Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Sao cứ nhất thiết phải thế,

Ghi chép của cựu nhà báo Nguyễn Thị Kim Dung




Sáng nào cũng vậy, tôi thường đi mua bánh mỳ ở cửa hàng Hoài Nam. Chủ cửa hàng là cậu thanh niên tuổi chừng hai mươi; đẹp trai, dáng thư sinh .
Một hôm, tôi đi mua bánh. Hoài Nam cho biết “Bánh đã hết bà đợi cho 10’ nữa thì được mẻ mới”. Tôi định quay về, song lại ngại đi. Lúc này cũng vắng khách  nên tôi cũng cố gắng đứng đợi và tò mò hỏi :
-       Cháu mở cửa hàng  bánh mì này được bao lâu rồi ?

-       Được hơn nửa năm rồi bà ạ
Nhìn cậu, tôi đoán là học sinh, tôi hỏi tiếp:
-       Thế trước khi mở hiệu bánh mỳ cháu làm gì?
-       Cháu học Đại học Khoa Công nghệ Thông tin. Ra trường “không có cửa” nên cháu không xin được việc làm. Ở nhà một thời gian cháu chán quá, quyết định lập nghiệp, rồi rủ thêm hai người nữa ra Hà Nội thuê được gian hàng này làm cửa hàng, giá 5 triệu đồng một tháng.
Tôi nhìn quanh áng chừng cửa hàng cậu được 15m2. Ngửng lên thấy biển quảng cáo:
                          Hoài Nam -  Cở sở sản xuất
                                                    Bánh mỳ – Bánh ngọt
                                                    Bán buôn - Bán lẻ
                          Số 45 Ngõ 58 Nguyễn Khánh Toàn – HN
Tôi khen bánh các cháu làm trông bắt mắt. Cháu khoe thêm: “ Nghề gia truyền đấy bà ạ!”, rồi cười.
-       Thế nhà cháu ở đâu?
-       Cháu ở Hà Nam cách Hà Nội 70km.
-       Các cháu làm bánh thu hoạch có khá không?
-       Cũng chỉ lấy công làm lãi thôi!..
Nam vừa trò chuyện vừa nhìn đồng hồ đã đủ 15’ và nói: “Bánh được rồi bà ạ”. Tôi bảo cậu ta gói cho hai chiếc rồi trả tiền và chào ra về. Trên đường về, tôi cứ nghĩ không biết cậu này bao giờ mới xin được công việc đúng theo ngành nghề đã học , hay cứ đi làm ở lò bánh mãi.
Về đến cổng lại trông thấy cô Thạo- sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Ngân hàng, cũng chưa xin được việc làm, nay đang bán café ở cạnh ngõ nhà  tôi. Tôi hỏi thăm cô : “Cửa hàng cháu dịp này có nhiều khách không?”. Cô trả lời: “Cũng tàm tạm bà ạ”. Tôi còn được biết Thạo bán café cùng  một người bạn nữa, nhưng vẫn tranh thủ theo lớp cao học ban đêm. Thạo tâm sự: “Giờ còn trẻ không cố lấy bằng  thạc sỹ thì nay mai có gia đình cũng khó”.
 
Tôi chợt nghĩ sao dân nước mình cứ mê bằng cấp đến vậy. lại nghĩ đến trường hợp cháu gái tôi tâm sự: “Cháu còn nợ bố mẹ cháu một tấm bằng Dì ạ. Cháu quyết tâm hè này phải thi bằng được vào đại học. Tốt nghiệp, nếu không xin được việc, thì đi bán rau cũng được”.
 Thế đấy!
Tôi nhớ lại hồi còn đang đi làm. Ngày ấy , bác sĩ Lương Thị Bích là giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được cử đi tham quan Tiệp Khắc. Khi về nước bà nói chuyện với toàn thể cán bộ nhân viên trong bệnh viện: “Ở Tiệp Khắc, họ sinh đẻ có kế hoạch, dân số không tăng, chỉ 14 triệu thôi, đất nước ổn định, thanh bình…họ rất nhiệt tình đón khách. ” Bà khoe đã được mời đến thăm gia đình ông Bác sĩ Giám đốc Bệnh viện. Bà rất ấn tượng khi con trai duy nhất của ông đi làm về. Ông giới thiệu : “ Con trại chúng tôi hiện đang làm công nhân ở một nhà máy” với vẻ mặt rất hãnh diện, phấn chấn, tự hào…
Ôi! Ở một đất nước công nghiệp phát triển như Tiệp Khắc thì họ có tư duy và tình cảm như vậy. Còn ở Việt Nam ? Từ thành thị đến nông thôn ai cũng chỉ muốn cho con em mình có một tấm bằng đại học, thì mới coi là “thành đạt”. Tư duy này thực tế đã làm ảnh hưởng và gậy áp lực rất lớn lên tuổi thơ của con trẻ.
Liệu tư duy này đến bao giờ mới được đổi thay, để đất nước không còn cảnh “Thừa thầy thiếu thợ”./.

2 nhận xét:

  1. THỪA thì cũng gọi là THỪA
    Mà THIẾU vẫn THIẾU bởi ĐÀO TẠO BỪA mà ra !
    Tại ÔNG QUY HOẠCH đó mà
    "QUY HOẠCH NGẪU HỨNG" thật là THIÊN ...TAI !

    Trả lờiXóa
  2. "để đất nước không còn cảnh “Thừa thầy thiếu thợ”./."

    Không phải đâu ạ,mình thuộc diện "thày không ra thày,thợ không ra thợ"-nghĩa như "dở ông dở thằng"!

    Mình tài ở chỗ:KHÔNG HỌC CŨNG CÓ BẰNG ĐẠI HỌC!Ví dụ:
    "(PL&XH) - Ngày 17-4, UBND TP Hải Phòng vừa công bố các quyết định tái bổ nhiệm lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP Hải Phòng.

    Trong đó có việc tái bổ nhiệm ông Đinh Công Toản, người được Ủy ban kiểm tra (UBKT) Thành ủy Hải Phòng kết luận chưa có trình độ THCS, THPT nhưng vẫn có tới hai bằng ĐH hệ tại chức làm Phó GĐ Sở này. Ngay sau khi ông Toản được tái bổ nhiệm, một số lãnh đạo của Sở này đã tỏ rõ thái độ không phục quyết định của TP Hải Phòng bởi lẽ, ông Toản trước khi được cử giữ chức Phó GĐ Sở đã bị UBKT Thành ủy Hải Phòng kết luận chưa học cấp 2, cấp 3 nhưng vẫn có tới hai bằng ĐH là ĐH Nông nghiệp và ĐH Luật hệ tại chức."
    ----
    http://phapluatxahoi.vn/20130420081817774p0c1002/tai-hai-phong-tai-bo-nhiem-nguoi-chua-hoc-cap-2-cap-3-lam-pho-gd-so.htm

    Trả lờiXóa