Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Thư gửi hai Bộ trưởng

Một người bạn ở Pháp, ông Nguyễn Đắc Chí, chuyển cho Thăng Sắc bức thư ông gửi cho Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Thăng Sắc xin giới thiệu lại với bạn bè để vừa tìm hiểu thêm một vấn đề kỹ thuật đồng thời cũng để cảm nhận thêm tấm lòng của những người Việt đang sống ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Đắc Chí rất mong thư này đến được các Bộ trưởng và được hồi âm.

M. NGUYEN Dac Chi
27 Rue Roger Salengro
9216O ANTONY
Email : dacchi@free.f r                                  

                                                                                              Paris ngày  27/3/2012

Kính gửi:

- Ông Đinh La Thăng
Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải

- Ông Trịnh Đình Dũng
Bộ Trưởng Bộ Xây dựng

Kính thưa Ông,

Tôi xin tự giới thiệu: Tôi tên Nguyễn Đắc Chí, kỹ sư tốt nghiêp Trường Quốc gia Cầu Đường, Paris Tech, Cộng hòa Pháp. Tôi phụ trách trong gần bốn mươi năm một phòng nghiên cứu về Đường ô-tô tại Trung tâm Nghiên cứu Cầu Đường Paris (Laboratoire Central des Ponts et Chaussées); Tôi nguyên là Giáo Sư tại Trường Quốc gia Cầu Đường Paris trong mười lăm năm về môn Đường ô-tô.


Nhân dịp tôi đi VN tháng ba vừa qua, tình cờ tôi đọc báo Tuổi trẻ ngày 17/3/2012 bài tôi chép lại dưới đây:



Tôi rất ngạc nhiên khi đọc bài nầy. Về nội dung nêu trong bài, tôi xin góp một vài ý kiến với kinh nghiệm của tôi, và xin gửi đến Ông Bộ trưởng trên tinh thần đóng góp xây dựng.

Việc lựa chọn và so sánh giữa mặt đường cứng bêtông ximăng hay mặt đường mềm bitum là một việc rất khó.

Nhiều nước đã nghiên cứu việc nầy nhưng kết luận không rõ ràng.

Tôi chỉ trình bày dưới đây những kết luận có thể nói là chắc chắn thôi.
Vì mặt đường nhẹ hơn tải trọng của trục xe, tính toán kết cấu đường ô-tô thường dùng  phương pháp xác xuất (calcul  probabiliste) và dựa theo cường độ mỏi (contrainte de rupture en fatigue) của vật liệu ximăng hay bêtông bitum. Vì vậy sự ước lượng tuổi thọ rất khó.

Vì sự khó khăn nói trên, khi tính toán kết cấu đường ô-tô, ximăng hay bitum, người ta tính với một tuổi thọ ba mươi năm, nhưng chỉ ước mong đạt được ít nhất hai mươi năm là tốt. Trên thực tế cũng như vậy.

Tuổi thọ nói trên là dựa theo tuổi thọ của kết cấu (structure). Không có công trình khoa học nào dám nói tuổi thọ của đường bằng bitum “chỉ là10 năm” trừ khi lúc xây dựng làm không đúng kỹ thuật.

Nhưng tuổi thọ của đường không chỉ là tuổi thọ của kết cấu. Tuổi thọ của kết cấu là một yếu tố rất quan trọng, nhưng ta cũng nên xem xét tuổi thọ của mặt đường..

Về vấn đề mặt đường, yếu tố chống trượt là một yếu tố quan trọng để tránh  tai nạn.

Sau mười năm, dù là đường bêtông ximăng hay bêtông bitum, mãt đường định kỳ phải sửa lại để đạt hệ số nhám nhất định:

-          với bêtông ximăng, phương pháp duy nhất là phải rạch trên mặt đường những đường vạch dọc theo chiều  dài của đường. Việc nầy làm rất đắt, cần những dụng cụ nặng nề, ngoài ra sau đó, mặt đường sẽ rất nguy hiểm cho xe máy.

-          Với bitum, ta chỉ cần phủ thêm một lớp bitum mỏng thôi. Cách thi công rất dễ và rẻ.

Mặt đường bằng bêtông ximăng có nhiều khuyết điểm:

      -     giá thành mặt đường bêtông ximăng thường đắt hơn 15% tới 20% bêtông bitum
-          sau một vài năm sử dụng, mặt đường trở thành nơi hai tấm bêtông tạo nên “một nấc thang” (mise en escalier) làm cho mặt đường mất bằng phẳng (uni).
-          Nếu vì một lý do gì, (ví dụ nền móng không tốt), tấm bêtông bị nứt, sự sửa chữa rất khó. Ta chỉ có một phương pháp là đập bỏ tấm bêtông và làm lại hoàn toàn tấm bêtông mới. Việc nầy rất khó, rất tốn kém và gây nhiều khó khăn cho giao thông.

Mặt đường bêtông bitum thường không có những khuyết điểm trên, nhưng nếu có thì sửa chửa rất dễ và nhanh chóng, không gây trở ngại lâu dài cho giao thông.

Đường bêtông ximăng thường dùng ở đâu?

Bêtông ximăng thường dùng ở Hoa kỳ và châu Mỹ La tinh. Ai đã từng chạy xe trên những đường đó thì có thể dễ dàng thấy là không tốt.

Châu Âu dùng phương pháp nào?

Tại Pháp: trước năm 1966, mặt đường toàn dùng bitum. Trong năm 1966, với áp lực của Nghiệp đoàn các nhà sản xuất ximăng, nước Pháp thử vài đoạn đường bằng bêtông ximăng, nhưng sau phải bỏ đi vì những khuyết điềm kể trên.

Tại Đức, trước năm 1945, toàn bộ đường xa lộ làm bằng bêtông ximăng, sau nước Đức cũng dần dần bỏ đi và thay thế bằng bêtông bitum.

Ai có chạy xe trên đường tại Hoa Kỳ và châu Âu đều công nhận là đường ô tô tại châu Âu tốt hơn tại Mỹ.

Như vậy đường cứng hay đường mềm phù hợp với VN?
Theo tôi nghĩ thì với tình trạng hiện nay, trục xe tại VN càng ngày càng nặng (trục 9 tấn) và với nền đất phần nhiều là đất yếu, chúng ta nên dùng :

Mặt đường gồm Tầng trên mặt bằng bêtông bitum và Tầng móng bằng vật liệu gia cố chất liên kết rắn trong nước (liant hydraulique, thí dụ ximăng, tro bay hay xỉ lò cao)

Loại mặt đường trên hiện rất phát triển tại châu Âu, vì chịu tải trọng nặng, sửa chữa dễ dàng. Có nhiều ưu điểm và không có những khuyết điểm của đường bêtông ximăng.

Theo ý tôi, đường ô-tô mềm vẫn còn có thể áp dụng tốt được tại Việt Nam.

Theo tôi nhìn thấy thì kỹ thuật xây đường ô-tô bằng bêtông ximăng chưa được áp dụng nhiều tại Việt Nam trên những quốc lộ và xa lộ. Thường thường chỉ xây dựng trên những đường nhỏ và tại nông thôn. Vì vậy ta chưa có kinh nghiệm và nhận xét chặt chẽ về áp dụng mặt đường cứng tại Việt Nam.

Những đường nông thôn bằng bêtông ximăng mà tôi đã đi qua thì tôi nhận thấy là sau một năm thì mặt đường có nhiều hư hỏng.

Ta thử nghỉ, nếu ta dùng bêtong ximăng trên đường cao tốc TPHCM-Trung Lương ( hay là những đường cao tốc khác) mà hôm nay ta gặp khó khăn, những tắm bêtông không còn ăn khớp hay bị nức, thì hôm nay ta sẽ sửa chữa thể nào?

Tôi nghĩ là trước khi quyết định quy hoạch đường bằng bêtông ximăng, nước ta nên làm thử một số đoạn đường chính (xa lộ, quốc lộ hay tỉnh lộ), lấy kinh nghiệm thi công và xem ưu điểm và khuyết điểm của nó trước khi ra một quyết định chung cho nước ta.

Theo ý tôi, áp dụng mặt đường cứng cho mọi loại đường của Việt Nam là không đúng.

Việc định hướng một kỹ thuật xây dựng hạ tầng một việc rất quan trọng cho tương lai của đất nước. Tôi xin góp mấy ý kiến trên đây với kinh nghiệm làm việc lâu năm của tôi trong lĩnh vực chuyên môn này.

Xin gửi đến Ông Bộ trưởng lời chào trân trọng,

                                                                           Nguyễn Đắc Chí
Đồng gửi:
Đại Học GTVT
Đại Học XD
OSVC Trân hà Anh
Hội Người VN tại Pháp,
Uỷ ban về Người VN ở Nước ngoài TPHCM
Giáo Sư Đặng Hửu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét