Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

HOÀ ĐỂ TIẾN

Tác giả :  Vũ Khoan

Ngày này đúng 65 năm về trước đã diễn ra một sự kiện ngoại giao quan trọng: tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp M.Moutet ký bản Tạm ước 14 tháng Chín. Cùng với hàng loạt hoạt động ngoại giao sôi động, đầy tính sáng tạo sau Cách mạng tháng Tám, cuộc đàm phán cam go đưa tới việc ký Tạm ước 14/9 đã đặt nền móng cho nền ngoại giao Việt Nam – một nhân tố đã góp phần hết sức quan trọng vào những thắng lợi của nhân dân ta trên các chặng đường tiếp theo. Thiết nghĩ, việc ôn lại những bài học lịch sử của thời kỳ đó rất có ích cho hôm nay và mai sau.
          Bối cảnh đất nước sau Cách mạng tháng Tám thật hiểm nghèo. Nhà nước Dân chủ Cộng hòa mới ra đời đã phải đối mặt với ba loại giặc cùng một lúc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Loại giặc thứ ba bao gồm cả thù trong, giặc ngoài: tàn quân nước Nhật bại trận còn đọng lại không ít ở nước ta;  20 vạn quân đội Tưởng Giới-thạch mà dân ta lúc đó gọi là “quân Tầu ô” do tính ô hợp của chúng tràn vào phía Bắc vĩ tuyến 20 dưới chiêu bài giải giáp quân đội Nhật mưu toan “diệt Cộng, cầm Hồ” (tức tiêu diệt cộng sản, bắt giam Hồ Chí Minh); ở phía Nam quân đội Pháp núp sau lưng quân đội Anh-Ấn (lúc đó còn là thuộc địa của Anh) gầm ghè khai chiến hòng một lần nữa khoác lên cổ nhân dân ta chòng nô lệ. Lăng xăng sau lưng chúng là đủ loại đảng phái Đại Việt, Việt nam Quốc dân đảng, Việt nam Cách mạng Đồng minh hội…
          Trong tình thế lực lượng vật chất rất mỏng thì phương cách hầu như duy nhất để đối phó với bọn chúng là đấu tranh ngoại giao dựa trên sức mạnh và sự đồng lòng nhất trí của toàn dân đi đôi với việc gấp rút xây dựng lực lượng để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến khó bề tránh khỏi.
          Các hoạt động ngoại giao lớn diễn ra chủ yếu vào năm 1946: 6/3 ký Hiệp định sơ bộ với Pháp, từ 16/4 tới 11/5 tiến hành Hội nghị Đà lạt, từ 31/5 đến trung tuần tháng 10 Hồ Chủ tịch đi thăm Pháp, từ 6/7 đến 10/9 tiến hành hội nghị Phông-ten-nơ-blô (Fontainebleau), 14/9 ký Tạm ước…
          Nhìn lại lịch sử có thể thấy khâu đầu tiên cực kỳ quan trọng là xác định rõ mục tiêu cơ bản. Ngày 3/10/1945, tức là một tháng sau ngày tuyên bố độc lập, Chính phủ ta đã ra Thông cáo về chính sách ngoại giao, trong đó nói rõ: “Đưa nước nhà đến tự do, độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn… tất cả chính sách ngoại giao phải có mục đích cốt yếu là giúp cho sự đấu tranh ấy thắng lợi bằng mọi phương pháp êm dịu hay kiên quyết”. Mục tiêu cơ bản này đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động ngoại giao tiếp sau.
Nhưng đấu tranh ngoại giao ra sao, thành bại thế nào lại tùy thuộc đáng kể vào việc đánh giá đúng tình hình, phân tích đúng tính toán của các đối phương, phát hiện chuẩn xác những điểm đồng và sự dị biệt của họ để hoạch định chính sách, bố trí lực lượng, chọn lựa phương châm hành động. Ôn lại lịch sử thời kỳ ấy có thể thấy sự đánh giá, phân tích của Đảng ta sáng suốt lạ kỳ. Bên thềm của Cách mạng tháng Tám, tại Hội nghị toàn quốc họp ở Tân trào (Tuyên quang) ngày 13-15/8/1945 Đảng ta đã nhận định “Hiện nay về chính sách ngoại giao chúng ta cần phải nhận định rõ hai điều:
a. Sự mâu thuẫn giữa hai phe Đồng minh Anh-Pháp và Mỹ-Trung quốc về vấn đề Đông dương là một điều ta cần lợi dụng.
b. Sự mâu thuẫn giữa Anh-Mỹ-Pháp và Liên Xô có thể làm cho Anh-Mỹ nhân nhượng với Pháp và để cho Pháp trở lại Đông dương…” .
Diễn biến tình hình sau đó cho thấy nhận định trên hoàn toàn chính xác.
Dựa trên sự phân tích như vậy, Đảng ta đã đề ra một chính sách ngoại giao toàn diện. Đường hướng cơ bản của chính sách đó đã được hoạch định ngay tại Hội nghị Trung ương lần thứ Tám họp ở Pắc bó (Cao bằng) vào tháng 5/1941 theo tinh thần “Kiên quyết chống tất cả các lực lượng xâm phạm đến quyền và lợi ích của nước Việt Nam…Tuyên bố các dân tộc bình đẳng và hết sức giữ hòa bình…”. Chuyển sang ngôn ngữ ngày nay thì đó là chính sách kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng của dân tộc, đồng thời giữ vững hòa bình và sự hợp tác bình đẳng. Sau đó, chính sách ấy đã được khẳng định nhiều lần và kiên trì theo đuổi cho đến tận nay.
Để thực hiện thành công, sự xếp sắp lực lượng chuẩn xác có tầm quan trọng lớn lao. Lần theo các văn bản của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đó, nhất là Thông cáo về chính sách ngoại giao ngày 3/10 nói trên có thể thấy nổi lên 4 chủ trương lớn: “chỉ có thực lực của ta mới quyết định sự thắng lợi”; “…với các nước lớn, các nước trong Đồng minh chống phát-xít, Việt Nam hết sức thân thiện và thành thực hợp tác trên lập trường bình đẳng và tương ái”; “với láng giềng, Việt nam nhấn mạnh đến hữu nghị, hợp tác và bình đẳng…”; “với các nước tiểu dân tộc trên toàn cầu sẵn sàng thân thiện hợp tác chặt chẽ trên nguyên tắc bình đẳng để ủng hộ lẫn nhau trong sự xây đắp và giữ vững nền độc lập”.
Qua nội dung trên có thể thấy, ngay từ khi mới ra đời Nhà nước ta luôn chủ trương lấy việc xây dựng thực lực là căn bản; trong quan hệ quốc tế luôn coi trọng việc xử lý quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng và các dân tộc bị áp bức; nền tảng chung là hợp tác bình đẳng.
Đồng thời, Đảng ta đã đề ra nhiều phương châm hành động phù hợp: “thực lực bản thân là quyết định”; “mâu thuẫn giữa các phe là điều cần lợi dụng”; “tránh các trường hợp một mình đối phó với nhiều lực lượng”; về phương pháp thì “kết hợp kiên quyết với êm dịu”; “hòa để tiến”, nghĩa là tạm thời thỏa hiệp, hòa hoãn để xây dựng thực lực, tiến lên giành thắng lợi mới.
Những nhận định, chủ trương, phương châm nói trên đã được thể hiện nhuần nhuyễn trong các hoạt động ngoại giao dồn dập vào năm 1945-1946 và cả trong những năm tháng sau này.
Trước hết là chủ trương lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước mưu toan xâm hại lợi ích nước ta để “bớt thù”, tập trung sức lực đối phó với đối thủ chủ yếu. Như trên đã nói, sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, thù trong giặc ngoại đầy rẫy trên đất nước ta; giữa chúng luôn có những mâu thuẫn gay gắt. Ta đã khéo léo lợi dụng những mâu thuần đó, đẩy quân Tưởng về nước và cùng với chúng là bọn tay sai Việt Quốc, Việt Cách để tập trung sức lực đối phó với thực dân xâm lược Pháp là kẻ thù chủ yếu của nhân dân ta lúc bấy giờ.
Trong cuộc đấu tranh ngoại giao với chúng, cái chính yếu mà ta kiên trì là quyền độc lập dân tộc, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của giang sơn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh cụ thể lúc đó, khi lực lượng vật chất của nước nhà có hạn, sự ủng hộ và giúp đỡ từ bên ngoài hầu như không có, Hồ Chủ tịch đã làm một việc không tiền khoáng hậu trong lịch sử ngoại giao thế giới là đích thân sang hang ổ của kẻ địch, suốt gần 5 tháng trời vận dụng sách lược “kiên quyết đi đôi với êm dịu”, kiên trì đấu tranh, đàm phán kết hợp với hoạt động rộng lớn, phong phú nhằm tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân Pháp và dư luận thế giới đồng cảm và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.
Trong Hiệp định sơ bộ 6/3 cũng như Tạm ước 14/9, cái bất biến là ta đòi Pháp phải công nhận nền độc lập và thống nhất của nước nhà. Tuy nhiên, trong tương quan lực lượng lúc bấy giờ ta đã phải thỏa hiệp trong một số vấn đề như thay vì ghi quy định Pháp công nhận nước Việt Nam là “độc lập”, Hiệp định mới chỉ ghi công nhận nước Việt Nam “tự do” nhưng thực chất vẫn là độc lập vì có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng; riêng vấn đề thống nhất ba kỳ Trung-Nam-Bắc sẽ được giải quyết qua cuộc trưng cầu dân ý và Pháp sẽ thừa nhận kết quả; phía ta chấp nhận nằm trong Liên hiệp Pháp và quân Pháp thay thế quân Tưởng…Đúng như ta dự đoán, Hiệp định tạm thời chưa ráo mực, bọn thực dân Pháp đã vi phạm thô bạo song ta vẫn kiên trì thương lượng. Tiếp sau thất bại của các Hội nghị Đà lạt và Hội nghị Phôn-ten-nơ-blô, Hồ Chủ tịch đã ký Tạm ước 14/9 cốt để tạm đẩy lùi nguy cơ xung đột lớn, tranh thủ thêm thời gian xây dựng lực lượng. Đảng ta coi đây là “…bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc”.
Những bước đi sách lược như vậy không phải mọi người đều hiểu, thậm chí một số đảng viên, cán bộ cũng hiểu lầm. Ấy là chưa kể bọn phản động đủ loại, nhất là Việt Quốc, Việt Cách mà đại diện là các tờ báo Việt Nam, Tự do, Phục quốc…đội lốt “yêu nước” ra sức xuyên tạc, kích động, chống phá. Trước tình hình đó, ngày 9/3 Thường vụ Trung ương Đảng đã phải ra chỉ thị “Hòa để tiến” giải thích tình hình và chủ trương của ta. Hồ Chủ tịch căn dặn “Muốn đi cho đúng với thời cuộc, chúng ta nên đặt lý trí lên trên tình cảm”, thậm chí trong bức thư gửi đồng bào Nam bộ trước khi lên đường sang Pháp Người thốt lê: “Tôi xin hứa với đồng bào rằng, Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”.
Mặc dầu ta đã nỗ lực đến mức tối đa để vãn hồi hòa bình song thực dân phản động Pháp vẫn không rời bỏ dã tâm một lần nữa đô hộ đất nước ta. Trong hoàn cảnh đó, theo tiếng gọi của Hồ Chủ tịch : “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Chúng ta phải đứng lên!”, toàn dân ta đã đồng tâm hiệp lực đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Cần nói thêm rằng, song song với tuyến đấu tranh trực diện với thực dân Pháp là chủ yếu, ta đã nỗ lực hết mình trên các tuyến hỗ trợ. Ngay từ lúc ấy đã hình thành tư tưởng mà ngày nay ta gọi là “đa dạng hóa” theo tinh thần “Nước Việt Nam sẵn sàng làm bạn với mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, tiến hành hoạt động “ngoại giao nhân dân” và “ngoại giao kinh tế”, thực thi chính sách “mở cửa với bên ngoài”. Có rất nhiều tư liệu rất phong phú về những phương hướng này nhưng do khuôn khổ của bài báo không đề cập hết được, xin để dịp khác.
65 năm đã qua, thế và lực của nước ta đã khác hẳn trước, cục diện thế giới và khu vực cũng có nhiều chuyển biến sâu sắc. Nước ta đứng trước nhiều thuận lợi song vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để ứng phó với những khó khăn, thách thức ấy, thiết tưởng rằng, những bài học ngoại giao trong các năm 1945-46 vẫn còn nguyên giá trị./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét