Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

BỂ KHỔ CUỘC ĐỜI

Tác giả : Vũ Đức Tâm


Phần thứ hai
Ôi, Nàng Thơ của tôi !



Chín Nàng thơ (Muse) khiêu vũ với thần Ánh sáng, Chân lí và Nghệ thuật Apollo
Tranh của Baldassare Peruzzi (1481-1537), danh họa Ý


Vợ chồng em ra đi, giường tôi trống vắng hẳn. Ngay hôm ấy lại có người đến thế chỗ. Nhưng khoảng trống trong tôi thật khó lấp đầy. Mấy ngày sau đó, tôi cứ ngơ ngơ ngác ngác, nhớ nhớ quên quên. Dự định viết một truyện ngắn về vợ chồng em, về em và về cuộc tao ngộ dịu ngọt cứ như trong mơ giữa em và tôi đeo đẳng tôi suốt những ngày sau đó. Câu chuyện sẽ ngừng ở đây nếu không có một sự việc đã phần nào làm thay đổi bố cục. Trước khi xuất viện vài hôm tôi đã gặp lại một anh bạn phóng viên của báo Nhân Dân. Dễ có đến vài năm không gặp anh nên lúc đầu tôi không nhận ra vì trông anh gầy và già đi nhiều quá. Anh đi làm thủ tục nhập viện cho vợ vào đúng Khoa tim mạch nơi tôi đang điều trị. Buổi chiều, y hẹn, tôi ghé vào phòng « phái đẹp » để thăm vợ anh. Chị ta, cũng nửa nằm, nửa ngồi như anh bạn đồng sàng đã ra viện, da xanh lướt như tàu lá chuối. Anh bạn phóng viên ngồi cạnh, tay đấm nhè nhẹ lên vai vợ. Tôi chợt nhận ra vai trò lật ngược ở trong này so với ngoài kia nơi các đấng mày râu đang rên rỉ.
          Tôi nán lại một lát, rồi gật đầu chào chị vợ, đi ra. Tự nhiên tôi thấy ghê sợ như sắp sửa phải trở lại những ngày đầu nhập viện. Tôi muốn mau chóng thoát khỏi cái không khí buồn tẻ, nặng nề này. Anh chồng theo tôi ra ngoài đi dạo. Anh đã chia sẻ những tâm sự đời mình : « Nhà tôi vốn có tiền sử bệnh tim. Khi nhà tôi có mang lần đầu, các bác sĩ sản khoa khuyên nên nạo, nếu không nguy hiểm đến tính mạng của mẹ hoặc của con. Vì rất yêu nhau, chúng tôi chấp nhận sống không sinh đẻ, nghĩ rằng tình yêu ấy đủ để chúng tôi vui sống bên nhau trọn đời. Nhưng rồi, bạn bè cùng lứa vợ tôi lần lượt con bồng con bế. Mỗi dịp xuân về, vợ chồng con cái ríu rít nhủ nhau đi chúc tết người thân, bạn bè. Bố mẹ tôi tuy không nói ra nhưng tôi hiểu các cụ rất buồn vì mãi chúng tôi không cho các cụ được bế cháu. Vợ tôi suy nghĩ lung lắm và quyết định sẽ đẻ con. Tôi can ngăn và nêu ý kiến tìm một đứa con nuôi nhưng, khác máu tanh lòng, cô ấy dứt khoát không chịu. Nỗi khát khao cháy bỏng được làm mẹ của người phụ nữ đã chiến thắng. Sau những tháng dài lo âu và trải qua biết bao lận đận, nhà tôi đã sinh được một cháu trai kháu khỉnh. Mẹ tròn, con vuông, thật hú vía. Từ khi có tiếng trẻ con oe oe, nhà chúng tôi như vui vẻ, ấm cúng hẳn lên. Tôi mừng một thì cô ấy mừng mười. Cô ấy dành hết thời gian và sức lực chăm sóc con, đứa cháu đích tôn của họ nhà tôi. »
          « Nhưng trớ trêu thay, cháu bé càng lớn, càng bụ bẫm bao nhiêu thì mẹ cháu càng suy sụp, quắt queo đi bấy nhiêu. Có lúc, cô ấy kêu chóng mặt, nhức đầu. Có lúc, cô ấy nói không ngủ được và hay bị đau nhức xương. Có lúc, tức ngực, khó thở. Cô ấy bỗng trở nên yếm thế, sợ tiếng động và ánh sáng. Mỗi khi có tiếng chuông reo là cô ấy lại giật thót mình đến nỗi tôi phải tháo nó ra. Thằng bé đang tuổi nghịch ngợm, hay la hét và chạy ầm ầm nên thường bị mẹ quát mắng. Tội nghiệp, dần dần nó chẳng dám khóc, cũng chẳng dám cười nữa. Tất cả cửa nhà tôi đều đóng im ỉm suốt ngày. Bố con tôi nói năng khẽ khàng, đi lại nhẹ nhàng và khi muốn xem vô tuyến phải ngồi sát vào máy mới nghe được vì chúng tôi phải hạ vô lum xuống mức nhỏ nhất. Đưa cô ấy đi khám ở nhiều nơi, bác sĩ bảo cô ấy bị suy nhược cơ thể nặng kèm suy tim nhẹ, cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, bồi bổ cho tốt mới mong hồi phục. Bao nhiêu tiền của tích cóp được, những đồ đạc đáng giá đều đem bán dồn tiền chạy chữa cho nhà tôi. Nhưng tình hình không cải thiện được là bao. Ba chúng tôi đi lại, sinh hoạt trong nhà như ba cái bóng. Cơ quan thông cảm không dám cử tôi đi công tác xa. Như vậy, tôi luôn được ở gần vợ con nhưng lại mất đi một khoản thu nhập phụ rất đáng kể. Mấy hôm gần đây cô ấy kêu đau ngực và rất khó thở nên tôi phải gửi cháu cho ông bà đưa cô ấy vào viện… »
          Sau cuộc gặp vợ chồng anh bạn phóng viên báo Nhân Dân, truyện tôi định viết đại loại thế này. Một người đàn ông đã có vợ và một người đàn bà đã có chồng, do những hoàn cảnh khác nhau, đều không có hạnh phúc. Do số phận đưa đẩy, họ tình cờ gặp nhau trong một bệnh viện và bù đắp cho nhau những cái mà lẽ ra họ có quyền chính đáng được hưởng. Tuy nhiên, cả hai đều có mặc cảm tội lỗi và luôn bị giằng xé bởi một bên là bổn phận và nghĩa vụ, một bên là mối tình éo le, ngang trái âm ỉ và đột nhiên bùng lên giữa họ. Cuối cùng, họ phó mặc cho số phận trong khi vẫn cố gắng làm tròn bổn phận chăm sóc cho cái nửa bên kia bệnh hoạn của mỗi người. Người đàn bà trong truyện chính là em, cô giáo yêu quí « của tôi », còn người đàn ông lại không phải là tôi vì tôi hiện đang sống hạnh phúc với vợ con mình, mà là anh bạn phóng viên nọ, vì anh xứng đáng được bù đắp bởi một tình yêu và một người yêu tuyệt vời như thế (mới thế mà tôi đã phát ghen với anh rồi). Trong truyện, tôi sẽ sắp xếp cho những cái bếp dầu của họ đặt cạnh nhau trong sân vuông bệnh viện và tình cảm, rồi tình yêu mãnh liệt nẩy nở ra sao từ ánh lửa bếp dầu đến ánh trăng đài phun nước thì bạn đã biết rồi đấy, tôi khỏi kể lại.

          Tôi ra viện. Bạn bè, người thân đến thăm chúc mừng nhiều vô kể. Tôi kể lại cho một vài người bạn cũng có tâm hồn lãng mạn và máu văn chương nghe câu chuyện của tôi trong viện và nội dung truyện ngắn mà mình ấp ủ. Họ đều hết sức tán thưởng và giục tôi viết ngay đi. Nhưng mặc cảm tội lỗi với vợ khiến tâm hồn tôi chưa thanh thản. Thú thật với các bạn, ngay sau khi « chuyện ấy » xảy ra ở đài phun nước, lương tâm tôi cũng cắn rứt lắm. Tôi hoang mang không biết mình hành động thế là đúng hay sai. Khi đứng ở ghế bị cáo, tôi thấy mình đã « không giữ vững được lập trường, không nghiêm khắc với bản thân, để cho những tình cảm ủy mị, tiểu tư sản làm sa ngã ». Nhưng khi đóng vai luật sư bào chữa, tôi lại thấy mình không có gì phải lăn tăn cả vì đã hành động theo tình cảm chân thực của mình. Nói cách khác, tôi đã tuân theo mệnh lệnh trái tim mình, dù tật nguyền, vẫn còn nguyên khả năng rung động trước cái đẹp và trắc ẩn những cảnh đời éo le. Tôi tin chắc trăm phần trăm là bất kì một trang nam nhi nào, rơi vào hoàn cảnh ấy cũng hành động như vậy. Chỉ có điều có nói ra không mà thôi. Vậy thì, nếu có thể gọi đó là lỗi mà mình lại thành thực nói ra thì cũng đáng được thông cảm và tha thứ, có phải không ? Người Pháp chả nói (xem ra tôi bị ảnh hưởng « văn hóa thực dân » hơi bị nhiều nhỉ !) đại ý là : có lỗi mà thú nhận thì coi như được tha thứ một nửa rồi. Thế là sau khi cân nhắc kĩ, tôi quyết định « tự thú trước bình minh ». Ban đầu, nhà tôi im lặng và suốt cả tuần sau đó là « chiến tranh lạnh ». Nhưng rồi vốn giàu lòng nhân ái và độ lượng nên bà xã đã bỏ qua cho « trường hợp bất khả kháng » ấy. Cuộc chiến đã chấm dứt bằng một bữa bún chả mà tôi đã hăng hái quạt đến mức quần áo thủng lỗ chỗ như…cái màn bệnh viện.
          Biết bao lần tôi mở máy vi tính ra rồi lại tắt đi vì sao khó viết quá. Điều duy nhất tôi làm được là đặt cái tít cho truyện. Từ cái tít thô thiển, đầy gợi cảm là « Tình bù », đến cái tít mộc mạc « Một chuyện tình trong bệnh viện », cho đến những cái tít nghe văn vẻ, thơ mộng như « Chuyện tình bên đài phun nước », « Đêm trăng bên đài phun nước » hay « Vũ khúc đêm trăng ».  Tuy vậy, tôi chưa dứt khoát chọn tít nào. Thế mới biết, làm nhà văn không dễ tí nào. Tôi thấy điều khác nhau cơ bản giữa một nhà văn và một người bình thường như tôi, như bạn là : nhà văn thể hiện được ra thành tác phẩm điều họ nghĩ, trong khi chúng ta cũng nghĩ được những ý hay như họ nhưng cầm bút lên là tắc tị, không thể hiện được ra trang giấy, đấy là chưa kể phải thể hiện sao cho văn vẻ, hấp dẫn. Chính vì thế khi đọc một tác phẩm, ta thường tự tìm thấy mình trong đó và tùy trạng thái tinh thần mà ta rất tâm đắc với một nhân vật, một đoạn nào hay một lời nói nào đó. Tôi chia sẻ ý nghĩ trên với anh bạn cùng tuổi chuột, anh ngẫm nghĩ rồi nói: « Có chín vị Nữ thần Nghệ thuật. Mỗi vị chủ trì một lĩnh vực. Mỗi vị có một tên riêng, nhưng thông thường người ta vẫn gọi các vị bằng cái tên chung Nàng Thơ (Muse). Sở dĩ cậu chưa viết nổi là vì chưa tìm được nguồn cảm hứng hay nói văn hoa là chưa gặp được Nàng Thơ ». Thấy anh bạn nói chí lí quá nên tôi tạm gác bút (tức tắt máy vi tính) để truy tìm Nàng Thơ của mình.
          Một buổi tối, thấy tôi có nhiều bạn bè thuộc giới văn nghệ sĩ và các nhà xuất bản, người hàng xóm giới thiệu với tôi một cô bạn trẻ, mới tốt nghiệp Tổng hợp Văn và bảo nếu có thể được thì kiếm giúp cô việc làm. Cô trẻ trung, tươi mát, không phải là đẹp nhưng ăn nói có duyên. Sau khi qua phần mào đầu và nói những chuyện chung chung, chúng tôi bắt đầu đàm đạo văn chương. Cô nói về những năm tháng học văn trong trường, những trường phái văn học, những dự kiến sáng tác. Sau đó, cô còn đưa tôi một tập bản thảo truyện ngắn để « anh đọc và cho ý kiến ». Tôi cũng kể cô nghe niềm say mê văn học của mình từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông, nhất là văn học Pháp. Chả thế mà tôi đã học tiếng Pháp để đọc Banzắc, Uygô, Xtanhđan, Vônte, Môlie… trong nguyên bản. Rồi tôi kể chuyện tình trong bệnh viện và dự kiến viết một truyện ngắn về những con người đau khổ ấy. Cô chống hai tay lên cằm say sưa nghe tôi nói, thỉnh thoảng xen vào những nhận xét rất ý vị, đến mức mà có lúc tôi thấy cô bỗng hóa thành thiên thần với đôi cánh nhỏ xinh bay lượn quanh tôi. Cô bảo rất thích cốt truyện đó và khi tôi viết xong cho cô được là người đầu tiên đọc bản thảo. « Nàng Thơ của tôi đây rồi ! », tôi reo lên trong đầu. Sau khi tiễn « Nàng », mặc dù đã khuya, tôi vẫn hăm hở mở máy vi tính và viết liền một mạch đến bốn giờ sáng mới đi ngủ. Mấy hôm sau, ở cơ quan về, sau khi cơm nước xong, tôi lại gắn chặt vào máy.
          Viết được ba trang thì tôi phải tạm dừng vì phải đi công tác hơn một tháng ở các tỉnh phía Nam. Những mỗi khi có giây phút rảnh rỗi, tôi vẫn suy nghĩ, sắp xếp trong óc ý tứ trước sau, ghi lại vào giấy những ý hay chợt nảy sinh. Vừa đi công tác về, tôi lập tức dồn hết thời gian và sức lực để hoàn thành truyện ngắn ấp ủ từ lâu này. Tôi coi đó như món nợ tinh thần phải trả cho vợ chồng em, cho em, cho vợ chồng anh bạn phóng viên và tất cả những ai bị những nỗi đau thể xác và tinh thần giày vò ngày đêm. Tất nhiên, tôi nóng lòng hoàn thành « tác phẩm » của mình cũng vì muốn khoe với « Nàng Thơ của tôi » : nhờ có Nàng mà mạch văn của tôi mới thực sự được khai thông.
          Tôi đang trên đà nước rút như vậy thì, anh bạn đồng niên tuổi chuột đã gọi cho tôi và bảo tuần qua anh đọc báo Văn Nghệ một truyện ngắn nội dung y hệt, nhưng tên tác giả không phải là VĐT mà là N.M.H., vậy, « Phải chăng có sự nhầm lẫn của Ban biên tập hay ông lấy tên khác ? » Tôi quả quyết không thể có chuyện đó được vì tôi đang « thai nghén » nốt đoạn kết. Thế là anh bạn phóng đến gặp tôi mang theo tờ Văn Nghệ tang chứng. Tôi vừa đọc, vừa sững sờ lẩm bẩm :  « Cốt truyện giống cốt truyện, chi tiết giống chi tiết ! » chẳng khác nào ông phù thủy sợ ma trong truyện tiếu lâm thấy : « Thủ giống thủ, xôi giống xôi ! » khác chăng là cái tít và cách hành văn. Điều làm tôi sững sờ hơn cả là tác giả chẳng phải ai xa lạ mà lại chính là người đã mang tới cho tôi cảm hứng viết, và cũng đã thúc giục tôi viết truyện ấy, người mà tôi quí mến và gửi trọn niềm tin. Hỡi ôi, oái ăm thay, đó lại là…  « Nàng Thơ của tôi ! »

Vũ Đức Tâm
Hà Nội, 1992


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét