Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Kể chuyện Myanmar

Chu Công Phùng


Quan hệ Myanmar - ASEAN
Hiệp hội ASEAN thành lập năm 1967 gồm 6 nước Đông Nam Á theo chế độ Tư bản chủ nghĩa. Tại thời điểm đó, những nước sáng lập ASEAN muốn chứng tỏ ASEAN không phải là một liên minh quân sự thân Mỹ như các nước Xã hội chủ nghĩa phê phán. Chính sách “không liên kết triệt để” của Myanmar có sức hấp dẫn lớn đối với các nước sáng lập ASEAN, họ muốn mời Myanmar tham gia ASEAN nhằm tạo hình ảnh một ASEAN “không ý thức hệ”

Vì vậy, ngay sau khi ASEAN ra đời, tháng 5 năm 1967, Ngoại trưởng Indonesia Adam Malik đã tới Yangon mời Myanmar gia nhập ASEAN. Tuy nhiên, khi đó chính quyền quân sự Ne Win ở Myanmar đang theo đuổi chính sách “không liên kết” triệt để trong khi trên lãnh thổ 2 nước sáng lập ASEAN là Philippines và Thái Lan đang có các căn cứ quân sự của Mỹ phục vụ cho cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Ban lãnh đạo Myanmar nghi ngại rằng một ASEAN như thế có thể sẽ phát triển thành một liên minh quân sự, trái với chính sách “không liên kết” triệt để của Myanmar. Vì vậy, Thủ tướng Ne Win đã thẳng thắn từ chối lời mời của Ngoại trưởng Indonesia.
Trong 2 thập kỷ đầu tồn tại của ASEAN, Myanmar không có quan hệ gì với ASEAN, thậm chí cho rằng ASEAN là liên minh quân sự của Mỹ, là mối đe doạ tiềm ẩn chính sách ngoại giao trung lập, không liên kết của Myanmar.
Đến cuối thập kỷ 80, mối liên hệ giữa Myanmar với ASEAN mới được nối lại khi Malaysia, Singapore và Thái Lan chủ trương mở rộng ASEAN thành 10 nước để gia tăng vị thế của ASEAN với các đối tác ngoài khu vực. Cũng trong thời gian đó, sự kiện 8888 ở Myanmar đẩy chính quyền quân sự Myanmar vào thế cô lập với thế giới. Sức ép từ bên ngoài và rối ren trong nước buộc chính phủ Myanmar phải xem xét lại chính sách “không liên kết” triệt để của mình, nhất là sau khi Myanmar chứng kiến các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu và  Liên bang Xô viết lần lươt sụp đổ cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90.
Sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ne Win, chính quyền Saw Maung tiếp đó là chính quyền Than Shwe thi hành chính sách đối ngoại cởi mở hơn với các nước láng giềng, bật tín hiệu mở cửa nền kinh tế nhằm thu hút tài trợ và đầu tư nước ngoài. Để thực hiện chính sách đó, Chính phủ Myanmar phải tính tới việc thiết lập quan hệ với ASEAN và tiến tới gia nhập Tổ chức khu vực này. Các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar cho rằng, ASEAN sẽ là “cầu nối” giữa Myanmar với thế giới, giúp Myanmar cải thiện vị thế thông qua các cơ chế hợp tác của ASEAN; đồng thời ASEAN cũng là “lá chắn” cho Myanmar trước những chỉ trích của quốc tế về các vấn đề dân chủ, nhân quyền tại Myanmar. Gia nhập ASEAN sẽ giúp Myanmar củng cố uy tín trong lòng dân chúng Myanmar sau “sự kiện 8888”. Hơn nữa, trở thành hội viên ASEAN sẽ giúp Myanmar hóa giải sức ép từ Mỹ và Phương Tây; đồng thời giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Cựu Ngoại trưởng Myanmar Win Aung khi đó đã tuyên bố với báo chí “Myanmar muốn gia nhập ASEAN không phải để chơi con bài địa chính trị, mà là để khẳng định tầm quan trọng của việc thiết lập mối quan hệ tốt với tất cả các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ”
Các nhà lãnh đạo Myanmar cũng biết rõ, Hiệp hội ASEAN vận hành trên nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.Vì vậy việc Myanmar tham gia ASEAN vì thế cơ bản không ảnh hưởng gì đến tính độc lập của Myanmar.
Với những tính toán đó, tháng 7 năm 1994, Myanmar nhận lời mời của Thái Lan tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Bangkok với tư cách là khách mời của nước chủ nhà. Tháng 1 năm 1995, các nước ASEAN quyết định mời Myanmar tham dự Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (SOM).
Tháng 3/1995, Thống tướng Than Shwe thăm Việt Nam trao đổi ý kiến về việc hai nước tham gia ASEAN. Tiếp đó, tháng 6/1995, Thống tướng Than Shwe tiến hành các chuyến thăm hữu nghị tới Singapore và Indonesia trao đổi ý kiến về việc Myanmar gia nhập ASEAN.
Để thể hiện thiện chí với ASEAN, tháng 7/1995, chính quyền Myanmar bỏ lệnh quản thúc đối với Aung San Suu Kyi để giúp ASEAN tránh khỏi sự chỉ trích của Mỹ và Phương Tây.
Tháng 7 năm 1995, Nyi Nyi Thun – đặc phái viên của Thống tướng Than Shwe đến Jakarta thông báo Myanmar sẵn sàng ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) của ASEAN. Cùng tháng, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Brunei, Myanmar đã chính thức ký TAC, mở đường cho việc gia nhập ASEAN. Bình luân về sự kiện này, Bí thư thứ nhất SPDC Khin Nuynt cho rằng “Tiến trình toàn cầu hoá đem lại cơ hội mới song cũng là thách thức mới, nhất là đối với các nước đang phát triển. Trong thời đại toàn cầu hoá, không một nước nào có thể xa lánh hay bị cô lập. Để vượt qua các thách thức này, các nước đang phát triển phải học hỏi để hợp tác với nhau hiệu quả nhất và tốt nhất. Các nước Châu Á cần phải làm việc với nhau để tăng trưởng và phát triển”.
Sau những diễn biến tích cực trên, được sự vận động và ủng hộ mạnh mẽ của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam (thành viên thứ 7), năm 1996 Myanmar được công nhận là Quan sát viên của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN.
Tháng 7 năm 1997, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN  tổ chức tại Kuala Lumpur, Myanmar cùng Lào được chính thức kết nạp thành Hội viên thứ 8 và thứ 9 của ASEAN. Cùng năm đó, Myanmar cũng được kết nạp là thành viên thứ 19 của Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) bất chấp Mỹ và nhiều nước Phương Tây liên tục chỉ trích ASEAN về việc kết nạp Myanmar mà không kèm theo điều kiện nào.
Kể từ khi gia nhập ASEAN, quan hệ giữa Myanmar với các nước ASEAN không ngừng tăng cường và phát triển. Myanmar tích cực tham gia các hoạt động trong các diễn đàn quốc tế và khu vực của ASEAN, kiên quyết bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và đảm bảo tính đồng thuận của ASEAN.
Chỉ một ngày sau cuộc bầu cử 7/11/2010 của Myanmar, ngày 8/11/2010, Tổ chức ASEAN do Việt Nam là Chủ tịch luân phiên đã ra Tuyên bố ủng hộ kết quả cuộc bầu cử lịch sử này của Myanmar. Tiếp đó các nước ASEAN đều kêu gọi Mỹ và EU tháo bỏ bao vây cấm vận và trừng phạt kinh tế đối với Myanmar.
Myanmar rất coi trọng quan hệ với ASEAN, sau khi thành lặp chính phủ mới, Tổng thống Thein Sein đã chọn Indonesia (chủ tịch luân phiên ASEAN 2011) là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kết hợp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 18 (5-6/5/2011). Tiếp theo là các chuyến thăm của Tổng thống Thein Sein tới Singapre (tháng2/2012), tới Việt Nam, Campuchia, Lào (từ 20 25/3/2012).
Đỉnh cao của quan hệ Myanmar – ASEAN là tại Hội nghị Nguyên thủ ASEAN lần thứ 19 tại Bali – Indonesia (17/11/2011). Tại Hội nghị này, nguyên thủ 10 nước ASEAN đã nhất trí trao choTổng thống Thein Sein nhiệm vụ vinh dự làm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014.
Kể từ khi Myanmar gia nhập tổ chức ASEAN, đây là lần đầu tiên Myanmar được ASEAN tín nhiệm trao trọng trách vinh dự này. Liên Hợp Quốc, Mỹ, EU đều hoan nghênh quyết định của ASEAN.
Về phía mình, chính phủ Myanmar nhiều lần khẳng định Myanmar luôn là thành viên có trách nhiệm trong ASEAN, cam kết sẽ tổ chức thành công SEAGAMS lần thứ 27  năm 2013 và hoàn thành có trách nhiệm nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014.
Từ 20-21/12/2011, Myanmar đã tổ chức thành công Hội nghị Thường đỉnh các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (JMS)  tại Thủ đô Nay Pyi Taw.
Ngày 2/4/2012, sau cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung 1/4 của Myanmar thành công tốt đẹp, Hội nhị cấp cao ASEAN lần thứ 20 tại Phnom Penh đã ra tuyên bố kêu gọi Mỹ và Phương Tây tháo bỏ cấm vận và trừng phạt kinh tế đối với Myanmar.
Trong các nước ASEAN, Myanmar có quan hệ rất thân thiện với Lào (hai nước đã thỏa thuận miễn thị thực cho các loại hộ chiếu của công dân hai nước); quan hệ hữu nghị thân thiện với Việt Nam, Singapre. Về kinh tế, Myanmar có quan hệ nhiều về thương mại, đầu tư với Thái Lan và Singapore.
So Myanmar gia nhập ASEAN và tham gia AFTA muộn hơn các nước khác nên đã được ASEAN giành cho nhiều ưu đãi về thực hiện lộ trình của AFTA.
CCP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét