Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Ngoại giao Việt Nam - truyền thống và hiện tại

Vũ Khoan


(Tham luận tại Hội nghị Việt Nam học lần thứ IV tại Hà nội, 25-28/11/2012)


Thưa quý vị đại biểu,

          Tôi rất phấn khởi có cơ hội được gập mặt đông đảo các nhà nghiên cứu về Việt Nam từ khắp các châu lục tới thủ đô Hà nội để tham dự Hội nghị Việt Nam học lần thứ tư, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và mối cảm tình nồng thắm của quý vị đối với đất nước chúng tôi. Đây chẳng những là niềm vinh dự mà còn là nguồn động viên to lớn đối với Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

          Để cung cấp thêm thông tin cho các bạn về một khía cạnh quan trọng trong sự phát triển của đất nước mình là hoạt động ngoại giao, tôi xin chia xẻ một số suy ngẫm riêng tư về những truyền thống hình thành trong lĩnh vực này từ ngày Việt Nam trở thành quốc gia độc lập vào năm 1945 và sự tiếp nối những truyền thống đó trong thời kỳ “đổi mới”.
          Thưa quý vị,
          1.Cũng giống như bất kỳ quốc gia nào khác, mục tiêu của nền ngoại giao Việt Nam bắt nguồn từ lợi ích quốc gia – dân tộc trong sự gắn kết với xu thế thời đại và cục diện thế giới. Trước sau như một nền ngoại giao Việt Nam luôn theo đuổi ba mục tiêu chủ yếu: giành và giữ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để kiến quốc; và không ngừng nâng cao vị thế của mình ở khu vực và trên thế giới.
Ba mục tiêu ấy là một thể thống nhất, gắn kết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, tuỳ tình hình cụ thể từng lúc ở trong nước và cục diện thế giới, mục tiêu này hay mục tiêu khác nổi lên như một ưu tiên hàng đầu.
Vừa ra đời, nước Việt Nam độc lập đã bị đủ loại thù trong giặc ngoài dòm ngó, xâu xé và trong mấy thập kỷ liền phải đương đầu với hết cuộc chiến tranh này tới cuộc chiến tranh khác, chủ quyền bị xâm hại, giang sơn bị chia cắt rồi đất nước bị bao vây, cô lập. Trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, điều dễ hiểu là mục tiêu giành lại và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ nổi lên như một mục tiêu hàng đầu của nền ngoại giao Việt Nam.
Nền ngoại giao Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu này thông qua các hoạt động đầy cam go nhưng cũng đầy tính sáng tạo trong năm 1945- 1946 cũng như những năm sau này, trong đó nổi lên những mốc lớn như: Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông dương, cuộc hoà đàm Pa-ri kéo dài từ năm 1968 tới năm 1973 với việc ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Đó là chưa kể Hội nghị Giơ-ne-vơ về Lào năm 1962 và Hội nghị Pa-ri về Căm-pu-chia năm 1991 mà Việt Nam đã tham gia trực tiếp.
          Một mục tiêu lớn khác mà nền ngoại giao Việt Nam theo đuổi là tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi, mở rộng hợp tác để phát triển. Ngay từ những ngày đầu, dù còn phải đối phó với cả giặc đói, giặc dốt lẫn giặc ngoại xâm, Việt Nam đã đưa ra nhiều thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ về một chính sách rộng mở với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, những tín hiệu ấy đã bị tiếng bom đạn lấn át và chính sách bao vây, cấm vận Việt Nam quây lại. Trước thời kỳ “đổi mới” được khởi động vào năm 1986 hoạt động ngoại giao trong lĩnh vực kinh tế mà ngày nay chúng tôi gọi là “ngoại giao kinh tế” chủ yếu mới chỉ tập trung vào việc tranh thủ viện trợ của nước ngoài để kháng chiến và xây dựng miền Bắc.
          Trước năm 1945, tên gọi Việt Nam không có trên bản đồ thế giới mà chỉ là một thuộc địa của Pháp bị chia cắt thành ba miền: Bắc kỳ, Trung Kỳ và Nam kỳ. Ngay sau khi giành được độc lập, Việt Nam đã có những nỗ lực lớn lao nhằm tranh thủ sự công nhận ngoại giao của các nước, xác lập vị thế xứng đáng của mình trong cộng đồng quốc tế. Mặc dầu vậy, do hoàn cảnh khách quan lúc đó nên thành tựu về mặt này có phần hạn chế; mãi từ năm 1950 trở đi quan hệ ngoại giao mới được thiết lập với các nước XHCN và các nước dân tộc độc lập cùng vài nước công nghiệp phát triển.
Kể từ khi phát động công cuộc “đổi mới”, ba mục tiêu ấy vẫn giữ nguyên giá trị, trong đó nổi lên hàng đầu nhiệm vụ bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ trung tâm của đất nước là phát triển kinh tế - xã hội. Theo hướng này, hoạt động ngoại giao đã được triển khai sâu rộng, mạnh mẽ; chính sách bao vây cô lập Việt Nam đã bị đẩy lùi; thị trường đuợc mở rộng, số lượng đối tác gia tăng chưa từng thấy. Đặc biệt, nắm bắt xu thế toàn cầu hoá và xuất phát từ nhu cầu phát triển của bản thân, Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn với nền kinh tế khu vực và thế giới mà việc gia nhập WTO vào 5 năm trước đây là một cái mốc lịch sử.
 Kết quả là từ năm 1986 tới 2011, kim ngạch xuất-nhập khẩu đã tăng từ khoảng 3 tỷ lên trên 203 tỷ USĐ, trong đó giá trị xuất khẩu tăng từ 800 triệu lên gần 97 tỷ; tổng số vốn đầu tư nước ngoài từ con số “0” đã đạt gần 89 tỷ USĐ vốn thực hiện; nếu như viện trợ nước ngoài không còn sau khi Liên xô giải thể thì từ năm 1991 tới năm 2011 viện trợ phát triển chính thức đã đạt con số trên ba chục tỷ. Những thành tựu đầy ấn tượng đó đã góp phần quan trọng vào việc gia tăng tổng lực của đất nước chúng tôi, đưa Việt Nam từ một nước có thu nhập tính theo đầu người vẻn vẹn có 86 USĐ năm 1988 vào hàng các nước có thu nhập trung bình với 1.168 USD/người vào năm 2010 theo thời giá.
Ngày nay Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thể hiện trong việc tiến hành đàm phán với một loạt nước về Khu vực mậu dịch tự do (FTA) như cuộc đàm phán về Đối tác thương mại Thái Bình Dương (TPP), thiết lập FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga – Biê-la-rút-xơ - Ca-dắc-xtan…
Mặc dầu Việt Nam đã trở thành một quốc gia hoàn toàn độc lập, giang sơn thu về một mối, song mục tiêu giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vẫn còn nguyên giá trị do những diễn biến phức tạp ở khu vực và trên thế giới. Trong hoàn cảnh mới, khi hoà bình, hợp tác trở thành xu thế lớn trong quan hệ quốc tế, các tranh chấp được đưa vào kênh đàm phán thì ngoại giao đóng vai trò xung kích trong việc bảo đảm mục tiêu này. Và trên thực tế, thông qua đàm phán ngoại giao chúng tôi đã giải quyết được hàng loạt vấn đề biên giới lãnh thổ với các nước láng giềng. Đó là các thoả thuận về biên giới trên bộ với Lào, Căm-pu-chia và Trung Quốc; về hợp tác khai thác với Ma-lai-xia ở vùng chồng lấn trên biển; phân chia vùng chồng lấn trên biển với Thái lan; phân chia vịnh Bắc bộ với Trung Quốc và phân chia thềm lục địa với In-đô-nê-xia. Những thoả thuận này chẳng những làm rõ cương vực của quốc gia để quản lý, khai thác mà còn góp phần quan trọng vào xu thế hoà bình, ổn định và hợp tác trong khu vực. Bên cạnh đó các thỏa thuận về hợp tác trong việc phòng chống các mối đe dọa phi truyền thống được mở rộng; sự giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh ngày một gia tăng, góp phần giảm thiểu căng thẳng, tăng cường tin cậy.
 Ngày nay đang nổi lên những khác biệt, tranh chấp trên biển Đông liên quan tới các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven bờ thể theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Tiếp tục truyền thống của nền ngoại giao Việt Nam, một mặt chúng tôi tiếp tục kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của mình, mặt khác chúng tôi luôn giương cao ngọn cờ hoà bình và công lý, chủ trương thông qua thương lượng ngoại giao và dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển nói trên để tìm ra giải pháp cơ bản và lâu dài; trong khi chưa đạt được điều này thì điều quan trọng là các nước hữu quan hãy triệt để tôn trọng thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc về cách ứng xử trên biển Đông (DOC) và tích cực đàm phán để đi tới Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính toàn diện và tính ràng buộc cao hơn.
Nhờ lòng dũng cảm và chí kiên cường trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhờ những đóng góp cho sự nghiệp độc lập và hoà bình trên thế giới, nhờ những thành tựu trong công cuộc đổi mới và một chính sách đối ngoại hoà hiếu, rộng mở, vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới được nâng cao hơn bao giờ hết. Ngày nay nước chúng tôi đã có quan hệ ngoại giao với 197 quốc gia, kể cả 5 nước uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ; có chân trong hầu hết các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng như Liên Hợp Quốc, Phong trào Không liên kết, ASEAN, APEC, ASEM, Diễn đàn Đông Á, Cộng đồng có sử dụng tiếng Pháp…
Một nét mới là ngày nay Việt Nam chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện chứ không chỉ hội nhập về kinh tế, phát huy vai trò một thành viên tích cực của tất cả các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng tôi: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”[1].Nhưng lực lượng vật chất của nước chúng tôi rất hạn hẹp lại luôn phải đương đầu với các đối thủ mạnh hơn mình gấp bội về vật chất, vậy lấy đâu ra thực lực để hỗ trợ cho ngoại giao?
Trong ngôn ngữ Việt Nam các bạn thường bắt gập từ “kết hợp”, một khái niệm phản ánh tư duy cổ truyền ở phương Đông. Trong ngoại giao cũng vậy, Việt Nam luôn vận dụng khái niệm “kết hợp” để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Theo tinh thần đó, việc huy động và củng cố sức mạnh vật chất luôn được kết hợp chặt chẽ với việc huy động và phát huy sức mạnh tinh thần; sức mạnh tự thân luôn được kết hợp với sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Chúng  tôi cho rằng , sức mạnh tinh thần mà nay nhiều người gọi là “sức mạnh mềm” đóng vai trò rất quan trọng. Tính chính nghĩa của những mục tiêu chúng tôi theo đuổi kết hợp với truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường chống ngoại xâm là nhân tố gắn kết toàn dân tộc, là tiếng kèn thúc giục mọi người dân Việt Nam xung trận bảo vệ đất nước. Những truyền thống quý báu ấy cộng với sự cần cù vốn có đã được phát huy trong lao động hoà bình, tạo nên sức mạnh ngày càng lớn của quốc gia. Đó là chưa kể vị trí địa - kinh tế và địa – chính trị thuận lợi và chính sách rộng mở gia tăng tính hấp dẫn của Việt Nam đối với các nước trong cộng đồng quốc tế, bổ sung đáng kể cho sức mạnh quốc gia.
Ngay trong việc huy động và tổ chức lực lượng trong nước, cách tiếp cận “kết hợp” cũng được quán triệt. Trong thời chiến, đó là sự kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự và chính trị. Trong thời bình, đó là “ngoại giao chính trị” kết hợp chặt chẽ với “ngoại giao kinh tế”, “ngoại giao văn hoá”, “ngoại giao quốc phòng – an ninh” và nay cả “ngoại giao môi trường”. Và trong mọi tình huống, hoạt động ngoại giao của Nhà nước luôn gắn kết chặt chẽ với hoạt động quốc tế của Đảng và những hoạt động ngoại giao của các tầng lớp nhân dân.
Nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa “sức mạnh cứng” bị xem nhẹ. Không có chiến thắng Điện Biên Phủ  tháng 5 năm 1954 thì không thể có Hiệp định Giơ-ne-vơ 2 tháng sau đó; không có chiến thắng trong trận “Điện Biên Phủ trên không” khi không lực Hoa kỳ dùng hàng đàn máy bay, kể cả pháo đài bay B-52 ồ ạt không kích Hà nội, Hải phòng… vào đúng 40 năm trước đây thì cũng không thể có Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình năm 1973; không có những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới thì cũng không thể mở rộng quan hệ hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Tuy coi sức mạnh nội thân là nhân tố có ý nghĩa hàng đầu, Việt Nam luôn gắn mình với các trào lưu lớn của thời đại. Những mục tiêu nhân dân chúng tôi theo đuổi luôn thuận chiều với những xu thế lớn trên thế giới là quyền độc lập cho mọi quốc gia, quyền tự quyết cho mọi dân tộc, hòa bình cho toàn thế giới, sự hợp tác bình đẳng giữa tất cả các nước dù lớn hay nhỏ. Chính nhờ vậy mà suốt gần bảy chục năm qua nhân dân Việt Nam luôn luôn giành được mối đồng cảm sâu sắc, sự ủng hộ quý báu của nhân dân các nước, ngay cả nhân dân các nước tiến hành xâm lược đất nước chúng tôi, tạo nên sức mạnh lớn lao giúp chúng tôi giành thắng lợi.
3. Kinh nghiệm lịch sử của chúng tôi cho thấy, một khi mục tiêu đã được xác định rõ ràng, lực lượng đã được xếp sắp chuẩn xác thì phương châm và phương pháp tiến hành là nhân tố quan trọng bảo đảm thành công.
Đây là một đề tài rất thú vị và vô cùng phong phú; trong một bản trình bầy ngắn khó bề đề cập được toàn diện và kỹ càng. Nhân đây tôi chỉ xin lẩy ra vài ba điều.
Một là, xuất phát từ văn hoá hoà hiếu của dân tộc Việt Nam, từ khả năng thu phục lòng người do những mục tiêu chính nghĩa được theo đuổi và từ hoàn cảnh nhiều khi phải đối phó với nhiều đối thủ cùng một lúc, chúng tôi luôn theo đuổi phương châm “thêm bạn, bớt thù”, “…làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết”[2] Ngay sau khi nước nhà độc lập, đứng trước mối đe doạ của nhiều thế lực bên ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: nước Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với mọi nước dân chủ và không gây thù oán với ai”[3].
Nối tiếp truyền thống ấy, khi bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã tuyên bố với toàn thế giới rằng,”Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”[4]. Tư tưởng này đã được chính thức ghi trong Cương lĩnh sửa đổi và bổ sung của Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua tại Đại hội lần thứ XI họp đầu năm nay: Việt Nam muốn “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”[5].
Tư tưởng trên đây là cơ sở cho chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ quốc tế mà Việt Nam đang thực thi, một chính sách trùng hợp với xu thế phổ biến hiện nay trên thế giới.
Trong khuôn khổ chung ấy, với truyền thống “họ hàng xa không bằng láng giêng gần”, ngay từ những năm tháng đầu tiên sau khi giành được độc lập, Việt Nam đã dành mối quan tâm hàng đầu cho nhiệm vụ củng cố quan hệ hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới và các nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Tiếc rằng, do những biến động trong khu vực và trên thế giới, trong một thời gian dài, các nước trong khu vực bị chia năm xẻ bẩy, thậm chí hiềm khích, xung đột nhau. May thay, tình trạng ấy đã qua đi từ đầu những năm 90 thế kỷ trước; dưới tác động của xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển, các nước trong khu vực lần lượt tập hợp nhau trong ASEAN, tạo nên một tổ chức khu vực có uy tín cao trên thế giới mà Việt Nam là một thành viên tích cực. Xuất phát từ lợi ích liên kết khu vực để phát triển, nối tiếp truyền thống của những năm đầu độc lập, Việt Nam đặt lên hàng đầu nhiệm vụ củng cố sự thông nhất trong đa dạng giữa các nước thành viên ASEAN, nâng cao vị thế quốc tế của Hiệp hội, tiến đến hình thành Cộng đồng vào năm 2015.
Lần lại lịch sử ngoại giao Việt Nam trong những năm 1945 – 1946 ta còn thấy một hướng khác được quan tâm đặc biệt; đó là những nỗ lực thiết lập quan hệ với các nước lớn, trước hết là các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều đó cũng dễ hiểu vì muốn hay không, các nước này luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của thế giới và ảnh hưởng đáng kể tới tình hình của nước Việt Nam trẻ tuổi. Ngày nay ngoại giao Việt Nam vẫn tiếp tục nỗ lực thiết lập và củng cố quan hệ hợp tác với các nước lớn trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi.
Đương nhiên điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng tôi lơi lỏng những nỗ lực không ngừng tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với mọi quốc gia gần xa, lớn nhỏ khác, nhất là những nước vốn có quan hệ truyền thống và các nước đang phát triển cùng cảnh ngộ với Việt Nam.
Nhân đây tôi muốn nhấn mạnh tính nhân văn của dân tộc Việt Nam vốn xa lạ với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Trong thời gian dài từng là nạn nhân của ách đô hộ tàn bạo, sự xâm lược dã man của nước ngoài, người Việt Nam luôn ghi nhớ những hy sinh mất mát song không bao giờ nuôi giữ hận thù, luôn phân biệt rạch ròi giữa những kẻ gây ra đau khổ cho mình và nhân dân các nước, ngay đối với tù binh cũng sẵn sàng nhường cơm xẻ áo, sau chiến tranh luôn sẵn sàng “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”.
Hai là, trong khi tiến hành hoạt động để giành, giữ độc lập, chủ quyền và phát triển kinh tế - xã hội, ngoại giao Việt Nam luôn giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, tự mình quyết định đường lối, chủ trương của mình. Điều này cũng dễ hiểu vì chỉ bản thân mỗi nước mới nắm được tình hình cụ thể, khả năng, lợi ích của mình, mới biết cách đạt được mục tiêu đề ra. Vả lại nước nào cũng có lợi ích riêng, nuôi dưỡng những tính toán riêng, xếp sắp quan hệ quốc tế theo lợi ích riêng của mình. Mặt khác, Việt Nam không bao giờ rơi vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, gây thiệt hại, phiền phức cho nước khác. Ngay trong chiến tranh ác liệt, Việt Nam đã luôn cố gắng hạn chế phạm vi chiến tranh, tránh để các nước ủng hộ, giúp đỡ mình rơi vào xung đột quân sự trực tiếp với các nước khác. Độc lập tự chủ cũng không đồng nghĩa với chủ nghĩa biệt lập mà chính sách ấy luôn đồng hành với chủ trương đoàn kết quốc tế mà nay là hội nhập quốc tế.
Ba là, suốt chiều dài lịch sử nền ngoại giao Việt Nam luôn kiên trì truyền thống “vững chắc về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược”. Nguyên tắc nói ở đây là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, là mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, là sự hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa các quốc gia; còn phương cách bảo đảm những nguyên tắc bất di bất dịch ấy thì thiên biến vạn hoá, khi cương khi nhu, khi tiến khi lui tuỳ theo vấn đề, thời điểm, tương quan lực lượng cụ thể.
Bốn là, gắn với tư tưởng chỉ đạo nói trên, ngoại giao Việt Nam luôn quán triệt một phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện trong một bài thơ viết trong chốn ngục tù khi bị chính quyền Quốc Dân Đảng Trung quốc bắt giam vào đầu những năm 40 thế kỷ trước:
“Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ,
Kiên quyết không ngừng thế tiến công,
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,
Gập thời một tốt cũng thành công.” [6]
Theo tinh thần đó ngoại giao Việt Nam luôn nắm vững, thậm chí chủ động tạo lập thời cơ, đồng thời chủ động tấn công giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Trong thời chiến, điều đó thể hiện tại Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam song đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền; Hội nghị Pa-ri 1968 – 1973 khẳng định lại những nguyên tắc cơ bản nói trên, Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài gòn tạm thời tồn tại để rồi năm 1975 sụp đổ hoàn toàn, đất nước hoàn toàn thống nhất.
Trong thời bình, Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở đầu là việc gia nhập tổ chức khu vực Đông Nam Á ASEAN vào năm 1995, sau đó tiến lên gia nhập các tổ chức khu vực rộng lớn hơn là ASEM (1996) và APEC (1998), cuối cùng gia nhập WTO - một tổ chức toàn cầu vào năm 2006.
Xem như vậy có thể thấy quá khứ và hiện tại, truyền thống và thực tiễn hiện nay của nền ngoại giao Việt Nam nằm trên cùng một tuyến, tạo dựng nên “trường phái ngoại giao Việt Nam” mà người đặt nền móng cho nó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam độc lập giữa thế kỷ XX, đồng thời cũng là cha đẻ ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Những truyền thống ấy được vận dụng sáng tạo qua các thời kỳ, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử: giành lại và giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao uy tín của đất nước ở khu vực và trên thế giới sẽ được tiếp tục phát huy trong thời kỳ tiếp theo.



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội 2011, t.4 tr.3
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2000,t8,tr.26-27
[3] Như trên, xuất bản năm 2002, t.5, tr.220
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI,VII,VIII,IX) Về nhiệm vụ an ninh – quốc phòng và chính sach đối ngoại. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội – 2005, tr.103
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội – 2011, tr. 83-84
[6] Như trên, t.3,tr.287
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét