Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

NHỮNG NÉT CHÍNH TRONG KẾ HOẠCH ĐIỀU CHỈNH CƠ CẤU HỆ THỐNG AN NINH CỦA MỸ Ở ẤN ĐỘ - THÁI BÌNH DƯƠNG

  Đây là bài viết của TS Subhash Kapila, Quỹ SAAG ( South Asia Analysis Group ) do tiến sĩ Phạm Gia Minh lược dịch. Nhận thấy bài này có giá trị nghiên cứu, Lều Văn xin giới thiệu tới những ai quan tâm.


 Một cách kín đáo, khó nhận thấy nhưng rất chắc chắn , trong khoảng 5 năm trở lại đây Hoa kỳ đã và đang thực thi chiến lược đi cùng với những biện pháp cụ thể nhằm điều chỉnh cơ cấu hệ thống an ninh của mình ở khu vực Đông Á để đối phó với điều mà thế giới đặt tên là “ mối đe dọa từ Trung hoa” càng  ngày càng trở nên rõ nét.


TQ và Mỹ vẫn thường nhấn mạnh rằng cả hai đều không có ý tưởng thù địch lẫn nhau , trong khi TQ không ngừng rao giảng về sự trỗi dậy hòa bình của mình mặc dù chi phí quân sự hàng năm luôn đạt con số hàng chục %. Trên thực tế thì cả hai quốc gia đều nhận thức rằng chính họ mới là những mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia của nhau.

Những nét chính trong kế hoạch điều chỉnh cơ cấu an ninh  của Mỹ ở Ấn độ- Thái bình dương

Bộ tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái bình dương có thẩm quyền chỉ huy, giám sát lực lượng của mình  trong toàn vùng Ấn độ- Thái bình dương chưa bao giờ được chứng kiến một giai đoạn hòa bình nào kéo dài kể từ năm 1945. Trong chiến tranh lạnh đây là nơi duy nhất đã nổ ra những cuộc chiến chống lại Hoa kỳ. Đầu tiên là chiến tranh Triều tiên và sau đó là chiến tranh Việt nam kéo dài . Trong cả hai cuộc chiến đó, TQ đã can dự một cách rõ ràng bằng quân sự và thách thức Hoa kỳ mặc dù sự đối đầu chiến lược chủ yếu là giữa Mỹ và Liên xô .

Cơ cấu của hệ thống an ninh của Hoa kỳ thời chiến tranh lạnh chủ yếu được thiết lập nhằm đối phó với “ mối đe dọa từ Liên xô” và được tập trung vào triển khai lực lượng quân sự ở khu vực Bắc Á nhằm bảo vệ Nam hàn, Nhật bản cũng như ngăn cản đội tàu chiến, tàu ngầm của Liên xô đóng tại quân cảng Vladivostoc. Vào cuối thời kỳ chiến tranh lạnh, TQ đã giảo hoạt (  nguyên văn expediently – ND ) đóng vai gần như là một đồng minh chiến lược của Mỹ sau khi Liên xô sụp đổ.

Để cung cấp hậu cần nhằm ứng phó với “ mối đe dọa từ Liên xô” Hoa kỳ đã thiết lập một cơ cấu an ninh đặt tại Nam hàn, Nhật bản, Đài loan và Philippines đồng thời ký kết với những quốc gia này các hiệp ước an ninh song phương. Ngoại trừ Đài loan, các đồng minh nêu trên của Mỹ đều cho phép Mỹ triển khai trên lãnh thổ của mình những đơn vị quân đội  tiền tiêu  lớn, tổng số lên tới gần 100.000 người. Trong thời gian đó các đơn vị quân đội đóng tại các lãnh thổ của Hoa kỳ ở Tây bộ Thái bình dương như Hawai và Alaska thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng đồn trú tiền tiêu này.

Sự kết thúc chiến tranh lạnh và những thập kỷ sau đó vẫn không mang lại bình yên cho khu vực Thái bình dương.  Một điềm báo còn tồi tệ hơn cả “ mối đe dọa từ Liên xô” đã xuất hiện ở Tây Thái bình dương , đó là “ mối đe dọa từ TQ”. Nếu trước kia “ mối đe dọa từ Liên xô” chủ yếu khu trú ở khu vực Đông-Bắc Á  của Thái bình dương thì ngày nay “ mối đe dọa từ TQ” sẽ bao trùm lên toàn bộ khu vực Châu Á có chung Thái bình dương với TQ.

“ Mối đe dọa từ TQ” thể hiện ở 2 mức khác nhau đối với Hoa kỳ và các đồng minh . Mức thứ nhất là tuyến đường giao thương trên biển mang ý nghĩa sống còn có thể bị một TQ thù địch dựng lên những đồn bốt dọc hai bên , theo lối dạng chân để mọi người phải chui qua háng.

Mức thứ hai là , TQ tái khởi động lại những tranh chấp về lãnh thổ thềm lục địa, lãnh hải đáy đại dương với Nhật bản, Đài loan, Philippines cùng các quốc gia Đông nam Á khác . TQ đã gây nên một môi trường an ninh đáng lo ngại trên bán đảo Triều tiên, ở Biển Đông Trung hoa và Nam Trung hoa ( Biển Đông của Việt nam – ND ).

Cùng với sự gia tăng về quân sự của TQ, các nước láng giềng đang chịu những sức ép chính trị nội bộ nên buộc phải có những tuyên bố theo cách này hay cách khác để bày tỏ sự hối tiếc về việc phải tiếp tục chấp nhận  cho quân đội Hoa kỳ triển khai các đơn vị đồn trú tiền tiêu trên lãnh thổ của mình dưới áp lực của an ninh quốc gia. Đó là trường hợp của một số thủ lĩnh các đảng phái chính trị ở Hàn quốc và Nhật bản. Những vấn đề tương tự cũng phát sinh đối với việc lưu trú của các tàu chiến trang bị hạt nhân và máy bay chiến đấu Hoa kỳ.

Quan điểm của Mỹ tại thời điểm năm 2011 hiện nay là : trong khi các lực lượng quân đôi
vẫn tiếp tục triển khai ở Hàn quốc và Nhật bản thì bắt đầu  khởi động kế hoạch chiến lược tái bố trí quân đội ở khu vực Ấn độ- Thái bình dương để đối phó với “ mối hiểm họa từ TQ”.

Nhóm từ “ dịch chuyển xuống phương Nam” đã mô tả chính xác nhất sự thay đổi trung tâm lực hấp dẫn của quân đội Mỹ trong chiến lược toàn thể về  triển khai lực lượng tác chiến ở khu vực Ấn độ- Thái bình dương . Chiến lược này giúp Hoa kỳ can thiệp nhanh hơn , hiệu quả hơn bằng quân sự vào những nơi mà TQ đang gây nên những mối đe dọa chủ yếu, cũng như những điểm xung đột do TQ khởi sự ở Biển Đông đang làm thay đổi mạnh mẽ môi trường an ninh ở Tây Thái bình dương.

Sau đây là những nét chính yếu trong kế hoạch điều chỉnh chiến lược cơ cấu an ninh của Hoa kỳ tại khu vực Tây bộ Thái bình dương :

+ Nhật bản và Hàn quốc vẫn tiếp tục cho Hoa kỳ triển khai lực lượng đồn trú tiền tiêu trên lãnh thổ của mình nhưng sẽ giảm dần quân số xuống còn khoảng 20.000 tới 25.000 người.
+  Số quân giảm bớt ở Nhật và Hàn quốc sẽ được tái bố trí tại lãnh thổ Hoa kỳ là đảo Guam ở Tây Thái bình dương.
+ Bộ phận nòng cốt của quân đội Mỹ đồn trú tiền tiêu  ở Ấn độ- Thái bình dương  sẽ đặt trung tâm đầu não tại các vùng lãnh thổ Hoa kỳ như Guam, Hawai và Alaska.
+ Sư đoàn thủy quân viễn chinh số 3 của Mỹ sẽ được tái bố trí ở Guam nhưng vẫn giữ lại một lữ đoàn tại Okinawa là địa điểm gần Đài loan và biển Đông Trung hoa.
+ Nhìn từ góc độ của không quân viễn chinh  Hoa kỳ thì Okinawa là cơ sở đồn trú cung cấp các phương tiện cần thiết cho lực lượng không quân chiến thuật.
+ Nhìn từ góc độ của lực lượng không quân ném bom chiến lược và các lực lượng khác có liên quan thì Guam hoàn toàn có thể là một căn cứ chính . Nó cho phép tiếp cận hiệu quả Biển Đông , Biển Đông hải và Ấn độ dương chỉ sau một khoảng thời gian ngắn .

+ Vũ khí hạt nhân và kho đạn đạo có điều khiển chính xác ( Precision Guided Munition – PGM ) sẽ được bố trí ở Guam.
+ Nhìn từ góc độ triển khai lực lượng Hải quân , Hoa kỳ sẽ bố trí ba tàu ngầm tn công nguyên tử chiến lược ở Guam. Tại khu vực Thái bình dương giờ đây sẽ có ba nhóm tầu  chở máy bay tiêm kích được triển khai với mục đích là có thể tiếp tục triển khai nhanh 3 nhóm tàu sân bay tấn công khác khi cần thiết.
+ Guam và Alaska sẽ có thể là nơi tập kết lực lượng di chuyển từ đất liền ra.

Về cơ bản ,theo lối tư duy quân sự thì Nhật bản, Okinawa và Hàn quốc sẽ  là nơi đóng quân của cả lực lượng phòng vệ lẫn lực lượng tấn công và đảo Guam sẽ nổi lên như một căn cứ quân sự chính của các lực lượng tấn công chiến lược cũng như hải quân viễn chinh Hoa kỳ. Alaska với lực lượng không quân tấn công sẽ đóng vai trò đối phó với sự đe dọa từ Bắc Triều tiên.

Khoảng 60% chi phí  tái bố trí lực lượng tại Guam trong số 10 tỷ USD sẽ do phía Nhật bản đảm nhận.

Guam đang nổi lên như một căn cứ quân sự  chủ yếu trong bố trí chiến lược mới của Mỹ ở Ấn độ- Thái bình dương.

Việc Hoa kỳ chọn Guam là địa điểm ưu tiên để triển khai các hạng mục quân sự có tầm chiến lược đã xuất phát từ nhận thức chính trị cũng như chiến lược an ninh quốc gia  nhằm đối phó hiệu quả với “ mối đe dọa từ TQ” ngày một hiện rõ hơn ở đường chân trời.

Về mặt chính trị, Guam là một phần lãnh thổ Hoa kỳ nên việc bố trí quân sự sẽ tránh được những cuộc cãi vã mang màu sắc chính trị phức tạp, rắc rối do các nhóm áp lực địa phương ở Nhật bản và Hàn quốc gây ra. Điều này cũng đồng thời loại bỏ khả năng dao động thay đổi lập trường vào phút cuối của các chính phủ Nhật bản và Hàn quốc đối với mọi hành động quân sự chống lại sự gây hấn của TQ. Hơn nữa, nó làm dịu những va chạm hàng ngày gây bức xúc giữa quân lính Mỹ với nhân dân các nước chủ nhà.

Guam đã từ lâu là một căn cứ quân sự chủ yếu của không quân và hải quân Hoa kỳ
Nơi đây có đủ đất để mở rộng các cơ sở và triển khai các phương tiện quân sự.

Về mặt chiến lược an ninh quốc gia, như cựu bộ trưởng quốc phòng Hoa kỳ  Robert Gates đã mô tả, củng cố và triển khai các lực lượng quân sự trên đảo Guam chính là tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công để ứng phó với mọi tình huống cần sự đáp trả, cũng như góp phần thực hiện các cam kết về bảo đảm an ninh đã ký với Hàn quốc, Nhật bản, Đài loan, Philippines và các quốc gia Á châu khác. Việc di chuyển các lực lượng quân đội Hoa kỳ tới Guam đã được bộ trưởng quốc phòng Hoa kỳ coi như là một sự tái bố trí lực lượng quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Giá trị  chiến lược của Guam đã được công nhận từ thời Đại chiến Thế giới lần thứ II, sau đó là chiến tranh Việt nam . “ Mối đe dọa từ TQ” hiện nay trong thế kỷ XXI một lần nữa lại khẳng định ý nghĩa chiến lược của hòn đảo Guam như một phần không thể thay thế trong toàn bộ chiến lược an ninh của Mỹ.

Phản ứng  và đối sách của TQ

Truyền thông TQ cũng như giới phân tích quân sự Bắc kinh đã lớn tiếng phản đối việc Hoa kỳ củng cố Guam thành một căn cứ chiến lược có thể triển khai đội hình máy bay ném bom chiến lược tầm xa, tàu ngầm tấn công đầu đạn hạt nhân và nhóm các tàu sân bay tiêm kích. Các cơ quan này viện lẽ rằng  việc củng cố căn cứ Guam là nhắm vào chống TQ cũng như gây nguy hiểm cho TQ,  và Hoa kỳ sử dụng các phương tiện ở Guam để giám sát mọi hoạt động của hải quân TQ.

TQ nhận thức được đầy đủ sự chênh lệch về sức mạnh khi so sánh với Mỹ nên đã bắt tay vào thực hiện một loạt các đối sách nhằm phát triển năng lực mạnh mẽ , không hạn chế trong khi Hoa kỳ còn đang bận bịu với cuộc chiến chống khủng bố ở Afganistan và Iraq. TQ đã nhanh chóng phát triển các sách lược chiến tranh không đối xứng nhằm đối phó với các chiến lược của Hoa kỳ trên mọi tầm cỡ của cuộc chiến, đặc biệt các lĩnh vực tin học và điện tử đã rất được chú trọng

Trong lĩnh vực hải quân, TQ đã đưa vào hoạt động căn cứ tàu ngầm chính được bảo vệ nghiêm ngặt ở đảo Hải nam trong biển Đông và gấp rút hoàn thiện tàu sân bay đầu tiên. Các tàu ngầm của TQ vẫn thỉnh thoảng lảng vảng xung quanh lãnh hải đảo Guam.

Việc tiết lộ máy bay tàng hình do TQ tự chế tạo đã cho thấy đây là một bước tiến mới trên con đường làm chủ  công nghệ cao phục vụ năng lực chiến đấu .

Quan trọng hơn là TQ đang nỗ lực phát triển lực lượng hải quân của mình để nhằm mục tiêu chiến lược là đẩy lùi ra xa sự can thiệp của quân đội Hoa kỳ trong khu vực Tây Thái bình dương . TQ tin tưởng rằng với khả năng quân sự trên biển được cải thiện của mình thì Hoa kỳ sẽ phải trả giá cao cho mọi cuộc can thiệp quân sự chống TQ.

Một vài nhận định thay cho lời kết

Thế kỷ 21 báo trước một sự đối đầu chiến lược đang ngày càng gia tăng giữa Hoa kỳ và TQ. Những quyền lợi xung đột ở Tây Thái bình dương sẽ gây cản trở cho mọi thỏa thuận. Cán cân quyền lực chiến lược hiển nhiên vẫn nghiêng về phía Mỹ trong khu vực Tây Thái bình dương nói riêng và toàn bộ Thái bình dương nói chung.

 Bằng việc dịch chuyển các lực lượng quân đội của mình và điều chỉnh lại cơ cấu hệ thống an ninh, có vẻ như  Hoa kỳ đang cho TQ biết rằng Hoa kỳ sẽ quyết tâm gắn bó với khu vực Thái bình dương, đặc biệt là Tây bộ Thái bình dương một cách lâu dài. Hoa kỳ đã và sẽ tiếp tục án ngữ vị trí chiến lược ngay ngưỡng cửa của TQ, và như vậy, TQ có lẽ không có lựa chọn nào khác là cố gắng làm cho Hoa kỳ phải trả giá cao hơn nếu can thiệp bằng quân sự chống lại TQ.

Phạm Gia Minh ( lược dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét