Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

VÀI ĐIỀU ƯỚC VỀ TÁI CẤU TRÚC

Tác giả : Vũ Khoan

Chín ngày nghỉ Tết dài dằng dặc đã qua, đã đến lúc bắt tay vào làm việc, làm việc cật lực vì nhắm mắt cũng thấy năm nay không dễ dàng chút nào. Mà việc quan trọng nhất, khó khăn nhất là “tái cấu trúc nền kinh tế” - một cụm từ được sử dụng với tần suất cao nhất hiện nay.
        Vì sao phải tái cấu trúc ? thế nào là “tái cấu trúc” ? để tái cấu trúc thì phải làm gì, làm thế nào?..- đó là những vấn đề được bàn thào sôi nổi trong suốt năm qua và cho tới nay vẫn chưa có hồi kết. Nhưng dù sao đi nữa chủ trương tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình phát triển đã được khẳng định trong các văn kiện của Đại hội Đảng cũng như của Quốc hội và Chính phủ khóa mới, hơn thế nữa ba khâu chủ yếu đã được chỉ rõ là tái cấu trúc đầu tư, trước hết là đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trước hết là các tổng công ty và tập đoàn, tái cấu trúc ngân hàng và các tổ chức tài chính, trước hết là các ngân hàng thương mại; mỗi việc đã được giao cho một Bộ chủ trì xây dựng đề án. Như vậy guồng máy tái cấu trúc đã bắt đầu khởi động và năm nay chắc sẽ tăng tốc.
        Tiếng vậy cá nhân tôi vẫn có đôi điều mong ước xung quanh chủ đề này.
        Điều ước thứ nhất là, giá có một kế hoạch tổng thể thì tốt biết mấy! Việc tập trung vào ba khâu nói trên là trúng rồi vì đó chính là những điểm yếu nổi trội song có lẽ chưa đủ vì nền kinh tế nước ta còn nhiều điểm yếu khác như chủ yếu dựa vào việc nhồi vốn và lao động giản đơn, thiếu hiệu quả, thiếu bền vững, bát ổn vĩ mô kéo dài và khá nặng, cơ cấu lạc hậu, tùy thuộc vào bên ngoài quá mức…; không giải quyết chúng một cách đồng bộ thì cũng không có mô hình phát triển hiệu quả. Đó là chưa kể những căn bệnh mà Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đã chỉ ra, nếu không chữa chúng thì cũng chẳng có tái cấu trúc. Ngoài ra, ba khâu đột phá chiến lược mà Đại hội XI đã xác định (thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng) chắc cũng cần gắn với quá trình này.
Bên cạnh đó quá trình tái cấu trúc đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của Nhà nước mà cần có sự tham gia một cách tích cực nhất của mọi thành phần kinh tế. Không có một kế hoạch tổng thể từ Nhà nước trung ương thì các doanh nghiệp, thậm chí cả các ngành và các địa phương có thể sẽ lúng túng, thậm chí mỗi nơi làm một kiểu và điều đó sẽ dẫn tới một mô hình phát triển méo mó. Nói một cách khác, nếu có sự phân vai rõ ràng: Chính phủ làm gì, các địa phương làm gì, các doanh nghiệp làm gì thì sẽ hiệu quả hơn.
Điều ước thứ hai là làm sao có được một gói các biện pháp kinh tế như chính sách thuế, lãi suất… để làm đòn bẩy thúc các doanh nghiệp đi  theo hướng mong muốn vì nói cho cùng mô hình phát triển của đất nước ra sao sẽ tùy thuộc chủ yếu vào hành vi của họ.
Điều ước thứ ba là trong khi ta lụi hụi tái cơ cấu nền kinh tế của mình cũng cần liếc mắt để ý tới quá trình tái cấu trúc đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu, nếu không sẽ bị lệch pha. Ví dụ ta còn đang phải gồng mình chuyển từ công nghiệp gia công sang chế biến và chế tạo thì đi đôi với nền kinh tế tri thức, thiên hạ đang chuyển sang nền kinh tế xanh; nếu ta không bắt nhịp kịp thì sản phẩm làm ra sẽ khó bề tiêu thụ vì không đáp ứng được đòi hỏi của xu hướng mới.
Điều ước thứ tư là tìm ra được nguồn lực cần thiết để tiến hành tái cấu trúc vì đây là “cuộc dạo chơi” khá tốn kém! Làm sao đổi mới được công nghệ để có nền kinh tế có hiệu quả và năng suất cao nếu không có tiền? Muốn có hiệu quả thì phải giảm nhân công, lấy quỹ nào để đào tạo lại hay trợ giúp họ?...Nói chung sờ vào đâu cũng cần nguồn tài lực cả; không có “khâu đầu tiên” này thì e rằng tái cấu trúc cũng khó bề mang lại hiệu quả. Đương nhiên nguồn lực này không chỉ nằm trong hầu bao của Nhà nước mà từ nhiều nguồn, vấn đề chỉ là xây dựng cơ chế để khuyến khích, huy động.
Nếu bốn điều ước trên trở thành hiện thực thì hy vọng rằng quá trình tái cấu trúc có thể sẽ xuôn xẻ hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét