Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Tản mạn cuối tháng 4

Tô Văn Trường
Đất nước chậm phát triển chủ yếu là do thể chế và lỗi của các “công bộc” của dân, nhưng trong đó có cả vai trò trách nhiệm của trí thức trước thời cuộc. Kể ra cũng khó trách trí thức khi mà nhiệt huyết và lòng tin của kẻ sĩ đã ngày càng cạn kiệt!.
Một người bạn, bình luận về bài trả lời phỏng vấn đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế của Ts Nguyễn Đình Cung đại ý thích nhất vì nó đã chỉ ra được cái hay nhất, ghét nhất vì nó cam chịu cái nửa vời, múa gậy trong bị, gọt chân cho vừa giày!  Chúng ta đều biết tư vấn là hoạt động trợ giúp về tri thức, kinh nghiệm, cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị trong đề xuất mới  đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Phản biện là quá trình tư duy
 
biện chứng
 
gồm phân tích và đánh giá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội (đang được dự thảo hoặc đã có) theo các cách nhìn khác nhau (đa chiều) nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của chúng. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgíc
 
, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm. Phản biện xã hội là phản biện nói chung, nhưng có quy mô, lực lượng rộng rãi hơn của xã hội. Giám định là hoạt động theo dõi (kiểm tra, đánh giá) đối với việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã có, đưa ra các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị kịp thời về việc tổ chức thực hiện mục tiêu, nội dung hoặc chất lượng của chúng.
Tiếc thay, những điều tối thiểu nói trên cần phải thấu hiểu ở người lãnh đạo thì nhiều vị chính khách lại không thuộc bài, trong đó có ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Minh Quang. Gần đây, nhận được nhiều lời mời tham gia hội thảo, cuộc họp , góp ý cho dự thảo luật tài nguyên nước  sửa đổi (do Bộ TNMT soạn thảo), tôi đều khước từ mặc dù biết là khiếm nhã. Hôm nay, lại nhận được thư mời tham dự hội thảo vào ngày 5/5/2012 tại Hội trường Viện nhà nước và phát triển, bàn về luật tài nguyên nước (Ban tổ chức đài thọ mọi chi phí)! Có  vị GS khuyên rằng những vấn đề nóng và “khó nhằn” như Hiến pháp, sửa luật đất đai, cũng đã có gần chục bài phản biện đáng suy ngẫm chẳng nhẽ lĩnh vực tài nguyên nước là “bồ ruột” lại ngoảnh mặt làm ngơ!
Tôi chưa biết mặt Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang. Chỉ được nghe những người có trách nhiệm ở Bộ Nông nghiệp & PTNT kể lại ông từ bí thứ tỉnh Lai Châu, luân chuyển về Bộ NNPTNT làm thứ trưởng dự kiến thay ông Cao Đức Phát nhưng do thời cuộc, ông Phát vẫn được ở lại, cho nên ông Quang được chuyển tiếp sang làm bí thư đảng đoàn khối các cơ quan TW (có xuất cơ cấu ủy viên TW). Sau đại hội Đảng XI, ông xoay sở được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, đúng là “nhân tài” của quốc gia, đi đâu cũng được, chẳng ngán gì kể cả “ghế nóng”!  
Năm ngoái, tôi viết bài nhận xét về kịch bản biến đổi khí hậu (phiên bản 2009) được nhiều nhà khoa học chuyên sâu quan tâm, tán thành. Một vị viện trưởng thuộc Bộ Tài nguyên môi trường gửi mail cho tôi phân tích tâm đắc, chia sẻ bài viết này bị ông Quang ra oai, bắt làm bản tường trình chỉ vì tư duy bảo thủ, sợ “vạch áo cho người xem lưng”!?.  Cách đây hơn tuần, tôi viết tiếp bài so sánh giữa 2 phiên bản (kịch bản biến đổi khí hậu 2009 và 2011), một công việc âm thầm, hoàn toàn từ thiện vì mất rất nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, nghiên cứu các nguồn tư liệu thông tin trong và ngoài nước. Tôi biết Bộ trưởng không vui, vì ông có đọc cả năm cũng chẳng thể hiểu được nội dung, ý nghĩa chuyên môn sâu của bài viết này.
Nhớ lại, bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên có lần lên diễn đàn Quốc hội trả lời cam đoan về an toàn hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên. Mặc dù quen biết Bộ trưởng Nguyên, tôi vẫn viết bài về nguy cơ hồ bùn đỏ, không quên phê phán nhận thức của Bộ trưởng, trong đó có cả phát biểu sai lầm về ý nghĩa và đơn vị của pH. Tôi biết Bộ trưởng Nguyên nhận ra sai sót của mình và cũng không giận bạn đã đưa mình lên mặt báo!
Riêng với ông Quang, đáng buồn hơn cả là phát biểu về vụ anh Đoàn  Văn Vươn ở Tiên Lãng chứng tỏ “lỗ hổng” lớn về kiến thức chuyên môn và quản trị! Báo công dân nhiều người “ném đá” đòi ông từ chức! Thật ngây thơ, nước ta làm gì có văn hóa từ chức mà nếu ông về hưu sớm, với chuyên môn ấy, thì biết làm gì để đóng góp có ý nghĩa với xã hội? Vì sao nước ta có nhiều vị chính khách “chém gió”, thể hiện văn hóa lùn, chính là do hệ thống chính trị đã lỗi thời đẻ ra nó!
Mặc dù, tôi đã thông báo tạm ngừng viết các bài về chính trị xã hội để tập trung vào công việc chuyên môn ở trong và ngoài nước nhưng nhiều người (kể cả chưa biết mặt) vẫn gửi thư yêu cầu bình luận về sự kiện Ecopark (Hưng Yên). Do chưa có các thông tin, tư liệu chính xác, đa chiều, nên tôi chưa viết nhưng rất cảm thông chia sẻ với những người nông dân khốn khổ trong thời buổi “loạn trị” nhưng chưa biết “trị loạn”! Hỏi thăm người có trách nhiệm bảo rằng “phức tạp, mệt lắm anh ạ”! Quân đội được lệnh không tham gia cưõng chế. Giới thạo tin cho hay mọi tin tức “bị khóa”. Một tờ báo chính thống đăng mẩu tin tí tẹo ở trang bên trong về vụ Hưng Yên lời lẽ rất chi là “lề phải” nhưng ngay lập tức vừa phát hành đã bị vị thứ trưởng “tuýt còi”! Cảm giác ngửi thấy mùi gió biển, chỉ mong sao không có bàn tay lông lá của tụi Chệt! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét