Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

KỂ CHUYỆN MYANMAR

Chu Công Phùng


Chính sách đối ngoại của Myanmar

và quan hệ giữa Myanmar với các nước lớn

Ngay từ buổi đầu lập quốc, Miến Điện đã có quan hệ bang giao với các nước láng giềng. Sử sách Miến Điện ghi nhận, năm 801 và 802, triều đại Pyu của Miến Điện đã cử đặc sứ đến Trung Quốc thiết lập quan hệ bang giao. Các triều đại Anawrahta, Bayint Naung và Alaung Paya ... sau khi chinh phục các nước nhỏ xung quanh, hợp nhất thành vương quốc Miến Điện cũng đã tiến hành thiết lập quan hệ giao lưu chính trị, kinh tế, văn hoá với các nước láng giềng như Srilanka, Assam, Manipur, Bengal, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Thái lan, Việt Nam, Campuchia… Triều đại Konbaung của vua Alaung Paya đã phát triển quan hệ giao lưu hữu nghị với các nước Châu Âu như Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha   v.v...

I. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI
Hơn nửa thế kỷ kể từ khi được Anh trao trả độc lập, Myanmar đã trải qua 3 chế độ chính trị khác nhau. Các chính quyền tại Myanmar dù là dân sự hay quân sự đều luôn chủ trương nêu cao 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, không liên kết, quan hệ hữu nghị với tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi; ủng hộ quyền tự quyết của các dân tộc, không biến nước mình thành căn cứ quân sự của nước khác, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Tư tưởng xuyên suốt này đã được ghi trong Hiến pháp Miến Điện năm 1947 và 1974. Hiến pháp Myanmar năm 2008 cũng ghi rõ: “Liên bang Myanmar thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tích cực và không liên kết vì hoà bình thế giới, quan hệ tốt với tất cả các nước trên nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình giữa các quốc gia” (điều 41- Hiến pháp 2008). Liên bang Myanmar sẽ không tiến hành xâm lược bất cứ quốc gia nào và cũng không cho phép quân đội nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ Myanmar (điều 42 – Hiến pháp 2008).
Chính sách đối ngoại độc lập đó của Myanmar được thực thi trên 8 nguyên tắc cơ bản sau:
- Nghiêm chỉnh quán triệt 5 nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình giữa các quốc gia
- Tránh sự không công bằng trong các vấn đề quốc tế, nhìn nhận sự thật một cách độc lập.
-  Duy trì quan hệ thân thiện với tất cả các nước, đặc biệt là quan hệ thân thiện với các nước láng giềng.
- Ủng hộ Liên Hợp Quốc, các tổ chức của Liên Hợp Quốc và tham gia tích cực vào các hoạt động của các tổ chức này.
- Tiến hành hợp tác song phương và đa phương trên cơ sở cùng có lợi trong khuôn khổ chính sách đối ngoại độc lập.
- Phối hợp và hợp tác với các nước khu vực trong các vấn đề kinh tế và xã hội tại khu vực.
- Phấn đấu cho một thế giới hoà bình, an ninh, chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân kiểu cũ và mới, không can thiệp hay áp đặt các vấn đề của nước này với nước khác.
- Chấp thuận các tài trợ quốc tế giành cho phát triển đất nước mà không kèm điều kiện.
Cho đến nay, Myanmar có quan hệ ngoại giao với 84 nước trên thế giới. Có cơ quan đại diện thường trực tại 31 nước; tiếp nhận 33 Đại sứ quán nước ngoài tại Yangon, 3 Tổng lãnh sự quán của Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh tại Thành phố Mandalay.
Tại Thành phố Yangon hiện có 6 cơ quan đại diện của Liên Hợp Quốc là: UNDP, UNICEF, FAO, WHO, UNDCP, UNHCR.
Myanmar cũng là thành viên của Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ thức thương mại thế giới (WTO), Phong trào không liên kết (NAM) và là Hội viên chính thức của Hiệp hội ASEAN…
II. QUAN HỆ VỚI CÁC NƯỚC LỚN
            Là một nước nhỏ, kém phát triển, lại bị Mỹ, Phương Tây bao vây cấm vận, chính vì vậy gia tăng quan hệ với các nước lớn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Myanmar. Trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại, Myanmar chịu sức ép rất lớn từ Mỹ và EU, nhưng lại nhận được sự ủng hộ mạnh từ Trung Quốc, Nga, Ấn Độ.
1. Quan hệ Myanmar – Trung Quốc
            Myanmar có chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc dài 2.185 km, cũng là nước láng giềng có vị trí địa chính trị rất quan trọng đối với Trung Quốc. Thông qua lãnh thổ Myanmar bằng đường bộ ngắn nhất, Trung Quốc có thể dễ dàng có mặt ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương.
Ngày 17/12/1949,  Myanmar là nước Đông Nam Á không cộng sản đầu tiên thừa nhận Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950.
            Từ đó đến nay, quan hệ giữa Myanmar với Trung Quốc phát triển theo 4 thời kỳ:
            1. Từ 1950 – 1962: chung sống hòa bình
            2. Từ 1962 – 1971: quan hệ xấu đi
            3. Từ 1971 – 1988: cải thiện quan hệ
            4. Từ 1988 đến nay: quan hệ thân thiện
a)      Giai đoạn 1950 – 1962
 Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Myanmar tích cực ủng hộ Trung Quốc thay thế Đài Loan làm Ủy thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng phản đối việc Trung Quốc đưa quân vào Tây Tạng.
Năm 1956, xảy ra tranh chấp biên giới căng thẳng giữa hai nước. Sau đó, hai bên tích cực giải quyết 4 khu vực tranh chấp ở vùng biên giới giữa bang Kachin với Khu tự trị Tây Tạng, giữa bang Shan với tỉnh Vân Nam Trung Quốc.
Ngày 25/1/1960, Thủ tướng Ne Win (tạm thay thế Thủ tướng U Nu từ nhiệm) thăm Trung Quốc. Ngày 28/1/1960, hai bên ký kết Hiệp định biên giới và Hiệp ước hữu nghị không xâm lược lẫn nhau, cam kết thừa nhận chủ quyền của nhau, giải quyết các vấn đề xảy ra bằng biện pháp hòa bình, không tham gia một liên minh quân sự nào để chống lại nhau, phát triển các quan hệ kinh tế, văn hóa theo tình thần hữu nghị và hợp tác.
Tháng 1 năm 1961, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai thăm Myanmar. Hai bên cùng phê chuẩn các Hiệp ước và Hiệp định đã ký kết năm 1960. Thủ tướng Chu Ân Lai thông báo cho Myanmar vay tiền và viện trợ kỹ thuật.
Kể từ đó, hai nước không tồn tại vấn đề tranh chấp biên giới lãnh thổ, nhưng quan hệ song phương tiềm ẩn khó khăn về vấn đề người Hoa ở Myanmar và các hoạt động của đảng cộng sản Miến Điện được Trung Quốc hậu thuẫn [1].
b)     Giai đoạn 1962 -1971
Trong thời kỳ cầm quyền của chính phủ quân sự Ne Win, nội chiến trong lãnh thổ Myanmar càng gay gắt hơn với sự tham gia của lực lượng vũ trang đảng cộng sản Miến Điện và tàn quân Quốc dân đảng tại Myanmar. Đồng thời cuộc cách mạng văn hóa của Trung Quốc tác động mạnh đến Myanmar khiến quan hệ Myanmar – Trung Quốc nhanh chóng xấu đi.
 Từ tháng 1 năm 1950, ngay sau khi thất bại tại lục địa Trung Quốc, tàn quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch tràn sang thiết lập căn cứ trong lãnh thổ phía Bắc Myanmar. Mỹ và Đài Loan sử dụng lực lượng Quốc dân đảng để chống lại Trung Quốc. Dựa vào sự tiếp tế từ Đài Loan bằng đường hàng không [2], lực lượng Quốc dân đảng còn trực tiếp trồng và sản xuất thuốc phiện làm nguồn tài chính cho các hoạt động quân sự của chúng.
Suốt 2 thập kỷ 50 - 60 và đầu thập kỷ 70 trong thế kỷ XX, hoạt động của lực lượng Quốc dân đảng gây nhiều khó khăn cho chính phủ và quân đội Myanmar. Quân đội Myanmar mở nhiều cuộc hành quân càn quét nhưng không tiêu diệt được lực lượng Quốc dân đảng. Đến đầu thập kỷ 70, sau khi Trung Quốc thay thế Đài Loan tham gia Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, lực lượng Quốc dân đảng tại Myanmar tan rã dần, một số trở về Đài Loan, một số trở thành người bản địa, số còn lại trở thành thổ phỉ buôn bán thuốc phiện ở vùng Tam giác vàng.
 Bên cạnh đó, Đảng cộng sản Miến Điện (thành lập năm 1939) xây dựng được lực lượng quân sự khá lớn và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ các dân tộc thiểu số phía Tây và Bắc Myanmar. Đảng cộng sản Miến Điện được Đảng cộng sản Trung Quốc ủng hộ về chính trị, quân sự và tài chính. Xung đột quyết liệt giữa quân đội chính phủ Myanmar với đảng cộng sản Miến Điện kéo dài suốt 4 thập kỷ, gây nhiều tổn thất về người và của cho Myanmar.
Giữa thập kỷ 60 thể kỷ XX, quan hệ Myanmar – Trung Quốc xấu đi nhanh chóng do hoạt động quá khích của lực lượng người Hoa đe dọa an ninh chính trị của Myanmar. Các nhóm sinh viên, học sinh gốc Hoa tại các trường học Myanmar và lực lượng thanh thiếu niên người Hoa ở nhiều địa phương Myanmar bị ảnh hưởng mạnh của cuộc cách mạng văn hoá tại Trung Quốc, muốn thực hiện “cách mạng văn hóa vô sản” tại Myanmar. Các nhóm sinh viên, thanh thiếu niên và các phần tử quá khích gốc Hoa thành lập các đội "Hồng vệ binh" tiến hành các hoạt động “tạo phản” tại một số thành phố lớn và nhiều khu vực miền Bắc Myanmar. Họ tuyên truyền tư tưởng cách mạng vô sản, đập phá, phóng hỏa các cửa hàng cửa hiệu, nhà máy, gây đình trệ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp ở các Bang, Vùng phía Bắc Myanmar.
Trước tình hình đó, chính phủ Myanmar đã tố cáo và yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hậu quả gây ra. Hai bên tiến hành các cuộc khẩu chiến kết tội lẫn nhau. Làn sóng chống Trung Quốc tại Myanmar nổi lên trên phạm vi toàn quốc. Năm 1967, Chính quyền Myanmar phải huy động quân đội, cảnh sát và tốn nhiều công sức mới có thể dẹp yên các cuộc nổi loạn của người Hoa, hàng trăm người Hoa bị thiệt mạng trong các cuộc xung đột, nhiều người bị bắt giam và bị trục xuất về Trung Quốc.
Quan hệ giữa hai nước thời kỳ này xuống đến mức thấp nhất. Từ năm 1967 – 1970,  Myanmar chủ động ngừng quan hệ giao lưu với Trung Quốc.
c)      Giai đoạn 1971 – 1988
Sau cách mạng văn hóa, Trung Quốc chủ động cải thiện quan hệ với Myanmar thông qua các kênh ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân. Trên thực địa, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc phối hợp với lực lượng biên phòng Myanmar ngăn chặn tàn quân Quốc dân đảng trốn chạy sang Vân Nam; đồng thời Trung Quốc giảm dần ủng hộ Đảng cộng sản Miến Điện.
Năm 1971, Trung Quốc đón Tổng thống Mỹ Nixon. Năm 1972, Trung Quốc thay thế Đài Loan trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Mỹ chấp nhận đề nghị của Trung Quốc ngừng phối hợp với Đài Loan chi viện lực lượng Quốc dân đảng tại Myanmar. Tàn quân Quốc dân đảng tại Myanmar suy yếu và tan rã.
Năm 1978, Trung Quốc thực hiện công cuộc cải cách mở cửa. Để thu hút nguồn vốn đầu tư và kỹ thuật tiên tiến của Mỹ, Phương Tây; đồng thời trấn an những nước có hiềm khích với Trung Quốc trong “cách mạng văn hóa”, Đặng Tiểu Bình đi thăm một số nước Đông Nam Á trong đó có Myanmar, công khai tuyên bố Trung Quốc ngừng ủng hộ các Đảng cộng sản Đông Nam Á.
Trong chuyến thăm Myanmar cuối năm 1978, tại Thủ đô Yangon, Đặng Tiểu Bình cam kết không ủng hộ, giúp đỡ Đảng cộng sản Miến Điện nữa. Hành động này của Trung Quốc phần nào khôi phục “lòng tin” của chính phủ Myanmar. Kể từ đó Đảng cộng sản Miến Điện mất đi nguồn hỗ trợ từ bên ngoài và suy yếu dần. Cuối năm 1986 quân đội Myanmar mở chiến dịch Pan Saing truy quét tiêu diệt căn cứ cuối cùng của quân đội đảng cộng sản Miến Điện tại khu vực Kokang phía Bắc Bang Shan, chấm dứt gần 50 năm tồn tại của Đảng cộng sản Miến Điện.
d)     Giai đoạn 1988 đến nay
 Quan hệ Myanmar – Trung Quốc được cải thiện và phát triển kể từ cuối năm 1988 sau khi chính quyền của Thủ tướng Ne Win bị lật đổ bởi cuộc đảo chính quân sự 18/9/1988. Chính quyền quân sự của Thủ tướng Saw Maung tiếp nhận quản lý đất nước đang khủng hoảng kinh tế và rối ren về chính trị, lại bị Mỹ và nhiều nước Phương Tây ngừng viện trợ phát triển. Vì vậy, Myanmar có nhu cầu cải thiện quan hệ với Trung Quốc để giải quyết 2 nhiệm vụ cấp bách:
 (1) Nhanh chóng mở rộng và hiện đại hoá quân đội để đối phó với nhiều nhóm vũ trang nổi dậy chống chính phủ Liên bang tại các khu vực miền Bắc (Bang Shan), miền Đông và Đông Nam (Bang Kayin, Kayah, Bang Mon)
 (2) Tìm nguồn tài chính để khắc phục cuộc khủng khoảng kinh tế trong nước.
Phía Trung Quốc cũng nhanh chóng thiết lập mối quan hệ tốt đối với chính phủ Myanmar và trở thành chỗ dựa tin cậy của SLORC, sau đó là SPDC.
Hai bên đã thể chế hoá quan hệ thương mại bằng Hiệp định buôn bán biên giới ký giữa Tỉnh Vân Nam với các Bang phía Bắc Myanmar (5/8/1988). Quan hệ hai nước được tăng cường sau các thỏa thuận năm 1989 và 1991 về việc Trung Quốc bán vũ khí, máy bay chiến đấu, tầu chiến cho quân đội Myanmar trị giá 2 tỷ USD trong vòng 5 năm. Năm 1994, Trung Quốc bán tiếp cho Myanmar 400 triệu USD vũ khí. Trung Quốc cũng giúp Myanmar thực hiện mục tiêu củng cố, mở rộng và hiện đại hóa quân đội từ 180.000 quân lên 500.000 quân. Từ năm 2003, Trung Quốc là nước ngoài duy nhất được phép xây dựng căn cứ quân sự tại đảo Coco của Myanmar ở Ấn Độ Dương, đối diện Ấn Độ; đồng thời đặt trạm nghe nhìn tại đảo Sittrwe và đảo Zedetkyi Kyun để kiểm soát tuyến hàng hải qua eo biển Malaca.
Căn cứ quân sự của Trung Quốc tại đảo Coco cùng với các quân cảng của Trung Quốc tại Gwada (Pakistan), tại Colombo (Srilanca), tại Chitagong (Bangladesh) tạo thành một vòng cung (quốc tế gọi là “chuỗi ngọc trai”) bao vây Ấn Độ.
 Đồng thời, Trung Quốc cũng cung cấp tài chính, cho vay tín dựng ưu đãi giúp Myanmar khắc phục khủng hoảng kinh tế trong nước; giúp Myanmar xây dựng các cảng dân dụng và quân dụng tại Kyaukpyu và Sttway thuộc Bang Rakhine. 
 Với sự giúp đỡ về vũ khí của Trung Quốc, đến đầu 1997, chính quyền quân sự Myanmar đã kiểm soát được hầu hết các vùng lãnh thổ Myanmar vốn bị các nhóm vũ trang ly khai chiếm đóng làm căn cứ. Nhiều nhóm vũ trang li khai đã đầu hàng chính phủ, những nhóm vũ trang chống đối còn lại phải dạt ra nước ngoài hoặc chuyển sang hình thức chống phá bằng chiến tranh du kích.
Điều quan trọng và cấp thiết nữa đối với Myanmar là, trước sức ép trực tiếp về chính trị và gia tăng cấm vận về kinh tế của Mỹ và EU, Trung Quốc đã trở thành chỗ dựa quan trọng cho Myanmar hóa giải các sức ép trên. Trung Quốc đã nhiều lần ngăn cản thảo luận vấn đề Myanmar tại các diễn đàn quốc tế và không tham gia bỏ phiếu Nghị quyết do Mỹ và EU đưa ra tại Liên Hợp Quốc đòi trừng phạt Myanmar.
 Đổi lại, Myanmar cho phép Trung Quốc tham gia các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên của Myanmar (các loại quặng kim loại, gỗ quý, dầu mỏ, khí đốt...). Ba công ty dầu khí Trung Quốc giành được hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí ở các lô A1, A3, M3, M10, C1, C2 với tổng trữ lượng dầu khí có thể vượt trữ lượng dầu khí thuộc vùng biển Bột Hải của Trung Quốc. Năm 2006, Trung Quốc ký với Myanmar xây dựng đường ống dẫn khí đốt dài 2.389 km từ Kyaukpyu đến tỉnh Vân Nam.
Tháng 6/2007, Bí thư thứ nhất SPDC Thein Sein thăm Trung Quốc. Hai bên ký các Thỏa thuận hợp tác kinh tế trong đó có việc Myanmar cho phép Trung Quốc xây dựng đường ống dẫn dầu từ cảng Sittway – Bang Rakhine tới Côn Minh dài hơn 2.000 km với tổng kinh phí 1,04 tỉ USD có hiệu lực trong 30 năm. Đường ống dẫn dầu này giúp Trung Quốc vận chuyển dầu mỏ nhập khẩu từ châu Phi và Trung Đông tới Vân Nam, rút ngắn được gần 3.000 km vận chuyển đường biển qua eo biển Malaca. Đổi lại, Myanmar được nhận 83 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng và mỗi năm thu được khoảng 1 tỉ USD phí vận chuyển từ hai đường ống dẫn dầu, khí của Trung Quốc chạy qua lãnh thổ Myanmar. Trong các chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (năm 2010) và Chủ tịch Ủy ban chính trị Hiệp thương Giả Khánh Lâm (tháng 4/2011) và chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Thein Sein (tháng 5/2011), Trung Quốc đã cung cấp cho Myanmar 30 tỉ Nhân dân tệ tín dụng với lãi suất thấp. Đổi lại, Myanmar giành cho Trung Quốc các hợp đồng khai thác mỏ đồng, niken ở Mandalay, các mỏ dầu khí trên đất liền, các hợp đồng thương mại lớn v.v…
Trong chiến lược “một trục hai cánh” của Trung Quốc nối liền Trung Quốc với Đông Nam Á, ở cánh trên bộ (GMF), Trung Quốc đang xây dựng tuyến đường bộ cao tốc từ Vân Nam đến Myitkyina và tuyến đường sắt cao tốc từ Lasa, Tây Tạng đến Muse thuộc Bang Shan của Myanmar và từ Muse vào sâu lục địa Myanmar ra tới biển Belgan. Hai tuyến giao thông này sẽ giúp Trung Quốc gia tăng xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Myanmar và nhập khẩu các loại nguyên liệu từ Myanmar.
Myanmar cũng cho Trung Quốc khai thác dòng chảy sông suối ở vùng biên giới bang Kachin, bang Shan để xây dựng các nhà máy thuỷ điện.Trung Quốc là nước đầu tư xây dựng nhiều nhất các nhà máy thủy điện ở Myanmar.
Về thương mại, từ năm 2007 – 2008, Trung Quốc đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại thứ 2 của Myanmar, sau Thái Lan với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,4 tỉ USD. Năm 2010, Trung Quốc đã vượt Thái Lan trở thành bạn hàng thương mại số một của Myanmar với tổng kim ngạch thương mại đạt 4,4 tỉ USD.
Về đầu tư, tính đến hết năm 2011, Trung Quốc (không kể Hồng Kông) có 173 công ty lớn Trung Quốc đầu tư vào Myanmar hơn 10 tỷ USD, xếp thứ nhất trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Myanmar. Sự hiện diện của Trung Quốc tại các khu vực miền Bắc và ngoài biển Andaman của Myanmar ngày càng nhiều, tỉ lệ thuận với thời gian bao vây cấm vận của Mỹ và Phương Tây.
Hiện nay trong lãnh thổ Myanmar có khoảng 4,5 triệu người Hoa sinh sống, đa số là người Hoa nhập cư từ lâu đời. Người Hoa tập trung đông nhất là Bang Shan, Kachin và vùng Mandalay, họ sở hữu nhiều bất động sản lớn như xí nghiệp, khách sạn, nhà hàng và kiểm soát buôn bán biên giới với Trung Quốc. Tiếng Hoa được sử dụng rộng rãi tại các khu vực trên.
Tuy phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về chính trị, quân sự, kinh tế, nhưng chính quyền Myamar vẫn luôn thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc bởi những bài học lịch sử họ đã nếm trải. Các cấp chính quyền Myanmar quản lý rất chặt chẽ lực lượng người Myanmar gốc Hoa, trong đó có việc quy định người Hoa muốn nhập quốc tịch Myanmar phải trải qua 3 đời sinh sống liên tục tại Myanmar.[3] Những người Hoa vi phạm pháp luật đều bị trục xuất về Trung Quốc. [4] Nhiều người dân Myanmar vẫn còn phản cảm với các hoạt động của Trung Quốc tại Myanmar giữa những năm 1960 và đầu những năm 1970 thế kỷ XX. Từ đầu năm 2011, hai dự án thủy điện Lahar và Tarpein do Trung Quốc đầu tư tại bang Kachin buộc phải ngừng thi công do sự phản đối của dân chúng địa phương và lực lượng ly vũ trang ly khai Kachin (KIA) về tác động xấu của các đập thủy điện đối với môi trường sinh thái.
Ngày 30/9/2011, đáp ứng yêu cầu của dân chúng Myanmar, Tổng thống Thein Sein đã trình Quốc hội thông qua và tuyên bố ngừng xây dựng dự án thủy điện khổng lồ Myitsone USD trên sông Irrawaddy bang Kachin trị giá 3,6 tỉ do Trung Quốc là chủ đầu tư để bảo vệ môi trường sinh thái cho khu vực này. Phía Trung Quốc đã phản ứng gay gắt trước quyết định này của chính phủ Myanmar. Đáp lại, từ 24 26/11/2011, phía Myanmar cử Phó Tổng thống Tin Aung Myint Oo sang thăm Trung Quốc giải thích rõ lập trường của Myanmar và bàn các biện pháp khắc phục hậu quả.
Từ cuối thập kỷ 90 thế kỷ XX, để giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, Myanmar đã mở rộng quan hệ với Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, gia nhập ASEAN, khuyến khích thế giới bên ngoài đầu tư vào Myanmar; mua vũ khí hiện đại của Nga, Ấn Độ để phá thế độc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự tại Myanmar.
Hiện nay, Myanmar có Đại sứ quán tại Bắc Kinh, Tổng Lãnh sự quán tại Côn Minh và Hồng Kông. Trung Quốc có Đại sứ quán tại Yangon và Tổng lãnh sự quán tại Mandalay. Myanmar tôn trọng chính sách một nước Trung Quốc, không có quan hệ với Đài Loan mặc dù có nhiều doanh nghiệp Đài Loan đầu tư và kinh doanh tại Myanmar.

2. Quan hệ Myanmar - Ấn Độ

Myanmar và Ấn Độ có quan hệ lịch sử từ lâu đời. Ngay từ thế kỷ thứ V sau Công nguyên, hai nước đã giao lưu về văn hoá và Phật giáo. Hai nước có chung 1.462 km đường biên giới trên đất liền và cùng nhìn ra biển Andaman. Myanmar thời thuộc Anh đã bị sát nhập thành một Bang của Ấn Độ dưới dự cai quản của Toàn quyền Anh đóng tại Ấn Độ. Hiện có khoảng gần 1 triệu người gốc Ấn Độ đang định cư và sinh sống tại Myanmar. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1948.
Tồn tại lớn nhất giữa hai nước suốt mấy chục năm qua là các nhóm vũ trang nổi loạn tại các Bang Đông Bắc Ấn Độ sử dụng lãnh thổ Myanmar để chống phá Ấn Độ và buôn lậu vũ khí, thuốc phiện qua biên giới hai nước.
Hai nước ký Hiệp định hữu nghị năm 1951; Hiệp định biên giới trên bộ năm 1967 và Hiệp định biên giới trên biển năm 1986 cùng nhiều Hiệp định hợp tác khác.
Từ khi Myanmar giành độc lập đến năm 1962, quan hệ hai nước thân thiện và gắn bó. Thủ tướng đầu tiên của Myanmar U Nu và Thủ tướng Ấn Độ Jawahala Nehru có quan hệ rất thân thiết. Chính phủ U Nu đã sử dụng sự giúp đỡ về kinh tế và quân sự của Ấn Độ để vượt qua khó khăn sau khi giành độc lập, nhất là việc đối phó với các nhóm vũ trang chống lại chính phủ.
Tuy nhiên, quan hệ hai nước trở nên lạnh nhạt sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ Thủ tướng U Nu năm 1962. Chính phủ của Thủ tướng Ne Win thực hiện chính sách quốc hữu hóa các công ty, nhà máy của nước ngoài, trong đó có 60 % do Ấn Độ sở hữu, khiến hàng vạn kiều dân Ấn Độ trắng tay. Từ năm 1964 – 1968, có khoảng 150.000 Ấn kiều phải rời bỏ Myanmar về nước. Nhiều nhà lãnh đạo cũ của Myanmar trong đó có cựu Thủ tướng U Nu sang sống lưu vong tại Ấn Độ.
 Năm 1988, Ấn Độ công khai phê phán chính phủ Myanmar về sự kiện 8888 tại Myanmar, bày tỏ ủng hộ “lòng dũng cảm của những người Myanmar vì dân chủ”. Tiếp đó, Ấn Độ lên án cuộc đảo chính quân sự do tướng Saw Maung tiến hành ngày 18/9/1988 và công khai ủng hộ lực lượng dân chủ do Aung San Suu Kyi lãnh đạo. 
Đáp lại, phía Myanmar cũng mở chiến dịch tuyên truyền kích động với mục đích hồi sinh tư tưởng chống Ấn Độ vốn có từ những năm 1930 tại Myanmar [5]; đồng thời làm ngơ trước các hoạt động của các nhóm phiến quân Ấn Độ sử dụng lãnh thổ Myanmar làm căn cứ vượt biên tấn công quấy phá Ấn Độ.
Từ năm 1990, sau khi Thủ tướng Narasimharao lên cầm quyền tại Ấn Độ.  Chính phủ Ấn Độ thực hiện chính sách “hướng Đông” nhằm tăng cường quan hệ với các nước Châu Á và các nước láng giềng, quan hệ Myanmar - Ấn Độ dần được cải thiện. Yếu tố quan trọng khiến Ấn Độ chủ động cải thiện quan hệ với Myanmar là muốn kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar cũng như chiến lược của Trung Quốc vươn ra Ấn Độ Dương qua con đường Myanmar; đồng thời nhằm đối phó với các nhóm vũ trang nổi dậy tại các Bang miền Bắc Asam và Manipur có biên giới sát với Myanmar. 
Về phía Myanmar, chính phủ quân sự Saw Maung cũng có nhu cầu cải thiện quan hệ với Ấn Độ và các nước láng giềng, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại để phá thế cô lập do bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây.  Kể từ đó, quan hệ hai nước ấm dần.
Tháng 3 năm 1993, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ J.N. Dixit thăm Myanmar, hai bên ký Hiệp định kiểm soát buôn lậu thuốc phiện dọc biên giới hai nước và Hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước. Năm 1994, hai nước tiến hành đàm phán biên giới tại Yangon, ký MOU về giữ nguyên trạng biên giới hai nước. Ấn Độ cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar. Myanmar cũng cam kết với Ấn Độ không để các hợp tác với Trung Quốc gây tổn hại cho Ấn Độ .
Tuy nhiên, năm 1995 việc Ấn Độ trao giải thưởng Jawaharlal Nehru cho bà Aung San Suu Kyi đã ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ hai nước. Chính quyền quân sự Myanmar đã phản đối kịch liệt việc làm này của Ấn Độ, nhưng hai nước vẫn duy trì các mối quan hệ chính trị và ngoại giao.
Sau năm 1995, chính phủ Gujal tại Ấn Độ công khai ủng hộ lực lượng dân chủ tại Myanmar và coi khôi phục lại dân chủ tại Myanmar là điều kiện để phát triển quan hệ với Myanmar. Phía Myanmar kiên quyết bác bỏ. Thời kỳ này, quan hệ hai nước hầu như không có phát triển gì, chỉ giữ ở mức liên lạc về chính trị ngoại giao.
Quan hệ hai nước thực sự phát triển mạnh kể từ năm 1998 khi chính phủ mới của đảng BJP lên cầm quyền tại Ấn Độ. Chính phủ BJP phấn đấu thực hiện các mục tiêu của chính phủ Narasimha Rao trong quan hệ với Myanmar.
Tháng 2 năm 1998 Ấn Độ cử Thứ trưởng ngoại giao K. Ragunath thăm Myanmar để hâm nóng lại các thoả thuận đã đạt được năm 1993. Tháng 8 năm 2000, hai bên tiến hành cuộc họp giữa hai Thứ trưởng ngoại giao tại Yangon thảo luận các biện pháp quản lý khu vực biên giới hiệu quả hơn bao gồm các biện pháp chống buôn lậu và buôn bán thuốc phiện qua biên giới. Năm 2003, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Win Aung thăm Ấn Độ, hai bên ký Nghị định thư về cơ chế tham khảo chính trị cấp Bộ trưởng và một loạt dự án về hạ tầng, năng lượng và kỹ thuật thông tin. Bộ trưởng Ngoại giao Jaswant Singh và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ V.P. Malik cũng lần lượt đi thăm Myanmar.
Tháng 10 năm 2004, Thống tướng Than Shwe thăm Ấn Độ. Hai bên ký một loạt Hiệp định hợp tác trao đổi văn hoá, hợp tác về an ninh phi truyền thống và dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện Tamanthi trên sông Chindwin vùng Tây Bắc Myanmar công suất 1.800 MW. Hai bên cam kết tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, đường sắt, truyền thông, khoa học công nghệ và y tế. Myanmar cam kết tiến hành các biện pháp cần thiết không cho các lực lượng nổi loạn vùng Đông Bắc Ấn Độ sử dụng lãnh thổ của Myanmar.
Tháng 2 năm 2005, sau hơn 8 năm đàm phán, ba nước Myanmar, Ấn Độ và Bangladesh ký Hiệp định 3 bên xây dựng đường ống dẫn khí từ Sittwe qua Mizoram, Tripura, Bangladesh tới bờ Tây Vịnh  Bengal dài 290 km trị giá 1 tỷ USD . Đường ống này khởi công từ năm 2006, dự kiến hoàn thành năm 2009, nhưng đã không hoàn thành do các vấn đề chính trị giữa Ấn Độ và Bangladesh. Ấn Độ đã quyết định đổi hướng đường ống dẫn dầu từ Settwe qua Mizoram, Tripura, Assam, West Bengal, Bihar dài 1.300km trị giá 3 tỷ USD.
Tháng 12 năm 2005, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Myanmar Soe Win  tiến hành hội đàm bên lề cấp cao ASEAN 11 tại Kuala Lunpur. Phía Ấn Độ bày tỏ mong muốn một tiến trình hoà giải dân tộc tại Myanmar, khôi phục chế độ dân chủ và thả bà Aung San Suu Kyi, đề nghị Myanmar hợp tác trong việc dẹp quân nổi loạn ở Đông Bắc Ấn Độ.
Hai bên đã tiến hành cuộc tập trận chung tháng 1 năm 2006 dọc biên giới hai nước nhằm quét sạch nhóm phiên quân nổi loạn tại các Bang Đông Bắc của Ấn Độ ra khỏi lãnh thổ của Myanmar.
Tháng 4 năm 2006, Tổng thống Ấn Độ APJ Abdul Kalam thăm Myanmar. Hai bên đã ký 3 Hiệp định hợp tác về khí tự nhiên, kỹ thuật vệ tình viễn thám và khuyến khích nghiên cứu Phật học. Bên cạnh đó, một loạt dự án hợp tác đầu tư được ký kết như công nghệ thông tin, sản xuất xe ô tô tải, dệt may, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, hệ thống giao thông thuỷ và bộ…Ấn Độ bày tỏ ủng hộ Myanmar thực hiện lộ trình dân chủ 7 bước, song vẫn mong muốn Myanmar khôi phục dân chủ, thả bà Aung San Suu Kyi.
Tháng 6 năm 2006, Thứ trưởng ngoại giao Ấn Độ Shyam Saran thăm Myanmar tiến hành cuộc tham vấn chính trị lần thứ 7 giữa hai nước. Hai bên tiếp tục các nỗ lực chung giải quyết vấn đề nổi loạn tại các Bang Đông Bắc Ấn Độ, khôi phục lại cảng Settwe của Myanmar, dự án đường giao thông Kaladan Multi – Modal, dự án đường Kalewa – Kalemyo và dự án đường ống dẫn khí.
Tháng 8 năm 2007, Ấn Độ tỏ thái độ bênh vực chính phủ Myanmar sau sự kiện quân đội đàn áp người biểu tình tại Thủ đô Yangon. Đáp lại, Myanmar mời Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ Murli Deora sang thăm Myanmar, ký Hợp đồng cho phép Tập đoàn dầu khí Ấn Độ thăm dò khai thác dầu khí tại 3 lô trong Vịnh Bengal, phía Tây bờ biển Arakan. Năm 2008, chính phủ Ấn Độ hỗ trợ Myanmar một dự án công nghệ thông tin trị giá 200 triệu USD.[6]
Tháng 9 năm 2010, Thống tướng Than Shwe thăm Ấn Độ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Ấn Độ đối với cuộc bầu cử 7/11/2010 tại Myanmar. Hai bên ký một loạt Hiệp định kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, trong đó có việc Ấn Độ tài trợ Myanmar 35 triệu USD cho các dự án phát triển về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy.
Sau cuộc bầu cử 7/11/2010 của Myanmar, chính phủ Ấn Độ nhanh chóng ủng hộ Myanmar, cử Ngoại trưởng S.M. Krishna sang thăm Myanamr từ 20-22/6/2011. Hai bên đạt được thỏa thuận về hợp tác an ninh khu vực và các sáng kiến về kết nối công nghệ thông tin, năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng tại Myanmar. Dự án giao thông vận tải đa phương thức Kaladan Multi – Modal  được hai bên nhất trí khôi phục và khởi công xây dựng vào ngày 19/12/2010. Hai bên còn thỏa thuận sẽ thành lập khu công nghiệp thứ hai của Myanmar do Ấn Độ hỗ trợ, sẽ xây dựng dường Rhi-Tiddim nối liền Bang Manipur của Ấn Độ và Bang Chin của Myanmar nhằm tăng cường thương mại biên giới giữa hai nước. Ấn Độ cũng đề nghị hợp tác với Myanmar xây dựng đường cao tốc ba bên nối liền với Thái Lan.
Từ 12 – 14/11/2011, Tổng thống Thein Sein thực hiện chuyến thăm hữu nghị chính thức tới Ấn Độ trên cương vị Tổng thống mới của Myanmar. Hai bên khẳng định nâng cao quan hệ hợp tác hữu nghị trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
Quan hệ kinh tế giữa Myanmar - Ấn Độ phát triển nhanh. Ấn Độ là bạn hàng thương mại lớn thứ 3 của Myanmar. Năm 2007-2008 thương mại giữa hai nước vượt 1 tỉ USD; năm 2008 - 2009, đạt gần 1,5  tỉ USD. Tính đến hết năm 2010, Ấn Độ đầu tư vào Myanmar 189 triệu USD, xếp vị trí 13 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Myanmar, chưa kể 2 dự án lớn xây dựng 1 Nhà máy thủy điện và 1 Bệnh viện mà Myanmar đã cấp phép đầu tư cho Ấn Độ đầu năm 2011.
3. Quan hệ Myanmar - Nga
Mối quan hệ giữa Myanmar và Nga tồn tại và phát triển tốt đẹp suốt hơn 60 năm qua. Liên bang Xô Viết trước đây là một trong những quốc gia đầu tiên chúc mừng Myanmar thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh. Ngày 18/2/1948, chỉ hơn một tháng sau khi Myanmar giành độc lập, đại diện của hai nước đã trao đổi thư về việc thiết lập quan hệ ngoại giao tại Đại sứ quán của Liên Xô tại London.
Tuy nhiên, đến năm 1955 hai nước mới chính thức có trao đổi đoàn cấp nguyên thủ quốc gia. Đó là chuyến thăm của Thủ Tướng U Nu sang Liên Xô vào tháng 10 năm 1955 và gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của Liên Xô thời bấy giờ là Nikita Khrushchev và Nikolai Bulganin.
Chỉ hai tháng sau, tức tháng 12 năm 1955, Khrushchev đã có chuyến thăm Myanmar lần đầu tiên, và trở lại lần thứ hai vào năm 1960. Kể từ sau các chuyến thăm đó, các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nước diễn ra thường xuyên. Hiệp định thương mại Miến Điện – Liên Xô được ký kết, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế có lợi cho cả hai bên chủ yếu dựa vào các hợp đồng trao đổi gạo của Myanmar lấy các trang thiết bị của Liên Xô. Liên Xô đã hỗ trợ Myanmar xây dựng trường Đại học Kỹ thuật Yangon, Khách sạn Inya Lake và Bệnh viện Sao San ở thành phố Taungyi thuộc Bang Shan.
Trong thập kỷ 50 thế kỷ XX, mô hình phát triển kinh tế xã hội của Liên Xô có ảnh hưởng rất lớn đối với Myanmar. Chính phủ của Thủ tướng U Nu đã cử nhiều đoàn nghiên cứu kinh tế sang Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khảo sát lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước này, nhất là Liên Xô. Kết quả các chuyến nghiên cứu, khảo sát đó tác động rất lớn đến việc chính phủ của Thủ tướng U Nu quyết định lựa chọn con đường phát triển của Myanmar theo chủ nghĩa xã hội.
Trong giai đoạn cầm quyền của chính phủ Ne Win, ảnh hưởng của Liên Xô đối với Miến Điện vẫn khá sâu sắc. Ngày 30/4/1962, Hội đồng cách mạng của chính phủ Ne Win công bố cương lĩnh “con đường Miến Điện tiến lên chủ nghĩa xã hội”, tiếp đó tiến hành các chính sách và biện pháp chuyên chính giống như Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã làm như quốc hữu hóa các cơ sở kinh tế, tài chính của tư nhân và người nước ngoài, thành lập hệ thống Hợp tác xã nông nghiệp quy mô lớn v.v…
Quan hệ Myanmar – Liên Xô chỉ nhạt đi vào cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX sau khi Myanmar xảy ra sự kiện 8888 và  Liên  Xô xảy ra rối loạn chính trị năm 1991. Sự kiện Liên bang Xô Viết bị tan rã vào đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX  khiến quan hệ giữa hai nước bị đình trệ một thời gian.
 Tuy nhiên, sau đó Liên bang Nga không những không giảm đi sự quan tâm đối với Myanmar, mà còn mong muốn khôi phục lại quan hệ đối tác trước kia và thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Cuối những năm 1990, quan hệ Nga - Myanmar đã khởi động lại trên tất cả lãnh vực song phương và đa phương dựa trên lợi ích chiến lược lâu dài của mỗi nước. Các cuộc tham khảo thường xuyên giữa Bộ Ngoại giao hai nước được thực hiện phù hợp với Nghị định thư đã ký năm 1999 cho phép hai nước có những bước tiếp cận giống nhau đối với các vấn đề quan trọng của quốc tế và khu vực.
Chính sách đối ngoại của Nga sau Chiến tranh lạnh là mong muốn gắn chặt hơn với Châu Á. Trong khi đó Myanmar có vị trí địa chính trị quan trọng, nằm giữa hai cường quốc trong khu vực Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. Nga mong muốn có một chỗ đứng vững chắc hơn trong khu vực này cả trên phương diện chính trị để cân bằng quyền lực ảnh hưởng và kinh tế để có thể khai thác nguồn tài nguyên phong phú, dồi dào đặc biệt là dầu khí của Myanmar.
Trong quan hệ chính trị, Nga mong muốn phát triển quan hệ hợp tác ổn định, lâu dài với Myanmar. Chính phủ Nga khẳng định cái gọi là “vấn đề Myanmar” là vấn đề nội bộ của Myanmar và nên được giải quyết bởi người dân Myanmar thông qua tham vấn và đối thoại. Nga đã ủng hộ Myanmar bằng cách phủ quyết một Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc do Mỹ khởi xướng về vấn đề Myanmar. Tại diễn đàn Liên Hợp Quốc, Nga luôn đứng về phía “nhóm bè bạn của Myanmar” bênh vực và bảo vệ các quyền lợi chính đáng của Myanmar. Trong cuộc họp báo của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc tháng 12 năm 2010 tại Yangon, Đại sứ Nga phát biểu nhấn mạnh: “Nga phản đối cấm vận mang tính một chiều. Vấn đề gian lận bầu cử ở nhiều nước đều có. Vấn đề quan trọng hơn là tập trung hỗ trợ để Myanmar có thể phát triển tốt hơn vì lợi ích của người dân Myanmar”. Lãnh đạo Myanmar rất hoan nghênh và nhiều lần bày tỏ sự biết ơn đối với Nga, cho đây là nền tảng trong quan hệ giữa hai nước.
Về phía Myanmar, Chính phủ Myanmar mong muốn có được sự hỗ trợ từ Nga - một thành viên Thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc - tại các diễn đàn quốc tế để chống lại sức ép của Mỹ và Phương Tây về vấn đề dân chủ nhân quyền; đồng thời nhằm cân bằng quyền lực giữa hai cường quốc láng giềng của Myanmar là Trung Quốc và Ấn Độ, giảm bớt sự lệ thuộc của Myanmar vào Trung Quốc về kinh tế, quốc phòng.
Quan hệ kinh tế hai nước tăng trưởng nhanh trong những năm qua và được củng cố sau chuyến thăm Nga mang tính cột mốc của Phó Thống tướng Maung Aye - Phó Chủ tịch SPDC vào tháng 4 năm 2006 theo lời mời của Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Fradkov. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên tới Nga sau gần 40 năm của một lãnh đạo cấp cao nhất Myanmar. Kết quả của chuyến viếng thăm này là một loạt các thỏa thuận hợp tác song phương trong lĩnh vực dầu khí, chống buôn bán ma tuý và bảo vệ thông tin bí mật. Trong chuyến thăm này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Nga và Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Myanmar đã ký kết Biên bản ghi nhớ. Các thoả thuận trong Biên bản ghi nhớ  giúp cộng đồng doanh nghiệp hai nước thiết lập mối quan hệ hợp tác gần gũi hơn và hiểu biết nhau nhiều hơn trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư. Cũng năm đó, Chủ tịch Toà án Tối cao Liên bang Nga Vyacheslav M. Lebedev sang thăm Myanmar.
Một số dự án hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước đã và đang được đẩy mạnh, trong đó có tập đoàn Tyazhpromexport của Nga xây dựng một nhà máy sản xuất sắt tấm ở Bang Shan. Công ty Zarubezhneft của Nga đã ký hợp đồng phân chia sản phẩm với Công ty Dầu khí thuộc Bộ Năng lượng Myanmar để thăm dò và khai thác dầu khí lô M-8 ngoài khơi mỏ Mottama phía Nam Myanmar. Tính đến cuối năm 2010, không kể các dự án quốc phòng, Nga đã đầu tư vào các dự án dân sự tại Myanmar 94 triệu USD. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa hai nước khá khiêm tốn. Năm 2009 – 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước (không kể buôn bán vũ khí) chỉ đạt 54 triệu USD.
Quan hệ quốc phòng giữa hai nước cũng  phát triển nhanh kể từ năm 1995. Chính phủ Myamar đã cử nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự, lưu học sinh sang học tập dài hạn tại Nga; đồng thời gia tăng hợp tác quân sự với Nga, ký nhiều hợp đồng mua sắm trang thiết bị quốc phòng, vũ khí hiện đại của Nga như máy bay chiến đấu, tàu chiến, xe tăng thế hệ mới trong khi nhiều nước đồng minh của Nga chưa mua được. Năm 2002, Nga giúp Myanmar xây dựng một lò phản ứng hạt nhân công suất 10 MW. Kể từ năm 2001 đến 2010, Nga đã giúp Myanmar đào tạo 4.185 chuyên viên về kỹ thuật hạt nhân.
Sau cuộc bầu cử 7/11/2010, cuối tháng 6 năm 2011, Chủ tịch Quốc hội Thura Shwe Mann dẫn đầu đoàn Nghị sĩ Myanmar thăm Liên bang Nga theo lời mời của Chủ tịch Duma – Nga. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Myanmar. Hai bên đạt được nhiều thỏa thuận quan về hợp tác chính trị, kinh tế và quốc phòng, trong đó đáng chú ý là Myanmar giành cho Nga dự án thiết kế xây dựng 50 km đường tầu điện ngầm tại Thủ đô Nay Pyi Taw.[7]
Từ 27 - 29/2/ 2012, ngoại trưởng Myanmar Wuna Maung Lwin thăm Nga giới thiệu chính sách đối ngoại của Myanmar và tranh thủ sự ủng hộ của Nga.
Về hợp tác giáo dục, sinh viên Myanmar rất thích có cơ hội được học đại học và cao học ở Nga trong thời kỳ bị bao vây cấm vận.  Hiện có khoảng 2.800 sinh viên Myanmar đang theo học tại 11 trường Đại học ở Nga, khoảng 1.000 sinh viên Myanmar sau khi nhận bằng Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ  ở Nga đã trở về nước làm việc.
4. Quan hệ Myanmar – Mỹ
 Quan hệ Myanmar và Mỹ khá tốt đẹp ngay từ đầu Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Khi đó Myanmar cho phép máy bay chiến đấu của Mỹ sử dụng bầu trời Myanmar cùng quân Đồng minh chống lại quân Nhật; cho phép quân đội Mỹ nhảy dù xuống khu vực miền Bắc Myanmar phối hợp với lực lượng vũ trang Myanmar tại Kachin chống lại quân Nhật. Tướng Mỹ Joe Stillwell đã chỉ huy quân đội Mỹ xây dựng con đường hậu cần xuyên rừng rậm Myanmar đến biên giới Trung Quốc. Công trình xây dựng này đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.100 binh lính Mỹ. [8] Sau chiến tranh, Myanmar hợp tác chặt chẽ với Mỹ tìm kiếm hài cốt lính Mỹ trong lãnh thổ Myanmar.
Năm 1948, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ. Đầu thập kỷ 50, Mỹ đã cử các chuyên gia kinh tế sang khảo sát cơ sở kinh tế của Myanmar sau chiến tranh để giúp Chính phủ U Nu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế. Từ đó đến năm 1962, quan hệ hai nước phát triển mạnh. Mỹ là một trong ít nước cung cấp nhiều viện trợ phát triển cho Myanmar.
Quan hệ Myanmar - Mỹ xấu đi sau sự kiện đảo chính quân sự tại Myanmar năm 1962. Ngay sau khi lên cầm quyền, tướng Ne Win đã từ chối các khoản viện trợ phát triển của Mỹ, cho rằng các khoản viện trợ này đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại “không liên kết” của Myanmar.
Quan hệ hai nước ấm dần kể từ năm 1974 khi Myanmar hợp tác với Mỹ về phòng chống ma tuý. Myanmar đã nhận viện trợ của Mỹ hàng chục máy bay trực thăng chiến đấu phục vụ cho chiến dịch chống ma tuý tại các vùng biên giới. Những năm 1976 và 1977, Myanmar mở rộng quan hệ, nhận viện trợ từ các cơ quan của Liên Hợp Quốc và Mỹ trong các chiến dịch phòng chống tội phạm ma tuý.
Song song với việc Myanmar chấp nhận viện trợ phát triển của Mỹ, các phong trào dân chủ ở Myanmar cũng phát triển theo, gây ra tình trạng bất ổn về an ninh chính trị. Các phong trào dân chủ phát triển lên đến đỉnh điểm năm 1988 dẫn tới cuộc đảo chính quân sự do tướng Saw Maung cầm đầu. Mỹ đã lên án gay gắt chính quyền quân sự của tướng Saw Maung và giảm dần viện trợ cho chính phủ Myanmar, chuyển sang ủng hộ các lực lượng đối lập với chính phủ, yêu cầu Myanmar khôi phục dân chủ, nhân quyền, chống ma tuý, giảm trồng cây thuốc phiện và không sử dụng lao động vị thành niên. Các chính quyền Dân chủ và Cộng hoà tại Mỹ chỉ giúp Myanmar trong lĩnh vực y tế cộng đồng, phòng chống HIV/AIDS. Trong thời gian này, Mỹ đã tài trợ cho Myanmar tổng cộng trên 1 triệu USD trong lĩnh vực y tế cộng đồng.
Sau cuộc bầu cử tháng 5 năm 1990 ở Myanmar, Mỹ chính thức cùng Liên Hợp Quốc và một số nước Phương Tây thực hiện lệnh bao vây cấm vận và trừng phạt kinh tế đối với Myanmar, hủy bỏ ưu đãi “Tối huệ quốc” (GSP) cho Myanmar. Năm 1992, Quốc hội Mỹ không phê chuẩn Đại sứ được chính quyền Mỹ cử sang Myanmar với lý do chính quyền quân sự Myanmar vi phạm nhân quyền. Kể từ đó đến nay, Mỹ chỉ cử Đại biện lâm thời tại Yangon.[9]
 Từ năm 1997, Mỹ gia tăng cấm vận Myanmar về thương mại và đầu tư. Tháng 12 năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tặng “Huân chương Tự do” của Mỹ cho Aung San Suu Kyi. Tháng 3 năm 2002, Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết thắt chặt hơn nữa cấm vận đối với Myanmar. Sau khi đoàn xe của Aung San Suu Kyi bị tấn công ngày 30/5/2003, Mỹ cấm vận tất cả quan hệ thương mại của Myanmar giao dịch bằng đô la Mỹ. Ngày 28/7/2003, Bộ Ngoại giao và  Bộ Tài chính Mỹ ra chỉ thị hành pháp số 13319, lập danh sách các quan chức Myanmar bị cấm nhập cảnh Mỹ, đóng băng tài khoản và tài sản của tất cả các quan chức Myanmar trong danh sách này. Mỹ và EU còn kêu gọi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết trừng phạt chính phủ quân sự Myanmar, yêu cầu Myanmar thả tất cả tù chính trị trong đó có  Aung San Suu Kyi. Cho đến 2004, Mỹ hầu như cắt mọi quan hệ thương mại với Myanmar.
Kể từ khi chính quyền Đảng dân chủ của Barak Obama lên cầm quyền, chính phủ Mỹ từng bước điều chỉnh chính sách với Myanmar. Cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ đều cử Nghị sỹ đến thăm và làm việc với chính phủ quân sự Myanmar.  Đáng chú ý là chuyến thăm Myanmar của Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb (14-16/8/2009), sau cuộc gặp gỡ kín giữa hai bên, phía Myanmar đã phóng thích vô điều kiện công dân Mỹ William Yettaw bị Tòa án Yangon ngày 11/8/2009  kết án 7 năm tù giam với tội danh đột nhập trái phép nơi giam giữ bà Aung San Suu Kyi.
Từ năm 2008 đến năm 2010, Thông qua Liên Hợp Quốc, chính phủ Mỹ đã giúp Myanmar 75 triệu USD khắc phục hậu quả cơn bão Nargis và 25 triệu USD cho các chương trình nhân đạo khác.
Ngày 29/9/2009, đại biện Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar thông báo cho Đoàn ngoại giao tại Yangon về thay đổi chính sách của Mỹ đối với Myanmar. Khẳng định Mỹ "sẽ dính líu trực tiếp với chính phủ Myanmar; đồng thời tiếp tục duy trì cấm vận kinh tế cho đến khi có những tiến bộ thay đổi ở Myanmar; cam kết sẽ dỡ bỏ cấm vận từng bước nếu chính phủ Myanmar có những thay đổi thực chất".
Một trong những lo ngại lớn của Mỹ và cũng là lý do khiến Mỹ duy trì chính sách cấm vận đối với Myanmar là mối quan hệ quốc phòng giữa Myanmar với CHDCND Triều Tiên. Các quan chức Mỹ đến Myanmar đều nói rõ lập trường của Mỹ yêu cầu Myanmar không được nhận sự "giúp đỡ" của Triều Tiên về sản xuất, tàng trữ vũ khí hạt nhân. Chính phủ Myanmar luôn khẳng định không có kế hoạch này, chỉ quan hệ thương mại thuần túy với Triều Tiên. Tháng 1/2012, Bộ Ngoại giao Myanmar đã mời Đại sứ quán Mỹ và Đoàn Ngoại giao tại Yangon đến cảng Yangon mở và kiểm tra các contener hàng nhập khẩu của Myanmar mà phía Mỹ nghi ngờ có hàng hóa "nhạy cảm".
 Năm 2010, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Cambel và Joseph Yun thăm Myanmar. Mỹ cũng cho phép Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar  U Nyan Win lần đầu tiên thăm Thủ đô Washington gặp gỡ các quan chức cấp cao Mỹ. Sau khi Myanmar tổ chức cuộc bầu cử quốc hội ngày 7/11/2010, Mỹ và các đồng minh của Mỹ tuy vẫn phê phán, nhưng không tẩy chay kết quả bầu cử.
Mở đầu năm 2011, trước ngày lễ độc lập 63 năm của Myanmar (4/1/2011), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố về tình hình Myanmar, trong đó có đoạn: “Hoa Kỳ tiếp tục sẵn sàng cải thiện quan hệ song phương, nhưng mong muốn chính quyền Myanmar đáp ứng nguyện vọng của các tộc người và các đảng phái chính trị bằng cách thả tất cả tù nhân chính trị và cùng tham gia vào một cuộc đối thoại có ý nghĩa  với tất cả công dân của mình nhằm đem lại hòa giải dân tộc thực chất”
            Ngày 3/8/2011, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn quyết định của chính phủ Mỹ cử ông Derek Mitchel – quyền trợ lý Bộ trưởng quốc phòng phụ trách các vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương nhận chức hàm Đại sứ với cương vị là điều phối viên đặc trách vấn đề Myanmar. Đầu tháng 9/2011, ông Derek Mitchel đã thực hiện chuyến công du 2 ngày tới Myanmar và thừa nhận “chính phủ mới Myanmar đã có những tiến bộ thực sự”; đồng thời hứa hẹn: “Nếu lãnh đạo Myanmar tiếp tục nỗ lực bằng những việc làm cụ thể và chân thành thì Mỹ sẽ đền đáp lại tương tự, Mỹ sẽ là đối tác của Myanmar” [10]
Từ 30/11 – 2/12/2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thăm chính thức Myanmar. Đây là “chuyến thăm lịch sử” sau 55 năm lạnh nhạt giữa hai nước. Thư của Tổng thống Obama gửi Tổng thống Thein Sein khẳng định "đây là chuyến thăm đột phá quan hệ giữa 2 nước". Kết quả tốt đẹp chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đánh dấu quan hệ Myanmar – Mỹ đã chuyển từ giai đoạn đối đầu sang đối thoại, cải thiện và tiến tới bình thường hóa. Sau chuyến thăm lịch sử này, chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ sớm cử Đại sứ đến Myanmar.
 Mặc dù Mỹ thực hiện cấm vận đối với Myanmar, nhưng chính phủ Mỹ vẫn bật đèn xanh cho Ngân hàng của Singapore được thanh toán, chuyển khoản với Myanmar bằng đồng đô la Mỹ, ngầm cho phép các công ty tư nhân Mỹ đầu tư vào Myanmar. Tính đến tháng 10 năm 2010, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào Myanmar 243 triệu USD, xếp vị trí thứ 9 trong tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Myanmar.
5. Quan hệ Myanmar - EU
 Từ thế kỷ thứ XV, Myanmar đã có quan hệ giao thương với các nước Châu Âu. Vua Alaung Paya của Triều đại Konbaung là người tiên phong phát triển quan hệ giao lưu với các nước Anh, Ý, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh và Pháp liên tục nhòm ngó lãnh thổ và thị trường Myanmar.
Năm 1740, Pháp xây dựng xưởng đóng tàu tại Bang Mon nhưng đã đóng cửa năm 1742 do vấn đề xung đột sắc tộc. Tộc người Mon đã dựa vào Pháp trong cuộc chiến tranh với người Miến. Năm 1769, sau khi vua Hsinbyushin thống nhất Mon vào lãnh thổ Miến Điện, Công ty Đông Ấn của Pháp đã ký Hiệp định thương mại chính thức với triều vua Hsinbyushin. Thời kỳ cách mạng tư sản ở Pháp và cuộc chiến Đông Dương, ảnh hưởng của Pháp tại Myanmar giảm dần do phải chia xẻ lực lượng.
Từ giữa thế kỷ XIX, ảnh hưởng của Anh phát triển dần tại Myanmar. Anh  bắt đầu đưa quân vào gây hấn Myanmar từ năm 1824 và đến 1885 đã chinh phục hoàn toàn Myanmar bằng 3 cuộc chiến tranh Anh – Miến. Sau khi thôn tính được Myanmar, Anh đã sát nhập Myanmar vào Ấn Độ dưới sự quản lý của Toàn quyền Anh đóng tại Ấn Độ. Năm 1937, Anh buộc phải tách Myanmar ra khỏi Ấn Độ. Ngày 4/1/1948, Anh trao trả độc lập cho Myanmar
Sau khi Myanmar giành độc lập, nhiều nước châu Âu đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Myanmar: Anh (1948), Pháp (1948), Hà Lan (1948), Ý (1950), Đức (1954), Bỉ (1953), Phần Lan (1954), Đan Mạch (1955), Thụy Điển (1956), Thụy Sỹ (1957)…
Sau khi độc lập, Myanmar thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, không liên kết, tránh bị lôi kéo vào các cuộc đối đầu giữa hai hệ thống Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa. Quan hệ giữa Myanmar với Anh và các nước Châu Âu khác vì vậy chỉ giữ ở mức độ bình thường. Myanmar từ chối việc nhận viện trợ phát triển của các nước châu Âu, mãi đến năm 1974 Myanmar mới nhận viện trợ của họ. Trong thời gian này, nhiều công ty dầu lửa của Anh, Pháp và các nước phương Tây đã hợp tác đầu tư, khai thác dầu khí ngoài biển của Myanmar.
Sau sự kiện 8888 ở Myanmar, Anh, Pháp và các nước châu Âu tiến hành cấm vận đối với Myanmar, gây sức ép mạnh đối với Myanmar về vấn đề dân chủ, nhân quyền, buôn bán thuốc phiện, lao động trẻ em, tù nhân chính trị và vấn đề  Aung San Suu Kyi. Năm 1991- 1992, các nước EU cấm vận vũ khí với Myanmar. Tháng 10 năm 1996, các nước EU thống nhất các biện pháp chế tài Myanmar gồm 6 nội dung: cấm vận vũ khí; trục xuất các Tùy viên quân sự Myanmar; cấm các sĩ quan cao cấp của SPDC và thân nhân của họ tới EU; cấm các viện trợ không phải là viện trợ nhân đạo cho Myanmar; đóng băng các tài khoản của các sĩ quan cao cấp SPDC; cấm một số hạng mục đầu tư vào Myanmar. Tháng 4 năm 2000, các nước EU tăng cường cấm vận các hàng hoá liên quan đến quốc phòng, cắt các ưu đãi về thương mại đối với Myanmar với lý do Myanmar sử dụng lao động trẻ em [11].
Năm 2001, EU xem xét lại chính sách cấm vận đối với Myanmar và nối lại viện trợ nhân đạo về HIV/AIDS. Cùng năm, EU đã cấp thị thực nhập cảnh cho Ngoại trưởng Myanmar.
Mặc dù tiến hành các biện pháp cấm vận đối với Myanmar, nhưng nhiều nước EU vẫn duy trì quan hệ cấp Đại sứ với Myanmar.  Anh và Pháp là các nhà đầu tư lớn tại Myanmar, nhất là trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Tính đến tháng 10 năm 2010, Anh đã đầu tư 2,7 tỉ USD vào Myanmar (xếp thứ 5), Pháp đầu tư 469 triệu USD (xếp thứ 8). Công ty dầu lửa Total S.A của Pháp đang khai thác và điều hành đường ống dẫn khí đốt Yadana từ Myanmar tới Thái Lan. Ytalia cũng đầu tư lớn vào cảng nước sâu Dawei của Myanmar trong thời hạn 99 năm. Tập đoàn GBP International của Đức đã quyết định đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, khách sạn, du lịch tại Myanmar.
Từ năm 2009, Cộng đồng Châu Âu đã có những dấu hiệu thay đổi chính sách với Myanmar sau khi chính quyền Barak Obama ở Mỹ tuyên bố dính líu trở lại khu vực Châu Á và điều chỉnh chính sách với Myanmar.
 Năm 2010 và 2011, EU đã cử đặc phái viên sang tiếp xúc với chính phủ Myanmar, gặp gỡ Aung San Suu Kyi, các đảng phái chính trị và đại diện các nhóm vũ trang ly khai chống chính phủ Myanmar. Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Thein Sein với bà Aung San Suu Kyi ngày 19/8/2011, Trưởng Ban chính sách đối ngoại của EU đánh giá sự kiện này là "một bước tích cực tiến tới hòa giải dân tộc ở Myanmar".
Trước và sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary thăm Myanmar, một loạt quan chức cấp cao  EU liên tiếp thăm Myanmar. Đó là các chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Na Uy Espen Barth (7-8/10/2011), Ngoại trưởng Đức Werner Hoyer (tháng 11/2011), Ngoại trưởng Anh William Hague (5-7/1/2012), Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe (16/1/2012), Ngoại trưởng Na Uy Jonas Store (25-26/1/2012)… Các nước EU đã thống nhất mở Văn phòng đại diện EU tại Yangon kể từ cuối tháng 4/2012. Chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Anh David Cameron dự kiến cuối tháng 4/2012 sẽ là chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạoEU tới Myanmar suốt 50 năm qua.
Đáp lại, chính phủ Myanmar đã cử Bộ trưởng Công nghiệp kiêm Chủ tịch Ủy ban đầu tư U Soe Thein tham dự Diễn đàn Davos – Thụy Sĩ. Ngày 30/1/2012, phát biểu tại Diễn đàn này, Bộ trưởng U Soe Thein tuyên bố chính sách mở cửa và đầu tư hấp dẫn của Myanmar, kêu gọi các nước phát triển đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế của Myanmar.
6. Quan hệ Myanmar - Nhật Bản
Trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quan hệ Myanmar với Nhật Bản khá tốt đẹp. Các nhà lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc của Myanmar như tướng Aung San và các tướng U Nu, Ne Win đã được quân đội Nhật đào tạo và có quan hệ cá nhân thân thiện với các quan chức cấp cao Nhật Bản. Quân đội quốc gia Myanmar từng sát cánh với quân đội Nhật đánh đuổi quân Anh ra khỏi Myanmar.
Tuy nhiên, do chính sách cai trị tàn bạo của phát xít Nhật sau khi chiếm đóng Myanmar, quân đội quốc gia Myanmar  đã quay lại liên kết với quân Đồng minh  chiến đấu chống lại phát xít Nhật cho đến khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh.
Sau Chiến tranh thế giới lần hai, Nhật Bản đã bồi thường chiến tranh và viện trợ nhân đạo cho Myanmar. Nhật Bản là nước duy nhất trong hệ thống Tư bản chủ nghĩa duy trì viện trợ nhân đạo cho Myanmar suốt thời kỳ Thủ tướng Ne Win cầm quyền. Kể từ 1973 đến 1988, Nhật Bản đã cung cấp cho Myanmar hơn 2 tỷ USD viện trợ phát triển. Từ năm 1988, Nhật Bản giảm dần viện trợ phát triển cho Myanmar.
Khác với Mỹ và nhiều nước Phương Tây thực hiện chính sách cô lập và trừng phạt Myanmar, chính sách của Nhật Bản đối với Myanmar là “đối thoại và dính líu tích cực”. Nhật Bản sử dụng viện trợ nhân đạo và viện trợ phát triển để gây sức ép với Myanmar về dân chủ, nhân quyền. Từ năm 1988 đến năm 2010, mặc dù Nhật Bản cắt viện trợ ODA và giảm viện trợ nhân đạo cho Myanmar, nhưng vẫn chiếm 80% tổng nguồn viện trợ nhân đạo và phát triển mà Myanmar nhận từ thế giới bên ngoài. Nippon và một số tổ chức tư nhân khác của Nhật Bản vẫn tiếp tục cung cấp các nguồn viện trợ về vật chất và kỹ thuật cho Myanmar.
Để cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar, từ năm 2000 đến nay, Nhật Bản tích cực tham gia vào Diễn đàn hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông, cử các đoàn kỹ thuật, văn hóa sang giúp Myanmar trong lĩnh vực này. Nhật Bản còn chủ động trợ giúp trang bị kỹ thuật cho Myanmar tiến hành cuộc Tổng tuyển cử  7/11/2010.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba tới Myanmar ngày 25/12/2012 là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Nhật sau khi Myanmar có chính phủ mới, tạo đà thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản gia tăng đầu tư vào Myanmar. Sau chuyến thăm này, chính phủ Nhật Bản đã phối hợp cùng Mỹ, Ngân hàng thế giới và một số tổ chức tài chính tín dụng quốc tế lớn khác xem xét giảm nợ cho chính phủ Mynamr (Myanmar nợ Nhật Bản với khoản ODA tới 400 tỉ Yên, nợ Ngân hàng phát triển Châu Á và Ngân hàng tái thiết, phát triển Châu Âu với khoản vay lũy kế gần 100 tỉ Yên – tin Hãng Nikkel ngày 7/3/2012). Việc Nhật Bản giảm nợ cho Myanmar sẽ đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ nối lại viện trợ ODA cho Myanmar.
Theo kế hoạch đã định,Thủ tướng Myanmar Thein Sein sẽ có chuyến thăm chính thức Nhật Bản vào cuối tháng 4/2012.
Nhật Bản hiện là đối tác thương mại thứ 6 của Myanmar. Năm 2009, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đạt 434,9 triệu USD. Nhật Bản đã đầu tư vào Myanmar 204 triệu USD, xếp thứ 12 trong tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Myanmar. Nhiều công ty lớn của Nhật Bản vẫn duy trì sự hiện diện tại Myanmar, chờ đợi thời cơ làm ăn trong thời kỳ “hậu cấm vận” ở Myanmar.  
CCP


[1] Trong thời kỳ này, Trung Quốc công khai ủng hộ các đảng cộng sản thân Trung Quốc ở nhiều nước Đông Nam Á không cộng sản, trong đó có Miến Điện. Mãi đến cuối thập kỷ 70, Trung Quốc mới ngừng ủng hộ các đảng cộng sản này.
[2] Tư liệu Viện bảo tàng quân sự Myanmar cho biết: trong thập kỷ 50 – 60 thế kỷ XX,  Quốc dân đảng dùng máy bay vận tải C.130 của Mỹ từ Đài Loan bay qua vùng trời Việt Nam, Lào (ở độ cao vượt tầm khống chế của pháo phòng không Việt Nam, Lào) đến căn cứ Mong Hxat gần biên giới Miến - Thái tiếp tế cho quân đội Quốc dân đảng. Thời kỳ này từng xảy ra nhiều trận không chiến ác liệt giữa không quân Myanmar và không quân Quốc dân đảng.
[3] Quy định này rất chặt chẽ, yêu cầu đương sự mỗi đời trong 5 năm liền không được xuất cảnh ra nước ngoài.
[4] Tháng 10/2009, Bộ Ngoại giao Myanmar mời đoàn ngoại giao tại Yangon lên chứng kiến xưởng sản xuất vũ khí và ma túy tại khu vực Kokang Bang Shan bị quân đội khám phá. Tiếp sau đó, chính quyền Kokang đã cưỡng chế  hơn 30.000 người Hoa không có quốc tịch Myanmar về nước trong thời hạn 3 ngày.

[5] Khi đó Miến Điện là một Bang của Ấn Độ, nhiều quan chức Ấn Độ được thực dân Anh cử sang nắm giữ các chức vụ quản lý ở Myanmar.
[6] Nehginao Kipgen: “India Shifts Policy on Myanmar”. – The Jakarta Post 18/11/2008
[7] Đài Tiêng nói Dân chủ  Myanmar bình luận: Hệ thống Metro này giống như một trung tâm điều hành chỉ huy ngầm có thể chứa hàng nghìn người với độ sâu hàng chục mét dưới lòng đất. Sau khi các chuyên gia Nga khảo sát và thiết kế trong  khoảng 2 năm sẽ  bắt đầu xây dựng.
[8] Nguồn: "Pattrich Cronin , The Diplomat – 5/8/2011.
[9] Từ năm 1992 đến 2011, Mỹ và Myanmar chỉ duy trì quan hệ ngoại giao ở cấp Đại biện lâm thời. Sau cuộc bầu cử 7/11/2010, chính phủ Mỹ tuyên bố gia hạn Lệnh trừng phạt kinh tế Myanmar thêm 1 năm nữa, yêu cầu chính phủ mới Myanmar phải cải thiện về dân chủ, nhân quyền là điều kiện để nâng cấp quan hệ ngoại giao.
[10]  Thông báo của Đại sứ quán Mỹ với đoàn ngoại giao tại Yangon ngày 14/9/2011
[11] Trong các nước Phương Tây, chống phá Myanmar mạnh nhất về dân chủ nhân quyền là Na Uy và Canada. Cả hai nước đêu không mở Đại sứ quán tại Myanmar.  NaUy không chỉ trao giải thưởng hòa bình Nobel cho Aung San Suu Kyi năm 1991, còn lập chương trình truyền hình riêng về vấn đề nhân quyền ở Myanmar, cho phép những nhân vật bất đồng chính kiến đào tẩu khỏi Myanmar tị nạn chính trị ở Na Uy.  Năm 2007, chính phủ Canada trao tặng danh hiệu “công dân danh dự” cho Aung San Suu Kyi. Ngày 27/12/2010, Thủ tướng Canada Stephen Harper lần  thứ hai mời Aung  San Suu Kyi sang Canada nhận danh hiệu này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét