì ?
- Chú nhìn thì biết.
Ông ta đảo mắt nhìn, nói một câu không ra hỏi không ra nhận xét :
- Đường còn rộng thế sao nó không tránh ra.
- Làm sao cháu biết được.
- Nó gọi chú ngay lúc ấy nhưng chú cứ chù chừ, đến ngay lúc nó còn ở đây thì phức tạp, khó cư xử lắm.
Thảo nào bây giờ ông này mới đến, mới biết không khéo cư xử thì trên là quan, dưới là dân, làm sao mà làm chủ tịch xã được.
Ông này vẫn điềm tĩnh hỏi :
- Mày đập thế nào mà ba cái toàn sai cả ba !
- Sao chú biết cháu đập ba cái ?
- Nó bảo.
- Thì cháu không chí đập trúng, chứ không đã cho nó đi nằm nhà thương rồi. Nó là thằng nào hả chú ?
- Ấy chết, đừng gọi nó là thằng. Phó chủ tịch huyện đấy.
- Có phải cứ thế là có quyền đè lên quả vải của cháu à ! Khác gì đè lên mặt dân.
- Này, nói năng thì phải biết giữ lấy cái mồm, ai đè lên mặt dân ! Thôi, lần này coi như chuyện bỏ qua.
Chủ tích xã kéo ống tay áo chùi mồ hôi, im im sờ râu một lúc rồi bất thình lình bỏ đi, miệng lẩm bẩm thằng này có chết ngập trong đống vải cũng không bao giờ biết được  người ta còn gọi quả vải lả quả nước mắt (quả lệ chi).



                                                          Hà Nội, mùa vải năm 2010

2 nhận xét: