Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

BỂ KHỔ CUỘC ĐỜI

Tác giả  :  Vũ Đức Tâm


Cùng bạn đọc,
Năm 2007, khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã quả quyết với Quốc hội sau 2-3 năm sẽ chấm dứt tình trạng một giường hai, ba bệnh nhân nằm. Bốn năm trôi qua, ông thấy “nhẹ nhõm, vui vẻ như anh nông dân cày xong thửa ruộng”·, mang theo Huân chương Lao động hạng nhất về “vui thú điền viên” trong khi mà tình trạng quá tải xem ra còn tồi tệ hơn nhiều. Khôn hơn ông, bà Nguyễn Thị Kim Tiến không hứa gì cả, vì theo bà, quá tải bệnh viện “khó có thể giải quyết trong một nhiệm kì”. Không những thế, bà còn đang nhăm nhe tăng viện phí. Vậy thì, hỡi các “bệnh nhân nhân dân”, hãy đợi đấy nhá!
Năm 1992, tôi đã là bệnh nhân-nạn nhân của tình trạng này. Mới đây, sau khi đọc bài Chạnh lòng những giấc ngủ trong bệnh viện  (Tiền Phong online, 19/9/11) và chứng kiến những gì xảy ra hiện nay ở bệnh viện tôi mới thấy hồi ấy mình còn may mắn chán. Mời các bạn chịu khó đọc “Bể khổ cuộc đời” mà tôi đã viết sau khi ra viện để phần nào thấy ngành Y nước nhà sau mười chín năm đã “đổi mới” ra sao nhé.
Hà Nội, 22/09/2011
VĐT

  «Bể khổ mênh mông sóng lụt giời, 
Khách trần chèo một lá thuyền chơi,
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió  
Quay laị cùng trong bể khổ thôi! » 
Đoàn Như Khuê


Mến tặng  những « Bệnh nhân nhân dân » và người thân của họ đang « lăn lóc » trong các bệnh viện.
VĐT


Phần thứ nhất

Người đẹp ơi, cùng anh đi xem !


          Sau một thời gian làm việc căng thẳng suốt ngày đêm để hoàn thành dứt điểm một công trình đã cam kết với một đối tác quan trọng, tôi bị sốt dai dẳng hàng tuần liền, ăn không ngon, ngủ không yên. Người tôi gầy rộc, chỉ còn da bọc xương. Tôi đến bệnh viện Bạch Mai chụp tim phổi. Và kết quả làm tôi và cả gia đình lo lắng : tim tôi to hơn mức bình thường. Thêm một buổi siêu âm nữa thì bệnh tình tôi được xác định. Tôi bị viêm màng tim hay còn gọi là tràn dịch màng tim. Chị bác sĩ siêu âm khuyên tôi nên nhập viện sớm để kịp thời điều trị. Thế là tôi nhập viện, nằm ở khoa tim mạch. Tuy vô cùng bi quan nhưng tôi vẫn phải cố lấy vẻ vui đùa vốn có để làm vợ yên lòng : « Tim anh to là vì anh rất giàu tình cảm, chỉ cần bớt đi một chút là khỏi thôi, em đừng lo lắng quá mà ảnh hưởng sức khỏe ! ». Phố tôi ở có đền Nhà Hỏa rất thiêng. Bà xã tôi đã cẩn thận sang nhờ bà trông coi đền kêu với Ngài cho tôi tai qua nạn khỏi. Chúng tôi rất quí bà nên thường thân mật gọi bà là « Giám đốc Đền ». Chứ ai lại gọi là Bà từ nghe cổ lỗ thế nào ấy, mà lại không phù hợp với thời đại mà hễ cứ được phụ trách một nhóm nào đấy dù chỉ một hai mống, người ta cũng thích được xưng danh là Giám đốc, là Chủ tịch, Chủ nhiệm…
          Khu bệnh nhân được chia làm hai : một vài buồng nho nhỏ, kin kín dành cho phái đẹp (nói « phái đẹp » là theo thói quen nịnh đầm của tôi chứ đã vào đến đây thì trông chị em nào cũng như thần sầu, đi lại liêu xiêu, mặt mày nhăn nhó… dẫu đã từng là hoa hậu chăng nữa trông cũng… khó mà rung động nổi), còn một buồng lớn kiêm hành lang (vì muốn vào buồng chị em phải qua đây) dành cho phái mày râu (mà đúng là mày râu thật vì ông nào ông ấy râu ria, tóc tai bờm sờm, do ốm đau, chán nản, ăn kém, ngủ ít nên chẳng thiết làm dáng nữa). Bệnh nhân nhiều mà giường có hạn nên trung bình mỗi giường hai người nằm trở đầu đuôi, có khi còn đến ba, bốn người cơ đấy. Muốn được nằm thoải mái một chút, phải chia ca kíp mà ngủ. Quần áo màu cháo lòng, màn cũng màu ấy, không phải màn tuyn đâu mà là thứ vải xô bí rì rì, nhưng được cái rất thấm nước nên cái thời đất nước còn khó khăn vẫn ưu tiên phân phối cho chị em để dùng như « xốp ti na » bây giờ ấy. Tuy nhiên, mắc lên màn thoáng mát ra phết vì… đầy lỗ thủng, bé thì như khuy áo vét, to thì như miệng chén, miệng cốc. Sợ muỗi, tôi dùng dây tỉ mẩn buộc túm những lỗ đó lại thì khi mắc lên cái màn rúm ró đến thảm hại. Giường cá nhân vốn chật lại nằm tập thể thì thà nằm không màn còn hơn. Cũng may, bọn muỗi ít oanh kích. Có lẽ bọn chúng động lòng trắc ẩn, thương hại những con người bất hạnh này. Cũng có thể trong thế giới văn minh ngày nay, loài muỗi cũng kén chọn, không muốn xơi thứ mà chúng cho là « không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm », ngộ nhỡ ốm đau mà phải « nằm viện » thì xong đời.
          Đêm đầu tiên, dù đã uống hai viên thuốc ngủ nhưng tôi không chợp mắt nổi. Vì lo lắng cho bệnh tình của mình một phần, nhưng chủ yếu vì cái khung cảnh xung quanh mà mình được mục sở thị. Náo động suốt đêm : góc này là tiếng ho sù sụ, góc kia tiếng kêu rên, đây đó, một vài ông ngáy như sấm dậy, rồi ác mộng, la hét giẫy giụa… Đấy là chưa kể một thứ mùi tổng hợp : chua chua mồ hôi, khai khai nước tiểu, hăng hắc gia ven, thum thủm mùi… . Tóm lại, cái mùi tổng hợp này chỉ có thể gọi chung là « mùi bệnh viện » cứ lởn vởn bên cái giác quan mà từ khoa học gọi là khứu giác. Bạn có yêu đời đến mấy mà khi bị ốm đau phải vào đây thì đời đúng là « vạn ngày sầu » như lời một bài hát nào đó, hay theo Phật giáo thì đời là « bể khổ », thật chẳng ngoa tí nào. Tôi chợt nghĩ tới những vị đi trên mây trên gió, mắc bệnh « lạc quan tếu », đề cao quá đáng thành tựu đổi mới, cho rằng nước ta sắp thành Rồng, thành Phượng. Chỉ cần mời các vị vào đây « ba cùng » trong giây lát thôi là đủ chữa tuyệt nọc cái bệnh ấy.
          Thế rồi, dù không hề muốn, tôi cũng phải quen dần và tồn tại trong môi trường ấy. Sau một tuần nằm viện, nhờ có sự kêu cầu Đức Thánh Hỏa, ấy lộn, nhờ có sự tận tình cứu chữa của y bác sĩ trong Khoa chứ, dịch trong tim tôi đã rút hết, hình trái tim tôi chụp trên phim lại đẹp đẽ, gọn gàng như xưa. Nói vậy cho « đúng lập trường » thôi chứ trong thâm tâm, mặc dù đã trải qua mấy chục năm làm cán bộ nhà nước, tôi vẫn nghĩ là do vợ chồng tôi ăn ở hiền lành nên các Đấng mới rủ lòng thương phù hộ độ trì cho. Tôi quên chưa nói với các bạn là nhà tôi có một pho tượng Phật. Tôi có duyên may gắn bó với Ngài từ lâu lắm rồi và sau khi ra viện, đích thân tôi đã chuẩn bị một chỗ trang trọng trong nhà rồi rước Ngài về thờ phụng. Từ đó, chúng tôi luôn gặp may.
          Bác sĩ điều trị bảo tôi coi như khỏi, không phải mổ nhưng còn phải nằm viện một hai tuần nữa để theo dõi thêm. Cả nhà tôi thở phào. Tôi bắt đầu ăn trả bữa và ngủ bù lại những ngày thức trắng vì lo âu. Tôi lên cân vùn vụt và chả ai bảo tôi là bệnh nhân cả. Bạn bè vào thăm còn bảo tôi « trốn việc cơ quan đi ở bệnh viện », chứ có ốm đau gì đâu. Đúng lúc ấy thì anh bạn cùng giường phải chuyển đi Việt Đức để mổ. Màng tim anh ta dầy lắm nên ảnh hưởng đến co bóp của tim, phải mổ để tách cái màng ấy ra. Anh ta bảo :  « Đúng là của thiên trả địa ông ạ, mình suốt đời ki cóp mua được căn hộ hỏa hồng, thế rồi lăn đùng ra ốm, chữa chạy mãi hết cả tiền, vay nợ khắp lượt, cuối cùng bí quá đành để vợ con đi ở nhờ, bán căn hộ đi mới có tiền nằm viện và trang trải nợ nần, không biết rồi khi xuất viện sẽ về nơi nao. » Anh còn rỉ tai tôi : « Mình còn may lắm đấy, ông ạ. Ối người cấp cứu vào đây, phát hiện ra bệnh, biết là chữa được nhưng đành về chờ chết vì quá tốn kém, nhà cửa, ruộng vườn lại đã bán hết cả rồi ». Bán tín bán nghi, hôm sau tôi lén ra phòng khám hóng hớt chuyện. Quả đúng vậy. Trớ trêu thay, cùng bổ ngữ "nhân dân", nhưng "nghệ sĩ nhân dân", "nhà giáo nhân dân" hay "thầy thuốc nhân dân"... đều rất cao quí và vinh dự, còn "bệnh nhân nhân dân" thì bần cùng và khốn nạn lắm lắm. Anh bạn vừa đi thì có người thế chỗ ngay. Đó là một chàng trai còn trẻ lắm, trên dưới ba mươi nhưng đi không nổi mà phải có hai người phụ nữ dìu, một già, một trẻ mà sau này tôi mới biết là mẹ và vợ anh ta.
          Thế là « giường khẩu » chúng tôi chính thức là hai nhưng thường xuyên có bốn, đủ cả thành phần nam, nữ, già trẻ và sồn sồn như tôi. Vì tôn thờ cái đẹp nên ngay từ phút đầu tôi đã lặng đi giây lát khi nhìn thấy chị vợ. Chị ta, hay nói đúng hơn là cô ta có dáng thon thả, nước da trắng mịn tuy hơi xanh, đôi mắt to đen láy luôn nhìn xuống buồn buồn, mái tóc mượt và dài búi cao gọn gàng làm nổi bật cái cổ cao trắng ngần mà nếu tôi là họa sĩ hay thi sĩ… Theo tôi, nếu căn cứ vào tiêu chí : « Nhất dáng, nhì da, thứ ba đến nét » thì cô đạt cả ba. Công bằng mà nói, những lúc hiếm hoi không bị con bệnh giày vò, anh chồng trông cũng điển trai ra phết. Nhưng thường thì anh hay nhăn nhó, mặt cau có, môi bặm lại như thể cố nén không để tiếng rên phát ra. Phải là người cùng lâm cảnh ngộ tương tự thì mới thông cảm được hết với anh. Anh bị tràn dịch màng tim, chữa chạy không chu đáo ảnh hưởng luôn đến gan. Bụng anh phình to như đàn bà có thai, luôn đau ngực, khó thở, không ra nằm, không ra ngồi vì nằm hay ngồi đều khó chịu như nhau. Bà mẹ và cô vợ phải thay nhau xoa bóp, nâng giấc, phục vụ anh từng li từng tí. Đôi lúc vào ban đêm, họ còn thay nhau ngồi cho anh tựa lưng vào cho dễ chịu. Rất thông cảm nên tôi không hề phàn nàn, kêu ca gì mà nhiều lúc còn giúp đỡ họ. Thực lòng, nói ra thì xấu hổ chứ tôi cảm thấy thinh thích vì không những được thường xuyên chiêm ngưỡng « người đẹp » mà còn được « ngủ cùng giường với nàng ».
          Chuyện ăn uống với tôi không thành vấn đề vì nhà ở gần nên đến bữa người nhà mang cơm vào, tôi ăn xong lại thu dọn mang về rửa. Nhưng đối với bệnh nhân ở xa, nhất là ở các tỉnh về  thì cách rách, lôi thôi lắm. Người nhà đi cùng bệnh nhân phải mang theo cả chăn màn, bếp dầu, bát đũa, gạo và thực phẩm… Ngày hai bữa, họ đặt bếp dầu ở cái sân vuông gần khu vệ sinh nổi lửa nấu nướng. Sân nhỏ nên bếp đặt san sát. Đàn ông, đàn bà, già có, trẻ có, người nông thôn, người thành thị đun đun nấu nấu cứ như trong hội nấu cơm thi thủa xưa vậy. Còn mùi bếp dầu khét lẹt thì cứ vô tư theo gió len lỏi khắp phòng bệnh. Sau bữa tối, khi người ốm đã đi nằm, họ tìm chỗ nào đó giải chiếu, buông màn, hoặc chẳng màn mùng gì hết cứ nằm phơi ra hành lang mà ngáy. Ban giám đốc bệnh viện thông cảm lờ đi. Vả lại, từ sáng sớm, họ đã dậy thu dọn « chiến trường » gọn gàng, cố không gây phiền hà cho bệnh viện.
          Sau mấy hôm, bệnh tình anh bạn « đồng sàng » có bớt đôi chút nên bà mẹ tất tưởi thu xếp về quê để còn « trông nom nhà cửa vườn tược và xem ông ấy cùng lũ con trai xoay xở ra sao khi không có bàn tay phụ nữ ». Đôi lúc tôi trò chuyện với anh chồng, nhưng thường là với cô vợ vì khi không bị cơn đau hành hạ, anh chồng ngủ mê mệt. Mức độ thân mật tăng dần. Có lúc, khi vợ đi vắng, anh đã nhờ tôi nâng dậy hoặc giúp đổi tư thế cho đỡ mỏi. Một lần, sau khi nhờ tôi đỡ ngồi dậy, anh ta thốt lên : « Anh ơi, nhục nhã quá, em không ngờ đời em lại ra nông nỗi này.  Em nai lưng làm như trâu, như ngựa, tưởng để cho vợ sung sướng, ai ngờ bây giờ em lại trở thành gánh nặng cho cô ấy. Thế mà nhiều lúc em còn gắt gỏng nữa chứ. Nghĩ lại, thấy mình vô lí nhưng rồi chứng nào tật ấy. Em thương vợ em quá mà chả biết làm thế nào cả. Hay là em chết quách đi để giải thoát cho cô ấy… ». Tôi vội bật ra như cái máy : « Chết, đừng nghĩ quẩn làm liều. Có khi cậu chết đi cô ấy còn khổ hơn ấy chứ. Chịu khó chạy chữa, thuốc thang, bệnh sẽ khỏi, rồi sẽ làm lại từ đầu. Vợ chồng cậu còn trẻ, tương lai còn dài cơ mà ». Tôi không ngờ mình nói đúng bài bản thế. Ý tôi là làm sao mà mình lại nói trơn tuồn tuột những lời sáo mòn, ngược với suy nghĩ của mình. Bởi vì, cách đó ít hôm, cô vợ đã buồn rầu cho tôi biết rằng, theo bác sĩ điều trị, bệnh tình chồng cô nguy kịch lắm rồi, chạy chữa tốn kém và mất thời gian lắm, mà nếu có qua khỏi thì cũng sống như phế nhân suốt quãng đời còn lại. Cô cũng nói thêm, hiện tiền mang theo sắp hết. Nhờ mẹ chồng về vay thêm mà mãi chưa thấy cụ lên. Có bữa cô đã phải nhịn ăn nhường người ốm, cố gắng tiêu pha dè xẻn.
          Một buổi chiều, lúc đi dạo chơi quanh viện về, tôi bỗng thấy « người đẹp » đang lảo đảo bên bếp dầu ở sân vuông. Tôi lao đến, kịp đỡ lấy em. Vặn nhỏ bếp dầu trên đặt xoong cháo đang sôi, tôi dìu em vào chiếc ghế băng gần đấy. Em tựa đầu vào vai tôi, mắt nhắm nghiền : « Cám ơn anh, em không sao đâu, chỉ hơi chóng mặt. Có lẽ vì tối qua ngủ ít và trưa nay chưa kịp ăn gì… » Tôi bỗng thấy mình sao vô tâm quá. Biết em đang gặp khó khăn, nhà mình gần và hoàn cảnh không đến nỗi nào mà không kịp thời giúp vợ chồng em. Em thở nhè nhẹ, còn trái tim tôi mặc dù tràn dịch đang đập gấp gáp. Tôi cứ ngồi ngây ra, không dám cử động, chỉ sợ làm tan biến đi phút giây huyền diệu ấy. Chúng tôi cứ ngồi lặng lẽ như thế, hai mươi phút, ba mươi phút, cũng không rõ nữa, chỉ biết là đêm đã buông xuống từ lâu và trong sân vuông vẫn bập bùng ngọn lửa…
          Khi bừng tỉnh, em bối rối xin lỗi tôi, lật đật chạy ra ngoáy ngoáy xoong cháo, cho thêm nước rồi quay lại ngồi bên tôi. Em vấn tóc lại cho gọn, rồi bằng một giọng đều đều, tâm sự : « Em khổ lắm, đời em như vậy là hết rồi, chẳng còn gì nữa cả. Bọn em mới lấy nhau được hơn một năm. Anh ấy là kĩ sư nông nghiệp, em dạy văn ở trường cấp hai thị trấn. Mà lương cán bộ và giáo viên thì anh biết rồi đấy, nuôi mình không nổi, nói gì đến dành dụm nên khi tổ chức cưới, bọn em phải vay mượn rất nhiều. Sau tuần trăng mật, anh ấy đã tìm mọi cách để kiếm tiền trả nợ. Kĩ sư nông nghiệp thời buổi này biết làm gì để kiếm ra tiền. Còn môn văn của em, cũng có học trò để dạy thêm đấy nhưng ở tỉnh lẻ, đa số là con em lao động nghèo nên thu nhập chả là bao mà dạy văn phải nói nhiều mệt lắm nên nhà em không muốn cho dạy nhiều. Thương vợ và cũng vì sĩ diện với bạn bè nên anh ấy đã xin thôi việc ở Sở để cùng một số bạn rủ nhau đi đào vàng. Em can ngăn mãi mà không được. »
          « Vài tháng sau, anh ấy trở về, dúi vào tay em một ít vàng nhưng mang theo về tấm thân tàn ma dại. Em phải bán đi ít vàng lấy tiền thuốc thang, bồi bổ cho anh ấy. Khi đã phần nào bình phục, anh ấy lại ra đi, em ngăn thì bị mắng : « Đàn bà con gái biết gì mà chõ vào việc đàn ông » và « Là thằng đàn ông mà không nuôi nổi vợ thì nhục lắm, thà chết quách cho xong ! ». Biết đã trót nặng lời, anh ấy vớt vát : « Hãy để anh đi thử vận may lần nữa, đủ vốn mở một cửa hàng nho nhỏ là anh về với em ngay ». Nhưng vốn chưa kiếm đủ thì anh ấy lại đổ bệnh, không đi nổi mà phải có người dìu về. Em lại lo chạy thầy chạy thuốc, nhưng bệnh mãi không thuyên giảm. Bệnh viện huyện chuyển tỉnh, tỉnh cũng bó tay, bảo phải lên bệnh viện trung ương, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Số vàng kiếm được cứ không cánh mà bay mà nợ vẫn hoàn nợ. Không những không dạy thêm được mà em còn phải nghỉ dạy ở trường để đi chăm sóc anh ấy. Không hiểu đời em sẽ ra sao, từ lúc lấy nhau đến giờ, em đã kịp biết thế nào là hạnh phúc đâu anh… » Nói đến đây, cổ em như nghẹn lại. Em lấy khăn mùi xoa kín đáo đưa lên đôi mắt ngấn lệ. Không biết nói gì lúc này, tôi bùi ngùi, mím môi gật gật đầu biểu lộ sự cảm thông sâu sắc.
          Cùng cảnh ngộ, cùng chia xẻ một cái giường cá nhân trong viện nhưng hoàn cảnh của tôi và anh bạn lại khác xa nhau. Hầu như ngày nào tôi cũng có người vào thăm mang cho đủ thứ : đường, sữa, hoa quả, thuốc bổ và cả những bông hoa tươi thắm. Cơ quan đối tác còn cử cả phái đoàn gồm thủ trưởng và vài em xinh xắn, trẻ trung mang đến cho tôi một bó hoa và một phong bì để « anh bồi dưỡng cho mau lại sức ». Trong khi anh bạn thì ít người thăm lắm. Sau khi anh nhập viện ít ngày, có vài người nhà đến thăm, rồi vài người bạn đào vàng, một người bạn cũ ở Sở Nông nghiệp, thế thôi. Nước chảy chỗ trũng, cuộc sống của tôi vốn dễ chịu thì lại được dễ chịu hơn, trong khi hoàn cảnh khó khăn của anh bạn thì càng khốn khó hơn. Sau buổi bắt gặp em lảo đảo bên xoong cháo, tôi quyết định chia sẻ với vợ chồng em những gì tôi « gặt hái » được sau khi khách thăm ra về. Mới đầu họ không chịu. Tôi phải nói đi nói lại, thậm chí có lúc gắt lên họ mới chấp nhận.
          Thời gian vẫn ì ạch trôi trong cái không khí nặng nề, đơn điệu và buồn tẻ ở cái phòng bệnh nhân kiêm hành lang ấy. Sức khỏe tôi hồi phục rõ rệt. Trừ những lúc phải đi tiêm, uống thuốc hay làm một số xét nghiệm, tôi dành thời gian đọc sách, báo do người nhà mang vào. Bệnh tình anh bạn trẻ đồng sàng không đỡ nhưng cũng không tăng lên. Có lẽ nhờ thuốc. Buổi tối, trước khi đi nghỉ, tôi có thói quen tản bộ quanh viện. Cũng có buổi, sau khi lo cho chồng ăn xong, em xin phép chồng đi dạo cho khuây khỏa. Chúng tôi gặp nhau, vừa đi vừa trò chuyện và thường dừng lại bên một cái đài phun nước cũ kĩ, mốc meo, lọt thỏm trong đám cây to cành lá xum xuê. Lúc ấy đang tuần trăng, ánh trăng lấp lánh xuyên qua tán lá rọi xuống mảnh sân nhỏ. Cứ mỗi cơn gió, muôn vàn những mảnh trăng lung linh nhảy nhót, nhảy nhót theo tiếng gió vi vu, tiếng lá rơi xào xạc. Tôi bỗng thấy mình không phải đang nằm viện mà đang dạo chơi trong công viên. Còn em, vẻ mơ màng, thì thầm : « Ôi tuyệt diệu quá, em thấy mình như đang lạc vào thế giới Anđécxen ! ». Chúng tôi nói chuyện cuộc đời, chuyện văn chương. Nói mãi mà không hết chuyện. Nói mãi mà không chán. Lúc ấy tôi mới phát hiện thêm một nét quyến rũ nữa ở em là giọng nói say sưa, đầy truyền cảm khi em nói về những tác phẩm mình tâm đắc. May là tôi cũng có chút máu văn chương trong huyết quản nên cũng đóng được vai trò « Bá Nha, Tử Kì » ở bên em. Sau những lần dạo chơi, tôi thấy ánh mắt em đỡ xa xăm, và những nụ cười hiếm hoi đã đôi lúc nở trên môi em. Tôi thấy vui lắm vì mình đã làm cho đời em đỡ hiu quạnh.
          Nhưng rồi niềm vui của tôi và cuộc sống mộng mơ của em trong thế giới huyền thoại Anđécxen ấy không kéo dài được lâu. Bác sĩ trưởng khoa cho biết anh bạn « kĩ sư kiêm thợ đào vàng » chuẩn bị làm thủ tục xuất viện. Các bác sĩ bó tay, nói theo từ thông thường là « bệnh viện trả về ». Em buồn hẳn đi. Còn tôi, lẫn lộn giữa buồn thương và nuối tiếc. Tôi đã kịp nhắn người nhà mua tập truyện Anđécxen. Lúc gặp riêng, tôi đã tặng em cuốn truyện và khẽ nói : « … để nhớ mãi những đêm trăng bên đài phun nước… ». Tối hôm ấy, không hẹn nhưng khi đến đài phun nước tôi đã thấy bóng em ngồi đó. Trăng vẫn len lỏi xuyên qua tán lá xuống sân nhưng không nhảy nhót, lá vẫn rơi nhưng không xào xạc. Cũng không nghe thấy côn trùng râm ran dạo nhạc như mọi khi. Tôi nhẹ nhàng bước đến đặt tay lên bờ vai em. Em ngước lên, mắt nhòa lệ lấp lánh ánh trăng. Không thể đừng được, tôi ôm chầm lấy em, hôn tới tấp lên đôi mắt đẫm lệ. Em run rẩy trong vòng tay tôi. Rồi em choàng tay lên cổ tôi. Thời gian ngưng đọng. Không gian thu hẹp. Mọi nỗi đau trong bể khổ cuộc đời bỗng chốc như tan biến. Chỉ có tôi và em hiện hữu, đêm trăng, bên đài phun nước, trong nụ hôn nồng nàn, mãnh liệt và bất tận…
          Phải chia tay với họ, lòng tôi buồn vô hạn. Tôi thấy ngượng với anh chồng vì có lần đã trót nói những lời sáo rỗng mang tính « lạc quan tếu » để an ủi anh. Nhưng suy cho cùng thì bất kì ai ở địa vị tôi lúc ấy cũng nói những lời tương tự. Vả lại, trên đời này, vô vàn con người vẫn sống bằng hi vọng kia mà, dẫu biết rằng đó chỉ là hi vọng hão huyền. Và cũng có vô số những kẻ nói dối và hứa hẹn suông một cách ngon ơ cơ mà. Người Pháp cũng nói : « Có những sự thật không nên nói ra »… Nghĩ vậy, tôi thấy yên lòng phần nào. Tôi tiễn họ ra tận xích lô. Một tay khoác lên vai tôi, anh chồng bước chậm chạp, nặng nề. Em lặng lẽ đi bên, một tay xách cái va li nhỏ, một tay xách túi lỉnh kỉnh bếp dầu và những thứ linh tinh. Tôi bắt tay anh chồng, và lại phát ra những lời động viên vô nghĩa. Tôi chào tạm biệt em. Em lí nhí : « Vợ chồng em cảm ơn anh nhiều lắm ! » rồi đôi mắt đẹp buồn buồn lại nhìn xuống như hôm nào em đưa chồng nhập viện. Tôi dõi theo chiếc xích lô xa dần, ngơ ngác. Tim tôi chợt nhói lên khi nghĩ đến chuỗi ngày sắp tới của em bên người chồng tật bệnh. Văng vẳng trong gió, bỗng vọng về những vần thơ bất hủ của Ronsard[1] :

« Người đẹp ơi, cùng anh đi xem
Bông hồng sớm nay hé mở
Bộ cánh hồng tươi lấp lánh ánh trời
Chiều nay liệu có còn không
Sắc hồng thắm tươi nếp áo
Và làn da mịn tựa da em.

Hỡi ôi ! qua đi ban mai
Sắc đẹp hồng đã tàn phai !
Bông hoa thắm tươi nhường ấy
Mà sao sớm nở tối tàn
Thiên nhiên, ôi thật phũ phàng ! »[2]



Rồi tôi buồn man mác…







· Lời ông Triệu trong buổi lễ bàn giao công tác với bà Tiến
[1] Pierre de Ronsard (1524-1585) : nhà thơ Pháp thời Phục hưng, người đầu tiên đưa thiên nhiên và tình yêu vào thơ ca, ông tổ thơ trữ tình Pháp.
[2] VĐT dịch từ nguyên văn tiếng Pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét